Góc nhìn văn hóa

Thi sĩ cổ điển xứ nghệ với mùa xuân

Tin Xuân đã có cành mai đó (Nguyễn Công Trứ)

 

      Tết Nguyên Đán & mùa Xuân là đề tài quen thuộc trong thơ ca cổ Việt Nam, Trung Hoa, đặc biệt được thể hiện rõ nét, hấp dẫn trong thơ & câu đối của các thi sĩ cổ điển xứ Nghệ.

      Hễ nói đến mùa Xuân là thế nào các thi sĩ xưa cũng đề cập đến cỏ, nhất là cỏ thơm. Đây là hình ảnh ước lệ mang sắc thái muôn đời. Nhà thơ nổi tiếng đời Đường Thôi Hiệu (704 - 754) mở đầu bài Xuân Hạ Thu Đông 春夏秋冬 bằng câu: Xuân du phương thảo địa 春遊芳草地 (Mùa xuân chơi bãi cỏ thơm). Cổ thi Trung Hoa còn có câu quen thuộc: Phương thảo liên thiên bích/Lê chi sổ điểm hoa. 芳草連天碧/ 棃枝 數點  (Cỏ thơm xanh biếc liền trời/Cành lê điểm vài bông hoa)

      Thi hào Nguyễn Du (1766 - 1820) đã dịch sáng tạo câu này thành câu thơ tả cảnh một sáng mùa Xuân tươi vui đẹp trời trong tiết Thanh minh:

        Cỏ non xanh tận chân trời,

Cành lê trắng điểm một vài bông hoa.

        Màu trắng của hoa lê nổi bật lên trên nền cỏ non xanh trong câu thơ của thi hào dân tộc thì ai cũng thấy, nhưng không mấy người để ý cũng chính trong ngày Xuân ấy, cỏ trên mộ Đạm Tiên lại có một màu xanh khác: “Rầu rầu ngọn cỏ nửa vàng, nửa xanh”. Đến lúc trời chiều thì cũng ngọn cỏ ấy: “Một vùng cỏ áy bóng tà.” Lại có ngọn cỏ trên màu áo Kim Trọng: “Cỏ pha màu áo nhuộm non da trời”. Hôm sau, khi Kim Trọng trở lại nơi kỳ ngộ, màu xanh của cỏ đã thay đổi: “Một vùng cỏ mọc xanh rì”. Đó chính là 5 thứ cỏ xanh khác nhau theo nhận xét tinh tế của cố Gs xứ Nghệ Phan Ngọc: “Cỏ xanh là cái muôn đời, những màu xanh khác nhau là sự cá biệt hóa chính xác cái muôn đời ấy”. (1)

       Có thể nói thêm: Tình cảm Nguyễn Du thấm đẫm trong mỗi câu thơ tả 5 thứ cỏ xanh khác nhau đó. Tình cảm đó còn in đậm nét trong bài thơ Ngẫu hứng (bài 3) ở tập Nam trung tạp ngâm 南中雜吟 của ông:

     Nhất đái ba tiêu lục phú giai, Bán gian yên hỏa tạp trần ai. Khả liên đình thảo tham trừ tận, Tha nhật xuân phong hà xứ lai? 一帶 芭蕉綠 覆階,半間 煙火雜 塵埃.可憐庭草芟除盡, 他日春風何處來? (Một dãy chuối xanh che rợp thềm nhà/Một gian nhà đầy khói lẫn bụi/Tiếc thay, những khóm cỏ trước sân bị dẫy sạch/Mai kia gió xuân biết chỗ nào mà về? (để làm cho vẻ xuân tươi tốt) (2)

       Sự liên tưởng ở câu cuối thật đột ngột mà tài tình, phải là kết quả của một sự quan sát tinh vi, nhất là sự rung động của một trái tim lớn!

       Nữ sĩ Hồ Xuân Hương (1772 - 1821?) cũng có trái tim lớn như thế. Bà cảm thông được cả với đá:

        Gan nghĩa giãi ra cùng tuế nguyệt

        Khối tình cọ mãi với non sông.

        Đá kia còn biết Xuân già dặn

        Chả trách người ta lúc trẻ trung.

                       (Đá ông chồng, bà chồng)

       Bà cũng hết sức cởi mở với đất trời:

        Sáng mồng một, lỏng then tạo hóa, mở toang ra cho thiếu nữ rước Xuân vào.

                        (Một vế câu đối Tết)

       Tha thiết yêu đời, tin tưởng sâu sắc vào bản lĩnh của mình, gắn bó với cuộc sống của những người bình dân, đó chính là cơ sở của những vần thơ Xuân ngỡ như luôn có nụ cười khúc khích lạc quan, khỏe khoắn của Hồ Xuân Hương.

        Nguyễn Công Trứ (1778 - 1859) cũng rất tin ở tài năng của mình, bất chấp gian khổ, nghèo túng:

        Tối ba mươi, nợ hỏi tít mù, co cẳng đạp thằng Bần ra ngõ.

        Sáng mồng một, rượu say túy lúy, giơ tay bồng ông Phúc vào nhà.

       Có lúc nhà thơ đón Xuân, ăn Tết căn bản cũng chỉ có một kho tâm hồn phong phú:

        Phím đàn, nếp sách là nghề cũ

        Quạt gió, đèn trăng ấy của riêng.

       Thiên nhiên làm cho tâm hồn ông đẹp & thanh cao thêm:

         Tin Xuân đã có cành mai đó

         Chẳng lịch song mà cũng biết Giêng.

       Và ông tự hào thách thức với đời:

         Tết nhất anh ni ai nói nghèo.

         Nghèo mà lịch sự đố ai theo!

         Bánh chưng chất chặt chừng ba chiếc,

         Rượu thuốc ngâm đầy độ nửa siêu.

         Trừ tịch kêu vang ba tiếng pháo

         Nguyên tiêu cao ngất một gang nêu.

         Ai Xuân anh cũng chơi Xuân với…

         Tuy nhiên, trong xã hội cũ đầy rẫy bất công, tàn bạo, các nhà thơ yêu quý của chúng ta không khỏi có lắm nỗi buồn. Đó là nỗi buồn của những con người thiết tha với cuộc sống, với vận mệnh con người, nhưng: “Hắc dạ thiều quang hà xứ tầm? 黑夜韶光何處尋? (Đêm tối đen, tìm đâu cho thấy cảnh Xuân tươi sáng?) (Xuân dạ 春夜 - Nguyễn Du) (3). Vì vậy, những nỗi buồn đó thật sự có ý nghĩa tố cáo xã hội.

         Vào thời cận đại, nhà ái quốc vĩ đại Phan Bội Châu đôi lúc cũng có những nỗi buồn như thế, nhưng Bài ca chúc Tết thanh niên của ông tràn đầy nhiệt huyết:

           Ai hữu chí từ nay xin gắng gỏi

           Cởi lốt xưa mà di dưỡng tinh thần.

           Chẳng thèm chơi, chẳng thèm mặc, chẳng thèm ăn,

           Đúc gan sắt để dời non, lấp bể,

           Xối máu móng rửa vết nhơ nô lệ….

        Đến thơ Xuân & thơ chúc Tết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người con vĩ đại nhất của quê hương xứ Nghệ & của cả dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất, chúng ta mới bắt gặp một tinh thần lạc quan cách mạng chan chứa mà thơ Xuân cổ điển xứ Nghệ nói riêng & thơ ca cổ điển Việt Nam nói chung chưa bao giờ đạt tới được, nhưng nó nằm ở ngoài phạm vi bài viết này!

 

(Bài đã đăng VHTT Nghệ An Só 16 (Số Tết) - Tháng 01/2025)

 

CHÚ THÍCH:

(1) Phan Ngọc: Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều Nxb KHXH. H.1985, tr.149.

(2), (3) Nguyễn Thạch Giang, Trương Chính (biên khảo & chú giải): Nguyễn Du niên phổ & tác phẩm. Nxb Văn hóa Thông tin,2001, các tr.665, 531.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114553175

Hôm nay

235

Hôm qua

2276

Tuần này

2871

Tháng này

220718

Tháng qua

122920

Tất cả

114553175