Góc nhìn văn hóa
“Trường Sơn huyền thoại - Giá trị lịch sử và tinh thần thời đại”
Đường Trường Sơn trong kháng chiến chống Mỹ. ẢNh TL
Đường Trường Sơn không chỉ là một tuyến đường chiến lược, mà là con đường gắn liền với những hy sinh, gian khổ, những chiến công và lòng dũng cảm của các chiến sĩ, đồng bào và quân dân ta trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Qua con đường ấy, những đoàn quân hành quân không mệt mỏi, những chiếc xe vận chuyển không ngừng, đưa vũ khí, lương thực, tiếp tế cho chiến trường miền Nam. Đó là con đường mà mỗi tấc đất, mỗi viên đá đều chứa đựng biết bao nhiêu máu và nước mắt, nhưng cũng chính là nơi khơi dậy niềm tin và sức mạnh vô bờ bến của dân tộc. Không chỉ mang ý nghĩa địa lý, con đường ấy đã trở thành biểu tượng trường tồn, bất diệt - đó là sức sống mãnh liệt của một dân tộc không bao giờ chịu khuất phục, là ý chí sắt đá và niềm tin mãnh liệt vào thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Một quyết định lịch sử - Mở lối Trường Sơn
Sau Hiệp định Giơnevơ, đất nước bị chia cắt, liên lạc giữa hai miền hết sức khó khăn. Tuyến duy nhất lúc bấy giờ là miền Tây Quảng Trị do Liên khu 5 phụ trách, song không đáp ứng được nhu cầu chi viện lớn về nhân lực, vật lực cho chiến trường miền Nam.
Trước tình hình đó, Hội nghị Trung ương 15 (tháng 1/1959) xác định: mở đường chi viện cho miền Nam là nhiệm vụ chiến lược, có ý nghĩa sống còn đối với sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ngày 19/5/1959, thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, Thường trực Tổng Quân ủy Trung ương giao nhiệm vụ cho "Đoàn công tác Quân sự đặc biệt" - Đoàn 559 do Thượng tá Võ Bẩm làm Đoàn trưởng - mở tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn. Từ những bước chân đầu tiên, nơi rừng sâu núi thẳm, trong điều kiện “ở không nhà, đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”, một kỳ tích lịch sử đã bắt đầu.
Chỉ trong chưa đầy 5 năm, ngày 3/4/1965, Đoàn 559 được nâng cấp thành Bộ Tư lệnh 559, chuyển dần từ phương thức gùi thồ sang vận chuyển cơ giới. Đến ngày 29/7/1970, đơn vị chính thức trở thành Bộ Tư lệnh Trường Sơn - lực lượng chủ lực, thống nhất chỉ huy trên toàn tuyến hậu cần chiến lược trải dài 11 tỉnh của Việt Nam, 7 tỉnh Nam Lào và 4 tỉnh Đông Bắc Campuchia. Từ năm 1973 đến 1975, lực lượng này phát triển lên hơn 10 vạn bộ đội, hơn 1 vạn thanh niên xung phong, với 9 sư đoàn binh chủng và 21 trung đoàn trực thuộc - trở thành xương sống hậu cần cho toàn chiến trường miền Nam.
Một chiến trường vĩ đại - Bản anh hùng ca bất diệt
Trong suốt 16 năm chiến đấu kiên cường, đế quốc Mỹ đã trút xuống Trường Sơn hơn 4 triệu tấn bom đạn, thực hiện trên 733.000 trận oanh kích. Thế nhưng kỳ diệu thay, Trường Sơn vẫn sống, vẫn giữ vững "mạch máu" hậu phương tiếp sức cho tiền tuyến. Mỗi tấc đường là một mốc son - ghi dấu máu, mồ hôi và lòng quả cảm của hàng vạn con người đã đặt Tổ quốc lên trên tất cả.
Tính chung trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Bộ đội Trường Sơn đã vận chuyển hơn 1,5 triệu tấn hàng quân sự, 5,5 triệu tấn xăng dầu, bảo đảm hàng triệu lượt cán bộ, chiến sĩ hành quân vào - ra chiến trường, trong đó có hàng vạn thương binh, bệnh binh. Không chỉ là tuyến vận chuyển, Trường Sơn còn là "xương sống" chiến lược của bán đảo Đông Dương, là nơi đứng chân của các binh đoàn chủ lực, hậu phương trực tiếp của các chiến trường, là bàn đạp xuất kích cho các chiến dịch lớn như Xuân Mậu Thân 1968, Tiến công chiến lược 1972, chiến thắng Đường 9 - Nam Lào và đặc biệt là Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975.
Trường Sơn - Ngọn lửa tinh thần trong công cuộc dựng nước hôm nay
Trường Sơn không chỉ là con đường vận tải chiến lược, mà là "trường học lớn" của lòng yêu nước, ý chí kiên cường và tinh thần hi sinh cao cả vì độc lập - tự do. Người lính Trường Sơn đã hun đúc nên những phẩm chất mẫu mực: dũng cảm, gan dạ, trung thành, kỷ luật tuyệt đối, đặt lợi ích Tổ quốc lên trên hết. Tinh thần Trường Sơn là ngọn đuốc thiêng liêng soi đường cho các thế hệ hôm nay - về sức mạnh đoàn kết, về khả năng vượt khó phi thường, và trên hết: là niềm tin không bao giờ tắt vào lý tưởng cách mạng, vào con đường mà Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn.
66 năm nhìn lại, Trường Sơn không còn là tuyến đường quân sự; không chỉ là con đường nối liền hai miền Nam - Bắc, mà còn là con đường của lý tưởng, của lòng dân, là biểu tượng sống động của ý chí tự lực, tự cường và khát vọng giành độc lập, tự do. Đó là nơi kết tinh sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, nơi hun đúc những phẩm chất cao quý nhất của con người Việt Nam. Con đường đi vào lịch sử như một huyền thoại, nhưng huyền thoại ấy không chỉ để ngợi ca, mà còn để soi đường cho hôm nay và mai sau.
Hội thi tuyên truyền lưu động kỷ niệm 65 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn. Nguồn ảnh: Báo Đăk Lăk
Trong công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế, khi đất nước đối mặt với nhiều thách thức mới, tinh thần Trường Sơn vẫn còn nguyên giá trị - thôi thúc mỗi người Việt Nam sống trách nhiệm hơn, cống hiến nhiều hơn, không lùi bước trước khó khăn, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh, hùng cường. Giữ gìn và lan tỏa tinh thần Trường Sơn hôm nay chính là cách tốt nhất để tri ân những người đã ngã xuống, để khơi dậy niềm tự hào dân tộc và hun đúc khát vọng vươn lên. Đó cũng là con đường để thế hệ trẻ tiếp bước cha anh, dựng xây đất nước trường tồn, xứng đáng với những gì Trường Sơn đã dày công vun đắp và viết nên bằng máu, nước mắt và niềm tin sắt đá vào tương lai tươi sáng của dân tộc./.
tin tức liên quan
Videos
Đại tá Phan Đức Khước - người cán bộ lão thành được ươm mầm cách mạng từ “Nghệ Tĩnh đỏ”
Có một “Bản Vinh” của người dân tộc thiểu số
Thanh Chương tổ chức thành công đại hội điểm Thể dục Thể thao cấp xã và ngày chạy Olympyc vì sức khỏe toàn dân
Xin hãy hiểu đúng khoa học lịch sử!
Le Vieux An - Tinh và “Phương pháp Le Breton”
Thống kê truy cập
114558285

2267

2379

21844

225828

122920

114558285