Góc nhìn văn hóa
Nguồn gốc thờ rắn tại một số ngôi đền thờ trên đất Nghệ An
Từ thửa hồng hoang khai sinh lập địa, loài vật đã đi vào đời sống văn hóa của nhân loại và trở thành những hình tượng biểu trưng hết sức thiêng liêng. Bằng nhiều cách thức và sự biểu hiện khác nhau nhưng mỗi loài trong đó đều mang những ý nghĩa biểu trưng nhất định và đại diện cho một loại hình văn hóa, tín ngưỡng, phong tục tập quán, lối sống và đại diện cho sức mạnh vô hình nào đấy. Nhưng xét về mặt ý nghĩa biểu trưng thì không có loài vật nào có đầy đủ các yếu tố như loài Rắn. Việt Nam là một đất nước nông nghiệp, các sinh hoạt đều phụ thuộc và gắn bó mật thiết với nguồn nước, thì việc tôn thờ một vị thần mang tính biểu trưng đại diện cho nước là đương nhiên. Và Rắn cũng là một trong những loài “linh vật” được thờ phổ biến.
1. Tục thờ thần rắn của người Việt.
Tục thờ Rắn là một trong những tín ngưỡng nguyên thủy của người Việt cổ và được lưu truyền cho đến tận ngày nay. Xuất phát từ môi trường tự nhiên gắn liền với điều kiện sông nước, đầm phá, ao hồ, khe suối,... bản chất của cư dân nông nghiệp lại cần tới nước để tưới tiêu nên người ta rất tôn sùng nước và cần một thế lực đủ mạnh để cai quản nguồn nước cũng chính là linh vật biểu trưng, và tục thờ rắn đại diện cho thủy thần có lẽ cũng xuất phát từ ý niệm đó. Trong quá trình phát triển của lịch sử, sự thay đổi về điều kiện địa lí và văn hóa xã hội, tín ngưỡng thờ rắn đã được khoác thêm nhiều lớp văn hóa muộn hơn và ít nhiều có biến đổi cho phù hợp với từng khu vực, thời kỳ khác nhau. Không chỉ xem rắn với tư cách là thần, người Việt còn chọn rắn làm vật tổ. Nhà văn hóa dân gian xứ Nghệ, cố GS Ninh Viết Giao khi sưu tầm, nghiên cứu về văn học dân gian xứ Nghệ đã nói đến motif thờ rắn và truyền thuyết liên quan đến con rắn. Tác giả cho biết: Trong trường kỳ lịch sử, bản thân con rắn đã biến dạng và cách kể chỗ này, chỗ kia có khác nhau song motif con rắn ở đây vừa có tính tô tem giáo lại vừa có tính tiêu biểu cho nền văn minh lúa nước rất sớm ở Việt Nam… “Rắn được thờ ở nhiều nơi và được đưa thành một motif trong truyện kể, bởi rắn được tượng trưng cho thần nước trước khi có huyền thoại về Rồng” (Trên thực tế rồng là một loài vật không có thực). Giáo sư Đinh Gia Khánh cũng đề cập đến vấn đề thờ vật tổ của người Việt, đó là câu chuyện dân gian mà bất cứ những ai cũng đều biết và nghe, đó là: “Lạc Long Quân thuộc dòng giống của rồng”, chi tiết này của một bộ phận cư dân Việt cùng với tục xăm mình hay các truyện kể dân gian vẫn thường nói tới đó là có sự hòa huyết giữa 2 đối tượng: người + rắn như kiểu cha mẹ là người sinh ra con là rắn; rắn biến thành người lấy chàng thư sinh, hay bố Lạc Long Quân lấy mẹ Âu Cơ sinh ra bọc trứng nở ra trăm con,… đã phản ánh ít nhiều tại sao con người ta lại lấy rắn làm vật tổ. Từ những nhận định trên, chúng ta lại thấy một điều khá thú vị đó là giữa người và rắn có một mối quan hệ mật thiết.
Cùng với thời gian và sự phát triển về ý thức, tín ngưỡng thờ vật tổ là cơ sở quan trọng của việc hình thành các biểu tượng về cái thiêng, thậm chí là con vật biểu tượng cho vương quyền. Đến đời Lý (1010 -1255), một điều liên quan mật thiết với rắn được thông qua hình tượng “con Rồng thời Lý”, được chạm trổ ở các chi tiết kiến trúc, đại diện cho thế lực vương triều. Đến thời Trần, Lê, rắn đã trở thành thần, thành hoàng được thờ phổ biến nhiều nơi ở các làng xã Việt Nam, xuyên suốt từ Bắc chí Nam, từ đồng bằng châu thổ đến trung du miền núi và được các triều vua sắc phong “Võ Sơn Long xà thượng thượng đẳng thần”.
Ở châu thổ Bắc Bộ, tục thờ thần rắn khá phổ biến, được thể hiện qua hệ thống đền thờ rắn ở dọc theo các con sông lớn như: Sông Hồng, sông Đuống, sông Cầu,…Theo Đổng Đức Khiêm - Nguyễn Hữu Bình, dọc sông Cầu có đến 316 ngôi đền thờ một cặp rắn: Ông Dài, Ông Cụt như dân gian vẫn truyền[1]. Qua các di tích, lễ hội như: Thần tích và hội làng Linh Đàm thờ vị thủy thần Bảo Ninh. Một lễ hội khác có liên quan đến tín ngưỡng thờ rắn là Hội làng Thủ Lệ. Theo thần tích và truyền thuyết nơi đây thì Linh Lang Đại Vương vốn là một rắn thần. Sau khi lập công giúp nước, ngài hóa thành giao long trườn xuống Hồ Tây. Hay Hội làng Nhật Tân (thờ Uy Linh Đại Vương, vốn là anh cả của bảy anh em rắn thần, sau đó đầu thai làm hoàng tử Uy Đô Linh Lang) cũng thể hiện những dấu vết của tín ngưỡng thờ rắn. Ngoài ra có thể kể đến một số lễ hội khác như Hội làng Yên Nội ở Từ Liêm, Hà Nội thờ Thổ Lệnh Bạch Hạc Tam Giang; Hội làng và truyền thuyết Thánh Tam Giang ở Bắc Ninh…
Ở khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nam Bộ, rắn cũng là một vị thần được thờ chính của bà con dân tộc Chăm ở khu vực Ninh Thuận và Bình Thuận, với hình tượng con rắn thần Naga được tượng trưng cho sức mạnh của thần Si Va. Người Khơme Nam Bộ cũng cùng motif như thần rắn Naga của người Chăm Nam trung Bộ nhưng người Khmer thờ thần rắn với niềm tin thần là người làm chủ nguồn nước, sẽ tạo ra mưa thuận gió hòa cho các cư dân nông nghiệp lúa nước Đông Nam Á (Naga cũng có nghĩa là thần mưa, tạo mưa cho vạn vật sinh sôi)[2].
Khu vực Trung Bộ, tín ngưỡng thờ thần rắn cũng được nhiều dân tộc tôn thờ và xem đó là một con vật hết sức linh thiêng, có thể hô phong hoán vũ. Người Mường ở Thanh Hóa có một ngôi đền thờ thần Rắn được biết đến hiện nay ở thôn Lương Ngọc, xã Cẩm Lương, huyện Cẩm Thủy. Tại đây có một dòng suối rất nhiều cá gọi là suối Cá Thần. Tương truyền, cá ở đây do một thần Rắn bảo hộ, che chở. Người dân tin rằng, ai làm hại tới những con cá sống ở đây thì sẽ chuốc lấy những hậu quả khôn lường. Ở Đình làng Phú Bài, xã Thủy Phù, Hương Thủy, Thừa Thiên - Huế cũng lập bài vị thờ Ông Dài, Ông Cụt. Theo truyền thuyết, đây là hai con rắn, một dài một cụt vốn là con của thần Gió từng hiển linh giúp đỡ dân làng, đem lại mưa thuận gió hòa, nên được dân làng tưởng nhớ, tôn xưng là thủy thần.
Đền đức Hoàng (xã Phúc Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An), một trong những ngôi đền tiêu biểu thờ thần rắn.
Ở tỉnh Nghệ An cũng có rất nhiều đền thờ rắn, chỉ tính riêng địa bàn 2 huyện Diễn Châu và Yên Thành có tới 9 ngôi đền thờ thần rắn[3], song có 4 ngôi đền, tiểu biểu gắn với tục thờ thần rắn rất rõ nét và đó là đền Canh ở xã Đức Thành, huyện Yên Thành, đền Sò (nay thuộc thị trấn Diễn Châu) và đền Đức Thánh Cả (đền thần rắn) ở xã Diễn Lộc, huyện Diễn Châu; đền Đức Hoàng, xã Phúc Thành, huyện Yên Thành.
Đền Canh, xã Đức Thành, huyện Yên Thành thờ “Ông Cụt và Ông Dài”
Tại 4 ngôi đền này đều có một truyền thuyết chung, hiện nay vẫn còn được dân gian lưu truyền. Đặc biệt, đền Thờ thần rắn ở làng Nho Lâm (nay thuộc xã Diễn Lộc). Đền đựơc xây dựng vào thời Lê ở trên núi Hạc Linh Sơn với quy mô khá lớn với kiến trúc 3 tòa, thựợng, trung, hạ điện[4], bên cạnh đó có các công trình kiến trúc phụ khác như tả vu, hữu vu, nhà bia,... Tuy hiện nay đền không còn nữa, song qua khảo sát trên địa bàn huyện Diễn Châu, chúng tôi đã sưu tầm được 24 sắc phong cho thần rắn, 1 bản thần tích ghi lại về truyền thuyết về thần rắn ở đền Hạc Linh Sơn như sau: “Ngày xưa ở xã Quỳ Trạch có ông Hoàng Phúc Hữu, vợ là Võ Thị Quyên, mặc dù vợ chồng ông bà luôn luôn làm điều thiện nhưng lại hiếm muộn con cái, đến 50 tuổi mà ông bà vẫn chưa có con. Một hôm, bà vợ đi tắm ở sông, về nhà bị cảm cúm, rồi thụ thai, đến 9 tháng 10 ngày sinh ra một bọc có 2 quả trứng. Ông bà thấy vậy, buồn rầu lo lắng, nhưng vốn có lòng bao dung, từ thiện nên ông bà đã để hai bọc trứng lại nuôi. Sau khi sinh ra 2 bọc trứng, ông bà liền bỏ vào chậu nước trong, lạ thay, 2 quả trứng cứ chạy quấn lấy nhau và nở ra một con rắn và một con giao long. Hai con rắn được ông bà chăm sóc và nuôi nấng, ngày ngày quấn quýt lấy vợ chồng ông bà lão. Một hôm ông lão vác quốc đi thăm đồng, 2 con rắn cũng đi theo và quấn quýt bên ông. Vô tình trong khi cuốc đất, ông đã làm cụt đuôi rắn. Bỗng nhiên lúc đó trời nổi mây mưa, sấm sét và không thấy rắn đâu nữa. Ông liền vác quốc ra về, đến sân nhà mình, ông thấy 2 con rắn đang chờ sẵn. Ông liền van lạy, bỗng nhiên con rắn lớn liền nói tiếng người và bảo con rắn kia rằng, định cắn chết ông nhưng ông đã van xin, hối lỗi nên chúng ta không nỡ nào bỏ tình cốt nhục cha con được. Nói rồi hai con rắn liền bỏ đi, trước khi đi, rắn còn quay đầu lại bảo với ông rằng: Hai anh em con là long xà, phụng mệnh thiên đình đầu thai xuống hạ dưới, nhưng cha đã chặt cụt đuôi của em con. Nay không thể ở với cha mẹ được nữa, nay con được phong làm thánh ở núi Hạc Linh Sơn, em con cũng được phong thần ở đền tại bàu Diệu Ốc[5]. Từ nay trở đi, nếu dân làng gặp đại hạn, cứ đến đền cầu phong, đảo vũ, chúng con sẽ hiển ứng thần thông. Nói xong, 2 con rắn bay lên trời biến mất. Cũng trong thời gian ấy, Nhân dân Xuân Khánh (tên cũ của làng Xuân Nho) đi làm ruộng thường thấy trên đỉnh núi Hạc có 1 con rắn khổng lồ đang phun hơi lên trời, phun đến đâu trời mưa đến đấy, đến làng Xuân Khánh thì tạnh mưa, thấy chuyện lạ, dân lập đền thờ. Từ đó làng Xuân Khánh cũng có tên là làng Kẻ Tạnh”[6]. Từ những cứ liệu lịch sử cũng như tư duy biện chứng khoa học nêu trên cho thấy tục thờ thần rắn ở Việt Nam nói chung và Nghệ An nói riêng gắn với tư duy nông nghiệp lúa nước là một hiện tượng khá phổ biến.
Lễ đón bằng xếp hạng di tích đền Sò (huyện Diễn Châu), một trong những ngôi đền thờ thần rắn nổi tiếng ở Nghệ An.
Tóm lại, tục thờ rắn là tín ngưỡng tự nhiên đã có từ lâu đời của người Việt gắn với môi trường lao động sản xuất nông nghiệp. Đối với cứ dân Nghệ An, tục thờ thần rắn có từ rất lâu đời, ít nhất là khoảng hơn 3 ngàn năm và kéo dài cho đến ngày nay, điều đó được chứng minh qua một số hiện vật được khai quật tại di chỉ khảo cổ học làng Vạc với hình tượng dao găm rắn ngậm chân voi và hiện nay vẫn còn hiện hữu nhiều thần tích, sắc phong cho thần rắn cũng như các ngôi đền thờ rắn. Tục thờ rắn có vai trò vô cùng mật thiết và gần như là biểu trưng cho nguồn nước cho sinh tồn, cho nông nghiệp và cũng là mong muốn cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, cầu mong cho có nguồn nước để tưới tiêu đồng ruộng,… Đây cũng chính là nguồn gốc của tục thờ thần rắn của người Nghệ./.
(Bài đã đăng VHTT Nghệ An số Tết Ất Tỵ - Tháng 01/2025)
[2] Tại xã Định Thủy, huyện Mỏ Cày, Bến Tre có một ngôi đình gọi là Đình Rắn, tại đây vẫn lưu truyền về đôi rắn thần khổng lồ, hiền lành.
[5] Làng Diệu Ốc nay thuộc xã Phúc Thành, huyện Yên Thành, nơi đây có ngôi đền Đức Hoàng và 2 bàu nước gọi là bàu lành và bàu ác (phải chăng đó là dị bản của thần rắn ông Cụt, ông Dài?)
tin tức liên quan
Videos
Cuộc chiến với dục vọng
Thác khe Kèm
Có phải Vinh là lỵ sở của Nghệ An từ năm 1804?
Dấu tích Nguyễn Du ở Huế
Ngành Văn hóa và Thể thao trao quà Tết cho các hộ nghèo trong tỉnh
Thống kê truy cập
114535048
284
2398
2910
2114318251
120069
114535048