Góc nhìn văn hóa

Vị tướng đảm trọn hai vai “quân sự và chính trị” ghi đậm dấu ấn trên chiến trường Tây Nguyên

Các đồng chí Nguyễn Chánh, Đoàn Khuê, Chu Huy Mân tại Chiến trường Tây Nguyên năm 1965 ( Ảnh Tư liệu)

Trước yêu cầu cấp thiết, ngày 1 tháng 5 năm 1964, Bộ Chính trị Trung ương Đảng quyết định thành lập Mặt trận Tây Nguyên, lấy mật danh là Chiến trường B3. Bộ Tư lệnh gồm Đại tá Nguyễn Chánh (nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 5) làm Tư lệnh và Đại tá Đoàn Khuê (nguyên Phó Chính ủy Quân khu 5) làm Chính ủy. Lực lượng chủ lực của Mặt trận bước đầu gồm có: Tiểu đoàn 407 đặc công, Tiểu đoàn 200 pháo binh, Tiểu đoàn 303 súng máy và một số phân đội bảo đảm, phục vụ. Ngay sau khi thành lập, bộ đội chủ lực Mặt trận Tây Nguyên đã lớn mạnh không ngừng, lập nên những chiến thắng giòn giã: Plei Krong, Tu Mơ Rông, Đăk Tô, Đăk Sut, Lệ Thanh,…

Mùa thu năm 1965, trong khí thế sục sôi đánh Mỹ của cả nước, chiến trường Tây Nguyên có những chuyển biến quan trọng. Xuất phát từ vị trí chiến lược, tình hình chiến tranh phát triển, yêu cầu khẩn trương xây dựng khối chủ lực mạnh nhằm giải phóng bắc Tây Nguyên vào cuối năm 1965, tháng 7 năm 1965, Trung ương Đảng và Quân ủy Trung ương cử Thiếu tướng Chu Huy Mân - Chính ủy Quân khu 5 làm Tư lệnh kiêm Chính ủy Mặt trận Tây Nguyên. Trong hồi ký của ông kể lại, tháng 6 năm 1967, sau thời gian ra Bắc ổn định sức khỏe vì qua nhiều lần sốt rét, gan có vấn đề và báo cáo tình hình, trước khi lên đường trở lại Tây Nguyên, đồng chí đã đến chào Bác Hồ, Bác đã động viên, khen ngợi: “Ở Tây Nguyên chú làm cả nhiệm vụ chỉ huy và công tác chính trị phải không? Chú chịu khó gánh cả hai vai cho khỏe, càng tốt!”. Về đến Tây Nguyên, sau khi nghe ông kể lại câu chuyện, thư ký của ông là Trần Quế liền nói đổi bí danh của ông từ Hồ Thạch Châu sang “Hai Mạnh”. Từ đó, trong các điện và công văn của Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên đều ký tên “Hai Mạnh”.

Một trong các bức điện ký mật danh Hai Mạnh được lưu giữ tại Bảo tàng Quân đoàn 3 

Đoàn cán bộ Quân khu 5 do Chính ủy Chu Huy Mân dẫn đầu lên Tây Nguyên, vào thời điểm này, Sư đoàn kỵ binh không vận số 1 Mỹ đã đưa quân lên chiếm đóng An Khê, chúng bắt đầu mở các cuộc hành quân tìm diệt ở Bình Định và Tây Nguyên. Trước tình hình đó, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương chỉ thị cho chiến trường tranh thủ thời cơ đánh đau quân ngụy, làm suy yếu chỗ dựa bình định không để quân Mỹ rảnh tay tìm diệt, đồng thời sẵn sàng đánh thắng quân Mỹ ngay từ trận đầu, nỗ lực cao nhất đánh bại chiến lược “đánh nhanh, giải quyết nhanh” tiến lên đánh bại chiến lược “chiến tranh cục bộ” của Mỹ. Thực hiện chủ trương chiến lược của trên, Đảng ủy - Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên mở chiến dịch mùa khô năm 1965. Trong cuộc họp Đảng ủy Mặt trận mở rộng do Thiếu tướng Chu Huy Mân chủ trì, sau khi phân tích trên bình diện chiến trường tình hình Mỹ - Ngụy và so sánh lực lượng ta, Đảng ủy Mặt trận xác định chủ trương giải quyết nhiều vấn đề trong đó đặc biệt coi trọng việc xây dựng ý chí quyết tâm dám đánh Mỹ và quyết tâm đánh thắng Mỹ cho bộ đội. Bộ Tư lệnh Mặt trận đã dày công bàn tính, suy đi tính lại, xây dựng kế hoạch tác chiến chiến dịch: thực hành “vây điểm, diệt viện”, lấy đánh địch ngoài công sự là chủ yếu, chọn tiền đồn Plei Me làm điểm vây, đánh Ngụy trước, diệt Mỹ sau, chọn thung lũng Ia Đrăng dưới chân núi Chư Pông là nơi quyết chiến với quân Mỹ. 04 giờ sáng ngày 19 tháng 10 năm 1965, Trung đoàn 33 xuất kích bắt đầu tiến hành vây ép Plei Me. 16 giờ 30 phút ngày 23 tháng 10, chiến đoàn cơ giới địch đi giải vây Plei Me lọt vào trận địa phục kích của Trung đoàn 320, các chiến sĩ ta bắn mãnh liệt vào giữa đội hình địch, chia cắt chúng thành nhiều mảng để tiêu diệt. Các phân đội vây ép của Trung đoàn 33 vẫn giữ vững trận địa để dụ địch ra viện. Từ ngày 24 đến 26 tháng 10, Mỹ liên tục cho lực lượng kỵ binh bay lên Pleiku và thúc quân Ngụy tiếp tục phản kích giải vây cho Plei Me. Xét thấy đã đủ gây cho địch phản ứng dây chuyền, ngày 26 tháng 10, ta quyết định “mở vây” căn cứ Plei Me, chuyển hai trung đoàn 33, 320 bố trí nơi tiện cơ động sẵn sàng đánh quân Mỹ đổ bộ. Những ngày cuối tháng 10 đầu tháng 11 năm 1965, chiến trường Plei Me trở nên hết sức sôi động khẩn trương, không gian chiến dịch được mở rộng tới 1.200 km2. Bộ chỉ huy quân đội Mỹ ở Sài Gòn mở cuộc hành quân đánh sâu vào hậu phương ta, gỡ thế thất bại cho quân Ngụy. Từ ngày 28 tháng 10 đến ngày 6 tháng 11, Mỹ cho quân đổ bộ nhiều vị trí trong khu vực, chúng sử dụng máy bay phản lực, trực thăng vũ trang với mật độ rất cao, hoạt động suốt ngày đếm khống chế khu vực đổ quân. Thủ đoạn chủ yếu của chúng là tập kích vào trục đường vận động, các đoàn vận tải của ta, bắt cóc các phân đội đi lẻ, trạm quân y, phát hiện vị trí trú quân của ta để dùng máy bay oanh tạc.

Hành động của Mỹ và những trận đánh của bộ đội ta vừa qua cho thấy những dự kiến về địch và quyết tâm chiến dịch của ta là chính xác. Ngày 8 tháng 11 năm 1965, Đảng ủy Mặt trận Tây Nguyên họp mở rộng dưới sự chủ trì của Thiếu tướng Chu Huy Mân. Hội nghị đánh giá kết quả giai đoạn một của chinến dịch và xác định mục tiêu đợt chiến đấu tới: Tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, diệt gọn hai tiểu đoàn quân Ngụy hoặc 4 đến 5 đại đội Mỹ. Đảng ủy xác định quyết tâm diệt cả đơn vị nhỏ, đơn vị vừa và đơn vị lớn quân Mỹ. Hội nghị kết thúc trong không khí đoàn kết, thống nhất cao và mọi người đều náo nức, lạc quan, sẵn sàng chấp nhận cho dù có phải hy sinh đến tính mạng của mình để giành thắng lợi.

Thời gian này, tình hình lương thực hết sức khó khăn. Một mặt do nguồn cung cấp khan hiếm, một mặt lực lượng vận tải không đáp ứng nhu cầu, mặt khác một số kho dự trữ chiến dịch bị địch đánh phá. Nguy cơ bộ đội thiếu đói là điều không tránh khỏi nếu không có sự chi viện của trên và nhân dân các tỉnh bạn. Trước tình hình đó, mặc dù trận đánh Mỹ sắp xảy ra, Bí thư Đảng ủy Chu Huy Mân vẫn phải trực tiếp đi Đăk Lăk - một tỉnh đông dân, giàu có nhất Tây Nguyên để vận động Nhân dân đóng góp và vận chuyển lương thực phục vụ chiến dịch. Trước khi đi Đăk Lăk, Thiếu tướng Chu Huy Mân đã làm việc với Tư lệnh phó Nguyễn Hữu An và Chủ nhiệm Chính trị Đặng Vũ Hiệp về việc lập sở chỉ huy tiền phương mặt trận để chỉ huy các đơn vị 33, 320, 66 đón đánh Mỹ. Ông vừa trao đổi vừa chỉ thị: Sư đoàn kỵ binh không vận số 1 là đơn vị mạnh nhất của lục quân Mỹ. Nếu ta đánh thắng nó trong trận này không những chỉ là vấn đề tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch mà nó còn có ý nghĩa to lớn trên nhiều mặt. Điều quan trọng nhất là cổ vũ ý chí và lòng tin đánh thắng Mỹ của quân và dân Tây Nguyên nói riêng, quân và dân cả nước nói chung. Và như vậy, hàng loạt vấn đề chiến lược, chiến dịch, chiến thuật, kỹ thuật cũng sẽ được giải quyết và kết luận cơ bản ở trận đánh này. Quân ủy Trung ương giao cho các lực lượng vũ trang Tây Nguyên phải tiêu diệt cho bằng được một hoặc hai tiểu đoàn Mỹ trong chiến dịch này. Như vậy, nhiệm vụ tiêu diệt gọn đơn vị cỡ tiểu đoàn quân Mỹ là nhiệm vụ lịch sử mà Đảng ta, quân đội ta, Nhân dân ta giao cho quân và dân Tây Nguyên. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, phải bắt tay ngay vào việc triển khai nghị quyết của Đảng ủy Mặt trận làm cho cán bộ, chiến sĩ thấy rõ tính chất quyết liệt của nhiệm vụ lịch sử vẻ vang, để họ nâng cao tinh thần cách mạng, dũng cảm ngoan cường tìm Mỹ mà đánh, gặp Mỹ là diệt. Phải kiên quyết chống tư tường hữu khuynh tiêu cực, ngại ác liệt, khó khăn, sợ hy sinh, chần chừ thoái thác nhiệm vụ. Đặc biệt tác phong chỉ huy và lãnh đạo của cán bộ, nhất là cán bộ chính trị phải sâu sát bộ đội, làm chỗ dựa tinh thần cho bộ đội trong những tình huống ác liệt khó khăn… Máu xương và sinh mạng của chiến sĩ là vô giá, nhưng khi cần thiết vẫn phải hy sinh để giành thắng lợi. Trong trận này dù một đổi một cũng kiên quyết đánh thắng, phải diệt gọn tiểu đoàn quân Mỹ…

Với sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng và kỹ chiến thuật sắc bén của Đảng ủy - Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên mà người chịu trách nhiệm cao nhất là Tư lệnh kiêm Chính ủy Chu Huy Mân, cộng với đó là yếu tố tinh thần của cán bộ, chiến sĩ vững chắc, sau 38 ngày đêm chiến đấu liên tục, ta đã loại khỏi vòng chiến đấu 2.974 tên địch (có khoảng 1.700 tên Mỹ), tiêu diệt tiểu đoàn 2 và đánh thiệt hại nặng Tiểu đoàn 1, Lữ dù 3, Sư đoàn kỵ binh không vận số 1 Mỹ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ lịch sử mà Đảng, Quân đội và Nhân dân giao phó.

Sau chiến thắng Plei Me - Ia Đrăng, một phần do tính chất ác liệt của cuộc chiến, thương vong nhiều, một phần do thời gian hành quân liên tục dài ngày đến chiến trường chiến đấu ngay, thêm vào đó ăn uống kham khổ, thuốc men thiếu thốn đã tác động đến tư tưởng bộ đội. Tháng 12 năm 1965, cơ quan chính trị Mặt trận tổ chức gặp mặt một số dũng sĩ diệt Mỹ tiêu biểu của Trung đoàn 66. Sau bữa cơm chiều khá thịnh soạn có thủ trưởng Bộ Tư lệnh Mặt trận, tinh thần của chiến sĩ cơ bản ổn định, vui vẻ. Nhưng sáng hôm sau, cơ quan kiểm tra thì có một “dũng sĩ” đã đào ngũ. Cơ quan chính trị báo cáo đồng chí Chính ủy Chu Huy Mân, đồng chí nói: “Cậu ta còn trẻ, nông nổi, tâm lý chưa ổn định. Chắc cậu ta hồi tưởng cảnh ác liệt nên hoang mang. Các anh cho một cán bộ và một vệ binh theo đường giao liên ra Bắc tìm cậu ấy về. Nhớ dặn tuyệt đối không được mắng mỏ, dọa nạt, phải ân cần động viên cậu ấy”. Ít hôm sau đó, các đồng chí đi tìm đã gặp và động viên chiến sĩ ấy vui vẻ trở lại đơn vị.

Trước tình hình trên, Ðảng ủy Mặt trận chủ trương tiến hành củng cố bộ đội toàn diện. Trước hết tập trung củng cố ý chí chiến đấu, phẩm chất khí tiết, xây dựng quyết tâm đánh Mỹ đến cùng. 

Thực hiện chủ trương trên, Ðảng ủy - Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên tổ chức lớp chỉnh huấn chính trị trước hết cho cán bộ trung, cao cấp. Trong chỉnh huấn phát động tư tưởng cho cán bộ nói hết tâm tư vướng mắc của mình. Qua đó trao đổi cùng nhau giải quyết, cán bộ trung, cao cấp phải tự giác đề cao tự phê bình và phê bình, mỗi người làm hai bản kiểm điểm, một bản nêu rõ ưu điểm và một bản nêu rõ những suy nghĩ và hành động trái với truyền thống và bản chất cách mạng của Ðảng và Quân đội ta.

Ðây là một cuộc sinh hoạt chính trị nghiêm túc và sâu sắc, một cuộc đấu tranh tư tưởng không khoan nhượng trên lĩnh vực tư tưởng giữa một bên là tư tưởng cách mạng tiến công, quyết tâm đánh Mỹ đến thắng lợi cuối cùng, với một bên là tư tưởng ngại gian khổ hy sinh, dao động, giảm sút ý chí chiến đấu.

Hôm kết thúc chỉnh huấn chính trị, Chính ủy Chu Huy Mân cầm hai tập giấy và nói: "Ðây là bản kiểm điểm của các đồng chí. Phần ưu điểm các đồng chí giữ lấy để phát huy trong hoạt động chiến đấu lâu dài, còn đây là những bản trình bày khuyết điểm, tôi đọc và thấy các đồng chí đã tự phê bình một cách nghiêm túc trách nhiệm chính trị của mình trước Ðảng. Tôi tuyên bố đốt tất cả những bản về khuyết điểm".

Ðợi cho những tờ giấy cuối cùng cháy thành tro, đồng chí Chính ủy Mặt trận mời chính ủy các trung đoàn 33, 66, 320 lên rồi trao cho mỗi đồng chí một sợi dây thừng để trói tù binh Mỹ trong tiếng vỗ tay vang dậy cả một cánh rừng. Với tất cả sự thanh thản đó, toàn Mặt trận bước vào trận chiến đấu mới.

Đối với bộ đội chủ lực là vậy, vấn đề xây dựng hậu phương trực tiếp của chiến trường đặt ra những đòi hỏi bức xúc và được Tư lệnh kiêm Chính ủy Chu Huy Mân đặc biệt quan tâm. Đầu tháng 3 năm 1966, Đảng ủy - Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên đã họp với lãnh đạo tỉnh Kon Tum. Đây là cuộc họp đầu tiên giữa lãnh đạo Mặt trận với lãnh đạo tỉnh Kon Tum để bàn nhiều vấn đề liên quan đến nhiệm vụ tác chiến và công tác xây dựng hậu phương chiến lược tại chỗ theo tinh thần Nghị quyết 12 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Tỉnh Kon Tum lúc bấy giờ có 120 ngàn dân, gồm 14 dân tộc anh em, trong đó số dân sống trong vùng giải phóng là hơn 40 ngàn người chủ yếu trong vùng núi sâu và căn cứ của ta, 70 ngàn người sống trong vùng địch tạm thời kiểm soát và 10 ngàn dân sống trong vùng tranh chấp. Mặc dù là một tỉnh nghèo, đời sống còn thiếu đói nhưng Nhân dân vẫn dành gạo cho cách mạng, cho bộ đội. Trao đổi với lãnh đạo tỉnh Kon Tum, Thiếu tướng Chu Huy Mân đề nghị tỉnh cần tập trung giải quyết một số vấn đề chủ yếu vừa cấp bách, vừa mang tính chất cơ bản lâu dài đối với tỉnh Kon Tum nói riêng và Tây Nguyên nói chung: Nhiệm vụ trên giao cho Kon Tum và Tây Nguyên là chiến trường có điều kiện tiêu diệt lớn quân địch, không phải một năm mà nhiều năm. Để làm tròn nhiệm vụ nặng nề nhưng rất vẻ vang trên, trước hết trong trường hợp nào cũng phải giữ được dân, vận động Nhân dân bám địa phương không bỏ chạy đi nơi khác và thực hiện việc “cấy dân” ở những địa bàn trọng điểm. Có dân ta mới xây dựng được căn cứ, xây dựng được hậu phương. Muốn giữ được dân, cần tập trung giải quyết vấn đề đời sống cho Nhân dân trên cơ sở động viên Nhân dân đẩy mạnh sản xuất lương thực toàn diện, nhưng lấy cây mì (sắn) là chủ yếu. Một vấn đề hết sức quan trọng là chăm lo xây dựng cơ sở chính trị ở mọi nơi, thực hiện tốt chính sách của Đảng, đặc biệt là hai chính sách lớn: chính sách dân tộc và chính sách tôn giáo. Đồng chí cũng đặc biệt lưu ý đến công tác địch vận, đây là chủ trương lớn của Đảng, các cấp, các ngành, cả bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích đều phải tham gia tuyên truyền vận động gia đình và sĩ quan, binh lính ngụy quân, ngụy quyền quay về với cách mạng.

Từ sau cuộc họp giữa Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên với lãnh đạo tỉnh Kon Tum, tình hình chung có sự chuyển biến tích cực. Bộ đội bước vào chuẩn bị cho đợt chiến đấu Xuân Hè 1966. Lãnh đạo tỉnh Kon Tum kịp thời đề ra một kế hoạch toàn diện lâu dài trên nhiều lĩnh vực, có nhiều kết quả vượt xa so với dự kiến.

Một kỷ niệm trong tập truyện ký Tây Nguyên ngày ấy của Bác sĩ, Anh hùng LLVTND Lê Cao Đài kể rằng, ngày 2 tháng 5 năm 1966, Đoàn cán bộ Bệnh viện 211 vào đến điểm tập kết khu vực giáp biên giới của ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia, thường được gọi là vùng Ngã ba biên giới. Tư lệnh kiêm Chính ủy B3 Chu Huy Mân gửi thư cho Đoàn. Bức thư ngắn gọn nhưng súc tích. Trong thư, đồng chí thay mặt cán bộ chiến sĩ Tây Nguyên hoan nghênh Bệnh viện đã vào tới chiến trường và căn dặn: Từ hậu phương vào tiền tuyến; từ thao trường, học viện vào chiến trường thì việc nhuần nhuyễn với thực tiễn, thích ứng với hoàn cảnh chiến trường là nhiệm vụ hàng đầu…

Lời căn dặn và cũng là chỉ thị của người đứng đầu Mặt trận Tây Nguyên ngay từ ngày đầu vào chiến trường của Viện 211 đã thôi thúc cán bộ, chiến sĩ, nhân viên bệnh viện khắc phục khó khăn, vận dụng kiến thức vào thực tiễn chiến trường đáp ứng yêu cầu tác chiến ngày càng lớn của Mặt trận cho đến ngày toàn thắng.

Đồng chí Chu Huy Mân tại Sở chỉ huy Mặt trận Tây Nguyên năm 1967 

Viết về Đại tướng Chu Huy Mân - vị tướng đảm trọn hai vai “quân sự và chính trị” trên chiến trường Tây Nguyên, mặc dù thời gian trực tiếp lãnh đạo, chỉ huy Mặt trận Tây Nguyên chỉ hai năm (1965 - 1967) nhưng đó là cả một câu chuyện dài và rất nhiều tình tiết cả về công tác quân sự và chính trị luôn có tính thời sự cả trong kháng chiến trước đây và xây dựng quân đội ngày nay. Lớp lớp cán bộ của Mặt trận Tây Nguyên - Quân đoàn 3 đã và đang mãi mãi khắc ghi, học tập và làm theo.

Để kết thúc bài viết này, xin được trích lại lời của Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi nói về Đại tướng Chu Huy Mân: "Tài thao lược của đồng chí Chu Huy Mân ở hai mặt trận Quân khu 5 và Tây Nguyên (B3) đã góp phần làm nên nhiều chiến công vang dội; ông luôn nêu cao tinh thần quyết chiến quyết thắng, dũng cảm, sáng tạo hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng Tổ quốc, ông là một cán bộ cấp cao tiêu biểu cho Đảng, Nhà nước, Quân đội, một tướng lĩnh xuất sắc, chính trị quân sự song toàn của Quân đội và nhân dân ta, một tấm gương sáng cho toàn quân, toàn dân học tập noi theo"./.

*Giám đốc Bảo tàng Binh đoàn Tây Nguyên.

Tài liệu tham khảo:

          - Lịch sử Bộ đội chủ lực Tây Nguyên - Quân đoàn 3 (1964 - 2005);

          - Thời sôi động, Đại tướng Chu Huy Mân;

          - Sống mãi cùng ký ức Tây Nguyên, Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp;

- Tây Nguyên ngày ấy, Lê Cao Đài.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511082

Hôm nay

281

Hôm qua

2359

Tuần này

21456

Tháng này

217955

Tháng qua

121356

Tất cả

114511082