Góc nhìn văn hóa

Học Bác phong cách ứng xử văn hóa, thấm đượm giá trị nhân văn

Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, phong cách ứng xử của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho chúng ta thấy chân dung của một lãnh tụ uyên bác, tầm vóc trí tuệ lớn lao, tình cảm nhân văn sâu sắc, luôn có sức cuốn hút, cảm hóa, cảm phục, ngưỡng mộ và thôi thúc mọi người hướng tới cái chân, thiện, mỹ trong cuộc sống và công tác. Phong cách ứng xử của Người không chỉ dừng lại ở tình thương yêu và sự quan tâm dành cho các đối tượng trong giao tiếp, mà còn thể hiện thông qua sự nêu gương của Người trong cuộc sống hàng ngày để mọi người có thể học tập và làm theo.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và bạn bè quốc tế (Ảnh tư liệu)

Đúng như Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng khẳng định: “Chủ tịch Hồ Chí Minh cao mà không xa, mới mà không lạ, to lớn mà không làm ra vĩ đại, sáng chói mà không gây choáng ngợp, gặp lần đầu mà như thân thuộc từ lâu” [1].

Trước hết, phong cách ứng xử Hồ Chí Minh luôn mang đậm nét văn hóa nhân văn, nhân bản vì con người. Hồ Chí Minh luôn ứng xử dựa trên cơ sở của tình người, yêu thương con người đó là: lòng nhân đạo, tính nhân văn, là sự khoan dung, độ lượng trong hành xử ở cuộc sống. Đối với dân tộc Việt Nam dù ở bất kỳ nơi đâu, trên bất kỳ cương vị nào, làm công việc gì mục tiêu cuối cùng mà Người phấn đấu, hy sinh suốt cuộc đời luôn luôn là độc lập dân tộc và ấm no hạnh phúc cho Nhân dân. Đây cũng chính là mục tiêu trong ứng xử, giao tiếp của Hồ Chí Minh. Người khẳng định: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành” [2]. Mục tiêu nhất quán đó đã chi phối nguyên tắc ứng xử của Người trong mọi hoàn cảnh, điều kiện. Nguyên tắc nổi trội của Hồ Chí Minh là “dĩ bất biến, ứng vạn biến”; tinh thần dĩ bất biến, ứng vạn biến không chỉ được Người ứng dụng trong một thời gian, một hoàn cảnh nhất định, mà thực sự trở thành phong cách ứng xử khoa học mà Người vận dụng ở mọi hoàn cảnh. Cái “bất biến” của Người là độc lập, tự do, ấm no hạnh phúc cho đồng bào, sự giàu mạnh của đất nước; là việc gì có lợi cho dân thì hết sức làm, việc gì có hại cho dân thì hết sức tránh và cái bất biến đó còn là lẽ phải, là chân lý của nhân dân tiến bộ, yêu chuộng hòa bình trên thế giới nói chung. Đối với nhân dân các dân tộc bị áp bức trên thế giới, mục tiêu và sự nghiệp giành độc lập dân tộc mà Người suốt đời phấn đấu là tấm gương sáng, là nguồn cảm hứng để họ đứng lên giành và giữ vững nền độc lập của chính mình. Chính Người đã khơi dậy khát vọng giải phóng cho tất cả các dân tộc thuộc địa.

Hồ Chí Minh luôn xuất phát từ tình yêu thương con người nên lấy sự thành tâm, thật lòng để ứng xử, nên dễ dàng tạo được niềm tin, sức thuyết phục của mọi người đối với bản thân cũng như với Đảng và chính quyền cách mạng. Sau một buổi tiếp xúc, Người đã mời và thuyết phục được cụ Huỳnh Thúc Kháng ra đảm nhiệm việc nước. Người đã thuyết phục cụ Bùi Bằng Đoàn, cụ Phan Kế Toại tham gia chính quyền cách mạng. Trong kháng chiến chống Pháp, lường trước những khó khăn của cuộc kháng chiến, Người đã thuyết phục một số nhà trí thức Việt kiều yêu nước như GS Trần Đại Nghĩa, GS Đặng Văn Ngữ… từ bỏ chốn phồn hoa, đô thị nước Pháp giàu sang về phục vụ cho Tổ quốc. Trong số đó, có những người chưa thực sự giác ngộ về lý tưởng, mục tiêu, sự nghiệp cách mạng nhưng khi tiếp xúc với Người, cảm phục nhân cách, nhận thấy được tấm lòng chân thật của Bác Hồ và đi theo cách mạng. Những người vốn đã tích cực đi theo sự nghiệp cách mạng, khi gặp Người thì lại càng hăng hái hơn; những người đang dao động, ngả nghiêng khi được Bác Hồ cảm hóa đã quay về với chính nghĩa, với cách mạng. Những người nước ngoài cùng chí hướng, thì cảm kích trước tấm lòng son, trung kiên, chung thủy với lý tưởng Hồ Chí Minh để ủng hộ cách mạng Việt Nam.

Phong cách ứng xử nhân văn luôn cũng luôn được thể hiện rõ nét, trong cách ngoại giao, ứng xử theo phương châm coi trọng hòa hiếu, hòa bình, đề cao văn hóa đối thoại trong quan hệ với các nước, kể cả với kẻ thù xâm lược. Trong thời gian đầu, khi đất nước mới giành được độc lập, mặc dù biết rõ dã tâm quay lại xâm lược của thực dân Pháp, nhưng Người vẫn căn dặn cán bộ tuyên truyền: “Người Việt Nam có tiếng là nhân đạo. Đối với người Pháp, chúng ta nên giữ một thái độ khoan hồng để chia họ ra làm hai: Pháp thực dân và Pháp kiều. Việc tuyên truyền của anh em nên chú ý ở chỗ ấy. Cả với bọn Pháp thực dân là kẻ thù của ta, ta cũng đừng nên quá khắt khe” [3].

Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, Hồ Chí Minh đã vận dụng sáng tạo truyền thống hòa hiếu và nhân đạo của cha ông khi đánh thắng giặc ngoại xâm trong phương cách đối xử với quân Pháp thất trận. Người yêu cầu, không nên sỉ nhục đối phương, vì như thế sẽ kích động tinh thần tự ái dân tộc Pháp. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước Người đã bày tỏ: “Tôi vô cùng công phẫn trước những tổn thất và tàn phá do quân Mỹ gây ra cho Nhân dân và đất nước chúng tôi; tôi cũng rất xúc động thấy ngày càng có nhiều thanh niên Mỹ chết vô ích ở Việt Nam” [4]. Đây là sự đúc rút kinh nghiệm ứng xử ngoại giao đầy chất nhân văn trong quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam; là một “điểm nhấn” trong phong cách ứng xử Hồ Chí Minh, là điều mà Người học được từ những bậc tiền nhân của dân tộc và cũng là nét tinh túy của văn hóa phương Đông: “kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân”, nghĩa là điều gì mà bản thân không muốn thì đừng có làm đối với người khác. Đây cũng chính là sự thông hiểu và nắm bắt các tinh hoa văn hóa phương Tây. Chính vì cái gốc văn hóa đó, Người luôn dành được sự thông cảm và thấu hiểu cao nhất của thế giới đối với sự nghiệp đấu tranh của nhân dân Việt Nam.

Thứ hai, Hồ Chí Minh luôn làm chủ các tình huống ứng xử với phương pháp linh hoạt, tự nhiên, ân cần, giản dị, quần chúng và hiệu quả. Nét độc đáo này trong phong cách giao tiếp của Người là kết tinh của vốn hiểu biết sâu rộng, uyên bác; tài trí thông minh, nghị lực và bản lĩnh phi thường để tạo ra phong thái giản dị, lạc quan, thẳng thắn, tự tin lịch thiệp, nho nhã, mực thước khi giao tiếp, ứng xử. Điều này đã giúp Người xử lý một cách khéo léo những tình huống giao tiếp một cách mềm mỏng mà hiệu quả. Theo Người, khi đứng trước mọi vấn đề, mọi tình huống, việc quan trọng nhất là “Phải suy tính kỹ lưỡng. Chớ hấp tấp, chớ làm bừa, chớ làm liều. Chớ gặp sao làm vậy” [5]. Tức là phải bình tĩnh, suy xét, khéo léo trong các tình huống giao tiếp cụ thể.

Khi tiếp xúc với các đối tượng khác nhau, Hồ Chí Minh nghiên cứu, nắm chắc đối tượng để luôn có cách ứng xử phù hợp. Đi với Nhân dân, bạn bè, đồng chí, anh em, là nguyên thủ quốc gia, lãnh tụ Đảng hay chỉ là nhng công nhân, nông dân bình thường thì Người vẫn có cách ứng xử rt tự nhiên, bình dị, cởi mở, chân tình, vừa chủ động, linh hoạt, lại vừa ân cần, tế nhị. Dù là ai khi tiếp xúc với Bác Hồ đều thấy thoải mái, tự nhiên, xua tan đi mọi sự khác biệt về địa vị, thành phần xuất thân, giai cấp, tầng lớp, đảng phái, tôn giáo… Qua giao tiếp, Bác của chúng ta đã đem đến cho mọi người ý thức về sự bình đẳng giữa những con người tự do và làm ch, về sự yêu thương, quý mến con người, trân trọng con người; xóa ngay mọi ngăn cách, làm tiêu tan đi mọi nỗi hồi hộp, tạo ra không khí thoải mái, tự nhiên như những người thân trong một gia đình, như con cháu được quây quần bên người cha, người bác hiền hậu.

Nhờ vốn sống phong phú, sự am hiểu tình hình thế giới, đặc biệt nhanh chóng nhận biết được ý định của người đối thoại mà Hồ Chí Minh có thể lựa chọn cách ứng xử hợp lý nhất. Người dùng ngôn ngữ giản dị, ngắn gọn và dễ hiểu song đầy sức thuyết phục để khơi dậy tình cảm nhân văn của người đối thoại, thuyết phục họ chấp nhận lẽ phải. Để bày tỏ mong muốn hòa bình và chấm dứt chiến tranh, Hồ Chí Minh đã giơ tay bịt đầu nòng pháo khi đi thăm khu bảo tàng Normandi ở Pháp (1946). Trả lời câu hỏi: Ông có phải là người cộng sản hay không? Người lấy những bông hoa trong bình tặng cho các phóng viên và nói “tôi là người cộng sản như thế này này” [6].

Người luôn giữ thái độ khiêm nhường, cử chỉ giản dị mà trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Người để lại nhiều hình ảnh, việc làm gần gũi, xúc động: Đó là hành động Người rời khỏi hàng danh dự của những vị thượng khách để tiến đến bắt tay chào hỏi một người quen biết từ trước đang đứng ở hàng phía sau, trước sự ngạc nhiên của đoàn ngoại giao và lễ tân của nước chủ nhà. Người tặng khăn quàng cho một vị khách nước ngoài đến thăm Việt Nam trong mùa đông vì thấy người đó bị ho. Người đã lấy phần một quả táo để về làm quà cho cháu nhỏ nơi Người đang ở. Khi sang thăm Ấn Độ, Người vẫn nhớ mang hoa kết vòng và cây đào để kỷ niệm ông cụ thân sinh ra Thủ tướng Neru, người mà Hồ Chí Minh đã gặp từ trước đó rất lâu (1927). Phong cách ứng xử của Người còn là sự kết tinh giá trị tốt đẹp của văn hóa phương Tây, vì vậy Người cũng đề cao tư tưởng giải phóng con người. Người tặng hoa cho các đại biểu nữ mà Người gặp trong các cuộc tiếp kiến. Đến thăm bất cứ nước nào, khi ở cương vị Chủ tịch nước, Người dành thời gian tiếp xúc với nhân dân lao động, đặc biệt là đối với các cháu thiếu niên, nhi đồng. Điều đó cắt nghĩa, tại sao Hồ Chí Minh được thiếu niên, nhi đồng, được nhân dân Việt Nam và rất nhiều tầng lớp nhân dân trên thế giới gọi là Bác Hồ.

Người đã thể hiện đậm nét và phong cách ứng xử quần chúng giản dị, ân cần khi tiếp xúc với nhân dân. Khi giao tiếp với tất cả mọi người, từ những người nông dân đang lao động trên đồng ruộng cho đến người thương binh, bệnh binh đang nằm trên giường bệnh, từ bạn bè, đồng chí, anh em cho đến các cháu thiếu niên, nhi đồng, Hồ Chí Minh bao giờ cũng thể hiện thái độ ân cần, tự nhiên, chân tình, cởi mở. Dường như trong giao tiếp với Bác, không hề có khoảng cách giữa lãnh tụ với nhân dân, giữa vĩ nhân với quần chúng. Vì vậy, phong cách giao tiếp của Người luôn tiềm ẩn sức cuốn hút, năng lực cảm hóa, thôi thúc mọi người hướng đến những giá trị nhân văn tốt đẹp; quy tụ được sức mạnh của quần chúng nhân dân vì sự nghiệp cách mạng chung của dân tộc.

Thứ ba, phong cách ứng xử đối với chính mình. Đây là một phong cách ứng xử đặc biệt của Hồ Chí Minh; tự thấy, tự phê bình là đòi hỏi tự nhìn lại chính mình, đánh giá đúng, để vươn lên làm chủ bản thân mình trong sinh hoạt hàng ngày là không đơn giản. Người cho rằng, biết người không khó bằng biết mình; cái bệnh chủ quan thường thấy ở nhiều người là từ cái khó này mà ra. Người ta khen mình thì dễ, tự mình thấy mình tốt, giỏi giang thì càng không khó; nhưng người khác chê mình thì nhiều lúc khó được chấp nhận; tự mình thấy cái dở, cái xấu của mình lại càng khó hơn Người nói: “Sợ phê bình, tức là “quan liêu hoá”, tức là tự mãn tự túc, tức là “mèo khen mèo dài đuôi” [7]. Phong cách tự mình đối với bản thân mình không tự nhiên mà có và cũng không là phổ biến ở mọi người, mà nó chỉ có thể có được ở người qua trải nghiệm rèn luyện thực tiễn với hiểu biết, kiến thức sâu rộng cũng như tinh thần cầu thị đích thực.

Vì vậy, Hồ Chí Minh luôn làm chủ được bản thân, trong mọi điều kiện, hoàn cảnh. Là Chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước, trên “đỉnh cao quyền lực”, nhưng trong ứng xử, Người không bao giờ dựa vào quyền lực buộc mọi người phục tùng. Trên cương vị đó, Người không muốn có đặc quyền nào. Và là một công dân, Người mong muốn được thực hiện quyền công dân của mình theo đúng quy định của Hiến pháp, pháp luật. Hồ Chí Minh coi việc mình làm Chủ tịch là do Nhân dân ủy thác cho. Người tự cho mình là “người lính vâng mệnh lệnh của quốc dân ra trước mặt trận”, là “người đày tớ trung thành của đồng bào”. Suốt đời đấu tranh cho tự do, hạnh phúc của con người, nhưng đối với bản thân, Người thực hành một triết lý sống thanh khiết, giản dị. Người tự hành xử những điều đó trong cuộc sống, không phải vì muốn “tu luyện” hay “ép xác khổ hạnh” như các nhà tu hành; mà vì Người đã chọn sự ung dung, thư thái, tự tại cho cuộc sống riêng của mình. Người dồn tâm, dồn trí, dồn lực chăm lo cho nước, cho dân, thoát khỏi mọi sự cám dỗ quyền lực, tiền bạc, phú quý, không sa vào chủ nghĩa cá nhân.

Giá trị văn hóa trong phong cách ứng xử Hồ Chí Minh luôn sống mãi với thời gian, là hành trang quý giá để Đảng và Nhà nước vận dụng trong triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả, thiết thực Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 về tiếp tục “đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 về “xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa””. Để khắc phục những hạn chế yếu kém trong phong cách ứng xử, thực hiện có hiệu quả lời nói đi đôi với làm, các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp cần tiếp tục đổi mới giáo dục, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên học tập và làm theo phong cách ứng xử Hồ Chí Minh. Đồng thời, tự bản thân của mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, có phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống giản dị, trong sáng, luôn gắn bó mật thiết với nhân dân, tích cực học tập, xây dựng văn hoá ứng xử theo phong cách của Người.

Cán bộ, đảng viên của Đảng, Nhà nước hiện nay là từ Nhân dân mà ra, những con người chân chất, mộc mạc, mang trong mình giá trị văn hóa nhân gian của những vùng, miền quê nơi đã sinh ra họ. Văn hóa trong giao tiếp, ứng xử nghĩa là đề cập đến xưng hô, chào hỏi, cách xử lý các tình huống trong cuộc sống của người cán bộ, đảng viên luôn biết lễ phép, kính trên, nhường dưới, làm việc đúng nguyên tắc, đạo đức công cụ, tất cả vì dân, vì nước. Phong cách ứng xử, giao tiếp của cán bộ, đảng viên, thể hiện nét đẹp văn hóa của người cán bộ cách mạng, người đảng viên với nhau và với nhân dân. Thực tiễn, trong quá trình xây dựng con người, xây dựng tổ chức đòi hỏi phải sử dụng tổng hợp nhiều nội dung, biện pháp; nhưng trong đó phải dùng phương pháp giáo dục, thuyết phục là chính. Để thực hiện có hiệu quả, bản thân người cán bộ phải luôn ý thức được trách nhiệm của mình, phải thực sự gương mẫu về lối sống, phẩm chất đạo đức cho quần chúng noi theo.

Để bồi dưỡng, xây dựng nét văn hóa trong phong cách ứng xử, giao tiếp cho cán bộ, đảng viên và quần chúng ở các cơ quan, đơn vị, địa phương hiện nay, cấp ủy, chỉ huy các đơn vị cần thực hiện tốt một số giải pháp cơ bản sau: 

Thứ nhất, lành mạnh hoá mối quan hệ giữa cán bộ, đảng viên với quần chúng trong các cơ quan, đơn vị, địa phương. Muốn vậy, phải xây dựng quan hệ cấp trên, cấp dưới đúng quy định, đoàn kết, gắn bó đồng cam cộng khổ giữa cán bộ với quần chúng, giữa Đảng với Nhân dân, đấu tranh loại bỏ những biểu hiện thiếu lành mạnh như: thói vị kỉ, chủ nghĩa cá nhân, quân bình chủ nghĩa, cục bộ, bè phái… Do đó, phải giáo dục đạo đức, văn hoá, truyền thống đoàn kết của dân tộc, nâng cao nhận thức về giá trị văn hoá tốt đẹp trong quan hệ với Nhân dân, từ đó chuyển hoá thành hành vi, thói quen ứng xử hàng ngày của cán bộ, đảng viên. Đối với cấp trên, cần phải luôn khoan dung, nhân ái, ân cần và luôn tìm ra nguyên nhân và chỉ ra cách khắc phục các hạn chế, khuyết điểm với cấp dưới; tránh trù dập, cố chấp mắng mỏ, xúc phạm nhân cách cấp dưới. Cấp trên cũng phải biết lắng nghe cấp dưới, biết phát huy sáng kiến và động viên khen thưởng kịp thời. Cấp dưới, cần có thái độ tôn trọng, kính trọng lắng nghe ý kiến chỉ đạo của cấp trên; nghiêm túc chấp hành mệnh lệnh, chỉ thị cấp trên, khi khó khăn vướng mắc thì thẳng thắn trình bày với cấp trên. Luôn giữ mối quan hệ trung thành, trung thực, khiêm tốn tránh luồn cúi, xu nịnh, a dua.

 Thứ hai, phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ các cấp trong nâng cao văn hóa ứng xử ở cơ quan, đơn vị, nhất là ở cơ sở. Văn hóa ứng xử là sự kết hợp giữa tiếp thu những thói quen, hành vi văn hóa xã hội của cán bộ, đảng viên, quần chúng trong cơ quan, đơn vị với việc tự bản thân họ nhận thức, tiếp thu và rèn luyện thành thói quen hành vi. Bài học đầu tiên, trực quan sinh động, gây ấn tượng mạnh mẽ có ý nghĩa định hướng cho hành vi ứng xử có văn hóa cho quần chúng chính là hành vi ứng xử của cán bộ cơ sở. Nếu cán bộ ứng xử phù hợp với chuẩn mực văn hoá của môi trường công tác, đúng đạo đức công vụ, được duy trì thường xuyên, bền vững sẽ mang lại hiệu quả cao đối với nâng cao văn hóa ứng xử cho quần chúng trong cơ quan, đơn vị mình. Cán bộ phải thực sự là tấm gương về đạo đức và lối sống, phong cách tác phong để quần chúng noi theo.

 Thứ ba, thường xuyên tổ chức các hoạt động xây dựng môi trường văn hóa ở đơn vị cơ sở, lôi cuốn mọi người tham gia rèn luyện nâng cao văn hóa ứng xử. Tính tích cực của họ chỉ có thể nảy nở và phát triển khi họ thực sự là chủ thể của các phong trào, hoạt động xây dựng môi trường văn hóa sôi nổi ở đơn vị cơ sở. Các hoạt động văn hoá ở cơ sở cần phải định hướng tư tưởng về nội dung, theo yêu cầu nhiệm vụ chính trị, vừa đa dạng, phong phú về hình thức, phù hợp tâm sinh lí của quần chúng. Hướng tới phát huy truyền thống bản sắc, giá trị cao đẹp văn hoá dân tộc góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Cùng với quá trình xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phải tích cực đấu tranh phê phán, loại bỏ những thói quen, hành vi thiếu văn hóa trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Trong bối cảnh chung của xu thế giao lưu, hội nhập ngày càng sâu rộng hiện nay của đất nước và thế giới, con người Việt Nam nói chung và cán bộ, đảng viên nói riêng, đang chịu tác động từ nhiều chiều hướng khác nhau do đó vấn đề nâng cao văn hóa ứng xử của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân hiện nay vừa có ý nghĩa trực tiếp trước mắt, vừa có ý nghĩa chiến lược lâu dài trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.

Chú thích:

[1] Phạm Văn Đồng, Hồ Chí Minh một con người, một dân tộc, một thời đại, một sự nghiệp, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1990, tr. 17.

[2] Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, 2011, tập 4, tr. 187.

[3] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 4, tr. 172.

[4] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 15, tr. 602.

[5] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 5, tr. 279.

[6] Xem: Bác Hồ, Con người và phong cách, Nxb Lao động, Hà Nội, 1993, tập 1.

[7] Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, tập 5, tr. 301.

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114567330

Hôm nay

293

Hôm qua

2320

Tuần này

22023

Tháng này

225854

Tháng qua

129483

Tất cả

114567330