Một số người cao tuổi thuộc cộng đồng người Ơ Đu ở Tương Dương (Nghệ An) cho hay, chiêng chỉ được dùng mỗi năm một lần. Nếu ai đó gõ chiêng không phải dịp đầu năm mới sau khi có tiếng sấm sẽ là thảm họa.
Một số người cao tuổi thuộc cộng đồng người Ơ Đu ở Tương Dương (Nghệ An) cho hay, chiêng chỉ được dùng mỗi năm một lần. Nếu ai đó gõ chiêng không phải dịp đầu năm mới sau khi có tiếng sấm sẽ là thảm họa.
Nghi lễ mừng tiếng sấm của người Ơ Đu. Ảnh: Dương Bình
Người Ơ Đu hầu như chỉ sinh sống ở huyện Tương Dương (Nghệ An) là một trong số 53 dân tộc thiểu số của Việt Nam.
Trước năm 2006, người Ở Đu sinh sống chủ yếu ở Kim Hòa và Xốp Pột, xã Kim Đa, huyện Tương Dương. Nay địa bàn này đã chìm vào lòng hồ thủy điện Bản Vẽ. Người Ơ Đu di dời đến bản Văng Môn xã Nga My (Tương Dương) và một số nơi khác. Theo thống kê của UBND huyện Tương Dương, đến cuối năm 2020, dân tộc Ơ Đu có 135 hộ gia đình với 383 nhân khẩu. Trong đó, bản Văng Môn tập trung 99 hộ với 273 nhân khẩu, chiếm 73,3% số hộ và 71,3% nhân khẩu Ơ Đu, họ sống trong những ngôi sàn bê tông của dự án thủy điện Bản Vẽ xây dựng. Phần còn lại cư trú rải rác cùng các cộng đồng Thái, Khơ Mú ở các xã Xá Lượng, Tam Đình, Thạch Giám, Lượng Minh (Tương Dương), Thanh Sơn, Ngọc Lâm (huyện Thanh Chương).
Trang phục của người Ơ Đu. Ảnh: Dương Bình
Nhiều đặc trưng văn hóa của người Ơ Đu như nhà ở, trang phục, tiếng nói,… đã mai một. Những người già nhất cũng chỉ còn nhớ được chưa đến 300 từ tiếng Ơ Đu. Bà con chủ yếu nói tiếng Thái. Trang phục cũng ít được sự dụng trong đời sống hàng ngày mà chỉ xuất hiện trong các hội diễn, lễ hội. Bộ trang phụ nữ của người Ơ Đu hiện nay cũng đã được thay đổi được cho là sẽ phù hợp hơn với xu thế thời đại. Người Ơ Đu vẫn giữ được những bộ chiêng trong cộng đồng, dù không còn nhiều và chỉ phục vụ cho một số sinh hoạt tâm linh.
Mẫu nhà sàn truyền thống của người Ơ Đu. Ảnh: Dương Bình
Những người cao tuổi ở bản Văng Môn hiện vẫn nhớ được những tập tục xưa của cộng đồng như cách chọn hướng làm nhà, một số tập tục lễ hội, trong đó tiếng chiêng chỉ được vang lên một lần trong năm.
Một cụ ông tên là Lo Văn Phúc từng chia sẻ rằng: Trước kia, khi còn ở chốn cũ (bản Kim Hòa và Xốp Pột, xã Kim Đa - nay đã chìm trong hồ thủy điện Bản Vẽ), bà con vẫn duy trì những tập tục bản địa. Khi nghe thấy tiếng sấm đầu năm, một người trong bản sẽ gõ một hồi chiêng báo cho cả cộng đồng hay tin đã sang năm mới. Lễ hội mừng tiếng sấm, cũng là mừng năm mới sẽ được tổ chức. Sau hội, chiếc chiêng sẽ được cất kỹ để tránh trẻ con hoặc người lớn vô tình đem gõ.
Đồng bào Ơ Đu chuẩn bị lễ vật cho lễ hội đón tiếng sấm đầu năm. Ảnh: Hồ Hà
Cụ Phúc cũng cho hay, người Ơ Đu vốn rất sợ tiếng chiêng nếu nó vang lên trong ngày thường. Bởi tiếng chiêng là tín hiệu giao tiếp của người với thế giới tâm linh, với cõi trời. Tiếng chiêng sẽ khiến nhà trời nhầm tưởng là năm mới đã đến và sẽ xuống trần gian. Vì thế, ai lỡ có gõ chiêng thì nhà đó phải mổ gà lợn để tạ lỗi với các đấng siêu nhiên với thông điệp rằng, đấy là nhầm lẫn, là lỡ tay, phiền các vị về trời cho.
Tuy nhiên, như đã nói ở trên, hiện nhiều nét văn hóa của cộng đồng người Ơ Đu đã mai một. Văn hóa người Ơ Đu gần như đã hòa tan trong những cộng đồng thiếu số sống lân cận như Thái, Khơ Mú. Còn về nỗi sợ tiếng chiêng của người Ơ Đu thì ngoài lời kể của ông Lo Văn Phúc, chưa thấy được nhắc đến ở những tài liệu khác về người Ơ Đu.
2104
2389
2104
219040
121356
114512167