Đất và người xứ Nghệ
NSƯT Ngọc Hà: Thăng hoa trên con đường âm nhạc
NSƯT Ngọc Hà là một trong những giọng ca được yêu thích hàng đầu của xứ Nghệ giai đoạn nửa sau thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21. Chất giọng mượt mà, thanh thoát, cùng với sự năng động, trẻ trung, đầy nhiệt huyết đã mang tới cho chị những thành quả nghệ thuật mà không nhiều nghệ sĩ ở vùng đất này có được. Người hâm mộ xứ Nghệ hẳn không thể quên những ca khúc Ngọc Hà đã thể hiện thành công: "Xa khơi" (Nguyễn Tài Tuệ), "Thanh chương mời bạn về thăm" (Phan Thanh Chương); Xôn xao trời nước quê mình" (Hồ Hữu Thới); "Em vẫn chờ anh" (Mai Cường) và những làn điệu dân ca xứ Nghệ.
Ngay từ lúc còn nhỏ, Ngọc Hà đã khiến người dân xã Hoa Thành, huyện Yên Thành không khỏi ngạc nhiên bởi giọng hát trong trẻo, sâu lắng mà ngọt ngào da diết của cô bé nhỏ nhắn vùng chiêm trũng. Tuổi thơ êm đềm tại vùng quê có nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống đã nuôi dưỡng đam mê và tâm hồn yêu nghệ thuật của chị. Khi đang còn ngồi trên ghế nhà trường, Ngọc Hà đã được Nhà Văn hóa huyện mời làm cộng tác viên tham gia nhiều hội diễn đạt giải A. Vào năm 1984, vừa mới tốt nghiệp cấp 3, một kỷ niệm đáng nhớ tạo ra bước ngoặt trong cuộc đời chị là khi ông Nguyễn Kỳ Cẩm - Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An về dự Đại hội Đảng bộ huyện Yên Thành, xem chương trình văn nghệ của huyện và phát hiện ra giọng hát của Ngọc Hà, ngay lập tức, ông chỉ thị trực tiếp cho Chủ tịch UBND huyện Yên Thành tuyển thẳng chị vào biên chế tại Nhà Văn hóa huyện. Năm đó, chị tham gia Hội diễn các Nhà Văn hóa Lao động toàn quốc đoạt Huy chương Vàng ca khúc “Epinhet - Hồ Chí Minh” do nhạc sĩ Hoàng Thành sáng tác.
Tháng 9/1987, Ngọc Hà được UBND huyện và Nhà văn hóa huyện Yên Thành cử đi học tại Trường Cao đẳng VHNT tỉnh. Sau 3 năm, tốt nghiệp, chị được giữ lại trường làm Giảng viên Thanh nhạc. Trong thời gian học tập và làm việc tại trường, Ngọc Hà luôn tâm huyết, trách nhiệm với nghề, làm tốt vai trò của một giảng viên trong việc truyền dạy kỹ năng biểu diễn và kỹ năng thanh nhạc cho các em học sinh, sinh viên. Cũng trong thời gian này chị nhận được nhiều lời mời của các đơn vị nghệ thuật tham gia Hội diễn Sân khấu và Hội diễn Ca Múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc. Trong đó, ca khúc trong vở Cải Lương “Bỉ Vỏ” của Nhà hát Bông Sen mà chị tham gia thể hiện đoạt HCV Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1989. Mặc dù tuổi nghề và kinh nghiệm chưa nhiều nhưng chị đã thể hiện thành công thể loại nhạc này, được giới chuyên môn ghi nhận và đánh giá cao.
Năm 1991, Sở Văn hóa Thông tin Nghệ An điều chuyển Ngọc Hà về công tác tại Đoàn Ca Múa Nhạc dân tộc. Từ đây, chị định hình rõ hơn về phong cách nghệ thuật của mình và cũng chính nơi đây NSUT Ngoc Hà đã gắn bó cuộc đời hoạt động nghệ thuật của mình cho đến lúc được nghỉ hưu vào năm 2016. Tận tâm, tận lực với nghề, Ngọc Hà gần như không để ý tới bất cứ điều gì ngoài ca hát, dành trọn tình cảm cho những tác phẩm mà mình thể hiện. Bởi theo chị, việc được công chúng đón nhận là điều đáng tự hào hơn bất cứ điều gì trong cuộc đời làm nghề.
Sở hữu chất giọng đẹp, giàu nội lực, thể hiện được nhiều dòng nhạc khác nhau nhưng thế mạnh và đam mê của Ngọc Hà vẫn là những làn điệu dân ca Nghệ Tĩnh, các ca khúc mang âm hưởng dân ca, nhạc dân gian đương đại và nhạc kịch (aria). Chị luôn giữ được vẻ thuần khiết, mộc mạc trong giọng hát để mang đến cho khán giả cảm xúc trong trẻo nhất về dòng nhạc dân gian mà mình theo đuổi. Bởi thế mà cái tên Ngọc Hà đã khắc sâu trong tâm trí của nhiều thế hệ người dân Nghệ Tĩnh. Không chỉ thế, trong hầu hết các lần tham gia Hội diễn Ca Múa Nhạc chuyên nghiệp toàn quốc, chị đều đạt giải cao. Chị có một gia tài đồ sộ gồm nhiều giải thưởng danh giá tại các cuộc thi, Hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc như: HCV Hội diễn năm 1995 với ca khúc Bản làng đón dâu mới (tác giả Vũ Hùng); HCV Hội diễn năm 1992 với ca khúc Mẹ Làng Sen (tác giả Hoàng Thành); HCV Hội diễn năm 1999 với ca khúc Hương sắc Sông Lam (tác giả Tiến Dũng); HCV Hội diễn năm 2005 với ca khúc Tiếng hát non xa (tác giả Vũ Duy Cương); HCV Hội diễn năm 2005 với ca khúc Dục khách anh hùng (tác giả Trọng Đài); HCV Hội diễn năm 2015 với ca khúc Tìm về câu Ví (tác giả Tiến Dũng) và nhiều tác phẩm chị thể hiện đạt HCB tại Hội diễn qua các năm như: Tình quê Nam Đàn (Mai Cường); Ca dao em và tôi (An Thuyên); Người lên non (Vũ Duy Cương); Tâm sự mong manh (Trọng Đài); Xẩm Nghệ (dân ca Nghệ Tĩnh)... Các ca khúc mà chị thể hiện không chỉ là kỹ thuật thanh nhạc đơn thuần mà nó còn là hơi thở cuộc sống, là cái tình của người nghệ sĩ đặt vào bài hát nên giọng hát của chị có sức lay động, truyền cảm lạ lùng. Nó cao vút, trong trẻo nhưng vẫn đủ mềm mỏng để lan tỏa tình yêu và truyền tải đúng điệu hồn dân ca mỗi vùng miền kể cả dân ca dân tộc thiểu số.
NSƯT Ngọc Hà trong một vai diễn
Bên cạnh các ca khúc trên sân khấu Ca Múa Nhạc, Ngọc Hà cũng từng thể hiện rất thành công các ca khúc mang âm hưởng dân ca, dân gian đương đại và nhạc kịch aria trong vở diễn sân khấu ca kịch và kịch hát dân ca. Nhiều tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao được công chúng đón nhận trong đó ca khúc trong vở diễn “Con đò của mẹ” đạt HCB tại Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp năm 1997; ca khúc trong vở diễn “Sáng mãi niềm tin” của Nhà hát Dân ca Nghệ An tham gia Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1999 đạt giải B.`Các ca khúc trong vở ca kịch và kịch hát thường có nội dung gắn với nội dung của vở diễn nên một nghệ sĩ có cảm xúc âm nhạc tràn đầy như NSUT Ngọc Hà luôn có nhiều lợi thế. Chị nhập vai tối đa để hiểu nội dung vở kịch, hiểu tính cách nhân vật, thể hiện ca khúc một cách có cảm xúc, nội tâm nhất nhằm nêu bật thông điệp của tác phẩm, từ đó góp phần tạo nên sự thành công của vở diễn.
NSƯT Ngọc Hà
Vì những cống hiến trong hoạt đông nghệ thuật, chị được phong tặng danh hiệu NSUT vào năm 2007. Đây là niềm vinh dự, tự hào và là niềm vui lớn của chị khi nhận được sự tin yêu, ghi nhận tài năng, ghi nhận sự cống hiến và cả nhân cách trong cuộc đời hoạt động nghệ thuật.
Đến nay, mặc dầu đã qua nhiều năm được nghỉ chế độ nhưng NSUT Ngọc Hà vẫn thường xuyên tham gia biểu diễn tại nhiều chương trình nghệ thuật, các Lễ kỷ niệm lớn của tỉnh như kỷ niệm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ngày thương binh liệt sĩ, lễ đón danh hiệu đạt chuẩn Nông thôn mới của các huyện, các chương trình kỷ niệm Danh xưng huyện, chương trình Sân khấu thực cảnh các tỉnh,v.v.... Bây giờ chị hát không phải để lo chuyện cơm áo gạo tiền mà hát để được vui vẻ, hát vì tình yêu, vì niềm đam mê nghệ thuật, hát để được cống hiến. Chị vẫn giữ được phong độ ở giọng hát, vẫn nguyên vẹn vẻ đằm thắm, năng lượng, thậm chí qua thời gian giọng hát trở nên đậm đà hơn.
Cả cuộc đời hoạt động và ca hát của mình, NSUT Ngọc Hà đã đóng góp không ngừng nghỉ cho hoạt động nghệ thuật. Ngọn lửa hồng của dòng nhạc dân gian ấy vẫn âm thầm lặng lẽ góp hương cho sự thăng hoa của âm nhạc xứ Nghệ, vẫn sống mãi trong lòng công chúng yêu nghệ thuật Nghệ Tĩnh và trong cả nước.
tin tức liên quan
Videos
Nghệ An đạt thành tích xuất sắc tại Giải vô địch Muay trẻ quốc gia năm 2023
Cầu đường sắt Yên Xuân
Bên khung cửa nhà Thầy
Hội Kiếp Bạc
Thành ngữ, tục ngữ và từ láy trong thơ Hồ Xuân Hương
Thống kê truy cập
114522784
234
2282
21558
220723
121009
114522784