Góc nhìn văn hóa

Sân khấu hóa dân ca Nghệ Tĩnh - Chặng đường 50 năm gây dựng và phát triển

 

Bác Hồ chụp ảnh với các nghệ sĩ, diễn viên Đoàn Văn công Nhân dân Nghệ An sau đêm diễn vở "Cô gái Sông Lam" ngày 27/5/1962 tại Phủ Chủ tịch. Ảnh tư liệu

         1. Dân ca Nghệ Tĩnh có nhiều làn điệu, trước hết phải kể đến Ví, Giặm. Trong quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa, một số làn điệu được du nhập và được Nghệ hóa như hát ru, ca trù, hát xẩm…Tuy có nhiều làn điệu khác nhau, thể hiện sự phong phú đa dạng nhưng các làn điệu lại có nét chung tạo nên bản sắc của một vùng miền, thể hiện những tâm tư, tình cảm, cảm xúc của người dân sống trên một miền quê nghèo khó, thiên nhiên khắc nghiệt nhưng cũng là nơi con người luôn thể hiện sức sống mãnh liệt, tình cảm yêu thương sâu lắng, đậm đà. Đặc biệt, dân ca Nghệ Tĩnh có làn điệu có thể dùng để đối đáp, vừa có khả năng tự sự và trữ tình, có khả năng sân khấu hóa, có sức truyền cảm mạnh mẽ, sâu sắc, thể hiện được các cung bậc tình cảm phong phú, phức tạp của con người. Các làn điệu lại có thể kết hợp, bổ sung cho nhau: nếu các điệu hò có tiết tấu sôi nổi, khỏe khoắn thì các điệu ví lại mênh mang, tha thiết, các điệu giặm có khả năng kể lể, khuyên răn pha hài hước, dí dỏm. Nhận thấy khả năng dồi dào của dân ca Nghệ Tĩnh, nhiều thế hệ các nhà văn hóa, nhạc sĩ, nghệ sĩ, nghệ nhân… đã đóng góp nhiều công sức, từng bước sân khấu hóa dân ca, sáng tạo nên một đặc sản độc đáo ngày càng được công chúng hoan nghênh, đón nhận là kịch hát dân ca Nghệ Tĩnh. Kịch hát dân ca Nghệ Tĩnh cho đến nay đã trải qua chặng đường 50 năm (1973-2023). Đó là chặng đường đi từ những thể nghiệm ban đầu đến những thành công, đóng góp đáng ghi nhận như ngày hôm nay.

        2. Trước hết phải khẳng định rằng Ví, Giặm - bộ phận quan trọng nhất của dân ca Nghệ Tĩnh rất giàu có, phong phú, lại thuộc loại cấu trúc mở nên từ những “lời gốc” đã được nhiều thế hệ nối tiếp, bổ sung bằng những nội dung mới, lời mới. Theo thống kê của tác giả Thanh Lưu, trong quá trình thể nghiệm sân khấu hóa dân ca đã xuất hiện “gần 200 bài/bản đã in ấn vào các tập bản phổ”1. Để có được ý tưởng về sân khấu hóa dân ca Nghệ Tĩnh, trước hết phải ghi công đầu của nhiều học giả, nhà khoa học, văn nghệ sĩ đã bỏ công sức sưu tầm, bảo tồn, nghiên cứu văn học dân gian nói chung, dân ca Nghệ Tĩnh nói riêng: Nguyễn Đổng Chi, Ninh Viết Giao, Võ Văn Trực, Lê Hàm, Thanh Lưu, Văn Thế, Phan Thành… Họ đã đi khắp các vùng quê Nghệ Tĩnh, thực hiện chế độ “3 cùng” với các nghệ nhân dân gian trong các đợt điền dã, bởi “muốn bảo tồn  và phát huy di sản dân ca, muốn thể nghiệm sân khấu hóa dân ca thì trước hết phải tích lũy đầy đủ vốn cổ dân ca làm hành trang cho mình”2.

        Sau quá trình tích lũy vốn là quá trình thể nghiệm. Đó là sự vận động tự thân, kế thừa và sáng tạo, bổ sung và tiếp nối, kể cả loại bỏ những yếu tố không phù hợp. Cho đến nay vẫn có nhiều ý kiến cho rằng kịch hát dân ca Nghệ Tĩnh khởi nguồn từ phong trào tự phát trong văn nghệ quần chúng ở một số huyện và nông trường như Diễn Châu, Yên Thành, Hưng Nguyên, nông trường Đông Hiếu vào những năm 70 của thế kỷ trước, với những vở kịch ngắn như: Hỏi ai quan trọng, Trước lúc lên đường, Khi ban đội đi vắng, Cà phê phẫn nộ, Đi hay ở, Không phải tại tôi…Tuy nhiên các vở kịch ngắn này còn đơn giản, làn điệu chưa có gì biến đổi, chỉ mới dùng vài ba điệu Ví Giặm thông thường. Cũng may mắn là trong thời gian này (năm 1973), Đoàn Dân ca Nghệ An được thành lập và một số nghệ sĩ của bộ môn Dân ca - kịch dưới sự chỉ đạo của nhạc sĩ Thanh Lưu bắt tay vào nghiên cứu việc sân khấu hóa dân ca Ví, Giặm. Sau khi sáng tác vở Khi ban đội đi vắng và chuyển giao cho đội văn nghệ xã Diễn Bình, huyện Diễn Châu dàn dựng, thấy họ cứ hát đi hát lại vài làn điệu ví, giặm nguyên gốc nghe rất đơn điệu, Nguyễn Trung Phong đã bắt tay cải biên làn điệu mới là “trăn trở” (sau đó đổi tên thành “Giận mà thương”). “Giận và thương” rất dân gian mà cũng rất hiện đại, cải biên mà rất giống với bài dân ca cổ. Đến khi công diễn, đoạn hát này đã được quần chúng nhiệt liệt tán thưởng. Có thể nói “Giận và thương” là một trong những bài cải biên sân khấu ví, giặm thành công nhất từ trước đến nay.

         Sau khi có chủ trương sân khấu hóa dân ca Nghệ Tĩnh, cũng đã xuất hiện nhiều ý kiến trái chiều. Một số nhà khoa học, một số văn nghệ sĩ băn khoăn cho rằng việc sân khấu hóa dân ca sẽ phá vỡ hình thức diễn xướng dân gian. Lại có ý kiến cho rằng các làn điệu của dân ca ví, giặm mộc mạc, khó chuyển tải được các nội dung phong phú, đa dạng của một tác phẩm sân khấu. Những trở lực này không ngăn cản được quyết tâm của các nhạc sĩ, các nghệ sĩ của Đoàn Dân ca Nghệ An. Đoàn đã mạnh dạn cải biên, nâng cao về kịch bản và diễn xuất một số vở diễn có từ trước như Trước lúc lên đường, Không phải tôi, Khi ban đội đi vắng…Sau khi thành công ở một số vở kịch ngắn, Đoàn bắt tay vào dàn dựng một số tác phẩm dài hơi hơn như Cô gái Sông Lam, Đầu bến sông, Hoa đất, Vụ án kỳ lạ, Đốm lửa núi hồng... Trước hết phải kể đến thành công của vở Cô gái Sông Lam. Cô gái Sông Lam xuất phát là vở chèo ra đời năm 1961 nhằm ca ngợi tinh thần yêu nước bất khuất của người dân xứ Nghệ trong phong trào Xô viết Nghệ - Tĩnh (1930 - 1931) của tác giả Nguyễn Trung Phong. Tại hội diễn toàn quốc năm 1962, tác phẩm đã dành 4 Huy chương Vàng, 4 Huy chương Bạc cá nhân. Đoàn chèo Nghệ An vinh dự được biểu diễn cho Bác Hồ xem tại Phủ Chủ tịch, được Bác biểu dương và tặng quà, riêng tác giả Nguyễn Trung Phong được Bác Hồ tặng huy hiệu của Người. Đến năm 1973, tác phẩm Cô gái sông Lam được chuyển thể thành kịch hát dân ca, được công chúng yêu thích và từ đó đến nay liên tục được biểu diễn trên sân khấu, trở thành một trong những thành công xuất sắc của Kịch hát Dân ca Nghệ Tĩnh.

      Với chặng đường 50 năm, để có được thành tựu và diện mạo của ngày hôm nay, theo nhạc sĩ Hồ Hữu Thới, kịch hát dân ca Nghệ Tĩnh đã trải qua 3 giai đoạn thể nghiệm và phát triển như sau:

- Giai đoạn thứ nhất (Từ 1972- 1985): Giai đoạn này chủ yếu tập trung làm công tác sưu tầm, nghiên cứu và thể nghiệm một số vở để rút kinh nghiệm, trong đó có vở Cô gái sông Lam của tác giả Nguyễn Trung Phong, được chuyển thể từ chèo sang. Đỉnh cao của giai đoạn này là vở Mai Thúc Loan của tác giả Phan Lương Hảo, được tặng huy chương Vàng cho vở diễn, nhạc sĩ và hai diễn viên chính tại Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1985. Vở Mai Thúc Loan được thể nghiệm thành công toàn diện từ khâu kịch bản (đưa đề tài lịch sử vào kịch hát), đạo diễn, âm nhạc, thiết kế mỹ thuật, phục trang…Sự thành công này là tổng hợp cả quá trình thể nghiệm trong giai đoạn 1, đồng thời đề xuất được một số hướng phát triển mới cho kịch hát. Giai đoạn này cũng đã tổ chức được hai cuộc hội thảo khoa học quan trọng vào các năm 1976, 1984. Các hội thảo khoa học đã khẳng định sự cần thiết và vai trò, định hướng phát triển cho kịch hát dân ca, tạo điều kiện để Đoàn Dân ca Nghệ Tĩnh tiếp tục nghiên cứu, thể nghiệm trong giai đoạn tiếp theo.

- Giai đoạn 2 (Từ 1986 - 1991): Sau thắng lợi của vở Mai Thúc Loan, Kịch hát Dân ca Nghệ Tĩnh đã được giới sân khấu cả nước công nhận. Nhiều vở diễn có quy mô lớn lại được tiếp tục dàn dựng, thể nghiệm và công bố phục vụ nhân dân trong tỉnh, một số tỉnh, thành phố khác và đưa lên hệ thống thông tin đại chúng. Giai đoạn này, ngoài việc tiếp tục thể nghiệm đề tài dân gian, lịch sử, dã sử như Bão táp cửa Kỳ Hoa của tác giả Phạm Ngọc Côn, Ông vua hóa hổ của tác giả Lưu Quang Vũ, Đoàn Dân ca Nghệ Tĩnh còn mạnh dạn thể nghiệm đề tài hiện đại như: Hai ngàn ngày oan trái, Quyền được sống hạnh phúc của tác giả Lưu Quang Vũ…Giai đoạn này cũng đã tổ chức thành công hội thảo khoa học vào năm 1987. Hội thảo khoa học này đã đánh giá được kết quả thể nghiệm của giai đoạn 1, đồng thời mở ra một số hướng quan trọng để tiếp tục thể nghiệm trong giai đoạn tiếp theo.

- Giai đoạn 3 (Từ 1992 đến nay - tính từ sau khi chia tách tỉnh Nghệ Tĩnh thành hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh): Giai đoạn này Đoàn Dân ca Nghệ An đã mạnh dạn thể nghiệm nhiều vở từ đề tài dân gian đến hiện đại, đề tài lịch sử và cách mạng. Trong đó có một số vở diễn thành công như Chuyện tình ông vua trẻ của tác giả Phùng Dũng (Huy chương Bạc tại Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1995); Vở Danh nhân lớn lên từ điệu hò, câu ví của tác giả Vũ Hải (Giải Xuất sắc tại Liên hoan Sân khấu Dân ca chuyên nghiệp toàn quốc năm 1999); Vở Vết chân tròn trong bão tố của tác giả Vũ Hải (Huy chương Vàng  tại Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp miền duyên hải năm 1996). Giai đoạn này, Đoàn Kịch hát Dân ca Nghệ An cũng được nâng lên thành Nhà hát Dân ca Nghệ An (năm 2000), sau đó là Trung tâm Bảo tồn và phát huy di sản dân ca xứ Nghệ (năm 2010) và hiện nay là Trung tâm Nghệ thuật truyền thống tỉnh Nghệ An (từ 2020 đến nay). Ngoài nhiệm vụ tiếp tục thể nghiệm sân khấu hóa dân ca Nghệ Tĩnh ở bước cao hơn, Trung tâm còn có trách nhiệm phục vụ nhiệm vụ chính trị, phục vụ nhân dân, bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống, trong đó có dân ca ví, giặm; tham gia lập hồ sơ khoa học trình UNESCO công nhận dân ca Ví, Giặm xứ Nghệ là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Trung tâm cũng đã tham mưu cho tỉnh và Sở Văn hóa và Thể thao tổ chức nhiều cuộc hội thảo khoa học tại Nghệ An về Ví, Giặm, phối hợp với chính quyền các địa phương hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh xây dựng và phát triển hệ thống câu lạc bộ hát dân ca Ví, Giặm; đưa Ví, Giặm vào các nhà trường…

         3. Như vậy, với chặng đường 50 năm gây dựng và phát triển sân khấu Kịch hát Dân ca Nghệ Tĩnh, chúng ta có thể khẳng định con đường đã đi là đúng đắn và những thành tựu đạt được là không nhỏ. Về kịch bản, sân khấu kịch hát Nghệ Tĩnh đã từng bước mở rộng đề tài, mở rộng phạm vi phản ánh hiện thực. Ban đầu các tác giả thường khai thác các đề tài dân gian, lịch sử, dã sử, lấy cảm hứng từ những nhân vật anh hùng hoặc có công lao, có ảnh hưởng lớn trong lịch sử dựng nước và giữ nước như Mai Thúc Loan, Trần Thủ Độ, Quang Trung Nguyễn Huệ, Phan Bội Châu, Nguyễn Xí, Trần Thánh Tông...(tiêu biểu là các vở: Chuyện tình ông vua trẻ, Phan Bội Châu, Dòng lệ Tố Như, Danh nhân lớn lên từ câu Hò ví giặm, Thái sư Cương Quốc Công Nguyễn Xí...) Sau đó, các tác giả kịch bản và các nghệ sĩ cũng táo bạo thể hiện các đề tài đương đại giàu tính chính luận như: Người thi hành án tử, Đường đua trong bóng tối, Thầy và trò, Nước mắt đứa con út, Góc khuất đời người, Sóng dậy một vùng quê, Vụ án Am Bụt Mọc....Sân khấu Kịch hát Dân ca Nghệ Tĩnh đã không đứng ngoài cuộc của cuộc chiến chống tham nhũng, lợi ích nhóm, chủ nghĩa cá nhân, đi vào những vấn đề thời sự nóng bỏng, mở ra không khí đối thoại cởi mở, hướng con người đến tới các giá trị chân - thiện - mỹ. Sân khấu kịch hát dân ca Nghệ Tĩnh đã từng bước tạo được cho mình một chỗ đứng vững chắc trong làng sân khấu Việt Nam, xây dựng được nhiều tác phẩm có giá trị về nội dung và nghệ thuật, phong phú, đa dạng về hình thức và phong cách thể hiện, được độc giả nhiệt tình đón nhận, góp phần quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Trong quá trình thể nghiệm và xây dựng, kịch hát dân ca Nghệ Tĩnh đã có sự bổ sung nội dung và cách thức thể hiện, vừa đưa hiện thực cuộc sống sôi động lên sân khấu, vừa giữ được chất trữ tình mượt mà, truyền cảm của dân ca xứ Nghệ. Đến nay, thực tế đã khẳng định rằng sân khấu kịch hát Nghệ Tĩnh hoàn toàn có khả năng thể hiện tốt các vở lớn, đủ mọi thể loại đề tài từ dân gian, lịch sử đến hiện đại, đương đại.

Một cảnh trong vở "Sóng dậy một vùng quê". Ảnh Lương Vân

Một cảnh trong vở “Vụ án Am Bụt mọc”. Ảnh: Lương Vân

Chặng đường 50 năm sân khấu hóa dân ca Nghệ Tĩnh gắn với công sức của nhiều thế hệ nhạc sĩ, nghệ sĩ, nghệ nhân bao gồm cả các tác giả kịch bản, lồng điệu, âm nhạc, đạo diễn, diễn viên…Trước hết có thể kể đến các tên tuổi như Nguyễn Trung Phong, Trần Hữu Thung, Thanh Lưu, Lê Hàm, Văn Thế, Đình Bảo, Hồ Hữu Thới, Phan Thành, Đình Đắc, Hồng Lựu…Đó là một chặng đường không ít những thăng trầm nhưng cũng rất đáng tự hào, trong đó bên cạnh sự nỗ lực về chuyên môn còn có vấn đề khắc phục những khó khăn của cơ chế, chính sách, đầu tư, thực hiện chủ trương sáp nhập các đoàn nghệ thuật…Đến hôm nay, Trung tâm Nghệ thuật truyền thống Nghệ An đã là địa chỉ đáng tin cậy, có công đầu trong nghiên cứu, bảo tồn, phát huy các giá trị của dân ca xứ Nghệ, trong đó có phát huy giá trị của sân khấu kịch hát dân ca xứ Nghệ.

      4. Dân ca nói chung, dân ca xứ Nghệ nói riêng là tài sản vô giá, góp phần không nhỏ vào việc giáo dục tư tưởng, tình cảm cho nhân dân và làm phong phú kho tàng văn hóa truyền thống của dân tộc. Việc kế thừa và phát huy vốn cổ quý báu đó trong bối cảnh hôm nay càng được đặt ra một cách cấp thiết. Chính vì vậy, hàng chục năm qua, dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh đã được bảo tồn, phát huy không những bằng hình thức hát dân ca truyền thống mà còn phát triển mạnh mẽ theo hướng sân khấu hóa. Tuy nhiên, để đáp ứng những đòi hỏi của thực tiễn, nhiều vấn đề vẫn đang tiếp tục được đặt ra như: Bên cạnh những thành tựu, có vấn đề gì cần phải tiếp tục hoàn thiện trong việc sân khấu hóa dân ca Nghệ Tĩnh?  Hướng đi nào cho sân khấu kịch hát dân ca Nghệ Tĩnh trong giai đoạn mới? Phát huy những đề tài đương đại trên sân khấu truyền thống như thế nào? Trên chặng đường 65 năm Sân khấu Nghệ Tĩnh (1958-2023), 50 năm sân khấu hóa dân ca Nghệ Tĩnh (1973-2023), với một đội ngũ hùng hậu các nhà nghiên cứu, nhạc sĩ, nghệ sĩ, diễn viên giàu tâm huyết, trước hết tập trung ở Trung tâm Nghệ thuật truyền thống Nghệ An, chúng ta có quyền hy vọng vào sự phát triển và những thành công ở chặng đường mới.  

 

(Bài đã đăng VHTT Nghệ An, số 10 - Tháng 8/2023)

__________________________

Chú thích:

*PGs.Ts, Phó Chủ tịch Hội Liên Hiệp VHNT Nghệ An

1, 2. Thanh Lưu, Dân ca xứ Nghệ và sân khấu hóa dân ca, Nxb Nghệ An, 2019, tr. 21, 28.

3. Hồ Hữu Thới, http://thegioidisan.vn/vi/qua-trinh-the-nghiem-san-khau-hoa-dan-ca-nghe-tinh.html

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114444253

Hôm nay

2195

Hôm qua

2309

Tuần này

22066

Tháng này

219427

Tháng qua

112676

Tất cả

114444253