Những góc nhìn Văn hoá

Lịch sử Việt Nam thời tự chủ [kỳ 25]

Tượng vua Lý Anh Tông

Vua Lý Anh Tông [1138-1175]

Niên hiệu: Thiệu Minh: 1138-1139

       Đại Định: 1140-1162

                   Chính Long Bảo Ứng: 1163-1173

                  Thiên Cảm Chí Bảo: 1174-1175

Các triều đại Trung Quốc trước kia thường gọi nước ta là Giao Chỉ, hoặc Giao Châu, hoặc An Nam Đô Hộ, vết tích của một thời nội thuộc; năm 1164 chính thức đổi thành An Nam,hàm ý công nhận nước ta độc lập;phong Vua Anh Tông làm An Nam quốc vương:

Năm Chính Long Bảo Ứng năm thứ 2] [1164], Nhà Tống phong vua làm An Nam Quốc Vương, đổi Giao Chỉ làm An Nam Quốc.Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 4.

Sử Trung Quốc cũng đánh giá cao sự kiện này, Nguyên Sử Loại Biên nhận xét rằng trước kia gọi xứ ta là Giao Chỉ hoặc An Nam Đô hộ phủ; đến đời Lý Anh Tông mới chính thức gọi là nước An Nam:

An Nam, trước đây, gọi là Giao Chỉ; Đường Cao Tông đặt làm An Nam Đô hộ phủ. Tên gọi là An Nam bắt đầu từ đấy. Tống Hiếu Tông phong Thiên Tộ [Lý Anh Tông]là An Nam quốc vương, An Nam gọi là "nước" bắt đầu từ đó.”

Toàn Thư chép vào năm 1168, cả 2 Sứ bộ Mông Cổ và Tống đều đến thăm nước ta; vì 2 nước này cừu địch nên triều đình ngầm tiếp đãi riêng. Toàn Thư chú thích lầm rằng Thát Đát tức Mông Cổ;đây có thể chỉ nước Kim, vì lúc này nước Mông Cổ chưa thành lập:

Ngày Mậu Tý, mùa Thu tháng 8 năm Chính Long Bảo Ứng thứ 6 [1168], sứ nhà Tống sang, sứ Thát Đạt (tức là sứ của nhà Nguyên), cũng sang. Đều thưởng hậu để dụ, ngầm lấy lễ tiếp đãi cả hai sứ, không cho họ gặp nhau.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 4

Về việc giao thiệp với các nước tại phương Nam, thời vua Thần Tông năm 1128,

Chân Lạp mang quân đến cướp phá hương Đỗ Gia tại huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh; dưới thời Anh Tông lại một lần nữa đến cướp phá vùng núi Vụ Thấp [Vũ Quang, Hương Khê, Hà Tĩnh], cũng sát với huyện Hương Sơn:

Tháng 9, năm Đại Định 11 [1150], người Chân Lạp cướp châu Nghệ An, đến núi Vụ Thấp gặp nắng nóng ẩm thấp, phần nhiều chết vì lam chướng bèn tự tan vỡ.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 4

Riêng nước Chiêm Thành có Ung Minh Tạ Diệp đến triều đình xin làm Vua, nhà Vua xuống chiếu sai tướng Lý Mông mang quân đưa về nước; bị Vua Chiêm chống lại, Tạ Diệp và Lý Mông đều chết:

Năm Đại Định thứ 13 [1152] người nước Chiêm Thành là Ung Minh Ta Điệp đến cửa khuyết xin mệnh cho làm vua nước ấy. Xuống chiếu cho Thượng chế Lý Mông đem hơn 5.000 người ở phủ Thanh Hóa và châu Nghệ An sang Chiêm Thành lập Ung Minh Ta Điệp làm vua. Mông đến Chiêm Thành bị vua nước ấy là Chế Bì La Bút chống cự, bọn Ung Minh Ta Điệp và Lý Mông đều chết.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 4

Sự việc nêu trên chưa giải quyết xong, hai năm sau Vua Chiêm Thành dâng con gái, vua lại nhận. Sử thần Lê Văn Hưu chê hành động này, cho rằng nhà Vua xử sự không đúng, khiến cho các nước nhỏ lân bang không phục:

Mùa Đông, tháng 10 năm Đại Định thứ 15 [1154], vua nước Chiêm Thành là Chế Bì La Bút dâng con gái, vua nhận.”

Lê Văn Hưu nói:

‘Các bậc đế vương đối với người Di Địch, nếu họ chịu phục thì lấy đức mà vỗ yên, nếu làm phản thì lấy uy mà tỏ cho biết. Anh Tông sai Lý Mông đem hơn 5 nghìn người để giúp lập Ung Minh Ta Điệp làm Vua nước Chiêm Thành mà bị Chế Bì la Bút giết, đáng lẻ phải đem quân hỏi tội, chọn lập một người khác để thay làm vua nước ấy, thì mới có thể gia uy với cõi xa, mà vua sau phải nhớ đức. Nay lại nhận con gái của họ mà không hỏi tội, có thể gọi là lầm lỗi. Về sau Chiêm Thành và Chân Lạp liền năm vào cướp một lộ Nghệ An, mối hại không kể xiết, thực là do Anh Tông khơi mối vậy.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 4

Sau đó vào các năm 1155, 1164; nước Chiêm Thành lại tiếp tục sai Sứ sang cống:

Tháng 11 năm Đại Định  thứ 16 [1155], nước Chiêm Thành sang cống.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 4

Mùa xuân, tháng 3, năm Chính Long Bảo Ứng thứ 2 [1164], nước Chiêm Thành sang cống.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 4.

Vào năm 1166, Chiêm Thành mang quân đến cướp phá vùng biển nước ta, nhà Vua sai Thái úy Tô Hiến Thành đi đánh; Chiêm Thành lại sai Sứ mang trân châu đến tiến cống, nên triều đình ra lệnh cho rút quân về, từ đấy Chiêm Thành giữ lễ phiên thần:

Mùa  Xuân, tháng 3, năm Chính Long Bảo Ứng thứ 4 [1166], sứ Chiêm Thành đi đến miền Ô Lý  [Quảng Trị, Thừa Thiên], dùng quân phong thủy (ma thuật của thầy tăng) mà vượt biển, cướp bóc nhân dân ven biển nước ta rồi về.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 4.

Mùa Thu, tháng 7, năm Chính Long Bảo Ứng thứ 5 [1167 , sai Thái uý Tô Hiến Thành đi đánh Chiêm Thành.

Mùa đông, tháng 10, Chiêm Thành sai sứ sang dâng trân châu và sản vật địa phương để xin hòa. Xuống chiếu cho Tô Hiến Thành đem quân về. Từ đấy nước Chiêm Thành giữ lễ phiên thần, dâng cống không thiếu.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 4.

Pháp luật lúc bấy giờ công nhận quyền tư hữu ruộng đất, nhưng không khuyến khích để hoang; những người túng thiếu bán đợ [bán tạm] trong 20 năm có quyền chuộc, riêng ruộng bỏ hoang quá 1 năm không được lấy về:

 “Tháng 12, năm Đại Định thứ 3 [1142], xuống chiếu rằng những người cầm đợ ruộng thục trong vòng 20 năm thì cho phép chuộc lại; việc tranh chấp ruộng đất thì trong vòng 5 năm hay 10 năm còn được tâu kiện; ai có ruộng đất bỏ hoang bị người khác cấy cày trồng trọt trong vòng một năm thì được kiện mà nhận, quá hạn ấy thì cấm. Làm trái thì xử 80 trượng. Nếu tranh nhau ruộng ao mà lấy đồ binh khí nhọn sắc đánh chết hay làm bị thương người thì đánh 80 trượng, xử tội đồ, đem ruộng ao ấy trả lại người chết hay bị thương.

 Xuống chiếu rằng những người bán đoạn ruộng hoang hay ruộng thục đã có văn khế rồi thì không được chuộc lại nữa, ai làm trái bị phạt đánh 80 trượng.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 4.

Pháp luật bảo vệ trâu cày, chỉ được xin phép làm thịt lúc có tế lễ:

Mùa xuân, tháng 2, năm Đại Định thứ 4 [1143], xuống chiếu thiên hạ từ nay về sau cứ ba nhà làm một bảo, không được mổ riêng bò trâu, nếu có việc cúng tế phải tâu xin được chỉ rồi mới cho mổ, kẻ làm trái thì trị tội nặng, láng giềng không cáo giác cũng xử cùng tội.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 4.

Nhắm cổ võ nghề nông, vào đầu năm vua thường tham gia cày ruộng tịch điền:

Mùa Xuân, tháng 2, năm Đại Định thứ 9 [1148], vua ngự đến hành cung ly Nhân cày ruộng tịch điền rồi đến hành cung Ứng Phong ” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 4.

Căn cứ vào cống phẩm đưa biếu nhà Tống vào năm Thiệu Hưng thứ 26 [1156] với đồ vật bằng vàng 1.136 lượng. minh châu 100, trầm hương 1.000 cân, thủy vũ 500; lăng, quyên các màu 5.000 tấm; thấy được công nghệ khai thác vàng, ngọc minh châu, sản phẩm dệt quyên, lụa đã đi vào qui mô. Để bảo vệ ngành sản xuất ngọc trai, chiếu chỉ cấm người trong nước không được lưu hành trân châu giả:

Năm Chính Long Bảo Ứng thứ 1 [1163]. Cấm người trong nước không được dùng trân châu giả.”

Bấy giờ Vân Đồn đã trở thành hải cảng quốc tế cho các nước châu Á đến giao dịch buôn bán:

Mùa xuân, tháng 2, năm Đại Định thứ 10 [1149], thuyền buôn ba nước Trảo Oa [Java], Lộ Lạc [La Hộc, Thái Lan], Xiêm La [Thái Lan] vào hải Đông [vùng Quảng Ninh], xin cư trú buôn bán, bèn cho lập trang ở nơi hải đảo, gọi là Vân Đồn, để mua bán hàng hoá quý, dâng tiến sản vật địa phương.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 4.

Riêng về học hành thi cử, bắt đầu tổ chức điện thí:

 “Mùa đông, tháng 10 năm Đại Định thứ 13 [1152], thi Điện.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 4.

Nhà Vua đến tuổi trưởng thành tỏ ra năng nỗ lo việc nước, năm Đại Định thứ 15 [1154]  đích thân đi đánh Nông Khải Lai, năm Chính Long Báo Ứng [1172] đi tuần tra biên giới hải đảo, ra lệnh vẽ bản đồ:

Mùa Xuân, tháng 2 năm Chính Long Bảo Ứng thứ 10 [1172], vua lại đi tuần các hải đảo ở địa giới các phiên bang Nam Bắc, vẽ bản đồ và ghi chép phong vật rồi về.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 4.

Tại địa phương dân chúng tổ chức 3 nhà thành một bảo, tuyển dân đinh vào quân ngũ; riêng miễn cho những gia đình có một con trai:

 “Tháng 2 năm Đại Định thứ 21 [1160, sai Tô Hiến Thành và Phi Công Tín tuyển dân đinh, người mạnh khỏe thì sung vào quân ngũ. Chọn các tướng hiệu, người nào thông thạo binh pháp, am tường võ nghệ thì chia cho cai quản.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 4.

Tháng 8 năm Đại Định thứ 7 [1146], xuống chiếu rằng các quan quản giáp và chủ đô, phàm sung bổ cấm quân, phải chọn những hộ nhiều người, không được lấy người cô độc, làm trái thì trị tội.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 4.

Triều đình ra lệnh quản lý trị an khắp nơi, đặc biệt lưu ý đến vùng biên giới như châu Quảng Nguyên [ Cao Bằng], ven biển, cửa biển:

Mùa đông, tháng 10 năm Đại Định thứ 3 [1142], sai thủ Lĩnh phủ Phú Lương là Dương Tự Minh đến châu Quảng Nguyên để chiêu tập người châu ấy.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 4.

Tháng 11 năm Đại Định thứ 22 [1161], Vua sai Tô Hiến thành làm Đô tướng, Đỗ An Di làm phó, đem 2 vạn quân đi tuần các nơi ven biển tây nam, để giữ yên miền biên giới. Vua thân đi tiễn đến cửa biển Thần Đầu ở Đại An (nay là cửa biển Thần Phù) mới trở về.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 4.

Mùa Thu, tháng 8 năm Chính Long Bảo Ứng] thứ 1 [1163] lính trốn rủ nhau tụ họp thành bọn cướp bóc cư dân trên đường bộ. Vua sai Phu Công Tín đem 10 vạn quân đi đánh dẹp yên được.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 4.

Ở đời việc làm tốt khó theo, nhưng việc làm xấu thì rất dễ bắt chước; Thái hậu họ Lê mẹ Vua thông dâm với Đỗ Anh Vũ, hậu quả cháu đầu của bà là Long Xưởng thông dâm với cung phi của Vua, nên bị phế làm thường dân; nhà Vua quyết định lập con thơ Long Cán (3) làm Thái tử:

Mùa Thu, tháng 9, năm Chính Long Bảo Ứng thứ 12 [1174], (Từ tháng 2 về sau là niên hiệu Thiên Cảm Chí Bảo năm thứ 1; Tống Thuần Hy năm thứ 1). Mùa thu, tháng 9, Thái tử Long Xưởng có tội, phế làm thứ dân và bắt giam. Trước đó, Long Xưởng thông dâm với cung phi, vua không nỡ bắt tội chết, cho nên có mệnh này. Một hôm, vua gọi Tể tướng đến bảo rằng:

‘Thái tử là gốc lớn của nước, Long Xưởng đã làm điều trái đạo, trẫm muốn Long Trát nối giữ nghiệp lớn, nhưng nó còn nhỏ tuổi, sợ không đương nổi, nếu đợi lớn thì trẫm đã tuổi già suy yếu, biết làm thế nào?’.

Bấy giờ có nội nhân ẵm Long Trát [Cán] ra, thấy vua đội mũ, khóc đòi đội, vua chưa kịp tháo mũ đưa cho thì càng khóc to hơn. Vua bèn tháo mũ đội cho, Long Trát cả cười. Vua càng lấy làm lạ, ý lập Long Trát làm thái tử bèn quyết định.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 4.

Lúc Vua sắp mất giao cho Tô Hiến Thành thực hiện di chiếu; mặc dù Thái hậu muốn phế lập, nhưng Hiến Thành vẫn lấy công đạo chủ trì, nên mọi việc đều ổn thỏa:

Mùa xuân, tháng giêng, năm Thiên Cảm Chí Bảo thứ 2 [1175], sách lập Long Trát làm Hoàng thái tử, ở đông cung. Phong Tô Hiến Thành làm Nhập nội kiểm hiệu thái phó bình chương quân quốc trọng sự, tước vương, giúp đỡ đông cung.

Mùa hạ, tháng tư, vua không khỏe, cố gượng sai Tô Hiến Thành ẵm thái tử mà quyền nhiếp chính sự.

Mùa thu, tháng 7, ngày Ất Tỵ, vua băng ở điện Thụy Quang. Trước đó, khi vua ốm nặng, hoàng hậu lại xin lập Long Xưởng, vua nói:

 "Làm con bất hiếu còn trị dân sao được".

Di chiếu cho Tô Hiến Thành giúp rập thái tử, công việc quốc gia nhất nhất tuân theo phép cũ. Bấy giờ Thái hậu muốn làm việc phế lập, sợ Hiến Thành không nghe, mới đem vàng bạc đút cho vợ là Nữ thị. Hiến Thành nói:

 ‘Ta là đại thần nhận mệnh tiên đế dặn lại giúp rập vua bé, nay lấy của đút mà làm việc phế lập thì còn mặt mũi nào trông thấy Tiên đế ở suối vàng?’

 Thái hậu lại gọi Hiến Thành đến dỗ dành trăm cách. Hiến Thành trả lời:

‘Làm việc bất nghĩa mà được giàu sang, kẻ trung thần nghĩa sĩ đâu có vui làm, huống chi lời của Tiên đế còn ở bên tai, điện hạ lại không nghe việc của Y Doãn, Hoắc Quang hay sao? Thần không dám vâng chiếu’.

Việc bèn thôi.”Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 4.

Sử thần Ngô Sĩ Liên có lời bàn như sau:

Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: ‘Anh Tông nối ngôi tuổi còn thơ ấu, việc của Đỗ Anh Vũ làm gì mà biết được, đến khi tuổi ngoại hai mươi, sai bọn Hiến Thành đem quân đi tuần nơi biên giới, lại thân đi xem khắp tình thế núi sông, muốn biết sự đau khổ của dân gian và đường đi xa gần, về mặt giữ dân giữ nước, quy mô đã thấy rõ. Lại đặt Xạ Đình, sai các quan võ hàng ngày luyện tập phép đánh trận, về mặt sửa binh giãng võ, mưu lược đã thấy rõ. Thái tử Long Xưởng có tội thì phế đi mà lập Long Trát làm thái tử, cho ở đông cung, để lòng người có chỗ gắn bó. đến khi ốm nặng, hoàng hậu xin lập lại Long Xưởng, thì lấy lễ nghĩa mà bác bẻ, không mê hoặc lời nói của đàn bà, lại cố gượng gọi Hiến Thành nhận di chiếu giúp thái tử quyền nhiếp chính sự, phó thác được người giỏi để phòng lo sau, rốt cuộc mưu phế lập của Thái hậu không thể làm được, trên yên dưới thuận, không phải là sức của Anh Tông sao? Còn như Cao Tông không phải là người hiền thì ngay lúc bấy giờ đã biết trước thế nào được? Vua chỉ thuận theo lẽ phải mà làm thôi.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 4.

Thái tử Long Cán lên ngôi lúc mới 3 tuổi, miếu hiệu là Cao Tông, tôn xưng mẹ Đỗ thị là Hoàng thái hậu:

Thái tử Long Trát [Cán] lên ngôi trước linh cữu, bấy giờ mới lên 3 tuổi, tôn mẹ là Đỗ thị làm Chiêu Thiên Chí lý Hoàng thái hậu. Cho Đỗ An Di (em trai Hoàng thái hậu) làm Thái sư đồng bình chương sự, Tô Hiến Thành làm Thái uý.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 4.

Hai bộ sử Trung Quốc, Tục Tư Trị Thông Giám và Tống Sử đều ghi sự kiện Vua Lý Anh Tông mất vào năm 1176, chép sau sử nước ta 1 năm; có lẽ vì đường sá xa xôi, nên tin đến trễ mất 1 năm:

Tục Tư Trị Thông Giám, quyển 145, Tống Hiếu Tông Thuần Hy năm thứ 3 [1176]. Ngày Quí Sửu tháng 5 [17/6/1176], Quốc vương An Nam Lý Thiên Tộ mất; con là Long Cán nối ngôi.”

(安南國王李天祚卒。子龍榦嗣。)

Tháng 2 năm Thuần Hy thứ nhất [1174] tiến phong Thiên Tộ An Nam Quốc vương, gia hiệu Thủ khiêm công thần; năm thứ 2 [1175] ban An Nam quốc ấn; năm thứ 3 [1176] ban cho nước An Nam lịch thư, cùng năm Thiên Tộ mất.” Tống Sử, quyển 488, Giao Chỉ.

(淳熙元年二月,進封天祚安南國王,加號守謙功臣。二年,賜安南國印。三年,賜安南國曆日。天祚卒。) Tống Sử, quyển 488, Giao Chỉ.

(còn nữa)

 

Chú thích:

3. Long Cán: Toàn Thư chép là Long Trát, nhưng Cương MụcTống Sử đều chép là Long Cán, nên sửa lại.

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114443678

Hôm nay

2236

Hôm qua

2333

Tuần này

21491

Tháng này

218852

Tháng qua

112676

Tất cả

114443678