Xứ Nghệ ngày nay

Lê Thị Thắm: “Cô gái vàng” của thể thao xứ Nghệ

Ban Tổ chức trao huy chương cho các VĐV đạt giải, VĐV Lê Thị Thắm (đứng giữa) đạt 2HCV, 01 HCB

     Trong cái se lạnh của những ngày cuối năm 2018, tôi đã gặp gỡ và trò chuyện với “cô gái vàng” của thể thao Nghệ An - VĐV Lê Thị Thắm, người đã thi đấu xuất sắc giành được 2 tấm HCV, 1 HCB môn cử tạ tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VIII.

      Sinh năm 1992, 17 tuổi, cô gái quê xã Diễn Thắng, Diễn Châu này được gọi vào đội tuyển quốc gia và đã gây ấn tượng nhất chỉ sau vài tháng đến với môn cử tạ với 2 HCV, HCB Giải Cử tạ thanh thiếu niên toàn quốc năm 2008; 2 HCB Giải trẻ, 3 HCB Giải Vô địch quốc gia. Và từ đó đến nay, không năm nào Thắm không gặt hái huy chương: HCV Sea game 2015, HCB, HCĐ châu Á, HCV Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VII và VIII... 10 năm thi đấu, 49 tấm huy chương các loại - Lê Thị Thắm đã đem nhiều vinh quang về cho Tổ quốc và thể thao quê nhà.

      Lê Thị Thắm đến với môn cử tạ khá muộn so với nhiều VĐV khác. HLV Vũ Đức Hoàng kể lại rằng: “Năm 2007, trong một lần đi tuyển VĐV ở Diễn Châu, được người bạn dạy môn Thể dục giới thiệu có em Lê Thị Thắm học sinh Trường THCS xã Diễn Thắng rất có tố chất về các môn thể thao, tôi tìm gặp khi em đang gặt lúa ngoài đồng. Nhìn dáng người to cao, săn chắc của em, tôi chọn ngay”. Chọn rồi nhưng chưa phải là đã xong, việc thuyết phục gia đình cho Thắm vào học ở Trung tâm Đào tạo Huấn luyện TDTT tỉnh cũng khá gay go. Ban đầu bố của Thắm kiên quyết không cho con gái đi theo nghiệp thể thao, sau nhờ thầy của Thắm động viên mãi nên ông đã đồng ý với một điều kiện là chỉ theo học bóng chuyền. Đến nước này, “tôi đành hứa với gia đình cho cháu vào Vinh tập luyện một năm nếu không có thành tích gì thì để cháu trở về và chịu phạt một con dê chiêu đãi và ngược lại nếu Thắm có huy chương thì gia đình sẽ mổ dê ăn mừng” - HLV Vũ Đức Hoàng chia sẻ thêm.

     

Đoàn VĐV cử tạ Nghệ An tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VIII. VĐV lê Thị Thắm (áo vàng)

      Ngày mới vào tập trung học ở Trung tâm, với Thắm đó là kỷ niệm trong đời VĐV không thể nào quên. Cô nhớ lại, sau khi ổn định nơi ăn chốn nghỉ, HLV Vũ Đức Hoàng dẫn Thắm vào lớp cử tạ. Vừa bước qua khỏi cánh cửa, em bật khóc nức nở, bỏ chạy về phòng khóc suốt một tuần liền và nằng nặc đòi thầy cho về nhà. HLV Vũ Đức Hoàng phải liên tục động viên, khuyên nhủ đồng thời bảo các học trò trong lớp cử tạ luôn gần gũi giúp Thắm làm quen dần với môi trường mới. Đúng 1 tuần sau, hết khóc, em chủ động gặp thầy Hoàng và quyết định học môn cử tạ.

      Quả thật, những năm tháng đầu đời VĐV đến với môn cử tạ là một thử thách vô cùng khó khăn với Thắm. Đây là một môn thể thao có nét riêng biệt so với những môn thể thao khác. Nó đòi một quá trình tập luyện khắt khe, kiên trì, chăm chỉ từ thấp đến cao sao cho chân, cổ tay và vai phải tập trung thành một lực, nếu không rất dễ xẩy ra chấn thương trong tập luyện và thi đấu. Thắm nhanh chóng nắm bắt kỹ thuật và luôn gương mẫu trong tập luyện nên thành tích ngày càng khả quan và trở thành “hạt nhân” quan trọng đội tuyển trẻ. Không phụ công thầy, chỉ vài tháng tập luyện chăm chỉ, năm 2008, Lê Thị Thắm đã giành được 2HCĐ Giải Vô địch cử tạ trẻ quốc gia. Cuối năm đó Thắm lại được tham gia Giải Cử tạ thanh, thiếu niên toàn quốc và em đã xuất sắc giành 2HCV, 1HCB cộng thêm 3 HCB Giải Vô địch quốc gia. Một năm thi đấu rất thành công khi em mới bắt đầu đến với cử tạ và HLV Vũ Đức Hoàng đã giữ đúng lời cam kết với gia đình Thắm. Liên tiếp 2 năm 2009, 2010, Thắm đều giành trọn bộ cả 3HCV (cử giật, cử đẩy và tổng cử) tại các giải Vô địch Cử tạ trẻ toàn quốc. Từ năm 2011, Lê Thị Thắm đồng thời vừa thi đấu Giải Trẻ vừa thi đấu Giải Vô địch quốc gia và ở hạng cân 69 kg, VĐV xứ Nghệ này đã chứng tỏ mình không có đối thủ khi liên tiếp giành cả bộ 3 HCV ở tất cả các giải đấu. 

      Năm 2013, Lê Thị Thắm đã được gọi lên Đội tuyển Quốc gia Việt Nam tập huấn để bổ sung lực lượng tham gia Sea Games và các giải quốc tế nhưng phải đến Sea Game 2015 tại Singapore, Thắm mới chính thức bước lên bục vinh quang khi giành tấm HCV quí giá cho Đoàn Thể thao Việt Nam ở môn cử đẩy hạng 69 kg. Đánh dấu một mốc quan trọng trong sự nghiệp VĐV. Một năm sau đó, Thắm lại giành thêm 1 HCB, 1 HCĐ tại Giải Vô địch châu Á. Tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VIII vừa qua, Thắm giành 2 HCV, 1 HCB cho thể thao Nghệ An, phá kỷ lục liên tiếp hai kỳ đại hội.

      Nhận xét về Lê Thị Thắm, HLV Vũ Đức Hoàng cho biết: “Thắm là một vận động viên có tố chất, gương mẫu, say mê chăm chỉ tập luyện. Em có phong độ thi đấu rất ổn định. Em là một trong những “cô gái vàng” mang về nhiều huy chương nhất cho cho thể thao Nghệ An”.

      10 năm gắn bó với thể thao đỉnh cao, nhìn thể hình của nữ VĐV, kiện tướng quốc tế môn cử tạ tôi nghĩ Thắm phải chấp nhận hy sinh mới theo đuổi môn thể thao này. Bởi những ai tập cử tạ đều có đôi chân, tay khá lớn, hai vai rộng mà điều này đối với phụ nữ thì quả là không hợp cho lắm. Năm nay, Thắm xấp xỉ 30 tuổi mà vẫn chưa thể lập gia đình do triền miên bận tập trung tập luyện tại đội tuyển quốc gia. Em chia sẻ: “Đúng ra là hết năm nay em nghỉ thì đấu luôn nhưng vì đội tuyển quốc gia vẫn muốn em tập trung thêm một năm nữa để làm nòng cốt và dìu dắt các lứa VĐV trẻ. Ước muốn của em sau này vẫn là tiếp tục gắn bó với thể thao, với Cử tạ”. Vẫn biết rằng, không có vinh quang nào trong thể thao mà không phải đánh đổi bằng sự khổ luyện, hy sinh nhưng với môn cử tạ nữ thì sự hy sinh là quá lớn. Chia tay em, tôi chỉ biết chúc em luôn thành công trên con đường mà em đã lựa chọn.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114434679

Hôm nay

2299

Hôm qua

2310

Tuần này

21329

Tháng này

211727

Tháng qua

1114316576

Tất cả

114434679