Những góc nhìn Văn hoá

Phân tầng xã hội và di động xã hội ở Việt Nam hiện nay [kỳ 1]

I. Khái lược về phân tầng xã hội và di động xã hội

Các khái niệm giai cấp, tầng lớp, hoặc giai tầng trong công trình nghiên cứu này có nghĩa nội dung tương tự nhau. Để hiểu phân tầng trong xã hội công nghiệp hiện nay, cần phải hiểu phân tầng xã hội trong lịch sử. Các hệ thống phân tầng đương đại khác biệt đáng kể với các hệ thống phân tầng cơ bản trong lịch sử.

Chế độ chiếm hữu nô lệ (slavery) là một dạng thức cực đoan của phân tầng xã hội dựa trên một chiều cạnh kinh tế chủ yếu là sở hữu con người (Kerbo, 2000: 523). Trong xã hội đó, con người được phân chia thành hai loại (chủ nô và nô lệ) dựa trên sở hữu của một số người đối với những người khác được coi như là tài sản của họ. Chủ nô chiếm hữu nô lệ như là một thứ tư liệu sản xuất (TLSX). Mối quan hệ giữa chủ nô và nô lệ như vậy được pháp luật thừa nhận. Hệ thống đẳng cấp (caste) là một dạng thức phân tầng xã hội khép kín dựa trên cơ sở thứ bậc địa vị và sự quy gán sẵn nghiêm ngặt (Kerbo, 2000: 518). Trong đó, địa vị xã hội của cá nhân được xác lập ngay từ khi sinh ra và không thể thay đổi. Địa vị này được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác (cha truyền con nối). Giữa các đẳng cấp được xếp hạng theo tôn ti trật tự trên dưới và có ranh giới phân chia cứng nhắc. Các đẳng cấp là khép kín và đẳng cấp dưới không thể di động lên đẳng cấp trên. Những thành viên thuộc các đẳng cấp khác nhau không được kết hôn với nhau. Chế độ phong kiến châu Âu (estates) là một dạng thức phân tầng trong xã hội nông nghiệp dựa trên sở hữu đất đai với mức độ cao về quy gán sẵn (Kerbo, 2000:520). Các tầng lớp được phân chia dựa trên cơ sở về sở hữu ruộng đất có quyền thừa kế và được thiết lập bởi pháp luật quy định về quyền và nghĩa vụ của mỗi tầng lớp. Các tầng lớp là khép kín, có ranh giới phân chia riêng biệt và tầng lớp dưới rất khó có thể di động lên tầng lớp trên.

 

Hệ thống giai cấp (class systemlà một hệ thống phân tầng mở trong xã hội công nghiệp. Nó chủ yếu dựa trên cơ sở địa vị kinh tế (và cũng dựa trên địa vị quyền lực trong mức độ nhất định) và bao gồm sự kết hợp của quy gán sẵn và giành đạt được (Kerbo, 2000: 519). Mặc dù giai cấp là khái niệm được sử dụng thường xuyên nhất trong xã hội học, nhưng vẫn chưa có sự tán thành rõ ràng trong việc đưa ra định nghĩa tốt nhất về khái niệm này như thế nào. Đối với K. Marx, giai cấp bao gồm những người ở vị trí có mối quan hệ cùng nhau đối với tư liệu sản xuất và mối quan hệ giữa các giai cấp là quan hệ bóc lột. M. Weber cũng nhìn giai cấp như một phạm trù kinh tế, nhưng ông nhấn mạnh sự tương tác của nó với địa vị xã hội và đảng phái (Giddens, 2001: 284, 684). M. Weber còn đưa ra khái niệm cơ hội cuộc đời (life chances) là cách tốt nhất để hiểu nghĩa giai cấp là gì. Cơ hội cuộc đời có nghĩa là những cơ hội của một người để nhằm đạt được sự thịnh vượng về kinh tế (Giddens,Anthony andMitchell Duneier, 2000:148, 542). Hoặc, “một trong những định nghĩa chung nhất, phổ biến nhất về giai cấp là nhóm người có địa vị tương tự nhau, có lợi ích kinh tế và chính trị cũng tương tự nhau trong hệ thống phân tầng. Theo Max Weber, giai cấp là một chiều cạnh của phân tầng xã hội dựa trên sở hữu tài sản (hoặc không sở hữu) - như lý thuyết Macxit, và cũng dựa trên trình độ kỹ năng nghề nghiệp” (Kerbo, 2000: 519). Cũng theo cách diễn đạt của Harold R. Kerbo, sự phân chia giai cấp dựa trên cơ sở ba tiêu chuẩn chủ yếu: (1) Vị trí của một cá nhân trong cấu trúc nghề nghiệp; (2) Vị trí của một cá nhân trong các cấu trúc quyền hành (có bao nhiêu người phải tuân theo lệnh đối với bao nhiêu cá nhân đưa ra lệnh); (3) Sở hữu tài sản của một cá nhân (hoặc cụ thể hơn là sở hữu TLSX, vốn) - có thể gọi đó là cấu trúc tài sản. Trong đó, cấu trúc nghề nghiệp là dạng thức phân tầng dễ nhận thấy phổ biến nhất (trong sự tương phản với các quan hệ tài sản và khác biệt quyền lực), bởi vì hầu hết mọi người trong các xã hội công nghiệp đều phụ thuộc vào thu nhập từ nghề nghiệp (Kerbo, 2000: 12, 125). Có lẽ do vậy mà thời gian gần đây, các nhà khoa học xã hội đã sử dụng rộng rãi nghề nghiệp như là chỉ báo giai cấp xã hội. Những người khác thì nhấn mạnh đến sở hữu tài sản và của cải, thậm chí họ lựa chọn cả phong cách sống. Như thế, chúng ta có thể định nghĩa giai cấp là tập đoàn lớn những ngườicùng nhau chia sẻ những nguồn lực kinh tế. Những nguồn lực này có ảnh hưởng mạnh đến phong cách sống mà người ta hướng theo. Sở hữu của cải và nghề nghiệp là cơ sở chủ yếu của sự phân biệt giai cấp (Giddens, 2001: 282, 684-685). Hệ thống giai cấp có bốn đặc điểm nổi bật khác với ba hệ thống trước đó như trình bày dưới đây (Giddens,Anthony andMitchell Duneier, 2000: 148; Giddens, 2001: 282):

 

+ Sự phân chia giai cấp dựa trên cơ sở kinh tế (tức là bất bình đẳng về sở hữu và kiểm soát các nguồn lực vật chất). Trong các hệ thống phân tầng khác, các nhân tố phi kinh tế (như ảnh hưởng của tôn giáo trong hệ thống đẳng cấp Ấn Độ) là quan trọng nhất (tức là những bất bình đẳng thường mang tính chất pháp lý hoặc tôn giáo).

+ Hệ thống giai cấp là lỏng lẻo/mềm dẻo (fluid) hơn các hệ thống phân tầng khác và ranh giới giữa các giai cấp thường không rõ ràng. Không như các kiểu loại tầng lớp khác, các giai cấp không được thiết lập bởi những điều khoản luật pháp, hoặc tôn giáo. Các thành viên giai cấp thường không dựa trên cơ sở kế thừa địa vị bởi luật pháp hoặc tục lệ. Không có hạn chế chính thức về kết hôn giữa những thành viên thuộc các giai cấp khác nhau.

+ Địa vị giai cấp có một phần là địa vị giành đạt được(phải phấn đấu mới giành được), chứ không đơn giản được “ban cho” cá nhân từ lúc sinh ra như trong các hệ thống phân tầng khác. Di động xã hội đi lên, đi xuống trong cấu trúc giai cấp là phổ biến và thường xuyên hơn các hệ thống phân tầng khác.

+ Trong các hệ thống phân tầng khác, sự bất bình đẳng được biểu hiện chủ yếu thông qua mối quan hệ cá nhân về nghĩa vụ và bổn phận giữa tá điền và điền chủ, nô lệ và chủ nô, các cá nhân ở đẳng cấp cao và đẳng cấp thấp. Ngược lại, hệ thống giai cấp hoạt động chủ yếu thông qua sự kết nối rộng rãi của những cá nhân nói chung (không nói về riêng ai). Ví dụ, một cơ sở căn bản của phân biệt giai cấp là sự bất bình đẳng về tiền lương và điều kiện làm việc. Những điều này tác động đến mọi người trong các nhóm nghề nghiệp xác định và nó như là kết quả của hoàn cảnh kinh tế đang thịnh hành trong nền kinh tế nói chung.

Từ nội dung khái quát về hệ thống giai cấp ở trên, các nhà nghiên cứu đã tạo dựng nên mô hình 5 giai cấp cơ bản phổ biến đối với hầu hết các quốc gia công nghiệp (Rothman, 2005: 43) được thể hiện ở Hộp 1.1.

 

 

Hộp 1.1 thể hiện sự phân chia giai cấp theo ba tiêu chuẩn chủ yếu đã dẫn từ Harold R. Kerbo trên đây. Trong đó, giai cấp tinh hoa/thượng lưu ở trên đỉnh được xác định dựa trên sở hữu, kiểm soát tài sản và quyền lực (tức là dựa trên cấu trúc tài sản và cấu trúc quyền lực). Giai cấp này có sở hữu và kiểm soát nhiều nguồn lực nhất, còn giai cấp hạ lưu/nghèo ở dưới đáy có ít nguồn lực nhất và không có quyền hành. Ba giai cấp ở giữa được xác định dựa trên cấu trúc nghề nghiệp. Như vậy, các chiều cạnh xác định giai cấp bao gồm cả tài sản, quyền lực và uy tín nghề nghiệp (dựa trên lý thuyết phân tầng xã hội của M. Weber, có bao hàm cả K. Marx). Các chiều cạnh này cùng nhau hội tụ vào giai cấp trên đỉnh và không hội tụ vào giai cấp dưới đáy. Tức là, giai cấp trên đỉnh có nhiều tài sản, quyền lực và địa vị xã hội cao. Còn giai cấp dưới đáy có ít, hoặc không có những thứ này. Các giai cấp đáng quan tâm và đại diện cho xã hội công nghiệp trong Hộp 1.1 là giai cấp trung lưu ngày càng mở rộng và chiếm phần lớn trong các nước công nghiệp: “Theo hầu hết những quan sát, giai cấp trung lưu hiện nay bao gồm phần lớn dân số nước Anh và hầu hết các nước đã công nghiệp hóa khác” (Giddens, 2001:293). Những nét đại cương về các hệ thống phân tầng trong lịch sử trên đây đã thể hiện như là một bức tranh tổng quát về bất bình đẳng trở nên rộng khắp trong hầu hết các xã hội con người. Từ đây, chúng ta có thể hiểu rằng, xung đột thường nằm ở bên dưới hệ thống phân tầng xã hội. Trên thực tế, tồn tại sự bất bình đẳng và xung đột về các nguồn lực khan hiếm đã tất yếu tạo ra phân tầng xã hội (Kerbo, 2000: 73). Như vậy, các hệ thống phân tầng cơ bản trong lịch sử trên đây là sự phân chia thành nhiều tầng lớp xếp chồng lên nhau theo trật tự trên dưới, trong đó những người có nhiều đặc quyền đặc lợi thì ở trên đỉnh, còn người có ít hơn thì ở dưới đáy. Các hệ thống phân tầng đã thể hiện các nguồn lực khan hiếm trong xã hội được phân chia như thế nào. Tức là, các hệ thống phân tầng đều nhằm xác định ai có được cái gì, có tài sản và nguồn lực gì. Mô hình phổ biến về 5 giai cấp cơ bản (Hộp 1.1) sẽ được tham khảo để xây dựng mô hình phân tầng xã hội cho Việt Nam (Chương II: THỰC TRẠNG VÀ XU HƯỚNG BIẾN ĐỔI MÔ HÌNH PHÂN TẦNG XÃ HỘI) trong quá trình công nghiệp hóa hiện nay.

Những tri thức về phân tầng xã hội hiện nay đều được xây dựng trên cơ sở nền tảng lý luận của Karl Marx (1818-1883) và Max Weber (1864-1920). Chương này trình bày những kiến thức được tổng hợp và phân tích từ những thành tựu củaxã hội học hiện đại về phân tầng xã hội trên thế giới. Những nội dung trình bày trong chương này là thiết thực trước mắt đối với tình trạng lý luận về phân tầng xã hội ở Việt Nam hiện nay. Đó là trình bày khái lược hai nội dung về phân tầng xã hội và di động xã hội. Hai nội dung này như là hai góc nhìn “tĩnh” và “động” về cấu trúc xã hội. Cụ thể, nội dung về phân tầng xã hội nhằm trả lời câu hỏi: “Ai có được cái gì và tại sao lại như vậy? - Who gets what, and why?” Tiếp theo, làm thế nào mà người ta “có được cái gì” - tức là bằng con đường (cách thức, phương thức) nào để người ta có được tài sản và những nguồn lợi xã hội. Đó chính là nội dung về di động xã hội nhằm trả lời cho câu hỏi tiếp theo: “Ai tiến lên phía trước, và tại sao?” (“Who gets ahead, and why?” Đây là hai câu hỏi then chốt nhằm tìm hiểu bản chấtcủa phân tầng xã hội và di động xã hội từ xưa đến nay.

Đối với câu hỏi: “Ai có được cái gì và tại sao lại như vậy?” “Cái gì” - đó là các loại tài sản, nguồn lực và nguồn lợi xã hội làm nền tảng quy định hệ thống phân tầng được thể hiện trong Bảng 1.1.

 

1. Tìm hiểu phân tầng xã hội

Bắt đầu tìm hiểu phân tầng xã hội: “Ai có được cái gì và tại sao lại như vậy? ”cần xác định một vài khái niệm cơ bản có liên quan với nhau nhằm dẫn tới sự hiểu biết về phân tầng xã hội. Đó là nội dung tóm lược về ba khái niệm: khác biệt xã hội, bất bình đẳng xã hộiphân tầng xã hội (Kerbo, 2000: 10, 11). Khác biệt xã hội là sự miêu tả đơn thuần về tình trạng khác nhau theo những đặc điểm, phẩm chất cá nhân và vị trí công việc của mọi người trong xã hội. Ví dụ, có thể phân chia thành những nhóm người khác nhau về giới tính, chủng tộc và sự phân công lao động...  Xã hội càng công nghiệp hóa, sự phân công lao động càng tăng thì tình trạng khác biệt giữa mọi người càng nhiều. Tức là, càng tăng sự phân công lao động, thì tình trạng khác biệt xã hội càng đa dạng. Điều quan trọng là ở chỗ, sự khác nhau này chưa được xã hội đánh giá và chưa được xếp hạng theo những thứ bậc cao thấp đối với nhau. Đây là tình trạng đầu tiên dẫn tới sự bất bình đẳng và phân tầng xã hội. Chúng ta có thể phân nhóm xã hội theo sự khác nhau này và các nhóm hoàn toàn bình đẳng với nhau theo nghĩa chưa đặt nhóm nào cao hơn nhóm nào. Liên hệ khái niệm này với tình hình nghiên cứu về các giai cấp và tầng lớp ở Việt Nam trong thời kỳ đổi mới ta thấy khái niệm này thể hiện rõ qua cách trình bày trong các nghiên cứu về chủ đề gọi là “cơ cấu xã hội”.

 

 

Bất bình đẳng xã hội là tình trạng những cá nhân tiếp cận không công bằng các loại nguồn lực, nguồn lợi, tài sản, dịch vụ và các vị trí trong xã hội (được thể hiện ở Bảng 1.1). Đồng thời, sự tiếp cận không công bằng này được xã hội đánh giá. Như thế, bất bình đẳng xã hội là sự khác biệt xã hội đã được đánh giá xếp hạng theo những thứ bậc cao thấp đối với nhau. Đây là điều cần được nhấn mạnh và nó cũng là trạng thái tiếp theo dẫn tới phân tầng xã hội. Do vậy, bất bình đẳng xã hội có liên quan chặt chẽ đến những vị trí khác nhau trong cấu trúc xã hội. Từ những vị trí khác nhau này mà người ta có thể tiếp cận không công bằng các loại nguồn lực, nguồn lợi, tài sản và dịch vụ xã hội. Điều đó là do sự khác biệt về đặc điểm, phẩm chất cá nhân và vị trí công việc của mỗi người trong xã hội.

 

Giới nghiên cứu xã hội học đã mượn thuật ngữ “các tầng lớp địa chất - strata” trong tự nhiên để áp dụng vào xã hội nhằm miêu tả trực quan “các tầng lớp xã hội”. Sự vay mượn này được bổ sung thêm tính từ “xã hội - social” với hàmý rằng các nhóm người - như các tầng lớp địa chất - cũng được sắp xếp lần lượt theo trật tự từ tầng cao xuống tầng thấp (Kerbo, 2000: 11). Như vậy, xã hội được hình dung là phân chia thành nhiều tầng lớp xếp chồng lên nhau theo trật tự trên dưới, trong đó những người có nhiều đặc quyền đặc lợi thì ở trên đỉnh, còn người kém hơn ở dưới đáy. Các tầng lớp được sắp xếp như vậy gọi là phân tầng xã hội. Bản chất của phân tầng xã hội là một trong những đặc điểm có ý nghĩa nhất và quan trọng nhất cần tìm hiểu (Persell,1987: 183).Nhiều câu hỏi cơ bản đặt ra nhằm tìm hiểu bản chất của phân tầng xã hội (Kerbo, 2000: 17). Trong đó, Gerhard Lenski (1966) đặt ra câu hỏi khái quát hơn đối với nghiên cứu phân tầng xã hội là: “Ai có được cái gì và tại sao lại như vậy? - Who gets what, and why?” (dẫn theo Kerbo, 2000:10, 17, 142). Có lẽ vì vậy, Harold R. Kerbo đã định nghĩa “Phân tầng xã hội là tình trạng trong đó sự bất bình đẳng và thứ bậc các nhóm người được xếp hạng theo tôn ti trật tự chặt chẽ và được thiết chế hóa. Đó là hệ thống các mối quan hệ xã hội nhằm xác định ai có được cái gì và tại sao”(Kerbo, 2000: 523). Tìm hiểu bản chất của phân tầng nên hướng vào nghiên cứu cách tổ chức xã hội đã khiến cho một số thành viên có nhiều tài sản và nguồn lợi, trong khi một số khác có ít hơn. Những người ở dưới đáy thường chịu nhiều thiệt thòi cả về vật chất lẫn tinh thần. Chính vì vậy, nói về phân tầng là để mô tả những bất bình đẳng giữa các cá nhân, nhóm và các tầng lớp trong xã hội con người. Phân tầng xã hội thể hiện tình trạng bất bình đẳng xã hội mang tính cấu trúc (structured inequalities), và mang tính thiết chế (institutionalized inequalities) - tức là một hệ thống xã hội có sự xếp hạng theo tôn ti trật tự trên dưới giữa các tầng lớp được thiết lập và duy trì ổn định. Hệ thống xã hội này nhằm xác định ai có được cái gì và tại sao (Giddens, 2000: 146, 149; Kerbo, 2000: 11, 523). Thuật ngữ “hệ thống phân tầng - stratification sytem” nhằm nói đến phức hợp các thiết chế xã hội tạo ra và duy trì những bất bình đẳng phải tuân theo. Hệ thống phân tầng bao gồm ba thành phần cơ bản: (1) Quá trình thiết chế hóa để xác định các loại nguồn lợi có giá trị và đáng mong muốn (Tức là cấu trúc xã hội quyết định những cơ hội và sự phân bổ nguồn lợi? - Đỗ Thiên Kính giải thích). (2) Những quy tắc và phương thức để phân phối các loại nguồn lực, nguồn lợi, tài sản và dịch vụ xã hội. (3) Cơ chế di động xã hội đặt cá nhân vào vị trí nghề nghiệp và tạo ra sự bất bình đẳng về các nguồn lực và nguồn lợi (Grusky, 2001: 3).

 

Nội dung ba khái niệm trên có mối quan hệ bao hàm nhau. Chúng như ba vòng tròn đồng tâm. Trong đó, khái niệm khác biệt xã hội là vòng tròn lớn nhất, khái niệm phân tầng xã hội ở trong cùng và nó thể hiện bản chất của xã hội một cách căn bản nhất. Để có thể hiểu và nhận thức được phân tầng xã hội, trước hết cần biết sự phân nhóm xã hội (dựa theo khái niệm khác biệt xã hội). Phân nhóm xã hội là dựa trên một số tiêu chuẩn xác định nào đó để phân chia thành các nhóm xã hội khác nhau. Nếu chỉ dừng lại ở việc phân nhóm xã hội, ta có được các nhóm hoàn toàn bình đẳng với nhau (nhóm nào cũng như nhóm nào). Nhưng, sau khi thực hiện phân nhóm xã hội, người ta tiếp tục tiến hành sắp xếp thứ bậc giữa các nhóm (nhóm nọ đứng trên nhóm kia, dựa theo khái niệm bất bình đẳng xã hội) để tạo thành các tầng lớp theo tôn ti trật tựvà dẫn tới phân tầng xã hội (khi bất bình đẳng được cấu trúc hóa thiết chế hóa). “Khác biệt xã hội trở thành phân tầng xã hội khi con người ta được xếp hạng tôn ti thứ bậc theo chiều cạnh bất bình đẳng nào đó” (Abercrombie, N. et al., 2006:381). Đến lúc này, các nhóm không còn bình đẳng với nhau nữa, mà giữa chúng tồn tại một sự bất bình đẳng xã hộimang tính cấu trúc. Như vậy, sự bất bình đẳng là thuộc tính vốn có trong cấu trúc phân tầng, và phân tầng xã hội đãthể hiện trong nósự phân nhóm xã hội.Từ mối quan hệ về nội dung ba khái niệm như vậy và dựa trên cơ sở những kết quả đã nghiên cứu, có thể đưa ra khái niệm phân tầng xã hội được trình bày chi tiết dưới đây.

 

Các nhà xã hội học đề cập đến phân tầng xã hội nhằm miêu tả những bất bình đẳng tồn tại giữa các cá nhân, hoặc các nhóm trong xã hội. Các nhóm người tiếp cận không công bằng các loại nguồn lực trên cơ sở vị trí của họ trong xã hội. “Do vậy, phân tầng có thể được định nghĩa một cách đơn giản nhất như là bất bình đẳng có cấu trúc giữa các nhóm người khác nhau” trong việc tiếp cận các loại nguồn lực và nguồn lợi xã hội (Giddens, 2001:282, 699). Hoặc là, “Thuật ngữ phân tầng trong xã hội học thường được áp dụng vào nghiên cứu những bất bình đẳng xã hội có cấu trúc; tức là nghiên cứu bất kỳ những bất bình đẳng có hệ thống giữa các nhóm người, nảy sinh do hậu quả không trù định của các quá trình và quan hệ xã hội” (Scott, J., 2009:735). Chi tiết hơn, phân tầng xã hội là sự phân chia những người trưởng thành trong xã hội thành các nhóm kinh tế - xã hội (KT-XH) khác nhau. Đồng thời, các nhóm này được xếp hạng theo tôn ti trật tự trên dưới để tạo thành các tầng lớp trong hệ thống. Mỗi tầng bao gồm những người có địa vị KT - XH tương tự gần với nhau. Hệ thống xếp hạng tôn ti trật tự này là sự bất bình đẳng mang tính cấu trúc và là thuộc tính của xã hội. Đồng thời, sự bất bình đẳng này cũng mang tính thiết chế và có thể trao truyền qua các thế hệ. Trong hệ thống phân tầng, các thành viên sẽ khác nhau về khả năng thăng tiến (di động) bởi địa vị không giống nhau của họ trong các bậc thang xã hội. Phần lớn các xã hội cho đến hiện nay đều tồn tại sự phân tầng về tài sản, của cải, quyền lực chính trị, uy tín xã hội và đời sống văn hóa. Đồng thời, xã hội còn phân tầng theo giới, tuổi, tôn giáo và tộc người. Định nghĩa chi tiết này được tham khảo từ các nguồn tài liệu (Giddens ,Anthony and Mitchell Duneier, 2000:174; Giddens, 2001:282).

 

Để trả lời câu hỏi tại sao đã dẫn ở trên (Who gets what, and why), ngườita thường dựa trên lý thuyết chức năng và lý thuyết xung đột để giải thích. Hai lý thuyết này sẽ giải thích vì sao có sự phân tầng, tức là vì sao các tầng lớp lại có được những tài sản và nguồn lợi xã hội khác nhau.

“Vì sao tồn tại các hệ thống phân tầng khác nhau? Có mấy cách lý giải cạnh tranh nhau. Một số người cho rằng “con người ta có những gì họ xứng đáng được”; số khác cả quyết rằng những thành viên có lợi thế trong xã hội đã sử dụng quyền lực bề trên, của cải và ảnh hưởng của họ để duy trì địa vị đặc quyền đặc lợi của họ. Số người thứ nhất bao gồm các nhà chức năng luận, những người nhấn mạnh rằng công trạng và sự thành đạt dẫn đến có địa vị xã hội; họ quan tâm xem xét vị trí nghề nghiệp, địa vị, và đôi khi cả số liền kiếm được nữa. Số người sau - các nhà theo thuyết xung đột tập trung vào sự không ngang nhau về của cải, quyền lực và sự kiểm soát. Như vậy, những người theo thuyết chức năng và theo thuyết xung đột đã khảo sát những đặc điểm khác nhau của sự phân tầng” (Persell,1987:191).

 

Những người theo thuyết chức năng - đại diện là Kingsley Davis và Wilbert Moore - xuất phát từ một tiền đề cho rằng, không có những xã hội không phân tầng. Do đó, mục tiêu đầu tiên của họ là giải thích vì sao sự phân tầng là tất yếu trong mọi hệ thống xã hội. Sở dĩ như vậy, bởi vì mọi xã hội đều cần xác định vị trí và thu hút những cá nhân vào các địa vị xã hội. Đồng thời, trong xã hội có những vị trí nghề nghiệp quan trọng hơn những nghề nghiệp khác. Phải đảm bảo sao cho những người ưu tú nắm giữ những vị trí nghề nghiệp quan trọng hơn một cách thích hợp. Số người ưu tú như vậy trong xã hội là không nhiều và chi phí đào tạo họ tốn kém về kinh phí và thời gian. Cho nên, những người theo thuyết chức năng cho rằng xã hội “buộc phải” phong thưởng nhiều hơn đối với những vị trí nghề nghiệp quan trọng hơn để thu hút những người ưu tú vào những vị trí nghề nghiệp cần thiết đó. Từ đây, họ cho rằng hệ thống phân tầng là “một cơ chế không có ý thức, nhờ đó mà các xã hội đảm bảo rằng những vị trí quan trọng nhất sẽ do những người có trình độ chuyên môn thích hợp nhất tận tâm nắm giữ” (dẫn theo Persell,1987: 191). Hoặc là, Davis và Moore (1945) cho rằng “một xã hội phải có cách nào đó để phân phối những phần thưởng khác nhau tùy theo địa vị. Những phần thưởng và sự phân phối chúng trở thành một bộ phận của trật tự xã hội và như vậy làm nổi bật lên sự phân tầng” (dẫn theo Bilton, 1993: 61). Như vậy, đối với những người theo thuyết chức năng, việc xếp hạng một vị trí được quy định bởi tầm quan trọng của vị trí đó trong xã hội, và bởi cả sự khan hiếm những người tài năng, hoặc lành nghề nắm giữ vị trí đó. Hoặc nói cách khác, những người theo thuyết chức năng xuất phát từ một tiền đề cho rằng,“mọi xã hội đều phải sáng chế ra những phương tiện nhất định để gây động cơ phấn đấu cho những người ưu tú nhất vào làm những nghề quan trọng và khó khăn nhất, và để họ làm việc một cách tận tụy và hiệu quả. Có thể giải quyết ‘vấn đề động cơ’ này theo nhiều cách khác nhau, nhưng có lẽ giải pháp đơn giản nhất là kiến tạo một tôn ti thứ bậc những sự đãi ngộ (ví dụ uy tín, tài sản và quyền lực; nhưng nói chung là bao hàm cả đãi ngộ về kinh tế và sự tán thành của những người khác) để dành đặc quyền cho những người nắm giữ những vị trí quan trọng về mặt chức năng. Điều này có nghĩa là tạo lập một hệ thống bất bình đẳng được thể chế hóa (tức tạo ra một hệ thống phân tầng) mà chủ yếu là cơ cấu nghề nghiệp” (MaiHuy Bích, 2010: 3-4). Donald J. Treiman (1977) cho rằng, những cách lý giải của lý thuyết chức năng được sự hỗ trợ ở một mức độ nào đó bởi một cuộc nghiên cứu xuyên quốc gia đã cho thấy các nghề nghiệp được xếp hạng rất giống nhauở 60 nước công nghiệp và nông nghiệp. Tuy nhiên, tất cả các nghề không được phong thưởng ngang nhau (dẫn theo Persell,1987:191). Kết quả nghiên cứu thực nghiệm này đều khẳng định và chứng minh cho lý thuyết chức năng. Đây là cơ sở lý luận quan trọng mà các nhà nghiên cứu đã dựa vào cấu trúc nghề nghiệp để vẽ nên bản đồ giai cấp xã hội. Sở dĩ như vậy, bởi vì sự phân công lao động (tức nghề nghiệp) là hợp chức năng đối với một xã hội. Đó cũng là cơ sở để các nhà nghiên cứu dựa vào nhằm giải thích vì sao các nghề nghiệp được xếp hạng giống nhau đến thế ở nhiều xã hội khác nhau (60 nước).Nói tóm lại, sự bất bình đẳng về tài sản, nguồn lợi kinh tế, xã hội trong hệ thống phân tầng là“một cơ chế không có ý thức”, nhờ đó mà các xã hội đảm bảo rằng những cá nhân tài năng được đào tạo sẽ nắm giữ những vị trí quan trọng. Bằng cách này, những chức năng quan trọng nhất trong xã hội sẽ được những người tài năng nhất thực hiện, và các nguồn lợi lớn nhất được dành cho những vị trí đó - mà nó đòi hỏi sự đào tạo nhiều nhất (Scott, J., 2009: 269-270). Do vậy, “Phân tầng là phổ biến và là kết quả của sự cần thiết phải bổ nhiệm đầy đủ những vị trí quan trọng về chức năng” (Abercrombie, 2006 :158). Một hệ thống phân tầng như thế trong việc ban thưởng, đãi ngộ các nguồn lợi và trừng phạt khác nhau là cần thiết để xã hội vận hành có hiệu quả.

 

Trong khi thuyết chức năng cho rằng các tầng lớp (phân tầng) như là những bộ phận thực hiện các chức năng khác nhau, mang tính chất hợp chức năng đối với xã hội và là nguồn gốc tạo nên sự ổn định, thì các lý thuyết xung đột (đại diện làKarl Marx và Max Weber)lại cho rằng phân tầng nhất định sẽ dẫn đến mất ổn định và biến đổi xã hội. Những người theo lý thuyết xung đột coi phân tầng là nguồn gốc chủ yếu của sự căng thẳng và xung đột xã hội. Họ coi phân tầng là kết quả của sự cạnh tranh giữa các nhóm lợi ích, các tầng lớp xã hội hoặc giai cấp khác nhau đối với các loại nguồn lực, nguồn lợi có hạn và khan hiếm trong xã hội. Sự cạnh tranh như vậy đã dẫn đến bất bình đẳng sâu sắc về chính trị, kinh tế và xã hội. Như vậy, các lý thuyết xung đột là một cách nhìn xã hội học nhằm tập trung vào những mâu thuẫn, bất đồng và cạnh tranh nhau về các quyền lợi trong xã hội con người. Những người theo lý thuyết xung đột tin rằng sự khan hiếm và có giá trị của các nguồn lực trong xã hội đã sản sinh ra xung đột như là cuộc đấu tranh của các nhóm để giành quyền tiếp cận và kiểm soát các nguồn lực đó (Giddens, 2001: 685). Hoặc là, một cuốn sách nhập môn xã hội học đã viết về những người theo lý thuyết xung đột – họ nhìn phân tầng xã hội như là “kết quả của sự cạnh tranh giữa các nhóm lợi ích hoặc các giai cấp khác nhau.Các nhóm sử dụng quyền lực và các nguồn lực mà họ kiểm soát để khẳng định và bảo vệ vị trí của họ trong quan hệ với các nhóm khác […]. Một khi họ đã có cơ sở vật chất tương đối lâu bền, những vị trí đó có thể được chuyển giao cho con cháu họ. Những bất bình đẳng về của cải nảy sinh và sau đó trở thành nguồn gốc mà người ta có thể sử dụng để duy trì những lợi thế bề trên […]. Phân tầng nảy sinh do sự chinh phục, cạnh tranh và xung đột của nhóm […]. Phân tầng xã hội xuất hiện do kết quả của một hay nhiều nhóm bị các nhóm khác thống trị. Sự thống trị này có thể dựa trên cơ sở sự kiểm soát khác nhau đối với tài sản, hàng hóa, các dịch vụ và giá trị thị trường không ngang nhau của các nghề nghiệp khác nhau. Do phân tầng dựa trên cơ sở thống trị và áp bức, cho nên tiềm năng chống đối, kháng cự và thù địch của các nhóm bị thống trị là luôn có” (Persell,1987: 192-194). Như vậy, lý thuyết xung đột cho rằng phân tầng xã hội như là sự phản ánh kết quả của người thắng cuộc và người thua cuộc trong cuộc cạnh tranh đối với những nguồn lợi có hạn trong xã hội. Lý thuyết này nhấn mạnh đến phương diện cấu trúc xã hội trong hệ thống phân tầng (hoặc là tác động của cấu trúc xã hội đến phân tầng được thể hiện qua sự chuyển giao cho thế hệ sau), hơn là phương diện tài năng và năng lực cá nhân. Từ đây, có thể suy ra rằng cấu trúc xã hội đã an bài địa vị mỗi người, bất kể tài năng và năng lực của họ ra sao. Đồng thời, những xung đột và đấu tranh xã hội tất yếu sẽ xảy ra để phá vỡ thế an bài được cấu trúc hóa đó và tạo lập thế an bài mới. Cứ như thế, xã hội biến đổi và phát triển.

 

Hai loại lý thuyết giải thích vì sao có sự phân tầng trên đây đều có những nội dung hợp lý (nhưng chúng cũng bị phê phán ở một số điểm). Mỗi loại lý thuyết trả lời những nội dung cụ thể cho câu hỏi tại sao là tốt hơn lý thuyết kia và ngược lại. Do vậy, người ta đã cố gắng kết hợp cả hai loại lý thuyết với nhau để đưa ra câu trả lời tổng hợp. Có lẽ Gerhard Lenski(1966) là người “có sự nỗ lực trọn vẹn nhất nhằm tổng hợp các quan điểm chức năng luận và xung đột về sự phân tầng” (Persell, 1987:194). Ông xuất phát từ giả thuyết cho rằng con người ta là ích kỷ, do vậy họ sẽ lựa chọn những lợi ích cho bản thân (hoặc cho nhóm của họ) hơn là cho tất cả những người khác. Đặc biệt, người ta sẽ đấu tranh để giành lấynhững nguồn lực khan hiếm trong xã hội. Trong cuộc đấu tranh đó một số người sẽ được hưởng nhiều nguồn lực hơn do vị trí xã hội (quyền lực) của họ (cách giải thích này đã dựa vào lý thuyết xung đột)và do tài năng tự nhiên của họ (cách giải thích này đã dựa vào lý thuyết chức năng). Địa vị xã hội tác động đến cơ may con người để phát triển tài năng của họ. Mặt khác, kỹ năng và đào tạo lại giúp con người đạt được những vị trí xã hội nhất định. Kết quả cuối cùng của cuộc đấu tranh là sự bất bình đẳng xã hội. Như vậy, quyền lực là nguồn gốc hàng đầu của những bất bình đẳng xã hội cơ bản. Đồng thời, một số bất bình đẳng này có thể mang tính chức năng đối với xã hội, bởi vì mỗi người đều thực hiện những vai trò nhất định trong xã hội. Khi bất bình đẳng xã hội được xác lập, con người có xu hướng dùng vị trí (quyền lực) của họ và các nguồn lực khác để duy trì và nâng cao ưu thế của mình lên. Theo cách như vậy, sự bất bình đẳng tiếp tục được mở rộng và trở thành phân tầng xã hội ổn định lâu dài. (dẫn theo Persell, 1987: 194-195, 201).

 

Đại biểu Beegley (1989) cũng đã cố gắng kết hợp hai lý thuyết chức năng và xung đột với nhau. Sự kết hợp này được thể hiện qua 3 điểm chính: (1) Quyền lực là yếu tố quyết định chủ yếu đối với sự phân bố các nguồn lực khan hiếm. Xã hội có thể được hiểu như là các nhóm cạnh tranh để giành lấy nguồn lực khan hiếm. (2) Sự phân bố của quyền lực (và các nguồn lực khan hiếm) là bị cấu trúc về mặt xã hội. Tức là cấu trúc xã hội quy định những cơ hội và sự phân bố các nguồn lực. (3) Năng lực và tài năng cá nhân khác nhau đã tạo nên sự khác biệt xã hội. Hai điểm đầu được rút ra từ lý thuyết xung đột, điểm thứ ba bắt nguồn từ lý thuyết chức năng. Trong đó, quyền lực (hay là cấu trúc xã hội của quyền lực) có vai trò quan trọng nhất. Tức là, cấu trúc xã hội là quan trọng hơn tài năng cá nhân (dẫn theo Nguyễn Hữu Minh, 2013: 60-61).

 

Khi đánh giá hai lý thuyết chức năng và lý thuyết xung đột, Harold R. Kerbo đã cân đối so sánh những bằng chứng (với sự gia trọng/gia giảm chúng) theo quan điểm lịch sử và đưa ra “kết luận rằng các lý thuyết xung đột có thể trả lời tốt hơn đối với những câu hỏi về phân tầng xã hội”. Đó là câu hỏi chủ yếu Ai có được cái gì và tại sao lại như vậy? Liên quan đến câu hỏi chủ yếu này là những câu hỏi khác: Sự bất bình đẳng đã được duy trì như thế nào? Tại sao sự bất bình đẳng và các nhóm lại nhận được phần lớn các nguồn lợi trong xã hội thường là khá ổn định qua thời gian dài? Tại sao hệ thống phân tầng lại thay đổi? Sau đó, Kerbo giới thiệu một giả thuyết chủ yếu rằng hệ thống phân tầng sẽ hướng tới giảm bớt sự xung đột công khai thông qua sự phân phối những hàng hóa và dịch vụ có giá trị trong xã hội (Kerbo, 2000:150-151). Kết luận nói trên của Kerbo về sự kết hợp giữa hai lý thuyết chức năng và lý thuyết xung đột (trong đó lý thuyết xung đột đóng vai trò chủ đạo) đã được thể hiện nhiều trong những nghiên cứu về phân tầng xã hội đương đại. Các nhà nghiên cứu phân tầng xã hội đương đại trên thế giới đều xuất phát từ K. Marx và M. Weber (lý thuyết xung đột), kết hợp với đo lường và xếp hạng điểm số uy tín nghề nghiệp (lý thuyết chức năng) để xây dựng nên các mô hình phân tầng xã hội ở mỗi quốc gia. Điều này sẽ được trình bày tiếp tục về lý thuyết ở Mục 2 (Chương I), và về thực nghiệm trong Chương II. Như vậy, họ đã kết hợp với lý thuyết chức năng trên cơ sở nền tảng lý thuyết xung đột và phát triển tiếp tục M. Weber (đã bao hàm cả K. Marx) trong nghiên cứu phân tầng xã hội hiện nay.

 

Nghiên cứu phân tầng xã hội có ba mục tiêu, nhằm: (1) Xác định rõ mức độ ảnh hưởng/chi phối ở cấp độ xã hội của các hệ thống giai cấp (hoặc địa vị). Các hệ thống giai cấp có ảnh hưởng lớn đến mức chúng là nền tảng của những kiểu/phương thức hành động xã hội; (2) Phân tích các cấu trúc giai cấp và địa vị, và những yếu tố quyết định sự hình thành giai cấp và địa vị; (3) Cung cấp những tài liệu bất bình đẳng về điều kiện, cơ hội và kết quả, và những cách thức để các nhóm duy trì ranh giới giai cấp (hoặc địa vị). Tức là, các nhóm có sự khép kín xã hội nhằm duy trì những đặc quyền của mình và loại trừ các nhóm khác tìm cách tiếp cận những đặc quyền đó. Như vậy, ở mức độ chung nhất, phân tầng xã hội quan tâm đến vấn đề về sự hình thành giai cấp và nhóm địa vị. Đó là chìa khóa để hiểu sự hòa nhập xã hội (Scott, J., 2009: 735). Nói chung, các mục tiêu của nghiên cứu phân tầng có thể được quy giản về miêu tả cấu trúc các giai cấp xã hội và vạch rõ quá trình tạo lập, duy trì các giai cấp. Từ mục tiêu nghiên cứu quy giản này, một số câu hỏi cơ bản đặt ra như sau (Grusky,2001:4, 5):

 

+ Các loại hình và nguồn gốc của phân tầng: Những loại hình bất bình đẳng chủ yếu trong lịch sử loài người là gì? Tồn tại khắp nơi tình trạng bất bình đẳng liệu có thể quy về do sự khác biệt tài năng và năng lực cá nhân hay không? Những dạng bất bình đẳng là đặc tính thường thấy trong đời sống con người có phải không?

+ Cấu trúc của phân tầng hiện nay: Có bao nhiêu giai cấp trong xã hội? Đường phân ranh chủ yếu xác định cấu trúc giai cấp hiện nay là gì? Đường phân ranh đó có trở nên rõ ràng hay mờ nhạt khi chuyển dịch tới xã hội hiện đại và hậu hiện đại hay không?+ạo lập phân tầng: Các cá nhân thường xuyên di động vào các giai cấp, nghề nghiệp và nhóm thu nhập mới như thế nào? Tầng lớp “ngoài lề giai cấp - underclass” có tồn tại thường xuyên hay không? Trí tuệ, sự cố gắng, trình độ giáo dục, lòng khát vọng, giao tiếp xã hội và sự may mắn cá nhân đã tác động tới kết quả nghề nghiệp tới mức độ nào?

+ Hậu quả của phân tầng: Phong cách sống, quan điểm và hành vi cá nhân được chia sẻ bởi vị trí giai cấp của họ như thế nào? Có thể nhận biết được “văn hóa giai cấp” trong các xã hội quá khứ và hiện tại hay không?

+ Quá trình quy gán sẵn: Những kiểu loại nào về quá trình xã hội và chính sách nhà nước đã góp phần duy trì, hoặc thay đổi sự phân biệt sắc tộc, chủng tộc và giới tính trong thị trường lao động? Những loại hình phân biệt đối xử này có trở nên rõ ràng hay mờ nhạt khi chuyển dịch tới xã hội hiện đại và hậu hiện đại hay không?

+ Tương lai của phân tầng: Các hệ thống phân tầng sẽ là những loại hình khác biệt và hoàn toàn mới trong tương lai hay không? Tình trạng bất bình đẳng trong những hệ thống đó sẽ như thế nào? Khái niệm giai cấp xã hội liệu có vẫn được sử dụng để miêu tả các loại hình phân tầng hậu hiện đại không? Các hệ thống phân tầng liệu có loại bỏ dần những đặc tính riêng biệt của nó và hội tụ vào một vài chế độ hậu hiện đại chung hay không?

 

Tiếp tục tìm hiểu phân tầng xã hội và phân tích cụ thể hơn nữa, nó có những nội dung/thông số cơ bản như sau:

+ Mức độ bất bình đẳng về những nhóm tài sản chính: “Ai có được cái gìvà tại sao lại như vậy?” “Cái gì” - đó là các loại nguồn lực, nguồn lợi và tài sản chủ yếu (kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, uy tín.... ) nằm bên dưới quy định, chi phối hệ thống phân tầng (Bảng 1.1). David B. Grusky đã đưa ra bảng danh mục 07 loại tài sản, nguồn lực và nguồn lợi này trong xã hội (Grusky, 2001: 4)[1]. Các loại nguồn lợivà tài sản đó là những cơ sởvà tiêu chuẩn để phân chia thành các tầng lớp xã hội. Từ sự phân chia này, ta có thể xác định được số lượng các tầng lớp cơ bản trong xã hộivà sự bất bình đẳng giữa các tầng lớp như thế nào. Do đó, cần phải tiếp cận dựa trên cơ sở nhiều chiều cạnh để làm tiêu chuẩn phân chia thành các tầng lớp xã hội (M. Weber đã tiếp cận theo 3 chiều cạnh), chứ không chỉ là một chiều cạnh (đại diện là K. Marx). Đồng thời, quá trình cấu trúc hóa và thiết chế hóa tạo ra sự bất bình đẳng trong việc phân chia những loại nguồn lực, nguồn lợi và tài sản có giá trị của xã hội. Đó là những quy tắc trong việc phân chia những nguồn lực, nguồn lợinày theo những vị trí nghề nghiệp và địa vị xã hội của mỗi người trong bản đồ hệ thống phân tầng.

+ Những nhóm tài sản chính (Bảng 1.1) dùng làm cơ sở, tiêu chuẩnđể phân chia và xếp hạng các tầng lớp thường có mối tương quan chặt chẽ, gắn liền và đi cùng với nhau trong mỗi tầng lớp. Nếu các mối tương quan là mạnh, thì sẽ xuất hiện sự nhất quán về địa vị (status consistency) ở những cá nhân trên đỉnh và dưới đáy hệ thống phân tầng (Grusky, 2001:6). Tức là, nếu mối tương quan mạnh, thì sẽ có sự“quy tụ”/“hội tụ” các loại tài sảnvào cùng mỗi tầng lớp (để tạo nên sự rõ ràng/kết tinh về địa vị - status crystallization - cho mỗi tầng lớp đó). Tình trạng này gọi là mức độ kết tinh/hội tụ các địa vị (status crystallization). Ví dụ, các loại tài sản thường cùng hội tụ vào tầng lớp trên đỉnh và không hội tụ vào tầng lớp dưới đáy hệ thống phân tầng để tạo nên sự rõ ràng/kết tinh về địa vị cho tầng lớp đó. Đối với các tầng lớp ở giữa có thể ở vị trí cao xét theo tiêu chuẩn này, nhưng lại ở vị trí thấp hơn nếu xét theo tiêu chuẩn khác. Tình trạng này gọi là sự không nhất quán về vị thế (status inconsistency) (Grusky, 2001: 6). Nói cách khác, sự không nhất quán về vị thế là “tình trạng các cá nhân trong xã hội có những vị trí cao thấp trái ngược nhau theo những chiều cạnh của phân tầng xã hội” (Kerbo, 2000: 523). Xã hội càng phát triển, càng công nghiệp hóa thì tình trạng không nhất quán về vị thế giữa các tầng lớp càng nhiều (đặc biệt là đối với các tầng lớp trung lưu). Điều này dẫn tới “đường ranh giới” giữa các tầng lớp xã hội thường không rõ ràng. Các tầng lớp thường có sự “giao thoa” với nhau.

+ Từ những nhóm tài sản chính (Bảng 1.1), người ta có thể biết được mức độ bền vững (rigidity) về địa vị. Khái niệm rigidity của hệ thống phân tầng nhằm ám chỉ địa vị xã hội của các thành viên được tiếp nối liên tục qua thời gian. Ví dụ, nếu của cải, quyền lực và uy tín hiện tại của cá nhân đã được dự báo chính xác trên cơ sở địa vị trước đây (hoặc địa vị của cha mẹ), thì hệ thống phân tầng đó được gọi là có mức độ bền vững cao, hoặc “khép kín xã hội” (Grusky, 2001: 6).

+ Trong hệ thống phân tầng, làm thế nào mà người ta chiếm giữ được một địa vị KT - XH xác định? Đây chính là câu hỏi: “Ai tiến lên phía trước, và tại sao?” Có hai con đường để “tiến lên phía trước” và đạt tới địa vị như vậy: nhờ dựa vào địa vị quy gán sẵn (ascribed status) và địa vị giành đạt được (achieved status), phải phấn đấu mới giành được (Kerbo, 2000: 12). Địa vị quy gán sẵn là địa vị có được khi nhờ dựa chủ yếu vào những nhân tố sinh học tự nhiên và xã hội có sẵn (như tuổi, giới tính, chủng tộc, nguồn gốc giai cấp). Địa vị giành đạt được là khi nhờ dựa chủ yếu vào tài năng và sự nỗ lực cố gắng của cá nhân (như thông qua học vấn và giáo dục). Hai phương thức đạt tới địa vị như vậy đều được cấu trúc hóa và thiết chế hóa. Hai phương thức này thường kết hợp với nhau, trong đó có phương thức nổi trội. Xã hội càng phát triển, càng công nghiệp hóathì địa vị giành đạt được càng nổi trội, còn địa vị quy gán sẵn sẽ mờ dần.

+ Đối với mỗi tầng lớp xã hội, hoặc toàn bộ hệ thống phân tầng có thể là di động khép kín (đóng), hoặc là di động mở. Xã hội càng phát triển, càng công nghiệp hóa thì trạng thái di động xã hội trong hệ thống phân tầng ngày càng cao (tức là hệ thống phân tầng mở- ngược lại là hệ thống phân tầng khép kín/đóng).

+ Tồn tại sự khác nhau về hành vi, thái độ, quan điểm, phong cách sống của các cá nhân (tức là văn hóa giai cấp - vốn văn hóa) giữa các tầng lớpxã hội. Nói cách khác, giai cấp có xu hướng phát triển và duy trì các nền văn hóa riêng biệt. Mỗi giai cấp thường có nền tiểu văn hóa riêng của mình. Như vậy, các tầng lớp xã hội khác nhau có nguồn vốn văn hóa cũng khác nhau. Vốn văn hóa có thể được tích lũy và trao truyền từ cha mẹ sang cho con cái, giống hệt như cho thừa kế của cải vậy. Đây chính là sự tái tạo văn hóa giai cấp. Các giai cấp không chỉ tái tạo bản thân họ bằng cách chuyển giao tài sản cho thế hệ sau, mà còn tái tạo bản thân về mặt văn hóa. Vốn văn hóa có thể chuyển hóa thành vốn kinh tế, vốn chính trị (quyền lực) và vốn xã hội (mạng lưới xã hội).

 

2. Phương pháp đo lường phổ biến các tầng lớp xã hội

Ở Mục 1 (Chương I) trình bày mối quan hệ giữa ba khái niệm (khác biệt xã hội, bất bình đẳng xã hội và phân tầng xã hội). Trong đó, để hiểu phân tầng xã hội, trước hết cần biết sự phân nhóm xã hội (dựa theo khái niệm khác biệt xã hội). Tức là, đầu tiên phải dựa trên một số tiêu chuẩn xác định nào đó để phân chia thành các nhóm xã hội khác nhau. Nếu chỉ dừng lại ở việc phân nhóm xã hội, ta có được các nhóm hoàn toàn bình đẳng với nhau (nhóm nào cũng như nhóm nào). Sau khi thực hiện phân nhóm xã hội, người ta tiếp tục tiến hành sắp xếp thứ bậc giữa các nhóm (nhóm nọ đứng trên nhóm kia, dựa theo khái niệm bất bình đẳng xã hội) để tạo thành các tầng lớp theo tôn ti trật tự và dẫn tới phân tầng xã hộiNhư vậy, có hai quy trình cơ bản phân nhóm sắp xếp thứ bậc thành các tầng lớp xã hội. Điều này thể hiện hàm ý rằng, nó sẽ quy định phương pháp đo lường các tầng lớp xã hội cũng có hai quy trình cơ bản tương tự như vậy (phân nhómxếp hạng cao thấp). Phương pháp đo lường các tầng lớp xã hội đã được trình bày trong ba bài viết (Đỗ Thiên Kính, 2011b, 2013, 2015b). Nội dung trình bày ở đây là những điều nhấn mạnh hơn.

 

Để biết phương pháp đo lường các tầng lớp xã hội, cần phải dựa trên các loại nguồn lợi và tài sản chủ yếu nằm bên dưới quy định, chi phối hệ thống phân tầng. Xã hội càng phát triển, các loại nguồn lợi và tài sản chủ yếu ngày càng đa dạng. Đó là do các xã hội công nghiệp càng phát triển, nhiều nguồn lực có giá trị mới xuất hiện. David B. Grusky đã đưa ra bảng danh mục 07 loại nguồn lực, nguồn lợi và tài sản chủ yếu (kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, uy tín...) trong xã hội (Grusky, 2001: 4). Trước thực tiễn phát triển của xã hội có nhiều loại nguồn lực và tài sản như thế, vậy thì sẽ dựa vào cơ sở nào để phân loại và xếp hạng các tầng lớp xã hội? Hoặc liệu có thể vẫn tiếp tục kiên định bám giữ truyền thống là theo thuyết quy giản (reductionism) về chỉ một loại nguồn lực và tài sản chủ yếu nhất? Đại diện cho cách tiếp cận này là K. Marx đã dựa trên một nguồn lực sở hữu tư liệu sản xuất (TLSX)[2]. Nếu như vậy, thì sẽ không “bóc tách” được một số tầng lớp khác kiểm soát các loại nguồn lực còn lại. Hơn nữa, có những nguồn lực riêng rẽ mà nếu đo lường trực tiếp nó thì rất khó khăn và không khả thi trên thực tế (ví dụ như quyền lực). Hoặc cách khác là phải tìm hướng đo lường gián tiếp, nhưng là cách đo lường tổng hợp sao cho “quy tụ” và “hội tụ” được các loại nguồn lực, tài sản chủ yếu đồng hành với nhau để nhằm phân loại và xếp hạng các tầng lớp xã hội. Tức là, sao cho “quy tụ” và “hội tụ” được các loại tài sản, nguồn lực vào cùng mỗi tầng lớp (để tạo nên sự rõ ràng/kết tinh về địa vị - status crystallization - cho mỗi tầng lớp đó).Vậy, làm thế nào để đo lường một cách tổng hợp các loại nguồn lực và tài sản chủ yếu cùng với nhau (đồng thời với nhau) trong mỗi tầng lớp xã hội thông qua một chỉ báo đo lường? Tức là, thao tác hóa khái niệm để đo lường thực nghiệm các tầng lớp xã hội như thế nào? (Giddens, 2001: 287). Hoặclà, làm thế nào để nhận biết (nhận diện) được các tầng lớp trong xã hội?

 

Để giải quyết vấn đề đo lường tổng hợp nêu trên và trả lời những câu hỏi đặt ra, các nhà nghiên cứu đã có nhiều cách đo lường được tóm tắt trong Bảng 1.2.

 

 

Trong Bảng 1.2, ba cách tiếp cận đầu tiên thuộc về phương pháp đo lường khách quan. Cách tiếp cận số 4 thuộc về phương pháp đo lường chủ quan. Trong đó, cách tiếp cận số 1 là khó áp dụng vào thực tế nhất để đo lường các tầng lớp xã hội. Cách tiếp cận số 2 đã coi nhẹ yếu tố sở hữu/kiểm soát TLSX, tài sản và vị trí trong quan hệ sản xuất (so với cách tiếp cận số 1). Cách tiếp cận số 3 đã bao hàm và khắc phục/vượt qua được cả cách tiếp cận số 1 và số 2. Do đó, đa số các nhà nghiên cứu trên thế giới đã dựa vào nghề nghiệp để đo lường giai cấp xã hội (Rothman, 2005:6) - tức là dựa vào cách tiếp cận số 3. Sở dĩ như vậy, bởi vì nghề nghiệp là điểm xuất phát hữu ích nhất để người ta có được những nguồn lợi tài chính, địa vị xã hội và có ý nghĩa lâu dài đối với thế hệ con cái(Rothman, 2005: 7). Hơn nữa, nghề nghiệp là biểu hiện và minh họa cụ thể cho lý thuyết chức năng trong việc giải thích vì sao có sự phân tầng xã hội. Tức là nó trả lời câu hỏi tại sao người ta lại có được những nguồn lợi khác nhau trong hệ thống phân tầng. Thậm chí, kiến thức đo lường thực nghiệm các tầng lớp xã hội qua cấu trúc nghề nghiệp còn được viết trong giáo trình xã hội học trên thế giới:

 

“Đặc trưng phổ biến của hầu hết các sơ đồ giai cấp là nó dựa trên cơ sở cấu trúc nghề nghiệp. [...] Nghề nghiệp là một trong những nhân tố then chốt nhất trong vị thế xã hội, cơ may cuộc sống và mức độ đầy đủ về vật chất của một cá nhân.Các nhà khoa học xã hội sử dụng nghề nghiệp một cách rất phổ biến để làmchỉ báo của giai cấp xã hội, vì họ tin rằng các cá nhân làm cùng một nghề có xu hướng trải nghiệm những ưu thế xã hội hoặc bất lợi ở mức độ tương tự nhau, cùng duy trì những phong cách sống gần nhau, và cùng chia sẻ những cơ hội tương tựnhau trong cuộc sống. […] Các nhà xã hội học xưa nay vẫn dùng các sơ đồ giai cấp nghề nghiệp để vẽ nên bản đồ cấu trúc giai cấp của xã hội” (Giddens, 2001: 287, 305)[3].

 

Cụ thể hơn, theo hai quy trình đo lường, người ta đã phân nhómdựa vào cấu trúc nghề nghiệp. Tức là phân tổ, phân nhóm các loại nghề nghiệp - chứ không phải dựa vào ngành kinh tế như các nhà nghiên cứu ở Việt Nam thường hiểu. Tiếp theo, họ đã xếp hạng theo tôn ti trật tự trên dưới (tức là phân tầng sau khi phân nhóm) dựa vào địa vị KT-XH mở rộng (Tài sản/của cải, thu nhập; Giáo dục; Uy tín nghề nghiệp; Vốn văn hóa; Vốn xã hội) của mỗi nhóm nghề để tạo thành các tầng lớp trong xã hội (Đỗ Thiên Kính, 2013:97). Sở dĩ như vậy, bởi vì nghề nghiệp là nơi “quy tụ” và “hội tụ” tương đối đầy đủ các loại nguồn lực, nguồn lợi, tài sản và vị trí xã hội của mỗi cá nhân. Nói cách khác, các loại nguồn lực, nguồn lợi, tài sản và vị trí xã hội thường gắn liền với nhau qua nghề nghiệp của mỗi cá nhân. Có thể nói rằng, ba chiều cạnh kinh điển về phân tầng xã hội (kinh tế/tài sản, chính trị/quyền lực và uy tín xã hội) đều thể hiện đồng thời cùng nhau trong nghề nghiệp - theo ngôn ngữ dân gian thì đó gọi là “3 trong 1”. Chính vì vậy, mà Parkin (1971:18) đã coi cấu trúc nghề nghiệp như là “chiếc xương sống của toàn hệ thống nguồn lợi trong xã hội phương Tây hiện đại”. Hoặc là Hauser và Featherman (1977: 4) cũng cho rằng nghiên cứu “cấu trúc di động nghề nghiệp [...] đã mang lại những thông tin đồng thời (mặc dù là gián tiếp) về quyền lực địa vị, quyền lực kinh tế và quyền lực chính trị”. Ngay cả Duncan (1968: 689-90) và Parsons (1954: 326-29) cũng cho là như vậy (trích lại từ Grusky, 2001: 7 - tôi in nghiêng). Từ đây, nghề nghiệp đã thể hiện và minh họa không những cho lý thuyết chức năng, mà cả lý thuyết xung đột (tức là sự kết hợp giữa hai lý thuyết này) trong việc giải thích vì sao có phân tầng xã hội. Hơn nữa, sự phân loại và xếp hạng uy tín nghề nghiệp thường có tính khả thi và độ chính xác cao hơn so với việc thu thập những tiêu chuẩn khác vốn khó đo lường. Như vậy, đa số các nhà xã hội học quốc tế hiện nay đã lựa chọn nghề nghiệp được hiểu như là bộ tiêu chí (chỉ báo) tổng hợp để phân loại/phân nhóm và xếp hạng các tầng lớp trong xã hội.

 

Ở xã hội Việt Nam truyền thống ngày xưa, cũng tồn tại cách phân chia và xếp hạng thứ bậc cho hầu hết dân cư làng/xã theo nghề nghiệp gọi là tứ dân: Nông Công Thương.

“Người ta vốn quen phân biệt bốn giai cấp hoặc đẳng cấp trong xã hội người Việt: Sĩ (nho sĩ), Nông (nông dân), Công (thợ thủ công) và Thương (người buôn bán). Đấy là một sự phân biệt hoàn toàn đại khái, phần lớn dựa trên nghề nghiệp của từng người hơn là dựa trên vai trò của mỗi cá nhân trong xã hội. Điều đó rất rõ nét trong làng xã người Việt, nơi mà cách phân biệt đó chẳng có giá trị gì lắm” (Nguyễn Văn Huyên, 1995:409).

 

Như vậy, sự phân loại các tầng lớp xã hội ở làng/xã nông thôn Việt Nam truyền thống có thể quy giản về tiêu chí nghề nghiệp là chủ yếuDanh từ “nghề nghiệp” trong tiếng Việt (tôi nhấn mạnh chữ “nghiệp”) như là nơi thể hiện những cơ may và rủi ro, thành đạt và thất bại đều được “hội tụ” vào cái “nghiệp” để tạo nên vị thế xã hội của mỗi cuộc đời một con người. Như thế, tài liệu lịch sử về xã hội Việt Nam truyền thống đã thể hiện phương pháp đo lường các tầng lớpcủa xã hội học. Thiết nghĩ rằng, những người nghiên cứu về phân tầng xã hội ở Việt Nam hiện nay nên hội nhập với xã hội học quốc tế. Điều này cũng là phù hợp với tiêu chuẩn phân chia và sắp xếp tôn ti trật tự giữa các tầng lớp trong lịch sử Việt Nam.

Trên đây là những tìm hiểu về phân tầng xã hội và phương pháp đo lường chủ yếu các tầng lớp xã hội như thế nào. Phương pháp đo lường chủ yếu này sẽ được áp dụng vào nghiên cứu ở Việt Nam trong Chương II [THỰC TRẠNG VÀ XU HƯỚNG BIẾN ĐỔI MÔ HÌNH PHÂN TẦNG XÃ HỘI].

(còn nữa)

Nguồn: sách “Phân tầng xã hội và di động xã hội ở Việt Nam hiện nay” (2017)

 


[1] Cụ thể 07 loại tài sản, nguồn lực, nguồn lợi này được trình bày trong Bảng 1.1.

[2] K. Marx đã dựa trên một nguồn lực sở hữu TLSX dùng để phân chia và xếp hạng thành hai giai cấp đối khángchủ yếu trong xã hội: Giai cấp tư sản có sở hữu TLSX sẽ đứng trên và bóc lột giai cấp vô sản; còn giai cấp vô sản không sở hữu TLSX ở dưới và chịu sự bóc lột. Như vậy, đối với K. Marx thì cơ sở/chiều cạnh dùng để phân nhóm và xếp hạng thành hai giai cấp được đồng nhấtvới nhau.

[3] Nguyên văn tiếng Anh như sau: “A common feature of most class schemes is that they are derived on the basis of the occupational structure. […] occupation is one of the most critical factors in an individual’s social standing, life chances and level of material comfort. Social scientists have used occupation extensively as an indicator of social class because of the belief that individuals in the same occupation tend to experience similar degrees of social advantage or disadvantage, maintain comparable lifestyles, and share similar opportunities in life. […] Sociologists have traditionally used occupational class schemes to map the class structure of society.” (Giddens, 2001: 287, 305)

 
 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114443696

Hôm nay

2254

Hôm qua

2333

Tuần này

21509

Tháng này

218870

Tháng qua

112676

Tất cả

114443696