Trống tầm vông là độc nhất vô nhị
Trong kho tàng âm nhạc của thế giới và Việt Nam, trống là một loại nhạc cụ với đặc trưng là phát ra âm thanh mạnh mẽ, vang to, trầm hùng. Tuy nhiên có rất nhiều loại trống, có ý kiến cho rằng: Trống tầm vông là trống cơm nhưng đem so sánh cách chế tác, hình dạng và cách sử dụng thì không phải. Lại có ý kiến cho rằng đây là trống “tầm bông” viện theo Từ điển Nhật dụng thường đàm của Phạm Đình Hổ. Từ điển này viết: ‘Yêu cổ là trống tầm vông’ qua tra cứu thì đây là loại trống thắt eo (yêu) của Trung Quốc, phần giữa trống có một đoạn hẹp hơn hai đầu trống. Nhật Bản có loại trống Tsuzumi, Hàn Quốc có trống Janggu tức trống Trượng cổ, tại Việt Nam có Phong Yêu (tức trống lưng ong) được gọi là trống bồng. Tất cả các loại trống này có phần thắt eo ở giữa và mặt trống hai đầu to nhỏ không bằng nhau, còn trống cơm không thắt eo mà đường kính ở tang trống đoạn giữa lại là lớn hơn đường kính mặt trống, chưa kể trước khi sử dụng phải bôi, trét cơm vào mặt trống.
Trống lưng ong (trống bồng)
Trống tầm vông
Khác với các loại trống đã nêu ở trên, trống tầm vông được làm tang thẳng, hai đầu bằng nhau. Theo một nghiên cứu của nhạc sĩ Phan Thanh Chương các nghệ nhân lâu năm ở xã Thanh Dương (nay là xã Xuân Dương) - trung tâm chợ Cồn nơi sản sinh ra loại nhạc cụ này cho biết: Trống tầm vông được gắn kết bởi những nguyên vật liệu truyền thống như gỗ ròng của cây mít già ngâm bùn ao. Mặt tầm vông làm bằng da trâu, da bò non (không dùng da trâu bò già) dùng vỏ cây sui trộn muối hạt giã bột rắc đều lên mặt trong của da rồi dùng vỏ con vẹm cạo, chuốt, bào mỏng đều rồi đem phơi trong bóng râm đến khô nỏ. Vật liệu để gắn tầm vông được làm bằng sợi mây tắt (loại mây nhỏ bằng đầu đũa có màu vàng cháy) dùng dao lước mỏng, bó thành từng lọn hong trên giàn bếp cho đến khi sợi mây có màu vàng cánh gián rồi bện thành hoa văn hình con rết dùng để làm cữ, giới hạn cho các loại, cỡ tầm vông. Các thanh tang được gắn với nhau bằng mủ cây sung già trộn với mật ong rừng rồi thêm vào ít bột nếp chão… ngoài ra còn có các dăm tre được làm từ gốc tre già vót nhọn để dựng, căng mặt da của tầm vông. Hai đầu mặt da bằng nhau nhưng một đầu mỏng hơn gọi là đầu bông (phát ra tiếng kêu trong, cao), đầu kia da trống dày hơn gọi là đầu bịm (phát ra âm thanh trầm, đục). Trước lúc chơi trống, các nghệ nhân dùng dung dịch bột khoai dong riềng trộn với tro lá chuối sứ đánh nhuyễn bôi vào mặt trống để định âm.
Việc dựng tầm vông liên quan đến cả phong tục, tín ngưỡng của người bản xứ. Các nghệ nhân cao tuổi chọn ngày lành, giờ vui để dựng trống. Không gian cho việc dựng tầm vông được làm mái rạp đàng hoàng ở sát với hiên nhà chính, ghế bàn được sắp đặt hàng trong hàng ngoài, phía chính giữa được trải chiếu hoa, làm mâm cỗ để cúng thần thiên, địa, cầu Trời, khấn Phật.
Hương tàn, hạ lễ, người cao tuổi nhất trong hội có sức khỏe, có tài đánh tầm vông khởi lễ bằng cách dùng hai tay cầm hai thanh tang gỗ mỏng ghé sát vào tai gõ vào nhau tượng trưng cho việc làm dấu, làm phép… rồi mới đến lượt trai thanh nữ tú vây quanh chuyển các vật dụng giúp thợ đan vòng, sắp tang gỗ… Thời gian này cả làng râm ran mời trầu, mời rượu để mừng cho nhà nọ, nhà kia sắp có tầm vông mới. Tuy chỉ là một chiếc trống nhưng phải sau dăm ba ngày chiếc tầm vông mới được ra đời. Người già, con trẻ ai cũng chen chân đến để được chạm tay vào trống. Đến lượt làm lễ khai sinh cho một tầm vông mới nơi bậc thềm thoáng rộng nhất dành cho các nghệ nhân cao tuổi với đủ bộ lễ áo the khăn đóng, mang bên mình những chiếc tầm vông màu hạt dẻ. Người đại diện hai tay nâng chiếc tầm vông lên quá đầu người rồi bái lạy bốn phương tám hướng cầu mong những điều tốt lành. Cùng lúc cả dàn tầm vông to nhỏ cùng hòa âm nâng niu tầm vông trẻ cất tiếng chào đời rồi tất cả hòa vào dàn tấu sôi động cả một vùng...
Diễn xướng tầm vông.
Theo các nghệ nhân cao tuổi ở vùng chợ Cồn, đặc biệt là xóm bãi sát bờ sông Lam, ngày trước đánh tầm vông mọi lúc mọi nơi lúc có sự kiện lớn trong làng xã hay chỉ là tiếng lòng của một người hoặc một nhóm người nên hầu như ai cũng biết sử dụng, nhà nào cũng có trống tầm vông. Cũng theo nghiên cứu của nhạc sĩ Phan Thanh Chương tiếng tầm vông không giống như trống cơm của miền Bắc và vùng Nam Bộ với các tiết tấu âm nhạc và bài quen thuộc như: tập tầm vông/tay không tay có…tập tầm vông/con công nó múa…tuân theo các lý thuyết âm nhạc chuẩn, tầm vông Chợ Cồn chỉ là tiếng lòng nhắn gửi với hình thức “xướng”, “xô” bằng tín hiệu của các loại tầm vông lớn, bé phát ra. Việc xướng là của tầm vông đại, việc xô là của tầm vông tiểu. Trên cơ sở đơn sơ về âm nhạc “ngũ cung” của dân tộc, tý chút về phách, nhịp rồi tự đưa ra một thứ niêm luật, câu cú mạch lạc trong cách thể hiện rất riêng, quan trọng nhất là cảm xúc. Ví dụ, khi đã có tiếng trầm báo nhịp (xướng) thì các “bè trầm” phải “ứng” rồi tiếp nối “cả làng” cùng “tấu” lên với hàng chục, hàng trăm cung bậc âm thanh khác (xô) tạo nên một âm hưởng kỳ lạ, riêng biệt.
Ngày trước, tiếng tâm vông đồng đều rộn rã nhất là lúc đón đón giao thừa chào năm mới. Khi giọng trầm được phát ra từ đình làng, từ nhà nghệ nhân cao tuổi hoặc gia đình người đức cao vọng trọng trong làng thì từ tất cả các nhà mọi người cùng đánh. Các thanh âm cùng tấu lên hối hả tạo “bữa tiệc tầm vông” vô cùng sôi động, náo nhiệt. Sau khúc dạo đầu, phần giữa có xướng, có xô, tiếng thanh rối rít, vụt tắt, rồi lại tiếng trầm xuất hiện lắng lại. Phần cuối, cả làng cùng vang lên với tốc độ nhanh hơn giòn tan như pháo nổ.
Ngoài tiệc âm thanh đêm Giao thừa, tiếng tầm vông cũng được hòa tấu trong các lễ hội, các sự kiện sinh hoạt làng xã, mừng đám cưới, nhà mới…con trai, con gái tỏ tình với nhau cũng có thể qua tiếng tầm vông. Họ chào, hỏi nhau, giãi bày, thanh minh, bộc lộ nỗi niềm của mình bằng tiếng trống. Khi con trai vỗ bảy tiếng trầm ấm, kèm tiếng láy kép, cứ bốn nhịp rồi trở lại như lần đầu… Cô gái vỗ chín tiếng, trong đó có bảy âm thanh có tiếng luyến láy kép và vỗ đúng số lần như cậu con trai thì có nghĩa là đã “thuận”, là họ có thể gặp nhau nói chuyện với nhau ngoài đời và ngược lại! Cũng qua từng tiếng, từng nhịp âm thanh rành rọt, họ có thể hiểu được hoàn cảnh gia đinh, tính nết của nhau.
Cũng vì nghe nhiều, chơi nhiều mà tầm vông có thể thay ngôn ngữ của người dân nơi đây. Thời giặc giã, tiếng tầm vông chở che cho cán bộ cách mạng, báo tin giặc đến, giặc đi. Tiếng tầm vông ngày xuân của làng trên xóm dưới báo cho nhau biết được mùa màng bội thu hay thất bát, niềm vui nỗi buồn…là cầu nối gắn kết với nhau lo việc làng việc nước.
Ngày xuân nghe tiếng tầm vông
Bộ nhạc cụ của một bản tấu tầm vông: Trống lớn, trống con, một cặp nao bằng đồng, hai thanh tre cật, một chiếc mẹt đan bằng nứa.
Cùng với các biến thiên của lịch sử, sự thay đổi của xã hội với sự du nhập của nhiều thể loại âm nhạc, nhạc cụ từ nước ngoài đã có nhiều loại hình “dân nhạc” bị mai một nhưng tiếng trống tầm vông Chợ Cồn ở huyện Thanh Chương chưa bao giờ mất. Tuy không phổ biến nhà nhà đều đánh tầm vông như ngày trước nhưng các xã trong vùng như Thanh Dương, Thanh Lương, Thanh Khai đều có đội tầm vông, ngươi chơi thạo tầm vông. Tầm vông hôm nay cũng không đơn giản chỉ là các loại trống lớn bé mà còn có sự tham gia của một số loại nhạc cụ. Theo ông Lê Doãn Hùng - nguyên Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Thanh Dương, nay là đội trưởng đội tầm vông của xã và các nghệ nhân Nguyễn Duy Chân, Nguyễn Đình Lương cho biết: một bản tấu tầm vông hiện nay gồm các nhạc cụ: Một chiếc trống tầm vông lớn, một chiếc trống con thông thường, một cặp nao bằng đồng, hai thanh tre cật, một chiếc mẹt (giống cái sàng nhưng được đan dày như nong nia) đan bằng nứa vẫn lấy tiếng “xướng”, tiếng “xô” làm chủ đạo nhưng tầm vông hôm nay được định âm bằng ba âm thanh chính là “bông”, “bịm”, “ráp”. Bông và bịm là âm thanh của hai đầu trống như đã nói ở trên, còn ráp là lúc hai tay cùng vỗ một lúc vào hai mặt trống. Một nhịp trống được bắt đầu bằng bông, sang bịm rồi đến ráp, hoặc ngược lại và đổi chỗ tùy bài chơi và tâm trạng, tình cảm mà người chơi muốn chuyển tải. Các âm thanh của các loại nhạc cụ hỗ trợ như: trống con, nao và mẹt giữ vai trò cầm nhịp cho trống. Mỗi lần biểu diễn các thành viên trong đội mang áo the khăn đóng cách điệu, chít khăn vàng, đỏ tùy vị trí loại nhạc cụ sử dụng, người cầm chịch chơi tầm vông đại ăn mặc theo kiểu cách riêng. Các cuộc diễn xướng tầm vông được người dân hồ hởi đón nhận, khuyến khích động viên. Dù nay nhiều người không biết sử dụng, chơi tầm vông nhưng do được tiếp xúc nhiều nên ai cũng hiểu, cùng hỉ, nộ, ái ố với nội dung bản tấu chuyển tải.
Một mùa Xuân nữa đang về, các nghệ nhân tầm vông Chợ Cồn đang hồ hởi, hối hả dựng trống, tập tầm vông. Không cầu kỳ, trang trọng như xưa nhưng nhờ được truyền nối kỹ thuật, sự thành tâm và sự hỗ trợ của các thiết bị, dụng cụ hiện đại, chất lượng của các loại trống tầm vông cũng được nâng lên.
Tết đến, xuân về với người Việt Nam là một sự kiện tổng kết đồng thời cũng là sự khởi đầu. Người dân dù đi đâu, làm đâu cũng cố gắng về nhà, về quê để tri ân, tưởng nhờ tổ tiên, vui vẻ cùng gia đình, họ mạc. Trong niềm háo hức trở về của người xa quê, niềm vui của người dân ở lại quê nhà có nỗi nhớ, sự ước ao được nghe tiếng trồng tầm vông. Thứ âm thanh quê kiểng, dân giã đã, đang và sẽ cất lên để người dân Chợ Cồn đón chào năm mới. Đó là một phần hồn cốt, nét đặc trưng văn hóa “độc nhất vô nhị” ở một vùng đất cổ xứ Nghệ.
TĐH
(Bài đã đăng VHTT Nghệ An, Số Tết Ất Tỵ - Tháng 01/2025)