Đất và người xứ Nghệ

Trường Ấu học Giai Lạc, chứng tích cuối cùng còn lại về giáo dục Pháp - Việt ở Nghệ An

Hình ảnh ngôi trường hiện tại

Năm 1919, kỳ thi hương cuối cùng được tổ chức tại trường thi hương Nghệ An, đánh dấu sự kết thúc của giáo dục khoa cử bằng chữ Hán. Trước và sau thời điểm đó, giáo dục tân học (bằng Quốc ngữ và tiếng Pháp) đã dần thay thế giáo dục khoa cử. Tại Nghệ An, nền tân học đánh dấu sự ra đời bằng việc thành lập trường Tiểu học Pháp - Việt ở Vinh vào tháng 6 năm 1899. Thế nhưng, mãi gần 30 năm sau, theo cuốn “Hương chính chỉ nam” xuất bản năm 1927, tại thời điểm đó cả tỉnh cũng chỉ mới có 40 trường, trong đó có 17 trường làng (trường chỉ có hai lớp là lớp đồng ấu và lớp dự bị). Các trường công chủ yếu mới được lập ở cấp huyện và cấp tỉnh. Trong đó, trường Quốc học Vinh là trường cao đẳng tiểu học, dành cho học sinh cả bốn tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thanh Hóa về học. Riêng huyện Yên Thành, tại những năm đầu thập kỷ 20, thế kỷ 20, chỉ có duy nhất một trường tiểu học ở huyện, thường gọi là “Trường Huyện”, đặt ở xã Hợp Thành ngày nay.  

Qua đó đủ thấy rằng dù hiếu học đến mấy thì con nhà nghèo cũng khó lòng có thể cắp sách đến trường.

Trong bối cảnh đó, ở xã Giai Lạc (xã Phúc Thành, huyện Yên Thành ngày nay) đã xuất hiện một tấm gương khuyến học hiếm có. Đó là ông Lương Đích, cựu Lý trưởng của xã. Khoảng năm 1924, 1925 ông đã xin phép được bỏ tiền túi để mở một trường công (công trường) ở ngay trong xã để con em đi học được thuận lợi. Tấm gương khuyến học này không chỉ được Nhân dân ca ngợi, truyền tụng đến ngày nay, mà đương thời cũng đã được báo chí phản ánh và biểu dương.

Báo Thực nghiệp Dân báo (xuất bản tại Hà Nội), trong số ra ngày 4 tháng 3 năm 1927, trong mục “Tin Trung Kỳ” đã có bài “Nghệ An (Yên Thành): Xuất tiền tư làm trường học”.

Bài báo viết: “Trong huyện chúng tôi có ông Lương Đích là một người lý trưởng cựu, xuất ra hơn 2.000 đồng bạc, xin phép Nhà nước lập một công trường trong xã. Số bạc xuất ra đó, nào có phải sẵn có trong nhà đâu, nào là vay nợ lời, nào là bán ruộng đợ, lòng ông hiếu nghĩa cũng hiếm có. Mong rằng Nhà nước tưởng thưởng cho ông, để làm gương cho kẻ khác noi theo. Vì việc lập trường Ấu học để khai trí cho dân là một việc tối khẩn thiết, mà nhà nước xuất tiền ra làm trường số có định hạn, chỉ mỗi năm lập thêm được ít trường mà thôi. Muốn cho xã nào cũng có trường cho con em nhà quê có chốn học hành tấp nập vui vẻ thời cốt trong cậy ở hằng tâm phú hộ”.

 

Bài báo trên Thực nghiệp Dân báo, ngày 4/3/1927

Qua những dòng trên đây cho thấy gia đình ông Lương Đích cũng không thật giàu có, dư giả, nhưng rõ ràng ông là một người rất tâm huyết với việc học của con em trong xã. Sách “Hương chính chỉ nam”, xuất bản năm 1927, là một cuốn tài liệu “tập huấn” cho Chánh Phó tổng, Chánh Phó lý trưởng trong toàn tỉnh Nghệ An, phần viết về giáo dục cũng đã nêu gương ông Lương Đích và một số người khác đã bỏ tiền mở trường cho con em trong làng có chỗ học. “Hay là trong làng có ai hữu tâm cúng tiền mà làm thì lại càng tốt. Trong tỉnh ta đã có nhiều người có lòng tốt như vậy, tức như ông Phan Bá Tuân làm trường Bến Thủy, ông Trần Hữu Chỉ làm trường Xuân La, ông Lương Đích làm trường Giai Lạc…”

Tấm lòng và nghĩa cử của ông cựu Lý trưởng Lương Đích đã nhận được sự cộng hưởng rất đặc biệt của một vị quan trên, đó là ông Tri huyện Yên Thành đương thời. Số báo nói trên của Thực nghiệp Dân báo có bài viết “Quan huyện với sự học” như sau:

“Trường Giai Lạc ở huyện Yên Thành sĩ số ngày một thêm thịnh vượng, tuy có các thầy giáo hết lòng với nghề nghiệp mình nên được như thế, nhưng cũng cốt nhờ quan huyện sở tại sẵn lòng chăm nom săn sóc về sự học. Ngài sức dân tu bổ đường sá để học trò đi học cho tiện, hiểu khuyến phụ huynh phải cho con em tới trường học cho đông. Hễ có tên học trò nào nay phế khoáng, thầy giáo viết giấy xuống trình, thời ngài cho lính về bắt ngay. Vì thế nên học trò đi học chuyên cần lắm. Ngài lại xướng lập hội khuyến học để trợ cấp cho học trò nhà nghèo, mua sách vở bút giấy để ban thưởng cho sĩ tử. Ước gì các quan tổng phủ huyện đều như thế cả thời học trò các trường nhà quê cớ gì mà không đông, dân trí lo gì mà không chóng mở mang. Mong lắm thay!”.

Có trường học ngay tại xã, lại được chính quyền khuyến khích, hỗ trợ, con em trong xã Giai Lạc đã theo học rất đông. Không chỉ con cái nhà giàu, mà nhiều gia đình nghèo cũng cố gắng thu xếp cho con đi học. Suốt mấy chục năm, ngôi trường này là nơi đầu tiên ươm mầm những hạt giống tốt cho quê hương, xứ sở. Hàng loạt những người sau này trở thành những cán bộ tốt đã bắt đầu việc học của mình từ đây, như các ông Trần Phiên, Nguyễn Doãn Ưu, Lê Quốc Ân, Nguyễn Doãn An, Nguyễn Viết Giang, Nguyễn Viết Lâu, Phạm Chí, Thạch Hổ, Nguyễn Huynh, Hà Văn Tải… Cụ Nguyễn Viết Giang, nguyên là bác sỹ, năm nay đã 103 tuổi, nhưng vẫn còn khỏe mạnh và minh mẫn, cho biết: Cụ đã học ở trường này từ thuở thiếu thời. Hồi đó, trường có sáu gian, ngăn thành ba lớp. Cụ Hà Văn Tải, nguyên Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Nghệ An, năm nay 93 tuổi vẫn còn nhớ như in những tháng ngày tuổi thơ được học ở ngôi trường làng thân yêu, mang tên Giai Lạc. Các cụ đều nói rằng: Nếu không có ngôi trường này chắc các cụ cũng khó có cơ hội đi học.

 

Ngôi trường hiện nay đang được bổ

Điều đáng quý là sau ngót 100 năm xây dựng, cho đến nay ngôi trường Ấu học xã Giai Lạc tuy đã xuống cấp, nhưng vẫn còn đứng vững và giữ được hình hài xưa. Đó là ngôi nhà một tầng, có sáu gian, được xây dựng ngay cạnh Đình Hương, một di tích lịch sử. Ngôi trường Giai Lạc được xây dựng theo kiểu kiến trúc Đông Dương đầu thế kỷ 20, dáng dấp rất giống với Trường Tiểu học Pháp - Việt, hay trường Quốc học Vinh. Nhưng, điều đáng quý hơn cả là: Đây là chứng tích cuối cùng của nền giáo dục Pháp - Việt còn lại ở tỉnh Nghệ An!

Hiện nay, chính quyền xã Phúc Thành đã có chủ trương và đang tiến hành các bước để tôn tạo lại ngôi trường này. Mục đích sau khi tôn tạo là để sử dụng làm nhà truyền thống, đặc biệt là truyền thống hiếu học của các thế hệ con cháu xã Giai Lạc xưa, Phúc Thành nay./.

 

(Bài đã đăng trên VHTT Nghệ An số 9 - tháng 5/2023)

 

 

 

 

 

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114522581

Hôm nay

2113

Hôm qua

2325

Tuần này

21355

Tháng này

220520

Tháng qua

121009

Tất cả

114522581