Nghệ nhân Ưu tú Cao Xuân Thưởng
Cao Xuân Thưởng được sinh ra và lớn lên ở làng Phượng Lịch, xã Diễn Hoa (Diễn Châu), nơi có dòng sông Bùng tươi mát êm đềm đã từng đi vào nhạc, vào thơ và làm mềm những câu hát phường vải từ bao đời trên mảnh đất này. Bởi vậy, không phải chất văn thơ của Cao Xuân Thưởng đến nay mới có mà đó là sự đam mê từ khi cậu bé Thưởng theo cha đi nghe hát phường vải tại đình làng Phượng Lịch quê ông. Tuy nhiên chỉ khi ông bước vào tuổi nghỉ hưu, ông mới thỏa mãn được niềm say mê thơ ca. Cao Xuân Thưởng hăm hở dành nhiều thời gian cho sáng tác dân ca Ví, Giặm.
Nhìn Cao Xuân Thưởng, ai cũng nghĩ sáng tác dân ca thật nhàn hạ, thảnh thơi, chỉ là thú giải trí tao nhã của người về hưu nhưng thực ra đó là cả một quá trình lao động vất vả và nghiêm túc của ông. Ông dành nhiều thời gian cho việc sưu tầm nghiên cứu mảng văn hóa dân gian. Qua nghiên cứu, ông nhận thấy ngoài những làn điệu cổ cần được giữ gìn thì cũng nên có những tác phẩm mới gần gũi hơn với cuộc sống hiện tại ...thì dân ca mới có sức sống mãnh liệt hơn. Ông tâm sự: “Tôi viết không phải nệ theo bài cổ nhưng không làm giả chất dân ca đi mà làm cho cái men dân ca trong các làn điệu nó gần gũi với đời sống bây giờ, hoặc nó có tính trào phúng, trào lộng để gây tiếng cười làm cho cuộc sống này vui tươi, đậm đà tình nghĩa và giàu tính nhân văn hơn. Bạn bạn bè tôi tận Sài Gòn khi nghe được các tác phẩm: Khúc ca đồng ruộng, Trên bến sông quê, Trẩy hội Đền Cuông… của tôi đã gọi điện nói “Nghe dân ca bạn sáng tác thì nhớ quê vô cùng”. Và tôi rất mừng vì điều đó”.
Những bài dân ca, những hoạt cảnh vui được ra đời, đến tay những “nghệ sĩ” nông dân ở xã Diễn Hoa quê ông. Ai cũng thích, họ chuyền tay nhau rồi những ngày lễ, hội làng...đều mang ra diễn. Rồi Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thông huyện cũng như “bắt được vàng” khi xem những tác phẩm của ông Thưởng, bởi lâu nay, tác phẩm của đội ngũ sáng tác dân ca trên địa bàn huyện có chăng chỉ là những bài hô hào, cổ động thiếu vắng những tác phẩm chất lượng để có thể đi thi thố ở các nơi.
Những bài dân ca của Cao Xuân Thưởng thường là những mảnh đời trong cuộc sống của cộng đồng dân cư làng xã, thật gần gũi, dễ đi vào lòng người. Lời ca giản dị, thuần khiết, đằm thắm, thường kể về công việc đồng áng, chuyện tình yêu lứa đôi, chuyện ăn ở cho phải đạo làm người, chuyện sống sao cho nên tình, nên nghĩa... hay những vui buồn của người nông dân chân lấm tay bùn,... mang đậm chất dân gian. Người ta thích những tác phẩm của Cao Xuân Thưởng không chỉ là ở những vấn đề đang diễn ra trong xã hội mà còn bởi những câu đối đáp ví von hóm hỉnh, lối chơi chữ thâm thúy, vui tươi, hay sự tếu táo, trêu đùa đầy ẩn ý bất ngờ, thú vị mà đậm nghĩa, đậm tình. Chị Cao Thị Bích Lâm - Người đã nhiều lần biểu diễn tác phẩm của Cao Xuân Thưởng chia sẻ: “Đối với những bài hát trước đây thì đi biểu diễn xong thường quên ngay nhưng với tác phẩm của bác Thưởng thì để lại cho chúng tôi ấn tượng sâu sắc, hầu như là thuộc lòng các làn điệu bác viết”. Xem các tác phẩm của Cao Xuân Thưởng, bà con nhân dân thì khen ngợi bởi lâu rồi mới có những bài hát, những hoạt cảnh dân ca hóm hỉnh, gần gũi, đi vào lòng người đến vậy, còn các văn nghệ sĩ - những người có chuyên môn thì coi đó là một sự tươi mới, độc đáo làm cho dân ca hấp dẫn hơn và đến gần hơn với đời sống người dân. Là giám khảo của các cuộc Liên hoan Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh cấp cụm và cấp liên tỉnh (Nghệ An và Hà Tĩnh), NSND Trịnh Hồng Lựu - Giám đốc Trung tâm Nghệ thuật truyền thống Nghệ An cho biết: “Những sáng tác của nghệ nhân Cao Xuân Thưởng tham gia Liên hoan rất chất lượng, có thể nâng lên tầm chuyên nghiệp được. Từ những câu dân ca cổ và vốn văn học dân gian, bác đã biến nó thành cái phù hợp với cuộc sống đương đại ngày nay. Và phải nói dân ca muốn mới được, muốn phát huy được trong cuộc sống như ngày hôm nay cần phải có lời mới cho nó và Cao Xuân Thưởng đã làm được việc này”.
Tại Liên hoan Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh năm 2013, cả 3 tác phẩm do ông sáng tác cho đoàn nghệ thuật quần chúng huyện Diễn Châu biểu diễn là: Hoạt cảnh “O hàng bán rượu”, “Chuyện ngày hè”, hát đối “Trên bến sông quê”, đã gây được tiếng vang, chương trình được trao giải Nhất toàn đoàn, được Ban Tổ chức liên hoan chọn đưa đi lưu diễn. Riêng Cao Xuân Thưởng được trao giải Tác giả xuất sắc và ông đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú năm 2015.
Sáng tác rồi tự tập luyện cho CLB Dân ca xã, các trường học dường như chiếm hết thời gian của ông. Ai cũng bảo ông nghỉ hưu rồi còn “tham công tiếc việc” nhưng đối với Cao Xuân Thưởng, cái sâu lắng lấp lánh trong những câu hát dân ca luôn cuốn hút ông miệt mài để cho ra những tác phẩm mới. Ông giãi bày: Nếu vì đãi ngộ thì chắc không làm bởi nhuận bút tác giả không đáng là bao. Nhiều người gọi vui ông Thưởng là “nhạc sĩ dân ca”, ông thấy thích cái tên đó, bởi nó như là thành quả của sự lao động miệt mài, sự ấp ủ cả cuộc đời. Ông tham mưu cho Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thông huyện thành lập các CLB đàn, hát dân ca ở cơ sở. Ông trực tiếp hướng dẫn cách thức hoạt động, tổ chức các buổi tập, sáng tác những bài dân ca mới mang đặc trưng của địa phương cho các CLB. Từ sự lăn lộn của ông với dân ca mà đến nay, Diễn Châu đã thành lập được 8 CLB Dân ca Ví, Giặm. Đây là điều mà chính quyền các địa phương đang rất quan tâm thực hiện trong công cuộc xây dựng nông thôn mới - Một vùng nông thôn văn minh, hiện đại mà vẫn mang đậm hồn quê với những làn điệu dân ca đằm thắm ân tình.
Nghệ nhân Cao Xuân Thưởng say sưa tập luyện cho các thành viên CLB dân ca của xã
Đình làng Phượng Lịch - nơi ngày xưa cậu bé Thưởng từng đi nghe cha hát Phường Vải thì hôm nay, cũng chính nơi này, ông đang miệt mài cho những buổi tập hát dân ca. Một sự kế thừa mà qua bao năm ấp ủ đến nay ông mới làm được. Đình Phượng Lịch đã lâu rồi mới lại có lại cái không khí rộn ràng của những câu hát dân ca làm say đắm lòng người. Những câu hát đưa ta về với hình ảnh mềm mại của dòng sông Bùng quê ông vào đêm trăng sáng, hình ảnh những cô thôn nữ làng Phượng Lịch (nói riêng) và các làng quê xứ Nghệ (nói chung) đang rộn ràng trong tiếng thoi đưa. Thấp thoáng trong đó còn có cả bóng dáng của những cô gái quê thời hiện đại - tươi mới, hồn nhiên mà đằm thắm ân tình. Cao Xuân Thưởng tiếp tục tâm sự: Với cộng đồng, tôi muốn việc hát dân ca này không chỉ là phong trào mà phải làm sau để nó đi vào lòng quần chúng, đi vào cuộc sống. Để nó duy trì thường xuyên được thì phải tự nhiên chứ không phải sân khấu hóa. Bắt đầu từ đứa trẻ yêu dân ca thì lớn lên nó mới có cái hồn của dân tộc. Tôi đã có kế hoạch và đề xuất với Phòng Giáo dục huyện là tạo điều kiện để tôi đi nói chuyện về dân ca, về ca trù và văn học địa phương cho các trường hoc. Về phía tôi và anh em nghệ nhân thì đã sẵn sàng. Đó là môi trường thuận lợi cho dân ca tồn tại lâu dài.
Nghệ nhân Cao Xuân Thưởng chơi đàn đáy rất thành thạo
Nghệ nhân Cao Xuân Thưởng (bên trái) gõ phách trong một tiết mục ca trù
Cao Xuân Thưởng vẫn đang miệt mài, thầm lặng nhặt nhạnh để vốn thơ ca ngày càng dày thêm. Thời gian vô cùng mà đời người thì có hạn nhưng mạch nguồn dân ca một khi đã thấm vào máu thịt, đi vào lòng người thì nó sẽ chảy mãi, chảy mãi với thời gian. Đã gần với cái tuổi “xưa nay hiếm” chắc hẳn ông Thưởng cũng phần nào yên tâm vì mình đã góp phần khơi được mạch nguồn dân ca xứ Nghệ chảy giữa lòng dân, không chỉ cho hôm nay mà còn cả mai sau.