Góc nhìn văn hóa
Xuân về lại nhớ ông đồ Nghệ
Hình ảnh Ông Đồ với áo the, khăn đóng viết chữ thư pháp ở Khu Di tích Kim Liên đã trở thành một nét văn hóa đặc trưng trên Quê Bác trong những ngày đầu xuân mới. Mỗi bức tranh chữ Thư pháp mang một ý nghĩa riêng được du khách rất yêu thích. Ảnh: THNA
Thật vinh dự và tự hào khi nói tới các ông Đồ của đất nước ta. Chúng ta có ông Đồ Bắc, ông Đồ Nam, ông Đồ Quảng, ông Đồ Thanh và... ông Đồ Nghệ. Mỗi ông Đồ mỗi vẻ, mỗi bản sắc, mỗi tính cách, nhưng đều giống nhau ở chỗ, họ có cùng nhân cách là ông Đồ Nho chân chính, những nhà giáo chân chính, những sỹ phu chân chính. Đức của các ông Đồ đầy lòng nhân ái, tài của họ là biết chắt lọc những gì là tinh hoa của đất nước để qua việc dạy chữ mà dạy đạo làm người, dạy con người biết “Ấu nhi học, tráng nhi hành” (Lúc trẻ đi học, lớn lên giúp đời, cứu nước). Tính cách chung ấy, nhân cách chung ấy đã thể hiện qua nhiều bài thơ mà Nhân dân ta ca ngợi và tôn vinh các ông Đồ. Trong bài “Văn tế Phan Chu Trinh”, chí sĩ Phan Bội Châu đã viết:
“Vận nước gặp cơn dâu bể, đeo vai thân sỹ, còn lòng đâu áo mũ xênh xang/Thói nhà chăm nghiệp bút nghiên, dấu mặt hào hùng, khi tạm cùng khoa trường đeo đuôi ”...
Đó là hình tượng những ông Đồ đã nêu cao khí phách anh hùng, hy sinh xương máu vì nghĩa lớn. Những ông Đồ khi Tổ quốc cần vẫn xếp bút nghiên theo việc binh đao, cứu dân, cứu nước.
Đất nước và Nhân dân tôn vinh các ông Đồ, biết ơn các ông Đồ, vì các ông Đồ đã đào tạo và rèn luyện cho đất nước biết bao nhân tài. Tinh hoa, bản sắc và khí tiết của các ông Đồ mãi mãi còn lưu truyền trong lòng Nhân dân ta. Trong bài thơ “Gửi bạn Xứ Nghệ”, nhà thơ Huy Cận viết:
“Dân thời đại Bác Hồ/Sống xã hội chủ nghĩa/Vẫn dáng dấp ông Đồ/Hay chữ lại hay nghĩa”...
Hầu hết các ông Đồ xuất thân từ nhân dân lao động ở nông thôn và thành thị, là những anh học trò nghèo ngày xưa, Nhân dân ta tôn vinh gọi là các “anh học, anh nho, anh sỹ”, vì các ông Đồ ấy theo học cho hiểu chữ thánh hiền, theo nghiệp bút nghiên, khoa cử, phấn đấu thành “ông Nghè, ông Cống”. Song, nếu không đỗ đạt thành “ông Nghè, ông Cống”, họ vẫn có đủ điều kiện và kiến thức làm thầy Đồ Nho, dạy học trò. Nhân dân ta tôn vinh họ như:
“Ông Nghè, ông Cống sống bởi ngọn khoai
Anh học, anh Nho nhai hoài lộc đỗ”...
Họ càng học càng thông minh, càng giỏi. Nhiều người thi đỗ đại khoa, được Nhân dân tôn vinh qua câu đối:
“Sáng khoai, trưa khoai, tối khoai, khoai ba bữa
Cha đỗ, con đỗ, cháu đỗ, đỗ cả nhà”.
Những câu đối trên, Nhân dân ta tôn vinh ông Đồ Nghệ trong việc hiếu học, cần cù, khổ học thành tài. Những ông Đồ xứ Nghệ đã vượt qua cái nghèo đói, khổ cực nhất của quê hương xứ sở để học thành tài. Xứ Nghệ xưa nổi tiếng đói nghèo, lam lũ, tối tăm mà vẫn sản sinh biết bao ông Đồ Nghệ cống hiến và đào tạo biết bao nhân tài cho đất nước. Hàng trăm ông Đồ xứ Nghệ chiếm vị trí cao trong các khoa thi Hương, thi Hội, thi Đình và đã trở thành những người thầy uyên bác, làm vẻ vang cho đất nước.
Chúng ta nhớ mãi hình ảnh thầy khóa và ông Đồ Nho hiện lên rất đẹp trong bài thơ “Chợ Tết” của Đoàn Văn Cừ:
“Một thầy khóa gò lưng trên tấm phản
Tay mài nghiên hý hoáy viết thơ xuân
Cụ Đồ Nho đứng lại vuốt râu cằm
Miệng nhẩm đọc vài hàng câu đối đỏ”...
Ngoài việc dạy ở trường, nhiều ông Đồ còn sống với dân để giúp dân, ví như thầy xem giờ tốt, ngày tốt, ngày xấu, bày cho dân việc hiếu hỷ, cách phòng trừ và chữa bệnh. Có thể nói, ông Đồ xưa rất đa tài. Tết đến, xuân về, dân đến xin thầy đôi câu đối mừng xuân. Có ma chay, tang lễ, dân xin thầy bài văn tế. Thầy Đồ còn là một nhà lương y, khi cần thầy bốc thuốc, chữa bệnh cứu người... Có thể nói, thầy Đồ là linh hồn đời sống tinh thần của người dân nông thôn. Châm ngôn xử thế và hành động của các ông Đồ được thể hiện qua câu đối sau:
“Bảng vàng chỉ để nêu tên tuổi
Lòng đỏ từng đem hiến núi sông”.
Xứ Nghệ, mảnh đất “địa linh” này đã sản sinh không biết bao nhiêu “nhân kiệt” là những ông Đồ, sỹ phu yêu nước, đời đời làm rạng danh Tổ quốc. Những ông Đồ xứ Nghệ, những sĩ phu xưa vừa là nhà giáo, vừa là chiến sĩ, vừa là nghệ sĩ. Không phải ai cũng trở thành nhà văn, nhà thơ, nhưng số đông các ông đồ xứ Nghệ xưa đều được học hành khoa cử, đỗ đạt cao, nên họ có thêm vũ khí sắc bén là văn thơ yêu nước. Tiêu biểu như: Phan Bội Châu, Nguyễn Xuân Ôn, Đặng Thái Thân, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Trường Tộ, Phan Đình Phùng, Nguyễn Sinh Sắc, Ngô Đức Kế.v.v…
Ông Đồ Nghệ là niềm tự hào, là vinh dự lớn cho xứ Nghệ và đất nước, là chỗ dựa và nền tảng vững chắc để lớp lớp con cháu và các thế hệ sau này noi theo và tiếp nối./.
(Bài đã đăng VHTT Nghệ An Số tết Ất Tỵ - Tháng 01/2025)
tin tức liên quan
Videos
Cuộc chiến với dục vọng
Thác khe Kèm
Có phải Vinh là lỵ sở của Nghệ An từ năm 1804?
Dấu tích Nguyễn Du ở Huế
Ngành Văn hóa và Thể thao trao quà Tết cho các hộ nghèo trong tỉnh
Thống kê truy cập
114535052
288
2398
2914
2114318255
120069
114535052