Góc nhìn văn hóa
Tư tưởng đại đoàn kết và nhân văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong ứng xử với hoàng tộc triều Nguyễn sau Cách mạng Tháng Tám 1945
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Cố vấn Vĩnh Thụy (bên phải) cùng các thành viên của Chính phủ VNDCCH tuyên thệ nhậm chức tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa I, ngày 2/3/1946. Ảnh tư liệu
Chủ tịch Hồ Chí Minh là hiện thân của tinh thần đại đoàn kết dân tộc và chủ nghĩa nhân văn trong sáng. Đúng như nhận định của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng: “Lòng Hồ Chủ tịch rộng lớn như biển cả, bao dung cảm hóa tất cả mọi người, dìu dắt mọi người đoàn kết chiến đấu… Đối với kẻ lầm đường lạc lối, lòng Hồ Chủ tịch còn rộng hơn biển cả. Người dạy phải khoan hồng, vui mừng đón rước những đứa con vì hoàn cảnh mà lạc bầy… Hồ Chủ tịch không những chủ trương kêu gọi đoàn kết, mà ngày đêm thực hiện sự đoàn kết ấy. Hơn nữa Hồ Chủ tịch tiêu biểu cho sự đoàn kết. Chính Hồ Chủ tịch là sự đoàn kết ấy”[1].
Con người và mảnh đất Thừa Thiên Huế đã cảm nhận sâu sắc những giá trị của tinh thần đại đoàn kết và nhân văn cao đẹp trong hệ tư tưởng Hồ Chí Minh, thông qua tình cảm thiêng liêng mà Người dành cho mọi tầng lớp nhân dân nơi đây. Huế từng là thủ phủ của chúa Nguyễn xứ Đàng Trong, là kinh đô cuối cùng của triều đại phong kiến Việt Nam - triều đại nhà Nguyễn. Vì vậy, khi nhắc đến tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh với Thừa Thiên Huế thì khổng thể không nói tới mối quan hệ của Người với Hoàng tộc triều Nguyễn, nhất là sau Cách mạng Tháng Tám 1945.
1. Đối với Cố vấn Vĩnh Thụy[2]
Sau khi thoái vị và trở thành công dân một nước độc lập, Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời ra làm Cố vấn tối cao cho Chính phủ lâm thời Viêt nam Dân chủ Cộng hòa. Đây là một hành động thể hiện tính nhân văn cao đẹp, là hiện thân của tình thần đoàn kết dân tộc, mà có lẽ chỉ ở cách mạng Việt Nam mới có. Ra Hà Nội, Cố vấn Vĩnh Thụy được gặp Hồ Chủ tịch trong sự thân thiết, gần gủi và giản dị đã để lại cho ông nhiều cảm kích vui mừng. Theo hồi ký của ông Phạm Khắc Hòe, thì sau buổi gặp đầu tiên ấy, từ nơi làm việc của Chủ tịch trở về, ông Vĩnh Thụy với vẻ mặt rất vui mừng và nói: “Cụ Hồ tốt lắm! Vui vẻ lắm! Giản dị lắm”. Tuy mới gặp gỡ, nhưng khi đến thăm hỏi, trao đổi công việc với Cố vấn Vĩnh Thụy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có thái độ, cử chỉ như đối với một người bạn thân thiết, Người khoác tay ông Cố vấn vừa đi đi lại lại, vừa nói chuyện: “Một lãnh tụ cách mạng lão thành thân hình mảnh khảnh, gầy gò mặc quần áo ka ki, cổ kín, đi dép cao su khoác tay một ông Vua trẻ, tóc chải trơn như mỡ, áo quần tuytxo là thẳng tắp, cổ cồn cà vạt bảnh bao, giày da láng bóng…”[3]. Dưới cái nhìn của Phạm Khắc Hòe, thì đây là “Một bức tranh đoàn kết dân tộc độc đáo chưa từng thấy trong lịch sử dân tộc”[4].
Được sự giới thiệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hội đồng Chính phủ đã chọn Cố vấn Vĩnh Thụy vào Ủy ban dự thảo Hiến pháp[5] của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong quá trình cùng làm việc với Cố vấn Vĩnh Thụy, ông Đặng Thai Mai cũng là thành viên của Ủy ban dự thảo Hiến pháp đã nhận xét: “Tưởng Vĩnh Thụy chỉ là người ăn chơi nhưng không ngờ ông ấy có những hiểu biết khá rộng về pháp lý và có những ý kiến hay”[6]. Chỉ có sự tin tưởng và biết phát huy giá trị tốt đẹp trong mỗi con người như Chủ tịch Hồ Chí Minh thì mới khai thác được mặt tích cực tiềm ẩn như thế ở con người Vĩnh Thụy.
Chủ tịch Hồ Chí Minh với Cố vấn Vĩnh Thụy (bên phải) và Hoàng thân Suphanuvông tại Hà nội tháng 9/1945. Ảnh tư liệu
Sự đối xử tôn trọng và sự quan tâm rất ân cần, chu đáo của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm cho Vĩnh Thụy vô cùng cảm động. Trong bức thư gửi cho mẹ (bà Từ Cung) với lời lẽ hồn nhiên, nhưng thể hiện được tình cảm của ông đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh “Cụ Hồ tốt lắm! Con ra đây được Cụ thương lắm! Cụ thương con như con! Ả (tức là mẹ) cứ yên tâm. Không phải lo chi cho con cả”[7]. Quả thật “Sức cảm hóa của Hồ Chủ tịch thật là vĩ đại! Một ông vua bị cách mạng lật đổ mà không đầy một tháng sau đã viết thư khoe với mẹ được Người lãnh đạo cuộc cách mạng ấy “thương như con”. Chỉ có lòng nhân ái bao la “rộng hơn biển cả” của Hồ Chủ tịch mới có sức cảm hóa kỳ diệu như vậy”[8].
Với thiện chí và ý tưởng tốt đẹp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị ông Cố vấn thay mặt Chính phủ đi ra nước ngoài để giới thiệu về chính thể Dân chủ Cộng hòa của Việt Nam với thế giới và đề nghị họ công nhận nền độc lập cũng như đặt quan hệ ngoại giao với nước ta; đồng thời, tạo điều kiện để Vĩnh Thụy quen biết với môi trường ngoại giao quốc tế, nhằm đóng góp cho đất nước được nhiều hơn. Ngày 16/3/1946, Vĩnh Thụy được cử vào phái đoàn thân thiện đại diện cho Chính phủ ta sang Trùng Khánh (Trung Quốc). Nhưng khi sang đây được một thời gian, trước sự cám dỗ, mua chuộc, lôi kéo của kẻ thù, cùng với lập trường không kiên định nên Vĩnh Thụy đã tìm cách ở lại và không trở về nước nữa. Biết trước những điều không khó xẩy ra với Vĩnh Thụy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư qua trao đổi công việc và không quên nhắc nhở ông phải luôn luôn nhớ đến vai trò quan trọng mà đất nước đang giao phó cho mình “Ngài chớ quên rằng Ngài là đại diện cho nước Việt Nam và lịch sử Việt Nam. Ngài phải làm thế nào để đời sống của Ngài xứng đáng với cái tên mà Ngài đang mang, xứng đáng với Tổ quốc chung, với nền độc lập của chúng ta đến nay mới giành lại được”[9]. Đầu tháng 12/1946, Hồ Chủ tịch đã cử bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, một nhà trí thức yêu nước và có quan hệ gia đình với Hoàng tộc triều Nguyễn, sang Hồng Kông[10] để chu cấp kinh phí cho Cố vấn Vĩnh Thụy và mời ông về nước tham gia kháng chiến nhưng không thành. Với tấm lòng bao dung và tinh thần đoàn kết dân tộc, trong lần trả lời phỏng vấn của báo chí về Cố vấn Vĩnh Thụy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã không ngần ngại thể hiện rõ quan điểm: “Nhiều thành viên trong Chính phủ và bản thân tôi, tất cả đều là bạn của ông Cố vấn Vĩnh Thụy, chúng tôi rất mong muốn gặp lại ông Cố vấn và cầu mong ông Cố vấn sớm trở về để cùng nhau lo việc nước. Nhưng Cố vấn Vĩnh Thụy hiện nay không thể rời Hồng Kông được. Chúng tôi xa mặt chứ không cách lòng. Chính phủ và Nhân dân Việt Nam hoàn toàn tin tưởng vào sự trung thành của Cố vấn Vĩnh Thụy hiện đang ở nước ngoài nhưng vẫn tiếp tục làm việc cho chính phủ quốc gia mà Cố vấn vẫn là thành viên”[11].
Để thực hiện ý đồ của mình, thực dân Pháp ngày càng ráo riết tìm mọi cách sử dụng Cố vấn Vĩnh Thụy để thành lập chính phủ bù nhìn, hòng chống lại cuộc kháng chiến kiến quốc của dân tộc ta. Tại vịnh Hạ Long, ngày 6 và 7 tháng 12 năm 1947, Cao ủy Pháp Bollaert đã có cuộc gặp gỡ với Vĩnh Thụy, để đàm phán về nền độc lập và thống nhất của Việt Nam, nhưng thực chất là đưa nước ta quay trở lại chế độ bảo hộ trước đây của Pháp. Trước hành động của ông Cố vấn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kịp thời có những lời khuyên chân tình, nhằm thức tỉnh Vĩnh Thụy, vừa như nói với đồng bào thông qua việc trả lời với báo chí: “Trong lúc toàn thể đồng bào hy sinh tranh đấu đòi thống nhất và độc lập thì Cố vấn Vĩnh Thụy trú ở nước ngoài không hiểu rõ tình hình trong nước. Vả lại Cố vấn Vĩnh Thụy ở xa, không khỏi bị những thám tử Pháp như bọn Cutxô (Cousseau) bưng bít và những người vô sỉ như Nguyễn Hải Thần, Lê Văn Hoạch,... bao vây, cho nên Cố vấn Vĩnh Thụy rất có thể nghe những lời hứa hẹn suông của bọn thực dân Pháp, mà đi gặp chúng. Nếu Cố vấn Vĩnh Thụy biết rõ tình hình trong nước thì chắc Cố vấn không bị chúng lừa bịp… Chính phủ ta và Nhân dân ta rất mong muốn Cố vấn Vĩnh Thụy không có những hành động trái ngược với những lời Cố vấn Vĩnh Thụy đã thề trước Tổ quốc và trước đồng bào, trái với nguyện vọng dân tộc. Dù sao vận mệnh của dân tộc sẽ không vì một người, hoặc một nhóm người mà thay đổi”[12]. Qua đó, một lần nữa đã thể hiện rõ quan điểm cũng như tấm lòng rộng lượng, nhân ái bao la trên tinh thần đoàn kết dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với Cố vấn Vĩnh Thụy. Nhưng cuối cùng Vĩnh Thụy đã ngã hẳn vào vòng tay thực dân, trở thành công cụ của chúng, đi ngược lại với quyền lợi của dân tộc.
Thái độ khoan dung, cởi mở và sự cố gắng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã không đưa được Vĩnh Thụy đi theo con đường chính nghĩa của dân tộc như các vị vua yêu nước tiền bối Hàm Nghi, Thành Thái, Duy Tân… Mặc dù vậy, những hành động và thái độ ứng xử của Người đối với cựu hoàng Bảo Đại vẫn có tác dụng lớn lao làm cho cả dân tộc và bè bạn quốc tế thấy rõ được thiện chí của cách mạng Việt Nam, là nguồn động viên, cổ vũ to lớn đối với những người trong hoàng tộc và quan lại dưới triều Nguyễn giữ vững được lập trường yêu nước của họ[13].
2. Đối với những người trong gia đình Hoàng tộc
Đối với Hoàng tộc triều Nguyễn, Chủ tịch Hồ Chí Minh có sự quan tâm đặc biệt. Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, với tấm lòng nhân ái trên tinh thần đoàn kết dân tộc sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và tính ưu việt của cách mạng Việt Nam, Người và Chính phủ đã dành cho Hoàng tộc nhà Nguyễn những ưu ái đặc biệt. Cách mạng Tháng Tám thành công không những bảo đảm tư cách công dân cho Bảo Đại và những người trong Hoàng tộc mà còn bảo vệ các lăng tẩm, đền miếu của các vua, chúa nhà Nguyễn.
Khi đất nước mới dành được độc lập, dù bận nhiều công việc nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh không quên gửi lời thăm hỏi ân cần đến bà Thành Thái và bà Duy Tân vợ của hai vị vua yêu nước, đồng thời chu cấp năm trăm đồng mỗi tháng cho hai bà để chi dùng trong lúc khó khăn. Họ rất xúc động, cảm kích trước tấm lòng của vị Chủ tịch “Không ngờ! thật không ngờ! Chính phủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa mới thành lập mấy tháng nay, “quốc gia đại sự” dồn dập, mà Cụ Chủ tịch đã nghĩ ngay đến chúng tôi, gửi lời thăm hỏi ân cần, lại còn gửi tặng cho tôi và dâu tôi, bà Duy Tân món trợ cấp hàng tháng rất hậu hĩ. Chúng tôi quả thật đứng trước một bất ngờ lớn! rất cảm kích!”[14]. Và để tỏ lòng biết ơn và quý mến Người mỗi lần tụng kinh niệm Phật thay vì “Cầu chúc Hoàng triều vạn tuế, vạn tuế!” thì bà Thành Thái đã “Cầu chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn tuổi, muôn tuổi”. Tin hai bà vợ của hai vị vua yêu nước đang lâm vào cảnh sống khó khăn, lẻ loi, đơn chiếc và không có ai để ý, nhận được trợ cấp của Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lan đi nhanh chóng và làm lay động bao nhiêu người, đặc biệt là những người trong Hoàng tộc. Để rồi khi Chủ tịch Hồ Chí Minh sang thăm Pháp năm 1946, mệ Mười sáu (em gái của vua Duy Tân) đã tìm cách đến bái yết để tỏ lòng tri ân đến Người, rất tiếc bà không gặp được Hồ Chủ tịch. Nhưng có điều đáng nói là tại căn phòng bà thuê ở Pháp có treo ba bức chân dung mặc triều bào: ở bên phải là ảnh vua Thành Thái, ở bên trái là ảnh vua Duy Tân và ở giữa được treo cao hơn là ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Quả thật, những nghĩa cử cao đẹp xuất phát từ tư tưởng đại đoàn kết dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là “rất có lý, có tình, trong sáng, đi sâu vào lòng người, gây lên một hiệu quả chính trị rộng lớn mà mãi sau này vẫn chưa đánh giá hết”[15].
Trong quá trình lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, trên tinh thần đại đoàn kết vì sự nghiệp lớn của dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng rất coi trọng đến công tác kêu gọi, động viên những người trong Hoàng tộc tham gia kháng chiến. Năm 1948, tại chiến khu Việt Bắc, Người đã viết thư gửi cho cụ Ưng Úy[16] với lòng tôn trọng và tình cảm chân thành:
“Kính gửi cụ Ưng Úy tại Huế.
Trước hết tôi xin gởi lời thăm sức khỏe của cụ và quý quyến, xin chúc cụ được nhiều sức khỏe.
Sau đây xin mời cụ tham gia kháng chiến để chúng ta tiếp tục sự nghiệp bỏ dở của các vị tiền bối Hàm Nghi, Thành Thái, Duy Tân, là để đánh đuổi thực dân Pháp để giành lại độc lập cho dân tộc, cho tổ quốc”[17].
Cụ Ưng Úy từng làm Thượng thư Bộ Lễ dưới thời vua Bảo Đại. Sau ngày toàn quốc kháng chiến (19/12/1946), Huế bị Pháp chiếm đóng, cụ ở lại trong vùng địch. Nhiều lần thực dân Pháp mời cụ ra làm việc cho chúng hoặc yêu cầu cụ phát biểu có lợi cho chúng và hại cho kháng chiến, nhưng cụ đều từ chối. Lúc Cố vấn Vĩnh Thụy được Pháp đưa từ Hồng Kông về Pháp chuẩn bị thành lập chính phủ bù nhìn, chúng đã tìm mọi cách mua chuộc hòng mời cụ sang Pháp giúp chúng gây dựng thanh thế cho Vĩnh Thụy nhưng không thành, vì không thể lay chuyển nổi tấm lòng trung thành sắt đá của cụ với kháng chiến. Sau khi nhận được lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cụ Ưng Úy đã rời đô thành, lên chiến khu tham gia cách mạng. Tại chiến khu, cụ đã lên án thực dân Pháp trong việc sử dụng Bảo Đại xây dựng chính phủ bù nhìn; đồng thời, kêu gọi mọi người ủng hộ cuộc kháng chiến của Nhân dân ta: “Nay nghe bọn thực dân Pháp quyết để Bảo Đại, định đưa Người về nước đứng đầu một chính phủ bù nhìn để thực hiện mưu mô “lấy người Việt diệt người Việt”, tôi phẫn uất quá không thể chịu được mưu mô xảo trá, nên tôi phải lìa nhà lên chiến khu, nguyện theo Chính phủ để giúp một đôi phần hiểu biết vào cuộc kháng chiến cho đỡ mối phẫn uất trong lúc tuổi già. Tôi mong các bậc thân sĩ, cựu quan chức, những nhà có tâm huyết hãy mau tỉnh ngộ lại, quay về với Tổ quốc… Không thể trong một đời người, chúng ta phải trở lại làm nô lệ lần thứ hai nữa…”[18].
Cũng trong năm 1948, sau khi nghe tin cụ Tôn Thất Cảnh và hai con trai của cụ là Tôn Thất Quang và Tôn Thất Huy lần lượt hy sinh anh dũng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trực tiếp gửi thư khen ngợi và trao tặng Bằng khen cho gia đình cụ với dòng chữ “Một nhà trung nghĩa muôn thuở thơm danh”[19].
Với chính sách tập hợp, đoàn kết nhân sĩ, trí thức phục vụ kháng chiến, kiến quốc, chúng ta thấy Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn xác định việc tập hợp, đoàn kết trí thức không phải là sách lược nhất thời trong một giai đoạn nhất định mà là vấn đề cơ bản, có tính chiến lược lâu dài. Đoàn kết và tập hợp trí thức có ý nghĩa quyết định đến thành công của cách mạng, tới sự ổn định và phát triển lâu dài của đất nước. Trả lời Báo Độc Lập về việc Chính phủ mở rộng năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Chính sách của Chính phủ trước sau vẫn là đại đoàn kết. Đối với các vị quan lại cũ cũng như đối với tất cả các giới đồng bào, những người có tài đức thì Chính phủ đều hoan nghênh ra gánh việc nước”[20]. Chính vì vậy, đối với trí thức nói chung và trí thức là con cháu Hoàng tộc triều Nguyễn nói riêng, Chủ tịch Hồ Chí Minh có sự quân tâm chu đáo, tạo điều kiện cho họ phát huy hết tài năng và trí tuệ; trọng dụng và bố trí họ vào những chức vụ quan trọng trong Chính phủ như: Giáo sư, bác sĩ Tôn Thất Tùng - Thứ trưởng Bộ Y tế; bác sĩ Phạm Ngọc Thạch[21] - Bộ trưởng Bộ Y tế.
Với Giáo sư, bác sĩ Tôn Thất Tùng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm, giúp đỡ và đặt nhiều niềm tin. Chính con trai đầu của ông được Người đặt tên “Tên chú có bộ mộc, nên đặt cho con chú tên Bách”[22]. Những đóng góp của ông đối với nền y học nước nhà cũng được Người theo dõi động viên rất kịp thời. Vì đã có công trong việc sản xuất thành công thuốc kháng sinh Penicillin, một loại thuốc quý dùng để chữa bệnh cho thương binh, cho nên ông và bác sĩ Đặng Văn Ngữ được Chính phủ tặng thưởng huân chương. Bác sĩ Đặng Văn Ngữ được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Ba, còn đối với bác sĩ Tồn Thất Tùng, Bác nói: “Bác cho phép chú lựa một huân chương nào mà chú muốn, chú tự bình bầu đi!” và ông cũng chọn cho mình Huân chương Kháng chiến hạng Ba. Trước lúc trao thưởng Người không quên động viên, căn dặn “Chú Tùng là một xi-đờ-văn (cidevant, danh từ mà Cách mạng Pháp 1789 dành cho các nhà quý tộc) mà nay được Chính phủ ta tặng huân chương. Chú phải cố gắng hơn nữa!”[23]. Thời kỳ ở Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi cho ông một tấm thiếp đánh máy bằng mực màu tím, trên đó Người viết: “Bác sĩ Tùng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Bộ trưởng Bộ Y tế báo cáo: chú làm việc rất hăng hái. Tôi rất vui lòng. Chú cứ gắng sức. Kháng chiến nhất định thắng lợi. Tổ quốc sẽ nhớ công con hiền cháu thảo. Thím và các cháu đều mạnh khỏe chứ? Tôi luôn luôn bình an. Gửi chú và thím lời chào thân ái và quyết thắng”[24]. Những lời khen ngợi, căn dặn, thăm hỏi ân cần và tình cảm của Người đã động viên ông rất nhiều, giúp ông làm việc ngày càng tốt hơn trong công tác chuyên môn của mình, bởi ông nghĩ rằng “Với sự quan tâm của Bác, việc gì mà tôi lại không làm?”.
Đối với bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, Người rất quý trọng và dành cho ông nhiều tình cảm cũng như không quên những kỷ niệm của mình tại gia đình bác sĩ. Trong một lần nói chuyện tâm tình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vui vẻ hỏi bác sĩ Phạm Ngọc Thạch:
“- Bác đã vào thăm nhà chú rồi, Bác đã ở lại khá lâu với gia đình chú. Chú có biết không? - Thưa Bác không.
- Hồi đó chú mấy tuổi biết không? - Thưa Bác không.
Bác Hồ đưa một ngón tay và bảo:
- Mới một tháng. Còn nhỏ xíu thế này. Ba má chú rất tốt. Má chú là một phụ nữ Huế nhân hậu, rất nhân hậu...”[25].
Tình cảm chân thành và sự quan tâm đặc biệt của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với Bảo Đại, với hai bà Thành Thái, Duy Tân, với con cháu Hoàng tộc triều Nguyễn, đã có sức lan tỏa đi sâu vào lòng người; từ đó, đã tạo lập nên mối quan hệ mới giữa Đảng, Nhà nước và lãnh tụ cách mạng với giai cấp phong kiến gồm vua, quan và hoàng tộc. Chính vì vậy, sau Cách mạng Tháng Tám, rất nhiều con cháu trong Hoàng tộc triều Nguyễn đi theo Đảng và Bác Hồ để tham gia cách mạng, phục vụ kháng chiến. Họ đã có nhiều cống hiến bằng công sức, trí tuệ của mình trên các lĩnh vực chính trị, quân sự, y tế, văn hóa, xã hội như: Giáo sư, bác sĩ Tôn Thất Tùng, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, nghệ sĩ Tôn Thất Dương; Nhà ngoại giao Tôn Thất Vỹ; Giáo sư y khoa Công tôn nữ Ngọc Toản; các cán bộ quân sự Tôn Thất Hoàng và nhiều người khác như Tôn Thất Thi, Tôn Tất Thiện, Tôn Thất Thích, Tôn Thất Xuân, Tôn Thất Cảnh, Tôn Thất Điệp, Tôn Thất Hoàn, Tôn Thất Lay, Nguyễn Phước Vĩnh Phú, Nguyễn Phúc Thi… Trong số đó có những người đã hy sinh anh dũng “Quyết tử cho tổ quốc quyết sinh” như: Tôn Thất Cảnh, Tôn Thất Điệp, Tôn Thất Hoàn, Tôn Thất Lay...
3. Kết luận
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xây dựng tinh thần đại đoàn kết trên tinh thần nhân văn trong sáng, hay nói cách khác tư tưởng nhân văn của Hồ Chí Minh được biểu hiện ngay trong chiến lược đại đoàn kết của Người. Tinh thần đoàn kết, đại đoàn kết đối với Hồ Chí Minh không chỉ là sách lược mà còn là chiến lược xuyên suốt và lâu dài. Với Người, đại đoàn kết là tìm đến sự gặp gỡ của những giá trị trong sáng, tốt đẹp, những gì gắn bó với lợi ích của quốc gia, dân tộc. Trong tinh thần đại đoàn kết của Hồ Chí Minh chúng ta bắt gặp được tình nhân ái bao la, tinh thần nhân văn trong sáng với sự chân thành từ trái tim và trí tuệ. Tinh thần ấy được thể hiện rất rõ trong cách ứng xử của Người đối với Hoàng tộc triều Nguyễn. Từ việc đối xử rất nhân đạo và chân thành với một ông vua thoái vị; từ sự quý trọng và sự chăm lo cuộc sống đối với các bà vợ những ông vua yêu nước Thành Thái, Duy Tân, đến các vị có tên tuổi trong hoàng tộc như cụ Ưng Úy; từ sự trân trọng tài năng, trí tuệ của các nhân sĩ, trí thức như Tôn Thất Tùng, Phạm Ngọc Thạch… và còn biết bao điều đáng nói, đáng kể khác cho thấy phần nào những biểu hiện của tinh thần đại đoàn kết, nhân văn cao đẹp mà Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho Hoàng tộc triều Nguyễn.
Có thể nói rằng tình nhân ái bao la của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với Hoàng tộc nhà Nguyễn, cũng chính là tinh thần đại đoàn kết dân tộc sâu, rộng - một di sản văn hóa tinh thần vô giá mà Người đã để lại cho dân tộc nói chung và xứ Huế nói riêng. Di sản ấy, đã trở thành một nguồn sức mạnh, động lực lớn để Nhân dân Thừa Thiên Huế vượt qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ. Và hôm nay, đang được Đảng bộ và Nhân dân nơi đây phát huy trong công cuộc xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
* Trưởng phòng Hướng dẫn Tuyên truyền, Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên - Huế
[1] Phạm Văn Đồng (1969), Tổ quốc ta, nhân dân ta, sự nghiệp ta và người nghệ sĩ, Nxb Văn Học Hà Nội, tr 171 - 172.
[2] Tên gọi của Vua Bảo Đại sau khi ông thoái vị và được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời ra làm Cố vấn tối cao cho Chính phủ lâm thời Viêt nam Dân chủ Cộng hòa.
[3] Phạm Khắc Hòe (1985), Từ triều đình Huế đến chiến khu Việt Bắc, Nxb Thành Phố Hồ Chí Minh, tr. 113.
[5] Ủy ban dự thảo Hiến pháp được thành lập theo Sắc lệnh số 34-SL của Chính phủ lâm thời ngày 20 tháng 9 năm 1945 gồm có 7 thành viên: Hồ Chí Minh, Vĩnh Thụy, Đặng Thai Mai, Vũ Trọng Khánh, Lê Văn Hiến, Nguyễn Lương Bằng, Đặng Xuân Khu (Trường Chinh).
[6] Nguyễn Đắc Xuân, Tổng thuật Chủ tịch Hồ Chí Minh và Cố vấn Vĩnh Thụy, Website http://honvietquochoc.com.vn/bai-viet/896-chu-tich-ho-chi-minh-va-co-van-vinh-thuy.aspx.
[9] Nguyễn Đắc Xuân, Tổng thuật Chủ tịch Hồ Chí Minh và Cố vấn Vĩnh Thụy, Website http://honvietquochoc.com.vn/bai-viet/896-chu-tich-ho-chi-minh-va-co-van-vinh-thuy.aspx.
[11] Nguyễn Đắc Xuân, Tổng thuật Chủ tịch Hồ Chí Minh và Cố vấn Vĩnh Thụy, Website http://honvietquochoc.com.vn/bai-viet/896-chu-tich-ho-chi-minh-va-co-van-vinh-thuy.aspx.
[19] Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế (2010), Bác Hồ sống mãi trong lòng nhân dân Thừa Thiên Huế, Nxb Thuận Hóa, Huế, tr. 286.
tin tức liên quan
Videos
Người Amish ở Mỹ
Các di sản văn hóa về Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên Huế
Quê hương Nghệ Tĩnh trong lòng La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp
Khu di tích Kim Liên hành trình đến với trẻ em miền núi
Nghĩ gì, làm gì khi Trung Quốc tiếp tục xâm phạm chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông?
Thống kê truy cập
114511166
2165
2359
21540
218039
121356
114511166