Góc nhìn văn hóa

Phụ nữ Việt Nam ngày càng khẳng định vai trò, vị trí của mình trong thời kỳ mới

Không chỉ quan tâm, coi trọng về sự nghiệp giải phóng phụ nữ, quyền bình đẳng và sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam, sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn giành sự quan tâm đặc biệt về vị thế, vai trò của phụ nữ Việt Nam trong xây dựng gia đình, xã hội và sự nghiệp phát triển đất nước hùng cường.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trao bằng khen cho Anh hùng Lao động Thái Hương - Nhà sáng lập, “kiến trúc sư trưởng” của thương hiệu TH true MILK

Khẳng định vai trò quan trọng của phụ nữ trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng viết trong Thư gửi phụ nữ nhân dịp kỷ niệm Hai Bà Trưng và ngày Quốc tế Phụ nữ (ngày 08/3/1952): “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ” [1]. Điều này một lần nữa được Người khẳng định trong sách “Lịch sử nước ta”: “Phụ nữ ta chẳng tầm thường. Ðánh Ðông, dẹp Bắc làm gương để đời”. Từ ngàn xưa, phụ nữ Việt Nam đã có truyền thống yêu nước; Người đã nhắc đến truyền thống quý báu ấy tại Lễ kỷ niệm ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20/10/1966): “Từ đầu thế kỷ thứ nhất, Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa đánh giặc cứu nước, cứu dân, cho đến ngày hôm nay mỗi khi nước nhà gặp nguy nan, thì phụ nữ ta hăng hái đứng lên, góp phần xứng đáng của mình vào sự nghiệp giải phóng dân tộc. Do đó ta có câu tục ngữ rất hùng hồn: “Giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh” [2].

Phát biểu tại Đại hội những phụ nữ xuất sắc trong phong trào “Ba đảm đang” của Thủ đô ngày 02/12/1965, Bác nói: “Dân tộc Việt Nam là một dân tộc anh hùng… Phụ nữ Việt Nam là phụ nữ anh hùng” [3]. Trong bài nói tại Đại hội liên hoan phụ nữ “Năm tốt”, ngày 30/4/1964, Bác khẳng định: “Dưới sự lãnh đạo của Đảng, phụ nữ ta đã góp phần khá lớn làm cho cách mạng thành công, kháng chiến thắng lợi vẻ vang (…). Trong hàng ngũ vẻ vang những anh hùng quân đội, anh hùng lao động, chiến sĩ thi đua và lao động tiên tiến đều có phụ nữ. Phụ nữ ta tham gia ngày càng đông và càng đắc lực trong các ngành kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội” [4]. Ghi nhớ công lao to lớn của những bà mẹ Việt Nam anh hùng, ngày 19/10/1966, tại Lễ kỷ niệm lần thứ 20 Ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Người nhấn mạnh: “Nhân dân ta rất biết ơn các bà mẹ cả hai miền Nam Bắc đã sinh đẻ và nuôi dạy những thế hệ anh hùng của nước ta”.

Không chỉ khẳng định vai trò, vị trí của người phụ nữ trong các phong trào cách mạng cũng như trong sự nghiệp xây dựng đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn quan tâm sâu sắc đến phong trào đấu tranh đòi quyền bình đẳng nam nữ. Ngày 09/3/1961, khi nói chuyện với các đại biểu dự Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ III, Người căn dặn: “Ngay từ khi mới thành lập, Đảng ta đã nêu rõ chính sách nam nữ bình đẳng. Hiến pháp ta đã xác định chính sách đó. Trong mọi việc, Đảng và Chính phủ ta luôn luôn quan tâm giúp đỡ phụ nữ. Vậy chị em phụ nữ ta phải nhận rõ địa vị làm người chủ và nhiệm vụ người làm chủ nước nhà; phải có quyết tâm mới, đạo đức mới, tác phong mới để làm trọn nghĩa vụ mới của mình là góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà, trước mắt là thi đua hoàn thành tốt kế hoạch năm nay, để làm đà tốt cho cả kế hoạch 5 năm, để xây dựng đời sống tươi vui hạnh phúc cho Nhân dân ta, cho con cháu ta” [5]

Xác định một trong những nội dung quan trọng của công tác phụ nữ trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội là phải đấu tranh giành quyền bình đẳng cho phụ nữ, trong Thư gửi phụ nữ toàn quốc nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ (ngày 08/3/1960), Bác nhắc nhở: “Đảng và Chính phủ ta luôn luôn chú ý nâng cao địa vị của phụ nữ. Hiến pháp định rõ "nam nữ bình đẳng" và luật lấy vợ lấy chồng, v.v…, đều nhằm mục đích ấy”. Báo Nhân Dân, số 3199, ngày 28/12/1962 có đăng bài viết của Bác “Phải thật sự bảo đảm quyền lợi của phụ nữ” dưới bút danh T.L., trong đó có đoạn viết: “Ngày xưa, Bà Trưng, Bà Triệu, đã phất cờ khởi nghĩa, đánh giặc, cứu dân. Trong lịch sử của dân tộc ta nhất là những thời kỳ cách mạng và kháng chiến, phụ nữ đã rất dũng cảm. Hiện nay, phụ nữ đang góp phần to lớn trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh chống Mỹ - Diệm ở miền Nam. Dưới chế độ phong kiến và thực dân, phụ nữ bị áp bức tàn tệ. Ngoài xã hội thì phụ nữ bị xem khinh như nô lệ. Ở gia đình thì họ bị kìm hãm trong xiềng xích “tam tòng”. Dưới chế độ xã hội chủ nghĩa của chúng ta, phụ nữ đã được giải phóng. Hiến pháp đã quy định rõ quyền bình đẳng của phụ nữ. Luật hôn nhân và gia đình đã công bố rõ ràng …”[6].

Quan tâm sâu sắc tới phụ nữ, Người luôn đấu tranh để phụ nữ được hưởng quyền bình đẳng với nam giới. Trong bài nói với đồng bào và cán bộ tỉnh Thái Bình, ngày 1/1/1967, Bác nhắc nhở: “Phải kính trọng phụ nữ. Chúng ta làm cách mạng là để tranh lấy bình quyền bình đẳng, trai gái đều ngang quyền như nhau. Lênin dạy chúng ta: Phụ nữ là một nửa xã hội. Nếu phụ nữ chưa được giải phóng thì xã hội chưa được giải phóng cả. Phụ nữ thì phải tự mình phấn đấu giữ gìn quyền bình đẳng với đàn ông. Đàn ông phải kính trọng phụ nữ” [7].

Bên cạnh những lời động viên, khuyến khích dành cho phụ nữ, người còn chỉ ra nhược điểm của phụ nữ, bày tỏ sự cảm thông và hướng dẫn cách khắc phục. Tại Hội nghị các đại biểu phụ nữ tham gia công tác chính quyền toàn miền Bắc ngày 01/8/1960, Người nói: “Phụ nữ ta còn có một số nhược điểm như bỡ ngỡ, lúng túng, tự ti, thiếu tin tưởng vào khả năng của mình; mặt khác, phụ nữ cũng còn gặp nhiều khó khăn về gia đình, con cái. Muốn giải quyết khó khăn không nên ỷ lại vào Đảng, Chính phủ mà phải quyết tâm học tập, phát huy sáng kiến, tin tưởng ở khả năng mình, nâng cao tinh thần tập thể, đoàn kết giúp đỡ nhau để giải quyết mọi khó khăn của phụ nữ trong công tác chính quyền” [8].

Để phát huy vai trò của phụ nữ, tại Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ III, Người căn dặn: “Mỗi một người và tất cả phụ nữ phải hăng hái nhận lấy trách nhiệm của người làm chủ đất nước, tức là phải ra sức thi đua tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm để xây dựng nước nhà, xây dựng chủ nghĩa xã hội. Muốn làm trọn nhiệm vụ vẻ vang đó, phụ nữ ta phải xóa bỏ cái tâm lý tự ti và ỷ lại; phải có ý chí tự cường, tự lập; phải nâng cao lên mãi trình độ chính trị, văn hóa, kỹ thuật (…) Vậy chị em phụ nữ ta phải nhận rõ địa vị người làm chủ và nhiệm vụ người làm chủ nước nhà; phải có quyết tâm mới, đạo đức mới, tác phong mới để làm trọn nghĩa vụ mới của mình là góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà” [9]. Người thường xuyên khen ngợi và động viên: “Phụ nữ Việt Nam ta sẵn có truyền thống đấu tranh anh dũng và lao động cần cù. Trong kháng chiến, phụ nữ ta từ Bắc đến Nam đều hăng hái tham gia đánh giặc cứu nước” (…) Phụ nữ ta cần phải cố gắng nhiều để theo kịp chị em các nước bạn, góp phần nhiều hơn nữa trong việc xây dựng chủ nghĩa xã hội” [10].

Trong những năm qua, không phụ lòng tin yêu và sự kỳ vọng của Bác, chị em phụ nữ đã ra sức học tập, rèn luyện, vươn lên khẳng định vai trò và vị thế của mình trong xã hội. Đảng và Nhà nước ta cũng luôn tạo điều kiện cho sự phát triển của phụ nữ, thông qua các chủ trương, chính sách về phụ nữ, về bình đẳng giới nhằm phát huy vai trò của phụ nữ. Không chỉ là những người vợ, người mẹ đảm đang trong gia đình, nhiều phụ nữ đã đạt được những thành tích nổi bật, được xã hội ghi nhận trong nhiều lĩnh vực như: chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ… 

Trong lĩnh vực chính trị, phụ nữ ngày càng nhận thức đầy đủ và tích cực, chủ động thực hiện quyền công dân, nghĩa vụ đối với đất nước. Đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý nữ ngày càng được tăng cường và nâng cao về chất lượng, nhiều người được tín nhiệm bầu, bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước, số lượng cán bộ nữ là Ủy viên Trung ương, là đại biểu Quốc hội liên tục tăng qua các khóa gần đây.

Tại Đại hội XIII của Đảng đã công bố danh sách trúng cử Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII gồm 180 ủy viên chính thức và 20 ủy viên dự khuyết. Trong số 19 ủy viên nữ trong Ban Chấp hành Trung ương thì có 18 nữ ủy viên chính thức và 01 ủy viên dự khuyết; đặc biệt, hiện nay có 01 đồng chí nữ là Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban tổ chức Trung ương; 01 đồng chí đang giữ vị trí Phó Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; 02 đồng chí là Bộ trưởng. Trong số 499 đại biểu Quốc hội trúng cử khoá XV có 30% là nữ giới (tương đương 151 người), việc đảm bảo tỷ lệ nữ khá cao trong các cơ quan dân cử không chỉ đáp ứng yêu cầu về cơ cấu đại biểu mà sẽ đảm bảo cho việc phụ nữ tham gia quyết định các chính sách liên quan đến phụ nữ, trẻ em, bình đẳng giới và các vấn đề xã hội. Nhiều nữ đại biểu đã phát huy trí tuệ, kinh nghiệm công tác, dành nhiều thời gian, công sức nghiên cứu, đóng góp vào thành công chung của Quốc hội, tích cực tham gia ý kiến trên các lĩnh vực y tế, an ninh - quốc phòng, đối ngoại… nhất là vấn đề bình đẳng giới, bảo vệ quyền lợi của phụ nữ và trẻ em. Dù đảm nhiệm nhiều cương vị khác nhau nhưng đại đa số các nữ đại biểu Quốc hội đều giữ vững phẩm chất là người đại biểu nhân dân, là những người lãnh đạo gắn bó với cử tri, phản ánh được tâm tư, nguyện vọng của cử tri đến với Quốc hội, các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

 Trong lĩnh vực kinh tế, theo số liệu của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, cứ 04 doanh nghiệp tư nhân thì có 01 doanh nghiệp có nữ giới tham gia quản lý doanh nghiệp, họ đã đóng góp 40% của cải cho nền kinh tế. Nhiều tấm gương nữ doanh nhân tiêu biểu thành đạt có nhiều đóng góp lớn cho xã hội và điều hành dẫn dắt doanh nghiệp thành công vượt qua các rào cản và thử thách trong bối cảnh tình hình mới như hiện nay. Qua khảo sát trên doanh nghiệp dân doanh tại 63 tỉnh, thành phố, Báo cáo của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, doanh nghiệp do nữ làm chủ có hoạt động kinh doanh tốt hơn doanh nghiệp do nam giới lãnh đạo. Tỷ lệ có lãi ở doanh nghiệp do nữ làm chủ là 64%, cao hơn tỷ lệ 63% ở doanh nghiệp do nam làm chủ. Phụ nữ đủ năng lực trình độ để đảm trách các vị trí quản lý khi có 68,6% chủ doanh nghiệp nữ có trình độ học vấn từ trình độ đại học và thạc sỹ quản trị kinh doanh, trong khi tỷ lệ này ở nam giới là 71,9%.

 

Ông Trần Thanh Mẫn - Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và bà Hà Thị Nga - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trao tặng Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam 2020 cho bà Nguyễn Thị Nga - Chủ tịch Tập đoàn BRG (đứng giữa).

Trong những năm qua, đóng góp vào phát triển kinh tế của đất nước, các doanh nhân nữ là những người nắm bắt rất nhanh các cơ hội để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu cũng như sáng tạo trong kinh doanh. Họ là những người tiên phong hướng tới tạo dựng một nền sản xuất sạch, vì sức khỏe của cộng đồng và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Sự nhạy bén trong nắm bắt cơ hội kinh doanh đã giúp các doanh nhân nữ thuận lợi và có ưu thế được lựa chọn hơn trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài, nhiều sản phẩm của doanh nghiệp được cải tiến, đổi mới phù hợp với nhu cầu của thị trường hơn. Đến nay, những tấm gương về các doanh nhân nữ thành công trên thương trường và tạo lập được những thương hiệu, sản phẩm nổi tiếng của Việt Nam không chỉ ra khu vực mà trên toàn thế giới có thể kể đến những cái tên như: Bà Mai Kiều Liên - Vinamilk, bà Thái Hương - TH True milk, Bà Nguyễn Thị Phương Thảo - CEO Vietjet Air, bà Nguyễn Thị Nga - Chủ tịch HĐQT BRG, bà Cao Thị Ngọc Dung - Nữ tướng vàng thời trang

Tóm lại, với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự nỗ lực của chị em phụ nữ cả nước, công tác phụ nữ trong nhiều năm qua đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể, góp phần quan trọng vào công uộc xóa đói giảm nghèo, xây dựng và phát triển đất nước. Phụ nữ Việt Nam luôn là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam. Với đà tiến bộ và phát triển hiện nay, nhất định phụ nữ sẽ tiếp tục phát huy được truyền thống “anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” trong thời kỳ mới, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển đất nước, có cơ hội cống hiến nhiều hơn cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đồng thời luôn là chỗ dựa tin cậy cho mỗi mái ấm gia đình, góp phần xây dựng cuộc sống ngày càng giàu đẹp, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, xứng đáng với tám chữ vàng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành tặng phụ nữ Việt Nam “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”./.

 

* Học viện Chính trị (BQP)

Chú thích:

[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 7, tr. 340.

[2] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 15, tr. 172.

[3] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 14, tr. 752.

[4] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 14, tr. 310.

[5] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 13, tr. 60-61.

[6] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 13, tr. 523.

[7] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 15, tr. 260.

[8] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 12, tr. 640.

[9] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 13, tr. 59-61.

[10] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 12, tr. 507.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114444010

Hôm nay

2261

Hôm qua

2307

Tuần này

21823

Tháng này

219184

Tháng qua

112676

Tất cả

114444010