Góc nhìn văn hóa

Văn hóa dòng họ và những giá trị truyền thống cần được gìn giữ

Người xưa có câu “trong họ - ngoài làng” là để chỉ mối quan hệ bền vững giữa họ và làng trong cấu trúc làng xã Việt Nam. Có họ rồi mới có làng, mới có cộng đồng các dân tộc. Bởi vậy, mỗi dòng họ, ngoài việc tạo nên và lưu truyền nét đẹp văn hóa của dòng họ mình thì còn là nơi lưu giữ, nơi trao truyền các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, của vùng miền và văn hóa làng xã cho các thế hệ mai sau.

 

Lễ vinh danh tài năng của dòng họ Lưu

Dòng họ là nơi cố kết cộng đồng, thể hiện tinh thần tương thân tương ái

Những ngày này, trên khắp các miền quê xứ Nghệ, đâu đâu cũng nghe rộn rã tiếng trống, tiếng chiêng, tiếng cười nói…tại các nhà thờ họ. Thông thường, lễ tế họ (hay tế tổ) tập trung vào tháng Giêng, tháng 2, ngay sau Tết Nguyên đán. Với những người con xa quê, sau Tết, họ lại tất tả trở về với guồng quay của công việc nhưng cũng có nhiều người cố nán lại dự cho được lễ tế họ, thậm chí phải nghỉ không lương hoặc chấp nhận tìm việc làm mới. Trên các trang mạng xã hội, những ngày này ngập tràn các hình ảnh tế họ, người khoe ảnh nghi thức, người khoe ảnh ăn uống, người khoe ảnh những người anh em lâu ngày mới gặp… Rõ ràng, sợi dây vô hình kết nối họ lại với nhau chính là dòng họ, là mối quan hệ họ hàng, thân tộc. Ngoài ra, một số dòng họ còn tổ chức các cuộc gặp mặt đầu năm cho anh em con cháu sinh sống và làm việc ở các thành phố (như họ Phùng, họ Lưu, họ Mạc…). Hiện nay, để kết nối con cháu đang sinh sống trên khắp mọi miền của Tổ quốc (kể cả nước ngoài), nhiều dòng họ còn thành lập các tổ chức của họ tộc từ Trung ương đến địa phương vừa nhằm mục đích giúp các thế hệ biết về cội nguồn, vừa tạo nên mối đoàn kết giữa các con cháu trong cùng một dòng họ, tiêu biểu như họ Lưu (Lưu tộc Việt Nam, Lưu tộc Nghệ Tĩnh, Lưu tộc các huyện), họ Phùng (Phùng Việt Nam, họ Phùng Nghệ Tĩnh), họ Trần (họ Trần Việt Nam, họ Trần Nghệ An), họ Vũ - Võ (họ Vũ - Võ Việt Nam, họ Vũ - Võ Nghệ Tĩnh), họ Hồ, họ Dương… Nhiều dòng họ xây dựng các quy định, quy chế hoạt động rất rõ ràng nhằm xây dựng mối đoàn kết, tương thân tương ái, hỗ trợ lẫn nhau. Vậy nên mới có câu chuyện “một người làm quan, cả họ được nhờ”. Một số dòng họ còn lập các tổ chức thiện nguyện, không chỉ để giúp đỡ con cháu trong dòng họ gặp khó khăn mà còn mở rộng đối tượng là những người ngoài họ. Tiêu biểu là Câu lạc bộ “Trái tim nhân ái” của dòng họ Lưu. Câu lạc bộ đã thực hiện được nhiều chương trình ý nghĩa, có quy mô tương đối lớn như mua sắm sách vở, đồ dùng học tập, bàn ghế cho các trường ở miền Tây Nghệ An, xây dựng nhà tình thương cho những người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn toàn tỉnh, hỗ trợ chi phí chữa bệnh co nhiều bệnh nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn…

Nơi lưu giữ truyền thống hiếu học

Trên địa bàn tỉnh Nghệ An có rất nhiều dòng họ nổi tiếng về truyền thống hiếu học từ xưa đến nay như họ Hồ, họ Hoàng (Quỳnh Lưu), họ Ngô (Diễn Châu), họ Nguyễn Hữu (Nam Đàn)…

Để phát huy truyền thống hiếu học, các dòng họ đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm động viên, khuyến khích các con cháu thi đua học tập. Hầu như dòng họ nào cũng có quỹ khuyến học. Quỹ dành để khen thưởng các cháu học sinh, sinh viên có thành tích học tập xuất sắc, kèm theo đó là giấy khen của dòng họ. Thông thường, lễ trao tặng sẽ được tổ chức vào dịp tế họ đầu xuân. Một số dòng họ còn tổ chức lễ vinh danh rất hoành tráng cho những học sinh, sinh viên và cán bộ có thành tích nổi bật trong học tập, đạt giải thưởng cao trong các kỳ thi hoặc những người đạt được học hàm, học vị cao, tiêu biểu như dòng họ Lưu, dòng họ Vũ - Võ, dòng họ Trần… Địa điểm tổ chức cũng mang đầy ý nghĩa giáo dục, có dòng họ chọn tổ chức ở nhà thờ phát tích (như họ Trần), có dòng họ lại chọn văn miếu Quốc tử giám (như họ Lưu)… Những hoạt động này không chỉ tôn vinh các cá nhân xuất sắc mà còn khơi dậy tinh thần hiếu học, tạo động lực, niềm tin cho các thế hệ phấn đấu học tập và rèn luyện.

Nơi tôn vinh người cao tuổi

Đầu xuân, các cụ cao tuổi không chỉ nhận được sự quan tâm của chính quyền các cấp mà còn được các dòng họ của mình tổ chức tôn vinh rất chu đáo. Hầu hết, hoạt động này được tổ chức kết hợp trong lễ tế họ. Nhiều dòng họ ở vùng Yên Thành, Diễn Châu xem đây là một trong những phần quan trọng của buổi lễ nên tổ chức rất hoành tráng, có phông bạt, có văn nghệ chào mừng như họ Lưu (Yên Thành), họ Võ (Diễn Châu)…Các cụ có độ tuổi từ 80 trở lên sẽ được con cháu đón rước chu đáo, có  khu vực ngồi riêng, ăn uống được con cháu phục vụ. Tại một số dòng họ ở Diễn Châu, sau lễ mừng thọ ở nhà thờ, con cháu tiếp tục rước cụ về nhà và thực hiện một số nghi thức đặc biệt như con trai trưởng dâng rượu, con dâu trưởng dâng trà cho bố, mẹ…Những hoạt động này không chỉ góp phần tri ân, báo hiếu ông bà, cha mẹ, tạo động lực để các cụ sống vui, sống khỏe mà còn góp phần bồi đắp thêm truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây”. Tôn vinh các cụ cũng chính là giúp các thế hệ, nhất là thế hệ trẻ có thêm mục tiêu, lý tưởng sống tốt hơn.

Nơi bảo lưu nhiều di sản văn hóa phi vật thể có giá trị

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An, nhiều dòng họ còn lưu giữ được những di sản văn hóa phi vật thể rất đặc sắc như họ Lưu (Yên Thành) với lễ Kỳ khoa được tổ chức 3 năm 1 lần, họ Nguyễn Cảnh (Đô Lương) với Thập niên sự lễ tổ chức 10 năm 1 lần, họ Phan Đình (Thanh Chương) với lễ Tế thiên, họ Trương Đặng Công với lễ Hợp tế - tế chung ông tổ của hai dòng họ Trương, Đặng…Ngoài những nguyên tắc chung trong nghi thức, nghi lễ thì các dòng họ ở các vùng miền lại có những điểm đặc sắc khác nhau như vùng Yên Thành, ngoài màn đánh trống tế đặc sắc, các dòng họ vẫn giữ được những nghi lễ truyền thống mang đậm bản sắc của địa phương như lễ Rước tổ, lễ Rước cố nhất (người cao tuổi nhất)…, Ở Thanh Chương, Đô Lương, Yên Thành, nhiều dòng họ còn giữ được tục gánh cỗ, đội cỗ đến nhà thờ với những mâm cỗ được bày biện đẹp mắt. Để làm được những mâm cỗ như thế, họ phải thức dậy từ rất sớm, chọn những con gà đẹp nhất, những loại nếp ngon nhất thành tâm dâng cúng tổ tiên. Thế của gà cũng được tạo rất công phu, tỷ mỉ, với sự hỗ trợ của nhiều vật liệu như gỗ, thép…Nhờ vậy, trên bàn thờ tổ tiên của nhiều dòng họ, những mâm cỗ được bày biện rất phong phú, đa dạng và đẹp mắt, với nhiều thế gà bay đẹp, lạ khiến người xem phải trầm trồ, thán phục.

Lễ Tế thiên của dòng họ Phan Đình ở Thanh Chương

 Trong xã hội hiện đại, nhiều giá trị truyền thống đang ngày càng bị mai một thì dường như, văn hóa dòng họ vẫn không bị ảnh hưởng, những giá trị tốt đẹp vẫn đang ngày càng được trao truyền và phát huy. Có chăng là sự thay đổi về phương thức liên lạc, giao tiếp do sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, công nghệ số, các vật phẩm dâng cúng tổ tiên ngày càng đa dạng, phong phú. Chính sự bùng nổ của công nghệ thông tin với các nền tảng xã hội như zalo, face book, tiktok…cũng góp phần làm cho giá trị của văn hóa dòng họ ngày càng được lan tỏa mạnh mẽ và sâu rộng./.

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511629

Hôm nay

2292

Hôm qua

2336

Tuần này

22003

Tháng này

218502

Tháng qua

121356

Tất cả

114511629