Góc nhìn văn hóa

Sưu tầm hiện vật và trưng bày bảo tàng trong bối cảnh đương đại

Nghệ An đang thực hiện Đề án Nâng cấp bảo tàng văn hóa các dân tộc miền Tây Nghệ An ở huyện Quỳ Châu với một nguồn kinh phí khá lớn. Nhưng việc sưu tầm tài liệu hiện vật để phục vụ trưng bày cũng đang gặp nhiều khó khăn, thách thức. Một trong số đó đến từ sự biến đổi văn hóa tộc người trong bối cảnh hiện nay. Qua những chuyến đi sưu tầm tư liệu hiện vật ở vùng dân tộc thiểu số gần đây phần nào chứng minh rõ điều đó.

Cán bộ Bảo tàng tìm hiểu thông tin về một số hiện vật của người Thổ ở xóm Hoàng Trang, xã Tân Xuân, Tân Kỳ

Từ chuyến khảo sát sưu tầm thông tin hiện vật bảo tàng

Để chuẩn bị tài liệu hiện vật trưng bày cho Bảo tàng Văn hóa các dân tộc miền Tây Nghệ An, Bảo tàng Nghệ An đã cử một đoàn cán bộ đi khảo sát thông tin tư liệu và hiện vật các dân tộc Thái và Thổ ở huyện Tân Kỳ, thị xã Thái Hòa và huyện Nghĩa Đàn. Chuyến công tác kéo dài trong hai tuần với nhiệm vụ là khảo sát tình hình về tư liệu hiện vật và lập danh sách các hiện vật có thể phục vụ trưng bày cho bảo tàng sắp tới. Việc đi sưu tầm tư liệu hiện vật để trưng bày đối với cán bộ bảo tàng là chuyện chuyên môn thiết yếu. Và đoàn đi lần này cũng là những cán bộ có nhiều kinh nghiệm trên chục năm công tác.

Cán bộ Bảo tàng tìm hiểu thông tin về kỹ thuật đan võng gai truyền thống của người Thổ ở  xóm Long Thọ, xã Giai Xuân, Tân Kỳ

Hành trình của chuyến khảo sát bắt đầu từ các xã Nghĩa Lợi, Nghĩa Lạc, Nghĩa Thọ, Nghĩa Mai của huyện Nghĩa Đàn. Tiếp đó là đến các phường Quang Phong, Quang Tiến và xã Nghĩa Tiến của thị xã Thái Hòa. Cuối cùng, cả đoàn tiến hành khảo sát các xã Giai Xuân, Tân Xuân, Tân Hợp, Tiên Kỳ, Đồng Văn của huyện Tân Kỳ. Đây là một chuyến khảo sát dài ngày với đối tượng chủ yếu là người Thổ và người Thái. Nhiệm vụ của chuyến sát là tìm hiểu thông tin về bản sắc văn hóa truyền thống của các cộng đồng, về sự giao thoa và tiếp biến văn hóa giữa các cộng đồng. Cùng với đó là tiến hành khảo sát và lập danh mục những hiện vật có giá trị để phục vụ trưng bày bảo tàng. Đây là chuyến khảo sát bước đầu nên chỉ lập danh mục, trao đổi về phương thức chuyển nhượng và ước định giá cả ban đầu với chủ nhân hiện vật. Còn có thể sưu tầm các hiện vật hay không thì vẫn phải thực hiện những công việc tiếp theo sau khi trình hội đồng thẩm định các hiện vật đã lập danh sách.

Để thực hiện chuyến đi, cơ quan đã gửi công văn về cho địa phương để được giúp đỡ. Đến các huyện, đoàn liên hệ với Phòng Văn hóa và Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thông các huyện, thị để được đưa đến các xã đã lựa chọn. Từ các xã, đoàn được cán bộ văn hóa dẫn xuống tận thôn xóm gặp gỡ với những người quan trọng như già làng, người có uy tín, các nghệ nhân, thầy mo, các nhà nghiên cứu sưu tầm… Phương pháp chính là đến tận từng gia đình của những người này để trao đổi, hỏi thông tin và quan sát, tìm kiếm các hiện vật. Từ thông tin để tìm kiếm hiện vật và từ các hiện vật để khai thác các thông tin chuyên sâu hơn. Đây là phương pháp sưu tầm hiện vật phổ biến ở các bảo tàng hiện nay.

Những thách thức từ biến đổi văn hóa tộc người

Như một sự cố hữu trong suy nghĩ của những người đi sưu tầm hiện vật để phục vụ trưng bày bảo tàng là phải tìm được những hiện vật đẹp, thú vị, gắn với bản sắc văn hóa tộc người. Điều đó không sai. Bởi đó là những đặc tính của hiện vật mà trưng bày bảo tàng truyền thống luôn coi trọng. Vậy nên, trong suốt hành trình khảo sát qua 12 xã/phường của ba huyện, thị, cán bộ đoàn không khỏi lo lắng, buồn bã và có phần chán nản. Họ chia sẻ rằng so với các chuyến đi sưu tầm trước đó ở các vùng khác thì lần này quá ít hiện vật để khảo sát. Người Thái ở các địa phương này không còn lưu giữ được nhiều hiện vật mang đặc trưng văn hóa truyền thống của họ như ở Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Quế Phong hay các vùng Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn phía đường 7. Còn với dân tộc Thổ, họ cũng thay đổi nhiều và cuộc sống hiện đại chẳng khác gì người Kinh ở vùng xuôi hay bên cạnh họ.

Quá trình biến đổi văn hóa qua nhiều giai đoạn đã làm cho các nhóm tộc người ở các khu vực này đánh mất dần bản sắc văn hóa. Đó là một thực trạng không chỉ riêng những nơi này mà gần như phổ biến khắp nơi. Trong quá trình chuyển đổi đó, người dân không lưu giữ lại được những hiện vật gắn với bản sắc văn hóa cũng là chuyện bình thường. Hầu như các hiện vật mà đoàn khảo sát tìm thấy thì thường ở những nơi khác lại phổ biến hơn và thậm chí còn đẹp hơn, niên đại còn xa hơn và bảo tàng cũng đã có nhiều. Nghĩa là qua cuộc khảo sát, số hiện vật mới lạ gắn với bản sắc văn hóa tộc người còn rất ít. Có những vùng đã tiếp cận với lối sống hiện đại lâu năm nên đời sống văn hóa thay đổi. Hoặc những tai nạn trong quá khư như cháy làng, lũ lụt đã làm cho các hiện vật bị mất mát. Hơn nữa, ngoại trừ những hiện vật quan trọng, gắn với cuộc sống gia đình hay đời sống tâm linh người dân mới giữ lại, còn lại họ cũng vứt bỏ đi hết. Vậy nên việc khảo sát thấy ít hiện vật cũng là điều không khó hiểu. Bởi trong sự biến đổi văn hóa đó, những hiện vật gắn với bản sắc văn hóa tộc người bị mất mát và thay thế bằng những hiện vật mới gắn với quá trình giao thoa, tiếp biến văn hóa. Có điều những hiện vật này “không có gì đặc biệt”, “không gắn với bản sắc văn hóa cộng đồng”, “không thể hiện được đặc trưng văn hóa cộng đồng”, hay “không thú vị lắm”… Vậy nên có cần thiết phải khảo sát không và liệu có thể sử dụng trong trưng bày bảo tàng hay không? Đây chính là một vấn đề được đặt ra xuyên suốt chuyến khảo sát.

Tái hiện quá khứ huy hoàng hay thực tại sinh động?

Trong quan niệm truyền thống, trưng bày bảo tàng, nhất là đối với văn hóa các cộng đồng, tộc người thì người ta luôn cố gắng thể hiện được bản sắc văn hóa truyền thống của cộng đồng, tộc người đó. Các nhà bảo tàng cố gắng thể hiện được các nét đặc trưng văn hóa từ ăn, mặc, ở, đi lại đến các yếu tố văn hóa phi vật thể khác thông qua những hiện vật. Vậy nên, các bảo tàng vẫn thường coi trọng các hiện vật gắn với bản sắc văn hóa tộc người. Hiện vật phải “mang tính đặc trưng văn hóa cộng đồng”, phải “thể hiện được bản sắc văn hóa cộng đồng” thì mới có thể đưa vào trưng bày trong bảo tàng. Vì lẽ đó mà cán bộ bảo tàng khi đi khảo sát và sưu tầm tài liệu hiện vật để phục vụ trưng bày luôn cố gắng tìm kiếm những hiện vật thể hiện được “bản sắc văn hóa” của các cộng đồng, tộc người.

Bản sắc văn hóa, trong quan niệm trước đây, là những yếu tố văn hóa cốt lõi để định danh tộc người, cộng đồng. Nhiều khi người ta cho rằng bản sắc văn hóa là không thay đổi. Nó gắn với một quá khứ mà người ta coi là “văn hóa truyền thống”. Khi đi sưu tầm tài liệu hiện vật và trưng bày về một cộng đồng, tộc người, cán bộ bảo tàng đã theo một số nghiên cứu, ghi chép trước đó đã định hình cái gọi là “bản sắc văn hóa” để tìm kiếm những hiện vật thể hiện, tái hiện lại nó. Như vậy, “bản sắc văn hóa” theo cách hiểu đó cũng là một sản phẩm của quá trình sản xuất tri thức, là sự mô tả của các nhà nghiên cứu trước đó về một cộng đồng đã được chấp nhận, nó cũng là một quá khứ huy hoàng nào đó của cộng đồng, tộc người. Trong khi đó, mọi cộng đồng, tộc người luôn vận động và biến đổi. Các yếu tố văn hóa cũng không phải “tĩnh” nên không hề đứng im. Bản sắc văn hóa, trong một quá trình vận động cũng biến đổi sao cho phù hợp với cuộc sống của cộng đồng chủ thể chứ không tĩnh tại như ở một thời điểm cụ thể mà nhà nghiên cứu đã mô tả lại. Vậy nên trưng bày bảo tàng hiện nay nên quan tâm thể hiện một quá khứ huy hoàng gọi là “bản sắc văn hóa” hay một thực tại sinh động mà các nền văn hóa đang biến chuyển nhanh chóng và đa dạng? Đây là vấn đề lớn trong trưng bày bảo tàng hiện nay ở Việt Nam.

Đổi mới trong trưng bày bảo tàng

Lựa chọn giữa trưng bày bản sắc văn hóa tộc người hay trưng bày về thực tại biến đổi sôi động của các nền văn hóa tộc người là một điều cơ bản trong quá trình đổi mới trưng bày bảo tàng hiện nay. Nó cũng thay đổi tư duy về đánh giá hiện vật.

Trước hết, cần phải nhấn mạnh rằng, bảo tàng luôn cần những hiện vật đẹp, hấp dẫn, thể hiện được “bản sắc văn hóa cộng đồng”. Đặc biệt, trong phần trưng bày cố định về các cộng đồng thì càng phải có nhiều hiện vật như vậy. Tuy nhiên, trong bảo tàng hiện nay, bên cạnh trưng bày cố định dài hạn gắn với sự tồn tại của bảo tàng, thì còn nhiều trưng bày chuyên đề gắn với các hoạt động thường niên của bảo tàng. Các hoạt động trưng bày chuyên đề là nhân tố tạo sức hút để người ta đến bảo tàng nhiều lần bởi nó thay đổi liên tục theo các chủ đề khác nhau. Để phục vụ các trưng bày chuyên đề thì cần phải sưu tầm những thông tin tài liệu hiện vật thể hiện được sự sinh động của cuộc sống. Nó cũng gắn các hoạt động bảo tàng gần gũi hơn với sự biến đổi nhanh chóng và sôi động của cuộc sống đương đại.

Vì lẽ đó nên trong tư duy về việc đi sưu tầm tài liệu hiện vật cũng cần có sự thay đổi. Bên cạnh những hiện vật thú vị, đặc trưng của các cộng đồng, người ta bắt đầu quan tâm nhiều đến các hiện vật, sưu tập hiện vật thể hiện sự biến đổi văn hóa. Nếu như trước đây, khi đi sưu tầm hiện vật về người Thái, Khơ Mú, Mông, hay Thổ ở miền núi mà gặp cái quạt điện, nồi cơm điện hay vài hiện vật “mới”, “mua” của người dân thì sẽ xem đó là không có giá trị, bởi nó không gắn với bản sắc văn hóa các tộc người này. Nhưng hiện nay, các hiện vật này cũng có giá trị khi gắn với những câu chuyện về quá trình hiện đại hóa và sự tiếp cận lối sống hiện đại của người dân. Một bếp củi với xoong nồi cũ, một nồi cơm điện và một bếp ga, qua câu chuyện của những người chủ thể sẽ cho chúng ta một cái nhìn sinh động về giao lưu, tiếp biến văn hóa tộc người. Nó cho ta thấy người dân tộc thiểu số bước vào lối sống hiện đại như thế nào. Và sự thay đổi đó đang dần được bảo tàng lựa chọn để định hướng trong quá trình đổi mới.

Sự đổi mới tư duy ở nhiều bảo tàng trong nước khi tiếp cận với các nền bảo tàng học hiện đại ở nhiều nước phát triển đã đặt ra nhiều vấn đề về thay đổi tư duy trưng bày bảo tàng. Ngày nay, nhiều bảo tàng đang chuyển từ trưng bày các hiện vật mang tính “bản sắc văn hóa” cố hữu sang trưng bày các hiện vật thể hiện thực tại sinh động của các nền văn hóa. Sự thay đổi quan điểm trưng bày như vậy cũng làm cho quá trình khảo sát, sưu tầm hiện vật và cách thức trưng bày thay đổi theo. Những người đi khảo sát sưu tầm hiện vật bây giờ không chỉ tập trung tìm các hiện vật mang tính “đặc trưng văn hóa tộc người” nữa, mà phải tìm các hiện vật gắn với sự biến đổi đời sống văn hóa con người. Các hiện vật đơn lẻ không được coi trọng bằng các sưu tập hiện vật gắn với một quá trình biển chuyển hơn là một sự kiện độc lập. Cán bộ sưu tầm hiện nay không chỉ đi tìm hiện vật với một số thông tin cơ bản, mà phải nghiên cứu rất nhiều thông tin khác nhau. Đây cũng là bước chuyển biến trong việc đưa nghiên cứu khoa học vào trong trưng bày bảo tàng. Trưng bày hiện nay không chỉ là đưa hiện vật từ kho ra các gian trưng bày cho người ta xem nữa, thay vào đó, cần có những câu chuyện thể hiện được không chỉ bản sắc mà cả quá trình chuyển đổi văn hóa của cộng đồng. Vì vậy, các trưng bày vẫn phải kết hợp giữa thể hiện bản sắc văn hóa và quá trình biến đổi văn hóa nhằm gắn bảo tàng với thực tại sinh động đang diễn ra./.

(Bài đã đăng VHTT Nghệ An số 9, tháng 5/2023)

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114441472

Hôm nay

2189

Hôm qua

2283

Tuần này

21376

Tháng này

216646

Tháng qua

112676

Tất cả

114441472