Góc nhìn văn hóa

Đã đến lúc dám ước mơ lớn hơn

Chương trình nghệ thuật Khai mạc Festival Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh 2023 vừa diễn ra thành công với sự hưởng ứng nhiệt thành của người dân xứ Nghệ. Những phần dàn dựng hoành tráng, công phu, với sự hỗ trợ của công nghệ âm thanh ánh sáng hiện đại, hiệu ứng sân khấu 3D mapping đỉnh cao đã tái hiện một miền “non xanh nước biếc”, làm nức lòng những khán giả có mặt. Chương trình một lần nữa khẳng định sức sống bền bỉ, và sự lan tỏa mạnh mẽ của dân ca Ví, Giặm trong đời sống đương đại. Chương trình cũng khiến những người gắn bó với dân ca Ví, Giặm đặt ra câu hỏi, liệu đã đến lúc chúng ta cần thay đổi lối suy nghĩ cũ để nghĩ lớn, ước mơ lớn hơn và rằng dân ca Ví, Giặm phải trở thành một thể loại nghệ thuật phổ biến không chỉ cho người dân xứ Nghệ mà còn cho cả nước thậm chí sẽ được phổ biến rộng rãi trong cộng đồng người Việt Nam trên toàn thế giới.

Chương trình Nghệ thuật “Ví, giặm - Tinh hoa tỏa sáng”

1. "Không thể thay đổi cách nghĩ, chẳng thể thay đổi bất cứ điều gì"

NSND Hồng Lựu từng chia sẻ về quá trình  “đấu tranh” để ngành chức năng làm hồ sơ đề nghị UNESCO ghi danh loại hình diễn xướng dân ca Ví, Giặm cách đây nhiều năm: “Rất nhiều người nghi ngại và nghĩ rằng chúng tôi nghĩ viển vông. Nhiều ý kiến cho rằng: nếu Nhã nhạc cung đình Huế hay không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên nó có hồ sơ sẵn rồi, còn Ví, Giặm thì có cái gì mà làm hồ sơ? Tôi bảo, hồ sơ nó nằm trong chính người dân, trong chính hơi thở cuộc sống thường ngày của nhân dân lao động. Hãy đi, hãy đến, hãy hòa mình với đời sống nhân dân. Đó chính là hồ sơ chứ còn đâu?”

Nếu những con người năm đó không tâm huyết, không bền bỉ đến cùng để dân ca Ví, Giặm được công nhận, thì có lẽ giấc mơ UNESCO thực sự “viển vông”. Gần 1 thập kỷ sau ngày giấc mơ đó trở thành hiện thực, đời sống văn hóa giải trí ngày càng phong phú đa dạng, kèm theo mối lo về chỗ đứng của dân ca Ví, Giặm trong đời sống đương đại.

 

Tiết mục “Phường vải Trường Lưu” do các diễn viên Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Hà Tĩnh biểu diễn.

Ảnh Xuân Thủy

Nhưng những tràng vỗ tay nhiệt liệt, những ánh mắt tự hào, những tiếng ồ à ngưỡng mộ trong đêm Khai mạc Festival Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh 2023 đã khẳng định một lần nữa giá trị của Ví, Giặm, tình yêu Ví, Giặm vẫn vẹn nguyên, và đã đến lúc chúng ta cần nghĩ về những giấc mơ lớn hơn, tham vọng hơn về những cách biểu đạt di sản, để sức sống Ví, Giặm ngày càng được lan tỏa.

2. “Đi đến tận cùng dân tộc, chúng ta sẽ gặp nhân loại”

Điệu Flamenco (Tây Ban Nha), điệu Tango (Argentina, Uruguay) đều là những di sản văn hóa được UNESCO công nhận. Những di sản này đã có sức lan tỏa mãnh liệt, những điệu nhảy đã ra khỏi biên giới Tây Ban Nha, Argentina, Uruguay, để xuất hiện trong những cuộc thi trình diễn khiêu vũ quốc tế, xuất hiện trong các giáo trình tại các trường học trên thế giới. Trong ẩm thực, bánh Pizza, mỳ Ý đâu chỉ được phục vụ tại những nhà hàng nước Ý, Sushi, sashimi đâu chỉ xuất hiện trên bàn ăn của các gia đình Nhật Bản, mà những giá trị văn hóa ẩm thực đó được cả thế giới thưởng thức.

Chương trình Khai mạc Festival Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh 2023 có sự tham gia biểu diễn của 2 ca sĩ nước ngoài là Cee Jay (Nigeria) và Kyo York (Mỹ). Họ là những người bạn từ các châu lục khác, vì yêu Việt Nam mà ở lại, học tiếng Việt, và vì yêu xứ Nghệ, yêu dân ca Ví, Giặm mà có mặt trong đêm nhạc đặc biệt này. Chắc hẳn họ đã rất cố gắng trong quá trình tìm hiểu xứ Nghệ, tìm hiểu ca khúc, luyện giọng để phù hợp giai điệu ca từ của bài hát và thể hiện những ca khúc mang âm hưởng Ví, Giặm, tôn vinh xứ Nghệ, trên sân khấu lớn, trước mắt là hàng ngàn khán giả Nhân dân xứ Nghệ.

 

Các ca sĩ Cee Jay đến từ Nigeria (ảnh trên) và Kyo York đến từ Mỹ trên sân khấu Festival Dân ca Ví, Giặm. Ảnh: Xuân Thủy

Chúng ta đã có “áo dài”, “bánh mì”, “phở” xuất hiện trong từ điển Oxford, chúng ta có món bún chả - Việt Nam được đưa vào cuốn cẩm nang ẩm thực mừng Đại lễ Bạch kim của Nữ hoàng Anh, chúng ta vui khi nhìn thầy hình ảnh tỷ phú Bill Gates trệu trạo nhai trầu giữa sân đình làng của Bắc Ninh, và bây giờ, chúng ta cũng có thể mừng vui và tự hào khi thấy dân ca Ví, Giặm xứ Nghệ được vang lên bởi những người bạn nước ngoài trong một Festival Dân ca Ví, Giặm.

“Festival” là một từ tiếng Anh nghĩa là “lễ hội”, “liên hoan”. Festival Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh 2023 là một đêm hội, là nơi gặp gỡ, chia sẻ tình yêu Ví, Giặm, và không ngoài mục đích giới thiệu những tinh hoa của loại hình dân ca đặc biệt này tới đông đảo bạn bè trong nước và quốc tế, góp phần gìn giữ, phát huy và lan tỏa mạnh mẽ giá trị của di sản trong đời sống đương đại.

Đặc trưng của dân ca Ví, Giặm là gắn liền với đời sống lao động, sinh hoạt đời thường của người dân, không cần nhạc đệm, không cần chuẩn bị về trang phục hay không gian, không chỉ hát theo bài bản, lề lối có sẵn mà phải vừa hát vừa sáng tác, ứng khẩu, vừa đối phó với những tình huống xảy ra liên tục từ đầu cho đến cuối cuộc hát. Chủ yếu các bài hát được lưu truyền theo phương thức truyền miệng, lưu giữ bằng ký ức và thế hệ sau tự học thế hệ trước theo phương thức tự nguyện, tự nhiên. Không gian diễn xướng mở, không có luật lệ nghiêm ngặt, không phân biệt trên dưới, sang hèn. Giai điệu, làn điệu, ca từ của Ví, Giặm rất uyển chuyển, người hát có thể tùy cơ ứng biến cho phù hợp với hoàn cảnh, tâm trạng bản thân.

Đặc trưng “mở” này đã dẫn đến hiện tượng có rất nhiều ca khúc phát triển, hoặc mang âm hưởng Ví, Giặm của các nhạc sĩ hiện đại và nhiều ca khúc phổ biến rộng rãi trên cả nước.

 

Ca sĩ Tân Nhàn thể hiện ca khúc“Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò Ví, Giặm”. Ảnh: Đức Anh

Ca sĩ Tân Nhàn - một nghệ sĩ thường mang đến những sân khấu âm nhạc lớn những ca khúc mang âm hưởng dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh. Trong đêm Khai mạc Festival Ví, Giặm vừa qua, chẳng ai mà không xúc động khi nghe cô hát “Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò Ví, Giặm”, và chắc hẳn nhiều người sẽ bất ngờ khi biết, cô sinh ra và lớn lên ở miền Bắc.

Cách tiếp cận này cũng như việc hàng năm, có hàng trăm nghệ sĩ, đoàn nghệ thuật của Việt Nam nhận lời mời tham gia biểu diễn trong các liên hoan nghệ thuật trên khắp thế giới, từ âm nhạc cổ điển, đến sân khấu dân gian truyền thống, xiếc, kịch nói, âm nhạc đương đại... Rất nhiều người trong số đó không chỉ tham gia với tư cách là nghệ sĩ biểu diễn mà còn là thành viên giám khảo quốc tế tại các cuộc thi âm nhạc lớn. Hình ảnh những nghệ nhân kinh nghiệm gắn bó nhiều năm với Ví, Giặm trên sân khấu, chúng ta vô cùng trân trọng. Và nhìn những người bạn không phải xuất thân từ quê hương xứ Nghệ, phát âm chưa chuẩn chỉnh, nhưng vẫn tươi vui thể hiện cái chất, cái hồn của Ví, Giặm khiến chúng ta cảm thấy tự hào và nhận thấy một tín hiệu tích cực. Không gian của Ví, Giặm đã vươn xa, không chỉ trên địa bàn hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh. Âm nhạc nghệ thuật luôn có một sức hút lớn, tác động mạnh mẽ tới tâm hồn của mỗi con người và được lan tỏa mạnh mẽ không bị ngăn cản bởi vị trí địa lý, dân tộc hay giới tính. Tính Nguyên bản - Hội nhập là hai yếu tố vô cùng quan trọng để tránh bị mai một và tạo nên sức sống mãnh liệt cho mỗi loại hình nghệ thuật trên thế giới ngày nay, trong đó có Ví, Giặm Nghệ Tĩnh.

3.     Để sự sáng tạo nghệ thuật đưa Ví, Giặm bay xa

Nếu như trước đây nhắc đến Ví, Giặm, người ta chỉ nghĩ đến những sân khấu với bối cảnh làng quê, những đạo cụ như bó lúa, quang gánh, con thuyền… những nghệ sĩ chèo thuyền, hay quay sợi dệt vải. Nhưng chương trình vừa qua đã mang đến một phương thức biểu đạt mới và mang đến những cảm xúc mới cho khán giả, định hình một con đường mới cho những người làm công tác quảng bá nghệ thuật truyền thống.

 

Tiết mục hát múa “Điệu Ví Giặm là em” do ca sĩ Bùi Lê Mận thể hiện. Ảnh: Đức Anh

Lễ khai mạc là một chương trình nghệ thuật đặc sắc, được làm theo hình thức bán thực cảnh kết hợp công nghệ 3D mapping hiện đại. Công nghệ âm thanh ánh sáng đỉnh cao đã vẽ lại bức tranh non xanh nước biếc bằng ánh sáng, mang đến cho người xem những trải nghiệm hình ảnh chân thực sống động, ấn tượng và đưa âm nhạc Ví, Giặm chạm đến mọi giác quan. Bảng đèn LED matrix với nhiều cụm đèn LED được sắp xếp tạo hình thành các hàng, cột, uốn lượn, nối tiếp nhau được lập trình theo kịch bản giống như một ma trận huyền bí, thu hút người xem.

Những chuyển động ánh sáng tinh tế đã minh họa những câu chuyện về mạch nguồn, cảm hứng cũng như sự lan tỏa của những câu hò điệu ví đến với đời sống nhân dân trong nước và cộng đồng người Việt ở nước ngoài.

Ví, Giặm - Tinh hoa tỏa sáng. Ảnh: Xuân Thủy

Ví giặm của vẻ đẹp thiên nhiên, con người xứ Nghệ hiện lên long lanh, tinh tế và được tôn vinh bằng nghệ thuật. Chương trình là đêm hội của âm thanh và ánh sáng, thể hiện sức sáng tạo không giới hạn của các nghệ nhân, nghệ sĩ trên nền tảng cốt lõi là các giá trị di sản văn hóa dân tộc, tạo nên một làn gió mới, cách tiếp cận và biểu đạt mới cho các di sản truyền thống trong nhịp sống đương đại, thu hút sự theo dõi của đông đảo nhân dân và du khách.

Sau thành công của chương trình, một bài toán đặt ra đối với những người tâm huyết gắn bó với Ví, Giặm, đó là trong thời gian tới, sẽ phải tìm tòi thêm những cách biểu đạt mới, cập nhật những công nghệ hiện đại tiên tiến của thế giới, để góp phần quảng bá một di sản, một vốn quý của quê hương.

 

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114512166

Hôm nay

2103

Hôm qua

2389

Tuần này

2103

Tháng này

219039

Tháng qua

121356

Tất cả

114512166