Nghệ An là mảnh đất có nhiều dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó, mỗi dân tộc lại xây dựng và gìn giữ cho mình những bản sắc văn hóa riêng. Báo hiếu là một trong những bản sắc văn hóa ấy.
Nghệ An là mảnh đất có nhiều dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó, mỗi dân tộc lại xây dựng và gìn giữ cho mình những bản sắc văn hóa riêng. Báo hiếu là một trong những bản sắc văn hóa ấy.
Nghi thức dâng trầu rượu trong lễ mừng thọ
Từ ngàn đời nay, báo hiếu luôn được xem là truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc ta, là tiêu chí quan trọng để đánh giá phúc đức của cả gia đình, dòng họ. Ở Nghệ An, mỗi dân tộc lại có những hình thức báo hiếu khác nhau, thông qua các phong tục, tập quán rất đỗi đời thường như ma chay, cưới hỏi, mừng thọ.... Nhiều nghi thức được thực hiện mang dấu ấn đặc trưng của từng dân tộc. Dưới đây là một vài nghi thức báo hiếu đặc sắc của các dân tộc Thái, Thổ và Kinh.
Nghi thức báo hiếu trong tang ma của đồng bào Thái, Thổ
Tổ chức tang ma cho người đã khuất - nhất là cha mẹ, là việc làm cực kỳ quan trọng, để con cháu thể hiện lòng hiếu thảo, sự quan tâm của mình đối với các đấng sinh thành lần cuối. Với mỗi dân tộc, cách thức thể hiện lòng hiếu thảo trong tang ma lại khác nhau, thậm chí, từng nhóm người trong một cộng đồng dân tộc đã có sự khác nhau:
Đối với người Thái: Dân tộc Thái ở miền Tây Nghệ An chiếm số lượng khá lớn với hơn 300 ngàn người - đứng thứ 2, chỉ sau người Kinh, trong đó gồm 3 nhóm chính: nhóm Thái Thanh (hay Man Thanh, Thái Đen có nguồn gốc từ Thanh Hóa), Thái Hàng Tổng (hay Thái Tày Mường, Thái Trắng chủ yếu sinh sống ở Tương Dương, Con Cuông, Kỳ Sơn), Thái Khăng (có nguồn gốc từ Lào). Bởi vậy, truyền thống báo hiếu cho cha mẹ trong tang ma giữa các nhóm người Thái ngoài những nét cơ bản giống nhau thì cũng có nhiều điểm khác biệt. Trong khuôn khổ bài viết này, tôi chỉ đề cập đến truyền thống báo hiếu của người Thái, nhóm Thái Thanh (hay nhóm Man Thanh).
Với người Thái Thanh, báo hiếu hay theo cách gọi nôm na của người dân là tục làm hiếu là một trong những thủ tục bắt buộc, cần phải có của quy trình tổ chức tang ma. Đây là thủ tục rất quan trọng, thể hiện lòng biết ơn của con cháu đối với công lao dưỡng dục của đấng sinh thành. Nguyên xưa, lễ này chỉ dành cho mẹ (bố mất không làm) vì người Thái Thanh coi trọng vai trò của người phụ nữ. Với quan niệm mẹ là người có công sinh thành, dưỡng dục, mẹ mang nặng đẻ đau 9 tháng 10 ngày, mẹ chỉ ăn rau, ăn canh để nuôi con khôn lớn, cho nên khi mẹ mất, người con trai ngồi ngoảnh mặt vào quan tài, gia đình chuẩn bị một ít rau và canh (canh đựng trong ống nứa, không được đổ vào bát) để người con trai dùng tay bốc, uống, tuyệt đối không ăn thịt, cá. Ở Quế Phong, người Thái Thanh còn giữ được tục con trai phải ngủ trong bếp để tưởng nhớ công ơn của người mẹ.
Trong những năm gần đây, tục làm hiếu được thực hiện 2 lần, với cả cha lẫn mẹ: Lần 1 là khi quan tài còn để trong nhà, lần hai là lúc đi chôn xong, quay trở về. Người nhà sẽ chuẩn bị xôi, thịt để trong lá chuối, trải dưới nền nhà, canh đổ trong ống nứa hoặc mét. Đối tượng thực hiện nghi thức ăn, uống này cũng được mở rộng, không chỉ có con trai mà còn có cháu trai, hoặc anh em, con cháu thân thích cùng thực hiện. Tất cả những người tham gia đều dùng tay bốc thức ăn và húp canh.
Trước khi đi chôn, gia chủ sử dụng một quả trứng gà sống để tìm huyệt (như người Thái Hàng Tổng), trứng ném lên trời, nếu quả trứng rớt xuống bể ở chỗ nào thì chôn chỗ đó. Nếu rớt xuống mà trứng vẫn chưa bể, lại tiếp tục tìm, đến khi nào trứng bể mới dừng lại đào huyệt chôn. Người dân cho rằng, đó là nguyện vọng của người chết.
Khi đi chôn, quan tài người chết được đặt trên một cái cáng bằng tre, lúc khiêng đi, người con trai đi phía trước sẽ cầm gậy cản lại và đi giật lùi. Từ nhà ra đến nơi chôn cất, con cháu trong gia đình phải ngồi xuống (người Thái Hàng Tổng lại nằm ngang đường) để quan tài đi qua 3 lần: hai lần đi tiến, 01 lần đi lùi. Tất cả những hành động này đều nhằm thể hiện sự thương tiếc, không muốn rời xa cha mẹ.
Đối với người Thổ: Ở Nghệ An có hơn 80.000 người Thổ chủ yếu sinh sống ở Nghĩa Đàn, Thái Hòa, Quỳ Hợp, Tân Kỳ và một số ở Quỳnh Lưu - nơi giáp ranh với huyện Nghĩa Đàn.
Sau khi cha mẹ qua đời, việc đầu tiên là thông báo cho thầy mo, trùm làng biết và mời ban củ xủ (ban nhạc tang). Trùm làng sẽ dùng tiếng khắc luống để báo cho dân làng. Sau khi khâm lượm xong, gia chủ lại mượn tiếng trống, tiếng kèn để thông báo cho anh em, hàng xóm, láng giềng biết.
Khác với người Thái, người Thổ lại thể hiện sự báo hiếu thông qua người khác mà không phải con, cháu, trước hết là ban củ xủ (ban nhạc tang). Vào đêm hôm trước ngày đi chôn, gia chủ sắm 4 chai rượu, 1 đĩa trầu cau để cảm ơn ân nghĩa của hàng xóm láng giềng; 01 con gà để cúng vong và dựng 12 bậc cấp bằng gỗ (nay còn 6 bậc) ở ngay trước cửa nhà. Sau khi ông mo làm lễ cúng xong, ban củ xủ gồm 6 người bắt đầu múa. Điệu múa mô phỏng các động tác bồng con, ru con ngủ của cha mẹ. Người Thổ gọi đây là điệu múa giăng. Ban củ xủ vừa múa vừa di chuyển theo bậc thang đã được dựng sẵn để vào nhà, vào bếp rồi vòng ra, cứ tiếp tục như thế đến 8 lần. Mỗi người cầm một nhạc cụ (gồm 6 loại: xập xèng, bụp bụp, cồng nhỏ, mõ, trống, kèn), vừa đánh, vừa nhún nhảy, cứ qua một bậc, gia chủ lại cảm ơn ban nhạc 01 chén rượu. Theo người dân, hành động này gợi nhớ đến sự vất vả của cha mẹ khi chăm sóc, dỗ dành con những lúc con ốm đau hay đơn giản chỉ là ru con ngủ và hành động này cũng là để nhắc nhở con cái không bao giờ quên công lao sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ. Sau 8 lần vào ra như vậy, ban nhạc lại trở về vị trí cũ và chơi nhạc.
Lúc đưa người chết đi chôn, đi đến trạm nghỉ thì dừng lại, gia đình chuẩn bị 01 đĩa bánh rán, để ông mo cúng, với ý nghĩa là cho vong ăn tạm cho đỡ đói trước khi sang thế giới bên kia. Sau khi ông mo cúng xong, thông gia mang tấm vải đi cúng điếu, bao nhiêu thông gia là bấy nhiêu tấm vải, trùm làng hoặc trưởng bản sẽ đứng ra nhận lễ vật này. Tiếp theo, trùm làng/trưởng bản sẽ cử trai tráng trong làng/bản (trước đây, già hay trẻ cũng có thể tham gia) để đấu vật. Việc tổ chức đấu vật cũng có ý nghĩa báo hiếu cho người đã khuất nên có tên gọi là “vật làm hiếu”, nhằm mua vui cho cha mẹ, mong cha mẹ ở một thế giới khác sẽ luôn khỏe mạnh, vui vẻ, không lưu luyến người thân và căn nhà ở thế giới này (hiện nay một số nơi đã bỏ tục lệ này, một số nơi vẫn còn giữ nhưng chỉ làm theo kiểu tượng trưng).
Nghi thức báo hiếu trong lễ mừng thọ của người Kinh
Mừng thọ là một phong tục báo hiếu phổ biến của người Kinh, được tổ chức vào dịp đầu xuân năm mới, các hoạt động mừng thọ diễn ra vô cùng sôi nổi, phong phú, từ trong họ, ngoài làng, từ chính quyền đến dòng tộc. Trong đó, một số nơi đã và đang lưu giữ được những nghi thức báo hiếu hết sức đặc sắc, tiêu biểu như ở các vùng Yên Thành, Diễn Châu, Nam Đàn…
Yên Thành là vùng đất cổ, nơi còn lưu giữ khá nhiều nghi thức, nghi lễ cổ truyền độc đáo, trong đó có các nghi thức liên quan đến báo hiếu. Nhiều dòng họ ở vùng đất này như họ Lưu, họ Võ, họ Phan… hàng năm đều tổ chức lễ mừng thọ vào đầu xuân năm mới. Gây ấn tượng và hào hứng cho người xem nhất là nghi thức “rước cố nhất”. Cố nhất là người cao tuổi nhất của dòng họ cho đến thời điểm làm lễ mừng thọ. Ngay từ sáng sớm, các bậc cao niên (60 tuổi trở lên) sẽ tập trung tại nhà cố nhất, sẵn sàng để con cháu thực hiện nghi thức rước. Trong khi đó, con cháu cũng tập trung tại nhà thờ, cùng với phương tiện, băng rôn, cờ … hàng ngũ chỉnh tề tiến về nhà cố nhất. Đến nơi, cố nhất sẽ được bố trí ngồi xe đầu tiên, sau đó mới lần lượt đến các cụ theo thứ tự tuổi tác. Đoàn rước sẽ dạo một vòng quanh làng rồi mới về nhà thờ. Sau khi rước về nhà thờ, cố nhất được bố trí ngồi ở vị trí trang trọng, xung quanh là chỗ ngồi của các bậc cao niên 80 tuổi trở lên. Trong suốt quá trình làm lễ mừng thọ, cố nhất và các bậc cao niên đều được con cháu chăm lo, phục vụ chu đáo.
Ở Diễn Châu, việc tổ chức mừng thọ cho ông bà, cha mẹ từ xa xưa đã được xem là việc đại sự. Bởi vậy, để làm tốt buổi lễ này, đại gia đình sẽ cử ra một ban tổ chức, chịu trách nhiệm phân công, điều hành buổi lễ. Việc quan trọng đầu tiên là phải chuẩn bị y phục cho các cụ quần áo, giày phải màu đỏ tượng trưng cho sự may mắn, tốt lành. Tiếp đến là công tác chuẩn bị thực phẩm, chủ yếu là trầu, rượu, mời khách…Sau khi đã chuẩn bị tươm tất, gia đình sẽ cử đại diện đi mời Ngũ hương của làng đến dự và chứng kiến. Khi các thành phần đã tề tựu đông đủ, lễ Mừng thọ chính thức bắt đầu. Người được mừng thọ mặc quần áo đỏ, đi giày đỏ, ngồi ở vị trí trang trọng. Con trai trưởng sẽ dâng rượu chúc mừng. Tiếp đến, con dâu trưởng sẽ dâng trầu. Sau màn dâng trầu rượu, gia đình cử người văn hay chữ tốt lên đọc thơ chúc mừng. Tiếp đó, các vị khách đến tham dự sẽ mừng các câu đối. Kết thúc buổi lễ, Ngũ hương và khách mời sẽ ở lại ăn trầu, uống rượu chung vui cùng gia chủ.
Hay như ở Nam Đàn, vùng Năm Nam xưa (nay thuộc xã Trung Phúc Cường, Nam Kim và Khánh Sơn), lễ Mừng thọ thường được tổ chức ở các đình làng vào dịp đầu xuân năm mới, thành phần tham gia là các cụ từ 60 tuổi trở lên. Trước khi tổ chức, gia đình có người từ 60 tuổi trở lên có cơi trầu, nhà khá giả thì cỗ xôi, con gà ra thưa với làng. Lý trưởng sẽ cử người ghi chép tên tuổi của các cụ để chuẩn bị cho công tác tổ chức. Tham dự và điều hành lễ mừng thọ là ngũ hương và các chức sắc trong làng. Các cụ ăn mặc đẹp đẽ, nhà có điều kiện sẽ được con cháu may áo điều màu đỏ. Lễ vật bao gồm cỗ xôi gà, có nhà khá giả còn mổ bò. Sau khi đặt các lễ vật lên ban thờ, người được làng cử làm chủ lễ sẽ tiến hành cắt cử những người trong ban lễ nghi để tiến hành làm lễ. Trong văn cúng sẽ nêu rõ tên từng cụ như một hình thức báo cáo thành hoàng làng. Kết thúc buổi lễ, ngũ hương và chức sắc cùng các cụ và đại diện con cháu sẽ ở lại ăn trầu, uống rượu chung vui. Lễ vật được chia như sau: Nếu là gà thì thủ, gan, mề, tiết, nếu là bò thì thủ, nọng - chia cho ban lễ nghi. Phần còn lại chia cho những người có mặt tại buổi lễ.
Điều đặc biệt, đối với một số vùng đồng bằng như Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Nam Đàn… thì lễ Mừng thọ không chỉ là để tri ân, báo hiếu những người cao tuổi mà đối với những người 60 tuổi thì đây là mốc quan trọng, đánh dấu việc lên lão và bắt đầu được nhận những đặc ân của dân làng như miễn sưu, thuế, tạp dịch. Ở một số nơi còn được xem là đủ điều kiện để mua các chức sắc nhỏ trong làng như thông xã, hương hiệu…
Hiện nay, nhiều gia đình vẫn tổ chức lễ Mừng thọ cho các cụ nhưng theo nếp sống mới, cách thức tổ chức không còn như xưa nhưng vẫn mang ý nghĩa tôn vinh, biết ơn công sinh thành, dưỡng dục của các bậc ông bà, cha mẹ.
Như vậy, nghi thức báo hiếu của các dân tộc khá phong phú, đa dạng. Dù cách thức thể hiện có khác nhau, phong tục tập quán khác nhau nhưng đều cùng chung một mục đích là tri ân công lao dưỡng dục của các đấng sinh thành. Đây chính là nét đẹp truyền thống, là giá trị nhân văn cao đẹp cần được gìn giữ và lan tỏa, nhất là trong đời sống hiện nay, khi mà ở đâu đó, truyền thống báo hiếu đã bắt đầu bị xem nhẹ./.
(Bài đã đăng VHTT Nghệ An Số 15 - Tháng 11/2024)
237
2276
2873
220720
122920
114553177