Những góc nhìn Văn hoá

Quan niệm của Jürgen Habermas về khu vực công cộng

Ta không thể đánh giá đầy đủ về Jürgen Habermas nếu chỉ xem ông như là một triết gia. Trong nhiều phương diện, Habermas đã và vẫn đang là khuôn mặt trí thức hàng đầu trong lý thuyết về khu vực công cộng ở nước Đức kể từ những năm 1970, đồng thời như là một lý thuyết gia về chính trị xã hội, về luật pháp, một nhà phê bình xã hội, một nhà hành động chính trị; và trên hết với tư cách là một triết gia, ông nỗ lực cho một hướng đi mới của tư tưởng Đức sau thời kì Quốc xã.

Công trình lớn đầu tiên của ông, “Sự chuyển đổi cấu trúc của khu vực công cộng: Một nghiên cứu về phạm trù xã hội dân sự” (1962), là một phản ứng phê phán mang đầy tính xây dựng đối với quan niệm của Horkheimer và Adorno về lý thuyết phê phán. Tác phẩm nghiên cứu về sự xuất hiện của khái niệm “công cộng/the public” và “ công luận/public opinion”, về sự phát triển của chúng qua các thời kì cho đến khi “khu vực công cộng” đi vào giai đoạn suy thoái. Sự xuất hiện của các khu vực công cộng giữ một vai trò rất quan trọng trong sự phát triển của nền dân chủ kể từ sau thời kì phong kiến tại Âu châu.

Trong nghiên cứu của mình, Habermas sử dụng phương pháp phê phán nội tại (immanent criticism) mà theo các lý thuyết gia phê phán cách tiếp cận ấy bắt nguồn từ Hegel và Marx. Phê phán nội tại tức là phê phán một đối tượng – một quan niệm về xã hội hoặc một tác phẩm triết học - dựa trên các bình diện của chính nó, thay vì dựa vào các giá trị và các tiêu chuẩn vượt trên đối tượng phê phán, nhằm mục đích làm cho sự không đúng thật, sự không chân lý, hoặc sự thiếu vững chắc của nó được soi sáng.

Jürgen Habermas (sinh ngày 18/6/19290) là nhà xã hội học và triết học người Đức

Sự phê phán nội tại ở đây còn có nghĩa là sự phê phán về ý hệ (criticism of ideology). Các ý hệ (ideology) như là những niềm tin sai lầm song được giả định là đúng một cách phổ biến, bởi mọi thành viên xã hội đều bị thao tác để tin vào chúng. Các ý hệ, ngoài ra, còn là những niềm tin sai lầm mang tính chức năng, bởi vì chúng là phổ biến và nhằm ủng hộ và duy trì các định chế xã hội cùng các mối quan hệ thống trị. Phê phán ý hệ có mục đích vạch trần những ảo tưởng và những sự lừa mị xã hội đang hiện hữu với hi vọng mang đến những giải pháp làm cho xã hội trở nên tốt đẹp hơn.

1.Các quan niệm về khu vực công cộng trước Habermas

Trước Habermas đã có một số triết gia đề xuất hoặc bàn về ý tưởng về khu vực công cộng. Đó là Immanuel Kant, G. W. F. Hegel và Karl Marx.

Immanuel Kant:

Kant đã đề xuất xây dựng một chính quyền tốt đẹp như là sự thống nhất của chính trị và luân lý. Sự thống nhất ấy sẽ dẫn đến việc chính trị tất yếu phải được thực hiện theo nguyên tắc của lý tính, chứ không phải thông qua bạo lực. Trong thực tế đó là một xã hội trong đó công dân làm theo luật phải không phải vì sợ hãi về sự trừng phạt mà bởi họ nhận ra rằng luật pháp cho thấy bổn phận mà họ phải thực hiện trong bất kì trường hợp nào.

Kant nhận ra một sự căng thẳng và xung đột giữa một bên là sự cai trị và bên kia là lý tính. Sự cai trị được hiểu như là cái hiện tượng, trong khi lý tính được xem như là cái tự thân. Đồng thời ông cũng gọi chính trị là vấn đề của res publica phenomenon / nhà nước hiện tượng, và gọi xã hội công bằng là vấn đề của res public noumenon / nhà nước tự thân.[1] Sau đó, ông nỗ lực bắt một nhịp cầu cho cái hiện tượng và cái tự thân thông qua tính công khai. Kant tiếp cận vấn đề về sự hợp nhất giữa luân lý và chính trị từ hai hướng. Một mặt ông dày công trừu xuất res publica noumenon từ res publica phenomenon qua việc giả định rằng các điều kiện pháp lý cần thiết cho một xã hội công bằng là sản phẩm của một trật tự tự nhiên được hiện thực hóa trong lịch sử. Mặt khác, các điều kiện pháp lý này cần phải được xem xét, chúng phải được hiện thực hóa thông qua hành động của con người và quan trọng hơn là thông qua việc giáo dục người dân cho sự tiến bộ luân lý. Chính vì thế res public noumenon xét như là một sự tiến bộ luân lý tạo nên res publica phenomenon.

 

G. W. F. Hegel:

Hegel đã có cái nhìn sâu sắc về một khu vực trung gian của “đời sống đạo đức” giữa gia đình và nhà nước trong tác phẩm “Các nguyên lý của triết học pháp quyền”. Khu vực đó được ông gọi là “xã hội dân sự / bürgerliche Gesellschaft / bourgeois society”. Khái niệm “xã hội dân sự”, khác với khái niệm “xã hội dân sự / civil society” trong thế kỷ 20, là khu vực của những quyền lợi về kinh tế. Hegel không ngần ngại gọi xã hội dân sự là sự “mất mát của đời sống đạo đức”. Bởi về mặt khái niệm, sự mất mát ấy ra đời một cách tất yếu từ sự giải thể của gia đình như là hình thức đầu tiên của đời sống đạo đức. Hegel viết: “Xã hội dân sự, tức là, một sự nối kết những thành viên như là những cá nhân riêng lẻ độc lập-tự tồn trong cái mà vì thế được gọi là một tính phổ biến hình thức, bằng những nhu cầu của họ và bằng hiến chế luật pháp như là phương tiện để bảo đảm sự an toàn cho những nhân thân và sự sở hữu, cũng như bằng một trật tự bên ngoài phục vụ cho những lợi ích riêng và chung của họ là Nhà nước bên ngoài ấy.”[2] Hegel mô tả xã hội dân sự này với ba mô men:

+ Sự trung giới của nhu cầu và sự thỏa mãn của cái cá biệt [cá nhân] thông qua lao động của mình và thông qua lao động và sự thỏa mãn nhu cầu của mọi người khác: hệ thống của những nhu cầu;

+ Hiện thực của cái phổ biến của sự tự do bao hàm trong đó, việc bảo vệ sở hữu bằng sự quản trị và thực thi công lý;

+ Sự dự phòng chống lại sự ngẫu nhiên bất tất vẫn còn có mặt trong các hệ thống nói trên, và chăm lo cho lợi ích đặc thù như một cái chung, bằng cảnh sát và hiệp hội” (§188).

Hegel nhận ra sự xung đột các quyền lợi giữa người chủ sở hữu tài sản và công nhân làm thuê trong xã hội dân sự, và ông khẳng định về “sự giải thể của xã hội dân sự” như là một bước cho sự phát triển cao hơn của đời sống đạo đức trong nhà nước.

 

Karl Marx:

Marx bàn về xã hội dân sự[3] trong phê phán của ông về Hegel và Thuyết duy tâm Đức được trình bày qua các tác phẩm “Về vấn đề Do Thái”, “Góp phần phê phán triết học pháp quyền Hegel”, và “Bản thảo kinh tế, triết học”. Thuật ngữ “xã hội dân sự” chỉ xuất hiện trong các tác phẩm thời trẻ này của Marx và đã không được sử dụng hay nhắc đến trong các công trình hậu kì.

Đồng ý với Hegel, Marx xem xã hội dân sự là một khu vực của thị trường tự do trong đó mỗi cá nhân theo đuổi lợi ích riêng tư của mình. Tuy nhiên, khác với Hegel, Marx không cho rằng nhà nước là nơi hòa giải những mâu thuẫn lợi ích của các cá nhân, mà ngược lại nhà nước là đại diện của quyền lợi thống trị bảo vệ lợi ích cho các giai cấp sở hữu tài sản. Với Hegel, theo mô hình biện chứng tư biện của ông, nhà nước là cấp độ cao nhất của “đời sống đạo đức”, nơi chứa đựng những yếu tố đã được vượt bỏ-bảo lưu-và-nâng cao (aufheben / sublated) của hai cấp độ gia đình và xã hội dân sự. Đây chính là điểm mà Marx phê phán Hegel. Marx cho rằng chính xã hội dân sự mới là nền tảng cho nhà nước chứ không phải ngược lại.

Trong “Về vấn đề Do Thái” (1843), Marx xem xã hội dân sự như là khu vực của tính vị kỷ, ông dùng cách nói của Hobbes “cuộc chiến của tất cả chống lại tất cả”. Trong “Bản thảo kinh tế, triết học” (1844), ông nói về một xã hội thịnh vượng như là lý tưởng của xã hội dân sự tư sản vốn chỉ mang lài “sự nghèo đói cho người công nhân”. Tuy nhiên, ông không xem xã hội dân sự là tĩnh tại hay thiếu tiềm năng phát triển. Ông bác bỏ quan niệm về một xã hội dân sự được tạo nên bởi các cá nhân tách biệt, riêng lẻ giống như các nguyên tử, bởi mỗi cá nhân dù có tính vị kỷ đều cần đến xã hội. Quan trọng hơn, những phản tư của Marx trở nên sâu sắc hơn trong “Lời tựa cho góp phần phê phán kinh tế chính trị học” (1959). Ở đó ông bắt đầu nhận ra rằng các quan hệ luật pháp và các hình thức chính trị chỉ có thể được hiểu qua việc đánh giá các nguồn gốc của chúng trong xã hội dân sự, và giờ đây xã hội dân sự được quan niệm là toàn bộ điều kiện vật chất của đời sống.

Marx thực hiện một “phẫu thuật” về xã hội dân sự và nó được khám phá thông qua nghiên cứu về kinh tế chính trị. Theo quan điểm này, xã hội dân sự lúc nào cũng thay đổi cho đến khi cơ sở của nó trong sở hữu tư nhân bị thách thức bởi giai cấp lao động. Chỉ thông qua việc xóa bỏ sở hữu tư nhân thì giai cấp lao động mới có thể xóa bỏ xã hội dân sự và nhà nước, và thay thế bằng một hiệp hội của những người sản xuất tự do.   

 

2. Quan điểm của Habermas trong định nghĩa và nguồn gốc của khu vực công cộng

Trong “Sự chuyển đổi cấu trúc của khu vực công cộng” bằng việc đặt phạm trù “khu vực công cộng dân sự” vào trung tâm nghiên cứu về lịch sử của chủ nghĩa tư bản, Habermas nỗ lực tìm kiếm những ý tưởng mang tính quy phạm cốt yếu về bản chất của nền dân chủ. Và ông định nghĩa: “Khu vực công cộng dân sự trên hết có thể được quan niệm như là không gian của các cá nhân tụ họp cùng nhau như một cộng đồng; họ sớm tuyên bố khu vực công cộng được điều hành bởi cái gì đó ngược lại với bản thân các quyền lực công, để đi vào trong một cuộc tranh luận về các quy tắc chung điều khiển các mối quan hệ trong không gian về cơ bản được cá nhân hóa nhưng liên quan đến cộng đồng về sự trao đổi hàng hóa và lao động xã hội. Môi trường của sự gặp gỡ chính trị này rất kì lạ và chưa từng có tiền lệ: người ta sử dụng lý tính của mình một cách công khai.”[4]

Khu vực công cộng xuất hiện khi các công dân gặp gỡ để trao đổi, bày tỏ, diễn đạt quan điểm của mình về các vấn đề có chung sự quan tâm thông qua các hình thức trao đổi trực tiếp, hoặc qua thư từ, báo chí, hay các phương tiện truyền thông khác. Nhưng điều quan trọng là sự trao đổi này phải tuân theo lập luận hợp lý tính. Về nguyên tắc, tất cả mọi người đều có thể tiếp cận, tham dự vào khu vực công cộng và trong đó đều được đối xử bình đẳng như nhau. Do đó, diễn ngôn trong khu vực công cộng là diễn ngôn thuần lý, thay thế cho diễn ngôn công cụ và lý tính kiểu Hegel.

Mặc dù khái niệm “khu vực công cộng/public sphere” chỉ xuất hiện vào thế kỷ 17, nhưng đã có sự phân biệt giữa công cộng (public) và riêng tư (private) mà ta có thể truy nguyên từ những người Hi Lạp qua hai từ: polisoikos. Polis là khu vực công cộng nơi các công dân tự do, không còn chịu ràng buộc bởi các vấn đề vật chất, cùng đi vào để tranh luận về các vấn đề “nội trị” – tức là các vấn đề luật pháp của thành bang - và “ngoại giao”, cũng như là các công việc chiến tranh.[5] Đây được xem là khu vực cho sự hiện hữu thực sự của con người, bởi những phẩm chất tốt nhất của một cá nhân được kiểm chứng và được thừa nhận trước đám đông. Để là một thành viên của polis, người công dân - một người đàn ông - phải sở hữu những người khác làm công việc oikos, tức là công việc sản xuất kinh tế.

Trong khi đó đến thời trung cổ sự phân biệt giữa công cộng và riêng tư mặc dù vẫn tồn tại nhưng không rõ ràng so với các nguồn gốc Hi Lạp-La Mã của nó. Một mặt, cái công cộng là cái gì chung mà mọi người dân cùng chia sẻ, và nó được xem là đối lập với tính đặc thù hay tính riêng tư vốn thuộc về lãnh chúa. Nhưng mặt khác, quyền lực để ra mệnh lệnh của lãnh chúa – khác với quyền của người chủ sở hữu những người hầu như ở thời Hi Lạp – lại là “công cộng” [publicus]. Điều quan trọng đó là nơi được xem là chung dành mọi người trong thời trung cổ lại không phải là không gian của sự tranh luận tích cực. Ở đó chỉ có một đám đông khán giả và đứng trước đám đông này là một quân vương hay lãnh chúa “tự thể hiện mình, tự cho thấy mình như là sự hiện thân của một loại quyền lực ‘tối cao’”[6]. Vì thế xuất hiện khái niệm “tính công khai / publicness hay publicity” trong chừng mực vị quân vương thể hiện quyền lực của mình trước đám đông.

Sự phân biệt giữa công cộng và riêng tư sau thời trung cổ cũng không rõ ràng hơn, mặc dù đã có sự thay đổi. Trong khi vào thời phong kiến, quyền lực của lãnh chúa được mở rộng trong mọi lãnh vực của đời sống xã hội, thì vào thời kì của chủ nghĩa tư bản sơ kì ta chứng kiến một sự tách biệt ngày càng triệt để của nhà nước và xã hội. Vị thế công cộng của triều đình và nhà nước được xem là đối lập với khu vực riêng tư, gần gũi của đời sống gia đình và hoạt động cá nhân, sự tự trị của tác nhân kinh tế (“khu vực xã hội dân sự”). Chính thành thị giờ đây đã thay thế cho triều đình trở thành bối cảnh chính của đời sống văn hóa, kinh tế và chính trị, và vì thế trở thành bối cảnh cho bản thân khu vực công cộng.[7]

Các giai đoạn đầu của chủ nghĩa tư bản là thời kì của trao đổi thương mại chứ chưa phải của sản xuất công nghiệp. Các giai đoạn này còn phát triển bên trong các cấu trúc của quyền uy phong kiến. Thành thị trở thành trung tâm thương mại với các chợ phiên được nhóm họp định kì, nhưng về cơ bản không đe dọa trực tiếp đến quyền lực của lãnh chúa phong kiến mà trong thực tế còn củng cố cho sự thống trị của thành thị đối với các vùng phụ cận. Dần dần việc trao đổi thương mại vượt ra khỏi những giới hạn lãnh địa. Chính trong các giai đoạn này giai cấp quý tộc cũng góp phần thúc đẩy thương mại, bởi họ là những người tiêu thụ các xa xỉ phẩm. Đồng thời nhà nước phong kiến ra sức ủng hộ cho các cuộc viễn chinh thương mại. Nhưng khi thương mại được mở rộng thì một giai tầng mới xuất hiện. Đó là giai cấp tư sản bao gồm các thương nhân, các chủ ngân hàng và các nhà sản xuất. Họ trước đây vốn là những “thị dân” theo nghĩa hẹp, nghĩa là thợ thủ công hay chủ cửa hàng trong một thành thị nào đó. Hoạt động và lợi ích của giai cấp mới hình thành này vượt ra khỏi những giới hạn của bất kì thành thị đặc thù nào.[8] Và để bảo vệ cho các thị trường giai cấp mới này yêu sách đối với nhà nước để mở rộng và bảo vệ lãnh thổ bằng việc tổ chức quân đội và cảnh sát, và quan trọng hơn là thiết lập sự quản lý nhà nước hiệu quả hơn thông qua sự trưng thu các loại thuế. Cuối cùng hoạt động của nhà nước thay đổi từ sự thúc đẩy thương mại thành sự thúc đẩy sản xuất. Đồng thời cơ sở của sản xuất kinh tế đã không còn ở nơi các hộ gia đình. Sản xuất giờ đây không còn là một vấn đề riêng tư, cá nhân theo nghĩa của từ Hi Lạp oikos. Sản xuất và kinh tế trở thành một vấn đề chung của toàn bộ xã hội, và tuân theo sự thúc đẩy và điều chỉnh của nhà nước.

Nói tóm lại, khu vực công cộng xuất hiện bên trong sự tác động qua lại phức tạp của khu vực công của nhà nước và khu vực riêng của tác nhân kinh tế và đời sống gia đình. Trong khi vào thời phong kiến, người dân chỉ đơn giản tuân theo quyền lực của nhà nước, thì bên trong chủ nghĩa tư bản tính công khai xuất hiện với một ý thức tập thể về chính mình như là một cái gì đó đối trọng với nhà nước. Khu vực mới mẻ này phát triển các nguồn lực mang tính định chế và tri thức cho phép nó mang chính sách của nhà nước vào cuộc tranh luận thuần lý và phê phán.

 

3. Quan điểm của Habermas về các khu vực công cộng

3.1. Khu vực công cộng văn chương

Theo Habermas, những nền tảng cho sự xuất hiện của khu vực công cộng dân sự không chỉ nằm trong sự phát triển của kinh tế thị trường, mà còn của một thị trường thông tin. Từ giữa thế kỷ 17, các tờ báo được gọi là “các nhật báo chính trị” bắt đầu xuất hiện. Các nhật báo này chọn lọc thông tin từ những bức thư trao đổi giữa các nhóm thương nhân về “các hội nghị, các cuộc chiến tranh, mùa màng, thuế khóa, sự vận chuyển của các kim loại quý hiếm, và những tường thuật về ngoại thương”.[9] Điều quan trọng là thông tin giờ đây đã trở nên có giá trị. Và Habermas cho thấy rằng việc sử dụng chính thức các nhật báo chính trị này của các viên chức nhà nước như là bước đầu tiên để xác định một giới độc giả chuyên biệt. “Các nhật báo chính trị” đã trở thành những nguồn thông tin mà chính quyền muốn phân phối và do đó chúng trở thành công cụ của việc quản lý nhà nước. Trong thực tế chỉ có những người thuộc về “tầng lớp có học” mới đọc các nhật báo này. Họ là nhân viên nhà nước, các nhà luật học, bác sĩ, mục sư, sĩ quan, giáo sư và học giả.

Tuy nhiên sự xác định giới bạn đọc đã thay đổi với sự xuất hiện của nền văn chương hiện đại. Báo chí đã không còn chỉ là đơn thuần cập nhật các thông tin, mà giờ đây đã trở thành một môi trường của sự tranh luận phê phán. Các quán café và các salon vào thế kỷ 17 đã tạo nên một khu vực công cộng cho sự tranh luận về thương mại và văn hóa. Các quán café trở thành nơi trao đổi các thông tin thương mại và cũng là nơi mà các ý tưởng mới mẻ được trình bày và thảo luận. Tương tự như thế là các salon ở Pháp. Các salon vào thế kỷ 18 chủ yếu là nơi của những thú vui tao nhã. Nó trở thành một diễn đàn để những ai có cùng sở thích đến trình bày, bàn luận về các vấn đề văn hóa và tri thức.

Song song với sự mở rộng của các quán café và các salon văn chương là sự thương mại hóa nghệ thuật. Trong khi dưới thời phong kiến nghệ thuật chỉ là công cụ để biểu trưng quyền lực của nhà nước và được thể hiện trong các cuộc hành lễ của nhà thờ, thì trong chủ nghĩa tư bản nghệ thuật trở thành một đối tượng của sự tiêu thụ. Kể từ đó, Habermas lưu ý rằng, tác phẩm nghệ thuật đã đánh mất “tinh hoa” của mình. Nghệ thuật đánh mất chức năng biểu tượng của nó khi người thưởng ngoạn trở thành người tiêu thụ. Cũng kể từ lúc này xuất hiện các nhà phê bình nghệ thuật như là những người sảnh sỏi trong cảm thụ tác phẩm nghệ thuật. Nhà phê bình nghệ thuật mang đến cho độc giả những biện minh cho sở thích của họ, vì thế cũng nhằm giáo dục họ. Tuy nhiên nhà phê bình không đứng trên độc giả của mình, và thẩm quyền của ông là do độc giả công nhận. Vì thế khu vực công cộng đi đến một nguyên tắc quan trọng đó là sự công nhận quyền uy của một lập luận chính đáng và thuyết phục.[10]

 

3.2. Khu vực công cộng chính trị

Khu vực công cộng chính trị xuất hiện thông qua sự ra đời của rất nhiều phương tiện truyền thông và định chế, nhưng quan trọng nhất vẫn là nền báo chí chính trị. Tại nước Anh không gian này phát triển rất sớm và mạnh mẽ. Sự bãi bỏ luật kiểm duyệt đã mở ra một mảnh đất để các nhật báo tham gia vào các cuộc bình luận chính trị. Đến năm 1803 báo chí đã được phép tác nghiệp tại hạ viện Anh.[11] Trong thời gian này, theo Habermas, chính triết gia Jeremy Bentham đã viết một chuyên luận chỉ ra sự liên kết giữa ý kiến công khai và nguyên tắc của tính công khai (publicity). Habermas viết: “Bentham quan niệm về những tham vấn công khai của nghị viện không gì khác hơn là một phần của những tham vấn công khai của khu vực công cộng nói chung. Chỉ có tính công khai bên trong và bên ngoài nghị viện mới có thể đảm bảo cho sự liên tục của tranh luận chính trị phê phán và chức năng của nó nhằm chuyển đổi sự thống trị, như Burke đã trình bày, từ vấn đề của ý chí sang vấn đề của lý tính.”[12]

Các hoạt động của khu vực công cộng chính trị chủ yếu tập trung vào tính chính đáng của luật pháp. Luật pháp như là phương tiện dùng để cai trị và kiểm soát của nhà nước về nguyên tắc không thể dựa trên ý chí chủ quan của nhà cầm quyền, cũng không thể dựa trên quyền lợi cục bộ của một giai cấp, mà phải dựa trên lý tính công cộng. Habermas cho rằng sự cải cách luật pháp phải tập trung vào việc tách biệt khu vực riêng tư của gia đình và xã hội dân sự (bao gồm hoạt động kinh tế) ra khỏi sự cai thiệp của nhà nước. Trong thực tế vào thời bấy giờ các chính sách trọng thương ở Anh đã dần dần loại trừ sự điều hành của nhà nước đối với trao đổi kinh tế và để cho nền kinh tế và xã hội được phát triển theo các quy luật của sự trao đổi hàng hóa.

Tuy nhiên, Habermas sớm cho thấy những yếu kém vào mâu thuẫn trong thực tế của không gian này. Trong khi về lý tưởng nó cho phép tất cả mọi công dân có quyền đóng góp ý kiến để tranh luận, thì trong thực tế lý tưởng này chỉ mang tính thỏa hiệp. Bởi vì giai cấp lao động bị loại trừ và điều đó dẫn đến một số vấn đề nền tảng cũng không được bàn đến trong tranh luận. Những người có tiếng nói trong khu vực công cộng này là những người có chung quyền lực và quyền lợi kinh tế. Sự mâu thuẫn rất lớn về quyền lợi kinh tế giữa giai cấp lao động và tầng lớp tư sản không được nhắc đến, và thậm chí nó còn không được thừa nhận về phương diện chính trị.

 

3. Quan niệm của Habermas về sự suy tàn của khu vực công cộng

Phần hai của “Sự chuyển đổi Cấu trúc” phác thảo sự tan rã và cáo chung của khu vực công cộng. Khi những tờ báo và tạp chí dần dần đạt đến một lượng phát hành lớn, chúng bị sát nhập vào những công ty tư bản khủng lồ hoạt động cho lợi ích riêng của một vài cá nhân quyền lực. Ý kiến công khai dần dần mất đi sự tự trị cùng với chức năng phê phán của nó. Thay vì khuyến khích việc trình bày quan điểm hợp lý và những niềm tin khả tín, thì khu vực công cộng thế kỉ 19 và 20 trở thành một khu vực qua đó ý kiến công khai có thể bị xếp đặt và thao túng. Những tờ báo, những tạp chí, các tiểu thuyết bestseller, truyền thông đại chúng, cùng với radio và truyền hình, trở thành những hàng hóa tiêu thụ, thay vì thúc đẩy sự tự do và phát triển con người thì thực tế lại bắt đầu kiềm hãm nó. Chắc chắn các định chế nhà nước, kinh tế, và chính trị có khả năng hơn trong việc thu hút sự ủng hộ và tán dương của công chúng. Tuy nhiên, sự ủng hộ này chủ yếu ở những quan điểm cá nhân của những kẻ tiêu thụ nô lệ, không phê phán, và phụ thuộc về kinh tế, hơn là ở một quan điểm chung hữu ích phát triển việc tranh luận công khai hợp lý tính.

Cái nhìn khá nghiêm trọng này về sự phát triển của xã hội tư bản phương Tây thế kỉ 20 gắn liền với phần lớn mô tả của Adorno và Horkheimer về cách thức mà nền công nghiệp văn hóa đã tạo ra ngày càng nhiều những kẻ tiêu thụ không phê phán và dễ bị điều khiển. Habermas cũng tiếp tục việc phân tích khá bi quan của Trường phái Frankfurt khi cho rằng chủ nghĩa tư bản độc quyền và chủ nghĩa tự do nhà nước-phúc lợi ở Hoa Kì cuối cùng dẫn đến việc thu hẹp tự do của con người, và làm cho nền chính trị dân chủ trở nên rỗng tuếch.

Với tất cả những điều đó, Habermas rõ ràng và tích cực hơn Adorno và Horkheimer về cách thức thực hiện. Khu vực công cộng mà thực tế đã kết thúc và tan vỡ nên được đào sâu, mở rộng, và tiếp tục nhằm thực hiện một chức năng phê phán đối với các hệ thống kinh tế và chính trị và đưa chúng vào những khu vực của sự kiểm soát mang tính dân chủ. Habermas kết luận “Sự chuyển đổi Cấu trúc” với niềm hi vọng rằng một sự phát triển như vậy vẫn có thể diễn ra, dựa trên cơ sở những không gian đang hiện hữu của tính công cộng bên trong các tổ chức chẳng hạn các đảng phái chính trị. Với những điều kiện chính trị và xã hội lành mạnh, một khoảng cách lớn giữa ý tưởng về một khu vực công cộng và về thực tế chính trị, xã hội có lẽ sẽ gần nhau hơn.

Sự chuyển đổi Cấu trúc” của Habermas do đó mang đến một bức tranh về khai minh ít thảm đạm và bi quan hơn “Biện chứng của Khai minh” của Horkheimer và Adorno. Lý thuyết của Habermas về khu vực công cộng duy trì lý tưởng về tranh luận tự do thuần lý giữa những người bình đẳng, tuy không thể thực hiện ngay lập tức, nhưng đáng để theo đuổi.

 

4. Quan niệm về khu vực công cộng sau Habermas của Hannah Arendt

Hannah Arendt chắc chắn là tư tưởng gia chính trị quan trọng của thế kỷ 20. Các công trình của bà nhắc nhở chúng ta về sự mất mát khu vực công cộng dưới những điều kiện của tính hiện đại. Tác phẩm lớn của bà “Thân phận con người / Human condition” vẫn luôn được xem là tác phẩm chính trị chống-chủ nghĩa hiện đại. Với Arendt không gian công cộng và nhất là không gian chính trị bao gồm hai chiều kích riêng biệt nhưng có quan hệ với nhau. Thứ nhất là “không gian để xuất hiện” (the space of appearance), một không gian của sự tự do và sự bình đẳng về chính trị dành cho mọi công dân bất cứ khi nào họ hành động trong diễn trường chính trị thông hành hành vi nói và sự thuyết phục. Thứ hai là một thế giới chung, một thế giới công cộng và được chia sẻ của các tác nhân chính trị, các thiết chế, các định chế vốn tách chúng ta ra khỏi tự nhiên và mang đến một bối cảnh tương đối lâu dài và bền bỉ cho các hoạt động của ta. Cả hai chiều kích này vô cùng quan trọng đối với sự thực hành quyền công dân. Với Arendt sự phục hoạt quyền công dân trong thế giới hiện đại phụ thuộc vào sự phục hồi một thế giới chung được chia sẻ và sự sáng tạo các không gian để xuất hiện để cho cá nhân có thể bộc lộ bản tính của mình, đồng thời thiết lập các mối quan hệ tương hỗ và sự đoàn kết.

Có ba đặc điểm của khu vực công cộng vốn là trung tâm trong quan niệm của Arendt về quyền công dân. Thứ nhất là tính nhân tạo của nó[13]. Thứ hai là tính không gian của nó. Và thứ ba là sự phân biệt giữa những quan tâm cộng đồng và những quan tâm riêng tư.

Arendt luôn nhấn mạnh vào tính nhân tạo của đời sống công cộng và của các hoạt động chính trị. Theo bà tính nhân tạo như là cái gì đó nên được tán dương hơn là phàn nàn. Chính trị không phải là kết quả của những khuynh hướng tự nhiên, mà là sự hiện thực hóa các đặc điểm vốn có trong bản tính của con người. Đúng hơn nó là một thành tựu văn hóa giúp cho cá nhân vượt lên trên những sự tất yếu của đời sống và kiến tạo một thế giới mà bên trong đó hành động và diễn ngôn chính trị tự do có thể phát triển.

Đặc điểm thứ hai mà Arendt nhấn mạnh là tính không gian của đời sống công cộng, nghĩa là hoạt động chính trị được định vị trong một không gian công cộng nơi mọi công dân có thể cùng đến với gặp gỡ, trao đổi ý kiến, thảo luận, tranh cãi và tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề chung. Với Arendt, chính trị là vấn đề của những người cùng chia sẻ một thế giới chung và một không gian chung để xuất hiện, và do đó các vấn đề cộng đồng có thể xuất hiện và được giải thích từ các viễn tượng khác nhau. Theo bà, ta không thể quan niệm về một tập hợp các cá nhân riêng tư biểu quyết một cách tách biệt và khuyết danh theo ý kiến riêng của mình. Thay vào đó các cá nhân phải cùng nhau trò chuyện trong không gian chính trị-công cộng để cho sự khác biệt cũng như những sự tương đồng của họ có thể xuất hiện và trở thành vấn đề của tranh luận dân chủ.

Đặc điểm thứ ba trong quan niệm của bà là sự phân biệt giữa những quan tâm cộng đồng và những quan tâm riêng tư. Arendt cho rằng hoạt động chính trị không phải là một phương tiện cho một mục đích, mà bản thân nó là một mục đích. Người ta dấn thân vào hoạt động chính trị để hiện thực hóa các nguyên tắc nội tại đối với đời sống chính trị chẳng hạn tự do, sự bình đẳng, công bằng, và sự đoàn kết. Trong luận văn có nhan đề “Các quyền công cộng và những quan tâm riêng tư / Public Rights and Private Interests” Hannah Arendt đã bàn về sự khác biệt giữa đời sống của một người xét như một cá nhân và xét như một công dân, đời sống mà cá nhân dành cho chính mình và đời sống mà anh ta dành cho những người khác. Theo bà, quan tâm về cộng đồng của ta với tư cách là các công dân hoàn toàn khác so với quan tâm riêng tư của ta với tư cách là những cá nhân. Quan tâm cộng đồng không phải là tổng số các quan tâm riêng tư, không phải là mẫu số chung của chúng. Trong thực tế nó chẳng liên quan gì nhiều đến các lợi ích riêng tư, bởi nó liên quan đến một thế giới bên ngoài cái tôi. Quan tâm cộng đồng hướng đến những lợi ích của một thế giới cộng đồng mà ta cùng chia sẻ, cùng theo đuổi và cùng thụ hưởng. 

 

 

Tài liệu tham khảo

1. Andrew Edgar, “Habermas: The key concepts”, Routledge, 2006.

2. Andrew Edgar, “The philosophy of Habermas”, Acumen, 2005.

3. James Gordon Finlayson, “Habermas: A very short introduction”, Oxford University Press, 2005.

4. Juergen Habermas, “The structural transformation of the public sphere”, bản dịch Anh ngữ của Thomas Burger với sự cộng tác của Frederick Lawrence, MIT press, 1991.

5. G. W. F. Hegel, “Các nguyên lý của triết học pháp quyền”, bản dịch Việt ngữ của Bùi Văn Nam Sơn, nxb Tri Thức, 2012.5

6. Hannah Arendt, “The human condition”, the University of Chicago press, 1958.

7. Ian Fraser and Lawrence Wilde, “The Marx dictionary”, Continuum International Publishing Goup, 2011.

8. Craig Calhoun chủ biên, “Habermas and public sphere”, MIT press, 1992.

Chú thích

 

[1] Jürgen Habermas, “Sự chuyển đổi cấu trúc của khu vực công cộng”, bản dịch Anh ngữ của Thomas Burger với sự cộng tác của Frederich Lawrence, First MIT Press paperback edition, 1991, tr. 114.

[2] G. W. F. Hegel, “Các nguyên lý của triết học pháp quyền”, Bùi Văn Nam Sơn dịch, nxb Tri Thức, 2012, tiểu đoạn§ 157.

[3] Marx & Engels toàn tập dịch “die buergerliche Gesellschaft / bourgeoise society” là xã hội công dân.

[4] “The bourgeois public sphere may be conceived above all as the sphere of private people come together as a public; they soon claimed the public sphere regulated from above against the public authorities themselves, to engage them in a debate over the general rules governing relations in the basically privatized but publicly relevant sphere of commodity exchange and social labor. The medium of this political confrontation was peculiar and without historical precedent: people's public use of their reason.” Jürgen Habermas, “Sự chuyển đổi cấu trúc của khu vực công cộng”, bản dịch Anh ngữ của Thomas Burger với sự cộng tác của Frederich Lawrence, First MIT Press paperback edition, 1991, tr. 27.

[5] Tr. 4, sđd.

[6] Tr. 7, sđd.

[7] Xem sđd, tr. 30-32.

[8] Sđd, tr. 23.

[9] Tr. 20, sđd.

[10 ]Tr. 40-41, sđd.

[11] Tr. 62, sđd.

[12] Tr. 100: “Bentham conceived of the parliament’s public deliberations as nothing but a part of the public deliberations of the public in general. Only publicity inside andoutside the parliament could secure the continuity of critical political debate and its function, to transform domination, as Burke expressed it, from a matter of will into a matter of reason.”, sđd.

[13] Hannah Arendt, “Thân phận con người / The human condition”, the University of Chicago press, 1958, Tr. 52-53.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114443353

Hôm nay

2244

Hôm qua

2305

Tuần này

21166

Tháng này

218527

Tháng qua

112676

Tất cả

114443353