Góc nhìn văn hóa

Giải mã một số điển tích ở đình Hoành Sơn

Theo nghiên cứu của Học giả người Pháp Hippolyte Le Breton, đình Hoành Sơn được khởi công xây dựng vào một ngày lành tháng 12 năm Nhâm Ngọ, niên hiệu Cảnh Hưng năm thứ 23 (tháng 2 năm 1763), do hai tốp thợ cùng xây dựng dưới sự chủ trì của ông Đặng Thạc.

Đình Hoành Sơn nhìn từ trên cao

Đình Hoành Sơn (xã Khánh Sơn, huyện Nam Đàn, Nghệ An) được nhiều chuyên gia đánh giá là ngôi đình đẹp nhất miền Trung. Khung nhà của đình được ví như một bức tranh tổng thể sinh động, đầy màu sắc. Hầu hết, các cấu kiện gỗ đều được nghệ nhân tận dụng để biến nó thành các mảng trang trí đẹp đẽ, tỉ mỉ, phong phú bằng kỹ thuật chạm trổ điêu luyện, với đường nét khi tỉ mỉ, lúc hào phóng...tạo nên những hình ảnh xuất thần, vừa chân thực, sinh động, vừa bay bổng, lãng mạn. Ngoài đề tài “tứ linh” (Long, Ly, Quy, Phượng), tứ quý (Tùng, Cúc, Trúc, Mai) truyền thống thì tại đây còn ngập tràn hình ảnh các hoạt cảnh phản ánh cuộc sống xã hội lúc bấy giờ như “Vinh quy bái tổ”, “Xem điểm thi”, “Thi võ”, “chèo thuyền”, “ngư tiều canh lục”... Đặc biệt, trong số đó, có nhiều điển tích đã được khắc họa một cách sinh động, biểu đạt thành công “ngôn ngữ” lịch sử bằng hình ảnh, truyền tải thông điệp từ quá khứ mà cha ông xưa muốn gửi gắm, trao truyền cho các thế hệ mai sau. Tiêu biểu là một số điển tích sau:

Điển tích “Hổ phù ọe mặt trăng”

 

Hổ phù được chạm khắc lặp đi lặp lại ở nhiều vị trí trên bộ khung, trong đó, đáng chú ý là mảng chạm “Hổ phù ọe mặt trăng” ở phần cốn vì nách thuộc bộ vì thứ 3. Trên nền của “lưỡng long”, hình ảnh hổ phù hiện ra với khuôn mặt dữ tợn, miệng “bành” hết cỡ nhưng vẫn không nuốt nổi mặt trăng.

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, nguồn gốc hổ phù xuất phát từ dòng văn hóa Trung - Ấn. Truyền thuyết kể lại rằng, có một con quỷ sinh sống cùng thần mặt trời và mặt trăng, một hôm do sự lơ là của thần mặt trăng, con quỷ đã lấy trộm được bình nước trường sanh và đang uống giữa chừng bị thần mặt trăng lấy thanh gươm chém giữa người, phần trên của con quỷ đã ngấm nước trường sanh trở thành vĩnh cửu, bất tử, phần dưới nước chưa ngấm nên bị hủy diệt. Khi Hổ phù nuốt hết mặt trăng thì năm đó sẽ mất mùa hoặc có chiến tranh nhưng nếu Hổ phù không nuốt nổi mặt trăng mà phải “ọe ra” thì năm đó dân được mùa lớn, cuộc sống sung túc, ấm no. Bởi vậy, với người dân phương Đông nói chung và người Việt Nam nói riêng, “Hổ phù ọe mặt trăng” là một biểu tượng cầu mùa màng, cầu sung túc.

Điển tích “Cá hóa rồng”

Hình ảnh “Cá hóa rồng” cũng được chạm khắc ở rất nhiều vị trí, đặc sắc nhất là mảng chạm “Tiên cưỡi cá hóa rồng” ở cốn vì nách phía trong thuộc bộ vì thứ 4. Theo đó, con cá đã dần dần chuyển hóa thành rồng, rõ nhất là phần đầu với các đặc điểm về miệng, râu, thân phía sau cũng bước đầu có dáng dấp của rồng với khúc cong uyển chuyển.

Sự tích xưa kể lại rằng, khi trời đất mới được hình thành thì chính ông trời đã tạo ra mưa gió. Nước từ mưa gió, sông, biển và những sinh vật dưới nước là những thứ được Trời tạo ra đầu tiên và cũng là nguồn khởi sinh của vạn vật. Sau này, vì bận tạo ra con người nên Trời không còn thời gian làm mưa làm gió nữa mà sai con rồng bay lượn trên bầu trời và phun nước. Tuy nhiên, số lượng rồng không đủ nên Trời đã nghĩ ra một cuộc thi để tuyển các con vật khác lên làm rồng, gọi là “thi rồng”. Cuộc thi có 3 kỳ, mỗi kỳ phải vượt qua một đợt sóng lớn. Con vật nào đủ sức đủ tài để vượt qua 3 kỳ thi sẽ được hóa rồng. Thông tin về cuộc thi lan xuống tận Thủy cung, các giống loài đua nhau đi thi nhưng đều bị loại. Đến lượt cá chép, khi vào thi, cá ngậm một viên ngọc trai, nỗ lực vượt qua 3 vòng một cách xuất sắc, rồi nhả ngọc vượt Vũ Long Môn hóa rồng.

Trong văn hóa phương Đông, rồng tượng trưng cho trời, có quyền uy và sức mạnh tối cao. Do đó, hình ảnh cá chép hóa rồng mang ý nghĩa về sức mạnh, thắng lợi, bình an trong cuộc sống và thành công trong học tập, công việc.

Điển tích “Bốn vị ẩn cư ở núi Thương Sơn” 

Điển tích này thể hiện ở cốn vì nách thuộc bộ vì thứ nhất. Mảng khắc họa hình ảnh cung kính của sứ giả, trái ngược với sự cung kính ấy là tư thế rất thoải mái của bốn vị, mỗi người một dáng vẻ. Họ dường như không quan tâm đến sự hiện diện của sứ giả mà điềm nhiên ngồi thưởng trà.

Sử cũ kể rằng, đời Hán, bốn ông lão ở ẩn trên núi Thương - là dãy núi ở tỉnh Thiểm Tây, gọi là "Thương Sơn Tứ hạo", bao gồm: Đông viên công, Ỷ lý quý, Hạ hoàng công và Lộc lý tiên, đều đã ngoài tám mươi tuổi, râu tóc bạc trắng. Họ cho rằng nhà vua khinh người nên bỏ trốn vào ở ẩn trong núi không làm tôi nhà Hán. Bởi vậy, khi Hán Cao Tổ sai sứ giả đến mời bốn vị về triều để làm cố vấn cho Hoàng đế nhưng bị bốn vị hiền triết này từ chối. Về sau, chính bốn vị này lại nhận lời ra giúp đỡ Hán Huệ Đế - con trai của Hán Cao Tổ và Lã Hậu.

Điển tích “Thành Thang sính Y Doãn”

Điển tích này được khắc trên cốn vì nách thuộc bộ vì thứ nhất. Cũng tương tự như điển tích ở trên, có hai hình ảnh đối lập trong một mảng chạm. Hình ảnh thứ nhất là cảnh một người chắp tay với điệu bộ rất cung kính, phía sau là kiệu rước, binh lính. Ngược lại, người đối diện lại có dáng vẻ thư thái, không quan tâm đến sự khẩn khoản, sốt sắng của đám người kia. Người đó chính là Y Doãn và đám người còn lại là thân cận của vua Thành Thang.

Tương truyền, Thành Thang là vị vua sáng lập ra triều đại nhà Thương trong lịch sử Trung Quốc. Ông trị vì từ năm 1617 TCN - 1588 TCN, nổi tiếng trong lịch sử là người quân chủ hiền minh, chú trọng thu dụng nhân tài, sửa sang nội chính. Nghe danh Y Doãn là người có tài nhưng không màng danh lợi, sống ẩn dật, Thành Thang nhiều lần sai người đến tận nơi mời, Y Doãn mới nhận lời ra giúp. Nhờ có Y Doãn, Thành Thang đã khởi binh lật đổ Hạ Kiệt tàn bạo, dựng nghiệp nhà Thương.

Điển tích “Đại Thánh phá trời”

Tại cốn của vì nách phía trong thuộc bộ vì số 6, hiện lên hình ảnh một con khỉ cưỡi mây cầm cây đinh ba đánh nhau với một đội quân, xung quanh là những đám mây, tia chớp vần vũ. Đó chính là Đại Thánh.

Đại Thánh hay Tề Thiên Đại Thánh, Tôn Ngộ Không là nhân vật trong tiểu thuyết dân gian Trung Quốc “Tây Du kí”. Theo đó, Đại Thánh là con khỉ được sinh ra từ một hòn đá, thông qua luyện tập đã đạt những quyền năng phép thuật siêu nhiên. Trong một lần được Ngọc Hoàng mời lên Thiên đình nhưng không được mời dự tiệc, Đại Thánh đã tức giận đại náo Thiên cung. Thiên đình đành phải cử người tìm cách khống chế. Đại Thánh liên tục kháng cự lại 10 vạn Thiên binh, Thiên tướng, cuối cùng, bị bắt và bị nhốt dưới dãy núi Ngũ Hành Sơn 500 năm. Sau đó, Đại Thánh được giải thoát và đi theo Đường Tăng, một nhà sư thời Đường, đi lấy kinh ở Tây Thiên (ám chỉ Ấn Độ thời đó).

Điển tích “Long mã Hà đồ”

Điển tích này được chạm khắc ở khá nhiều vị trí khác nhau, với hình ảnh một con Long mã cõng trên lưng một tấm bản đồ. Sự tích kể lại rằng, vua Phục Hy tìm thấy Long mã trên sông Hoàng Hà. Long mã cõng trên lưng một bức đồ gồm 55 đốm. Những đốm ấy được vua Phục Hy vẽ lại tạo thành một bức đồ, đặt tên là Hà đồ. Nhà vua quan sát các chấm này, kết hợp với sự quan sát các hiện tượng thiên nhiên trong Trời Đất, nghĩ ra cách tượng trưng Âm Dương, Ngài vẽ ra được Bát Quái đồ, gọi là Tiên Thiên Bát Quái đồ. Long mã thực ra là một biến thể của con Lân cổ truyền. Ở Việt Nam, hình tượng Long Mã xuất hiện trên kiến trúc và đồ thờ từ thế kỷ XVI, phát triển vào thế kỷ XVII và phổ biến trong thế kỷ XVIII, XIX. Giải mã về hình tượng này chúng ta có thể hiểu như sau: Long là Rồng, Rồng thì bay lên tượng trưng cho trục tung - biểu hiện cho kinh tuyến, tương ứng với thời gian. Mã là Ngựa, Ngựa chạy ngang tượng trưng cho trục hoành - biểu hiện cho vĩ tuyến, tương ứng không gian. Như vậy ngoài ý nghĩa trị thủy, Long mã còn là biểu hiện cho chí tung hoành của đấng nam nhi mà con người hằng ước vọng.

Như vậy, mỗi điển tích là một câu chuyện mang ý nghĩa khác nhau, có những câu chuyện có thật trong lịch sử nhưng cũng có những câu chuyện chỉ là huyễn hoặc, hư cấu. Tuy nhiên, dù có thật hay chỉ là truyền thuyết thì các điển tích ấy đều hướng đến một mục đích là truyền tải ước mơ, khát vọng của con người về một thế giới tốt đẹp. Trong thế giới đó, con người có đủ sức mạnh để chế ngự thiên nhiên và các thế lực xấu, được sống hạnh phúc, thỏa nguyện công danh, sự nghiệp./.

 

 

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114445677

Hôm nay

2177

Hôm qua

2237

Tuần này

21286

Tháng này

211936

Tháng qua

120141

Tất cả

114445677