Góc nhìn văn hóa
Hôn nhân và văn hóa gia đình của người Tày Poọng
Bản Phồng (xã Tam Hợp) - nơi tập trung đông nhất người Tày Poọng ở huyện Tương Dương, Nghệ An
Người Tày Poọng sinh sống theo chế độ phụ hệ, người đàn ông làm chủ gia đình, con cái theo họ bố và người đàn ông cũng là đối tượng chủ động trong việc đi đến hôn nhân xây dựng gia đình. Trước đây, gia đình người Tày Poọng cũng có nhiều thế hệ sinh sống với nhau, chủ yếu là ba thế hệ hoặc bốn thế hệ. Nhưng hiện nay, các gia đình nhiều thế hệ đang ngày càng giảm dần và gia đình hạt nhân gồm vợ chồng và con cái ngày càng tăng lên…
Các nghi lễ lớn trong gia đình thì đều do người đàn ông làm chủ. Việc đưa cả nhà di cư đi kiếm địa điểm mới sinh sống do người đàn ông quyết định. Thường là họ đi trước tìm kiếm được địa điểm hợp lý thì mới quay về đón vợ con, gia đình theo. Thậm chí, nếu gần thì họ lên khai phá trước để canh tác sau đó mới đưa gia đình đến. Khi chặt cây đầu tiên hay châm lửa đốt rẫy cũng do người đàn ông thực hiện. Họ cũng là người làm lễ xin thần rừng sau khi gieo hạt trên rẫy. Trong cuộc sống gia đình, người đàn ông cũng thực hiện vai trò chủ lễ của các nghi lễ liên quan, nhất là liên quan đến đời sống tâm linh. Những việc trọng đại trong gia đình đều do người đàn ông quyết. Phụ nữ cũng ảnh hưởng mạnh mẽ đến các quyết định quan trọng của người chồng. Hầu hết những việc lớn vợ chồng đều bàn luận với nhau trước khi đưa ra quyết định.
Về hôn nhân, trước đây, người Tày Poọng cũng chịu ảnh hưởng nhiều của tư tưởng cha mẹ sắp đặt chuyện hôn nhân. Trong hôn nhân thường có hai con đường. Một là trai gái yêu nhau và nhà trai đến hỏi cưới dựa trên nguyện vọng của đôi trai gái. Khi hai gia đình tìm được tiếng nói chung thì mọi chuyện êm đẹp. Cũng có trường hợp không tìm được tiếng nói chung thì khi đó tùy vào bản lĩnh của đôi trai gái mà họ đến được với nhau hay đổ vỡ. Thứ hai là do cha mẹ sắp đặt. Nhiều người già trong bản kể lại lại họ đến với nhau không phải vì yêu nhau từ trước mà do cha mẹ sắp đặt. Thường là người con trai lựa chọn. Khi bắt gặp được cô gái họ thích thì họ tìm hiểu gia thế và về bảo cha mẹ đi hỏi cưới. Khi gia đình nhà gái xem xét điều kiện và quyết định nhận lời thì họ sẽ tạo sức ép để cô gái phải chấp thuận quyết định của họ. Mặt khác, cũng trong phong tục tập quán của người Tày Poọng vẫn có những nét độc đáo thể hiện sự tự do về hôn nhân do trái gái lựa chọn. Thể hiện rõ ràng là tục “ngủ mái” vào các dịp hội hè hay lễ tết. Trong sách “Địa chí Tương Dương”, Ninh Viết Giao viết rằng: “Trong các ngày ấy, một cậu con trai có thể nằm trò chuyện với hai, ba cô gái và ngược lại. Những lúc “ngủ mái”, trai gái rất quý mến nhau, tôn trọng nhau, bất kỳ hành vi xấu xa nào khi “ngủ mái” cũng bị lên án nghiêm khắc”. Nói như vậy để không hiểu nhầm về tục “ngủ mái”. Ở đây chính là một một tập tục cho phép trai gái gần gũi để tìm hiểu nhau và đi đến sự lựa chọn về hôn nhân, gia đình của mình. Nó hoàn toàn không có yếu tố quan hệ tình dục trong tập tục này và các hành vi liên quan đến vấn đề tình dục bị xử phạt nghiêm khắc và bị cộng đồng lên án mạnh mẽ.
Cưới xin của người Tày Poọng cũng có nhiều thủ tục và tốn kém. Ninh Viết Giao ghi chép trong “Địa chí Tương Dương” rằng: “Tục cưới hỏi của người Tày Poọng khá tốn kém, lễ ăn hỏi phải đi ba lần. Còn khi tổ chức đám cưới, nhà trai phải chuẩn bị đầy đủ lễ vật như sau: 2 con lợn, 300 con cá, làm thịt ủ chua bỏ vào ba cái sọt, 6 con gà, 1 váy, 1 áo, 1 khăn trùm đầu, 1 chiếu, 1 đôi khăn thắt lưng, 2 vòng tay bằng bạc, 1 bình vôi, 1 vò rượu siêu, 1 bộ chân chài, 15 bát ăn cơm, 3 ống nứa gạo nếp, 3 đồng xu bằng đồng. Còn nếu là con gái đầu lòng thì thêm một nồi đồng, con gái thứ 2 trở đi: 2 nồi đồng, gái út: 3 nồi đồng. Ngoài ra còn phải củi, đuốc… nữa. Tất cả các lễ vật trên phải nộp cho nhà gái. Nhà gái không phải sắm thứ gì. Cưới xong trong 4 ngày cô dâu chú rể phải ở nhà kiêng kỵ, không ra làm việc tại khu vực vườn nhà (kiêng 4 ngày là theo 4 chân con lợn). Đám cưới của người Tày Poọng nặng nề và tốn kém như vậy, nên những chàng trai nhà nghèo thường phải đi ở rể 3 năm hoặc 5 năm, sau đó tổ chức “đám cưới nhỏ” để đưa vợ về nhà mình”. Ngày nay, với việc thực hiện đời sống văn hóa mới, nhất là các quy định liên quan đến cưới hỏi nên việc cưới hỏi cũng được đơn giản hóa dần. Họ không còn những yêu cầu nặng nề về vật chất và tốn kém như trước. Mặc dù các nghi lễ liên quan phần lớn vẫn được lưu giữ và thực hành, và còn tiếp thu thêm một số yếu tố hiện đại từ người miền xuôi lên nữa, nhưng họ cũng hạn chế sự tốn kém cho cả hai phía gia đình. Tùy theo điều kiện gia đình mà họ tổ chức cưới hỏi một cách phù hợp.
Người Tày Poọng mong muốn lấy người cùng bản để khi di cư đến điểm mới có thể cả gia đình đi cùng nhau. Ngày nay, hôn nhân của người Tày Poọng ở bản Phồng đa dạng hơn, ngoài việc kết hôn với người trong bản thì họ cũng lấy người các dân tộc khác ở trong vùng. Và hôn nhân hiện nay do các đôi nam nữ tự quyết dựa trên tìm hiểu và yêu đương nhau. Tuy nhiên, dù hôn nhân cận huyết đã không còn phổ biến nữa nhưng tảo hôn thì vẫn còn hiện diện ở lớp trẻ. “Lúc mới 16 tuổi thì tôi được bố mẹ gả đi lấy chồng. Trước đó tôi với chồng tôi chưa từng quen biết. Tôi dệt may giỏi nên cũng nhiều người để ý. Nhưng bố mẹ bảo gia đình nhà người này có điều kiện, lại được ăn học nên sống tử tế. Tôi chẳng biết thế nào cả nên không chịu. Nhưng bố mẹ bảo nếu không về làm dâu nhà này thì muốn đi đâu thì đi chứ cha mẹ không cho ở cùng nữa. Vậy nên sau đó tôi phải chấp nhận. Sau khi về một thời gian cũng thấy quen dần. Rồi càng ngày vợ chồng yêu thương nhau nhiều hơn và sinh một bầy con”. Đây là chia sẻ của bà Lương Thị Hoa hiện nay đã 80 tuổi.
Bà Lương Thị Hoa
Bà Hoa cũng cho biết thêm rằng thế hệ của bà, việc cha mẹ lựa chọn và lập gia đình cho con cái như vậy là khá phổ biến. Ban đầu cũng gặp khó khăn nhưng rồi về sống với nhau, yêu thương, tôn trọng nhau và có trách nhiệm chăm con cái nên mọi thứ cũng vượt qua hết. Ngày nay, hôn nhân được dựa trên nền tảng tình yêu nam nữ, tự do tìm hiểu. Một mặt thanh niên chủ động hơn trong việc hôn nhân gia đình. Nhưng mặt khác, quan hệ gia đình cũng có nhiều biến động, tính gắn kết có phần giảm đi, các vợ chồng trẻ dễ dàng tranh cãi nhau hơn, thậm chí bỏ nhau. Và nạn tảo hôn vẫn còn dù đã được hạn chế hơn nhiều. Hiện vẫn còn một số cặp vợ chồng lấy nhau khi một trong hai người chưa đến tuổi kết hôn (bản Phồng trong mấy năm qua có 6 trường hợp như vậy). Nhưng tỷ lệ tảo hôn đang giảm dần do nhận thức của người dân thay đổi và công tác tuyên truyền cũng đem lại hiệu quả nhất định.
Cụ Viêng Cả Phia - một trong những người đầu tiên lập nên bản Phồng
Người Tày Poọng cũng tuân thủ quy tắc ngoại tộc hôn. Anh em cùng họ, có quan hệ huyết thống không được lấy nhau. Trong bản có mấy dòng họ chủ yếu gồm Viêng, Vi, Lương, Lê… và giữa các họ này có quan hệ trao đổi hôn nhân với nhau. Người Tày Poọng cũng vì thế mà khá phổ biến quan hệ hôn nhân đa tộc người, tức kết hôn với các tộc người, các nhóm khác. Người Tày Poọng ở bản Phồng có quan hệ hôn nhân với người Thái ở khu vực quanh đó. Còn người Tày Poọng ở bản Tân Hương, Hùng Hương ở xã Tam Quang cũng có quan hệ hôn nhân với người Đan Lai, người Thái gần đó. Quan hệ hôn nhân đa tộc người đang ngày càng phổ biến hơn và nó trở thành một tác nhân quan trọng trong việc giao lưu, tiếp xúc và biến đổi văn hóa truyền thống tộc người.
Trong văn gia đình có một số nghi lễ quan trọng như làm vía (min vai), buộc chỉ, cưới hỏi, ma chay. Đây là những sinh hoạt quan trọng trong thiết chế gia đình. Khi một đứa trẻ chào đời, người lớn tổ chức làm vía và buộc chỉ cho đứa bé (thường vào một ngày đẹp sau khi sinh mấy hôm để người mẹ khỏe hơn hoặc vào dịp tròn tháng). Gia đình mời thầy mo về cúng để làm vía cho cháu. Tùy điều kiện gia đình mà mổ gà hay lợn để làm lễ và mời anh em bạn bè uống rượu. Bố mẹ đặt tên cho con nhưng vẫn phải nhờ thầy mo xem lại tên có phù hợp không, có trùng với ai để được chấp nhận. Nếu trúng vào kiêng kỵ trùng tên với tổ tiên thì phải đặt lại tên khác. Hay khi có một người mới về nhà mình như sau khi cưới hỏi thì người ta cũng phải tổ chức làm vía và buộc chỉ. Đó như là một nghi lễ đón nhận thành viên mới trong gia đình cũng như mong muốn tổ tiên phù hộ, bảo vệ cho thành viên mới này. Đám cưới của người Tày Poọng cũng giống với người Kinh hiện nay về mặt tổ chức. Đám ma của người Tày Poọng trước đây cũng khá đơn giản. Người ta chôn cất người chết ở bìa rừng, không có quan tài. Họ lấy nứa đan lại thành một tấm lưới, mặc đồ mới cho người chết rồi lấy lưới nứa cuốn lại và đem đi chôn.
Nhìn chung, ngày nay, hôn nhân và văn hóa gia đình của người Tày Poọng đã có nhiều biến đổi ngày càng đa dạng hơn theo hướng hiện đại hóa. Đó cũng là xu hướng chung của nhiều cộng đồng. Và trong quá trình biến đổi đó, cần nhận thức một cách đầy đủ để hạn chế những nét tiêu cực đồng thời phát huy những giá trị tốt đẹp để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa gia đình vào quá trình phát triển của cộng đồng./.
tin tức liên quan
Videos
Người Amish ở Mỹ
Phân tầng xã hội và di động xã hội ở Việt Nam hiện nay [kỳ 3]
Nghệ An đạt nhiều giải thưởng tại Cuộc thi Đại sứ văn hoá đọc toàn quốc
Đền Hồng Sơn
Một nước Nhật quá xa xôi!
Thống kê truy cập
114512166
2103
2389
2103
219039
121356
114512166