Những góc nhìn Văn hoá

Hình ảnh không đẹp của một số quan chức trên truyền hình

Dân tinh lắm. Cái gì họ cũng thấy, cũng nghe, cũng biết. Với tư cách một người dân, xem một số chương trình truyền hình gần đây, tôi thấy hình ảnh một số quan chức ở các bộ, ban, ngành Trung ương và tương đương trở xuống - không phải là tất cả nhưng cũng chiếm một bộ phận không nhỏ - không được đẹp lắm, có thể nói là phản cảm.

Thứ nhất, trong các đoàn công tác, làm việc, khi lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước nói chuyện với nhân dân hay cán bộ, công chức ở một chỗ nào đó (thường thì đứng nói chuyện một cách rất tự nhiên), một số quan chức đứng sau, đứng cạnh gật đầu, thậm chí có quan chức còn gật đầu lia lịa, tỏ vẻ tán thưởng. Nếu thật sự tâm phục, khẩu phục thì cũng nên kín đáo một chút. Kiểu gật đầu như thế thì “lộ” quá. Hình như những quan chức gật đầu là những người coi lời nói của vua Càn Long bên Trung Quốc là “chân lý”. Vua Trung Quốc nói đại ý thế này: “những kẻ trung thần không dùng; những kẻ gian thần không dùng; chỉ dùng những kẻ nịnh thần”. Gật đầu là một biểu hiện của loại người nịnh thần. Mà cán bộ xu nịnh, a dua theo kiểu “thấy xôi nói xôi ngọt, thấy thịt nói thịt bùi, theo gió bẻ buồm” như Bác Hồ chỉ ra là vô cùng nguy hiểm, thậm chí còn đáng lên án hơn cả loại cán bộ lãng phí, tham ô. Vì loại này dễ leo cao, chui sâu vào bộ máy của Đảng và Nhà nước để phá hoại. Trong công tác cán bộ hiện nay, phải có con mắt tinh tường, tinh đời để phát hiện ra loại cán bộ xu nịnh.

Khi tôi nói chuyện với một số đồng nghiệp về loại quan chức gật đầu, có người bảo có thể là thói quen của họ, chấp làm gì. Thói quen ư ? Thói quen xấu thì phải bỏ, phải bị quét sạch chứ! Tôi hỏi lại, vậy quan chức có thói quen quan liêu, tham nhũng, ăn của dân không từ một thứ gì, hách dịch, đè đầu dân, cưỡi cổ dân, vác mặt làm quan cách mạng mà Bác Hồ nhiều lần nói tới, cũng không chấp à? Không được! Tuyệt đối không được. Phải diệt sạch loại cán bộ có “thói quen” xu nịnh, a dua kiểu đó. Nếu không thì đến lúc mất cả Đảng và chế độ.

Thứ hai, các buổi truyền hình trực tiếp họp Quốc hội ở các phiên chất vấn, rất nhiều quan chức cấp bộ trả lời không đúng trọng tâm câu hỏi của đại biểu. Hầu hết các câu hỏi đều muốn các quan chức cấp bộ nói rõ giải pháp để khắc phục, giải quyết những việc tồn đọng hoặc khuyết điểm, và nêu trách nhiệm thuộc về ai, thì lại nhận được câu trả lời nào là lý do khách quan, nào là biểu hiện của khuyết điểm, hạn chế. Không thấy một quan chức Bộ trưởng nào nhận trách nhiệm về mình. Đó là một thực tế buồn.

Tại các kỳ họp của Quốc hội, rất nhiều quan chức cấp bộ trả lời không đúng trọng tâm câu hỏi của đại biểu, trả lời quá giờ và xin "gửi lại báo cáo"

Thông thường, trong các kỳ họp Quốc hội, báo cáo của người thay mặt Chính phủ đã nói khá đầy đủ, chi tiết về thành tựu, hạn chế, nguyên nhân của các lĩnh vực kinh tế, xã hội của đất nước. Nhưng đến khi quan chức các bộ phát biểu lại nói lại, thậm chí còn dài hơn cả báo cáo của Chính phủ. Ví dụ gần đây nhất là thành tựu chống dịch covid. Quan chức nào phát biểu cũng nhắc lại báo cáo của Chính phủ. Nhắc lại như vậy để làm gì? Câu giờ chăng? Hay cũng để chứng tỏ bộ mình, ngành mình cũng có nhiều đóng góp vào thành tích đó?

Một biểu hiện không đẹp khác là trả lời quá giờ. Nhiều khi chủ tọa rung chuông vẫn cố nói thêm. Cái phần quan trọng nhất có khi để cuối. Để lại cuối, hết giờ thì còn cách duy nhất là “gửi lại báo cáo”. Gửi báo cáo cho ai khi câu chuyện truyền hình trực tiếp cho toàn thể đồng bào nghe? Cái mà đồng bào cần nghe nhất lại không được nghe, nằm lại ở báo cáo gửi sau.

Một điều đáng nói là sự hiểu biết, chất lượng thật sự ở một số câu trả lời của quan chức cấp bộ làm người dân đáng lo ngại. Tôi nhớ có kỳ họp Quốc hội, đại biểu chất vấn lý do xuống cấp về đạo đức của xã hội nói chung, của một bộ phận cán bộ, đảng viên nói riêng. Người chịu trách nhiệm về vấn đề này trả lời là do kinh tế! Tôi không hiểu quan chức này nói do kinh tế là do kinh tế kém phát triển hay do kinh tế phát triển? Nói do kinh tế phát triển hay kém phát triển đều trật hết. Nếu do kinh tế kém phát triển mà đạo đức suy đồi thì lý giải làm sao thời chống Pháp, Mỹ và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, kinh tế kém như vậy mà đạo đức tốt đẹp? Còn nếu do kinh tế phát triển thì đạo đức - một kiến trúc thượng tầng - phải phát triển trên nền của cơ sở hạ tầng, thì phải tốt lên chứ, sao lại tụt dốc?

Lần khác, có quan chức nói chúng ta phấn đấu thành cường quốc kinh tế, thì cũng cần phấn đấu thành cường quốc văn hóa. Nói “cường quốc văn hóa” thì chịu rồi, vì như vậy có nghĩa là mấy chữ a, b, c về văn hóa, các quan chức còn phải học mãi, học suốt đời mới thuộc được như tinh thần một lời dạy của Bác Hồ.

Thứ ba, xem truyền hình đôi khi thấy quan chức các bộ, ban, ngành làm lễ khởi công, khai trương, khánh thành dưới trời nắng chang chang mặc com lê, đeo cà vạt. Có thật sự cần thiết như vậy không? Một là thủ tục rườm rà, tốn kém; Hai là, đây là câu chuyện phong cách, quan cách. Chúng ta nói và đang đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Nhưng những biểu hiện đó xa lạ với tấm gương đạo đức của Bác.

Thứ tư, câu chuyện “Nhiệt liệt chào mừng đồng chí về thăm và làm việc” đã được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhắc nhở thời học tập Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và đã được khắc phục. Hồi đó, người đứng đầu Đảng ta nói xuống với dân, làm việc với cơ sở mà như thế thì xa dân lắm, quan cách lắm.

Bây giờ còn chuyện “kính thưa”. Tôi nhớ không nhầm thì mấy năm trước, hình như đã có quy định trong hội nghị, hội họp chỉ kính thưa người cao nhất. Bây giờ xem truyền hình thấy trong nhiều cuộc họp, người lên khai mạc, phát biểu, tổng kết kính thưa nhiều quan chức lắm. Kính trọng không nhất thiết phải kính thưa. Làm như vậy vừa tốn thời gian vừa không đạt hiệu quả cao.

Một vài chuyện nêu trên tưởng nhỏ, nhưng hoàn toàn không nhỏ. Nó làm giảm niềm tin của nhân dân vào những người được coi là trí tuệ, danh dự, lương tâm của đất nước, của nhân dân. Giảm niềm tin đến mất niềm tin là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn. Mà mất niềm tin là mất tất cả.

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114443787

Hôm nay

238

Hôm qua

2307

Tuần này

21600

Tháng này

218961

Tháng qua

112676

Tất cả

114443787