Xứ Nghệ ngày nay

Nghề thì yêu nhưng cơm áo không đùa…

Nghệ thuật sân khấu cả nước nói chung, Nghệ An nói riêng đang phải đối mặt với những khó khăn gay gắt. Để sống được với nghề và cống hiến cho nghề, rất nhiều nghệ sĩ đã phải trăn trở lựa chọn

Khi được hỏi về hoạt động nghệ thuật và cuộc sống đời thường, nhiều nghệ sĩ của Đoàn Ca múa nhạc dân tộc và Trung tâm Bảo tồn và Phát huy Di sản dân ca xứ Nghệ đều có chung một câu trả lời: Nghề thì yêu nhưng cơm áo không đùa…, nên chúng tôi đang lựa chọn một trong hai con đường: rời bỏ hay ở lại hoạt động trong đoàn.

Hiện nay đồng lương, chế độ chính sách và sự đãi ngộ của nhà nước và cơ quan đối với các nghệ sỹ quá eo hẹp. Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Hồng Dương (Trung tâm Bảo tồn và Phát huy Di sản dân ca xứ Nghệ) lương 3,5 triệu đồng/tháng, phải lo cuộc sống cho 5 người (2 vợ chồng và 3 đứa con đang ăn học) rất vất vả. Nghệ sỹ Quốc Chung, Phó trưởng Đoàn Ca múa nhạc dân tộc Nghệ An lương chưa đầy 3 triệu đồng/tháng với gia đình có 2 con đang ăn học. Một đêm biểu diễn, diễn viên chính như NSƯT Hồng Dương chỉ được bồi dưỡng 50 nghìn đồng, hóa trang vai diễn Bác Hồ được bồi dưỡng thêm 10 nghìn đồng. Diễn viên chính ở Trung tâm Bảo tồn và Phát huy Di sản dân ca xứ Nghệ mỗi đêm biểu diễn được bồi dưỡng 50 nghìn đồng, diễn viên phụ 30 nghìn… không đủ lo cuộc sống và chi phí cần thiết cho nghề.        

Thu nhập từ nghề chính thấp, các nghệ sỹ phải tìm cách xoay xở làm thêm. Nghệ sỹ Hồng Dương phải làm hợp đồng cho nhà máy sản xuất bao bì nơi vợ công tác, tổ chức các sô diễn phục vụ đám cưới, hội nghị các cơ quan, dàn dựng chương trình dân ca cho các ngành. Nghệ sỹ Quốc Chung vừa phải hoàn thành nhiệm vụ của một phó đoàn, vừa tranh thủ buổi tối, ngày nghỉ chạy sô đánh đàn ở các phòng trà, tiệc cưới, sinh nhật, hội nghị…, nghĩa là “đâu có việc là ta cứ đi”. Quốc Chung cho biết, ở Đoàn Ca múa nhạc dân tộc, hầu hết các ca sỹ, nghệ sĩ múa và nhạc công đều phải kiếm thêm việc làm bên ngoài, nhưng không phải ai cũng làm thêm được bằng nghề của mình. Nhờ có “chân ngoài” mà các nghệ sỹ của hai đoàn đang còn giữ được tình yêu với nghệ thuật.

Do thu nhập từ nghề không đủ sống nên nhiều nghệ sỹ đã bỏ việc. 2 năm gần đây, 10 diễn viên hợp đồng có triển vọng đã đi khỏi các đoàn (Trung tâm Bảo tồn và Phát huy Di sản Dân ca xứ Nghệ: 6 người, Đoàn Ca múa nhạc dân tộc Nghệ An: 4 người). Hồng Dương tâm sự: “Nếu tình trạng này kéo dài, có thể tôi cũng phải bỏ việc ở đoàn như NSƯT Đình Toàn vừa mới bỏ việc cách đây không lâu”.                

Để đào tạo một nghệ sỹ thành nghề đòi hỏi rất công phu, nhưng đầu ra thì khó, thu nhập và ngạch bậc lương lại rất thấp. Các nghệ sỹ hoạt động ở các đoàn nghệ thuật truyền thống lại càng khó khăn hơn. Thu nhập không đảm bảo đời sống nên các diễn viên trẻ đẹp, có năng lực thường bỏ đi tìm việc khác, trong khi theo thời gian số diễn viên có tuổi, hạn chế về thanh sắc, năng lực biểu diễn lại tăng lên. Trung tâm Bảo tồn và phát huy Di sản dân ca xứ Nghệ đang nan giải với bài toán lo cho 25 diễn viên hợp đồng, nếu không đảm bảo cuộc sống số diễn viên này cũng sẽ có nguy cơ rơi rụng dần. Do tính chất nghề nghiệp, diễn viên múa 35 tuổi, diễn viên ca 45 tuổi đã hết duyên sân khấu, phải giã từ sự nghiệp trong khi chưa có các chế độ phù hợp để nghỉ hưu, nên Đoàn Ca múa nhạc dân tộc hiện đang phải lo cuộc sống cho 12 người dôi dư và 25 diễn viên hợp đồng. Ở các đoàn nghệ thuật hiện đang tồn tại một nghịch lý: Diễn viên hợp đồng trẻ đẹp có năng lực biểu diễn thì lương thấp, trong khi diễn viên thuộc diện dôi dư, tuổi cao, năng lực hạn chế, hết thời xuân sắc thì lương lại cao hơn. Trong hoàn cảnh đó, rất khó để thu hút các tài năng nghệ thuật trẻ về các đoàn.     

Trước thực trạng đó, các đoàn nghệ thuật đã cố gắng tạo điều kiện cho các nghệ sỹ kiếm thêm thu nhập bằng nghề của mình. Ngoài việc xây dựng những chương trình nghệ thuật theo yêu cầu của tỉnh, các đoàn đã chủ động xây dựng kế hoạch phục vụ các đợt lưu diễn miền núi vùng sâu vùng xa, tăng cường liên kết với các ngành, các đơn vị để biểu diễn trong và ngoài tỉnh tạo thêm nguồn thu. Bên cạnh việc xây dựng các chương trình nghệ thuật đậm đà bản sắc dân tộc, Đoàn Ca múa nhạc dân tộc xây dựng các chương trình ca múa nhạc hấp dẫn đáp ứng thị hiếu khán giả. Vấn đề các đoàn cần làm hiện nay là làm sao nâng cao chất lượng các chương trình, vở diễn tạo được thương hiệu của mình. Có thương hiệu sẽ tạo điều kiện cho các nghệ sĩ phát triển tài năng và có điều kiện làm thêm tăng thu nhập. Và điều quan trọng là nhà nước cần có chế độ đãi ngộ hợp lý để nghệ sỹ sống được bằng nghề.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114441797

Hôm nay

2197

Hôm qua

2317

Tuần này

21701

Tháng này

216971

Tháng qua

112676

Tất cả

114441797