Đất và người xứ Nghệ

Đền thiêng bên núi Pu Đên

Đền Choọng. Ảnh: Nguyễn Hậu

Ở một huyện miền núi Tây Bắc xứ Nghệ có một ngôi đền thiêng ghi dấu ấn lịch sử dựng nước và giữ nước của Nhân dân ta. Điều đặc biệt, ngôi đền này gắn với những chiến công hiển hách, đức hy sinh vì nước và câu chuyện tình cảm động của đồng bào Thái Nghệ An. Đó là đền Choọng - một địa điểm tâm linh, một di tích lịch sử  văn hóa ở huyện Quỳ Hợp.

Ngôi đền nằm bên ngọn núi Pu Đên (tiếng Thái nghĩa là Núi Đền) thuộc xã Châu Lý. Pu Đên nằm ở trung tâm Mường Choọng, giữa trập trùng mây ngàn gió núi và biêng biếc rừng xanh, dòng Nậm Choọng bao quanh chân núi càng tạo nên vẻ đẹp non nước hữu tình.

Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Thái Tâm, Đền Choọng được dựng lên, đầu tiên là để thờ Căm Lạn, người thuộc dòng họ quý tộc Lo Căm ở Mường Tôn (Quế Phong ngày nay). Căm Lạn là người được thủ lĩnh Mường Tôn cử xuống vùng này để mở rộng đất đai, xây dựng mường mới. Khi ông mất, đồng bào Mường Choọng đã xây một ngôi đền để thờ cúng ông. Sau khi Căm Lạn qua đời, em gái ông là “Nang Phốm Hóm” xuống ở bản Choọng để trực tiếp cai quản dân Mường Choọng, đồng thời trông coi việc thờ cúng đền thờ Căm Lạn. Khi “Nang Phốm Hóm” chết, dân Mường Choọng đã làm một ngôi đền mới, gọi là đền Choọng, để thờ nàng. Ngôi đền ấy vẫn còn đến ngày nay.

Ông Từ giữ đền là một người đàn ông trung niên, trên 50 tuổi, gương mặt hiền hậu, vẫn thong thả quét lá trên sân đền thượng. Những tán lá bồ đề, lá đa xào xạc đung đưa như gợi nhớ chuyện người xưa. Chúng tôi gợi chuyện về sự tích ngôi đền, ông từ ôn tồn kể:

“Theo truyền thuyết dân gian kể lại: Xưa, nơi đây có một bản người Thái gọi là Mường Choọng, nơi gắn với huyền sử về một người con gái xinh đẹp có công lớn trong cuộc kháng chiến chống giặc Minh xâm lược vào thế kỷ XV, tên là Nang Phốm Hóm - tiếng Thái nghĩa là Nàng Tóc Thơm. Nàng Tóc Thơm mang vẻ đẹp của núi rừng Mường Choọng, đặc biệt, nàng nổi bật với phẩm chất thông minh, lanh lợi, mái tóc nàng lúc nào cũng thoang thoảng mùi thơm của hương hoa rừng, bồng bềnh như mây núi.

Du khách dâng hương tại Đền Choọng. Ảnh: Hữu Vinh

Thuở ấy, quê hương bị giặc Minh giày xéo, nàng và dân bản đã sát cánh cùng nghĩa quân Lam Sơn lao động và chiến đấu. Có một vị tướng trẻ của nghĩa quân Lam Sơn đã gặp và đem lòng yêu nàng, hai người đã cùng nhau hẹn thề duyên chồng vợ. Vị tướng trẻ đã tin tưởng giao cho nàng nhiệm vụ tích trữ lương thảo nuôi quân. Nang Phốm Hóm đã ngày đêm ra sức vận động bà con tăng gia sản xuất, làm ruộng, dệt vải tiếp tế cho nghĩa quân. Nhờ vậy, tin vui thắng trận của nghĩa quân liên tiếp truyền về làm cho nàng và Nhân dân Mường Choọng vui mừng khôn xiết. Vào một buổi chiều, nàng Tóc Thơm ra bờ Nậm Choọng gội đầu, nàng sơ ý đánh rơi chiếc lược, nàng với tay lấy lược nên đã trượt chân ngã và bị dòng nước dữ cuốn đi. Nhận được tìn người yêu mất, tướng quân tức tốc quay về và cho quân lính đào xới đất đá chất thành núi tìm người yêu nhưng vẫn không thấy nàng đâu, chỉ thấy những sợi tóc thơm như hương hoa núi rừng Mường Choọng. Tiếc thương nàng, Nhân dân đã lập đền thờ trên đồi đất mà tướng quân và binh lính đã đào xới tìm nàng. Ngôi đền được hình thành như vậy đấy. Ông Từ chỉ ra khuôn viên của đền và cho chúng tôi biết, đó là 16 viên đá cổ được dùng làm đế kê cột đền, chứng tích duy nhất vẫn còn giữ được đến ngày nay”.

Kiến trúc đền Choọng gồm thượng điện và hạ điện. Thượng điện có kết cấu ba gian, hai hồi, 4 vì uy nghi, bề thế với ba cung thờ: Cung chính giữa thờ Nang Phốm Hóm và Hạt lúa cổ bằng gỗ mít bên trong đựng gạo để thờ. Việc thờ hạt lúa thể hiện khát vọng của cư dân nông nghiệp về một cuộc sống sung túc lúa gạo đầy nhà; đồng thời gợi nhớ tích xưa Nang Phốm Hóm quyên góp lương thảo nuôi quân đánh giặc. Bên cạnh là bức tượng một người phụ nữ Thái với trang phục truyền thống, đầu đội khăn piêu, mặc áo cóm đính hai hàng khuy ở giữa, váy khắc các hình hoa văn truyền thống của người Thái ở Mường Choọng.

Hạ điện cũng có kết cấu ba gian, cột chôn, được làm bằng gỗ lim. Đây là nơi họp bàn, chuẩn bị tế lễ để lên đền chính.

Ngoài ra, đền Choọng còn có các công trình như: nghi môn, sân lễ hội, miếu sơn thần, hồ bán nguyệt và nhà quản lý... Hiện đền đang lưu giữ một số hiện vật cổ, quý hiếm.

Mỗi năm đền Choọng có hai lễ chính là Đám Lục ngoạt và Lễ Tạ tất niên. Lục ngoạt tổ chức vào 2 ngày 15,16/6 (AL) đây có thể là ngày giỗ của Nang Phốm Hóm. Trình tự tổ chức Lục ngoạt như sau: Ngày 15 bắt đầu tiến hành lễ rước linh giá từ Đền chính vượt qua dòng Nậm Choọng xuống đình Mường Choọng. Những người có chức sắc trong vùng và người dân Mường Choọng, khách thập phương cùng tham gia tế lễ.  Lễ tạ tổ chức vào 25 - 26 tháng Chạp âm lịch.

Năm 2013, Đảng bộ, chính quyền, doanh nghiệp và Nhân dân huyện Quỳ Hợp đã quyết định tôn tạo, phục dựng lại Đền Choọng ngay trên nền cũ tại núi Pu Đên. Đền rộng hơn 9 ha gồm các hạng mục: Thượng điện, hạ điện, tả vu, hữu vu, tam quan, cổng tứ trụ, sân, đường lên hạ điện, thượng điện… Ngày 16 tháng 7 năm 2015, đền Choọng được UBND tỉnh Nghệ An quyết định công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh.

Ngôi đền vẫn quanh năm trầm mặc trong làn hương khói, mùi thơm của hương hoa núi rừng Quỳ Hợp hay mùi thơm của mái tóc Nang Phốm Hóm vẫn lan tỏa đâu đây. Bóng những cây sanh, si, bồ đề… cổ thụ bao phủ làm cho không gian ngôi đền thêm phần cổ kính. Chúng tôi bước ra khỏi nghi môn ngôi đền, hai cột đá sừng sững, hai con voi đá vẫn phủ phục để bày tỏ lòng kính cẩn trước người con gái Thái tài năng, xinh đẹp đã làm rạng danh Mường Choọng.

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114522783

Hôm nay

233

Hôm qua

2282

Tuần này

21557

Tháng này

220722

Tháng qua

121009

Tất cả

114522783