Những góc nhìn Văn hoá

Thực hiện tốt các hoạt động đền ơn đáp nghĩa nhằm giáo dục lòng yêu nước cho thế hệ trẻ

Lãnh đạo tỉnh Nghệ An dâng hương tưởng niệm các liệt sĩ tại Nghĩa trang Đường sắt, hang Hỏa tiễn

Tháng 7 luôn gợi nhớ trong lòng bao người dân Việt Nam một ngày đặc biệt (27/7) - Ngày tri ân các anh hùng, thương binh, liệt sỹ, những người có công với cách mạng Việt Nam. 

Đây là dịp toàn đảng và nhân dân cả nước tăng cường các hoạt động “Đền ơn, đáp nghĩa” với những người đã dâng hiến tuổi thanh xuân, hy sinh quên mình cho độc lập, tự do, giữ vững toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam, làm tròn nghĩa vụ quốc tế cho Tổ quốc. Các thế hệ người Việt Nam mãi mãi khắc ghi sự hy sinh, cống hiến to lớn của đồng bào, chiến sỹ cả nước vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân. Đồng thời, từ các hoạt động đền ơn, đáp nghĩ chúng ta hướng tới việc giáo dục truyền thống cách mạng và lòng yêu nước cho thế hệ trẻ.

Trong hơn bảy mươi năm qua, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành làm tốt công tác thương binh, liệt sỹ, người có công với cách mạng, tổ chức vận động toàn dân tích cực tham gia các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa,” “Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sỹ và người có công với cách mạng.” Nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật về ưu đãi đối với liệt sỹ, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, người có công với cách mạng đã được ban hành; đối tượng hưởng chính sách ưu đãi được mở rộng, các chế độ ưu đãi từng bước được hoàn thiện, thể hiện sự trân trọng, biết ơn, chăm lo của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với người có công.

Công tác thông tin, tuyên truyền phổ biến chính sách, pháp luật về ưu đãi người có công đã được các cấp, các ngành triển khai thực hiện có hiệu quả với nhiều hình thức phù hợp, như các chương trình, chuyên mục “Đi tìm đồng đội,” “Trở về từ ký ức” của Đài Truyền hình Việt Nam; “Giải đáp chính sách,” “Thông tin liệt sỹ” của Đài Tiếng nói Việt Nam, Truyền hình Quốc phòng; “Đền ơn đáp nghĩa,” “Thông tin về mộ liệt sỹ” của Báo Quân đội nhân dân và nhiều chuyên mục về người có công với cách mạng trên các phương tiện truyền thông khác. Qua đó, đã góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng và nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ về công lao to lớn của các liệt sỹ, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, người có công; xác định rõ trách nhiệm và các hoạt động thiết thực nhằm khơi dậy, phát huy tiềm năng to lớn trong xã hội để chăm lo tốt hơn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người có công.

Cùng với nguồn kinh phí thực hiện chế độ ưu đãi người có công từ ngân sách nhà nước, các nguồn lực, hình thức thực hiện chính sách ưu đãi ngày càng phong phú, đa dạng, có hiệu quả thiết thực. Hoạt động chăm sóc người có công ngày càng nhiều, với đa dạng hình thức thể hiện, có sức lan tỏa sâu rộng, được cộng đồng xã hội tích cực hưởng ứng. Các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa,” “Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sỹ và người có công với cách mạng,” nhận phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng được đẩy mạnh; lập quỹ đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc bố, mẹ liệt sĩ cô đơn, con liệt sĩ mồ côi, tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa, nhận chăm sóc thương binh, bệnh binh khó khăn; các chương trình xây dựng “Nhà tình nghĩa,” “Nhà đồng đội,” “Áo ấm tặng thương binh, bệnh binh nặng,” “Áo lụa tặng các Bà mẹ Việt Nam anh hùng”… được duy trì, phát triển rộng khắp ở các địa phương; việc hỗ trợ nhà ở cho người có công và giải quyết việc làm cho con liệt sỹ, con thương binh nặng, con bệnh binh nặng được chú trọng.

Đoàn viên thanh niên viếng các liệt sĩ tại di tích Truông Bồn (huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An)

Bên cạnh việc chăm sóc, tri ân người có công với cách mạng và thân nhân, công tác tu bổ, nâng cấp các nghĩa trang liệt sỹ, bia ghi danh, đền thờ liệt sỹ, quy tập hài cốt và xác định danh tính liệt sỹ được nỗ lực thực hiện. Nhiều công trình ghi công liệt sỹ đã trở thành di tích lịch sử, công trình văn hóa, biểu tượng của tinh thần, ý chí đấu tranh giành độc lập và khát vọng hòa bình của dân tộc Việt Nam, có ý nghĩa giáo dục sâu sắc truyền thống yêu nước, cách mạng, thu hút đông đảo đồng bào, chiến sỹ cả nước và bạn bè quốc tế đến thăm viếng, tưởng niệm, như Nghĩa trang Điện Biên Phủ, Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn, Nghĩa trang Đường 9, Đền Tưởng niệm liệt sỹ Bến Dược - Củ Chi, Khu Tưởng niệm liệt sỹ thanh niên xung phong ngã ba Đồng Lộc, Truông Bồn,…

Công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ luôn được chú trọng, đến nay đã tìm và quy tập được hàng vạn hài cốt liệt sỹ trong nước và ở các nước bạn Lào, Campuchia. Việc đầu tư, nâng cấp các trung tâm giám định ADN được chú trọng, góp phần đẩy nhanh việc xác định danh tính hài cốt liệt sỹ. Những việc làm đầy tình nghĩa đó đã góp phần làm vơi đi nỗi đau của các gia đình liệt sỹ, những người cha, người mẹ, người vợ và con em liệt sỹ đang ngày đêm khắc khoải đợi chờ.

Nhiều chế độ ưu đãi đối với người có công trong lĩnh vực y tế, giáo dục… cũng được triển khai thực hiện tốt.

Vào các dịp lễ, tết, ngày 27/7 hằng năm, ngoài quà tặng của Chủ tịch nước, các ban, ngành, đoàn thể, địa phương đều tổ chức gặp mặt, thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách.

Các tầng lớp nhân dân, các tổ chức và cá nhân ngày càng tích cực tham gia các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa,” “Uống nước nhớ nguồn”, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người có công.

Từ các hoạt động tích cực, đến nay, cả nước có trên 97% gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình nơi cư trú. Xuất hiện ngày càng nhiều tấm gương tiêu biểu của thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, người có công với ý chí và nghị lực rất đáng khâm phục, đã nỗ lực phấn đấu, vượt khó vươn lên trong công tác, chiến đấu, lao động, sản xuất, kinh doanh, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, đi đầu trên trận tuyến chống đói nghèo, lạc hậu, góp phần xây dựng quê hương, đất nước.

          Bên cạnh các hoạt động của Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành, phong trào "Đền ơn, đáp nghĩa" còn đặc biệt được các cấp bộ Đoàn chú trọng triển khai thực hiện gắn với đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”... qua đó nêu cao ý thức, tinh thần trách nhiệm tri ân của tuổi trẻ đối với người có công bằng những việc làm cụ thể. Trong hầu khắp các chiến dịch, các chương trình tình nguyện, các cấp bộ Đoàn đều chú trọng tổ chức các hoạt động tri ân người có công.

Để tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, tập hợp, thu hút đông đảo đoàn viên, thanh niên cùng hưởng ứng các hoạt động tri ân, thể hiện trách nhiệm của mình đối với những anh hùng liệt sĩ, những người có công với đất nước, Trung ương Đoàn đã yêu cầu các cơ sở Đoàn tập trung tuyên truyền về lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, sự ra đời và ý nghĩa của Ngày Thương binh, liệt sĩ; thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt, nói chuyện truyền thống; tham gia, phối hợp vận động các đoàn viên, thanh niên, các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm tích cực ủng hộ quỹ “Đền ơn đáp nghĩa - An sinh xã hội". Đồng thời, phối hợp với chính quyền địa phương tìm hiểu điều kiện hoàn cảnh của từng gia đình chính sách, trên cơ sở đó đề ra giải pháp giúp đỡ phù hợp. Theo đó, hằng năm, ngay từ những ngày đầu, bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đoàn, Đoàn Thanh niên các cấp đã xây dựng và triển khai kế hoạch tổ chức hoạt động kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7) và triển khai đợt cao điểm “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn” vào tháng 6 - 7 trong đoàn viên, thanh thiếu nhi. Các cấp bộ Đoàn đã đăng ký, đảm nhận thực hiện các công trình, phần việc thanh niên các cấp; đăng ký, triển khai thực hiện các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn” tại các địa phương, đơn vị; tổ chức các chuyến hành hương về nguồn, thăm các địa chỉ đỏ kết hợp với các hoạt động tri ân, đền ơn đáp nghĩa cho cán bộ Đoàn, Hội, Đội, ĐVTN nhằm tăng cường giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước cho thế hệ trẻ,...Nhiều diễn đàn tuổi trẻ mang tên “Theo bước chân người anh hùng” theo chủ điểm tháng 6 và tháng 7 hàng năm được các cơ sở Đoàn tổ chức bằng những cách làm sáng tạo như: Sân khấu hóa, “Rung chuông vàng” thi tìm hiểu Ngày Thương binh - Liệt sỹ, kết hợp sinh hoạt Đoàn với nói chuyện truyền thống, “Nghe Cựu chiến binh kể chuyện”, “Gặp gỡ nhân chứng lịch sử”,... tạo nên sức hút mạnh mẽ đối với đoàn viên, thanh thiếu nhi và sự quan tâm, phối hợp của các cấp Hội Cựu chiến binh, các đơn vị liên quan.

Các đoàn viên chăm sóc thương binh tại Trung tâm điều dưỡng thương binh Nghệ An

Tại các địa phương, đơn vị, màu áo xanh thanh niên Việt Nam đã và đang trải rộng, tạo nên bức tranh sinh động đầy ấn tượng. Từ các làng quê vùng núi, ven biển, đến vùng trung tâm, thành, thị, thanh niên tình nguyện đẫm ướt mồ hôi, nụ cười rạng rỡ khi giúp các gia đình chính sách, neo đơn chỉnh trang sân vườn, tu sửa nhà ở bị hư hỏng, xuống cấp, dọn dẹp vệ sinh, sắm đặt lễ vật lên bàn thờ các anh hùng liệt sỹ... Thấp thoáng trong từng ngõ xóm, phố, thị, các bạn trẻ đến thăm hỏi, động viên các mẹ Việt Nam anh hùng; dành tặng từng phần quà nhỏ nhưng mang ý nghĩa lớn cho từng thân nhân liệt sỹ và những người có công với Tổ quốc. Hòa cùng màu áo xanh là áo trắng tinh khôi của các y, bác sỹ trẻ tình nguyện khám, cấp phát thuốc chữa bệnh miễn phí cho các thương binh, bệnh binh, những người nhiễm chất độc da cam,… Bên cạnh đó, thanh niên lực lượng vũ trang với màu áo đặc thù của ngành mình cũng tích cực tham gia các hoạt động tri ân, thiết thực. Đặc biệt, trong những ngày tháng 7 lịch sử này, tại các nghĩa trang liệt sỹ, đài tưởng niệm liệt sỹ và các bia ghi danh, phần mộ liệt sỹ được các bạn đoàn viên, thanh thiếu niên chăm sóc cẩn thận, vệ sinh sạch sẽ để chuẩn bị cho hoạt động “Thắp nến tri ân” các anh hùng liệt sĩ trên phạm vi toàn quốc vào các ngày từ 24-27/7...

Bằng tấm lòng thành kính tri ân các anh hùng, liệt sỹ và người có công với Tổ quốc, thông qua các hoạt động có ý nghĩa thiết thực, tuổi trẻ khắp cả nước đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy truyền thống, tiếp nối mạch nguồn, tích cực “Đền ơn đáp nghĩa” để bồi đắp lòng yêu nước cho thế hệ trẻ ngày nay. Từ đó, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, đóng góp sức trẻ xây dựng, phát triển và bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng của dân tộc, đưa đất nước, quê hương tiến lên, giàu mạnh và văn minh.

Đất nước ta đang bước vào một thời kỳ phát triển mới, thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa hiện đại hóa, vì mục tiêu dân giàu nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng văn minh. Những thành tựu mà đất nước ta đạt được trong 90 năm qua là vô cùng to lớn. Vị thế Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được khẳng định, niềm tin của nhân dân với Đảng, với chế độ được củng cố, phát huy, lòng yêu nước và sức mạnh của dân tộc luôn được thể hiện rõ nét, đặc biệt trong những lúc đất nước gặp khó khăn. 

Tuy nhiên, các thế lực phản động, cơ hội, chống đối chính trị… luôn triệt để tận dụng những kẽ hở để chống phá cách mạng Việt Nam, trong đó lực lượng mà chúng chú trọng là thế hệ trẻ. Chúng ráo riết thực hiện các âm mưu, thủ đoạn với đa dạng hình thức chống phá ngày càng tinh vi, xảo quyệt. Một trong những chiêu trò thâm độc mà chúng sử dụng là bóp méo, xuyên tạc thông tin nhằm xóa bỏ sự thật về lịch sử dân tộc Việt Nam, về thành tựu của cách mạng Việt Nam, chúng tiêm nhiễm vào thế hệ trẻ Việt Nam những tư tưởng lệch lạc, những thông tin, văn hóa xấu độc, đồi trụy nhằm hướng lái suy nghĩ và hành động của giới trẻ theo lối sống thực dụng, ngoại lai. Đồng thời, chúng cũng lợi dụng những sơ hở, buông lỏng trong công tác quản lý, hoặc một bộ phận thanh, thiếu niên đua đòi theo trào lưu, lối sống thực dụng, đòi xét lại quá khứ…, để lôi kéo, kích động, tập hợp thanh niên tham gia, hòng gây mất an ninh trật tự, chống đối chính quyền, chống phá cách mạng Việt Nam… Vì vậy, hơn lúc nào hết Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành, đặc biệt là các cấp bộ Đoàn cần tăng cường giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước chân chính cho thế hệ trẻ. Một trong những việc cần làm là tiếp tục thực hiện tốt công tác “Đền ơn, đáp nghĩa” với các anh hùng liệt sỹ, thương binh, người có công với cách mạng. Để thế hệ trẻ luôn biết và hiểu rõ rằng trên từng tấc đất, ngọn cỏ trên lãnh thổ Việt Nam đều có xương, máu của các thế hệ ông, cha. Từ đó các em biết trân quý giá trị của hòa bình, biết đề kháng trước các loại vi rút ngoại lai, độc hại, biết sống, học tập, lao động và cống hiến sao cho xứng đáng với công lao của các thế hệ đi trước. Thế hệ trẻ hôm nay hãy noi gương các anh hùng liệt sỹ - những người đã hiến trọn đời mình cho Tổ quốc bằng những hành động cụ thể, thiết thực để góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu mạnh.

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114443746

Hôm nay

2304

Hôm qua

2333

Tuần này

21559

Tháng này

218920

Tháng qua

112676

Tất cả

114443746