Góc nhìn văn hóa

Tết cổ truyền của người dân tộc thiểu số miền núi Nghệ An

Trò chơi ném pao của người Mông ở Nghệ An trong dịp Tết. Ảnh: Đình Tuân

Hầu hết các cộng đồng dân tộc thiểu số (DTTS) đều có Tết cổ truyền. Tết này được tổ chức vào những thời gian khác nhau tùy thuộc vào các cộng đồng chứ không có một mốc cố định chung. Thường họ tổ chức theo chu kỳ nông nghiệp, sau khi đã thu hoạch mùa màng và đến thời gian nghỉ ngơi để chờ làm mùa vụ mới. Và đấy thực sự là lễ hội cộng đồng lớn nhất của họ.

Ở miền núi Nghệ An có các cộng đồng tộc người như Thái, Khơ Mú, Thổ, Mông, Ơ Đu cùng sinh sống. Đây là những cư dân nông nghiệp và cũng là những cộng đồng đã làm chủ vùng miền núi trong hàng thế kỷ trước. Họ sống trong những bản làng tương đối khép kín, dựa vào canh tác nương rẫy hoặc ruộng bậc thang để sinh sống. Kinh tế của họ dựa vào sản xuất nông nghiệp gồm trồng trọt, chăn nuôi và khai thác lâm thổ sản là chính. Vậy nên nhiều phong tục tập quán của họ cũng gắn với chu kỳ sản xuất nông nghiệp. Trong đó, Tết cổ truyền là một minh chứng rõ nét. Tết cổ truyền ở các cộng đồng có những tên gọi khác nhau, nhiều khi gồm nhiều lễ hội khác nhau trong đó. Nói đúng thì đây là một dịp Tết cổ truyền chứ không hẳn chỉ là một lễ tết. Hầu hết các cộng đồng này đều có Tết cổ truyền riêng của mình cho đến trước khi họ tiếp nhận Tết Nguyên đán như là sự thay thế cho Tết cổ truyền trong khoảng hơn một nửa thế kỷ qua.

Trong những mô tả về các cộng đồng DTTS ở miền núi Nghệ An trước năm 1945 không có nhiều tư liệu nói về Tết cổ truyền của họ. Những tài liệu sinh động hơn có lẽ được ghi chép từ thời Pháp thuộc và cho đến hiện tại đây vẫn là những tư liệu có giá trị khi nghiên cứu về tộc người thiểu số ở Nghệ An. Trong sách “Nghệ An ký” của Bùi Dương Lịch - một tư liệu quan trọng về xứ Nghệ cũng không có ghi chép gì nhiều về phong tục tập quán của người DTTS. Những thập niên đầu thế kỷ XX, bắt đầu có một số người Pháp và người Việt đi về vùng núi có ghi chép cụ thể và để lại những tư liệu quan trọng liên quan đến đời sống văn hóa vùng DTTS Nghệ An.

Trong số ít ỏi các tài liệu nói về lễ Tết cổ truyền của người DTTS ở miền núi Nghệ An thì phải kể đến ghi chép của danh y Phó Đức Thành. Tháng 3/1933, Phó Đức Thành đã có một chuyến đi về miền núi Nghệ An cùng với Công sứ Nghệ An lúc đó là Lagrere. Đoàn của ông đi lên vùng Quỳ Châu, Quế Phong sau đó vòng qua Kỳ Sơn, Tương Dương rồi đi về Vinh. Sau đó ông viết loạt du ký “Muốn cho biết đó biết đây” (tập du ký 6 ngày đi về vùng Phủ Quỳ, Phủ Tương)”[1]. Trong đó, ông dành nhiều sự mô tả của mình về phong tục tập quán của người Thái ở Phủ Quỳ. Dù khi nói về Tết cổ truyền, Phó Đức Thành hơi khiêm tốn: “Trong tháng Tết, ai muốn Tết ngày nào cũng được. Như mồng 10 làm được lễ thì làm một con heo, một vò rượu, nhiều gói cá, bánh chưng, bánh xáo, trước cúng cha mẹ, sau mời bà con, anh em, bạn hữu. Trước ăn sau mừng nhau trong mấy ngày ấy. Các câu chúc đến lạy bàn thờ, chúc ở bàn thờ rằng: Năm mới bình an mạnh khỏe. Các nhà đại chủ thổ ăn Tết phải làm trâu bò thêm vào. Dân của chủ thổ tới hết cả, vợ chồng con cái, trước lạy bàn thờ 5 lạy, sau lạy chủ thổ 4 lạy, rồi chúc mừng nhau năm mới mạnh khỏe, sau uống rượu trú là về”. Thực sự, một nghi lễ quan trọng như Tết cổ truyền với nhiều hoạt động phức tạp, việc chỉ ghi chép đơn giản như vậy chưa thể thuyết phục bạn đọc. Nhưng ít ra, chúng ta cũng thấy được một phần nhỏ của việc người Thái đã tổ chức Tết trước đây.

Cũng gần như cùng thời điểm với Phó Đức Thành, Albert Louppe viết “Người Mường ở Cửa Rào” và xuất bản năm 1934 bằng tiếng Pháp. Trong cuốn sách này, dù không mô tả toàn bộ về Tết cổ truyền của người Thái (mà Louppe gọi là người Mường) nhưng tác giả lại có một mô tả chi tiết về tiệc rượu cần trong một dịp lễ hội cổ truyền lớn của người Thái (theo quy mô và cách thức tổ chức là chắc là một Tết cổ truyền). “Trong khi bữa tiệc đang tiền hành và những khối lượng thịt rất lớn biến mất như có phép thần thì người quản lý các vò rượu - một người có tín nhiệm, thân với gia đình - đem đặt ngang trên mặt sàn nhà thường ghép bằng những cây tre bổ dọc và đập dập thành thẳng, một chiếc sào dài có những vò rượu được buộc chặt vào để giữ cho khỏi đổ, phòng khi sàn nhà dập dềnh và phòng khi các khách đứng ngồi không vững sau tuần rượu. Đặt xong, người này đập vỡ nút các vò bỏ các lớp trấu và lá phủ trên cốt rượu, rồi đổ đầy nước vào các vò…”,… “Tất cả đã sẵn sàng để nghi lễ bắt đầu. Các khách đến và ngồi xổm xung quanh vò rượu thần quý giá, họp thành nhiều nhóm mà nhóm thứ nhất bao giờ cũng là các chức dịch và các vị khách quý…”,... “Chủ nhà mời khách bắt đầu uống. Tất cả mọi người đều đứng dậy và xin phép uống rồi lại ngồi xuống lấy hơi hút rất mạnh thứ nước có nồng độ của rượu mạnh này trong một khoảng thời gian tương đối dài. Sau đó lại nghỉ. Mọi người cho lời nhận xét về chất lượng của rượu rồi lại bắt đầu hút…”,… “Trong khi những người này uống rượu thì những người khác chuốc mời vui vẻ, đùa ghẹo các cô gái (điều này không bị chê trách mà trái lại) hoặc hát, thổi khèn và hút thuốc. Bao giờ cũng có hai người giữ một bộ nhạc cụ gồm một trống lớn và ít nhất là 4 chiếc cồng có âm thanh khác nhau. Trong khi người con trai nhún nhảy phát ra một điệu múa kệch cỡm thì người con gái gõ liên tiếp từ chiếc cồng này sang chiếc cồng khác để theo nhịp múa. Bảo rằng đó là một điệu nhạc hay có lẽ quá đáng, nhưng nó cũng có cái duyên dáng và sự hài hòa âm điệu của nó”…

Nam thanh nữ tú người Thái múa hát trong ngày Tết cổ truyền

Ghi chép của Louppe về tổ chức lễ hội bao gồm cả nghi lễ, uống rượu và trình diễn văn nghệ của người Thái có lẽ là ở một dịp Tết cổ truyền, khi mà họ đã thu hoạch xong mùa màng và chuẩn bị đón năm mới. Ghi chép còn rời rạc và có nhiều bình luận chưa hẳn đã phù hợp nhưng nó cũng cho thấy sự sinh động về lễ hội của người Thái vùng đường quốc lộ 7 trước 1945. Theo những người già kể lại, người Thái ăn Tết cổ truyền khá lớn. Sau khi thu hoạch mùa màng, họ bắt đầu chuẩn bị kết thúc một chu kỳ và đón một chu kỳ nông nghiệp mới. Đó là quãng thời gian nghỉ ngơi, làm lễ thờ cúng để biết ơn tổ tiên, tổ chức hội để giao lưu, kết đôi và tổ chức cưới hỏi. Cả dịp này kèo dài trong mươi lăm đến vài chục ngày và tổ chức ở cả quy mô gia đình lẫn cộng đồng. Họ không chỉ giao lưu, kết nối trong cộng đồng mà còn với cả bạn bè nơi khác đến hay trao đổi qua lại giữa các cộng đồng với nhau.

Đối với các tộc người khác như Mông, Khơ Mú hay Ơ Đu cũng có những cách đón Tết cổ truyền riêng. Điểm chung của hầu hết các tộc người này là họ theo nông lịch và sau một chu kỳ nông nghiệp thì họ tổ chức lễ tết. Đó là giao thời của hai chu kỳ nông nghiệp và là dịp để nghỉ ngơi và tổ chức các sinh hoạt văn hóa xã hội nhằm đón một chu kỳ mới. Nhưng cách thức tổ chức và các nghi lễ giữa các dân tộc có sự khác nhau dù có những tích hợp, tiếp biến với nhau.

Người Khơ Mú tổ chức Tết khi kết thúc mùa màng. Sau khi thu hoạch xong, họ tổ chức lễ cúng cơm mới. Sau đó bắt đầu các nghi lễ trong gia đình như thờ cúng tổ tiên trong nhà, rồi nghi lễ thờ cúng tổ tiên chung của dòng họ. Sau đó là lễ cúng chung của cả bản. Cùng với các nghi lễ là các sinh hoạt lễ hội để vui chơi. Người già, người trẻ, theo các nhóm riêng mà cùng tham gia các sinh hoạt từ văn nghệ đến trò chơi dân gian…

Cũng như người Khơ Mú, người Mông tổ chức lễ Tết cổ truyền vào dịp sau khi thu hoạch xong nương rẫy. Sau khi những đám nương rẫy cuối cùng được thu hoạch, già làng và trưởng bản sẽ bắt đầu thông báo để chuẩn bị tổ chức Tết. Các gia đình đều chuẩn bị vệ sinh nhà cửa, rồi tham gia vệ sinh làng bản cho sạch đẹp. Cùng với đó là chuẩn bị các lương thực, thực phẩm để chế biến các món ẩm thực truyền thống đặc trưng trong ngày Tết. Các gia đình và các dòng họ tổ chức thờ cúng tổ tiên, rồi tổ chức ăn Tết và chúc Tết lẫn nhau. Cả bản cũng tổ chức nghi lễ chung để đón năm mới. Sau đó, là phần hội với giao lưu văn nghệ, trò chơi dân gian… Người Mông có những lúc ăn Tết đến một tháng sau đó sẽ chuẩn bị cho mùa vụ mới.

Người Ơ Đu - một cộng đồng dân tộc rất ít người, sống xen kẽ trong các bản Thái, Khơ Mú, nhưng cũng có Tết cổ truyền riêng của họ. Lễ tết đó bắt đầu từ tiếng sấm đầu tiên của năm mới nên còn được gọi là lễ đón tiếng sấm đầu năm. Họ không có lịch và sau khi thu hoạch mùa màng, khi tiếng sấm đầu tiên xuất hiện thì cũng là lúc người Ơ Đu kết thúc năm cũ và đón năm mới. Sau khi nghe được tiếng sấm, các gia đình bắt đầu mang đồ đạc trong nhà ra suối để vệ sinh sạch sẽ. Sau đó về bắt đầu tổ chức lễ cúng tổ tiên, rồi tổ chức biều diễn văn nghệ và các trò chơi dân gian. Dù ít hộ gia đình trong một bản nhưng sự kết nối đồng tộc trong các bản khác nhau được duy trì chặt chẽ nên dịp lễ Tết, họ qua lại thăm hỏi và chúc Tết, vui chơi với nhau.

Mâm cỗ cúng Tết của người Ơ đu

Ngày nay, hầu hết các tộc người ở miền núi Nghệ An có sự thay đổi trong đón Tết cổ truyền. Một mặt, họ thay đổi thời gian và tổ chức đón Tết Nguyên Đán chung của cả đất nước. Nó gắn với lịch nghỉ Tết chung của cả nước để phù hợp với điều kiện công việc của người dân, nhất là con em đi làm ăn xa. Nhiều yếu tố văn hóa mới được đồng bào tiếp nhận và đưa vào trong dịp Tết. Một quy trình gần như thống nhất về tổ chức Tết được hình thành không chỉ về thời gian mà còn các hoạt động khác. Đến ngày gần cuối năm, người dân ở các thôn bản đều tham gia vào việc vệ sinh nhà cửa và thôn bản dưới sự điều hành của cán bộ địa phương. Các gia đình treo cờ Tổ quốc. Toàn bộ hoặc một số đoạn đường chính trong thôn bản được treo cờ và trang trí đẹp hơn. Quá trình tổ chức Tết cũng được diễn ra theo những kịch bản được xây dựng từ chính quyền xã, nhất là phần hội. Bên cạnh các trò chơi dân gian truyền thống của các tộc người như ném còn, bắn nỏ, đi cà khoeo, đẩy gậy… thì còn nhiều trò chơi mới mà hiện nay khá phổ biến như bóng chuyền, bóng đá, cầu lông… Trong biểu diễn văn nghệ cũng vậy, bên cạnh những làn điệu dân ca dân vũ truyền thống thì cũng có sự xuất hiện của những làn điệu mới, những chương trình âm nhạc hiện đại, kể cả hát karaoke tập thể…

Mặt khác, dù có sự thay đổi về thời gian, nhưng hầu hết các cộng đồng cũng duy trì một số giá trị văn hóa quan trọng trong dịp lễ tết. Nếu như phần hội được tổ chức theo chương trình từ xã là chủ yếu thì phần lễ là thành trì quan trọng để giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống của gia đình và dòng họ. Những nghi lễ thờ cúng tổ tiên trong gia đình và trong dòng họ vẫn được thực hiện một cách nghiêm chỉnh. Các bài mo bài cúng và vai trò của thầy mo được thể hiện trong các thực hành nghi lễ. Cùng với đó, những kiêng kỵ trong các nghi lễ dịp Tết vẫn được tôn trọng và duy trì.

Như vậy, có thể nói Tết cổ truyền của các tộc người ở miền núi Nghệ An là sinh hoạt văn hóa quan trọng. Hầu hết các cộng đồng đều tổ chức Tết cổ truyền với những cách gọi khác nhau. Tết cổ truyền không chỉ là một lễ hay một hội đơn giản mà là hệ thống các lễ hội khác nhau và có liên quan với nhau. Cơ bản, Tết có hai phần là lễ và hội. Lễ là phần các nghi lễ trong gia đình, dòng họ và làng bản để thể hiện sự biết ơn với tổ tiên, với thần/ma hay những người có công với cộng đồng. Phần hội là các sinh hoạt văn hóa, nghệ thuật để chung vui, để giao lưu kết nối và để tìm hiểu, yêu đương để đi đến hôn nhân gia đình… Lễ tết là sự kết nối giữa người sống với nhau, giữa người sống với thần linh, với tổ tiên. Đó là một sinh hoạt kết nối cả trong đời sống thực và đời sống tâm linh, giữa thế giới trần tục và thế giới linh thiêng. Ngày nay, Tết cổ truyền của các dân tộc có sự thay đổi theo hướng thống nhất chung của Nhà nước về thời gian và một số hoạt động khác nhau, nhưng cơ bản thì các giá trị của lễ tết vẫn được đồng bào gìn giữ. Dù có những thăng trầm nhất định nhưng nhiều giá trị văn hóa ngày Tết vẫn còn được đồng bào trân trọng, và đó cũng là điểm đáng chú ý trong quá trình thực hiện công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các cộng đồng tộc người hiện nay./.

 

 (Bài đã đăng VHTT Nghệ An Số Tết Ất Tỵ - Tháng 01/2025)



[1] Xem “Phủ Quỳ, Phủ Tương du ký”. In trong “Thám hiểm Nghệ An”. Nxb Nghệ An, 2023.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114553176

Hôm nay

236

Hôm qua

2276

Tuần này

2872

Tháng này

220719

Tháng qua

122920

Tất cả

114553176