Một cảnh trong vở Vầng sáng của Trung tâm Nghệ thuật truyền thống Nghệ An tại Liên hoan Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc năm 2022. Ảnh: Bùi Hào
Việt Nam có 54 dân tộc anh em cùng chung sống trong đại gia đình Tổ quốc Việt Nam, mỗi dân tộc đều có kho tàng dân ca của riêng mình; đồng thời, ở mỗi vùng, miền khác nhau, dẫu cùng một dân tộc, nhưng lại có những làn điệu dân ca mang dấu ấn của vùng, miền cụ thể ấy. Bởi vậy, chỉ riêng nghiên cứu về phương diện văn bản học thôi, đã vô cùng phức tạp rồi; chưa kể đến mặt thứ hai của một làn điệu, đó là diễn xướng bài bản dân ca. “Nghiên cứu một làn điệu dân ca ta phải tiếp xúc với lời và nhạc…sự tiếp xúc sẽ không đầy đủ nếu bỏ qua việc xem xét cách tổ chức hát, cách ăn mặc, những phong tục kèm theo…” [1. Tr. 224]. Nên có thể xác định rằng, diễn xướng là “cái có sau”, nhưng lại là xuất phát điểm của văn nghệ dân gian, nói chung, dân ca, nói riêng. Trong diễn xướng bài bản dân ca, mới thấy rõ tính thống nhất và tính phức tạp của nó ở ba phương diện: sinh hoạt thực tiễn, chiếm lĩnh (tâm hồn) tinh thần và “trình diễn nghệ thuật”. Nếu dân ca, không có diễn xướng, thì văn thơ, nhạc, múa, diễn xuất … không thể xuất hiện. PGS. TS. Đặng Văn Lung nêu ra định nghĩa rằng: “Diễn xướng là sự tách bài bản ra khỏi người sáng tác, làm cho bài bản mất tính cá thể, cá nhân, làm cho nó từ nay mang tính tập thể của Nhân dân và biến nó thành tài sản chung. Sự làm nảy sinh và tích lũy bài bản như vậy là tiền đề và là điểm xuất phát của văn nghệ dân gian và thuộc về cái gọi là Vốn văn nghệ truyền thống. Hoạt động văn nghệ dân gian thường xuyên tách tác phẩm ra khỏi người sáng tác và biến thành tác phẩm chung như thế, nên số vốn văn nghệ truyền thống ngày càng nhiều, càng ngày càng trở nên một kho tàng đồ sộ” [1. Tr. 226]. Thế nghĩa là bài bản làn điệu dân ca là cái có trước và diễn xướng là cái có sau, biến nó thành sản phẩm nghệ thuật đem đến cho công chúng hưởng thụ. Vì thế, có thể xác định rằng: Dân ca nói chung, một làn điệu dân ca, nói riêng, là một quá trình sáng tạo nghệ thuật gồm năm khâu: bài bản, diễn xướng, thưởng thức, sáng tạo, sửa chữa, bổ sung và hiệu quả nghệ thuật. Song, cả năm khâu này đều phát triển liên tục và đến lúc nào đó sẽ hình thành một qui trình mới, tương đối ổn định của một làn điệu. Tuy nhiên, bốn trong năm khâu của quy trình mới có thể ổn định tương đối, nhưng khâu diễn xướng vẫn có thể hiển thị đa dạng và luôn mới.
Dân ca Nghệ - Tĩnh, không biết sinh ra từ thuở nào; kho tàng ấy, mỗi ngày càng nhiều thêm, nhưng vẫn có đầy đủ những phẩm chất và “tình huống” dân ca nêu trên. Chỉ có khác là, trong kho tàng dân ca Nghệ - Tĩnh có nhiều làn điệu khác nhau, nhưng đặc biệt có những làn điệu qui tụ một cách tự nhiên vào hai dòng: Ví và Giặm là “hai đứa con sinh đôi” của cảm hứng, cảm thức, suy cảm và hoạt động tâm linh (tâm tình, trí tuệ) ngàn đời của người Nghệ - Tĩnh. Đồng thời, cũng là tấm gương phản chiếu bốn cõi (cõi trời, cõi đất, cõi nhân gian, cõi vĩnh hằng) và bốn chiều của mỗi cõi (quá khứ, hiện tại, tương lai và tâm linh, mà tâm linh là chiều bao trùm của cả bốn chiều); hiện thân của chủ nghĩa hiện thực “tam nông” của miền quê Nghệ - Tĩnh - vùng đất địa linh, nhân kiệt và minh triết thi ca. Nền dân ca ấy thuần khiết phẩm chất bốn cõi: Văn hóa tài nguyên, văn hóa vật chất, văn hóa cơ chế, văn hóa tâm thức của vùng Nghệ - Tĩnh, nhiễm sâu sắc giọng điệu, ký hiệu phương ngữ của các thế hệ người Nghệ - Tĩnh, cùng với cách thức suy cảm của họ, hiện thân của cái “tiểu dị” trong cái “đại đồng” của suy cảm dân tộc Việt.
Nhìn chung, mọi làn điệu dân ca đều có thể diễn xướng; nhưng không phải bất cứ “dòng” dân ca nào cũng đều có thể sân khấu hóa thành thể loại sân khấu kịch hát dân tộc. Sở dĩ dân ca Nghệ - Tĩnh đã có thể thực hiện sân khấu hóa thành một thể loại kịch hát dân tộc được, vì nó có những đặc trưng căn cốt sau:
1. Tính chất hội thoại - giao tiếp, ứng xử, đối ca thường nhật giữa người với người, giữa người với chính bản thân mình, giữa người với thế giới xung quanh, theo nguyên lý “tức cảnh sinh tình”, lấy mây tả trăng, lấy nước tả trời, lấy ảo tả thật,…biểu hiện rõ tính chất đối thoại và đối sánh.
2. Trong mỗi làn điệu dân ca đều nhiễm sâu sắc tính kịch, ở cả ba cấp độ: tương sinh, tương khắc (mâu thuẫn), tương triệt (xung đột):
“Giận thì giận, thương thì thương,
Giận lại càng giận, mà thương cũng thật nhiều!”
3. Lời và nhạc (tiết tấu - tempo, tốc độ - ritme của mỗi làn điệu) đều hàm chứa rõ nét tính hành động, trong âm nhạc và ca từ của mỗi làn điệu, nhất là hành động trữ tình:
“Chặt đôi câu thơ, bẻ đôi câu thơ,
Tôi làm mái chèo lướt sóng,
Đưa tôi về với người tôi yêu,…” (An Thuyên)
4. Tính chất đơn nhất vùng miền tạo sinh phẩm chất văn hóa riêng có của không gian dân ca Ví, Giặm Nghệ - Tĩnh:
“Nước biếc non xanh, đường quanh quanh xứ Nghệ”.
“Gừng cay, muối mặn, tiếng nói nỏ giống ai”.
5. Đa dạng đời sống tâm linh - ảo mà thật; bởi phần lớn các làn điệu dân ca gắn liền với đời sống tâm linh nơi các mối quan hệ người, quan hệ với tự nhiên trong lao động tín ngưỡng và khát vọng sống đầy nhân ái cao cả.
6. Tính sân khấu rõ nét: Các làn điệu dân ca Nghệ - Tĩnh cổ truyền tuy chưa nhiều, nhưng đa dạng về nội dung; đặc biệt là sự phong phú, nhiều chiều của tính diễn xướng. Nếu tính sân khấu là sự tự biểu hiện của mọi sự vật, được tổ chức lại trong không gian, thời gian nhất định, nhằm bộc lộ một ý, tình, tư tưởng, văn hóa ứng xử nhất định …; trong đó, có dụng ý nhấn mạnh, đặc tả, đột xuất một sự việc, một hiện tượng nào đó, con người có thể cảm thấy được, trông thấy và nghe thấy được và được khơi gợi, kích thích trí tưởng tượng sáng tạo nơi họ, đó là tính sân khấu. Tính sân khấu của bất kỳ sự vật nào cũng đều thâm nhiễm tính thẩm mỹ và tính triết học. Bản thân mỗi làn điệu dân ca Nghệ - Tĩnh đều hàm chứa sâu sắc tính diễn xướng. Và tính diễn xướng ấy chính là một dạng căn cốt của tính sân khấu.
Diễn xướng “Sông Lam chiều ráng đỏ”. Ảnh: Ngọc Mai
Với sáu đặc trưng này, các làn điệu dân ca đủ sức miêu tả, biểu cảm, phản ánh những vấn đề căn cốt của hiện thực đời sống đương đại và những câu chuyện lịch sử, dã sử, thần thoại, cổ tích,…Trong khi, những thập niên sáu, bảy mươi của thế kỷ XX, Nghệ - Tĩnh có cả một đội ngũ trí thức văn, nghệ sĩ xuất sắc như: Trung Phong, Phạm Văn Giá, Hồ Hữu Thới, Phan Lương Hảo, Vi Phong, Vũ Hải, Đình Bảo, Ngô Xuân Huyền, Thanh Lưu, Văn Thế…Họ đã nghiên cứu các thể loại kịch hát dân tộc, đặc biệt trong đó là Kịch nói, Chèo truyền thống và những vở Chèo thành công phản ánh hiện thực cách mạng và kháng chiến. Bước đầu sáng tác những hoạt cảnh, những vở ngắn về “người tốt, việc tốt”, phục vụ kịp thời,…Đến năm 1970, Đoàn Chèo Nghệ An tham gia Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp với vở Kịch hát Dân ca Nghệ - Tĩnh Không phải tôi, kịch bản của tác giả Nguyễn Trung Giáp, được giải thưởng Huy chương Vàng. Thực tế ấy đã khẳng định: Dân ca Nghệ - Tĩnh có thể “sân khấu hóa” thành một thể loại kịch hát dân tộc. Căn cứ thực tế và khoa học ấy trở thành cơ sở chắc chắn cho Đội thể nghiệm Kịch hát Dân ca Nghệ - Tĩnh ra đời (một đơn vị nghệ thuật sân khấu độc lập, tách khỏi Đoàn Chèo Nghệ An). Kể từ năm 1972, Đội Kịch hát Dân ca liên tục xây dựng các vở diễn thể nghiệm (trong đó có cả các vở diễn thử nghiệm, thí nghiệm,…). Tới 30 năm, đã có trên 40 vở diễn thể nghiệm, do nhiều đạo diễn “có hạng” của Trung ương và địa phương tâm huyết với diễn xướng dân ca Nghệ - Tĩnh và đồng khí tương cầu với anh chị em nghệ sĩ Nghệ - Tĩnh dàn dựng, mong “tìm ra” những yếu tố căn bản nhằm khẳng định tính thể loại sân khấu của dân ca Nghệ - Tĩnh. “Sau thắng lợi của vở Mai Thúc Loan (Kịch bản của Phan Lương Hảo, được tặng Huy chương Vàng tại Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp khu vực 4, tại thành phố Vinh, năm 1985), dân ca Nghệ - Tĩnh đã được giới sân khấu cả nước công nhận, trở thành một bộ môn sân khấu mới “Kịch hát dân ca”. Nhiều vở diễn có quy mô hoành tráng lại được tiếp tục dàn dựng thể nghiệm” [2. Tr. 16] và được công diễn phục vụ Nhân dân. Thời gian sau đó, nhất là từ khi Đội Kịch hát dân ca phát triển và trưởng thành Đoàn Kịch hát dân ca Nghệ An, thì mặc nhiên, Nhân dân Nghệ - Tĩnh, giới sân khấu trong cả nước,… coi Kịch hát dân ca Nghệ - Tĩnh một thể loại sân khấu như mọi thể loại sân khấu kịch hát dân tộc, đã có những vở diễn hay. Điều thú vị nhất ở thể loại này là nó không chỉ cập nhật những vấn đề của hiện thực đời sống đương đại, mà còn nhập cuộc vào cả những đề tài lịch sử, dã sử, thần thoại, cổ tích,… ; đặc biệt là “đeo đuổi” một cách thấu đáo tất cả các thể tài: bi kich, hài kịch và chính kịch như bất cứ một thể loại sân khấu lâu năm nào. Tới nay, tuy chưa có được một đội ngũ tác giả, đạo diễn, họa sĩ, biên đạo, nhạc sĩ … chuyên nghiệp của riêng mình; dẫu “ăn đong”, nhưng Kịch hát dân ca Nghệ - Tĩnh đã chuyển thể, sáng tác, xây dựng được không dưới 70 vở diễn, gần đây là vở diễn “Vầng sáng”, về đề tài đương đại (chống tham nhũng, tiêu cực - lợi ích nhóm), do VTV1, đài Truyền hình Việt Nam phát sóng, lúc 15 giờ, ngày 5/6/2023). Dẫu còn chỗ này, chỗ kia chưa kịp đào tạo, chưa thể đồng bộ, nhưng không thể không thừa nhận Kịch hát dân ca Nghệ - Tĩnh đã là một thể loại sân khấu kịch hát dân tộc, có phương pháp thể loại rõ ràng.
Nếu phương pháp thể loại của Tuồng là “Hiện thực tả thần” và phương pháp thể loại của Chèo là “Hiện thực tả ý”, thì phương pháp thể loại của Kịch hát dân ca Nghệ - Tĩnh là “Hiện thực tả chân”.
Hệ thống những nguyên tắc cấu thành phương pháp Hiện thực tả chân:
1. Nguyên tắc tái tạo hiện thực: Phương pháp Hiện thực tả chân, phản ánh đời sống, không phải là mô phỏng hiện thực như cách “soi gương đời sống”, lệ vào “sự thật”; cũng không tái hiện hiện thực; mà nâng cao nội dung vấn đề hiện thực, xây dựng nên đời sống những con người - nhân vật đạt đến những tầm cao của sự điển hình; đồng thời tìm ra, sáng tạo ra những hình thức mới để mang tải nội dung “mới” của đời sống nhân vật. Tái tạo hiện thực, đó là quá trình thay đổi, đổi mới, nâng cao chất lượng nội dung và hình thức vấn đề hiện thực được phản ánh, không còn dấu tích của sự “viết tô” hiện thực nữa. Sự cấu tạo lại nội dung, hình thức vấn đề hiện thực được phản ánh là nhằm bộc lộ tốt nhất bản chất vấn đề hiện thực, để đạt được ý đồ tư tưởng, nghệ thuật mà tập thể nghệ sĩ mong muốn.
2. Nếu nguyên tắc tự sự của Chèo truyền thống là lấy nhân vật để kể “tích” (câu chuyện); thì nguyên tắc tự sự của phương pháp Hiện thực tả chân là lấy “tích” để khám phá, phát hiện đời sống nội tâm (trong đó có cả những trạng thái tâm linh) và đời sống sinh học của nhân vật. Bởi vậy, tự sự của phương pháp Hiện thực tả chân là diễn kể tính, kể tình, kể sự việc, kể hoàn cảnh, kể hành động, kể quan hệ, kể hiện tình xung khắc, kể tình huống … trong quá trình phát triển lịch sử cụ thể, thăng - trầm của cuộc đời nhân vật, thông qua những trò diễn của các thành phần nghệ thuật và các yếu tố kỹ thuật - công nghệ cùng tham gia xây dựng vở diễn, trong đó nghệ thuật biểu diễn của diễn viên đóng vai là trung tâm.
3. Nguyên tắc ước lệ: Chỉ miêu tả cuộc đời nhân vật trung tâm, nhân vật chính,… tại những điểm “đặc định” - bước ngoặt, bước nhảy vọt vượt lên hoàn cảnh, vượt lên số phận của nhân vật, mà không miêu tả toàn bộ tỉ mỉ, chi tiết trong suốt toàn bộ quá trình sống đời người của nhân vật như trong tiểu thuyết. Ước lệ của phương pháp Hiện thực tả chân thường áp dụng các biện pháp: quy ước là thế; đối xứng, đối tỉ, đăng đối lệch, hoặc tỉ lệ nghịch trong phân số học (Hòn bấc ném đi, hòn chì ném lại; “Ăn một quả khế, trả một ngàn vàng,…”).
4. Nguyên tắc lạ hóa: Hiện thực tả chân - phương pháp thể loại của Kịch hát dân ca Nghệ - Tĩnh phản ánh chân thực hiện thực, nghĩa là vấn đề đời sống được tác giả nhận thức, được cảm hứng sáng tạo của nghệ sĩ, cùng với tư duy hình tượng của anh ta nhào nặn một cách hưng phấn theo một ý đồ tư tưởng và nghệ thuật nhất định, theo quy luật khái quát hóa và cụ thể hóa, trừu tượng hóa và điển hình hóa,…; tạo nên nội dung mới - lạ mà quen, cùng với hình thức chuyển tải cái nội dung lạ mà quen ấy là những mảnh trò. Tất cả nội dung và hình thức ấy đều được nhiễm sâu sắc lý tưởng thẩm mỹ, phẩm chất nghệ thuật, suy cảm khái quát hóa và điển hình hóa…nên nó không thể tương ứng với sự thật ban đầu (của hiện thực đời sống) nữa. Quá trình tái tạo chân thực nội dung vấn đề hiện thực ấy, cũng chính là quá trình nghệ thuật hóa hay lạ hóa cả nội dung và hình thức vấn đề đời sống được phản ánh trong kịch bản và vở diễn.
5. Nguyên tắc cách điệu hóa: Bản thân các làn điệu dân ca đã là kết quả của những quá trình cách điệu hóa - thơ hóa, nhạc hóa, thanh nhạc hóa, biểu diễn hóa,… trong những không gian văn hóa cụ thể của chúng. Rồi khi, dân ca được sân khấu hóa thành một thể loại sân khấu kịch hát, thì các làn điệu dân ca được sử dụng để thể hiện nội dung vở diễn, lúc đó, các làn điệu dân ca trở thành bộ phận ngôn ngữ căn cốt nhất để thể hiện toàn bộ nội dung đời sống của các nhân vật, …Để tương thích với các làn điệu dân ca, các loại hình, loại thể nghệ thuật cùng tham gia sáng tạo, xây dựng vở diễn, cũng đều phải thực hiện cách điệu hóa cho ngang tầm với các làn điệu dân ca. Ví dụ: lời kịch, ngoài các làn điệu hát, lời đối thoại phải được viết thành thơ, văn vần, hoặc ca dao,…, các nhân vật trong vở diễn, trên sân khấu giao lưu với nhau bằng những câu nói lối, nói vần, nói cách, ngâm, vịnh, vỉa,…; tương tự như vậy, hành động hình thể của các nhân vật phải cách điệu hóa thành múa hoặc “Á múa”. Cách điệu hóa còn gọi là thẩm mỹ hóa, nghệ thuật hóa ngôn ngữ kịch hát dân ca.
6. Nguyên tắc ẩn dụ hóa: Ẩn dụ “Còn gọi là “ví ngầm”…, nằm trong phạm trù so sánh, nhưng ở mức độ nghệ thuật cao hơn, không còn vế bị so sánh, chỉ còn vế đem ra so sánh, gây một tác dụng liên tưởng kín đáo hơn. Ẩn dụ không mang chức năng định danh mà là biểu cảm:
“Thuyền về có nhớ bến chăng,
Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền “. (ca dao).
“Có một loại ẩn dụ đặc biệt gọi là ẩn dụ bổ sung”, mà trong kịch hát dân ca Nghệ - Tĩnh hay dùng. Thực hiện loại ẩn dụ này “bằng sự chuyển đổi cảm giác, bởi vì “Mùi hương, màu sắc và âm thanh tương giao cùng nhau” (Bôđơle) [3. Tr. 43].
7. Nguyên tắc đối - sánh (so sánh đối chiếu lẫn nhau): Đặt hai nét tính cách, hai hiện tượng, hai sự việc, hai tình huống, v.v…đối nghịch lẫn nhau nhằm tạo nên sự so sánh, đối chiếu giữa chúng với nhau, đặng luôn luôn tạo nên tính kịch trong cấp độ tương khắc - đối chọi lẫn nhau.
8. Nguyên tác giả định: Tất cả những gì diễn ra trên sân khấu kịch hát dân ca đều do sự thật đời sống “khúc xạ” vào suy cảm của nghệ sĩ mà tạo nên, chúng không phải là thật nhưng sự giả định là như thế - hiện thân của đời sống, còn thật hơn cả sự thật. “Sự thật giả định” này là hiện thân của tính gợi tưởng sâu rộng, nhiễm sâu sắc những phẩm chất thẩm mỹ (tính thể tài), chất thơ và tính triết học đời sống. Bởi vậy, bất cứ một sự giả định nào xuất hiện trong vở diễn trên sân khấu kịch hát dân ca đều là những tín hiệu ngôn ngữ giàu sức miêu tả, sức biểu cảm, sự gợi tưởng và tính chân thực.
9. Nguyên tắc thật mà ảo - ảo mà thật: Không phải đợi đến cuộc cách mạng công nghệ 4.0, nguyên tắc “thật mà ảo - ảo mà thật” mới hiện hữu, mà nó đã xuất hiện trong sáng tạo văn học, nghệ thuật từ thời cổ đại, đó là tính “hư cấu”. Chẳng hạn, vở bi kịch “Prômêtê bị xiềng” của Etsylơ (525 - 456 trước CN) ở cổ đại Hy Lạp, Prômêtê đã lấy trộm lửa của Zớt (vị chúa tể của các thần) đem cho loài người (“Để bảo vệ loài người, bảo vệ công lý và văn minh. Mặc dù bị xiềng xích trên đỉnh núi hàng vạn năm Prômêtê vẫn hiên ngang chịu đựng”). Đây là câu chuyện hoàn toàn “ảo”, nhưng biết bao con người hy sinh để đem lại văn minh cho thời đại là có thật. Bức tranh dân gian - Hàng Trống: “Lý ngư vọng nguyệt” (Cá chép đớp trăng) vừa thật, vừa ảo,… Trong các làn điệu dân ca Nghệ - Tĩnh, yếu tố ảo và thật luôn hiện hữu trong mỗi làn điệu. Khi dân ca được sân khấu hóa thành thể loại sân khấu kịch hát, yếu tố ảo và thật vẫn còn nguyên giá trị và trở thành một nguyên tắc sáng tác của mọi thành phần nghệ thuật và các yếu tố kỹ thuật tham gia xây dựng vở diễn Kịch hát Dân ca Nghệ - Tĩnh.
Trải qua nửa thế kỷ ra đời, trải nghiệm (thí nghiệm, thử nghiệm, thể nghiệm và độc lập sáng tạo), Kịch hát Dân ca Nghệ - Tĩnh đã phát triển, trưởng thành và khẳng định là một thể loại sân khấu dân tộc, có phương pháp thể loại nghệ thuật riêng với đầy đủ những nguyên tắc sáng sáng tạo có tính sân khấu học ổn định. Tới nay, tuy chưa có được một đội ngũ nghệ sĩ chuyên nghiệp Kịch hát Dân ca Nghệ - Tĩnh đồng bộ (từ tác giả kịch bản, đạo diễn, diễn viên trẻ, nhạc sĩ, họa sĩ, biên đạo múa, đạo diễn ánh sáng, tiếng động,… và những người làm công tác nghiên cứu lý luận, phê bình,…); nhưng không vì thế mà bảo rằng nó chưa phải là một thể loại sân khấu. Để có thêm nhiều tác phẩm nghệ thuật Kịch hát Dân ca Nghệ - Tĩnh hay hơn, hấp dẫn hơn góp phần vào sự nghiệp phát triển văn hóa trồng người của đất nước, nhất định phải khẩn trương tiến hành “công cuộc” đào tạo, không nên để chậm hơn nữa. Trách nhiệm này, thuộc về cả hệ thống chính trị của tỉnh Nghệ An, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam./.
(Bài đã đăng VHTT Nghệ An số 10 - Tháng 8/2023)
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Đặng Văn Lung: “Từ hoa văn trống đồng nghĩ về văn nghệ dân gian”. Nxb. Khoa học Xã hội. Hà Nội 1997.
2. Viện Sân khấu và Sở Văn hóa Thông tin Nghệ An: “30 năm sân khấu hóa dân ca Nghệ - Tĩnh” (Kỷ yếu Hội thảo). Nxb. Sân khấu.
3. Từ điển Văn học. Nxb Khoa học Xã hội. Hà Nội. 1983.