Nhìn ra thế giới

Thiên truyện về Le Clézio

Từ giải Renaudot đến giải Nobel, nhà văn Le Clézio không ngừng khai thác biên giới của thể loại hư cấu. Nhìn lại một chặng đường tiểu thuyết.

Nếu đúng là một nhà văn phơi bày tất cả trong tác phẩm của mình thì J.M.G. Le Clézio minh hoạ giả thuyết này hơn ai hết. Vốn rất kín đáo, rụt rè, ông luôn thể hiện mình là một con người ít nói, và nói không hay. “Chẳng có gì để mà nói cả.” Tiểu thuyết Biên bản (Le procès-verbal) kết thúc như vậy – cái nhan đề này, khi nhìn lại thì thấy hình như nó giấu một trò chơi chữ nào đó. Có một câu trích từ Robinson Crusoé trong đó chỉ có con vẹt “mới có quyền duy nhất được nói”. Vậy nhà văn kín đáo có những chữ viết tắt bí ẩn này là ai? Người ta đã so sánh ông với một nhà truyền bá đi dép lê, một nhà côn trùng học, một tên cao bồi có vẻ mặt của Steve McQueen, một nhà sinh thái học về lối viết, bí ẩn như những bức tượng trên đảo Pâques, một hình bóng sắp tan biến… Rạng ngời, lịch thiệp, Le Clézio quyến rũ vì ông là một người không dễ nắm bắt. Nhưng sách vở lại nói hộ cho ông.

Gió, sóng, đất, núi... nham thạch, hoa, mây và vỏ sò, những yếu tố tự nhiên xuất hiện nhiều lần ở mỗi trang sách như những câu thần chú. Trong tiểu thuyết Những chuyến du hành phía khác (Voyages de l’autre côté), những tập hợp tipô ở giữa cuốn sách vẽ lên hình ảnh một con chim đang bay – hoặc tất cả những gì mà người ta sẽ có thể hình dung, như trong một bài trắc nghiệm Rorschach.

Viết văn ư? “Đó là đi ngắm nhìn phía bên kia quả đồi.”
Cuộc tìm kiếm nguồn gốc
Họ của ông, bằng tiếng breton, có nghĩa là “bờ rào”. Vào năm 1794, François Alexis Le Clézio, gốc Morbihan, định sang Ấn Độ cùng gia đình sau khi tham gia trận Valmi. Sáu tháng đi tàu khiến ông kiệt sức và quyết định ở lại vùng Ile de France, tên cũ của Maurice. Hậu duệ của ông, Jean-Marie Gustave, đã kể tiếp câu chuyện cho Jérôme Garcin: “Ile de France đã bị người Anh xâm lược vào thời Napoléon, thế nên tổ tiên của tôi đã trở thành công dân Anh.” Cây phả hệ của ông có một đặc thù khác: Bố và mẹ của ông có chung một người ông. Vì thế họ là anh em chú bác với nhau. “Ở nhà, chúng tôi ăn uống theo kiểu người Maurice và kể những câu chuyện của Maurice”, ông kể lại cho bạn của mình là Franz-Olivier Giesbert. Trong tiểu thuyết Người đi tìm vàng (Le chercheur d’or), chúng ta có thể đọc được những câu thơ của quần đảo Mascareignes: Cỏ chân ngỗng với tràng hoa rớm máu, những con đuôi rắn với những cái chân đầy lông, thị trấn của gấu con là chỗ hải sâm bò... Nhưng thiên đường bị đánh mất này, cũng là thiên đường của tiểu thuyết Paul và Virginie, kẻ đi tìm nguồn cội chỉ phát hiện ra nó vào lúc ba mươi tuổi.
Sinh ra tại Nice vào tháng 4 năm 1940, Le Clézion là một đứa trẻ của chiến tranh. Mẹ là người Pháp nhưng bố, vốn là bác sĩ quân y ở Châu phi, lại mang quốc tịch Anh. Họ đã phải trốn người Ý và người Đức trong những khu rừng ở nội địa. Có hai kỷ niệm đã khắc ghi trong tâm khảm của bé Jean-Marie: một cuộc đánh bom vào vịnh Les Anges và một người lính thuộc quân đội Châu phi nã súng vào cửa sổ nhà mình. Sau này, ông luôn đi xa nhưng quyết định viết bằng ngôn ngữ của Chateaubriand, là ngôn ngữ trôi chảy hơn đối với ông. Một cách giải thích khác mà ông đưa ra: tiếng Anh là ngôn ngữ của kẻ xâm lược, ngôn ngữ mà tổ tiên người Maurice của ông đã phải sử dụng.
Ông của Jean-Marie, một con người xứng tầm với Jules Vernes, xây khí cầu lái trong vườn nhà, ông kể mình đã từng bắt gặp Arthur Rimbaud trong một tửu quán ở Paris. Một ông bác mua một ngôi đình của Ấn độ thuộc Pháp tại Triển Lãm Thuộc địa năm 1931 và dựng tại phố Armorique, Paris. Vẫn là sở thích ngoại lai và cuộc trở về với cuội nguồn tổ tiên. Tại Nice, ngôi nhà ở cảng mang dáng vẻ những ngôi nhà ở Na-pô-li. Mẹ của Jean-Marie là một nghệ sĩ piano, bà thích chơi những bản nhạc của Ravel. Jean-Marie có một người anh hơn tuổi mình không nhiều, đó là Yves-Marie, vốn là một đứa trẻ cô đơn, hay trốn mình trong Nhật ký của Tintin, thường nằm hàng giờ trên cỏ để nhìn ngắm bầu trời. Cuốn sách gây sốc đầu tiên mà Jean-Marie đã đọc: “Cuốn sách về những chuyện li kỳ (Le livre des merveilles) của Marco Polo.
Vào lúc 7 tuổi, ông sang Nigeria để gặp người cha mà ông mãi mãi không hiểu. Trong thời gian hai tháng lênh đênh trên biển, chuyến đi mà ông gọi là chuyến đi khai tâm, ông viết cuốn tiểu thuyết đầu tiên (Một chuyến đi dài, rất tiếc là đã bị thất lạc) trong buồng tàu. Ông sẽ ở lại lục địa đen một năm. Cha của ông, một con người tỉ mỉ tẩn mẩn, năng động và hay dậy sớm, thường chăm sóc bệnh nhân hủi và dẫn đường cho ông trong chốn rừng sâu. Ông sẽ tưởng nhớ đến người cha của mình trong cuốn Người Châu phi (Mercure de France, 2004) sau khi ông mất.
Vốn bị chứng mất ngủ, Jean-Marie viết về đêm những tiểu thuyết phiêu lưu mà ông lấy cảm hứng từ những cuốn sách mình đọc của Verne, Loti, Kipling, Conrad, London và Stevenson. Ông kể mình đã viết trước khi biết đọc và mỗi năm ông viết hai cuốn: “Mẹ tôi đóng lại và tôi đóng bìa các tông, có đề tên nhà xuất bản: Nhà xuất bản Sói đen.” Ông rất mê tủ sách nhà mình, thích nhất cuốn Từ điển hội thoại hai mươi tập: “thời nhỏ tôi có những mối xúc cảm lớn lao là nhờ bà tôi, bà cho tôi đọc cuốn sách kỳ diệu này”, ông nói với người viết tiểu sử cho mình, Gérard de Cortanze. Ông ước mơ trở thành hoạ sĩ và viết... truyện tranh. Hình như ông cũng thử sức với thể loại tiểu thuyết trinh thám. Tác giả tương lai của cuốn Ballaciner  khám phá nghệ thuật thứ bảy nhờ một máy chiếu tay quay và một tấm ra trắng. Sau này, ông tìm xem những bộ phim giúp mình khám phá thế giới, những bộ phim của Ozu, Mizoguchi, Bergman, Pasolini. Bộ phim thích nhất của ông: Cuộc phiêu lưu của Antonioni, một bộ phim về tình yêu, về sự cô đơn và về... sự im lặng.
Mười bảy tuổi, Le Clézio đạt hai bằng tú tài. Cử nhân văn chương, ông bảo vệ một khoá luận về chủ đề Sự cô đơn trong tác phẩm của Henri Michaux, tác giả mà ông rất có cảm tình. Chàng trai trẻ nhút nhát vẫn đang tìm mình. Bị mắc chứng sợ gương nhưng ông sắm một vai nhỏ trong một vở kịch trinh thám của Ý (Crimen), bên cạnh Silvana Mangano. Năm 1960, tại Luân đôn, ông lấy Marie-Rosalie, con gái sĩ quan quân đội, sinh tại Varsovie, người đã sinh cho ông một đứa con gái một năm sau đó.
 
Giải Renaudot ở tuổi 23
Năm 1963, Le Clézio viết Biên bản và gửi bản thảo cho Gallimard qua đường bưu điện. Ông tuyên bố rằng cuốn sách này là “một kiểu trình bày cách nhìn nhận cuộc sống của tôi”. Một số người tìm thấy trong đó hồi ức về Kẻ xa lạ của Camus. “Người phát hiện” ra thần đồng văn chương này, đó là Georges Lambrichs, trước đây làm cho NXB Minuit. Jean Giono và Raymond Queneau nhận lời ủng hộ tác giả 23 tuổi này trước hội đồng chấm giải Goncourt. Nhưng Armand Lanoux cao phiếu hơn vào vòng thứ sáu nhờ hai lá phiếu của Roland Dorgelès. Sự đền bù không đến nỗi nào: Maurice Nadeau đã thuyết phục được các thành viên hội đồng chấm giải Renaudot. Ở Nice, J.M.G được tin qua đài phát thanh. Cha ông giục ông đi Paris ngay. Nhưng chàng trai trẻ chịu đựng kém sự truyền thông hoá liên quan đến thành công và cuộc sống văn chương ở Paris, ông cho đó là “học đòi”. Hình ảnh về một tay ăn chơi mà người ta gán cho ông là một sự hiểu lầm. Sau này ông tâm sự với Franz-Olivier Giesbert: “Giải thưởng này như một con sóng gồng lên rồi yếu ớt rơi xuống cát.” Thật dễ hiểu khi sau đó, ông chăm chăm tránh các phòng quay truyền hình, tránh chụp ảnh và tặng chữ ký. Đồng thời, ông học cách tự bảo vệ mình: “Theo bản năng, thổ dân châu Mỹ biết rất rõ quyền lực của sự im lặng. Ngôn ngữ nói [...] có thể là một sự phản bội, một sự phô diễn chính mình”. Cái đó rất hợp với ông: “Đó là truyền thống của cả nhà. Chính bố mẹ tôi cũng rất bí ẩn.”
Những cuốn sách sau đó của ông khai thác nỗi điên với một phong cách cách tân. Trong một lời nhận xét kín đáo, Hubert Nyssen động viên Gallimard xuất bản một tập “trầm tư”, Sự ngất ngây vật chất (L’extase matérielle). Michel Foucault hết lời ca ngợi cuốn này khi nó được xuất bản. Nhưng công chúng độc giả không quan tâm đến nhà văn đầy hứa hẹn này nữa.
Vào năm 1968, đi nghĩa vụ quân sự, Le Clézio sang làm chuyên gia ở Thái Lan. Ông nghĩ đến việc ẩn dật trong một nhà tu Phật giáo và tạo ra một vụ xì căng đan khi lên tiếng tố cáo nạn bóc lột tình dục trẻ em trong một cuộc phỏng vấn trên báo Figaro. Bị đuổi khỏi đất nước, ông doạ sẽ đào ngũ khỏi quân đội rồi quay lại Mê-hi-cô. Bổ dụng: xếp phiếu tại thư viện của Viện Pháp Châu mỹ La tinh. Trong Biên bản, người kể chuyện hình dung trước tương lai của mình: “Tôi cũng có thể đi du lịch; tôi sẽ đi thăm nhiều thành phố mà tôi chưa biết, tôi sẽ kết bạn với ai đó trong mỗi thành phố.” Nói thêm: “Có rất nhiều không gian nguyên thuỷ rộng lớn cần khám phá.”
Chuyến băng qua sa mạc
Để hiểu quá trình của ông, chúng ta phải quay lại quá trình ông “khai tâm” ở nhà những người dân da đỏ Trung mỹ: “Từ năm 1970 đến năm 1974, tôi may mắn được chung sống với người da đỏ Mỹ, người Emberas và anh em chú bác của họ là những người Waunanas, ở tỉnh Darién tại Panamá, kinh nghiệm này đã thay đổi toàn bộ cuộc sống của tôi, những suy nghĩ của tôi về thế giới và nghệ thuật, về cách cư xử với người khác, về cách ăn uống, ngủ nghỉ, yêu thương và thậm chí thay đổi những ước mơ của tôi nữa.” (La fête chantée, 1997.) Ông mở lòng mở dạ với nhà báo François Armanet: “Cuộc ngụp lặn này đã khiến tôi câm lặng trong nhiều năm liền. Tôi phải học tất cả, nghĩa là học lại tất cả. Làm sao để thoát khỏi cái tôi của mình, làm sao giữ im lặng, làm sao thực hiện cuộc ẩn dật thường xuyên này, vốn là một thể dạng hoàn chỉnh nhất của tính hài hước.”

Sau cuốn Chiến tranh (La guerre, 1970), sách đen lấy cảm hứng từ thảm kịch Việt nam, ông quay lại Panamá, nhà tu của riêng mình. Le Clézio ghét từ “kẻ phiêu lưu”. Về việc này, ông là một trong những nhà văn đầu tiên gần với tư tưởng của Claude Lévi- Strauss. Ông không cũng không ưa gì cái mác “nhà văn du hành”. Ông đi nhiều, thế thôi. Ông tìm chỗ ở, rồi tha hồ thong dong, thích khám phá những nền văn hoá mới lạ. Trong những cuốn sách ưa thích nhất của mình, ông thường nêu tên hai tiểu thuyết picaro của Tây Ban Nha, Don Quichotte, tất nhiên rồi, và cuốn La Lazarillo thành Tormes tuyệt vời, chuyện về một câu bé mồ côi khai tâm trên đường đời. Vào kỳ nghỉ cuối cùng trong một khu rừng ở Darién, giấc mơ của ông tan tành mây khói: những kẻ buôn lậu thuốc phiện đã tàn sát người dân thượng nguồn. Thuyền độc mộc của nhà văn bị bắn. Ông không bao giờ quay lại đó nữa.
Những người da đỏ Mỹ đã dạy cho ông đạo lý ở đời. Ông đã cố chuyển tải điều đó trong tác phẩm của mình. Và trước tiên là cảnh báo về những mối nguy của chủ nghĩa vật chất. Vào năm 1971, ông cho xuất bản một tiểu luận về nghệ thuật tuyệt vời, Haï, tại nhà xuất bản Skira ở Genève: “Những người làm nghề buôn bán gửi ống thăm đến [...] và thế là mỗi đồ vật biến thành vũ khí.” Thế giới Orwell không xa: “Những tờ niêm yết to tướng nhắc đi nhắc lại nghìn, trăm nghìn lần mỗi giây những mệnh lệnh ngắn gọn mà không ai có thể trốn tránh.” Với quyền năng kỳ diệu của điện, cái gì cũng trở thành cái bẫy, “vẻ đẹp ký sinh”
Từ năm 1977, Le Clézio giảng dạy văn học Pháp tại Albuquerque (Tân Mê-hi-cô), đi thăm các làng mạc, học tiếng navajo. Ông ngao ngán trước sự nghèo nàn của các khu bảo tồn Ấn độ. Ông chuyển đến ở bang Mê-hi-cô ở Michoacán, đắm chìm trong những cuốn sách thiêng của người Mayas, là người đầu tiên dịch cuốn Quan hệ của MichoacánNhững lời tiên tri của Chilam Balam. Ông gặp gỡ các nhà thơ sử dụng ngôn ngữ nahuatl (ngôn ngữ của những người Aztèques) và say sưa nhân học. Trong đầu ông có một ý nghĩ: “Có lẽ trong văn học đã xảy ra điều gì đó kỳ diệu khi Antonin Artaud đến chỗ ở của những người Tarahu maras.” Ông nộp đơn xin làm việc tại Trung tâm nghiên cứu quốc gia Pháp (CNRS) nhưng bị từ chối. Lý do: ông không có năng lực khoa học về những huyền thoại của người da đỏ Mỹ. Thật là quá lắm đối với người luôn thấy người da đỏ Mỹ trong máu thịt của mình! Thành quả nghiên cứu của ông là một cuốn sách mang tên Giấc mơ Mê-hi-cô hay tư tưởng bị gián đoạn (1988). Le Clézio viết hay hơn ai hết: Cuộc chinh phục Châu mỹ đã kéo theo sự biết mất của một nền văn minh, sự biến mất của nhiều thế kỷ xâm lược và đã kéo theo quá trình toàn cầu hoá chủ nghĩa nô lệ. Là một người kể chuyện không điển hình, ông xem lại những những huyền thoại tiền Colombia và bí ẩn của nơi mà “chính khoảnh khắc thế giới được hình thành hình như không xa.” Nhà nhân văn chủ nghĩa không phải là một kẻ bi quan. Ông muốn tin vào một tương lai tươi sáng hơn cho hậu duệ của những dân tộc nguyên thuỷ.

Tuổi tứ tuần
Ở độ tuổi đoạn tuyệt, Le Clézio đi dò tìm quá khứ của người thân. Vào năm 1980, ông là nhà văn đầu tiên đoạn giải Paul-Morand của Viện Hàn Lâm Pháp, sau khi đã thành công với cuốn Mondo và những câu chuyện khác (700 000 bản). “Sách của tôi trước đây bán được ít hơn, tôi không hiểu tại sao, ông tâm sự với tạp chí Paris-Match. Tôi đã có những thời kỳ túng thiếu, phải làm việc với cương vị của một thầy giáo hay hướng dẫn viên... Giờ sách của tôi bán chạy hơn và tôi cũng chả hiểu tại sao! Có thể là nhờ mình vẫn luôn thế...”
Sa mạc (Désert) đánh dấu một trục địa lý mới: Sa mạc Sahara-Phương Tây, quê gốc của Jemia, vợ của ông từ năm 1975, ông đã lý tưởng hoá câu chuyện về vợ mình qua một bức chân dung rất đẹp của một cô gái nhập cư trẻ tuổi. Người ta tìm thấy Le Clézio trên những hòn đảo ở Ấn độ dương, đi tìm bóng ma của người ông mình (Người đi tìm vàng, Chuyến du hành về Rodrigues, Cách ly) Từ Châu Phi này đến Châu Phi khác, trong cuốn Onitsha (1991) gợi cảm, ông nhớ lại cuộc gặp gỡ với thân sinh của mình tại Nigeria. Lang thang, cội nguồn, kiếm tìm danh tính... “Ông luôn trở đi trở lại với cùng những chủ đề như nhau, nhưng với một cách hoàn toàn mới, Cortanze giải thích. Ông luyện văn với những cuốn sách ông đọc thời còn trẻ, mỗi lần ông đọc lại những cuốn sách đó ông khám phá những khía cạnh mới...”. Là chủ đề của khoảng mười tiểu luận và hai tập phỏng vấn, tuy nhiên chàng trai mãi trẻ trung này vẫn luôn kín đáo. Phải khai thác những tâm sự của Jemia Le Clézio để có thể hiểu ông được rõ hơn, như Ireine Frain đã từng làm: “Jean-Marie bị cận thị nên tính nhạy cảm của ông rất phát triển, nhờ cận thị mà ông nhận ra những thực tế bất ngờ.”
Từ lâu, Le Clézio đã thực sự tu luyện khổ hạnh về văn chương, sự khổ hạnh này thỉnh thoảng được đánh dấu bằng những bước dài. Từ xa, hình bóng cao cao của ông gợi lên tác phẩm điêu khắc của Alberto Giacometti. Franz-Olivier Giesbert nói về sự túng quẫn của ông: “Ông luôn mặc quần bò và đi dép lê, ăn rất kiêng khem và chủ yếu uống nước lọc. Nhưng không vì thế mà ông không yêu cuộc sống!” Trong con người ông có tố chất của thổ dân châu Mỹ. Ông luôn viết tay – trên một loại giấy Mê-hi-cô được gọi là Revolución (Cách mạng). Nhà văn người Pháp gần với người Anh nhất chưa bao giờ ở chỗ mà người ta mong chờ ông. Sau những người mây và người xanh, ông lại quan tâm đến “những dân tộc nước”. Vào năm 2005, ông lên chiếc tàu mang tên La Boudeuse, một con tàu ba buồm của Patrice Franceschi để đi tìm gặp một bộ lạc bị lãng quên trong lòng Thái Bình Dương. Trở về, ông cho xuất bản cuốn Tiếp cận lục địa vô hình (NXB Seuil), miêu tả những suy nghĩ về những tác hại của sự di dân, từ Gauguin đến động Ouvéa. Tuy nhiên, ông nói rõ, “mục đích của văn chương không phải là đấu tranh”. Ông không thực sự tin vào khả năng của các nhà văn trong việc thay đổi thế giới. Không: “Họ chịu đựng thế giới.” Dù vậy, ông đã góp phần vào việc lật tẩy một dự án đe doạ sự tồn vong của cá voi tại Mê-hi-cô. Giới phê bình văn học Mỹ chê ông theo chủ nghĩa hậu thực dân chân chính. Phải chăng vì thế mà sách của ông ít được dịch ở Mỹ (trái với Nhật Bản và Hàn quốc)? Hoặc là vì ông đánh thức một ý thức xấu xa nào đó? Le Clézio không bao giờ giới hạn ở một thể loại: ngoài tiểu thuyết và tiểu luận, ông đã cho xuất bản chuyện kể, chuyện dài và tiểu sử (Diego và Frida, NXB Stock), truyện ngắn, sách cho trẻ em (Du hành đến xứ sở các loài cây), sách in đẹp (Người mây, NXB Stock), các bài báo và đề tựa, trong đó có lời đề tựa cuôn Hướng dẫn xanh về Mê-hi-cô. Đối với ông, “không có thể loại văn học”. Ông vẽ đầy ký hoạ trong những cuốn sổ ghi chép của mình, ông còn vẽ tranh thuỷ mạc cho tác phẩm Sirandanes. Nếu như một trong những vở kịch của ông đã được diễn ở Mê-hi-cô, ông đã khước từ - tạm thời - việc viết kịch: “Tôi không thể nào làm cho người ta nói.”
Đi tìm những bóng ma
Giờ đây, ở tuổi sáu mươi tám, nhà văn đoạt giải Nobel văn học vẫn chưa an tâm: “Điều mà tôi cảm thấy, đó là sự lo lắng.” Ông làm rối mọi hướng nghiên cứu bằng những tự truyện giả, ông dò xét quá khứ của mình, một bài thơ rô-măng-xơ bằng một câu thòng không dứt. Vào năm 1985, trong “lá thư từ Albuquerque” gửi tạp chí Autrement, ông trả lời câu hỏi về quá trình tìm kiếm chân dung nhà văn của mình như sau: “Tôi không biết mình đang tìm gì [...] Đó có thể là nỗi nhớ người ông của tôi, nỗi nhớ những mùi vị, những âm thanh ở Anh, rồi ở Châu phi. Tôi muốn tìm thấy điều đó trong sách, tôi muốn tìm thấy điều đó trong những gì tôi viết.” Kẻ-buồn-nhớ-quê-hương vĩnh cửu vẫn giữ nguyên quốc tịch Maurice của mình, thường đi nghỉ trong ngôi nhà của mình tại Finistère nhưng đã viết cuốn Mệt nhoài cơn đói (Ritournelle de la faim) tại Hàn Quốc, nơi mà ông giảng dạy thơ Pháp. Sao lại Séoul ư? “Đó là thủ đô duy nhất mà ve sầu còn làm ồn hơn cả xe hơi.”
Franz-Olivier Giesbert phủ nhận hình ảnh của một nhà văn “khép kín” mà giới truyền thông gán cho Le Clézio: “Đó là một người nhút nhát thực sự nhưng khi cảm thấy tự tin thì ông tỏ ra rất thân mật, hay cười và rất khôi hài.” Từ định nghĩa chính xác nhất J.M.G, theo F.O.G là gì? “Khoảng cách. Không những trong những chuyến đi của ông mà còn trong mối tương quan với chính ông.” Ngày mà ông được tin mình đoạt giải Nobel, Le Clézio đòi người ta không đánh thuế sách nữa, để cho những người nghèo khổ nhất cũng được tiếp cận với văn hoá. Ông không bao giờ quên những kẻ đau khổ trên trái đất này. Ông gợi nhớ một nhà văn đoạt giải Nobel khác, một kẻ mất gốc khác, một người mà có lẽ ông có nhận mình trong đó: Albert Camus.
Tristan Savin (Lire)
Nguyễn Duy Bình dịch

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114443888

Hôm nay

2139

Hôm qua

2307

Tuần này

21701

Tháng này

219062

Tháng qua

112676

Tất cả

114443888