Góc nhìn văn hóa

Ngày Tết nói chuyện câu đối

 

Đã từ lâu, câu đối được xếp vào thể loại văn biền ngẫu. Cũng như văn tế, văn bia, thơ, phú, câu đối là một trong những thể loại của văn học Trung Quốc, có từ lâu đời và cho đến đời nhà Đường (618 - 907) thì có phép tắc, luật đối hẳn hoi. Qua câu đối, tác giả bộc lộc tình cảm, ý chí, quan niệm... của mình trước một sự việc, sự kiện, hiện tượng trong cuộc sống xã hội. Người xưa quan niệm rằng “nếu thơ văn là tinh hoa của chữ nghĩa thì câu đối là tinh hoa của tinh hoa”. Câu đối thể hiện sự nhạy bén, cảm nhận tinh tế, trí thông minh của tác giả trước hiện thực, trong việc đối đáp, ứng xử. Qua sự hài hòa, câu đối, đăng đối,... người đọc sẽ nhận ra được cái hay, cái thú vị, hấp dẫn của câu đối.

Theo các nhà nghiên cứu văn học thì có 11 loại câu đối, để cho ngắn gọn, chúng tôi không nêu ra ví dụ.

1.  Câu đối mừng: Làm để tặng người khác trong những dịp vui mừng như mừng thọ, mừng đám cưới, mừng thi đỗ, mừng nhà mới, v.v...

2.   Câu đối thờ: Là những câu tán tụng công đức tổ tiên, làm để dán hoặc treo những chỗ để thờ.

3. Câu đối để tặng: Là những câu đối được làm ra để tặng cho người hoặc tổ chức nào đó.

4.  Câu đối phúng: Làm để viếng người chết.

5.   Câu đối tự thuật: Là những câu đối tác giả nói lên ý chí, lý tưởng, quan điểm, tư tưởng... của mình và thường dán ở những chỗ ngồi chơi.

6.  Câu đối tập cú: Là những câu đối lấy những câu chữ đã có sẵn ở trong sách hoặc đã có sẵn trong ca dao, tục ngữ, tác giả sắp xếp lại thành câu đối.

7.   Câu đối trào phúng: làm để chế diễu, phê phán, châm biếm một đối tượng nào đó.

8.   Câu đối tức cảnh: là những câu đối được làm để diễn tả ngay những cảnh xẩy ra trước mắt tác giả.

9.   Câu đối thách: tác giả tự nghĩ ra một vế rồi yêu cầu người khác đối lại (hoặc có khi tác giả tự đối lại).

10. Câu đối chiết tự: là những câu đối do sự tách chữ Hán hoặc chữ Nôm ra từng nét hoặc từng phần mà đặt thành câu.

11. Câu đối Tết: làm để dán ở nhà, cửa, đền, chùa... vào dịp Tết Nguyên đán.

Nói chung, mỗi câu đối nói lên một khía cạnh của đời sống. Câu đối chỉ thu gọn cảnh đời trong vài nét chứ không đi sâu vào nhân vật, hoàn cảnh, chi tiết... Giá trị hiện thực của câu đối thường thể hiện rõ nhất trong các câu đối Tết. Qua câu đối, ta thấy dưới chế độ thực dân, phong kiến, trong ngày Tết người lao động rất nghèo túng. Đây là cảnh một người độc thân đón Tết chỉ có quả bưởi:

-    Thấy Tết đến rồi, chẳng lẽ dơ cùi cùng tuế nguyệt.

Kìa xuân sang đó, rồi xem mở múi với giang sơn.

.. Và đây là cảnh nhà nho trong cơn nghèo túng:    

-    Nợ có chết ai đâu, đòi mà chi, trả mà chi, cha cóc!

Trời để sống ta mãi, tiền cũng có, bạc cũng có, mẹ bò!

Trong lúc đó, cảnh Tết của bọn quan lại thì trái ngược hẳn:

-    Doanh quan lớn gọi là dinh, võng lọng, hèo hoa, ngù giáo đỏ, quan kiệu sắp hàng đôi.

Tết ba mươi gọi là Tết, chè lam, bánh chưng, nhân đậu xanh, dưa hành đánh miếng một.

Với bọn nhà giàu, cảnh Tết cũng rất xa hoa. Tính chất hiện thực của câu đối thể hiện rõ qua hàng loạt các từ ngữ, hình ảnh:

-  Cảnh Tết thật là vui, nào tranh, nào pháo, nào áo, nào quần, nào dưa hành, mứt bí, nào giò mỡ, bánh chưng, rượu đánh tít mù, tớ muốn quanh năm xuân tất cả.

Ở đời ừ cũng phải, cứ ăn, cứ chơi, cứ tiêu, cứ phí, cứ rượu cúc, chè sen, cứ bàn xóc dĩa, chơi vui tàn tán, ai hay trăm tuối cũng thôi mà.

Nghịch cảnh như vậy nên có lần nhà thơ Tú Xương đã làm câu đối chửi thẳng:

-  Thiên hạ xác rồi cỏn đốt pháo.

Nhân tình trắng thế lại bôi vôi.

Không những thể, dưới chế độ cũ, câu đối còn đả kích vào quyền uy của bọn thống trị:

-   Võng đào ông lớn đi trên ấy.

Váy rách bà con vỗ dưới này.

Có một câu đối khá thú vị: Khi một tên quan ở tỉnh Ninh Bình tổ chức thi làm câu đối mừng mẹ của Vua Khải Định năm mươi tuổi, hắn xướng ra một vế đối như sau:

-   Lễ thọ năm mươi mừng mẹ nước.

Thì không ngờ hắn nhận được vế đối lại vạch trần bộ mặt xấu xa, bản chất bóc lột, ăn hối lộ của hắn:

-  Bạc đưa trăm một chết cha dân.

Câu đối cũng thể hiện đậm nét tinh thần yêu nước của Nhân dân ta: Với người chiến sĩ yêu nước, câu đối khóc bạn cũng là khóc cho đất nước bị giày xéo, lo cho nòi giống của mình. Trong câu đối khóc Phan Chu Trinh, Ngô Đức Kế có viết:

-  Ôi huynh ông! Học cùng nhau, đỗ cùng nhau, lại khi hoạn nạn cùng nhau, xót vì hồn nước bơ vơ, mưa gió nặng nề không đổi tiết!

Nào đồng chí! Chết vì gươm, chết vì tù, còn ta cũng yếu vì bệnh, thương nỗi đoàn tan ngơ ngác, giang sơn gánh vác biết cùng ai?

Ta thấy rõ ràng mỗi dòng đối, vế đối là một nỗi niềm tâm sự, Ngô Đức Kế khóc bạn nhưng đồng thời cũng bộc lộ nỗi khóc thương cho mình, người sống tiếc thương người chết nhưng vẫn thấy còn nhiều nhiệm vụ nặng nề, tình cảm dạt dào, thắm thiết nhưng không bi lụy.         

Từ Cách mạng Tháng Tám đến nay, câu đối vẫn được kế thừa và phát triển. Trên các phương tiện thông tin đại chúng, ngoài việc thể hiện tình cảm, tư tưởng của người viết câu đối thì câu đối đã bám sát các vấn đề thời sự, các chủ trương chính sách lớn của Đảng. Ngay từ Tết Bính Tuất 1946, khi Cách mạng Tháng Tám vừa thắng lợi được bốn tháng, Bác Hồ đã viết câu đối mừng Xuân:

-   Rượu Cộng hòa, hoa Bình đẳng, mừng Xuân Độc lập.

Bánh Tự do, giò Bác ái, ăn Tết Dân quyền.

Gần đây nhất là câu đối trên tờ báo Quân đội nhân dân Xuân Canh Tý 2020.

- Tinh cán, tinh binh, giàu đức hy sinh vì đại nghĩa, bảo vệ Tổ quốc, hòa bình bền vững.

Vì Đảng, vì dân, sẵn sàng xả thân tròn trung hiếu, giữ gìn non sông, hạnh phúc yên vui.                  

Và trên báo Nhân dân  Xuân Quý Mão 2023.

- Tiếp bước cha ông, giữ vững cõi bờ, tô non sông tươi đẹp.

Đồng tâm con cháu, xây giàu làng nước thêm gấm vóc rạng ngời.

Có thể nói câu đối đã được phổ cập trong Nhân dân, đã trở thành một truyền thống văn hóa đẹp. Với dân tộc Việt Nam, câu đối đã sống, đang sống và sẽ còn sống mãi./.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511629

Hôm nay

2292

Hôm qua

2336

Tuần này

22003

Tháng này

218502

Tháng qua

121356

Tất cả

114511629