Góc nhìn văn hóa

Ví Giặm - Nhìn từ phương diện đặc trưng văn hóa xứ Nghệ và cách thức mở rộng hình ảnh quốc tế

Quảng bá dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh đến với cộng đồng quốc tế (Trong ảnh: các NSND Tiến Dũng, Hồng Lựu biểu diễn dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh tại Lễ hội văn hóa châu Á tổ chức ở Australia)

1. Mục đích bài viết

Bài viết không phải được viết từ góc nhìn của một nhà chuyên môn về dân ca Ví, Giặm. Bài viết cũng không đi vào nội dung chuyên sâu của dân ca Ví, Giặm. Bài viết xuất phát từ góc nhìn của một “người tiêu dùng” mà sản phẩm tiêu dùng là dân ca Ví, Giặm. Bài viết thể hiện sự mong muốn của một “khách hàng” của dân ca Ví, Giặm; muốn dân ca Ví, Giặm được bảo tồn trong thời đại mới, muốn dân ca Ví, Giặm được phát triển trong các hình thái mới. Mục đích bài viết là đề xuất một số cách thức bảo tồn và mở rộng sự phát triển dân ca Ví, Giặm; kỳ vọng giúp cho dân ca Ví, Giặm không chỉ tồn tại phù hợp với thời đại số hóa, mà còn có cơ hội quảng bá Ví, Giặm ra môi trường quốc tế trong khung cảnh hội nhập toàn cầu. Khái niệm dân ca Ví, Giặm trong bài viết này được hiểu theo nghĩa rộng là dân ca Ví, Giặm với các hình thái phát triển mở rộng.

2. Dân ca - Đặc trưng văn hóa điển hình cho địa phương, sắc tộc, dân tộc

Mỗi địa phương (vùng, miền) có môi trường sống khác nhau. Môi trường sống ảnh hưởng lên sự hình thành văn hóa và nhân chủng học của cộng đồng người địa phương, làm cho cộng đồng người địa phương này phân biệt với cộng đồng người địa phương khác, rộng hơn nữa là sự hình thành các sắc tộc, các dân tộc. Môi trường sống chính là nhân tố “ngoại di truyền” tồn tại đồng thời với “nội di truyền” của cha mẹ truyền lại cho con cái.

Về nhân chủng học, môi trường sống làm thay đổi màu da, tóc, mắt, kích thước cơ thể, giọng nói…nghĩa là tác động lên toàn bộ sự phát triển của con người thông qua điều kiện sống. Bởi vậy người phương Bắc khác người phương Nam, người miền núi khác người miền biển. Sự khác biệt thật rõ ràng khi khoảng cách địa lý rộng lớn với môi trường sống hoàn toàn khác nhau, như người châu Âu, châu Á, châu Phi. Nhưng ở mức độ địa phương nhỏ dần hơn, vẫn tồn tại sự khác biệt. Đến cả ở mức độ làng xã, sự khác biệt của người làng xã này với người làng xã khác vẫn có những dấu hiệu để nhận biết. Trong số các khác biệt mức làng xã, khá rõ nét là sự khác nhau về giọng nói. Ở mặt ngược lại, trên chiều dài của một giải đất có chung một số nhân tố của môi trường sống, chẳng hạn như những người đi biển dọc theo bờ biển trải dài từ Nam ra Bắc, dù ở Nghệ An hay Quảng Nam, đều nhận thấy có các thành tố giống nhau trong giọng nói.

Nhưng không chỉ về nhân chủng học, môi trường sống ảnh hưởng lên sự hình thành văn hoá là đặc trưng quan trọng tồn tại song song với nhân chủng học, khắc hoạ sự khác biệt giữa các địa phương, sắc tộc, dân tộc. Nhìn ở mức độ quốc gia, mỗi dân tộc có một nền văn hoá riêng đặc trưng cho dân tộc đó. Cho nên, không nhìn về nhân chủng học, mà từ góc độ văn hoá không khó để nhận biết một đoàn khách du lịch nước ngoài có quốc tịch của nước nào, là Đức, Pháp, Trung Quốc, Ấn Độ hay một quốc gia nào đó.

Trong các trụ cột tạo nên nền văn hóa của một cộng đồng con người, ở phạm vi một địa phương, hay phạm vi một sắc tộc hoặc một dân tộc, thì âm nhạc dân gian là một trụ cột chính. Nói đến âm nhạc dân gian hàm chứa các bài hát, các điệu múa, các nhạc cụ cùng với các trang phục của cộng đồng người địa phương (sắc tộc, dân tộc) được truyền đời nhiều năm hay mới hình thành. Trên hành tinh này, có bao nhiêu sắc tộc, dân tộc thì tối thiểu có bấy nhiêu nền văn hóa. Thế nào là âm nhạc dân gian, các thành tố của âm nhạc dân gian, các nền âm nhạc dân gian trên thế giới khác nhau và hình thành như thế nào là chủ đề phong phú và rộng lớn mà bài viết này, như đã nói ở phần 1 (Mục đích bài viết), sẽ không đề cập đến, nhưng có thể tham khảo thêm ở các tài liệu, chẳng hạn [1,2].

Đề cập đến nhân tố môi trường tác động lên sự thay đổi nhân chủng học và ảnh hưởng lên sự hình thành nền văn hoá với rường cột là dân ca như trên là có chủ ý. Chủ ý là muốn làm nổi bật môi trường sống ở Nghệ Tĩnh ảnh hưởng lên con người Nghệ Tĩnh, tạo nên sự khác biệt của văn hóa người Nghệ Tĩnh mà dân ca Ví, Giặm là một thực thể dân ca khách quan duy nhất, khác biệt với các thực thể dân ca của các địa phương và quốc gia khác. Chủ ý khác nữa, là muốn địa phương Nghệ Tĩnh, từ lãnh đạo các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho đến các nhà hoạt động trong lĩnh vực dân ca Nghệ Tĩnh thêm ý thức rằng, nếu dân ca Nghệ Tĩnh chưa thực sự nổi trội giữa các nền âm nhạc dân gian khác, thì phải làm cho nó nổi trội hơn, nhất là trên phương diện quốc tế. Một chủ ý cuối, nhưng không phải là hết, rằng dân ca Ví, Giặm là của Nghệ Tĩnh, làm cho dân ca Ví, Giặm nổi bật ở trong nước và trên trường quốc tế, không ai khác ngoài người Nghệ Tĩnh và những người sống và làm việc tại Nghệ Tĩnh.

Tổ tiên đã truyền đời cho người Nghệ Tĩnh một di sản văn hóa quý giá là dân ca Ví, Giặm. Dân ca Ví, Giặm là đặc trưng văn hóa xứ Nghệ. Dân ca Ví, Giặm làm cho cộng đồng người Việt trên toàn quốc nhận biết được người Nghệ Tĩnh. Nhiệm vụ của thế hệ người Nghệ Tĩnh hiện nay là làm cho dân ca Ví, Giặm không những được bảo tồn và phát triển, mà quan trọng nữa trong thời đại toàn cầu hóa, là được nhận biết rộng rãi trên trường quốc tế. Không phải thế hệ này không làm thì thế hệ sau sẽ làm. Mà đây là nhiệm vụ của thế hệ đương thời. Đừng chuyển nhiệm vụ này cho con cháu.

Đừng nhầm lẫn giữa đặc trưng văn hóa với tính địa phương cục bộ. Làm cho dân ca Ví, Giăm nổi bật trên trường quốc tế là điều tự hào chứ không phải cục bộ.

3. “Lễ” là môi trường để dân ca Ví, Giặm tồn tại với thời gian

Tiến bộ công nghệ, bao gồm trí tuệ nhân tạo, làm thay đổi toàn diện đời sống loài người. Cơ bản là về hướng tốt hơn. Nhưng không thoát khỏi quy luật biện chứng, là tồn tại hướng tác động tiêu cực. Trong số các đối tượng phải nhận lấy những “cú đòn tiêu cực” khủng khiếp từ tiến bộ công nghệ và trí tuệ nhân tạo, có âm nhạc dân gian - đang phải vật lộn với sự tồn tại. Ca nhạc hiện đại trong môi trường số, internet, người máy, cùng thư viện ca nhạc trực tuyến với những biến đổi ma mị nhờ công nghệ…đã tạo ra một thị trường người tiêu dùng mới, có xu hướng từ bỏ hoàn toàn dân ca truyền đời. Bảo tồn và làm mới dân ca Ví, Giặm là một mục tiêu không chỉ cấp thiết mà mang tính sống còn đối với dân ca Ví, Giặm. Đa dạng hóa để phát triển, hay thui chột dần rồi diệt vong?

Kể từ thập niên 60 của thế kỷ trước, Nghệ Tĩnh đang cố gắng đa dạng hóa các hình thái thể hiện của dân ca Ví, Giặm, để vừa bảo tồn vừa phát huy. Kịch hát Nghệ Tĩnh là một trong số những hình thái như vậy. Nghiên cứu kỹ hơn và rộng thêm, ngoài kịch hát ra, có thể tìm thấy các con đường khác nữa có thể bảo tồn và mở rộng sự phát triển cho dân ca Ví, Giặm.

“Lễ” là một trong những phạm trù được Khổng Tử (28/9/551 TCN - 11/4/479 TCN) và nho giáo đề cao. “Lễ” có từ trước Khổng Tử [3], được Khổng Tử và các nhà nho bảo tồn, mở rộng, phát triển qua các triều đại phong kiến. “Lễ” có ảnh hưởng rộng lớn ở nhiều nước phương Đông cho đến hiện nay. Nhiều phong tục, tập quán, cách hành xử trong các tình huống - hình thành từ “Lễ” - đã trở thành các đặc trưng văn hóa vùng miền, quốc gia, sắc tộc và dân tộc, với sức sống lâu dài qua nhiều thế kỷ.

Bởi thế, hãy nghĩ đến khả năng đưa dân ca Ví, Giặm trở thành một bộ phận của các phong tục, tập quán, trở thành một bộ phận của các nghi lễ trong đời sống hàng ngày. Đó là một trong những cách thức tốt nhất giúp cho dân ca Ví Gặm được bảo tồn và phát triển.

Chẳng hạn như, có thể sáng tác ra các điệu múa, hát, hội thoại, cùng các chuỗi hành động cùng trang phục để biến thành nghi thức, thủ tục, trong các lễ ăn hỏi, xin rước dâu, đám cưới. Những sáng tạo mới như vậy sẽ làm cho lễ ăn hỏi, lễ xin dâu, đám cưới trở nên trang trọng hơn, văn hóa hơn, phong phú hơn, vui vẻ hơn, và thích mắt hơn.

Cũng có thể sáng tác ra các điệu múa hát, hội thoại, hành động, để trở thành một phần của nghi thức trong lễ khai giảng hay kết thúc năm học, trong lễ sinh nhật hay mừng thọ. Có thể lấy sự thành công quốc tế của bài hát Happy Birtday là một ví dụ làm gương,

Còn rất nhiều lễ hội và sự kiện khác nữa mà nếu chịu đầu tư sáng tác thì dân ca Ví Giặm có thể “tàng hình” thành một phần của “Lễ”. “Lễ” là do con người sinh ra. Chỉ cần có những nhà sáng tác tài giỏi là các nghi lễ mới xuất hiện được đón nhận và tồn tại. Khi đã thành phong tục, tập quán, thì sự sống của các nghi lễ có chứa thành tố dân ca Ví, Giặm sẽ sống cùng vùng miền, cùng dân tộc. “Lễ” là một không gian mà dân ca Ví, Giặm có thể nương mình để tồn tại, phát triển cùng với thời gian. Chỉ cần có những nhà sáng tác tài năng, minh triết, đam mê Ví Giặm, am hiểu “Lễ” dấn thân cho nghệ thuật thì sẽ sản sinh ra những kiệt tác vượt thời gian.

 

Màn hát múa “Giận thì giận mà thương thì thương” do ca sĩ Huyền Trang và Kyo York (đến từ Mỹ) biểu diễn trong đêm khai mạc Festival Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh năm 2023. Ảnh: Xuân Thủy

 

Cần ghi nhận rằng, ở Nghệ Tĩnh đã có một số làn điệu dân ca Ví, Giặm được “phong tục hóa một phần” và bước đầu xâm nhập môi trường quốc tế. Nổi bật là “Ví giận thương”“Ví sông Lam” của Nguyễn Trung Phong. Trong đó “Ví giận thương” đã lan tỏa đến bạn bè quốc tế, với sự trình diễn của nhạc sư Hà Thiệu tại Trung Quốc và Nghệ sĩ người Đức Claire Sananikone thể hiện bằng ghi ta qua bản soạn của GS Đặng Ngọc Long. Đích thân GS Đặng Ngọc Long cũng đã biểu diễn “Ví giận thương” ở nhiều nước trên thế giới. Ngoài ra, các làn điệu “Thập Ân phụ mẫu”, “Phụ tử tình thâm” được dùng khá thường xuyên trong các cuộc mừng thọ, đám hiếu; còn làn điệu “Mời rượu” do NSND Hồng Lựu viết lời theo “Giặm Đức Sơn” cũng đã phổ biến ở các đám cưới của người xứ Nghệ.

4. Ẩn mình trong các vũ điệu kinh điển là cách thức tồn tại dài lâu của dân ca Ví, Giặm

Các điệu múa dân gian trong trang phục dân tộc là đặc trưng văn hóa của dân tộc. Nhiều dân tộc có vũ điệu đặc trưng riêng. Chẳng han như Valse của Áo, Flamenco của Tây Ban Nha, Chachacha của Cuba, Tango của Argentina và Uruguay…Các dân tộc khác đều có các vũ điệu đặc trưng riêng, chẳng hạn như người Ukraina với Gopak, người Ireland với 5 vũ điệu dân tộc truyền thống (step, Ceili, Set, Sean-Nós, Brush dancing), người Nhật với Kabuki, người Campuchia có Apsara, người Lào có Lăm Vông [4,5,6,7]. Nghe âm nhạc, nhìn vũ điệu, thấy y phục là biết đến dân tộc. Tiếc thay, Việt Nam chưa có những vũ điệu kinh điển mà khi đi ra nước ngoài, lên sân khấu biểu diễn, làm cho khán giả phải nhớ đến. Cũng cần lưu ý, là đồng bào các dân tộc thiểu số lại có những điệu nhảy cùng với y phục đặc trưng cho dân tộc của mình. Trong khi đó thì người Việt với nền âm nhạc dân gian lâu đời lại phải “vay mượn” múa sạp của đồng bào Thái, thậm chí cả Lăm Vông của các bạn Lào. Bạn bè quốc tế biết đến Việt Nam nhờ phần lớn vào hình dáng nhân chủng học và y phục áo dài, chứ không phải qua một điệu nhảy kinh điển nào. Một vũ điệu kinh điển đặc trưng cho Việt Nam, xuất hiện là biết đến Việt Nam - vẫn là điều đang mong đợi, vẫn là mục tiêu phải đạt được.

Việt Nam chưa có được các vũ điệu kinh điển, vượt thời gian, là do các nguyên nhân: chưa có được biên đạo xuất chúng, và chưa tập hợp được các biên đạo tài năng. Biên đạo xuất chúng phải chờ nhiều thế kỷ. Nhưng tập hợp các biên đạo tài năng trong một thời cũng có thể cho ra một hay vài vũ điệu xuất chúng.

Bởi thế xin đưa ra hai đề xuất dưới đây.

a/. Lập dự án xây dựng một số điệu múa kinh điển đặc trưng cho xứ Nghệ trên nền nhạc có các thành tố làn điệu dân ca Nghệ Tĩnh biến hóa.

Đây chính là một trong số các hướng bảo tồn và phát triển tiếp theo của dân ca Nghệ Tĩnh. Nó giúp cho dân ca Nghệ Tĩnh biến mình, sống qua thời gian, và có thể quảng bá được ra môi trường quốc tế.

Hãy mạnh dạn đặt ra mục tiêu này. Như một dự án hợp lực của các tài năng. Với thời gian sẽ được đời sau hoàn thiện. Và cuối cùng sẽ có một vài điệu múa kinh điển đặc trưng cho xứ Nghệ, được biểu diễn rộng rãi trong các sự kiện địa phương, trong nước và cả ở môi trường quốc tế. Kết quả không chỉ một, mà có thể là một số vũ điệu kinh điển. Chỉ cần vượt qua lực cản ma sát, con tàu sẽ lăn bánh trên đường ray. Kinh phí không nhiều mà di sản văn hóa để lại thì quý giá dài lâu.

b/. Lập “Quỹ phát triển tài năng” để có các tác phẩm xuất sắc, để nuôi dưỡng người tài và để giữ người tài cho dân ca Nghệ Tĩnh.

Mục đích thứ nhất của “Quỹ phát triển tài năng” là để có các tác phẩm mới xuất sắc về dân ca Nghệ Tĩnh.

Mục đích thứ hai của “Quỹ phát triển tài năng” là để giữ lại người tài còn lại rất hiếm hoi trong lĩnh vực dân ca Nghệ Tĩnh.

          Mục đích thứ ba của “Quỹ phát triển tài năng” là thu hút các người tài từ các vùng miền khác cống hiến cho lĩnh vực dân ca Nghệ Tĩnh.

Mục đích thứ tư của “Quỹ phát triển tài năng” là đào tạo nuôi dưỡng các tài năng trẻ cho dân ca Nghệ Tĩnh.

“Chiêu hiền đãi sĩ” không phải nói suông mà phải bằng những biện pháp cụ thể. Dân ca Nghệ Tĩnh đang rơi vào giai đoạn còn lại rất ít các nhà chuyên môn giỏi và các nghệ nhân tài năng, lại chưa thấy các học trò tiềm năng. Vì thế, dân ca Nghệ Tĩnh muốn hồi sinh và phát triển mạnh mẽ thì tài năng phải được phát hiện, nuôi dưỡng, gìn giữ, thông qua sách lược “đầu tư trọng điểm” mà “Quỹ phát triển tài năng” là một biện pháp cụ thể.

Nguồn tài chính của “Quỹ phát triển tài năng” được hình thành chủ yếu từ hai dòng: Ngân sách Nhà nước; Và xã hội hóa từ các nhà tài trợ.

“Quỹ phát triển tài năng” được điều hành bởi một Hội đồng Khoa học. Hàng năm Hội đồng Khoa học của Quỹ sẽ xét cấp học bổng cho các tài năng hoạt động cho lĩnh vực dân ca Nghệ Tĩnh. Bao gồm các nhà nghiên cứu, nhạc sĩ, nhà biên kịch, nghệ nhân, nghệ sĩ, ca sĩ tại địa phương Nghệ Tĩnh hay từ các địa phương khác đến Nghệ Tĩnh để làm việc. Các ứng viên muốn nhận được học bổng phải nộp hồ sơ xin cấp học bổng. Thời hạn cấp học bổng (nên là): 3 tháng, 6 tháng, 12 tháng. Mức học bổng tùy theo trình độ và thâm niên của các ứng viên và sự dồi dào của nguồn tài chính, chẳng hạn: 1000 USD/tháng, 1 200 USD/tháng, 1500 USD/tháng. Những người được cấp học bổng, hết thời hạn học bổng, phải nộp lại các sản phẩm có được trong thời gian làm việc bằng nguồn tài chính học bổng. Sản phẩm có thể là các tác phẩm hay các hoạt động trình diễn, tuỳ thuộc vào thể loại chuyên ngành. Kết quả của các học bổng, không nghi ngờ gì nữa, sẽ chứa đựng nhiều tác phẩm mới xuất sắc về dân ca Nghệ Tĩnh.

Trên đây là phác họa về các nội dung cơ bản của “Quỹ phát triển tài năng”. Sự hình thành Quỹ và nguyên tắc hoạt động của Quỹ phải được văn bản hóa bằng những điều khoản cụ thể. Nếu được thành lập “Quỹ phát triển tài năng” chắc chắn sẽ đưa dân ca Nghệ Tĩnh bước vào một giai đoạn phát triển ấn tượng.

5. Kịch hát - Cốt truyện vượt thời gian và sáng tạo tập thể

Nghệ Tĩnh đã có định hướng đúng khi tiến hành sân khấu hóa dân ca Ví, Giặm. Kể từ cuối thập niên 50 của thế kỷ trước cho đến hiện nay, sau hơn 60 năm sân khấu hóa dân ca Nghệ Tĩnh, bắt đầu từ phong trào văn nghệ quần chúng, sau được chuyên nghiệp nâng cao, đã xuất hiện hơn trăm tác phẩm kịch hát trên sân khấu quần chúng và chuyên nghiệp. Trong số đó, có các tác phẩm có thời được biểu diễn rộng rãi ở các địa phương, xuống tận làng xã (“Hai tổ hò khoan”, “Ngô khoai tranh đấu”, “Hỏi ai quan trọng”, “Chiếc cày ông Tư”, “Con mương thủy lợi” của Thế Phiệt, “Không phải tôi” ca Nguyễn Trung Giáp,Khi ban đội đi vắng” của Nguyễn Trung Phong… [8,9]). Đó là thời kỳ văn nghệ phục vụ hiện thực cuộc sống.

Nhưng những tác phẩm phục vụ cuộc sống mang tính thời sự có tuổi thọ rất ngắn. Các tác phẩm như “Chiếc cày ông Tư”, “Con mương thuỷ lợi”…chỉ nghe đến tên gọi cũng biết là đoản thọ trong vài thập niên. Muốn tồn tại dài lâu, cần những cốt truyện vượt thời gian. Ở phương diện này, dấu mốc đầu tiên có thể kể đến như vở “Mai Thúc Loan” của Phan Lương Hảo.

Dẫu biết khai thác đề tài vượt thời gian, nhưng tại sao “Mai Thúc Loan” cũng không thể trở thành một vở diễn kinh điển được nhiều thời yêu thích? Đó là do kịch bản chưa vượt thời gian.

Từ thực tiễn, có thể rút ra các kết luận dưới đây để giúp công cuộc bảo tồn và phát triển dân ca Nghệ Tĩnh theo hướng sân khấu hóa đi đúng đường và hiệu quả hơn.

a/Kịch hát hóa Dân ca Nghệ Tĩnh là hướng đi đúng để bảo tồn và phát triển dân ca Nghệ Tĩnh.

b/Muốn kịch hát tồn tại vượt thời gian thì trước hết cần những cốt truyện vượt thời gian. Đó phải là những truyện lịch sử, dã sử, truyền thuyết nổi tiếng mọi thời. Nhất là các chủ đề về tình yêu lứa đôi, quê hương, đất nước.

c/Từ cốt truyện lịch sử, để kịch hát sống với thời gian cần có các tác giả tài năng viết kịch bản. Một tác giả tài năng chưa đủ mà phải nhiều tác giả tài năng hợp sức lại. Hợp sức cùng thời. Hợp sức nhiều thời bằng con đường - người đời sau hoàn chỉnh làm hay hơn tác phẩm do người đi trước để lại. Các công trình xây dựng kỳ vĩ, những phương tiện hiện đại như máy bay, tàu thủy, tàu vũ trũ, tên lửa…đều là kết quả của sáng tạo tập thể. Nếu có cá nhân xuất chúng nhiều thời thì đó là đặc ân của tạo hóa. Nhưng bằng tập trung trí tuệ của nhiều tài năng hợp lại cũng tạo nên các sản phẩm xuất chúng. Tại sao các dự án khoa học kỹ thuật, các công trình điêu khắc, kiến trúc, xây dựng, giao thông … có tập thể các nhà khoa học chung tay giải quyết, mà một vở kịch hát không thể là sản phẩm chung của nhiều tác giả tài năng? Muốn có những vở kịch hát trở thành kinh điển, sống qua nhiều thời, thì ngoài cốt truyện vượt thời gian, cần có sự hợp lực của các tác giả viết kịch bản tài năng.

Tóm lại, quá trình Sân khấu hóa dân ca Nghệ Tĩnh trong mấy chục năm qua chưa cho ra được các tác phẩm vượt thời gian là do chưa khai thác các cốt truyện vượt thời gian, và chưa tập hợp được tập thể các tác giả tài năng cùng hợp sức sáng tạo. Đây chính là hai đường hướng sân khấu hóa dân ca Nghệ Tĩnh phải được chú trọng trong thời gian tới.

6. Áp dụng tiến bộ công nghệ để tạo ra các sản phẩm dân ca Ví, Giặm đáp ứng nhu cầu “người tiêu dùng” trong thời đại mới

Một mặt, tiến bộ công nghệ có tác động tiêu cực lên sự phát triển của dân ca, nhưng ở mặt khác, nếu biết thích nghi và vận dụng thì tiến bộ công nghệ là “đồng minh tin cậy” cho sự bảo tồn và phát triển của dân ca. Có thể tóm tắt các ảnh hưởng tích cực chính của tiến bộ công nghệ lên sự bảo tồn và phát triển của dân ca như sau.

a/. Là phương tiện bảo quản giữ gìn các tác phẩm dân ca an toàn và dài lâu cho hậu thế. Với các thiết bị lưu trữ đa phương tiện hiện thời, các tác phẩm dân ca được bảo vệ an toàn, hầu như vĩnh cửu, không sợ bị hư hỏng, thất lạc như trước đây. Sự ra đời các thiết bị công nghệ số hiện đại đã chấm dứt thời kỳ truyền miệng và các hình thức lưu trữ qua sách xuất bản chịu sự thất lạc lớn trước đó.

b/.Giúp cho các tác phẩm dân ca đến được với bất kỳ ai ở bất kỳ đâu vào bất kỳ thời điểm nào khắp hành tinh. Internet và số hoóa cùng các thiết bị đa phương tiện công nghệ mới nhất là các phương tiện vô cùng uy lực mà dân ca không thể bỏ lỡ để quảng bá.

c/.Là công cụ để dân ca có thể tạo ra các tác phẩm mới, đa dạng về hình thái, hấp dẫn về nội dung, ma quái về nghệ thuật với chất lượng vượt trội về âm thanh và hình ảnh, làm say mê người xem và người nghe. Với các khả năng ngoài sức tưởng tượng của con người, tiến bộ công nghệ đang trở thành “nhà phù thuỷ với nhiều phép màu”. Nhiều tác phẩm mới được sáng tác trên nền tảng của tiến bộ công nghệ, như có ma lực, đang làm cho hàng triệu thanh thiếu niên đê mê chìm đắm. Những người hoạt động trong lĩnh vực dân ca Ví Giặm nhất thiết phải theo kịp tiến bộ công nghệ, phải sử dụng tiến bộ công nghệ trong sáng tác, biểu diễn, lưu trữ, quảng bá dân ca Ví, Giặm, phải vận dụng tiến bộ công nghệ để có các tác phẩm mới thu hút thanh thiếu nhi. Đây phải là một hướng trọng tâm trong mục tiêu bảo tồn và phát triển dân ca Ví, Giặm.

Tóm lại, tiến bộ công nghệ, trong đó có trí tuệ nhân tạo, đang giúp cho con người tạo ra các sản phẩm mới vượt trội, để đáp ứng nhu cầu thay đổi của con người trong môi trường mới. Giới sáng tác trong lĩnh vực dân ca Ví, Giặm; phải nhìn thấy đây là cơ hội để phát triển dân ca Ví, Giặm trong những biến thể mới, làm cho dân ca Ví, Giặm trở nên phong phú và có sức sống mạnh mẽ hơn. Không chỉ riêng trong âm nhạc, ca hát, mà trong mọi lĩnh vực, phải nhìn nhận tiến bộ công nghệ, bao gồm trí tuệ nhân tạo, như là một phương tiện uy lực trợ giúp cho con người để mà tận dụng tạo nên kết quả cộng hưởng, chứ không phải sợ hãi, thành ra chống đối mà tự tiêu diệt lẫn nhau. Không sợ hãi, không từ chối, mà không ngừng tích cực áp dụng tiến bộ công nghệ, bao gồm trí tuệ nhân tạo, chính là phương cách hữu hiệu bảo tồn và phát triển dân ca Ví Giặm. Xa lạ với tiến bộ công nghệ, không những không giúp ích gì, mà còn làm tổn thương đến sự phát triển của dân ca Ví Giặm.

7. Cách thức mở rộng hình ảnh quốc tế

Như trên đã đề cập, dân ca Ví, Giặm là đặc trưng văn hóa của người Nghệ. Trong thời đại toàn cầu hóa, nhiệm vụ quan trọng của những người hoạt động trong lĩnh vực văn học nghệ thuật của Nghệ Tĩnh là đưa dân ca Ví, Giặm thành đặc trưng văn hóa nổi bật của người Nghệ Tĩnh đến với bạn bè quốc tế.

a/. Về nội dung

Để giới thiệu dân ca Ví, Giặm ra trường quốc tế cần đến nhiều biện pháp tổng hợp. Ca từ, giai điệu, âm nhạc, vũ điệu, hành động là các phương thức truyền tải văn hóa thông dụng trên bình diện quốc tế. Như Opera, dẫu không hiểu tiếng mà cũng cảm nhận được. Như những bài hát dân gian, dẫu không biết tiếng, qua giai điệu âm hưởng âm nhạc cũng cảm nhận được điều hay. Như múa dân gian chỉ nhìn mắt thôi cũng thấy đẹp thấy thích. Và các chuỗi hành động, dù không cần lời nói, cũng đoán được nội dung.

Cho nên, về nội dung, để giới thiệu dân ca Ví, Giặm ra trường quốc tế, trước hết cần các tác phẩm hay, ngắn gọn, dễ biểu diễn, mà để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng người xem, người nghe. Như đã đề cập ở trên, cần có:

- Các điệu múa đặc trưng kinh điển, đẹp mắt, vui nhộn.

- Các bài hát lay động lòng người.

- Các bài hát thúc dục đám đông.

- Các tiểu phẩm kết hợp âm nhạc, múa và hành động có nội dung hấp dẫn, thú vị, dẫu không biết tiếng. Ở đây, về hành động và nội dung, nên học tập các tác phẩm kinh điển thu hút hàng trăm triệu người qua nhiều thập kỷ của vua hề Chalie Chaplin.

Cùng với đó là các trang phục truyền thống và cách tân, như là các đặc trưng văn hoá bắt mắt, dễ nhận biết.

Các nội dung trên, được xây dựng thành các chương trình với nhiều trường đoạn biểu diễn: từ 30 phút, cho đến 60 phút, 120 phút, 150 phút - tùy hoàn cảnh mà ứng biến. Điều quan trọng nhất là có những tiết mục hay, đẹp, hấp dẫn, thì sẽ chinh phục được khán giả.

b/. Về cách thức giới thiệu

- Qua môi trường Internet. Đây là cách thức nhanh chóng, hiệu quả, có khả năng phục vụ rộng rãi nhiều đối tượng, mọi lúc, mọi nơi. Cần phải đầu tư về nội dung và đầu tư về Marketing.

- Qua các lễ hội. Chẳng hạn như ngày văn hóa hữu nghị kết hợp giữa Việt Nam với các nước, ngày văn hóa Việt Nam ở nước ngoài, các sự kiện khai trương, triển lãm, hội chợ, các chuyến lưu diễn, trao đổi văn hóa… Ở đây cần sự cộng tác và hỗ trợ của các cơ quan ngoại giao các nước, và các tổ chức quốc tế tại Việt Nam, cũng như các đại sứ quán Việt Nam và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

- Kết hợp âm nhạc dân gian với ẩm thực, tạo nên các sự kiện để giới thiệu cho khách du lịch trong nước và quốc tế.

Còn các hình thức khác nữa, mà chỉ có sự sáng tạo không ngừng và nhiệt tình không nguôi ngoai của những người hoạt động trong lĩnh vực văn học nghệ thuật mới có thể phát hiện ra các chân trời phô diễn mới cho dân ca Ví Giặm.

Kết luận

Cuối cùng phải tổng kết lại các điểm quan trọng cần nhấn mạnh.

7.1 - Đưa dân ca Ví, Giặm thành các thành phần trong các lễ hội, nghi lễ…  trở thành phong tục và tập quán của đời sống.

7.2 - Phải sáng tác ra một số điệu múa đặc trưng nổi bật cho dân ca và con người xứ Nghệ, để trình diễn trong nước và quốc tế.

7.3 - Phải sáng tác được những kịch hát vượt thời gian dựa trên các cốt truyện vượt thời gian.

7.4 - Để có được các điệu múa kinh điển và các kịch hát vượt thời gian, phải dựa vào hợp sức sáng tạo của các tài năng trong khuôn khổ các dự án mục tiêu, tương tự như các dự án khoa học công nghệ lớn.

7.5 - Phải am hiểu tiến bộ công nghệ và trí tuệ nhân tạo, để ứng dụng trong sáng tác tạo ra các sản phẩm mới, để biểu diễn, để lưu giữ, để quảng bá dân ca Ví, Giặm ở quốc nội và trên trường quốc tế.

7.6 - Phải không ngừng tìm cách giới thiệu dân ca Ví, Giặm đến với bạn bè quốc tế, làm nổi bật dân ca Ví, Giặm là đặc trưng văn hoá của xứ Nghệ.

7.7 - Chỉ có người Nghệ Tĩnh và những người sống và làm việc tại xứ Nghệ mới có đam mê dâng hiến làm cho dân ca Nghệ Tĩnh trở thành một nền dân ca nổi bật trong bạt ngàn các nền âm nhạc dân gian của nhân loại.

7.8 - Lập “Quỹ phát triển tài năng” để có các tác phẩm xuất sắc, thu hút người tài và để giữ người tài cho dân ca Nghệ Tĩnh.

Trong thời đại số hóa, toàn cầu hóa với sự bùng phát của trí tuệ nhân tạo, đang làm giảm đáng kể số lượng “khách hàng” của dân ca Ví, Gặm, thì không thể không nhắc đến một nhân tố khác, một cách vô tình, có thể biến thành “kẻ thù nguy hiểm” của dân ca Nghệ Tĩnh. Đó là quá trình giảm biên chế bắt buộc, dẫn đến sự hợp nhất các đoàn nghệ thuật dân gian vào một “đơn vị duy nhất”. Nếu chỉ mong giảm biên chế số học, rồi hợp nhất không khoa học, vô tình “nghiệp dư hóa” các đoàn nghệ thuật, thì sẽ đưa đến các hậu quả tai hại. Không riêng trong nghệ thuật, mà trong bất cứ lĩnh vực nào - khoa hoc, công nghệ, kỹ thuật, hay thể thao, thì thành tựu đỉnh cao mới tạo nên động lực phát triển. Mà thành tựu đỉnh cao chỉ có thể có nhờ chuyên nghiệp chọn lọc, đứng trên “hạ tầng” nghiệp dư rộng lớn. Bởi thế, vấn đề ‘nhập tách’ là rất hệ trọng, cần được thảo luận kỹ lưỡng, dưới sự cầm chịch của những người có trình độ chuyên môn tốt, sáng trí, có tầm nhìn xa, đề xuất được các chiến lược phát triển đúng đắn.

Như trên đã nhắc không chỉ một lần, các điều viết ra trong bài này là suy nghĩ bất chợt hiện ra của một người dân bình thường nhìn dân ca Ví, Giặm như là một “đối tượng tiêu dùng”. Đồng thời, ở phương diện khác, là ước mong của “người tiêu dùng” muốn “hàng hóa” là dân ca Ví, Giặm phải được “trình bán” trong nội dung và hình thức nào. Cho nên, các nhạc sĩ, ca sĩ, nghệ sĩ, nhà phê bình, biên kịch, đaọ diễn…trong lĩnh vực dân ca Ví, Giặm hãy cố gắng tiếp cận với quan điểm của “người tiêu dùng”, không so đo với cái chưa đúng, gạn lọc điều có ích để dân ca Ví, Giặm được “người tiêu dùng” ưa chuộng hơn.

Nhưng cũng phải nói thêm, những người sinh ra ở xứ Nghệ được di truyền dân ca Ví, Giặm qua dòng máu mẹ, được dân ca Ví, Giặm ngấm vào tâm hồn ngay từ khi còn trong bào thai, và khi chào đời thì được dân ca Ví, Giặm dưỡng sinh lớn lên. Cho nên, mỗi người dân xứ Nghệ không phải là một “khách hàng vô tâm” của dân ca Ví, Giặm mà là “người tiêu dùng” của dân ca Ví, Giặm và đồng thời cũng là “người nuôi dưỡng” dân ca Ví, Giặm. Nếu Ví, Giặm bị tổn thương, thì tâm hồn mỗi người dân xứ Nghệ bị tổn thương theo. Bởi vậy, cho dù không phải là một nhà chuyên môn về Ví, Giặm; không phải là nghệ nhân hát dân ca Ví, Giặm; không phải nghệ sĩ biểu diễn kịch hát Ví, Giặm, nhưng Ví Giặm đã trở thành một phần “máu thịt” trong mỗi người con xứ Nghệ. Tình yêu của người xứ Nghệ đối với Ví, Giặm rất khác biệt với người dân từ các vùng miền khác.

Dẫu có điều sai, dẫu còn khiếm khuyết, thì sợi chỉ đỏ xuyên suốt, chân thành và mang tinh thần xây dựng, là mong cho dân ca Ví, Giặm không những được bảo tồn, mà còn phát triển mở rộng dưới nhiều hình thái mới, mỗi ngày một rực rỡ hơn, phong phú hơn, nổi bật và ấn tượng hơn trong mắt bạn bè quốc tế.

 

TƯ LIỆU DẪN

[1] https://www.britannica.com/art/folk-music/Performance-characteristics-of-folk-music

[2] https://en.wikipedia.org/wiki/Folk_music

[3] https://vi.wikipedia.org/wiki/Kh%E1%BB%95ng_T%E1%BB%AD

[4] https://vi.birmiss.com/mua-dan-gian-ukraina-gopak-ukraine-mua-dan-gian/

[5] https://duendebymadamzozo.com/dance-around-world/

[6] https://danceask.net/famous-folk-dances-of-ireland/

[7] https://en.wikipedia.org/wiki/Japanese_traditional_dance

[8] Từ dân ca đến kịch hát, Viện Sân khấu Việt Nam, Sở Văn hóa Thông tin Nghệ Tĩnh, 1991

[9] 30 năm sân khấu hóa dân ca Nghệ - Tĩnh, Viện Sân khấu Việt Nam, Sở Văn hóa thông tin Nghệ An, 2002

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114444077

Hôm nay

219

Hôm qua

2309

Tuần này

21890

Tháng này

219251

Tháng qua

112676

Tất cả

114444077