Góc nhìn văn hóa

Di chúc - áng văn tuyệt bút phản ánh tâm hồn trong sáng và cao đẹp của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Cách đây tròn 60 năm (vào giữa tháng 5 năm 1965), Di chúc được Bác Hồ bắt đầu khởi thảo, cho đến khi hoàn thiện vào năm 1969, đây chính là văn kiện đặc biệt quan trọng gắn liền với các sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc, có sức lay động sâu xa trái tim của hàng triệu quần chúng, Di chúc là sự kết tinh trong đó cả tinh hoa tư tưởng, đạo đức và tâm hồn cao đẹp của một vĩ nhân đã suốt đời phấn đấu hy sinh vì Tổ quốc và nhân loại. Đó là tác phẩm vô giá, áng văn tuyệt bút tầm Cương lĩnh trong di sản tinh thần Hồ Chí Minh để lại cho chúng ta.

 

Có lẽ không có tác phẩm nào được Người để nhiều tâm huyết và thời gian, cân nhắc từng ý, từng lời, xóa đi, viết lại bổ sung nhiều câu, nhiều đoạn như bản Di chúc lịch sử. Tuyên ngôn độc lập, áng văn lập quốc vĩ đại, được Người hoàn thành trong mấy ngày cuối tháng 8-1945. Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến được hoàn thành trong buổi chiều 19-12-1946. Những văn kiện này đều được Người tranh thủ sự góp ý của các đồng chí Thường vụ Trung ương. Riêng Di chúc, vì là tài liệu “tuyệt đối bí mật”, là những lời căn dặn cuối cùng, là những tình cảm thiết tha và niềm tin sâu sắc, Người gửi lại cho toàn dân, toàn Đảng và các thế hệ mai sau, được Người suy nghĩ, trăn trở trong nhiều năm, chúng ta chỉ được biết đến sau khi Người đã qua đời.

Công việc này được Người khởi đầu từ giữa tháng 5-1965 (cách đây tròn 60 năm), vào lúc mà đồng bào và chiến sĩ cả nước đang sôi nổi thi đua lập thành tích chúc thọ Người 75 tuổi. Lúc này sức khỏe của Người đang rất tốt. Bức chân dung chụp Người vào dịp sinh nhật năm ấy là một trong những bức chân dung đẹp nhất, ghi lại hình ảnh Người hồng hào, khỏe mạnh. Người đã chọn một ngày đẹp nhất trong dịp kỷ niệm ngày sinh, vào lúc sức khỏe đang tốt nhất trong những năm đó để viết về cái ngày sẽ ra đi mãi mãi của mình!

Từ ngày 10 đến ngày 14-5-1965, mỗi ngày Người dành từ 1 đến 2 tiếng để viết và đã hoàn thành bản thảo Di chúc đầu tiên gồm 3 trang do Người tự đánh máy, đề ngày 25-5-1965. Năm 1966, Người bổ sung thêm một câu vào phần nói về Đảng: “Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”. Năm 1967, Người có xem lại, nhưng không thấy có bổ sung gì. Năm 1968, Người viết thêm 6 trang, gồm một số đoạn nói về việc riêng, về một số công việc cần làm sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của Nhân dân ta hoàn toàn thắng lợi. Ngày 10-5-1969, Người xem và viết lại toàn bộ phần mở đầu Di chúc, gồm một trang viết tay. Bản Di chúc thiêng liêng đã đi vào lịch sử được viết trên mặt sau của một bản tin hằng ngày!

Sau khi được công bố, Di chúc đã gây một sự xúc động lớn, một niềm cảm phục sâu sắc, không chỉ đối với toàn thể nhân dân Việt Nam mà với tất cả các dân tộc đang đấu tranh cho hòa bình, độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội trên khắp các lục địa.

Nghiên cứu Di chúc trên toàn bộ bút tích của Người, ta thấy văn kiện này là áng văn tuyệt bút đã kết tinh được trong đó truyền thống văn hóa, đạo đức của dân tộc, thực tiễn đấu tranh anh hùng của cách mạng Việt Nam cùng với cuộc đời “vô cùng cao thượng và phong phú, vô cùng trong sáng và đẹp đẽ” của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

1. Vạch ra những định hướng mang tính cương lĩnh cho sự phát triển của đất nước sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thắng lợi

Việc làm trước tiên, theo Người, là phải chỉnh đốn lại Đảng, “làm cho mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ Đảng giao phó cho mình, toàn tâm toàn ý phục vụ Nhân dân. Làm được như vậy, thì dù công việc to lớn mấy, khó khăn mấy chúng ta cũng nhất định thắng lợi”.

Tiếp theo, Người nhấn mạnh phải chú ý phát huy các yếu tố chính trị - tinh thần đã góp phần đem lại thắng lợi cho cách mạng Việt Nam: đó là sự đoàn kết nhất trí trong Đảng, “thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”. Đặc biệt, Người nhấn mạnh phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng, vì “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân”.

Di chúc cũng căn dặn “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của Nhân dân”. Người coi đây là một công việc cực kỳ to lớn, phức tạp và khó khăn, phải có kế hoạch chu đáo để tránh bị động, thiếu sót và sai lầm. Đầu tiên là “công việc đối với con người”, tức là phải có chính sách xã hội đối với con người mà trước hết là với cán bộ, chiến sĩ, dân quân du kích, thanh niên xung phong, các thương binh, liệt sĩ và gia đình họ; tiếp theo là nông dân, phụ nữ cho đến những nạn nhân của chế độ cũ như trộm cắp, gái điếm, cờ bạc, buôn lậu, v.v... hầu như Người không bỏ sót một đối tượng nào.

Người đề nghị miễn thuế nông nghiệp một năm cho nông dân “để cho đồng bào hỉ hả, mát dạ, mát lòng, thêm niềm phấn khởi, đẩy mạnh sản xuất”.

Với cán bộ, chiến sĩ, dân quân du kích, thanh niên xung phong từ chiến trường trở về “phải tìm mọi cách làm cho họ có cơm ăn, chốn ở”, “phải mở ngay lớp dạy nghề thích hợp... để họ có thể dần dần tự lực cánh sinh”.

Với cha mẹ, vợ con thương binh, liệt sĩ “phải giúp đỡ họ có công ăn việc làm, quyết không để họ đói rét”.

Với chiến sĩ trẻ tuổi đã được rèn luyện trong chiến đấu, tỏ ra dũng cảm thì chọn số ưu tú đưa đi đào tạo để trở thành “đội quân chủ lực trong công cuộc xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội ở nước ta”.

Với phụ nữ đã góp phần xứng đáng trong sản xuất và chiến đấu, “phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo”.

Với các nạn nhân của chế độ cũ, “phải dùng vừa giáo dục, vừa phải dùng pháp luật để cải tạo họ, giúp họ trở nên những người lao động lương thiện”.

Về văn hóa - giáo dục, Người nêu vấn đề phải “sửa đổi chế độ giáo dục cho hợp với hoàn cảnh mới,... phát triển các trường nửa ngày học tập nửa ngày lao động”, “phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng”, giáo dục tinh thần yêu nước cho đoàn viên và thanh niên ta, v.v...

Có thể nói, Di chúc là cả một chương trình toàn diện về xây dựng các chính sách kinh tế - xã hội sau chiến tranh, nhằm cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho các tầng lớp nhân dân ta. Nay nhìn lại, có việc chúng ta đã làm được (làm vườn hoa, nhà bia liệt sĩ,...), có việc ta làm chậm (miễn thuế nông nghiệp cho nông dân), có nhiều việc ta làm chưa tốt. Hoàn cảnh mới không cho phép ta giữ nguyên chính sách xã hội đối với y tế, giáo dục như trước kia. Nhưng để mất những giá trị của chủ nghĩa xã hội trên hai lĩnh vực quan trọng này đang làm cho nó trở thành vấn đề nóng bỏng trong xã hội ta hiện nay.

2. Phản ánh tâm hồn và đạo đức “vô cùng cao thượng và phong phú, vô cùng trong sáng và đẹp đẽ” của một con người vĩ đại “trọn đời hết lòng, hết sức phục vụ cách mạng, phục vụ Nhân dân”.

Toàn bộ Di chúc toát lên khí phách, tinh thần lạc quan chiến thắng của một bậc đại trí, đại nhân, đại dũng, luôn luôn vững tin vào tương lai tất thắng của sự nghiệp kháng chiến chống đế quốc Mỹ cũng như của sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước sau chiến tranh. Giữa lúc cuộc chiến đấu còn đang diễn ra quyết liệt và khó khăn, kẻ thù còn đang thi thố bao thủ đoạn tàn ác, xảo quyệt, Di chúc đã khẳng định: “Cuộc chống Mỹ, cứu nước của Nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn”. “Dù khó khăn gian khổ đến mấy, nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi. Đế quốc Mỹ nhất định phải cút khỏi nước ta. Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam, Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà”.

Di chúc còn thể hiện một tinh thần lạc quan tuyệt vời về tuổi già và cái chết. Xưa nay, chữ “Xuân” thường đi liền với “Xuân xanh” để chỉ tuổi trẻ. Các bản thảo Di chúc viết trước đó Người đều dùng chữ “tuổi”, đến bản thảo cuối cùng năm 1969, Người sửa thành chữ “xuân”: “Khi người ta đã ngoài 70 xuân thì tuổi tác càng cao, sức khỏe càng thấp. Điều đó cũng không có gì lạ”. Thừa nhận quy luật của tự nhiên, song khi dẫn câu thơ của Đỗ Phủ “Người thọ 70, xưa nay hiếm”, ta thấy như Người đã nở một nụ cười hóm hỉnh, đầy ý vị khi viết: “Năm nay tôi vừa 79 tuổi, đã là hạng người “xưa nay hiếm”. Nụ cười đó hẳn không chỉ nói lên niềm tự hào về tuổi thọ của mình. Người không nói đến cái chết, mà nói “sẽ đi gặp cụ Các Mác, cụ Lênin và các bậc cách mạng đàn anh khác”, ta hiểu niềm tự hào chính đáng của Chủ tịch Hồ Chí Minh rằng Người đã thuộc vào hàng “Mác - Lênin, thế giới người hiền”, đã thuộc lớp người “xưa nay hiếm”...

Trước nay, hiếm ai có thể viết về cái chết của mình với một thái độ ung dung và bình tĩnh lạ lùng đến như vậy. Hoàn toàn vắng bóng mọi bi lụy, cảm khái. Ý thức được quy luật của tự nhiên, sau khi đã tận lực cống hiến toàn bộ đời mình cho Tổ quốc và nhân loại, đã hoàn tất trách nhiệm và tin rằng hoài bão của mình nhất định sẽ được thực hiện. Người chuẩn bị cho mình đi vào cõi bất tử thật nhẹ nhàng, thanh thản.

Mỗi câu, mỗi chữ trong Di chúc còn toát lên phẩm chất, nhân cách của một con người vĩ đại mà khiêm nhường hết mực.

Người không gọi việc “để lại mấy lời này” là Di chúc, như một điều bắt buộc phải thực hiện.

Công lao và uy tín của Người đối với một dân tộc và nhân loại lớn biết chừng nào, nhưng Người chỉ tự coi mình là một người phục vụ, một người “hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ Nhân dân”. Trong Di chúc, khi nói về bản thân mình, ta thấy Người dùng lại đến 10 lần từ “phục vụ”, không hề dùng một từ nào có ý nói mình là người lãnh đạo, hay đứng cao hơn mọi người. Người phục vụ đó “Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”.

Vì vậy, Người căn dặn: “Sau khi tôi đã qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của Nhân dân”. Người yêu cầu thi hài của mình được “hỏa táng”, “Tro thì chia làm 3 phần, bỏ vào 3 cái hộp sành. Một hộp cho miền Bắc. Một hộp cho miền Trung. Một hộp cho miền Nam. Đồng bào mỗi miền nên chọn 1 quả đồi mà chôn hộp tro đó. Trên mả (chữ dùng thật nôm na: một nấm đất bình thường, không phải lăng) không nên có bia đá, tượng đồng, mà nên xây một ngôi nhà giản đơn, rộng rãi, chắc chắn, mát mẻ để những người đến thăm viếng có chỗ nghỉ ngơi”. Ở thời điểm ấy, Người đã mở ra một phong tục mới, một nếp sống văn hóa mới - văn hóa cho người chết.

3. Di chúc là áng văn tuyệt bút lớn nhất cuối cùng của Hồ Chí Minh. Mỗi câu chữ dồn nén bao cảm xúc, chứa chan bao tình yêu đối với thiên nhiên, con người và cuộc đời chất thơ của Di chúc thể hiện ở “muôn vàn tình thân yêu” mà Người để lại cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng.

Chúng ta cảm thấy xúc động biết bao khi đọc lại những dòng thiết tha này: “Tôi có ý định đến ngày đó, tôi sẽ đi khắp hai miền Nam Bắc để chúc mừng đồng bào, cán bộ, và chiến sĩ anh hùng, thăm hỏi các cụ phụ lão, các cháu thanh niên và nhi đồng yêu quý của chúng ta.

Kế theo đó, tôi sẽ thay mặt Nhân dân ta đi thăm và cảm ơn cá nước anh em trong phe xã hội chủ nghĩa, và các nước bầu bạn khắp năm châu đã tận tình ủng hộ và giúp đỡ cuộc chống Mỹ, cứu nước của Nhân dân ta”.

Tình cảm thật thủy chung, nghĩa tình thật trọn vẹn, đúng là suy nghĩ của một tâm hồn lớn, một nhân cách lớn. Người đã viết những dòng này như một lời tạ từ, một sự lỗi hẹn vì biết mình không kịp thấy, không kịp làm cái điều vốn rất thiết tha đối với một lãnh tụ yêu nước, yêu dân, một chiến sĩ quốc tế chân chính.

Không phải chỉ chúng ta, mà bạn bè quốc tế đọc đến những dòng này trong Di chúc cũng vô cùng xúc động: “Ôi tình nghĩa Việt Nam tràn đầy và chung thủy. Xót xa thay, lòng mong muốn của Nhân dân Xô viết được đón tiếp Chủ tịch Hồ Chí Minh trên xứ sở của Cách mạng tháng Mười sẽ không bao giờ được thực hiện nữa! Nhưng không, Người vẫn đi và những cuộc gặp mặt đó vẫn tới, thường xuyên và gần gũi...”

Di chúc còn là một văn kiện có cách viết độc đáo, trong đó tồn tại song song giữa cái vĩ đại và cái bình thường, cái mãnh liệt, nồng nàn và cái điềm đạm, sâu lắng; vừa trang trọng, vừa gần gũi; mỗi câu, mỗi chữ được chắt lọc, cân nhắc tưởng không thể nào thay thế được. Thật là một công trình toàn diện, toàn mỹ.

Hơn 5 thập kỷ trôi qua, kể từ Di chúc. Kiểm lại những mục tiêu chúng ta đã thực hiện được, những mục tiêu chúng ta đang tiếp tục làm - thể theo nguyện vọng của Bác Hồ kính yêu, kể cả những sai lầm, những khuyết điểm, những tệ bệnh lưu niên, gây nên bao thương tổn và đau xót cho dân, cho nước khiến cho hương hồn của Người không vui, chúng ta biết Di chúc vẫn tiếp tục đưa đường, chỉ lối cho chúng ta. Đã hơn 50 năm Người đi xa, nhưng với dân tộc Việt Nam, không lúc nào, và không ở đâu thiếu vắng hình ảnh Người - Người đã để lại “muôn vàn tình thân yêu” cho tất cả chúng ta; Người suốt đời “chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là Tổ quốc ta được độc lập, dân ta được tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Chỉ bấy nhiêu điều, đơn giản vậy, như cách nói quen thuộc của Hồ Chí Minh, nhưng hãy khơi cho hết độ sâu và mở ra cho hết diện rộng của nó, ta sẽ đến được với cái đích cuối cùng gọi bằng Hạnh phúc (trong 3 chữ: Độc lập, Tự do, Hạnh phúc) chung cho cả dân tộc và riêng cho từng người, trong kỷ nguyên xứng đáng mang tên gọi Kỷ nguyên HỒ CHÍ MINH.

Với những giá trị đó, Di chúc mãi mãi là áng văn tuyệt bút, là những lời căn dặn thiết tha, là ánh sáng chỉ đường, là sức mạnh thôi thúc hành động, chẳng những đối với Nhân dân ta mà còn đối với tất cả những ai đang đấu tranh cho tự do, độc lập, cho hòa bình, công lý, cho cơm áo và hạnh phúc của con người. Đó là sự phản ánh chân thực nhất trí tuệ mẫn tiệp; tâm hồn và đạo đức vô cùng trong sáng và cao đẹp của bậc vĩ nhân./.

 

* Học viện Chính trị - Bộ QP

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114567493

Hôm nay

2256

Hôm qua

2320

Tuần này

22186

Tháng này

226017

Tháng qua

129483

Tất cả

114567493