Người xứ Nghệ

Nguyễn Thiếp và Nguyễn Hữu Chỉnh: Hai văn tài ở hai đầu xứ Nghệ

         Từ nhiều phương diện, có thể coi sự đột hiện của vương triều Tây Sơn là một sự kiện kì lạ trong tiến trình lịch sử Việt Nam. Liên quan đến triều đại này có nhiều cá nhân đặc biệt với những số phận đặc biệt, trong đó không ít người đã để lại cho đời những tác phẩm văn học có giá trị. Dưới đây chúng tôi giới thiệu vài nét về văn chương của hai nhân vật ở hai đầu xứ Nghệ: Nguyễn Thiếp và Nguyễn Hữu Chỉnh.

     

 

 

            Nguyễn Thiếp sinh ngày 25 tháng 8 năm Quý Mão (1723), mất năm 1804. Quê quán ở làng Mật, xã Nguyệt Ao, tổng Lai Thạch, huyện La Sơn (nay là Can Lộc, Hà Tĩnh),hiệu Khải Xuyên, Lạp Phong cư sĩ, Bùi Phong cư sĩ, Hạnh Am tiên sinh, La Sơn tiên sinh, Lục Niên tiên sinh, La Sơn phu tử, nổi tiếng thông minh, học rộng, hiểu sâu, lại từng được lịch trải nhiều nơi; thờ học nhiều bậc thầy lỗi lạc, giao du với nhiều người tài hoa như Nguyễn Nghiễm, Nguyễn Khản(1) (với Khản, ông vừa là đồng học, vừa là đồng hao), Bùi Huy Bích(2), Ngô Phúc Lâm(3), Phan Khiêm Thụ(4), Phạm Nguyễn Du(5)… Hai mốt tuổi đỗ Hương giải, nhưng ông đột ngột bỏ lối học cử nghiệp, chuyên đọc sách kinh điển của nho gia, sống một cuộc sống tự do tự tại. Ngoài 30 tuổi, vì nhà nghèo, còn mẹ già phải phụng dưỡng nên ra làm quan, sau lại từ quan quy ẩn trên núi Thiên Nhẫn gần 20 năm. Ông từng từ chối lời mời của chúa Trịnh nhưng lại chống gậy xuống núi giúp rập nhà Tây Sơn khi đã ngoại lục tuần, sau ba lần khước từ chiếu cầu hiền của Nguyễn Huệ.

            Có lẽ những thập niên loạn lạc, mối rường đổ nát ở thế kỉ XVIII đã chặn đứng khát vọng kinh bang tế thế của Nguyễn Thiếp. Và nỗi thất vọng hiền minh về hiện thực đã đưa ông đến quyết định khó khăn: từ bỏ con đường cử nghiệp để làm một ẩn sĩ. Thơ Nguyễn Thiếp trước hết thể hiện tình cảm của một người không màng lợi danh phú quý. Nguyễn Trãi và Nguyễn Bỉnh Khiêm tìm về thiên nhiên, một phần, để trút xả những buồn giận và thất vọng, hoặc để cố quên thế sự (mà không quên được), nên trong những rung động tinh tế của họ trước cảnh vật, vẫn bợn lên tâm tình u uất về lẽ đời, những chiêm nghiệm về cuộc sống. Với thời gian làm quan ngắn ngủi, mà cũng chỉ là chức quan bé mọn ở những nơi khuất hẻo, chưa phải tận mắt chứng kiến những xấu xa thối nát chốn quan trường ở những quan hệ đa chiều, phức tạp, Nguyễn Thiếp đến với thiên nhiên về cơ bản hoàn toàn tự nguyện, mỗi vần thơ ông viết về nó là một sự chiếm lĩnh đích thực với tâm thế quan sát, tiếp nhận cái đẹp một cách hồ hởi, chủ động. Thiên nhiên xứ Nghệ hiện ra trong thơ Nguyễn Thiếp với những nét khôi vĩ, sinh động và ngang tàng: ở đấy có “mạch rồng”, có “Đảo Song Ngư biển rộng/ Núi vạn nhẫn trời cao” (Hoan Châu), có “Hương Tích giành trời bên hữu trải/ Hoa Khê dồn nước hướng đông xuôi/ Chọc trời đá rắn đầu voi hiện/ Động nước đầm trong bọt cá bày”. (Du Liêu Đông – Phạm Nhượng dịch)

                        Tuy vậy không có nghĩa là Nguyễn Thiếp dứt hẳn nợ duyên với cõi trần ai mà chính ông đã phải sinh ra mà tồn tại trong đó. Khác với Nguyễn Trãi đêm ngày đau đáu với chữ trung, với chữ ưu, ái, trong tâm trạng của người bị loại khỏi cuộc chơi chính trường, khác với Nguyễn Bỉnh Khiêm cố gắng tìm kiếm và công bố những quy luật nghiệt ngã của thói đời sau bao trải nghiệm, suy nghiệm, mối quan tâm của Nguyễn Thiếp về điều hai bậc tiền bối quan tâm cũng có ít nhiều, nhưng nổi bật hơn hết trong tâm sự của ông là nỗi thương cảm đối với cuộc sống của sinh dân. Suốt đời Nguyễn Thiếp dường như ít thấy cảnh thái bình. Ông nhìn thấy vẻ tang thương của kinh thành trong chiến loạn, của đồng ruộng bị bỏ hoang; ông thương cảm nỗi đói khổ của sinh dân và thất vọng vì “Lâu rồi không thấy Thánh vương/ Chiến tranh khói lửa bốn phương tơi bời” (Phó tỉnh thí bất quả đăng Đông Lũy thành)

            Chiến tranh, loạn lạc đã trở thành đề tài nhức nhối, thường trực trong văn học Việt Nam suốt một thời gian dài bởi điều kiện đặc biệt của lịch sử ở khoảng 3 thế kỉ cuối thiên kỉ thứ 2. Song, trong thứ hiện thực mà Nguyễn Thiếp đã khái quát, chúng ta vẫn thấy có một cái gì đó khác. ít khi trực tiếp nói đến chiến tranh, đến những thói tật của giai cấp thống trị như một số tác giả khác cùng thời và sau này, Nguyễn Du chẳng hạn. Hiện thực trong sáng tác của nhà thơ gợi những trắc ẩn nhẹ nhàng. Ông đặc biệt quan tâm đến số phận nhân dân bằng một mối tương cảm, đồng cảm chân thành bởi về phần lớn cuộc đời ông cũng chỉ là, và tự coi mình là một người dân như bao người dân khác.

            Nguyễn Thiếp là người có phương pháp học tập độc đáo, khoa học và hiệu quả, điều đó góp phần giúp ông thấm nhuần một cách sâu sắc đạo lí Thánh hiền. Nghiên cứu con người ông qua văn chương, cần đặt trong mối tương quan với trục dọc của tư tưởng Nho gia và thực tế lịch sử gắn liền với một số cá nhân tiêu biểu. Trên cái trục dọc này, ta sẽ thấy Nguyễn Thiếp chịu ảnh hưởng nhân cách và phép ứng xử của các bậc hiền sĩ mà mỗi đời thường không được mấy người – kiểu quân tử xử. Thơ La Sơn thường nhắc đến Quản ấu Quan, Lưu Đông Mạo, Đào Tiềm… với lòng ngưỡng mộ. Trong thao tác thuộc khuôn khổ điển phạm của tư duy nghệ thuật trung đại ấy, chúng ta vẫn dễ dàng nhận ra ý thức da diết của nhà thơ là hướng đến một nhân cách cao đẹp theo gương các bậc tiền bối. Tuy nhiên nếu Nguyễn Trãi nhắc đến Di, Tề trong tâm lí phần nào bằng lòng với cách ứng xử của mình, Nguyễn Khuyến nhắc đến Đào Uyên Minh để mà thẹn vì thấy mình thua kém, thì Nguyễn Thiếp, ngoài ra, trong mỗi lần nhắc đến tiền nhân dường đều ý thức về nỗi cô đơn tự ngã, ông nhắc đến họ để thấy mình đơn độc trong hiện tại. Nguyễn Thiếp nhắc đến Đào Tiềm cũng chỉ là “Đời Tấn có Đào Cát Thiên/ Đàn ca khúc Nam huân ấm áp” (Phó tỉnh thí…), nhắc đến Trạng Trình trong nỗi hoài nhớ, trước cảnh hoang phế, tĩnh lặng của miếu thờ, nơi chỉ còn bia rêu phủ, am cũ nhạt nhòa trong mây trắng và nước chảy vô tâm… ở đó, “Chân tri, người khó tìm” (Quá Trình Tuyền mục tự – Thái Kim Đỉnh dịch)

            Không chỉ cô đơn khi nghĩ về các bậc tiền bối. Nguyễn Thiếp cô đơn ngay trong chính con người hiện tại của mình. Ông cảm thấy rơi rụng, trắng tay trước cái chết của ông già họ Trần đối xứng với ông trong trục không gian ở đầu kia núi Phong Lạp, cũng như ông đã từng cô đơn khi làm phép đối xứng với tiền nhân qua trục thời gian. Và dường như tâm sự “thời loạn đi về như hạc độc/ Tuổi già hình bóng tựa mây côi” của Nguyễn Khuyến sau này cũng là nỗi ám ảnh thường trực của Nguyễn Thiếp. Ông cô đơn trước con người, trong cái mênh mông tít tắp của thiên nhiên:

Màu cỏ sau khi thiêu cháy đã lại xanh

Tiếng suối về đêm nghe buồn bã

Đám mây lẻ loi trên góc thành

Vì người ngâm bài “quy lai”.

                                      (Doanh trại tự thuật, II)

            Thời thế đổi thay, Nguyễn Thiếp không muốn chạy theo, và cũng không thể theo kịp thực tại đành quay về với quá khứ, trong niềm hoài niệm. Thơ ông là nỗi trở trăn của tấm lòng xót xa trước những mất mát, những bi kịch, những giá trị tốt đẹp đã đi qua, cái còn lại chỉ là những chứng tích đau buồn. Ông rung cảm trước đền thờ vua Mai, trước cây cầu nơi Nguyễn Biểu đã tuẫn tử, trước mảnh đất nơi hai ông Phan, Hoàng đã lẩn trốn để khẳng định tiết tháo. Và vì thế, niềm cô đơn, nỗi buồn như là một trong những nguồn cảm hứng chính của nhà thơ xứ La Sơn.

            Nguyễn Hữu Chỉnh là một nhà quân sự có tài nhưng lại ưa thú văn chương. Người làng Cổ Đan, xã Đông Hải, Chân Phúc (nay thuộc huyện Nghi Lộc, Nghệ An), sinh vào khoảng đầu đời Cảnh Hưng nhà Lê, ông học giỏi, văn chương lỗi lạc, 16 tuổi đỗ hương cống (nên còn gọi là cống Chỉnh). Sau ông bỏ văn theo võ, đi thi võ cử, không đỗ, lần lượt làm môn hạ của Hoàng Ngũ Phúc, Hoàng Đình Bảo, lập nhiều chiến công. Bảo chết, nhân Tây Sơn nổi dậy, ông theo anh em Nguyễn Nhạc, được đãi làm thượng khách, từng bày mưu lập kế góp phần quan trọng giúp họ Nguyễn hoàn thành đại nghiệp. Nhưng thời gian đắc ý ở miền Bắc thời Chiêu Thống, ông tỏ ý không tuân phục Tây Sơn, cuối cùng chết về tay Nguyễn Huệ. Đó là một số phận bi kịch.

            Trong một xã hội đang tan vỡ, cá nhân phải tìm chỗ dựa cho chính mình, Nguyễn Thiếp trở về với cuộc sống nhàn tản bên sông Lam, núi Hồng, gửi lòng, gửi chí vào đất trời, mây nước, thì Nguyễn Hữu Chỉnh chọn con đường đối diện với thực tại. Trong khoảng vài ba trăm năm nhân tài mọc lên như nấm (Nguyễn Huệ, Ngô Thì Nhậm, Đặng Trần Thường, Nguyễn Hữu Cầu, Cao Ba Quát, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Công Trứ…) và ai cũng muốn khẳng định tài năng của mình thì sự khát khao khẳng định bản ngã ở Nguyễn Hữu Chỉnh chỉ là vấn đề thuộc quy luật. Ngay câu đối dán ở cửa “Mở khép càn khôn, có ra tay mới biết/ Ra vào tương tướng, thử liếc mắt mà coi” đã nói lên cái chí của ông, và câu ông nói với Nguyễn Huệ: “Nhân tài Bắc Hà chỉ có một mình Chỉnh, nay Chỉnh đi rồi trong nước trống không”, đã nói lên cái khí của ông. Bi kịch của cuộc đời ông là bi kịch của một cá nhân xuất chúng muốn khẳng định những giá trị của chính mình. Ông đã vin vào một thế lực để thi thố tài năng, xác lập vị thế, nhưng thiếu độ tỉnh táo cần thiết để thấy rằng một giá trị chỉ có thể được xác lập trong một số tương quan nhất định, và nếu vượt khỏi cái ngưỡng của những tương quan ấy, nó sẽ bị tiêu diệt. Ông có cái may mắn được khẳng định những năng lực, giá trị của mình trong tính chất hiện sinh, những cũng chết vì khát vọng ấy đã vượt qua giới hạn cho phép của tình thế.

            Nguyễn Hữu Chỉnh giỏi về Quốc văn, trên nhiều thể như thơ, ca, nhạc khúc, phú… Tương truyền ông là người hào hoa, phóng túng và giao du rộng; vừa có tài hùng biện của một thuyết khách vừa có cái vẻ phong lưu của một nhà thơ. Sáng tác của Nguyễn Hữu Chỉnh gồm có Ngôn ẩn thi tập, Cung oán thi, các bài phú Quách Tử Nghi, Trương Lưu hầu, Văn tế Cả Cống, Văn tế chị, bài Tần cung nữ oán Bái công, các bài ca Lưu Nguyễn nhập Thiên Thai, Ngũ luân vãn… nhưng ngày nay đã thất thoát một phần.

            Cuộc đời Nguyễn Hữu Chỉnh lắm thăng trầm, nhiều gian truân, và dường như văn thơ ông cũng theo những thăng trầm ấy mà thể hiện tâm sự khác nhau. Nhưng trên đại thể, đọc ông, ta thấy đó là một hồn thơ khoáng dật của một con người luôn có khát vọng cựa quậy, hành động để giải phóng tiềm năng của chính mình. Khát vọng ấy trước hết, cũng như các nhà nho khác, là thực hiện ý chí của mình trong khuôn khổ lễ giáo và đạo đức truyền thống. Trong bài Văn tế Cả Cống, ông tuyên bố: “Đạo hiếu trung là trọng, miễn tua gìn thần tử cương thường”; hay trong bài Thơ tự đề, dẫu là có chút tự phụ, nhưng dấu ấn tôn quân vẫn rõ:  “Giúp lệnh phò nghiêng yên chín cõi”, cũng thế trong bài phú Quách Tử Nghi: “Hai kinh trợ lệch phò nghiêng, tắt binh lửa đặng ngôi triều thị”. Cũng như tuyệt đại đa số các nhà văn, nhà thơ khác, Nguyễn Hữu Chỉnh từng bày tỏ tấm lòng thương xót và đề cao nhân dân: “Cán cân giữ mệnh dân làm trước/ Lấy dân là báu nước chớ khinh”… “Vớt chìm dẹp cháy cứu muôn dân” (Thơ tự đề)...

             Thơ văn Nguyễn Hữu Chỉnh trước hết thể hiện trạng thái bất đắc chí và đẫm nỗi buồn thế sự. Trong Ngâm ẩn thi tập, ông viết: “Kẻ yêu nên ít bề cao hạ/ Người ghét, càng nhiều tiếng thị phi”; “Hư không bới giở tìm tông vết/ Bỗng chốc đôi co nỗi cối chày”... Dường như khi chưa hiển đạt, nhất là thời gian binh nghiệp ở Đàng ngoài, có nhiều sự việc khiến Nguyễn Hữu Chỉnh không bằng lòng, nên thơ ông thể hiện nỗi bực dọc, phẫn uất bởi tài năng không được giải phóng. Bất lực trước thời cuộc, ông than: “Trót đã trộm sinh vào cửa Trịnh/ Cũng hay ra đến ở cành Lê”; “Tóc chen hai thứ chửa danh chi/ Thân hỡi là thân, thì hỡi thì”; và câu sau đây, không nghi ngờ gì nữa, là nỗi thất vọng của ông khi chưa vào Nam theo Nguyễn Nhạc: “Trên đầu tóc đã rối hoa râm/ Lẩn thẩn còn chơi đám cát lầm”. (Ngôn ẩn thi tập). Vậy ra, trong hoàn cảnh bi đát, phải luồn cúi trong môi trường Đàng ngoài, thơ Nguyễn Hữu Chỉnh, dù là than thân, vẫn toát lên thần thái của một người thấy, và dám thấy tài năng không dễ kiếm của mình. Tuy nhiên, khi thoát khỏi cái “đám cát lầm” ấy, cách đánh giá bản thân của ông đã trở thành một thứ chủ quan nguy hiểm và hậu quả chính ông phải tự gánh lấy. Cũng trong thời gian bất đắc chí này, Nguyễn Hữu Chỉnh kịp rút ra được nhiều triết lí đắt giá về thân phận con người. Câu thơ “rằng thân người chẳng khác con bài” chính là kết quả của một suy nghiệm độc đáo. Ông đã manh nha thấy được số phận bấp bênh, bé nhỏ của kiếp người: một thứ công cụ trong tay các thế lực thống trị – cái mà sau này các nhà văn hiện đại sẽ thấy con người như là một cỗ máy, là một vật thể trong guồng quay nhân thế. Nguyễn Hữu Chỉnh qua văn chương có khả năng đưa ra những dự cảm quan trọng về số phận của chính mình mà câu thơ vừa dẫn là một ví dụ. Có thể kiểm chứng thêm nhận định này qua bài Cái pháo:

Xác không vốn những cậy tay người

Khôn khéo làm sao đất cũng rời

Kêu lắm lại càng tan tác lắm

Thế nào cũng một tiếng mà thôi.

Có lẽ không bao giờ Nguyễn Hữu Chỉnh ngờ rằng những câu thơ đó sẽ được người đời sau vận vào cho chính ông!

Văn chương Nguyễn Hữu Chỉnh không chỉ tạo dấu ấn ở vẻ sắc sảo trong những nhận định, đánh giá về thói đời và về số phận con người, mà còn tạo dấu ấn từ tư tưởng cao viễn, khoáng đạt, những khát vọng dữ dội. Điều này đặc biệt thể hiện rõ trong các bài phú. Qua Quách Tử Nghi Trương Lưu hầu phú, ta thấy ông luôn luôn ôm ấp hoài bão vươn đến đỉnh cao nhất của công lao và danh vọng. Ông mong được ra vào trăm trận lập công, được lưu danh sử sách, tự ví mình với những đấng bậc được người đời tôn thờ như Trương Tử Phòng, Quách Tử Nghi, và đặc biệt ông muốn “xã tắc lấy mình làm nặng nhẹ”. Lấy bản thân làm thước đo cho cả thời đại, đó là một ý tưởng táo bạo và ngang tàng. Sau này Cao Bá Quát dù có đánh giá mình cao vượt cả các bậc thánh hiền, hẳn cũng không nghĩ đến điều ấy. Đọc các bài phú của ông người ta nhận thấy một thứ văn chương hào sảng với những cặp câu dài ngắn đặt đúng chỗ, những hình ảnh khôi vĩ, những động từ mạnh, những tính từ ùa nhau vào câu chữ và lượng từ láy được sử dụng khá phổ biến. Mỗi bài phú là một bức tranh đẹp.

Nguyễn Hữu Chỉnh và Nguyễn Thiếp, một có mặt ngay trong những ngày Tây Sơn mới chỉ là một thế lực cát cứ mảnh đất nhỏ bé ở Đàng trong, xông pha trận mạc trong quá trình mở cõi và tuyệt mệnh ngay khi nhà Tây Sơn còn chói lọi; một tham gia vào chính trường khi vương triều cực thịnh đang bắt tay kiến tạo giang sơn, và tạ thế sau khi chứng kiến nhà Tây Sơn tan vỡ. Một trọng xuất, một trọng xử; một ôm khát vọng hành động để giải phóng những năng lực hiện sinh của bản thân, một ưa cuộc sống an nhàn, vô sự; một thích sống ráo riết ngay giữa hiện tại, vùng vẫy trong thực tại – sản phẩm của không gian, một thích lánh xa thực tại ngột ngạt để tạo cho mình một thực tại khác nơi cây cỏ hay trong quá khứ; một con người thiên về bề ngang của hiện thực và một con người nghiêng sang trục dọc của lịch sử, một sản phẩm của thời đại và một sản phẩm của quá khứ. Hai văn tài đối xứng qua trục ngang là dòng sông Lam lành dữ thất thường. Hai số phận khác nhau nhưng họ cùng để lại cho đời những áng văn chương quý giá./.

                                                                                        

 

 

 

 

Chú thích

(1) Cha và anh Nguyễn Du, Nghiễm đậu Hoàng giáp, Khản đậu tiến sĩ, làm đến bậc tể tướng và đều được phong quận công dưới thời nhà Lê - trịnh, nổi tiếng tài hoa, phong lưu.

(2) Tiến sĩ, từng làm Hiệp trấn Nghệ An thời Lê - Trịnh.

(3) Người làng Trảo Nha, huyện Thạch Hà, bạn học với Nguyễn Thiếp, đậu tiến sĩ năm 1766.

(4) Bạn học với Nguyễn Thiếp, tiến sĩ triều Lê.

(5) Người làng Đặng Điền, huyện Chân Phúc (nay là huyện Nghi Lộc), Nghệ An, đậu Hoàng Giáp năm 1779, làm quan thời Lê - Trịnh đến Đông các Đại học sĩ, Đốc đồng Nghệ An. Khi Tây Sơn ra Bắc, bèn trốn vào rừng và chết.

           

 

 

 

 

 

 

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114441874

Hôm nay

2274

Hôm qua

2317

Tuần này

21778

Tháng này

217048

Tháng qua

112676

Tất cả

114441874