Những góc nhìn Văn hoá

Một thế kỷ văn chương Pháp với 14 giải Nobel

Văn hào Pháp Patrick Modiano được Viện Hàn lâm Thụy Điển trao giải Nobel Văn chương năm 2014. Giáo sư Ngô Nhạc Thiêm (Wu Yuetian, 吴岳添), Hội trưởng Hội nghiên cứu văn học Pháp toàn Trung Quốc đã giới thiệu một số tác phẩm của Patrick Modiano, qua đó góp phần nhận diện ưu thế của văn chương Pháp trong hành trình thế kỷ giải Nobel. Tác giả đã khái quát những biến chuyển của văn chương thế giới qua một thế kỷ với nguồn gốc ra đời từ nền văn chương Pháp. Xin trân trọng giới thiệu.

 

Patrick Modiano - con một thương nhân Do Thái

Patrick Modiano (1945-) sinh tại Boulogne-Billancourt, vùng ngoại ô ở phía tây nam Paris. Cha là Alberto Modino, một thương nhân Do Thái của Ý; mẹ là Louisa Colpijn, một nghệ sỹ hài kịch gốc Bỉ; họ quen nhau năm 1942 tại Paris, vì tránh để dòng họ Do Thái “Modiano” gây phiền phức cho các con, họ cho hai người con đi tu theo Thiên Chúa giáo.

Người cha của Patrick Modiano thường xuyên đi buôn lậu xa nhà, còn người mẹ cũng đi diễn kịch thất thường, người anh duy nhất lại sớm qua đời, vì thế tuổi thơ ông trải qua rất cô độc. Sau này lớn lên, ông bị phe Thiên Chúa giáo xem là người Do Thái, còn người Do Thái lại nhìn nhận ông là tín đồ Thiên Chúa giáo, vì thế thân phận ông trở thành như kẻ bơ vơ. Nhưng với cá tính mạnh mẽ, ông sớm lựa chọn theo đuổi con đường sáng tác văn chương, quyết tâm trở thành nhà văn Do Thái vĩ đại của Pháp, kế tục Montaigne, Proust và Celine.

Tiểu thuyết của Patrick Modiano đa số lấy đề tài từ Thế chiến thứ Hai với giai đoạn chiếm đóng (Đức chiếm đóng Pháp - ND), nhưng ông không viết trực tiếp về chiến tranh mà mượn bầu không khí ngột ngạt và u ám của chiến tranh để phản ánh hiện thực xã hội đương thời.

Nhân vật chính trong “Quảng trường Ngôi Sao” (La place de L’Etoile, 1968) là một thanh niên Do Thái, anh từ Pháp chạy đến Israel, nhưng vẫn không thể thoát khỏi bóng đen của chủ nghĩa phát xít, cuối cùng bị hành quyết tại Quảng trường Ngôi Sao, trước Khải Hoàn Môn Paris. Vào thời quân Đức chiếm đóng, người Do Thái phải đeo nhận dạng hình ngôi sao màu vàng ở trước ngực, vì thế tựa đề “Quảng trường Ngôi Sao” có ý nghĩa tượng trưng rất rõ. Tiểu thuyết đã giành được hai giải thưởng lớn sau khi xuất bản, giúp Patrick Modiano thành danh ngay công bố đầu tay.

Nhân vật chính của “Tuần tra đêm” (La ronde de nuit, 1969) là một thanh niên làm gián điệp hai mang, vừa là mật vụ Đức Quốc xã (Gestapo) lại vừa tham gia phong trào phản kháng, trong cảnh tiến thoái lưỡng nan cuối cùng đi vào con đường tự hủy hoại.

Trong “Các đại lộ vành đai” (Les Boulevards de ceinture, 1972), nhân vật chính vào năm mười bẩy tuổi thấy một bức ảnh của cha mình và đã lên đường đi tìm cha, nhưng người cha có thân phận không rõ ràng, ngày ngày phải sống trong cảnh lẩn trốn bất an. Anh cũng không rõ rốt cuộc người cha là tội phạm buôn lậu hay là người Do Thái bị Gestapo truy bức. Cuối cùng trong lúc người cha bị bắt thì anh dũng cảm xuất hiện, kết quả cả hai đều bị tống vào nhà lao.

“Biệt thự buồn”(Villa triste, 1975) viết về một thanh niên vì sợ tham gia chiến tranh nên bỏ trốn đến Thụy Sĩ, thế rồi cùng với một đôi nam nữ hình thành mối quan hệ tay ba.

Trong “Sổ gia đình” (Livret de famille, 1977), nhân vật chính chỉ hai mươi tuổi, nhưng lại hồi tưởng về cuộc sống vào thời kỳ chiếm đóng trước khi bản thân chào đời.

“Phố các cửa hiệu u tối”(Rue des Boutiques obscures, 1978) là tác phẩm tiêu biểu của Patrick Modiano, nhân vật chính là một trinh thám bị mất trí nhớ, mất ký ức về nửa cuộc đời trước đó của mình, sau đó làm trinh thám cho một tổ chức thám tử tư được tám năm, qua nhiều manh mối dần nhớ lại được hoàn cảnh bản thân trong thời kỳ chiếm đóng. Tiểu thuyết hàm ý triết lý đi tìm lại chính mình, đã được giải thưởng Goncourt.

Từ năm 1980 về sau Patrick Modiano thường xuyên cho ra đời những tiểu thuyết mới, tiêu biểu như “Một tuổi trẻ” (Une jeunesse, 1981), “Những chủ nhật tháng Tám” (Dimanches d’Aout, 1986), và “Tủ áo tuổi thơ” (Vestiaire de l’enfance, 1989)… Nhân vật chính trong những tiểu thuyết này không chỉ đi tìm ý nghĩa cuộc sống mà còn luôn mang tâm trạng hoài nhớ dĩ vãng. Như “Một tuổi trẻ” viết về hai vợ chồng trẻ mới ba mươi lăm tuổi, họ sống trong cảnh hạnh phúc yên bình, nhưng thỉnh thoảng vẫn hồi tưởng lại thời thanh xuân ảm đạm với cuộc sống khốn khó. Trong “Những chủ nhật tháng Tám”, nhân vật chính đi thụ hưởng kỳ nghỉ cùng tình nhân tại khu thắng cảnh Nice, nhưng viên kim cương chữ thập mà cô gái đeo gợi liên tưởng đến những thứ quý hiếm thường khiến người mang gặp bất hạnh, câu chuyện nhào nặn mơ mơ hồ hồ để lại khoảng trống cho người đọc tùy ý tưởng tượng.

Sau những năm 1990 nhiều tác phẩm giữ phong cách hồi tưởng được ông tiếp tục cho ra mắt như: “Tuần trăng mật” (Voyage de Noce, 1990), “Gánh xiếc đi qua” (Un cirque passe, 1992), “Bên kia bờ lãng quên” (Du plus loin de l’oublie, 1996), “Những kẻ vô danh” (Des inconnus, 1999), “Món nữ trang nhỏ” (La Petite Bijou, 2001) … Ví dụ trong “Bên kia bờ lãng quên” viết về nhân vật chính 50 tuổi khi gặp lại người tình từ ba mươi năm trước đã nhớ lại chuyện xưa: ông giành được cô ấy từ một người đàn ông khác, nhưng rồi cô ấy lại kết hôn với một người giàu có. Giờ tất cả ký ức chỉ là kỷ niệm cay đắng, tốt nhất nên quên hết đi.

Patrick Modiano không tham gia vào phong trào chính trị “Giông bão tháng Năm” (tháng Năm năm 1968), cũng như tranh luận về triết học và nghệ thuật đương thời. Ông miệt mài sáng tác tiểu thuyết lấy đề tài từ trong Thế chiến thứ Hai, hoàn cảnh đặc thù của người Do Thái cho ông nguồn tư liệu phong phú. Đi cùng tiếp thu một số thủ pháp của tiểu thuyết hiện đại, ông vẫn giữ nét đặc sắc riêng với cách viết giản dị dễ hiểu, hành văn trôi chảy, hình thành phong cách đan xen giữa hư và thực, đọc rất lôi cuốn, nhờ đó trở thành ngôi sao mới nổi bật của văn đàn vào những năm 1970, trong lúc thể loại tiểu thuyết mới đang thoái trào.

Nhiều nhà văn Pháp không phải người Pháp

Những người được giải Nobel Văn chương thông thường là văn hào lớn nổi tiếng thế giới, nhưng cho đến thập niên 90 thế kỷ XX, những nhà văn nổi bật đều lần lượt qua đời, người ta ngày càng thấy lạ lẫm đối với người được giải.

Tác phẩm sớm nhất của Jean-Marie Gustave Le Clézio (1940- ) xuất bản năm 1963, giúp ông thành danh vào những năm 1970, đến nay ông vẫn viết lách kiếm sống, trải qua hơn bốn mươi năm nhưng danh tiếng vẫn còn nguyên vẹn, vì thế không bất ngờ việc ông được giải, không gây nhiều tranh luận. Năm 2006 ông còn xuất bản tiểu thuyết Urania, một tiểu thuyết giả tưởng viết về xã hội lý tưởng kiểu Utopia.

“Ban bình chọn tiểu thuyết nước ngoài xuất sắc nhất hàng năm thế kỷ XXI” do Nhà xuất bản Văn học Nhân dân và Hội Văn học nước ngoài toàn Trung Quốc đồng tổ chức, đã bình chọn Urania là tiểu thuyết Pháp xuất sắc nhất năm 2006, đến năm 2007 đã có bản dịch tiếng Trung xuất bản. Jean-Marie Gustave Le Clézio rất vui vì được giải, tháng Một năm đó ông đến dự lễ trao giải tại Bắc Kinh và cùng tọa đàm với các chuyên gia văn chương Pháp tại Bắc Kinh. Khi đó ông đã 68 tuổi, tôi khen ông vẫn còn rất khỏe và hỏi ông khi nào nghỉ hưu. Ông đáp rằng nhà văn không có nghỉ hưu, ông sẽ viết cho đến thời khắc cuối cùng. Ông so sánh mình với người nông dân cày ruộng, gợi cho người ta ấn tượng về một con người thật khiêm tốn, giản dị.

Jean-Marie Gustave Le Clézio không thích không khí náo nhiệt ở những thành phố lớn, thường xuyên rời nước Pháp đến sống và viết ở các nơi như Mexico, Panama, Ấn Độ. Những nơi ông thích đến dĩ nhiên liên quan đến tổ tiên của ông, vì tổ tiên của ông từ Pháp di cư đến Mauritius thuộc châu Phi, ông nội của ông từng làm quan tòa tại đó. Cha ông là người Anh, sau này gặp mẹ ông tại Paris, họ trở về Kniss thuộc Pháp kết hôn và sinh ông ở đó.

Về phương diện văn hóa, Paris là nơi rất dễ dung nạp văn hóa từ nơi khác. Từ thời Rousseau (1712 - 1778), Paris thành tâm điểm hướng về của văn giới nhiều nơi. Nhiều người tưởng Rousseau là người Pháp, thực tế ông sinh ở nước cộng hòa dân chủ Geneva, bản thân ông là công dân Geneva. Thời ông sống khi đó còn chưa có Thụy Sĩ, ban đầu Geneva nhập vào Pháp, sau đó mới tách khỏi Pháp nhập vào Liên bang Thụy Sĩ.

Rousseau đến Pháp năm 29 tuổi, là danh nhân hàng đầu của Pháp đến từ nước ngoài. Vào những năm 1950 của thế kỷ XX, nhà văn trường phái kịch phi lý đều là người nước ngoài: Ionesco (1909 - 1994) đến từ Romania, Adamov (1908 - 1970) đến từ Armenia, Samuel Beckett (1906 - 1989) từ Ireland là người được giải Nobel Văn chương năm 1969. Đến nay, tác giả di dân được nhiều người biết có Milan Kundera (1929- ) gốc Czech, Francois Cheng (1929- ) gốc Trung Quốc.

Văn chương khác với chính trị, về chính trị thì các quốc gia lớn nhỏ đều cần bình đẳng, nhưng về văn chương khó mà được như vậy, các nước nhỏ quá sẽ gặp bất lợi trong phát triển. Ví dụ Ireland có rất nhiều nhà văn, nhưng muốn phát triển phải đến London, như nhà văn William Butler Yeats (1865-1939) nổi tiếng của Anh là người Ireland. Tương tự, tại Pháp có nhiều nhà văn vùng thuộc địa Phi châu, sau khi đến Pháp sự nghiệp của họ mới nở rộ. Trong những nhà văn di dân nhiều trường hợp là lưu vong, số phận của họ gập ghềnh gian khổ hơn rất nhiều những nhà văn Pháp bản địa, vì vậy để thành công thường họ đều phải là những con người kiệt xuất, đa số những sáng tác của họ lột tả hiện thực một cách sâu sắc, trong đó chắc chắn có nhiều điểm đáng làm gương cho người Pháp.

Tóm lại, nhà văn di dân cần đến Pháp mới nở rộ tài năng, còn Pháp cũng cần sự bổ trợ từ văn hóa bên ngoài, chính những nhà văn di dân đã tăng thêm sức sống cho văn chương Pháp. Sau khi Jean-Marie Gustave Le Clézio (1940- ) được giải Nobel, có một số người Pháp nói ông mang dòng máu ngoại tộc, thực sự điều này không đáng để bị bài xích, huống hồ gốc của ông vẫn là ở Pháp.

Pháp là khởi nguồn của các trường phái và trào lưu tư tưởng

Chúng ta không thể nói văn chương nước nào ưu việt nhất, nhưng không thể nghi ngờ về vị thế hàng đầu của văn chương Pháp, ưu thế này được duy trì từ thế kỷ XVII đến nay. Diện tích nước Pháp không lớn, không thể so với Trung Quốc và Nga, lịch sử cũng không lâu đời bằng, vậy tại sao văn chương Pháp lại xuất chúng như vậy? Điều này có liên quan đến lịch sử thế giới cận đại.

Trung Quốc có thời thịnh Đường vô cùng rực rỡ, đến cuối triều Đường nước Pháp mới định hình, nhưng từ thời cận đại thì phương Đông đã lạc hậu, khi đó chưa có nước Mỹ, chỉ có châu Âu phát triển nhất, trong đó mạnh nhất chính là Pháp, văn hóa sáng lạng nhất cũng là Pháp. Văn hóa chủ nghĩa cổ điển của Pháp thế kỷ XVII đã thống trị Âu châu suốt hai thế kỷ, giới thượng lưu ở các nước khác đều xem việc nói được tiếng Pháp là niềm tự hào.  

Đến thế kỷ XIX, chủ nghĩa lãng mạn của Hugo, chủ nghĩa hiện thực phê phán của Balzac, chủ nghĩa tự nhiên của Zola, đều ảnh hưởng sâu sắc đến văn chương toàn thế giới, tuy Zola sớm qua đời nhưng văn chương theo chủ nghĩa tự nhiên mà ông khởi xướng không ngừng được truyền bá đến châu Mỹ Latin, Nhật Bản và Trung Quốc. Trường phái thơ ca theo chủ nghĩa tượng trưng cũng như vậy.

Vào thế kỷ XIX và XX, nước Pháp cũng đã xuất hiện rất nhiều nhà văn lớn tầm vóc thế giới. Vào nửa đầu thế kỷ XX, những nhà văn được giải Nobel có Romain Rolland (1866 - 1944), Anatole France (1844 - 1924), André Gide (1869 - 1951) và François Mauriac (1885 - 1970), họ đều là nhà văn theo chủ nghĩa hiện thực, có tầm ảnh hưởng lớn. Những nhà văn được giải vào nửa sau thế kỷ XX đều là nhà văn theo chủ nghĩa hiện đại, như Albert  Camus (1913 - 1960) được giải năm 1957, Jean-Paul  Sartre (1905 - 1980) được giải năm 1964, Samuel Beckett (1906 - 1989) được giải năm 1969, nhà văn Claude Simon (1913 - 2005) của trường phái tiểu thuyết mới được giải năm 1985.

Nhìn từ số người được giải Nobel Văn chương thì nhiều nhất là Pháp, cho thấy văn chương Pháp thế kỷ XX ảnh hưởng lớn đối với thế giới. Tóm lại, Pháp chính là cái nôi của những trường phái và trào lưu tư tưởng mới. Người Pháp thích cái mới, một trào lưu tư tưởng mới ra đời không bao lâu sẽ lại bị một trào lưu khác thay thế, nhưng trường phái và trào lưu tư tưởng khai sinh ở Pháp thì vẫn tiếp tục có chỗ đứng và phát triển ở nước khác. Ví như phái văn chương theo chủ nghĩa tự nhiên mà Zola khởi xướng, tồn tại vài năm ở Pháp thì đi qua, nhưng sau đó lại được kế thừa và phát triển ở quốc gia khác.

Paris là kinh đô của những cái mới, là trung tâm để từ đó lan tỏa ra nhiều thành phố khác. Người tiên phong của trường phái tiểu thuyết mới là Robbe Grillet (1922 - 2008) có khuôn mặt đầy râu, người ta đều biết ông, nhưng có lẽ không mấy người đã đọc sách của ông. Trung Quốc đã dịch sách của ông, nhưng ngoài người dịch và người nghiên cứu, đa số công chúng không đọc đến. Bản thân Robbe Grillet cũng biết, ở Trung Quốc người ta biết đến ông nhiều hơn ở Pháp, vì người Trung Quốc xem ông như nước hoa và rượu nho của Pháp, là thương hiệu của một trào lưu.

Pháp chính là cái nôi của trào lưu này. Với nước Pháp, trường phái tiểu thuyết mới và kịch phi lý thịnh hành vào những năm 1950 đã đạt đến giai đoạn đỉnh cao của văn chương chủ nghĩa hiện đại, sau đó văn chương Pháp dường như dần đi xuống, vào thời kỳ không có trung tâm, chủ lưu, không có trường phái, còn được gọi là thời kỳ hậu hiện đại.

Từ “Người tình” (L’Amant, 1984) của Marguerite Duras (1914 - 1996) năm 1984, văn chương Pháp mà đặc biệt là tiểu thuyết rơi vào thời kỳ thông tục hóa (đại chúng hóa), hàng năm đều có những tiểu thuyết dành cho đại chúng bán rất chạy, trào lưu cũ qua đi trong khi trào lưu mới chưa hình thành. Nhà văn lớn của thế hệ cũ đều lần lượt qua đời, nhà văn lớn của thế hệ mới có lẽ còn lẩn khuất đâu đó, chúng ta hãy chờ vậy.

Người Pháp cần giải thưởng để có thêm tự tin

Người Pháp rất cao ngạo, tuy được nhiều giải thưởng cũng không nhất định hài lòng. Họ luôn cảm thấy văn chương Pháp ưu việt nhất, cứ vài năm là cần có giải. Sartre được giải năm 1964, sau đó liền hai chục năm không được giải khiến họ sốt ruột, cảm thấy người ta không còn xem trọng văn hóa Pháp. Nhưng nói lại, dù văn chương Pháp hiện không còn là trung tâm độc nhất, nhưng vẫn là một trung tâm quan trọng.

Trước đây, Pháp là trung tâm tuyệt đối ở châu Âu, không thể nghi ngờ về địa vị thống trị của văn hóa Pháp. Nhưng sau này Mỹ đã lớn mạnh, văn hóa Anh bắt đầu ảnh hưởng vào Pháp. Sau khi văn chương Âu Mỹ đi vào châu Mỹ Latin, châu Mỹ Latin lại khai sinh chủ nghĩa hiện thực huyền ảo. Văn chương Nhật Bản với các trường phái hỗn tạp cũng có thành tựu nhất định.

Học thuyết Lão Trang và Kinh Dịch của Trung Quốc cổ đại có ảnh hưởng lớn với thế giới, nhưng những tác phẩm văn chương đương đại không gây được được ảnh hưởng mấy, nguyên nhân là trong một thời gian dài Trung Quốc đóng cửa với thế giới, tác phẩm của Trung Quốc không được dịch kịp thời và đầy đủ để truyền bá ra ngoài, vì thế người ta cũng không biết đến.

Một trong những nguyên nhân giúp Cao Hành Kiện (1940- ) được giải vì ông ấy là bạn của Malmqvist (Göran Malmqvist), ủy viên Ban bình chọn Giải Nobel Văn chương Thụy Điển. Khi ông ấy viết “Linh sơn” (Ling Shan, 1990), vừa hoàn thành đã được Malmqvist dịch sang văn Thụy Điển, nhờ vậy giúp các ủy viên bình chọn đều đọc được. Các ủy viên bình chọn không ai đọc được tiếng Trung, họ không biết đến những tiểu thuyết khác của Trung Quốc, có lẽ vì vậy mà cho rằng đó là tác phẩm hay nhất của Trung Quốc.

Pháp được nhiều giải Nobel Văn chương nhất

Prudhomme được giải Nobel Văn chương lần đầu tiên vào năm 1901, ông là nhà văn chủ nghĩa tự nhiên của lĩnh vực thơ, giải thưởng dành cho ông không có gì lạ trong thời kỳ chủ nghĩa tự nhiên chiếm vai trò chủ lưu. Nhà thơ Pháp Fredéric Mistral (1830-1914) được giải năm 1904, ông là nhà thơ nổi tiếng viết bằng phương ngữ của Pháp. Khi mới có giải Nobel, các ủy viên bình chọn chưa thực sự am tường văn chương thế giới, hoặc cũng còn những thành kiến, vì thế họ quan tâm hơn đến các nước Tây Âu tiêu biểu như Pháp, đến ngay cả đại văn hào Nga Tolstoy cũng chưa được giải.

Năm 1915 Romain Rolland được giải, đương nhiên là nhờ ảnh hưởng lớn từ trường thiên tiểu thuyết John Christopher của ông, nhưng cũng gắn chặt với lập trường phản chiến của ông. Thế chiến thứ Nhất là cuộc chiến phi nghĩa, nhiều quốc gia bị cuốn vào, ngay cả đảng Xã hội cũng ủng hộ cuộc chiến. Romain Rolland dũng cảm đứng lên kêu gọi giới trẻ các nước đoàn kết phản đối cuộc chiến. Ông không quan tâm những hiểu lầm của người dân Pháp về ông, đơn độc ngoan cường đấu tranh trong thời chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa Sô vanh hưng thịnh, vì thế được giải Nobel năm đó.

Năm 1921 Anatole France được giải cũng có nguyên nhân chính trị. Tháng 12 năm 1920 đảng Xã hội Pháp chia rẽ, Anatole France  tham gia đảng Cộng sản Pháp khi vừa mới thành lập. Ông góp tiền cho đảng Cộng sản Pháp và được xem rằng đây là hành động cụ thể của người muốn gia nhập Đảng, còn Anatole France cũng không phủ nhận. Đương nhiên nguyên nhân chính được giải vì ông kế thừa truyền thống từ Rabelais và Voltaire, viết nhiều tiểu thuyết cảm động với lối hành văn hài hước, từ tuổi tác và thành tựu cho thấy đã trở thành ngôi sao sáng của văn đàn Pháp. Năm 1927 triết gia Henri Bergson (1859-1941) được giải vì văn của ông quá đặc sắc, thêm nữa là thứ triết học luận về xung lực sự sống (đà sống) có ảnh hưởng rất lớn khi đó.

Năm 1937 Roger Martin Dugard (1881-1958) được giải nhờ kiệt tác phản chiến “Gia đình Thibault” (Les Thibault) mà ông đã bỏ ra hai mươi năm (1920-1940) để hoàn thành. Tiểu thuyết này không nổi bật về tính nghệ thuật, nhưng thông qua quá trình suy vong của hai gia đình thuộc giai cấp tư sản, tác phẩm phản ánh về những bất an và rối loạn xã hội thời kỳ trước và sau Thế chiến thứ Nhất, ca ngợi tinh thần phản kháng của thanh niên thời đại, vì vậy có giá trị phản chiến đặc biệt quan trọng ngay trước thềm Thế chiến thứ Hai.

André Gide là nhà văn đồng tính, nổi tiếng thế giới vì chất hàm hỗn dị thường trong tác phẩm. Năm 1936 Liên Xô mời ông đến thăm, khi trở về ông lại phản đối Liên Xô. Trong tác phẩm “Những kẻ làm bạc giả” (Les Faux-monnayeurs1926), ông đã xây dựng thủ pháp tiểu thuyết trong tiểu thuyết, trên thực tế đã mở đường cho tiểu thuyết chủ nghĩa hiện đại, tóm lại ông xuất chúng cả về chính trị lẫn văn chương. Năm 1947 người đáng nhận giải là Paul Valery (1871 - 1945) đã qua đời, khi đó Gide đã lớn tuổi, các ủy viên bình chọn xem sự kiện trước như bài học nên đã trao giải cho Gide. Người được giải năm 1952 là François Mauriac (1885 - 1970), tác phẩm của ông chủ yếu phản ánh về đời sống gia đình tầng lớp tư sản, ông sớm nổi danh từ những năm 1920.

Năm 1957, nhờ tiến cử của thân vương Gustav là em trai quốc vương Thụy Điển, Albert Camus đã được giải Nobel khi mới 44 tuổi. Năm 1951 Camus đã xuất bản “Người nổi loạn” (L'Homme révolté) nhằm đả kích Liên Xô, đồng thời có cuộc luận chiến lớn với phe cánh tả với đại biểu là Jean-Paul Sartre (1905 - 1980), vì thế ông vô cùng lẻ loi sau khi được giải, đành trở về ẩn cư ở thôn quê, sau đó chết trong một tai nạn giao thông. Sartre cũng giống Camus, đều là triết gia hiện sinh, nhà văn, nhà hoạt động xã hội có ảnh hưởng lớn nhất của Pháp đương thời, từ cuối những năm 1950 ông rất ít sáng tác, nhưng đến năm 1964 lại xuất bản cuốn “Lời nói” (Les Mots) hồi tưởng lại tuổi thơ bản thân, được tán dương vì lối hành văn đặc sắc, năm đó ông được giải Nobel nhưng đã từ chối nhận giải.

Alain Robbe Grillet (1922 - 2008) đi tiên phong trong thể loại tiểu thuyết mới, sau thời thoái trào của tiểu thuyết mới đã ngừng viết tiểu thuyết, chuyển qua làm phim, từng được giải tại Liên hoan phim Cannes với phim “Năm ngoái ở Marienbad” (L'Année dernière à Marienbad). Nghe nói đáng lẽ ông đã được giải [Nobel năm 1985], kết quả khi ông đến Thụy Điển, một buổi triển lãm điện ảnh tổ chức chào đón ông đã làm ảnh hưởng, vì trong phim của ông có nhiều cảnh khiêu dâm làm người Thụy Điển thấy phản cảm, hệ quả là giải Nobel được chuyển cho một nhà văn phái tiểu thuyết mới khác là Claude Simon (1913 - 2005).

Còn về nhà văn Pháp gốc Hoa, Cao Hành Kiện được giải Nobel năm 2000. Theo tôi biết, người có ảnh hưởng tương đối ở Pháp là Francois Cheng (1929 - ). Ông dùng lý luận chủ nghĩa cấu trúc và phân tích ký hiệu học giới thiệu thơ ca và hội họa Trung Quốc ở Pháp, rất được người Pháp hoan nghênh, có nhiều công lao thúc đẩy giao lưu văn hóa Trung - Pháp, nhờ đó được bầu làm Viện sĩ Viện Văn học Pháp, cũng là Viện sĩ người gốc Hoa đầu tiên kể từ khi viện thành lập từ năm 1635.

Giải Nobel Văn chương mỗi năm chỉ trao một lần, vì thế đương nhiên có nhiều nhà văn lớn chưa được giải. Trong đó nhiều tiếc nuối nhất có lẽ là André Malraux (1901-1976). Ông thường cứ sắp được giải lại bị lỡ. Ví dụ năm 1947, vì chiếu cố cho Gide quá lớn tuổi, đành gác lại ông. Đến năm 1958, khi đó ông làm Bộ trưởng Văn hóa trong chính phủ của Charles de Gaulle, nhưng nguyên nhân trước đó ban bình chọn từng trao giải cho Winston Churchill (1874 - 1965) khiến dư luận bất bình, vì thế quyết định không tiếp tục trao giải cho quan chức nữa, vậy là Malraux lại thêm một lần lỡ cơ hội. Về sau có lẽ để bù đắp, di hài ông được đưa vào điện Pantheon, là nhà văn duy nhất của thế kỷ XX có được vinh dự đặc biệt này.

Nhìn lại những nhà văn được giải Nobel qua một thế kỷ, đại thể phản ánh những đổi thay của các trào lưu tư tưởng trong văn chương Pháp qua một trăm năm, chí ít ở phương diện quan trọng là thấy được quỹ đạo của sự thay đổi. Sự kiện trọng đại nhất của nửa đầu thế kỷ XX là hai cuộc chiến tranh thế giới, vì thế những tác phẩm quan trọng nhất đương nhiên là tác phẩm theo chủ nghĩa hiện thực phản ánh về chiến tranh thế giới. Đến nửa sau thế kỷ XX, văn chương theo chủ nghĩa hiện đại chiếm ưu thế, được giải là Camus, Sartre. Sau đó có nhà văn di dân được giải, Le Clézio là người Pháp, nhưng ông cũng cho rằng bản thân mang dòng máu ngoại tộc, cho thấy vai trò ngày càng lớn của nhà văn đến từ bên ngoài trong nền văn chương Pháp.

Đoàn Đức Thanh (dịch)

 

Nguồn: “14位诺贝尔文学奖得主与法国百年文学”, cul.qq.com, 10.10.2014.

https://cul.qq.com/a/20141010/013912.htm

 

 

 

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114443704

Hôm nay

2262

Hôm qua

2333

Tuần này

21517

Tháng này

218878

Tháng qua

112676

Tất cả

114443704