Góc nhìn văn hóa

Đặc trưng của hoa văn trên hiện vật vải của dân tộc Thái tại Bảo tàng Nghệ An

Trải qua hàng trăm năm sinh sống lao động và sản xuất, người Thái ở Việt Nam nói chung và ở Nghệ An nói riêng đã tạo dựng cho mình một bản sắc văn hóa độc đáo, đặc trưng góp phần làm nên một nền văn hóa Việt Nam phong phú và đậm đà bản sắc.

Hiện nay, Bảo tàng Nghệ An đang lưu giữ và và bảo quản hàng nghìn tài liệu hiện vật từ thời tiền sơ sử đến nay. Trong đó, có rất nhiều hiện vật vải của rất nhiều dân tộc như Thái, Thổ, Khơ Mú, Ơ Đu, Đan Lai, Vân Kiều… và phong phú hơn cả là hiện vật vải của dân tộc Thái với 82 hiện vật với rất nhiều hoa văn đẹp và đặc sắc.

Để có những sản phẩm thổ cẩm nhiều màu sắc, đa dạng văn hóa là cả một quá trình chiêm nghiệm, sáng tạo của con người, qua đôi bàn tay khéo léo, cần cù của người phụ nữ. Phụ nữ Thái đã tạo ra những sản phẩm tinh hoa mang hồn cốt văn hóa dân tộc. Nhưng đặc trưng hoa văn thổ cẩm của người Thái thường theo mô típ tượng trưng, cách điệu các hình tượng từ thiên nhiên nhằm khắc họa đời sống sinh hoạt của đồng bào và thể hiện ước mơ của con người. Qua thẩm mĩ và tài nghệ của người phụ nữ, chúng được kết hợp khéo léo, cân đối, hài hòa toát lên tình cảm, suy nghĩ của con người về cuộc sống xã hội và tự nhiên.

Bên cạnh đó, quan điểm thẩm mĩ của đồng bào dân tộc Thái thể hiện qua họa tiết hoa văn trên trang phục làm nổi bật nét tinh hoa văn hóa, quan điểm thẩm mĩ của dân tộc mình, biến những trang phục cùng nghệ thuật tạo hình hoa văn trên đó không chỉ là đồ mặc thông thường trong ngày lễ tết, lễ hội, hay cưới xin mà còn mang tính thẩm mĩ độc đáo, đi sâu vào đời sống tâm linh của cộng đồng.

“Úp bàn tay thành hình muôn sắc/Ngửa bàn tay thành hoa muôn màu”, đó là cách ví von bàn tay khéo léo của người phụ nữ Thái một khi đã thành thạo trong tạo hình hoa văn thổ cẩm, hay nói cách khác là kể chuyện bằng hoa văn họa tiết. Hoa văn thường thấy trên hiện vật thổ cẩm Thái tại Bảo tàng Nghệ An là hình mặt trời, hình trăng sao, muông thú (voi, hươu, chim bồ câu, rồng…), hoa cỏ… Mỗi loại hoa văn đều có ý nghĩa, đều thể hiện tâm tư, ước nguyện của người thêu gửi gắm lên đó. Cụ thể các hoa văn được thêu dệt trên hiện vật vải của người Thái tại Bảo tàng Nghệ An như sau:

Hoa văn rồng đối xứng (sóng ngược), rồng hai đầu. Hình ảnh đôi rồng đối xứng nhưng vẫn gắn kết với nhau hoặc rồng hai đầu hoặc là đôi chim bồ câu thường được người Thái gắn với tình cảm vợ chồng. Vì vậy mà người Thái dệt hoa văn rồi đối xứng, rồng hai đầu, đôi chim bồ câu (vợ chồng liền tâm) để bày tỏ lòng mong muốn có một cuộc sống gia đình hạnh phúc.

  

  Váy có hoa văn rồng đối xứng của bà Lương Thị Lan dân tộc Thái ở bản Mác, xã Thạch Giám, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An tự dệt dùng để mặc (Váy: BTNA. 5676/V.465)

Váy là trang phục truyền thống thể hiện nét đẹp văn hóa, tín ngưỡng, lối sống của dân tộc Thái ở miền Tây Nghệ An. Váy gồm 3 phần: Phần lưng màu trắng, dệt bằng sợi bông, phần thân nhuộm chàm màu đen, phần chân thêu bằng sợi tơ, nhuộm nhiều màu rồi thêu trên nền vải bông gồm hoa văn hình thoi, hoa văn hoa mướp, hình 4 con rồng, hoa văn cầu vồng 7 màu kiểu sọc ngang, phần chân váy chỉ một màu trắng thêu chân rết.

Váy của chị Lương Thị Xuân, bản Xốp Pột, xã Kim Đa, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An. Tự dệt, tự thêu để sử dụng vào thời gian từ năm 1990 đến 2002. Sọc ngang, màu đỏ, đen, vàng, xanh. Hình 5 đôi chim bồ câu, dây hoa lá. (Váy: BTNA. 430/V.51)

 Con voi là loài vật to nhất trong các loài động vật sống trong rừng, có sức mạnh phi thường, sống tập trung bầy đàn thể hiện tình đoàn kết và đùm bọc lẫn nhau. Khi xưa, voi còn giúp người Thái thồ hàng qua núi rừng, qua sông suối. Chính vì vậy mà người Thái dệt hoa văn con voi để bày tỏ lòng yêu mến con vật này, đồng thời cũng để ca ngợi tính trung thành và tính cộng đồng của đàn voi.

Mặt chăn sử dụng trong gia đình do chị Lương Thị Long, bản Xiềng Lằm, xã Hữu Khuông, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An tự dệt để sử dụng. Nền đỏ, thêu hình con voi, màu tím, xung quanh hoa văn kỷ hà màu trắng, tím, vàng, hoa văn hình ô vuông, hình bông hoa 4,5,6 cánh. Sưu tầm năm 1998. (Mặt chăn: BTNA 421/V. 42)

Một loại hoa văn hay gặp trong thổ cẩm của người Thái, đó là hình con Hươu. Theo quan niệm của người Thái, đây là con vật tượng trưng cho sự tự do và trung thành. Có câu chuyện kể về một cậu bé nghèo chăm sóc con hươu, bảo vệ nó khỏi lão đồ tể gian ác. Cậu bé và con hươu trở thành bạn thân. Sau đó cậu bé đi học xa, không kịp chào từ biệt Hươu. Hươu lớn lên và trở thành đầu đàn. Một ngày nó ăn được một ít muối của những người đi rừng làm rơi và nhớ lại vị cơm nắm muối mà cậu bé mang lên nuôi nó. Hươu tìm về cái hang mà cậu bé từng dấu và chờ người bạn thơ ấu. Cậu bé giờ đã thành đạt, một ngày về thăm quê nhà, nhớ con hươu ngày nào nên lên cửa hang tìm hươu không thấy, chỉ thấy một cái cây thân như sừng hươu và có hoa trắng tinh khôi thơm ngát… Đây là một trong những câu chuyện kể về hoa văn trên nền thổ cẩm được dệt bởi bàn tay khéo léo của phụ nữ Thái.

 

 Tranh của bà Sầm Thị Bích, thôn Hoa Tiến, xã Châu Tiến, huyện Qùy châu, tỉnh Nghệ An. Tranh Hươu: BTNA 6166/V.535

Tranh thổ cẩm của dân tộc Thái, hình chữ nhật. Trên mặt tranh được dệt 4 con hươu có các chấm sao màu đỏ và màu xanh trên thân hươu, thêu hoa văn hình học với màu sắc chủ đạo tím, xanh, đỏ, xung quanh được bo diềm chỉ màu đỏ và hồng rộng 3cm hình sóng nước.

 

Chăn do bà Lang Thị Lan, 55 tuổi xã Châu Hạnh, huyện Quỳ Châu tự dệt để sử dụng. Hai mặt, 1 bên vải thô trắng, 1 bên thêu hình 2 con hươu màu trắng, xung quanh thêu hoa lá nhiều màu. Màu sắc chủ đạo là màu trắng, xanh, vàng, nâu và tím. (Chăn BTNA 428/V.48)

  Qua đây, chúng ta có thể biết được mỗi sản phẩm dệt thổ cẩm được sản xuất theo phương pháp thủ công truyền thống, với những chiếc váy, những tấm vải đủ màu sắc, hoa văn mang đậm giá trị văn hóa truyền thống của địa phương. Các mẫu mã được lấy từ thực tế cuộc sống và cách điệu tạo nên những hoa văn sặc sỡ, mềm mại, uyển chuyển công phu và đầy sáng tạo.

 

(Bài đã đăng VHTT Nghệ An, số 10 - Tháng 8/2023)

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114446041

Hôm nay

2256

Hôm qua

2285

Tuần này

21650

Tháng này

212300

Tháng qua

120141

Tất cả

114446041