Chương trình nghệ thuật “Hào khí Sông Lam” chào năm mới 2024. Ảnh: Hoàng Nguyên
Quan điểm của Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam
Trong suốt quá trình vận động cách mạng, Đảng ta đặc biệt coi trọng văn hóa, nhất là yếu tố con người. Năm 1943, lần đầu tiên Đảng Cộng sản Việt Nam đưa ra một cương lĩnh văn hóa, trong đó xác định rõ ba nguyên tắc: “Dân tộc hóa”; “Đại chúng hóa”; “Khoa học hóa”; sự nghiệp văn hóa là của toàn dân, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng (1). Trong xây dựng văn hóa, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp, với các đặc tính cơ bản: yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo. Năm 2014, sau khi tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về văn hóa, Hội nghị Trung ương 9 khóa XI của Đảng đã ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước (sau đây gọi là Nghị quyết số 33-NQ/TW), Đảng đã chỉ rõ: “Xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học”. Lấy chuẩn mực đạo đức, lối sống và nhân cách làm thước đo đánh giá con người trong quan hệ ứng xử với tự nhiên, xã hội, hướng tới giá trị nhân văn, có thế giới quan khoa học. Đảng yêu cầu: “Nâng cao trí lực, bồi dưỡng tri thức cho con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, của kinh tế tri thức và xã hội học tập”. “Xây dựng và phát huy lối sống “Mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người”; hình thành lối sống có ý thức tự trọng, tự chủ, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, bảo vệ môi trường”. Đây là lối sống thể hiện bản chất chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta, thể hiện mối quan hệ “cái chung” và “cái riêng”, đặt “cái ta” lên trên “cái tôi”, đề cao trách nhiệm cá nhân đối với bản thân, gia đình và xã hội. Đại hội XIII của Đảng tiếp tục bổ sung, hoàn thiện đường lối, quan điểm của Đảng ta về phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước: “giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế (2). Việc xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam là quá trình kết hợp nhuần nhuyễn, vừa xác lập những giá trị văn hóa, chuẩn mực đạo đức mới, vừa khơi dậy những giá trị chuẩn mực đạo đức, tinh thần và ý chí quyết tâm, tiềm năng, thế mạnh, sức sáng tạo của con người Việt Nam, tạo động lực thúc đẩy đất nước phát triển bền vững, dân tộc cường thịnh, trường tồn.
Thực tiễn xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam tại Nghệ An
Xứ Nghệ nằm trong vùng hiểm yếu, đất rộng, khí hậu khắc nghiệt, được xem là tiểu vùng văn hóa độc đáo của Việt Nam. Từ xa xưa, người dân xứ Nghệ đã phải vật lộn với thiên nhiên để tồn tại và phát triển. Từ trong khó khăn, cằn cỗi, khắc nghiệt ấy đã hình thành đức tính cần cù, tiết kiệm; kiên cường trung dũng, chí khẳng khái, lý tưởng, hoài bão; lòng tự tin, ý chí tiến thủ, tinh thần trách nhiệm trong công việc, trong cuộc sống. Nghệ An là vùng đất học, có nền tảng tri thức tốt và sức sáng tạo. Nếu biết phát huy những phẩm chất truyền thống đó, sẽ là tiền đề để người Nghệ phát huy những giá trị tốt đẹp, truyền thống, đức tính vốn có của mình, để khẳng định bản thân, để hội nhập và phát triển. Vì vậy, trong những năm qua, công tác xây dựng và phát triển văn hóa, con người là một trong những nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của hệ thống chính trị, luôn được các cấp, ngành, địa phương của tỉnh quan tâm thực hiện. Sau khi Nghị quyết 33-NQ/TW ra đời, Nghệ An đã ban hành nhiều văn bản, nhiều chương trình, đề án, tổ chức nhiều cuộc hội thảo và đưa các quy định về xây dựng con người văn hóa, gia đình văn hóa vào hương ước, quy ước của khu dân cư thực hiện, góp phần cụ thể hóa chủ trương xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.
Nghị quyết số 33-NQ/TW là cơ sở để Nghệ An xây dựng con người mới phát triển toàn diện theo Nghị quyết 05-NQ/TU, ngày 14/12/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh. Con người mới phải có lòng trung thành, chính trực, có lý tưởng yêu nước; có lối sống lành mạnh, giản dị, phong cách khoa học, khẩn trương, trách nhiệm, có tinh thần đổi mới, sáng tạo. Con người mới phải đặt công việc lên trên hết, có nhân cách, đạo đức, bản lĩnh, trung thực và đoàn kết, chống chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa cơ hội dưới mọi hình thức. Với mục tiêu đó, tỉnh Nghệ An đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả 6 nhiệm vụ: xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hóa; Phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa; chủ động hội nhập quốc tế về văn hóa, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Trong đó, tập trung nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, tạo điều kiện để phát triển về nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong cộng đồng, đề cao tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, lương tâm, trách nhiệm của mỗi người trong gia đình, trường học, cơ quan, đơn vị và trong xã hội. Chỉ đạo các ngành chức năng tiếp tục thực hiện phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Cấp ủy, chính quyền các cấp đã cụ thể hóa thông qua nội quy, quy chế, các quy định chuẩn mực về đạo đức, tác phong, lề lối làm việc của cán bộ, đảng viên, công chức. Chú trọng công tác bảo tồn và phát huy các phong tục tập quán, nghi lễ văn hóa truyền thống tốt đẹp của từng địa phương và đồng bào các dân tộc thiểu số. Phát triển những sản phẩm văn hóa phục vụ du lịch và khai thác, phát huy thế mạnh các di sản văn hóa kết hợp với phát triển du lịch, dịch vụ được các địa phương thực hiện tích cực.
Biểu diễn nghệ thuật trong ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam (19/4) tại huyện Quỳ Châu
Nhờ những bước chỉ đạo, triển khai thực hiện hiệu quả đó, đến nay, tư tưởng, đạo đức và lối sống - yếu tố then chốt của văn hóa đã có những chuyển biến tích cực. Đời sống văn hóa của Nhân dân ngày càng phong phú, nhiều giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc được phát huy, nhiều chuẩn mực văn hóa được hình thành, sản phẩm văn hóa, văn học nghệ thuật ngày càng phong phú, đa dạng và chất lượng, nhiều phong trào hoạt động văn hóa đạt được kết quả thiết thực. “100% trường học (từ mầm non đến trung học cơ sở) thực hiện chương trình đưa dân ca Ví, Giặm, văn hóa, lịch sử địa phương vào trường học; tổ chức các hội thi, liên hoan văn nghệ, dân ca Ví, Giặm nhằm khơi dậy tình yêu, lòng đam mê đối với di sản văn hóa của nhân loại, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc”; “Việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy các di tích lịch sử, di sản văn hóa vật thể, phi vật thể và nhiều giá trị văn hóa khác ngày càng được chú trọng hơn” (3). Nhiều giá trị truyền thống văn hóa, gia đình, dòng tộc cộng đồng; Tinh thần đoàn kết, nhân nghĩa, lối sống “mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người” được phát huy mạnh mẽ qua các phong trào “Tết vì người nghèo”, “Lá lành đùm lá rách”, “Quỹ vì người nghèo”, “Khu dân cư chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”, ủng hộ đồng bào bị thiên tai, lũ lụt, đoàn kết, sẻ chia trong phòng, chống đại dịch Covid-19. Năm 2023, là năm thứ 10 tỉnh Nghệ An tổ chức chương trình “Tết vì người nghèo”, tỉnh đã kêu gọi được gần 590 tỷ đồng chăm lo Tết cho hàng trăm nghìn hộ nghèo. “Kết quả ủng hộ này là một trong những minh chứng sinh động nhất khẳng định truyền thống đạo lý tốt đẹp “thương người như thể thương thân”, cuộc sống dù còn khó khăn nhưng trọng nghĩa tình của người dân xứ Nghệ”(4). Trong hai năm đại dịch Covid 19, Nghệ An huy động và phân bổ từ nguồn ngân sách cho công tác phòng, chống dịch Covid 19 gần 1.351 tỷ đồng (cả tiền mặt và hiện vật quy đổi thành tiền)(5). Xây dựng tốt môi trường văn hóa, giáo dục “duy trì được nền tảng văn hóa cơ sở, bảo tồn và phát huy được các giá trị văn hóa truyền thống, bản sắc của Xứ Nghệ. Một số lĩnh vực từng bước định hình là trung tâm vùng. Giáo dục mũi nhọn tiếp tục khẳng định vị trí tốp đầu cả nước, chất lượng nguồn nhân lực được nâng lên”(6). Trong giai đoạn 2013 - 2023, toàn tỉnh có 1.087 học sinh đạt giải HSG quốc gia…liên tục đạt tốp đầu học sinh giỏi quốc gia, quốc tế(7). Riêng năm học 2022- 2023, với 87 giải chia đều cho tất cả các môn thi, Nghệ An là địa phương đứng thứ 2 cả nước về số lượng học sinh giỏi quốc gia 2023(8). Thể lực, tầm vóc con người Nghệ An, mức hưởng thụ văn hóa tinh thần của Nhân dân ngày càng được nâng lên; nhiều giá trị truyền thống tốt đẹp, bản chất chịu thương, chịu khó, cần cù, tiết kiệm, chân chất, mộc mạc, bộc trực, thẳng thắn, đùm bọc, tương thân, tương ái... được duy trì, phát huy. Cùng với sự thông minh, hiếu học của người Nghệ đã tạo nên thế hệ trẻ có hàm lượng tri thức cao, năng động, sẵn sàng tiếp nhận và sáng tạo nên những tiến bộ khoa học kỹ thuật, đáp ứng được yêu cầu của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tiếp cận, lĩnh hội và thâm nhập nhanh với thể giới bên ngoài.
Yêu cầu của hội nhập và một số giải pháp được đưa ra
Với quan điểm con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất và mục tiêu của sự phát triển; lấy giá trị văn hóa, con người Việt Nam làm nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững, việc phát huy giá trị văn hóa gắn liền với giữ gìn, bảo vệ, hoàn thiện hệ giá trị chuẩn mực con người và khơi dậy tiềm năng, trí tuệ, sức sáng tạo của con người là vấn đề hết sức quan trọng. Mọi hoạt động văn hóa, quan hệ văn hóa, thiết chế văn hóa đều hướng vào bổ sung, hoàn thiện hệ giá trị, chuẩn mực, khắc phục những hạn chế, nhược điểm; bồi đắp cho con người phát triển toàn diện cả về phẩm chất, năng lực; củng cố tình yêu quê hương, đất nước, giá trị nhân văn. Những hoạt động đó hướng tới: “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa, con người Việt Nam thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”(9). Nhấn mạnh vấn đề này để thấy rằng: trong giai đoạn hội nhập hiện nay, vấn đề lớn nhất hạn chế sự phát triển toàn diện của người Nghệ đó là tính cách cực đoan, cứng nhắc, thiếu mềm dẻo trong quá trình hội nhập. Vì vậy, người Nghệ cần tăng khả năng linh hoạt, thích ứng, và tinh thần sáng tạo. Để thực hiện được điều này, các cấp ủy, chính quyền các cấp cần quan tâm thực hiện tốt một số giải pháp sau:
Thứ nhất, quan tâm xây dựng hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người xứ Nghệ, tăng cường truyền thông về phẩm chất và tính cách Nghệ, chỉ rõ những hạn chế, những tính cách không phù hợp, cản trở hội nhập và phát triển. Quan điểm phát triển toàn diện con người bắt đầu từ phát triển toàn diện trẻ em, vì vậy, cần đưa nội dung người Nghệ, phẩm chất và tính cách vào chương trình giáo dục địa phương ở các cấp học một cách phù hợp, để giáo dục học sinh tự nhận biết cái hay, cái dở của tính cách người Nghệ, tự điều chỉnh, để hội nhập tốt hơn. Quan tâm các chính sách, tạo môi trường, tập hợp người tài Nghệ An cho khoa học và công nghệ, cho quản trị, cho việc làm giàu để phát huy điểm mạnh, khắc chế, hạn chế điểm yếu trong tính cách người Nghệ. Điều này không chỉ bảo tồn các giá trị tốt đẹp của người Nghệ, mà còn làm cho người Nghệ ngày càng thích nghi, phù hợp hơn với điều kiện kinh tế - xã hội mới.
Thứ hai, xây dựng môi trường văn hóa trong sạch, lành mạnh. Để thực hiện tốt điều này cần “Có cơ chế, chính sách, giải pháp để xây dựng môi trường văn hóa thật sự trong sạch, lành mạnh, cải thiện điều kiện hưởng thụ văn hóa của Nhân dân”(10). Chú trọng phát huy vai trò của gia đình, cộng đồng, xã hội tạo sức mạnh tổng hợp để xây dựng môi trường văn hóa tốt đẹp, lành mạnh, nhằm: “Phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam; khơi dậy mạnh mẽ khát vọng phát triển của dân tộc, tinh thần yêu nước, tự hào, ý chí tự cường và lòng nhân ái, tinh thần đoàn kết, đồng thuận xã hội; xây dựng môi trường và đời sống văn hóa phong phú, đa dạng, văn minh, lành mạnh, hội nhập quốc tế”(11). Mặt khác cần quan tâm việc “Xây dựng và thực hiện các chuẩn mực văn hóa trong lãnh đạo, quản lý. Chú trọng xây dựng môi trường văn hóa công sở lành mạnh, dân chủ, đoàn kết, nhân văn; đẩy lùi bệnh quan liêu, bè phái, mất đoàn kết, chủ nghĩa cơ hội và thực dụng. Xây dựng văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân và kinh doanh”(12)..
Thứ ba, phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, bảo đảm vừa phát huy những giá trị tốt đẹp của dân tộc, vừa tiếp thu những tinh hoa văn hóa nhân loại, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế”. Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Nghệ An khóa XIX cũng đã chỉ rõ: “Phát huy truyền thống lịch sử, văn hóa, con người xứ Nghệ, ý chí tự cường và khát vọng vươn lên; chủ động đổi mới, sáng tạo, đưa Nghệ An phát triển nhanh và bền vững”. Cần quan tâm cơ chế, chính sách phát huy tinh thần cống hiến vì quê hương, đất nước; mọi chính sách của Đảng, Nhà nước đều phải hướng vào nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và hạnh phúc của Nhân dân. Nghị quyết số 39-NQ/TW đề cập một cách nhất quán, sâu sắc, toàn diện về vấn đề phát huy nhân tố con người. Trong quan điểm chỉ đạo đã khẳng định nhân tố con người là quan trọng nhất, “lấy con người làm trung tâm”, đồng thời chủ trương “phát huy cao độ truyền thống lịch sử, văn hóa xứ Nghệ, tiềm năng, thế mạnh về con người để xây dựng và phát triển Nghệ An toàn diện” để “đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân đạt mức cao...”. Phát huy nhân tố con người trong hệ thống chính trị để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; nâng cao vai trò quản lý, phục vụ, kiến tạo phát triển của chính quyền các cấp; nâng cao chất lượng, hiệu quả của các tổ chức chính trị - xã hội; củng cố niềm tin của Nhân dân đối với cấp ủy, chính quyền, tạo sự đoàn kết nhất trí trong Nhân dân. Đây là cơ sở, động lực khơi dậy ý chí, khát vọng xây dựng tỉnh Nghệ An giàu mạnh, tạo niềm tin vững chắc trong Nhân dân, chủ động triển khai thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp mà Nghị quyết 39-NQ/TW đã đề ra./.
(Bài đã đăng VHTT Nghệ An số Tết Giáp Thìn - Tháng 01/2024)
-------------------------
Tài liệu tham khảo
(1). Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t. 7, tr. 320
(3). Báo cáo số 494-BC/TU, ngày 10 tháng 7 năm 2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về kết quả 05 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước
(4). Trích bài phát biểu của Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Đức Trung, theo https://nghean.dcs.vn/vi-vn/tin/nghe-an--hon-131-ty-dong-ung-ho-tet-vi-nguoi-ngheo-xuan-quy-mao-2023/239475-139237-515581
(5). https://quochoi.vn/pages/tim-kiem.aspx?ItemID=71830
(6). Đề án số 21-ĐA/TU, ngày 14/11/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 30/7/2013 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020, tr.49-tr.52.
(7). https://baonghean.vn/nhin-lai-10-nam-thuc-hien-doi-moi-can-ban-toan-dien-giao-duc-va-dao-tao-theo-tinh-than-nghi-quyet-29-nqtw-o-nghe-an-post271467.html
(8). https://truyenhinhnghean.vn/giao-duc/202303/nghe-an-dung-thu-2-trong-ca-nuoc-ve-so-hoc-sinh-gioi-quoc-gia-2023-d4713f7/#:~:text=eMagazin
(2) (9); (10); (11); (12) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, t. I, Hà Nội, 2021, tr. 202; tr. 115 - 116; tr. 114; tr. 221-222; tr. 114
2283
2336
21994
218493
121356
114511620