Sau hơn nửa thế kỷ chỉ còn sân nền hoang phế, đền Cả ở xã Khánh Sơn, huyện Nam Đàn đã được khôi phục. Dẫu việc tôn tạo chưa hoàn thiện như xưa, nhưng cũng đã phần nào lấy lại được cảnh quan linh thiêng, cổ kính ở núi Đồn.
Sau hơn nửa thế kỷ chỉ còn sân nền hoang phế, đền Cả ở xã Khánh Sơn, huyện Nam Đàn đã được khôi phục. Dẫu việc tôn tạo chưa hoàn thiện như xưa, nhưng cũng đã phần nào lấy lại được cảnh quan linh thiêng, cổ kính ở núi Đồn.
Núi Đồn bên dòng sông Lam ở xã Khánh Sơn, huyện Nam Đàn
Núi Đồn hay còn gọi là núi Đại Lạn sừng sững nhô ra giữa sông Lam như một bức tường thành khổng lồ, bảo vệ, che chắn cho làng mạc và những bãi phù sa phía hạ lưu. Với cảnh quan tươi đẹp, sơn thủy hữu tình, bên núi bên sông, từ xưa, người dân địa phương đã xây dựng quanh khu vực núi Đồn nhiều đền, chùa, miếu mạo linh thiêng. Trên đỉnh núi Đồn là đền Cả, dưới chân núi phía Tây, Tây Nam là đền Đức Vi, chùa Xuân Long, tạo nên một quần thể di tích cổ kính. Chùa Xuân Long đã có từ lâu đời, được trùng tu quy mô lớn vào năm 1622. Hiện đây là một trong số ít những ngôi chùa cổ ở Nghệ An còn lưu giữ được hệ thống tượng pháp đặc sắc cùng nhiều đồ tế khí, câu đối, đại tự… cổ kính, trong đó có 17 sắc phong của các triều đại phong kiến Việt Nam ban cấp cho các đền chùa trong vùng. Trong vườn chùa, dưới những tán cây cổ thụ còn có những ngôi mộ cổ là mộ của những vị sư đã trụ trì tại chùa hàng mấy thế kỷ trước. Mộ cổ cùng với hệ thống tượng pháp cổ kính đã khẳng định sự tồn tại lâu dài của “Xuân Long cổ tự” dưới chân núi Đồn. Đền Đức Vi sau hàng chục năm chỉ còn dấu tích, nay cũng được người dân khôi phục lại.
Chữ Hán khắc trên đá ở núi Đồn
Nửa cuối thế kỷ 19, thám hoa Nguyễn Đức Đạt (1825-1887), người làng Hoành Sơn cũng đã chọn núi Đồn mở trường dạy học. Theo gia phả của họ Nguyễn Đức, cụ Nguyễn Đức Đạt đỗ thám hoa triều Tự Đức. Ông từng được bổ làm Thị giảng Hàn lâm viện, đốc học Nghệ An, án sát Thanh Hóa, tuần phủ Hưng Yên… Trên con đường quan lộ, ông đã nhiều lần cáo quan về quê dạy học và từng mở trường Đông Sơn ở núi Đồn. Tiếng lành đồn xa, học trò khắp nơi tìm về đây theo học rất đông. Với quan niệm linh động về sự học và để khắc phục điều kiện dạy học ở chùa làng có nhiều hạn chế, ông và học trò đã tạo ra một khu vực học tập đặc biệt trên núi Đồn gọi là “bình văn xứ”. Hàng chục tảng đá ở đây, từng làm bàn, ghế, giường ngủ… đã được khắc chữ Hán, tạo thành bãi đá độc đáo có một không trên núi Đồn. Trong kháng chiến chống Mỹ, núi Đồn còn là trận địa phòng không đánh Mỹ quan trọng của dân quân, du kích địa phương. Bến đò Vực Đồn, ngay dưới chân núi là điểm giao thông quan trọng đưa đón hàng vạn bộ đội, thương binh trên đường hành quân chiến đấu. Có thể nói, núi Đồn là một địa danh khá nổi tiếng gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử ở địa phương.
Đền Cả trên đỉnh núi Đồn
Theo các cụ cao tuổi ở làng Đông Sơn, đền Cả xưa tọa lạc trên đỉnh núi Đồn có cổng đền, hạ điện và thương điện. Cổng đền là 2 cột trụ biểu uy nghi, trên đỉnh đắp hình nghê chầu. Phía trước trụ biểu, mỗi bên có 1 tượng voi quỳ cùng với quản tượng trang nghiêm. Hạ và thượng điện đều là những ngôi nhà 3 gian 2 hồi. Trong hạ điện, ngoài 2 bộ tượng hộ pháp còn có nhiều long ngai, bài vị. Đền Cả thờ Cao Sơn - Cao Các đại vương và những vị thần có công với làng với nước. Hàng năm, tại đền có 2 kỳ lễ trọng: Lễ tế Lục Ngoạt (16/6 âm lịch) và tế Đông Thổ (1/9 âm lịch,) đều được làng tổ chức chu đáo. Ngày đó, theo quy định, những gia đình nào trong làng sinh con trai, sẽ được cấp 3 sào ruộng, 1 sào đất, đến kỳ lễ Đông Thổ thì mang 1 buồng cau, 1 chai rượu, 1 liền trầu đến đền tạ lễ. Ngoài tế thường diễn ra hàng năm, cứ 3 năm 1 lần, làng lại tổ chức tế lớn. Trong ngày lễ này, làng thường mổ bò, làm lợn để cúng tế. Lễ rước thần được tổ chức long trọng từ đình Đông Sơn về đền Cả với đầy đủ võng, lọng, cờ, quạt, có đủ quan viên, nam, phụ, lão, ấu tham gia.
Những năm chiến tranh chống Mỹ, khoảng nửa sau thập niên 60 của thế kỷ 20, do yêu cầu của cuộc kháng chiến, nhiều ngôi đền trong vùng đã bị dỡ đi làm công trình tập thể (nhà kho, trường học), phục vụ dân sinh. Đền Cả cũng chung số phận, 2 tòa thượng, hạ của đền đều bị tháo dỡ, di chuyển, chỉ còn lại nền móng cùng 2 cột trụ biểu và tượng voi quỳ đứng chơ vơ trên núi. Chiến tranh qua đi, trên núi Đồn, cây cối đã bao phủ dấu tích đền xưa. Thời gian, mưa nắng cũng đã làm hoen lở những cột trụ, tượng voi còn sót lại. Nỗi luyến tiếc về một di tích đã có hàng trăm năm trên núi Đồn cùng với lễ hội rước thần tưng bừng của người dân làng Đông Sơn vẫn còn khắc khoải. Mỗi lần, đi qua bến đò Vực Đồn, nhìn lên đỉnh núi, mọi người lại thấy nhớ đền Cả và thầm nhắc con cháu trong những câu chuyện kể về làng mình: “Ngày xưa trên núi Đồn có đền Cả uy nghi lắm”.
Hơn nửa thế kỷ chỉ còn dấu tích sân nền, với nguyện vọng khôi phục ngôi đền cũ của làng, người dân xóm 4, xã Khánh Sơn đã phát tâm đóng góp công của với tinh thần góp phần “gìn giữ truyền thống quê hương” và tiến hành kế hoạch xây dựng, tôn tạo lại đền Cả. Ông Tô Bá Đào (55 tuổi), một người dân địa phương cho biết: Khi chúng tôi bắt tay khôi phục đền, không có nhiều kinh phí, mỗi gia đình đóng góp được một ít, do đó phải xây dựng theo kiểu “có chừng nào thì xây chừng đó”. Trước tiên, bà con khôi phục cụm công trình cổng đền gồm 2 cột trụ biểu gắn liền với các bức phù điêu, tượng 2 con voi quỳ và những người quản tượng. Trên trụ biểu nổi bật câu đối: “Đông Sơn tiểu tử ngưỡng linh thanh/Bắc Hải đại danh lưu huệ ái” do một cụ cao niên trong làng cho chữ. Tiếp đó là xây dựng miếu thờ, chỉ 1 gian nằm ngay sau các cột trụ biểu, cách chính điện cũ khoảng 40m về phía trước. Con đường lên đền vốn cheo leo cũng đã được thiết kế thành hàng chục bậc cấp uốn lượn theo sườn núi. Trên con đường này, bà con còn dựng thêm 2 ngôi nhà tạm bằng tôn ở đầu và cuối đường để du khách có nơi nghỉ chân, thiết lễ.
Một số hạng mục của đền Cả mới được khôi phục
Tuy công trình chưa hoàn thiện về mặt tổng thể, miếu thờ mới chỉ là một gian nhà nhỏ khiêm tốn, vừa đủ bài trí 1 bàn thờ thần và nơi đứng dâng hương, làm lễ cho du khách, nhưng mỗi hạng mục được xây dựng đều rất “tròn trịa” về thiết kế và mỹ thuật, nhờ đó đã phần nào lấy lại được không gian linh thiêng của đền Cả. Đền ngoảnh về hướng Đông, trước mặt đền là sông Lam thơ mộng. Dưới cổng đền, bến đò Vực Đồn thân thuộc với những chuyến đò ngang vẫn sớm chiều chở khách sang sông. Những cây trôi, cây mưng cổ thụ dường như có từ thời cụ Thám hoa Nguyễn Đức Đạt về đây mở trường dạy học vẫn xanh tươi soi bóng xuống bờ Đại Lạn. Từ khi đền Cả được khôi phục, hàng tháng vào ngày sóc vọng; dịp lễ, tết, bà con trong vùng lại hội tụ về đền thành tâm dâng lễ cầu an, cầu mong mùa màng tươi tốt, khôi phục những nét đẹp trong phong tục, tập quán đã có từ lâu đời ở địa phương.
Cùng với “Xuân Long cổ tự”, bãi đá khắc chữ Hán, bến đò Vực Đồn, đền Đức Vi… những chứng tích sống động ghi dấu bao sự kiện lịch sử đã diễn ra ở nơi đây, đền Cả là một phần không thể thiếu trong quần thể di tích cổ kính ở núi Đồn. Việc khôi phục, tôn tạo đền Cả - di tích gắn liền với bao truyền thống tốt đẹp của quê hương đã đáp ứng nguyện vọng của người dân địa phương. Đây không chỉ là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh quan trọng của bà con, mà còn là điểm đến hấp dẫn của bao du khách khi về tham quan, khám phá núi Đồn, vùng “năm Nam” địa linh nhân kiệt.
233
2282
21557
220722
121009
114522783