Trọn bộ 5 tập "Nước non vạn dăm"
Phó Giáo sư - Tiến sỹ, Nhà văn Nguyễn Thế Kỷ sinh năm 1960 tại làng Liên Trì, xã Liên Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An trong một gia đình, dòng họ có truyền thống yêu nước, cách mạng. Năm 1981, sau khi tốt nghiệp khoa Ngữ Văn Đại học Tổng hợp Hà Hội, ông về công tác tại Đài Truyền hình Vinh (nay là Báo và Đài Phát thanh - Truyền hình Nghệ An). Trưởng thành từ phóng viên, ông đã lần lượt trải qua các chức vụ: Trưởng phòng, P. Giám đốc Đài rồi làm Tổng biên tập Báo Nghệ An, Bí thư Huyện ủy Nam đàn trước khi chuyển ra Ban Tuyên giáo Trung ương. Trước lúc nghỉ hưu ông là Ủy viên Trung ương Đảng (khóa XII), Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam. Sau khi nghỉ hưu, ông được giới thiệu và cử làm Chủ tịch Hội đồng lý luận phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương. Vào đầu năm 2025, khi Hội đồng này sáp nhập về Hội đồng Lý luận Trung ương ông được cử giữ chức P. Chủ tịch kiêm Trưởng ban Lý luận phê bình Văn học Nghệ thuật.

PGS, TS, Nhà văn Nguyễn Thế Kỷ
Cùng với công tác quản lý, những năm gần đây PGS.TS, Nhà văn Nguyễn Thế Kỷ đã có nhiều sáng tác văn học với các thể loại: lý luận, phê bình, nghiên cứu lịch sử văn hóa, văn xuôi và sân khấu. Trong đó, đặc sắc nhất là bộ trường thiên tiểu thuyết “Nước non vạn dặm”. Nhiều ý kiến khẳng định, bằng sự nghiên cứu lịch sử, chính trị, văn hóa… công phu, nghiêm túc; sự trải nghiệm, tích lũy vốn sống nhiều năm ở quê hương Nghệ An và nhiều vùng đất trong và ngoài nước, tác giả Nguyễn Thế Kỷ đã xây dựng trong “Nước non vạn dặm” hình tượng nhân vật, bối cảnh lịch sử - xã hội quanh nhân vật chính Nguyễn Sinh Cung - Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh chân thực, sống động, giản dị, có chiều sâu nhân văn và lôi cuốn người đọc. Tác giả nhất quán với thể loại văn xuôi có hư cấu, thông qua nhân vật, hoàn cảnh, sự việc để phản ánh bức tranh xã hội rộng lớn của Việt Nam và thế giới. Nhiều câu thoại, đoạn thoại trong “Nước non vạn dặm” khắc họa sinh động, chân thực hình tượng, tính cách, đời sống nội tâm, tư tưởng của nhân vật chính cùng các nhân vật liên quan.
Nói về quá trình nung nấu, tìm chọn đề tài, chi tiết và viết bộ tiểu thuyết này, Nguyễn Thế Kỷ chia sẻ: ông rất kính trọng và biết ơn đối với những người đi trước đã có nhiều tác phẩm viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng nhiều loại hình văn học, nghệ thuật nhưng ông vẫn luôn trăn trở: "Tại sao đã có rất nhiều tiểu thuyết hay về đề tài chiến tranh, được viết công phu và nghiêm túc, nhưng lại chưa có một bộ tiểu thuyết thực sự đồ sộ, toàn diện về Chủ tịch Hồ Chí Minh”.
Là một người con xứ Nghệ yêu kính Chủ tịch Hồ Chí Minh đến cháy lòng, trong thời gian công tác tại Nghệ An, đặc biệt là thời gian làm Bí thư Huyện ủy Nam Đàn, ông đã tìm hiểu, mắt thấy tai nghe và xác thực được nhiều chi tiết, sự kiện, tư liệu về quê hương, dòng họ và gia đình Bác. Sau này ra Hà Nội, ông có nhiều dịp tham gia các sự kiện hội thảo trong nước và quốc tế nên ý định viết về Bác càng được định hình rõ ràng hơn. Cũng trong thời gian này, ông đã nhiều lần gặp gỡ nhà văn Sơn Tùng - người đã có nhiều thành công viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông được nhà văn khuyến khích: “bác chỉ viết được về thời niên thiếu của Hác Hồ thôi, vì lý do sức khỏe và nhiều yếu tố khác không thể tìm kiếm tư liệu cũng như viết tiếp về Người, cháu nên viết tiếp, viết cho đầy đủ, trọn ven…”
Từ khi tập đầu tiên “Nợ nước non” xuất bản vào năm 2022, các nhà lý luận, phê bình văn nghệ, các nhà văn, nhà báo, nghệ sĩ, bạn đọc đã có những trao đổi cởi mở, chân tình, sinh động và thú vị với tác giả Nguyễn Thế Kỷ để làm rõ quá trình lao động sáng tạo của nhà văn. Trong đó chủ yếu là ngợi khen tác giả đã dám “dấn thân” vào một đề tài không mới nhưng quá rộng lớn, gai góc, tránh được những lối mòn và các câu chuyện, sự kiện đã được nhiều người, nhiều tài liệu nhắc tới. Đó chính là nguồn động viên, khích lệ để ông viết tiếp các tập sau để đến hôm nay đã kết thúc trọn bộ 5 tập vào đúng dịp Kỷ niệm 135 năm ngày sinh nhật Bác.
Ngày 17/5, tại Phủ Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Văn học, Công ty cổ phần Truyền thông và Văn hóa Liên Việt đã phối hợp tổ chức lễ ra mắt bộ tiểu thuyết này. Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch nước Lương Cường gửi lẵng hoa chúc mừng. Tại đây cùng với các diễn văn, bài nói của các đơn vị tổ chức, PGS.TS, Nhà văn Nguyễn Thế Kỷ đã có nhiều tâm sự, sẻ chia về những vấn đề liên quan đến bộ tiểu thuyết. Đặc biệt là ý kiến của các nhà nghiên cứu, phê bình. GS. Hà Minh Đức - người thầy của tác giả và nhiều nhà văn, nhà thơ khác - đánh giá: Nguyễn Thế Kỷ có phẩm chất rất đáng quý đó là sự say mê viết về đề tài cách mạng, đề tài lịch sử. Còn nhà văn Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho rằng: Điều quan trọng nhất ở tác phẩm của Nguyễn Thế Kỷ chính là sự không “kỳ bí hóa” hay “thần thánh hóa” một vĩ nhân lịch sử khi viết về Bác…Đa số ý kiến của các nhà nghiên cứu, LLPB đều nhất trí cho rằng: cách chọn đề tài, quy mô sự kiện, nhân vật, bối cảnh được lựa chọn rất chân thực và khoa học; sự hài hòa giữa “chép sử” và “viết văn” cùng với sự chân thành đã làm nên thành công của bộ tiểu thuyết. TS Bùi Thế Đức, Phó Trưởng Tiểu ban Lý luận phê bình Văn học nghệ thuật, Hội đồng Lý luận Trung ương nhấn mạnh rằng, đây là bộ tiểu thuyết có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật trong dòng chảy của nền văn học, nghệ thuật nước nhà, là một sự kiện rất đặc biệt Kỷ niệm 135 năm Ngày sinh của Bác.
Cũng tại lễ ra mắt bộ tiểu thuyết này, Nguyễn Thế Kỷ đã tiếp tục bày tỏ các suy nghĩ của mình khi viết bộ tiểu thuyết. Ông cho rằng mình có nhiều lợi thế khi viết về Bác vì ông là một người con xứ Nghệ được nuôi dưỡng trưởng thành từ tình yêu quê hương và niềm tự hào về Bác. Lợi thế cũng đến từ quá trình công tác 20 năm tại Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương): "Tôi may mắn được làm việc lâu năm trong lĩnh vực tuyên giáo, tiếp cận nhiều nguồn tư liệu, học hỏi được từ các bậc tiền bối. Tôi cũng đi nhiều nơi, từng nhiều lần đến nơi Bác sinh ra ở Nam Đàn để tìm hiểu, cảm nhận…rồi đến các nơi Bác từng sống và làm việc ở Lạng Sơn, Cao Bằng, chiến khu Việt Bắc, ở Liên Xô, Anh, Pháp, Quảng Châu (Trung Quốc), Thái Lan...Tuy nhiên, chính sự dồi dào về tư liệu cũng mang đến không ít thách thức. Việc chắt lọc, lựa chọn thông tin phù hợp là một quá trình công phu. Nguyễn Thế Kỷ cho rằng, khó khăn lớn hơn cả là cách tiếp cận và thể hiện hình tượng nhân vật. Bởi, viết về một con người vĩ đại như Chủ tịch Hồ Chí Minh đòi hỏi sự thấu hiểu toàn diện, vừa tôn vinh được tầm vóc lịch sử của Người, vừa khắc họa được những nét đời thường, gần gũi: “Tôi nghĩ rằng, các nhà văn hiện nay muốn viết về Bác mà vẫn thu hút được độc giả, phải có cách viết khác, không thể theo lối cũ. Và tuyệt đối không được thần thánh hóa Bác. Phải viết sao cho vừa thể hiện được tầm vóc của Bác, vừa để người đọc - nhất là thế hệ trẻ - nhìn thấy một con người với những phẩm chất cao quý mà ai cũng có thể học tập”…

PGS. TS, Nhà văn Nguyễn Thế Kỷ phát biểu tại lễ ra mắt bộ tiểu thuyết
Cùng với bộ trường thiên tiểu thuyết 5 tập đã hoàn thành và ra mắt, Nguyễn Thế Kỷ cũng đã bắt tay viết bộ sử thi nghệ thuật cùng mang tên “Nước non vạn dặm”. Hiện đã dựng xong phần I kịch hát “Nợ nước non”. Vở diễn đã đến với đông đảo công chúng ở nhiều tỉnh, thành phố, cơ quan, đơn vị trong cả nước. Các phần tiếp theo tương ứng với các tập của tiểu thuyết cũng sẽ được ông cùng tập thể các nghệ sỹ hoàn thành trong thời gian tới.
Đã có hàng trăm, hàng ngàn tác phẩm và sẽ còn có rất nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật nữa viết về Người - Chủ tịch Hồ Chí Minh - lãnh tụ thiên tài của Đảng và Nhân dân ta, Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại…nhưng đây là lần đầu tiên nền văn học nghệ thuật nước nhà có một bộ tiểu thuyết đây đủ nhất, hoàn chỉnh nhất về thân thế, sự nghiệp vĩ đại của Bác. Chúng ta trân trọng cảm ơn tác giả Nguyễn Thế Kỷ - một người con xứ Nghệ đã dành trọn tài năng và tâm huyết kính dâng lên Bác một chùm hoa đẹp nhân dịp Kỷ niệm 135 năm Ngày sinh nhật của Người. Chắc chắn “Nước non vạn dặm” sẽ có chặng đường đến với bạn đọc gần hơn, tha thiết hơn, lan tỏa những yêu thương, hy vọng, tin tưởng về quá khứ, hiện tại, tương lai. Đặc biệt với hàng ngàn trang in ăm ắp chi tiết, sụ kiện đã được xác nhận, Nước non vạn dặm sẽ giúp các nhà nghiên cứu văn hóa lịch sử quốc tế, trong nuớc và ở quê nhà có thêm tư liệu để nghiên cứu đánh giá về Hồ Chí Minh. Và trong bối cảnh Đảng ta đang đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức phong cách Hồ Chí Minh, đây sẽ là nguồn tư liệu đầy đủ phong phú cho các câu chuyện kể về Người vốn đã gây ấn tượng mạnh mẽ nhưng trong một chừng mục nào đó vẫn cũ và đã quá quen thuộc.
TĐH