Địa điểm di tích Tràng Kè, xã Mỹ Thành, huyện Yên Thành - nơi thực dân Pháp xử bắn 72 chiến sỹ Xô viết - Nghệ Tĩnh” trong đó có Liệt sĩ Lưu Xuân Giản.
Liệt sỹ Lưu Xuân Giản sinh năm 1900, trong một gia đình nhà Nho nghèo tại làng Tường Lai, xã Phú Thành. Anh trai ông là Lưu Xuân Miện, có tiếng văn hay chữ tốt, trượng nghĩa, hay cãi giúp người nghèo và là quân sư lợi hại của Tri huyện huyện Yên Thành lúc bấy giờ. Là người thông minh, nhanh nhẹn, lại được sự giáo dục nghiêm khắc của cha mẹ và ảnh hưởng từ anh trai, Lưu Xuân Giản đã sớm biết sử dụng kiến thức của mình để giúp người, giúp đời. Năm 17 tuổi, anh mở lớp dạy chữ Hán cho trẻ con trong làng. Sau đó, Lưu Xuân Giản được học trường Tiểu học Pháp - Việt Yên Thành. Tại ngôi trường này, anh đã sớm hình thành tư tưởng yêu nước và hăng hái tham gia vào nhóm “Thanh niên trí thức yêu nước” của thầy giáo Trần Văn Tăng. Nhóm hoạt động chủ yếu là tuyên truyền, phổ biến thơ văn yêu nước của hai nhà chí sỹ Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh.
Năm 1925, đồng chí Phan Đăng Lưu về Yên Thành và liên lạc với thầy Trần Văn Tăng để tìm cách móc nối với tổ chức Phục Việt. Tháng 2/1928, ông được kết nạp vào hội, lúc này đã đổi tên thành hội Hưng Nam và đến tháng 7 năm 1928, đổi tên thành Tân Việt cách mạng Đảng (gọi tắt là Tân Việt). Đồng chí Phan Đăng Lưu được tổ chức giao trọng trách về xây dựng một đại tổ Tân Việt ở hai huyện Yên Thành và Diễn Châu. Với sự giúp đỡ của thầy giáo Trần Văn Tăng, Phan Đăng Lưu đã phát hiện, bồi dưỡng và kết nạp được nhiều thanh niên ưu tú vào các tiểu tổ Tân Việt, trong đó có Lưu Xuân Giản. Đến cuối năm 1929, đồng chí Nguyễn Phong Sắc đã cử cán bộ về Yên Thành, bắt mối với các tiểu tổ Tân Việt, chọn những thành viên tích cực để thành lập Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng tại Yên Thành, Lưu Xuân Giản vinh dự là một trong những đảng viên đầu tiên của Chi bộ. Đồng chí được giao nhiệm vụ phụ trách thành lập các tổ chức “Nông Hội đỏ”, tuyên truyền kết nạp đảng viên mới ở vùng Bắc Yên Thành.
Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời trên cơ sở hợp nhất các tổ chức Đảng, đã tạo điều kiện và thúc đẩy phong trào cách mạng tại các địa phương phát triển mạnh mẽ, nhiều cuộc đấu tranh đã nổ ra, tiêu biểu là cuộc đấu tranh ngày 1/5/1930 của Nhân dân Vinh - Bến Thuỷ, Thanh Chương, Nam Đàn, Hưng Nguyên…; cuộc biểu tình của Nhân dân Nam Đàn, Thanh Chương, Hưng Nguyên, Nghi Lộc vào tháng 9/1930 mà đỉnh điểm là cuộc đấu tranh ngày 12/9/1930…
Trước tình hình đó, Tỉnh uỷ Nghệ An chủ trương nhân dịp kỉ niệm Cách mạng tháng Mười Nga thành công, tổ chức một đợt đấu tranh của Nhân dân hai huyện Diễn Châu, Yên Thành nhằm biểu dương lực lượng của quần chúng, đòi giảm sưu, hoãn thuế, phản đối đế quốc và phong kiến đàn áp công nhân Bến Thuỷ và nông dân huyện Hưng Nguyên. Giữa tháng 11 năm 1930, các đồng chí Nguyễn Hữu Bình, Chu Trang, Phan Lạc đã về tổ chức cuộc họp tại nhà ông Bùi Xuân Nôm (làng Xuân Lai, xã Đô Thành) để phổ biến chủ trương của Tỉnh uỷ. Cuộc họp có sự tham gia của các đồng chí Bùi Xuân Nôm, Luyện Nhận (làng Xuân Lai), Lê Điều (làng Ngọc Luật), Nguyễn Thực (làng Đông Yên), Lưu Xuân Giản (làng Tường Lai), Nguyễn Hữu Dung (làng Quỳ Lăng), Lê Cổn, Trần Cuông (làng Yên Định), Phan Xuân Thuyên (làng Tràng Thành), Nguyễn Linh (làng Công Trung). Hội nghị đã phân công các đồng chí dự họp về các làng, xã vận động quần chúng tham gia đấu tranh và chờ ngày hành động.
Theo kế hoạch đã định, sáng sớm ngày 7/11/1930, tiếng trống, tiếng mõ vang lên, thúc giục rộn rã, trên các cây cao, khắp các ngả đường, cờ đỏ búa liềm lần dầu xuất hiện. Quần chúng các làng kéo về địa điểm tập trung, đợi giờ xuất phát. Đồng chí Lưu Xuân Giản, Luyện Nhận, Bùi Xuân Nôm, Nguyễn Hữu Dung phụ trách lãnh đạo quần chúng Nhân dân các làng ở tổng Quỳ Trạch. Quần chúng từ các làng Xuân Lai, Gia Mỹ, Yên Định, Đại Độ kéo qua, từ các làng Giai Lạc, Đức Lân, Quỳ Lăng kéo xuống, cùng tập trung tại trường Yên Mã rồi kéo sang các làng Thanh Đạt, Lạc Thiện, Tường Lai và nhập vào đoàn biểu tình của các tổng Vân Tụ, Quan Hoá…. Càng gần đến huyện đường, quần chúng tham gia càng đông. Tuy nhiên, do kế hoạch bị bại lộ nên bọn địch đã tìm cách chống lại. Viên Tri huyện và tên đội Tây đã huy động toàn bộ lính lê dương đến để đàn áp. Đoàn biểu tình ở hạ huyện đi đến Cầu Muống (làng Tường Lai) thì bị lính lê dương nã súng vào đoàn biểu tình làm 10 người chết, nhiều người bị thương. Đoàn biểu tình ở thượng huyện đi đến cồn Nhà Vàng cũng bị lính lê dương từ Cầu Muống rút về xả súng vào những người đi đầu làm chết 2 người và bị thương nhiều người. Trước tình hình đó, đoàn biểu tình được lệnh giải tán.
Dù cuộc biểu tình thất bại nhưng đã thổi bùng lên ngọn lửa đấu tranh cách mạng mạnh mẽ trong quần chúng Nhân dân toàn huyện, khiến bọn địch ngày đêm lo sợ, tìm giải pháp để đàn áp phong trào. Để kịp thời lãnh đạo phong trào cách mạng trong tình hình mới, cần thiết phải tổ chức một cơ quan lãnh đạo cao nhất ở huyện để chắp nối các nhóm cộng sản, thống nhất ý chí và hành động, xây dựng cơ sở đảng, cơ sở quần chúng, ngày 10/11/1930, đồng chí Nguyễn Hữu Bình, phái viên của Tỉnh uỷ Nghệ An về triệu tập hội nghị tại nhà thờ họ Nguyễn Công (làng Trụ Pháp), cử ra Ban chấp hành lâm thờ của Đảng bộ huyện, gồm các đồng chí: Nguyễn Ứng (làng Trụ Pháp), Nguyễn Hữu Dung (làng Quỳ Lăng), Lưu Xuân Giản (làng Tường Lai), Lê Điều (làng Ngọc Luật), Nguyễn Thực (làng Đông Yên) do đồng chí Nguyễn Ứng làm Bí thư. Hội nghị đã phân công trách nhiệm cụ thể cho từng đồng chí trong Ban chấp hành, theo đó, đồng chí Lưu Xuân Giản được giao phụ trách tài chính của Đảng bộ và cùng các thành viên khác về cơ sở, trực tiếp xây dựng các chi bộ, các tổ chức quần chúng. Nhờ sự hoạt động tích cực, nhiệt huyết của các đồng chí trong Ban chấp hành lâm thời Đảng bộ huyện, nhiều tổ chức chi bộ Đảng, tổ chức quần chúng ra đời trong thời gian này như Chi bộ Trụ Pháp, Chi bộ Ngọc Luật, Chi bộ Đông Yên, Chi bộ Đồng Thống, Chi bộ Quỳ Lăng…, tổ chức Nông hội đỏ cũng được thành lập ở các làng, xã, tạo nên một không khí cách mạng vô cùng khẩn trương, sôi nổi.
Trước tình hình đó, bọn Thực dân, phong kiến vô cùng lo sợ, chúng đã tăng cường lực lượng để đàn áp. Trên các đường làng ngõ xóm, đâu đâu cũng xuất hiện lính lê dương, lính khố xanh cùng bọn bang tá, chánh tổng, lý trưởng ngày đêm rình rập, bắt bớ. Tháng 12/1930, sau nhiều lần vây ráp, Lý trưởng Tường Lai đã bắt được đồng chí Lưu Xuân Giản cùng một số đồng chí khác trong Ban chấp hành Huyện uỷ lâm thời và giao nộp cho thực dân Pháp. Việc các đồng chí bị địch bắt đã gây tổn thất lớn cho phong trào cách mạng đang trên đà phát triển, ảnh hưởng đến tinh thần chiến đấu của các đồng chí còn lại. Nhận thức được tầm quan trọng của sự việc này, đồng chí Tôn Gia Chung, Tôn Thị Quế đã về Yên Thành củng cố lại Ban chấp hành Đảng bộ huyện và bầu ra Ban chấp hành chính thức để điều hành, lãnh đạo phong trào cách mạng tại địa phương.
Về phía đồng chí Lưu Xuân Giản, mặc dù bị bắt, nhốt và tra tấn dã man nhưng đồng chí vẫn giữ thái độ hiên ngang, kiên cường trước kẻ địch, đồng thời, động viên anh em giữ vững tinh thần đấu tranh. Sau một thời gian tìm đủ mọi cách dụ dỗ và tra tấn mà không có kết quả, chúng tức tối đưa Lưu Xuân Giản cùng 9 cán bộ, Đảng viên khác ra Tràng Kè (Mỹ Thành) xử bắn vào ngày 10 tháng 3 năm 1931 mà không cần xét xử. Lưu Xuân Giản và các đồng chí khác đã anh dũng hy sinh, cho đến giờ phút cuối cùng vẫn luôn giữ trọn khí tiết của người chiến sỹ cộng sản kiên trung. Ghi nhận đóng góp của đồng chí cho phong trào cách mạng, Nhà nước đã truy tặng đồng chí “Huy chương chiến thắng hạng Nhất” và công nhận đồng chí là Lão thành cách mạng.
Bằng Tổ quốc ghi công của Liệt sĩ Lưu Xuân Giản
Lưu Xuân Giản hy sinh lúc con trai duy nhất - Lưu Xuân Hội chưa đầy 3 tuổi. Vợ ông - bà Võ Thị Hường lại tần tảo nuôi con ăn học. Kháng chiến chống Mỹ nổ ra, Lưu Xuân Hội hăng hái nhập ngũ, tham gia chiến đấu tại nhiều chiến trường và anh dũng hy sinh vào ngày 12/7/1969 tại chiến trường Trị - Thiên, khi đang giữ chức Phó Trưởng ban An ninh Công an Nhân dân huyện Hương Thuỷ, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Với một người vợ, người mẹ, còn mất mát nào hơn khi lần lượt đón nhận hung tin từ những người thân yêu. Tuy nhiên, người mẹ, người vợ ấy đã âm thầm chịu đựng nỗi đau mất chồng, mất con, để chăm lo phụng dưỡng gia đình chồng và tích cực hưởng ứng tham gia các hoạt động kháng chiến, kiến quốc tại địa phương. Ghi nhận những hy sinh thầm lặng ấy, năm 1995, bà Võ Thị Hường đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”, năm 2019, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã tặng “Huân chương độc lập hạng ba” cho gia đình đồng chí Lưu Xuân Giản và bà Võ Thị Hường vì những đóng góp to lớn cho cách mạng Việt Nam.
Năm 2019, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã tặng “Huân chương độc lập hạng ba” cho gia đình đồng chí Lưu Xuân Giản và bà Võ Thị Hường.
Gia đình đồng chí Lưu Xuân Giản là đại diện tiêu biểu cho hàng trăm, hàng nghìn gia đình Việt Nam cống hiến, hy sinh hết mình vì tự do của Tổ quốc, vì độc lập của dân tộc và của quê hương. Sự hy sinh thầm lặng ấy đã góp phần dệt nên khúc tráng ca Xô viết Nghệ Tĩnh và những bản hùng ca bất hủ khác được cả thế giới nghiêng mình, thán phục. Dù thể xác của họ đã nằm mãi trong lòng đất mẹ nhưng tinh thần bất diệt và ý chí của họ vẫn luôn sống mãi trong tâm thức của các thế hệ mai sau.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. BCH Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam huyện Yên Thành (2010), Lịch sử Đảng bộ huyện Yên Thành (1930 – 2005), NXB Chính trị quốc gia.
2. Đảng ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ xã Phú Thành (2010), “Lịch sử địa chí xã Phú Thành, Nxb Nghệ An
3. Lưu Xuân Đáo (2014), Làng Tường Lai sử địa kí, sơ thảo, tập 1
Và một số văn bản, giấy tờ liên quan đến Liệt sỹ Lưu Xuân Giản.