Những góc nhìn Văn hoá

Phân tầng xã hội và di dộng xã hội ở Việt Nam hiện nay [kỳ cuối]

...

Chương IV- KẾT LUẬN VÀ MỘT SỐ VẤN ĐỀ CƠ BẢN ĐẶT RA

Chương II và Chương III đã áp dụng lý thuyết và phương pháp nghiên cứu vào thực tế Việt Nam trong thời kỳ đổi mới để trả lời hai câu hỏi then chốt nhằm tìm hiểu bản chất của phân tầng xã hội và di động xã hội: “Ai có được cái gì và tại sao lại như vậy? Ai tiến lên phía trước, và tại sao?” Chương này sẽ trình bày tóm tắt một số kết quả nghiên cứu ở hai chương trước. Từ đây, sẽ nêu lên một số vấn đề cơ bản về nhận thức lý luận và thực tiễn cuộc sống đặt ra. Trên cơ sở đó, đề xuất một số khuyến nghị nhằm định hướng cho phát triển xã hội.

1. Kết luận

Về mô hình phân tầng xã hội

Từ sự kết hợp giữa lý luận giai cấp của K. Marx và lý thuyết phân tầng xã hội của M. Weber, đa số các nhà xã hội học quốc tế đã dựa vào nghề nghiệp để phân nhóm và xếp hạng theo tôn ti trật tự trên dưới thành các tầng lớp xã hội.Trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế ở Việt Nam, áp dụng sự phân nhóm dựa vào nghề nghiệp và xếp hạng cao thấp theo một số chỉ báo địa vị KT-XH, ta có đượccấu trúc thứ bậc bao gồm 9 tầng lớp xã hội cơ bản trong cả nước. Đó là (1) Những người Lãnh đạo các cấp và các ngành; (2) Nhóm Doanh nhân; (3) Những người Chuyên môn bậc cao; (4) Những người Nhân viên; (5) Những người Công nhân (thợ thuyền); (6) Tầng lớp Buôn bán – Dịch vụ; (7) Những người Tiểu thủ công nghiệp; (8) Nhữngngười Lao động giản đơn; (9) Tầng lớp Nông dân. Các tầng lớp này tạo thành mô hình phân tầng xã hội “Kim tự tháp” với đa số nông dân ở dưới đáy (Hình 2.2 được nhắc lại dưới đây).

Hình 2.2 (được nhắc lại)

 

Mô hình 9 tầng lớp xã hội được xây dựng trên cơ sở số liệu 7 cuộc khảo sát VHLSS (2002~2014) do Tổng cục Thống kê thực hiện với quy mô chọn mẫu đại diện cho cả nước. Tôn ti trật tự trong mô hình (đặc biệt là tầng lớp cao và tầng lớp nông dân ở dưới đáy) cũng tương tự như các nước trên thế giới. Nếu so sánh trở lại với xã hội Việt Nam truyền thống trong lịch sử, thì trật tự/thứ bậc giữa các tầng lớp xã hội hiện nay đã có sự thay đổi.

Trong mô hình “kim tự tháp”về phân tầng xã hộiở Việt Nam, các tầng lớp của xã hội hiện đại có địa vị kinh tế - xã hội cao hơn, nằm ở nửa trên tháp phân tầng và chiếm phần nhỏ bé, còn các tầng lớp của xã hội truyền thống có địa vị thấp hơn, nằm ở nửa dưới tháp và chiếm tỉ lệ lớn. Trong đó, tầng lớp nông dân có địa vị kinh tế - xã hội vào loại thấp nhất (ở dưới đáy). Đây là mô hình của xã hội chưa hiện đại, mà đang trong quá trình chuyển đổi sang xã hội công nghiệp - chính xác hơn là đang ở giai đoạn đầu của xã hội công nghiệp. Xu hướng vận động của mô hình “kim tự tháp” sẽ tiến tới hình dạng “quả trám” với các tầng lớp đặc trưng cho xã hội công nghiệp (tầng lớp trung lưu)chiếm tỉ lệ đông đảovà phình to ra, còn các tầng lớp của xã hội truyền thống (đặc biệt là nông dân) chỉ còn tỉ lệ nhỏ bévàthu hẹplại. Mô hình “kim tự tháp” cũng thể hiệnsự phân cực giữa các tầng lớp xã hội ở Việt Nam. Một cực là tầng lớp cao (thượng lưu) có nhiều thứ hơn so với cực kia - các tầng lớp còn lại. Điều này thể hiện các tầng lớp ở trên có nhiều thứ hơn so với các tầng lớp ở dưới. Tức là thể hiện câu hỏi: “Ai có được cái gì?” (chưa trả lời được câu hỏi: Tại sao lại như vậy?). Đồng thời với quá trình phân cực là tình trạng bất bình đẳng ngày càng tăng giữa các tầng lớp xã hội với sự bắt đầu thu hẹp. Đây là sự bất bình đẳng bền vững thuộc vềcấu trúc xã hội và là thuộc tínhcủa hệ thống phân tầng xã hội hình “kim tự tháp” ở Việt Nam. Đó là cách nhìn rất cơ bản về bất bình đẳng từ trong cốt lõi bản chất thuộc về mô hình phân tầng xã hội.

Về di động xã hội giữa các giai tầng

Kết quả nghiên cứu cho thấysự di động giữa các tầng lớp xã hội có tăng lên nhưng còn chậm chạp.Về đại thể, sự di động xã hội diễn ra chủ yếu ở khu vực các tầng lớp xã hội truyền thống, mà không phải ở khu vực các tầng lớp xã hội hiện đại. Điều này có nghĩa rằng, sự hình thành các tầng lớp của xã hội hiện đại diễn ra còn chậm chạp. Thực trạng di động xã hội này đã phản ánh quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế cũng chậm chạp không kém. Nhưng dù sao, kết qủa nghiên cứu cũngthể hiện tầng lớp trung lưu đang mở rộng do tầng lớp hạ lưu di động đi lên vàsự vận động của hệ thống phân tầng trong cả nước đang mở (tức không khép kín). Trong đó, tầng lớp nông dân Việt Nam đang ở trong trạng thái khép kín nhiều hơn những tầng lớp xã hội khác. Tức là, sự di động ra khỏi tầng lớp nông dân còn chậm chạp và quá trình rút bớt lao động nông nghiệp ở Việt Nam để chuyển sang phi nông còn gặp nhiều khó khăn.

Đối với nguyên nhân gây ra sự di động xã hội giữa các giai tầng ở Việt Nam cho thấy rằng nguyên nhân phi cấu trúc là chính, còn nguyên nhân thuộc về cấu trúc chiếm phần nhỏ. Chỉ khi nào nguyên nhân tạo nên sự di động xã hội thuộc về cấu trúc (tức là chủ yếu do sự thay đổi của cơ cấu kinh tế) thì khi ấy sự thay đổi của cấu trúc xã hội mới là căn bản. Nhìn vào Việt Nam thì nước ta chưa đạt tới điều này. Như vậy, nghiên cứu này đã trả lời được một phần câu hỏi then chốt thứ hai về phân tầng xã hội đặt ra ở Chương I: “Ai tiến lên phía trước, và tại sao?”

 

2. Một số vấn đề cơ bản đặt ra

Những nội dung trình bày về lý thuyết và thực nghiệm trong sách này là thiết thực trước mắt đối với tình trạng nghiên cứu về phân tầng xã hội ở Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, từ đây cũng đặt ra một số vấn đề bất cập về lý luận và phương pháp nghiên cứu phân tầng xã hội và di động xã hội ở nước ta như sau:

Thứ nhất là nội dung về phân tầng xã hội.Đối với nội dung này, chúng ta cần phải tiến hành một cuộc điều tra Phân nhóm và xếp hạng uy tín nghề nghiệpnhư các nước trên thế giới. Thế nhưng, cuộc điều tra như vậy chưa có điều kiện khả thi ở Việt Nam hiện nay (do thiếu kiến thức về phương pháp luận, phương pháp và kỹ thuật phân tích số liệu…). Điều này đòi hỏi những người nghiên cứu xã hội học nước ta cần phải cố gắng nhiều để tiếp tục nắm vững lý luận và phương pháp nghiên cứu phân tầng xã hội trên thế giới. Hy vọng rằng, thế hệ những người nghiên cứu xã hội học tương lai ở Việt Nam sẽ thực hiện tiếp tục công việc này để hội nhập với xã hội học quốc tế. Khi giải quyết được vấn đề đó, tôi hy vọng rằng cuộc điều tra tiếp theo về Phân tầng xã hội và Di động xã hội (chọn mẫu đại diện cho cả nước) sẽ được thực hiện như các nước trên thế giới. Đây là vấn đề đặt ra và gợi mở cho những nghiên cứu tiếp theo về sau.

Thứ hai là nội dung về di động xã hội. Đối với nội dung này, công trình nghiên cứu di động theo chiều dọc trong một thế hệ, mà không phải giữa các thế hệ. Hơn nữa, nghiên cứu về di động xã hội trong sách này được lựa chọn trong các phần mẫu đã khảo sát lặp lại 2 lần của các Panel.Bởi vì nghiên cứu di động xã hội từ các Panel, cho nên kết quả nghiên cứu không đại diện cho cả nước. Do vậy, những phân tích trong công trình nghiên cứu này là có giới hạn và chưa thể hiện được nhiều luận điểm lý thuyết về di động xã hội. Nhưng dù sao, mỗi Panel cũng chiếm tới 50% trong tổng thể mẫu cả nước. Như thế, nghiên cứu di động theo chiều dọc trong một thế hệvà lựa chọn số liệu từ các Panel là tối ưu nhất vàcó tính khả thi cao để thực hiện nghiên cứu di động xã hội ở Việt Nam hiện nay. Kết quả nghiên cứu đạt được là phù hợp với lý thuyết, phản ánh sát thực tiễn xã hộivà có thể so sánh với Nhật Bản. Khi nào cuộc điều tra tiếp theo về Phân tầng xã hội và Di động xã hội (chọn mẫu đại diện cho cả nước) được thực hiện như các nước trên thế giới, thì kết quả nghiên cứu về di động xã hội giữa các thế hệở Việt Nam sẽ đầy đủ hơn. Đây cũng là vấn đề nữa đặt ra và gợi mở cho những nghiên cứu tiếp theo.

Đồng thời với vấn đề bất cập về lý thuyết và phương pháp nêu trên, một số vấn đề từthực tiễn cuộc sống đặt ra dưới góc nhìn phân tầng xã hội và di động xã hội được trình bày tiếp theo dưới đây.

 

2.1. Nhận thức lý luận về giai cấp công nhân

(a) Trước hết là về các thành phần của giai cấp công nhân. Từ một số vấn đề đặt ra về nghiên cứu giai tầng trong thời kỳ đổi mới (Mục 6, Chương I)ta thấy, ở Việt Nam hiện nay nhận thức về giai cấp công nhân vẫn còn ảnh hưởng bởi nhận thức từ hồi bao cấp (mặc dù quan niệm về giai cấp công nhân có thay đổi so với thời kỳ quan liêu, bao cấp).Giai cấp công nhân theo quan niệm thời quan liêu, bao cấp có thể được hiểu ngắn gọn trong cụm từ cán bộ, công nhân, viên chức nhà nước. Cụm từ này bao gồm ba thành phần, trong đó công nhân là chủ yếu và hai bộ phận còn lại là cán bộ và viên chức nhà nước. Giai cấp công nhân trong thời kỳ đổi mới được những người nghiên cứu lý luận chính trị thể hiện qua Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 28/1/2008 của BCH Trung ương Đảng như sau: “Giai cấp công nhân Việt Nam là một lực lượng xã hội to lớn, đang phát triển, bao gồm những người lao động chân tay và trí óc, làm công hưởng lương trong các loại hình sản xuất kinh doanh và dịch vụ công nghiệp, hoặc sản xuất kinh doanh và dịch vụ có tính chất công nghiệp”. Từ nội hàm của khái niệm giai cấp công nhân này, đối chiếu nó với thực tế xã hội và nội dung khái niệm phân tầng xã hội (Mục 1, Chương I), ta thấy rằng việc đưa các thành phần xã hội có địa vị kinh tế-xã hội khác nhau (thậm chí rất khác nhau) vào trong cùng một phạm trù giai cấp công nhân là chưa thỏa đáng. Chẳng lẽ hai vị Bộ trưởng Bộ Công Thương và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lại thuộc hai giai cấp khác nhau: một người thuộc giai cấp công nhân, còn người kia thì không.Trong khi đó, hai vị Bộ trưởng này có địa vị kinh tế-xã hội giống hệt nhau hoàn toàn. Dù cho tiêu chuẩn phân chia giai tầng như thế nào thì hai vị Bộ trưởng này cũng phải được phân nhóm và sắp xếp vào cùng một tầng lớp. Như vậy, sự phân chia và sắp đặt các thành viên vào các tầng lớp xã hội phải dựa trên cơ sở họ có địa vị kinh tế, xã hội, chính trị và uy tín tương tự gần với nhau.Đáng lẽ ra phải xuất phát từ địa vị kinh-xã hội tương tự gần với nhau (ví dụ như cùng nghề nghiệp, hoặc các nhóm nghề, chứ không phải cùng ngành kinh tế) giữa các thành viên trong xã hội để nhóm gộp thành giai cấp công nhân (hoặc các tầng lớp xã hội khác), thì trong định nghĩa này lại xác định giai cấp công nhân là gì, rồi sau đó sắp xếp những thành viên xã hội nào phù hợp với định nghĩa đã nêu thì gọi là giai cấp công nhân. Điều này là không hợp lý.

(b) Tiếp theo là về thứ bậc giữa các tầng lớp tầng lớp nào lãnh đạo xã hội.Từ bamô hình cơ bản về phân tầng xã hội ở Việt Nam (Bảng 1.5) ta thấy, trong xã hội truyền thống ngày xưa, thứ bậc các giai tầng xã hội được sắp xếp như sau: Vua-quan-địa chủ – Sĩ-nông-công-thương. Tiếp theo, trong thời kỳ quan liêu - bao cấp, thứ bậc giữa các giai tầng được sắp xếp: Công nhân, nông dân và trí thức (Công -Nông -Binh -Trí sắp hàng tiến lên). Hiện nay, trật tự/thứ bậc giữa các tầng lớp xã hội đã có sự thay đổi (Hình 2.2). So với nông dân, tầng lớp thợ thủ công và tiểu thương (“con buôn”) trước kia được xếp ở vị trí cuối cùng trong xã hội (Sĩ -Nông -Công -Thương), thì hiện nay hai tầng lớp này đã có vị trí cao hơn. Trong khi đó, tầng lớp nông dân chuyển xuống vị trí phía dưới trong bậc thang xã hội. Đây chính là sự thay đổi địa vị xã hội (hoặc là sự thay đổi bảng giá trị?) khi chuyển sang xã hội công nghiệp ở Việt Nam. Riêng tầng lớp Sĩ/trí thức (thuộc trung lưu bậc trên) vẫn giữ địa vị cao từ trong xã hội truyền thống ngày xưa cho đến hiện nay. Ấy thế mà, lý luận chính trị ở Việt Nam về thứ bậc các giai tầng lại xếp tầng lớp trí thức ở vào vị trí cuối cùng trong số “tứ dân”: “Công - Nông - Binh - Trí sắp hàng tiến lên”. Trong mô hình “kim tự tháp” về phân tầng xã hội ở Việt Nam(Hình 2.2), công nhân không là tầng lớp đứng đầu trong tháp phân tầng xã hội. Thứ bậc đầu tiên là những người lãnh đạo các cấp và các ngành. Đó mới chính là những người lãnh đạo xã hội. Giả sử, nếu công nhân là tầng lớp lãnh đạo thì sẽ lý giải như thế nào về mối quan hệ chủ - thợ giữa người giám đốc (là người lãnh đạo, và là người chủ đi thuê lao động) với người công nhân (là người bị lãnh đạo, và là người đi làm thuê) trong các nhà máy, xí nghiệp tư nhân (kể cả cơ sởsản xuất 100% vốn từ nước ngoài) ở nước ta hiện nay? Chẳng lẽ tầng lớp công nhân trong các nhà máy và xí nghiệp đó lại thực hiện “quyền lãnh đạo” trở lại với chính người giám đốc - người chủ đi thuê lao động? Tóm lại, quan điểm lý luận về vai trò lãnh đạo của giai cấp công nhân làkhông phù hợpvới thực tiễn xã hội hiện nay.

 

2.2. Khi nào Việt Nam trở thành nước công nghiệp?

Các nhà nghiên cứu trên thế giới đã đưa ra một trong những tiêu chuẩn quan trọng để hoàn thành công nghiệp hóa (CNH) là sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Trong đó được thể hiện qua sự giảm bớt tỉ lệ lao động nông nghiệp. Theo góc nhìn của xã hội học, thì đó là sự giảm bớt tầng lớp nông dân ở dưới đáy hệ thống phân tầng xã hội. Có thể tổng hợp lại tiêu chí giảm bớt tỉ lệ lao động nông nghiệp theogiáo sư Mỹ H. Chenery như sau: Giai đoạn tiền CNH có tỉ lệ lao động nông nghiệp >60% → Khởi đầu CNH(60~45%)  Phát triển CNH (45~30%) Hoàn thiện CNH(30~10%) Hậu CNH (<10%) (Trích lại từ Bùi Tất Thắng, 2011: 25). Đối với Việt Nam, hệ thống phân tầng xã hội trong cả nước cho đến hiện nay (2014) vẫn có hình “Kim tự tháp” (Hình 2.2). Trong đó, các tầng lớp của xã hội truyền thống (đặc biệt là nông dân) còn chiếm quá nửa, các tầng lớp đặc trưng cho xã hội công nghiệp chưa lớn mạnh và còn nhỏ bé. Đối chiếu với sự phân chia thành các giai đoạn CNH của H. Chenery, ta thấy vào năm bắt đầu đổi mới (1986), Việt Nam thuộc Giai đoạn tiền CNH, bởi vì đến năm 1992 tỉ lệ nông dân trong cả nước vẫn là 70%. Sau gần 30 năm đổi mới (1986~2014), Việt Nam mới đang trong giai đoạn cuối của Khởi đầu CNH (45,6% nông dân - năm 2014) và đang bước sang giai đoạn Phát triển CNH. Như vậy, xu hướng biến đổi của mô hình “kim tự tháp ”trở thành hình “quả trám” còn chậm và thể hiện sự tụt hậu của đất nước, bởi vì tỉ lệ tầng lớp nông dân đông đảo nhất ở dưới đáy giảm đi còn chậm chạp (khoảng 1%/năm). Với tốc độ giảm trung bình như vậy, theo xu hướng vận động này có thể dự báo tỉ lệ nông dân ở nước ta sẽ còn khoảng 30% vào năm 2030. Từ đây, tôi đưa ra dự báo rằng Việt Nam sẽ ở vào thời gian cuối “Phát triển CNH” và bắt đầu chuyển sang thời kỳ “Hoàn thiện CNH” vào năm 2030 (theo tiêu chí tỉ lệ nông dân còn khoảng 30%). Nếu dự báo đúng, thì liệu có thể nói rằng Việt Nam sẽ cơ bản trở thành nước công nghiệp vào năm 2030 được không? Hay là phải bước vào giai đoạn “Hoàn thiện CNH” (sau năm 2030 - cụ thể là năm 2040, hoặc năm 2045) thì mới xác định Việt Nam sẽ cơ bản trở thành nước công nghiệp? Tôi nghiêng về dự báo Việt Nam sẽ cơ bản trở thành nước công nghiệp vào năm 2040 (hoặc năm 2045).

 

2.3. Phân tầng xã hội có hình dạng “kim tự tháp” - mô hình hai cực

Từ mục 4 và mục 5 (Chương II), vấn đề đặt ra là ở chỗ mô hình phân tầng xã hội có dạng “kim tự tháp” ở Việt Nam với tầng lớp trung lưu còn nhỏ bé. Trong khi đó, đặc trưng của hệ thống phân tầng xã hội ở các nước công nghiệp là có tầng lớp trung lưu ngày càng đông đảo. Đây là dạng mô hình phổ biến trong xã hội công nghiệp (Hộp 1.1, Chương I). Do vậy, xu hướng vận động của mô hình “kim tự tháp” ở Việt Nam sẽ tiến tới hình dạng “quả trám” với các tầng lớp đặc trưng cho xã hội công nghiệp- các tầng lớp trung lưu sẽ chiếm tỉ lệ đông đảo, còn tầng lớp nông dân sẽ thu hẹp lại. Nhưng hiện nay, tầng lớp trung lưu còn nhỏ bé đã tạo nên mô hình phân tầng hai cực giữa các tầng lớp xã hội ở Việt Nam. Những xã hội hai cực- ví dụ các nước Mỹ La tinh có cư dân giai cấp trung lưu nhỏ bé (Persell, 1987:214)- thường tạo ra rất ít hy vọng và cơ hội để tầng lớp đáy di động đi lên nhằm cải thiện cuộc sống của họ. Xã hội hai cực thường tạo ra những rào cản “kìm hãm” xã hội. Tức là, trong những xã hội đó thiếu vắng tầng lớp trung lưu như là những khoảng không gian về địa vị KT-XH để người ta chuyển dịch đi lên. Tầng lớp đáy không thể di động “bỏ qua/vượt qua” để vươn lên đỉnh tháp phân tầng được. Hơn nữa, tầng lớp ở đỉnh tháp thường có sự “khép kín xã hội” không cho tầng lớp dưới xâm nhập vào “lãnh địa” của họ; còn tầng lớp ở dưới đáy cũng buộc phải chịu đựng sự “khép kín xã hội” không thể di động đi lên được (Bilton et al., 1993:94-95). Hai quá trình “khép kín xã hội” theo hướng trái chiều nhau ở mô hình hai cực sẽ tạo ra những rào cản “kìm hãm” xã hội theo nghĩa như vậy. Chỉ khi nào tầng lớp trung lưu được phát triển và mở rộng, thì sự “kìm hãm” xã hội mới được khai thông và trạng thái hai cực của xã hội sẽ dần dần biến mất.

Như vậy, thực trạng phân tầng xã hội ở Việt Nam hiện nay biểu lộ như là mô hình của xã hội nông nghiệp (đang chuyển đổi sang xã hội công nghiệp). Mô hình đó có hình dạng “kim tự tháp” với đa số nông dân ở dưới đáy. Trong khi đó, xu hướng biến đổi của nó sẽ trở thành hình “quả trám”. Mô hình xã hội trung lưu có dạng “quả trám” sẽ thay thế cho mô hình “kim tự tháp”hiện nay. Đây chính là vấn đề đặt ra đối với sự phát triển xã hộiquản lý sự phát triển xã hội ở nước ta trong thời kỳ công nghiệp hóa. Để giải quyết vấn đề này, thì phải phát triển mạnh các tầng lớp trung lưu nói chung (sẽ được trình bày ở mục 3 tiếp theo), mà không nên quá chú trọng chỉ vào giai cấp công nhân (theo ý muốn chính trị hiện nay). Đồng thời với quá trình phân tầng hai cực là tình trạng bất bình đẳng ngày càng tăng giữa các tầng lớp xã hội với sự bắt đầu thu hẹp. Đây là sự bất bình đẳng thuộc vềcấu trúcphân tầng xã hội hình “kim tự tháp” ở Việt Nam.

 

2.4. Di động xã hội còn chậm chạp

Từ Chương III về di động xã hội giữa các tầng lớp, vấn đề đặt ra là ở chỗ sự hình thành các tầng lớp của xã hội hiện đại còn chậm chạp. Điều này đã phản ánh quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế cũng chậm chạp tương ứng. Đồng thời, nó cũng cho thấy nguyên nhân gây ra di động xã hội giữa các tầng lớp thuộc về phi cấu trúc là chính, còn nguyên nhân thuộc về cấu trúc chiếm phần nhỏ. Chỉ khi nào nguyên nhân tạo nên sự di động xã hội thuộc về cấu trúc là chính (tức là chủ yếu do sự thay đổi của cơ cấu kinh tế) thì khi ấy sự thay đổi của cấu trúc xã hội mới là căn bản. Do vậy, vấn đề đặt ra là phải chuyển dịch cơ cấu kinh tế để tạo ra di động xã hội nhanh hơn. Đây là cơ sở để đưa ra khuyến nghị về chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở mục 3.3.

 

3. Khuyến nghị định hướng cho phát triển xã hội

3.1. Thay đổi nhận thức lý luận về giai cấp công nhân

Từ vấn đề đặt ra ở mục 2.1, trước hết chúng tôi đưa ra khuyến nghị rằng nên phân chia và sắp xếp các thành viên vào các tầng lớp xã hội phải dựa trên cơ sở họ có vị trí kinh tế, xã hội, chính trị và uy tín tương tự gần với nhau. Điều này có nghĩa rằng, nên xuất phát từ địa vị kinh tế - xã hội tương tự gần với nhau giữa các thành viên trong xã hội để nhóm gộp thành mỗi tầng lớp xã hội. Tức là, nên dựa vào nội dung khái niệm phân tầng xã hội (Mục 1, Chương I)để phân chia thành các tầng lớp xã hội. Như vậy, những thành viên nào có địa vị kinh tế-xã hội khác nhau sẽ thuộc về những tầng lớp xã hội cũng khác nhau. Cụ thể, nên dựa vào tiêu chuẩn nghề nghiệp (chứ không phải ngành kinh tế) để phân nhóm tạo thành tầng lớp công nhân (và các tầng lớp khác) ở Việt Nam (như Hình 2.2). Phương pháp này là phù hợp và hội nhập với những nghiên cứu xã hội học trên thế giới về phân tầng xã hội trong các nước công nghiệp. Khi thay đổi nhận thức lý luận về việc xác định các giai cấp (hoặc tầng lớp) trong xã hội như thế nào sẽ có ý nghĩa và ảnh hưởng lớn đến đến hoạt động thực tiễn như thế ấy. Trên cơ sở phân loại chính xác các tầng lớp xã hội, thì các chính sách của nhà nước mới phù hợp đối vớimỗi giai tầng.Tiếp theo, nên thay đổi nhận thức lý luận về sự sắp xếp thứ bậc các tầng lớp trong xã hội(như Hình 2.2). Cụ thể, nên thay đổi nhận thức cho rằng giai cấp công nhân là lãnh đạo xã hội, chuyển sang nhận thức mới và thay vào đó là vai trò lãnh đạo thuộc về các tầng lớp cao (những ngườilãnh đạo, doanh nhân và chuyên môn bậc cao). Còn tầng lớp nông dân có địa vị KT-XH thấp nhất và ở dưới đáy xã hội. Thứ bậc cao thấp giữa các tầng lớp như vậy cũng tương tự như các nước trên thế giới. Sự thay đổi nhận thức lý luận sẽ kéo theo sự thay đổi về hoạt động thực tiễn. Cuối cùng, cũng nên thay đổi nhận thức từ hướng tiếp cận theo “giai cấp xã hội” chuyển thành hướng tiếp cận theo các “tầng lớp xã hội” với nội dung mới và phản ánh đúng thực tiễn hơn. Bởi vì, thuật ngữ “giai cấp” thường có ý nghĩa thể hiện một trong những đặc trưng cơ bản trong định nghĩa về giai cấp của Lênin: “Giai cấp là những tập đoàn người, mà tập đoàn này thì có thể chiếm đoạt lao động của tập đoàn khác.” (Rôdentan M., 1986: 209). Điều này dễ tạo ra tâm lý chia rẽ trong xã hội. Trong khi đó, triết lý truyền thống của dân tộc Việt Nam trong quá trình dựng nước và giữ nước là tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc. Giá trị của triết lý này đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng cộng sản Việt Nam luôn luôn coi trọng.

 

3.2. Xây dựng mô hình xã hội trung lưu

Từ vấn đề đặt ra ở mục 2.2 và mục 2.3, tất cả đều thuộc về mô hình phân tầng xã hội hình “kim tự tháp”quy định. Đây là những cơ sở để dẫn tới khuyến nghị rằng cần phải xây dựng mô hình có các tầng lớp xã hội ở giữa (phần thân tháp -tầng lớp trung lưu) phình ra to nhất. Hoặc gọi là mô hình xã hội trung lưu có hình dạng “quả trám”. Phần thân tháp này sẽ bao gồm các tầng lớp của xã hội công nghiệp. Các tầng lớp trung lưu trong mô hình (Hình 2.2) có sự phân biệt rạch ròi với các tầng lớp khác ở trên đỉnh và dưới đáy tháp, chứ không phải nó bao gồm những người có mức sống trên trung bình và khá giả của tất cả những tầng lớp khác hợp thành như quan niệm của một số ngườinghiên cứu ở Việt Nam (Nguyễn Thanh Tuấn, 2007). Mô hình xã hội trung lưu có dạng “quả trám”sẽ thay thế cho mô hình phân tầng xã hội hình “kim tự tháp”hiện nay. Đây cũng là xu hướng vận động của các nước trong quá trình công nghiệp hóa.

Mô hình xã hội có tầng lớp trung lưu đông đảo sẽ ít phân cực hơn. Sự tăng lên của tầng lớp trung lưu có tác dụng làm giảm đi sự xung đột xã hội. Tầng lớp trung lưu như là một “khâu trung gian”, như là chiếc “van an toàn” có tác dụng “điều hòa” sự xung đột xã hội, làm giảm đi sự xung đột giữa các tầng lớp ở hai cực:“Sự tồn tại một giai cấp trung lưu đông đảo đáp ứng như là cái giảm xóc về chính trịvà kinh tế, và nhen nhómlên hy vọng di động xã hội của con người và trách nhiệm của họ đối vớitrật tự xã hội, kinh tế và chính trị” (Persell, 1987:214). Tầng lớp xã hội trung lưu sẽ đảm bảo cho sự phát triển ổn định, hài hòa và bền vững của một cấu trúc xã hội hiện đại. Khi mô hình xã hội trung lưu có dạng “quả trám”trở thành hiện thực, thì nó sẽ thay thế cho mô hình “kim tự tháp”hiện nay ở Việt Nam. Đến khi ấy, xã hội Việt Nam mới thực sự trở thành một nước công nghiệp. Cũng đến lúc ấy, tầng lớp nông dân đông đảo ở đáy kim tự tháp mới bị thu hẹp căn bản và chuyển dịch đi lên các tầng lớp trung lưu.

`Với mô hình xã hội trung lưu có dạng “quả trám”, sự bất bình đẳng giữa các tầng lớp sẽ được giải quyết một cách căn bản. Còn hiện nay, dù cho mọi cố gắng làm hạn chế sự phân hóa giàu nghèo và nâng cao mức sống cho người dân (đặc biệt tầng lớp nông dân) là rất cần thiết, nhưng cố gắng đó vẫn bị giới hạn trong khuôn khổ của hệ thống phân tầng xã hội hình “kim tự tháp”-một mô hình từ trong bản chất có sự bất bình đẳng vào loại cao. Đồng thời, người nông dân có mức sống vào loại thấp nhất trong các tầng lớp xã hội. Theo cách nhìn nghèo đói từ hệ thống phân tầng xã hội hình “kim tự tháp” cho thấy tầng đáy chiếm hữu và kiểm soát nguồn lực ít nhất trong xã hội. Do vậy tầng này cũng tập trung nghèo đói cao nhất - là nơi chủ yếu chứa đựng tình trạng nghèo đói của toàn xã hội. Như thế, một cách nhìn khác căn bản hơn về nguyên nhân nghèo đói là nằm ở trong bản thân hệ thống phân tầng xã hội hình “kim tự tháp” quy định. Khi đáy tháp còn lớn (tức là tầng lớp nông dân còn đông) thì tình trạng nghèo đói ở đáy tháp còn nhiều. Do vậy, giải pháp căn bản để xóa đói giảm nghèo là phải làm biến đổi mô hình “kim tự tháp” trở thành mô hình “quả trám”. Theo đó, tầng lớp nông dân cũng giảm đi tương ứng để các thành viên của tầng lớp này di động lấp đầy những vị trí ở các tầng lớp bên trên sẽ được mở ra rộng rãi. Sự giảm nghèo như thế mới là căn bản.

 

3.3. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phát triển kinh tế tư nhân

Từ mục 3.2 trên đây (và cả mục 2.4), câu hỏi đặt ra là làm thế nào để xây dựng mô hình xã hội trung lưu? Để trả lời câu hỏi này, cần tìm hiểu ở tầng sâu hơn là phải quy về nền tảng kinh tế mà trên đó xây dựng nên mô hình xã hội trung lưu. Nền tảng kinh tế ở đây, tức là chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp sao cho để tạo ra và mở rộng các vị trí lao động, việc làm ở khu vực dành cho tầng lớp trung lưu. Theo cách diễn đạt của kinh tế học, đó chính là quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp do cơ cấu kinh tế quy định. Tức là, cơ cấu kinh tế như thế nào sẽ quyết định cơ cấu lao động, việc làm như thế ấy. Cơ cấu lao động, việc làm sẽ tạo ra cấu trúc nghề nghiệp tương ứng, và tạo nên hệ thống các tầng lớp xã hội. Sự quy định này được thể hiện khái quát như sau: Cơ cấu kinh tế → cấu trúc nghề nghiệp  tạo nên Hệ thống các tầng lớp xã hội. Ở đây, cấu trúc nghề nghiệp - tầng lớp xã hội thể hiện như là một cấu trúc có hai mặt. Một mặt, nó phản ánh cơ cấu kinh tế tạo ra nghề nghiệp. Mặt khác, nó lại thể hiện các tầng lớp xã hội tương ứng.

 

Như vậy, sự thay đổi cơ cấu kinh tế trong quá trình công nghiệp hóa sẽ quy định chủ yếu sự biến đổi về hệ thống các tầng lớp xã hội. Khi cấu trúc lại nền kinh tế theo hướng công nghiệp sẽ dẫn tới kết quả là giảm tỉ lệ những tầng lớp của xã hội truyền thống và kéo theo sự tăng dần các tầng lớp đặc trưng cho xã hội công nghiệp. Nhưng, cơ cấu kinh tế ở Việt Nam hiện nay chưa thay đổi mạnh để tạo ra và mở rộng các vị trí lao động, việc làm ở khu vực dành cho tầng lớp trung lưu để người nông dân di chuyển đi lên vào những vị trí đó. Nếu không có sự thay đổi ở đường lối chiến lược thuộc về cơ cấu kinh tế, thì tầng lớp nông dân đông đảo hiện nay (kể cả thế hệ tương lai) giảm đi còn chậm chạp. Điều này đòi hỏi phải phát triển ưu tiên/chủ đạo mạnh mẽ kinh tế tư nhân (dựa trên sở hữu tư nhân, bao gồm các thành phầnkinh tế cá thể, tiểu chủ, tư bản tư nhân) thì sẽ tạo ra việc làm, nghề nghiệp mới nhiều hơn, so với việc làm được tạo ra từ kinh tế nhà nước (dựa trên sở hữu nhà nước/công hữu). Từ đây, đến lượt nó đòi hỏi phải chăngnên xem xét lại quan điểm chiến lược coi kinh tế nhà nước đóng vai trò chủ đạo? Phải chăng nên thay đổi quan điểm này bằng chiến lược coi kinh tế tư nhân đóng vai trò chủ đạo? Kinh tế nhà nước chiếm dụng chủ yếu các nguồn lực của quốc gia, nhưng lại tạo ra số lượng của cải không tương xứng - đóng góp được khoảng 1/3 GDP cả nước, làm ăn kém hiệu quả và tạo ra tỉ lệ việc làm ít ỏi (khoảng 10% - Tổng cục Thống kê, 2015:114). Trong khi đó, kinh tế ngoài nhà nước thì không như vậy.

Khuyến nghị trên đây không phải là mới. Điểm mới là ở chỗ nó dựa trên cơ sở tiếp cận xã hội học, và cùng với cách tiếp cận kinh tế học nhằm xem xét hiện thực theo hai phương diện kinh tế và xã hội. Do vậy, cả hai cách tiếp cận này cùng đưa ra cái nhìn căn bản về cấu trúc kinh tế - xã hội. Về khuyến nghị này, cũng đã được nhiều chuyên gia (trong nước và nước ngoài) làm việc ở Việt Nam đưa ra (Vũ Tiến Lộc, 2014; Jim Yong Kim, 2014; Trần Đình Thiên và Bùi Kiến Thành, 2014). Hiện nay, Đảng Cộng sản Việt Nam cũng đang thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 3/6/2017 Hội nghị lần thứ Năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường ở Việt Nam (Đảng Cộng sản Việt Nam, 2017).

 

Phụ Lục 

Tỉ lệ dân số các tầng lớp xã hội ở 6 vùng KT-XH, Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh

Nguồn: Kết quả xử lý số liệu VHLSS 2014

(Ghi chú: Số liệu VHLSS đại diện cho 6 vùng KT-XH, nhưng không đại diện cho cấp tỉnh. Do vậy, mô hình phân tầng xã hội ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh chỉ có tính chất tham khảo)

Tài liệu trích dẫn

Abercrombie, Nicholas. et al. 2006. The Penguin Dictionary of Sociology. Fifth edition. Penguin Books. London.

Bilton, Tony et al.. 1993. Nhập môn xã hội học (bản dịch tiếng Việt từ nguyên bản tiếng Anh, 1987). Nhà xuất bản Khoa học xã hội. Hà Nội.

Blau, Peter M., and Otis Dudley Duncan. 1967. The American Occupational Structure. Weley. New York.

Boudon, Raymond. 1974. Education, Opportunity, and Social Inequality. John Wiley. New York.

Bùi Tất Thắng. 2011. Vấn đề chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong xây dựng nông thôn mới. Tạp chí Xã hội học.Số 4(116):22-30.

Bùi Thế Cường. 2016. Người dân ở vùng Đông Nam Bộ xếp bậc uy tín nghề nghiệp. Tạp chí Xã hội học.Số 1 (133):13-19.

Bùi Thế Cường. 2015. Nông dân trong cấu trúc phân tầng xã hội. Tạp chí Xã hội học.Số 2 (130):20-31.

Bùi Thế Cường. 2015. Nghiên cứu phân tầng xã hội ở Nam Bộ (Nhìn từ đóng góp của Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ). Tp chí Khoa hc xã hi.Số 9+10 (205+206):45-60.

Bùi Thế Cường, Lê Thanh Sang. 2010. Một số vấn đề về cơ cấu xã hội và phân tầng xã hội ở Tây Nam Bộ: Kết quả từ cuộc khảo sát định lượng năm 2008. Tp chí Khoa hc xã hi.Số 3(139):35-47.

Duncan, Otis Dudley. 1968. “Social Stratification and Mobility: Problems in the Measurement of Trend.” Pages 675-719 in Indicators of Social Change, edited by Eleanor B. Sheldon and Wilbert E. Moore. Russell Sage Foundation. New York.

Đảng Cộng sản Việt Nam. 2017.Nghị quyếtsố 10-NQ/TW ngày 3/6/2017 Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

Đảng Cộng sản Việt Nam. 2008.Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 28/1/2008 của BCH Trung ương Đảng.

Đảng Cộng sản Việt Nam. 2001. Văn kiệnĐại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX. Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia. Hà Nội.

Đỗ Nguyên Phương (chủ biên).1994.Về sự phân tầng xã hội ở nước ta trong giai đoạn hiện nay.Đề tài KX-07-05. Hà Nội.

Đỗ Thiên Kính. 2015a. Xu hướng bất bình đẳng về mức sống ở Việt Nam và khu vực nông thôn trong giai đoạn 1992-2012. Tạp chí Nghiên cứu Con người. Số 5 (80), 2015.

Đỗ Thiên Kính. 2015b. Xu hướng biến đổi cấu trúc các tầng lớp xã hội ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trong thời kỳ đổi mới. Tạp chí Khoa học xã hội (TP. Hồ Chí Minh). Số 4 (200), 2015.

Đỗ Thiên Kính.2015c.Bất bình đẳng về diện tích đất đai trong hệ thống phân tầng xã hội ở nông thônhiện nay. Tạp chí Xã hội học.Số 4 (132), 2015:37-44.

Đỗ Thiên Kính.2014.Cản trở đối với tầng lớp nông dân trong hệ thống phân tầng xã hội ở Việt Nam hiện nay. Tạp chí Xã hội học.Số 2(126), 2014:4-14.

Đỗ Thiên Kính. 2013. Khái niệm phân tầng xã hội và cách tiếp cận trong việc đo lường các tầng lớp xã hội. Tạp chí Xã hội học. Số 1, 2013:91-103.

Đỗ Thiên Kính. 2012. Hệ thống phân tầng xã hội ở Việt Nam hiện nay (Qua những cuộc Điều tra Mức sống Hộ gia đình Việt Nam 2002-2004-2006-2008).Nhà xuất bản Khoa học xã hội. Hà Nội.

Đỗ Thiên Kính. 2011a.Báo cáo kết quả nghiên cứu đề tài khoa học cấp Bộ 2009-2010: “Một số vấn đề cơ bản về biến đổi cơ cấu xã hội ở Việt Nam giai đoạn 2011-2020” (Tài liệu lưu trữ tại thư viện Viện Xã hội học, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam)

Đỗ Thiên Kính. 2011b. Cấu trúc xã hội trong cả nước, nông thôn - đô thị và chân dung tầng lớp nông dân Việt Nam. Tạp chí Xã hội học. Số 4 (116), 2011:8~21.

Đỗ Thiên Kính.2003.Phân hóa giàu- nghèo và tác động của yếu tố học vấn đến nâng cao mức sống cho người dân ViệtNam (Qua hai cuộc Điều tra mức sống dân cư Việt Nam năm 1993, 1998). Nhà xuất bảnKhoa học xã hội. Hà Nội.

Đỗ Thiên Kính và các tác giả khác.2001. "Chương II: Bất bình đẳng ":39-52. Trong sách: Mức sống trong thời kỳ bùng nổ kinh tế ở Việt Nam. Nhóm biên tập: Haughton, Dominique; Haughton, Jonathan và Nguyễn Phong). Nhà xuất bản Thống kê.Hà Nội.

Giddens, Anthony. 2001. Sociology - 4th edition. Polity Press. UK.

Giddens, Anthony and Mitchell Duneier. 2000. Introduction to Sociology – 3rd edition. W. W. Norton & Company. New York. London.

Grusky, David B. (ed.). 2001. Social Stratification: Class, Race, and Gender in Sociological Perspective – 2nd edition. Westview Press. The United States of America and the United Kingdom.

Hauser, Robert M., and David L. Featherman. 1977. The Process of Stratification: Trends and Analyses. Academic Press. New York.

Imada, Takatoshi.2000. "Industrialization and the Regime of Social Mobility in Postwar Japan".International Journal of Japanese Sociology. Number 9 September 2000:35-52.

Jim Yong Kim (Chủ tịch Ngân hàng Thế giới). 2014. (Truy cập ngày 05-3-2015) http://www.thesaigontimes.vn/117641/Khu-vuc-tu-nhan-la-chia-khoa-tuong-lai-tang-truong-kinh-te-VN.html

Kerbo, Harold R. 2000. Social Stratification and Inequality: Class Conflict in Historical, Comparative, and Global Perspective – 4th edition. McGraw-Hill. New York.

Kosaka, Kenji (ed.).1994.Social Stratification in Contemporary Japan.Kegan Paul International. London and New York.

Kosaka, Kenji.2004. Tài liệu bài giảng về di động xã hội (tư liệu cá nhân). Kwansei Gakuin University, Japan.

Lenski, Gerhard. 1966. Power and Privilege. McGraw-Hill. New York.

Lê Du Phong và các tác giả khác.2000.Giải quyết vấn đề phân hóa giàu nghèo ở các nước và Việt Nam. Nhà xuất bản Nông nghiệp. Hà Nội.

Lê Ngọc Triết.2003.“Xu hướng biến đổi của cơ cấu xã hội của giai cấp nông dân ở đồng bằng sông Cửu Long”. Tạp chí Cộng Sản. Số 38/2003. Hà Nội.

Lê Thanh Sang và Nguyễn Thị Minh Châu. 2013. Cơ cấu phân tầng xã hội ở Đông Nam Bộ trong tầm nhìn so sánh với Thành phố Hồ Chí Minh và Tây Nam Bộ. Tp chí Khoa hc xã hi. Số 2(174):20-32.

Lê Thanh Sang. 2010. Nghiên cứu phân tầng xã hội: Từ lý thuyết đến đo lường thực nghiệm. Tp chí Khoa hc xã hi. Số 2(138):31-40.

Mai Huy Bích.2010.Một số quan điểm xã hội học phương Tây (phi Marxist) trong việc tiếp cận nghiên cứu phân tầng xã hội trên thế giới(Báo cáochuyên đề, thuộc đề tài cấp Bộ, năm 2010 – tài liệu cá nhân).

Nam Sơn.2009.“Biến đổi cơ cấu xã hội và tác động của nó đến nông dân, nông thôn hiện nay”. Tạp chí Cộng sản. Số 20 (188)/2009. Website: http://www.tapchicongsan.org.vn

Ngân hàng Thế giới. 2012. Báo cáo đánh giá nghèo 2012. Khởi đầu tốt, nhưng chưa phải đã hoàn thành: Thành tựu ấn tượng của Việt Nam trong giảm nghèo và những thách thức mới. Hà Nội.

Nguyễn Đình Tấn.2005.Cơ cấu xã hội và phân tầng xã hội(sách chuyên khảo). Nhà xuất bản Lý luận chính trị. Hà Nội.

Nguyễn Hữu Minh. 2013. Chương II: Phân tầng xã hội.Trong sách do Bùi Quang Dũng (chủ biên), 2013. Xã hội học (Giáo trình sau đại học). Nhà xuất bản Khoa học xã hội. Hà Nội.

Nguyễn Thanh Tuấn.2007.“Về nhóm xã hội trung lưu ở Việt Nam hiện nay”. Tạp chí Cộng sản. Số 2+3 (122+123)/2007. Hà Nội.

Nguyễn Thừa Hỷ. 1978. “Về sự phát triển và cấu trúc đẳng cấp trong các làng xã cổ truyền Việt Nam” (Trong sách: Viện Sử học – Nông thôn Việt Nam trong lịch sử – Tập II.Nhà xuất bản Khoa học xã hội.Hà Nội.

Nguyễn Văn Huyên. 1995. Góp phần nghiên cứu văn hóa Việt Nam (bản dịch sang tiếng Việt) – Tập I.Nhà xuất bản Khoa học xã hội.Hà Nội.

Pakulski, Jan. 2006. “Social stratification”. Trong: Bryan S. Turner (ed.). The Cambridge Dictionary of Sociology. Cambridge University Press. Cambridge.

Parkin, Frank. 1971. Class Inequality and Political Order: Social Stratification in Capitalist and Communist Societies. Praeger. New York.

Parsons, Talcott. 1954. Essays in Sociological Theory. Glencoe. Free Press. IL.

Persell,Caroline Hodges. 1987.Understanding society. An introduction to sociology. Happer & Row, Publishers. New York.

Phạm Ngọc Quang, Đinh Quang Ty.2006.“Góp phần nhận diện cơ cấu xã hội ở nước ta qua 20 năm đổi mới”. Tạp chí Triết học. Website: http://www.vientriethoc.com.vn

Phạm Quang Trung - Cao Văn Biền - Trần Đức Cường.2001.Về thực trạng giai cấp công nhân Việt Nam hiện nay. Nhà xuất bản Khoa học xã hội.Hà Nội.

Phạm Xuân Nam.2010.Một số đặc điểm chủ yếu của cơ cấu xã hội – giai cấp ở nước ta trước và trong thời kỳ đổi mới (Bài viết chuyên đề, thuộc đề tài cấp Bộ, năm 2010 – tài liệu cá nhân).

Phạm Xuân Nam.2008.Báo cáo tổng hợp kết quả nghiên cứu chuyên đề“Xu hướng biến đổi cơ cấu xã hội Việt Nam trong thời kỳ đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa”(tài liệu cá nhân).Hà Nội.

Phạm Xuân Nam.2001.“Mấy nét sơ bộ về sự biến đổi cơ cấu xã hội-giai cấp ở nước ta khi chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. Tạp chí Xã hội học. Số 4 (76)/2001:3-13.Hà Nội.

Rothman, Robert A. 2005. Inequality and Stratification: Race, Class and Gender - 5thedition. Pearson Prentice Hall. United States of America.

Scott, John. and Gordon Marshall. 2009. A Dictionary of Sociology - Third Edition Revised. Oxford University Press. New York.

Thernstrom, Stephan. 1964. Poverty and Progress: Social Mobility in a Nineteeth-Century City. MA: Harvard University Press. Cambridge.

Tổng cục Thống kê.2016.Kết quả Khảo sát Mức sống Dân cư năm 2014. Nhà xuất bảnThống kê.Hà Nội.

Tổng cục Thống kê.2015.Niên giám thống kê 2014 (văn bản điện tử).Nhà xuất bảnThống kê.Hà Nội.

Tổng cục Thống kê.2014.Kết quả Khảo sát Mức sống Dân cư năm 2012. Nhà xuất bảnThống kê.Hà Nội.

Tổng cục Thống kê.2011.Kết quả Khảo sát Mức sống Dân cư năm 2010. Nhà xuất bảnThống kê.Hà Nội.

Tổng cục Thống kê. 2008. Quyết định Về việc ban hành Danh mục Dân tộc, Danh mục Tôn giáo và Danh mục nghề nghiệp áp dụng cho Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009 (Số: 1019/QĐ-TCTK, ngày 12 tháng 11 năm 2008).

Tổng cục Thống kê.2007.Kết quả Khảo sát mức sống hộ gia đình năm 2006. Nhà xuất bảnThống kê.Hà Nội.

Tổng cục Thống kê, 2006.Kết quả Khảo sát mức sống hộ gia đình năm 2004. Nhà xuất bảnThống kê.Hà Nội.

Tổng cục Thống kê.2000.Điều tra Mức sống Dân cư Việt Nam 1997-1998. Nhà xuất bảnThống kê.Hà Nội.

Tương Lai.1995.Khảo sát xã hội học về phân tầng xã hội. Nhà xuất bảnKhoa học xã hội.Hà Nội.

Trần Đình Thiên (Viện trưởng Viện Kinh tế VN) và chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành. 2014. http://www.thanhnien.com.vn/chinh-tri-xa-hoi/tien-si-tran-dinh-thien-vien-truong-vien-kinh-te-vn-doi-moi-da-lam-thay-doi-mot-dan-toc-450445.html (Truy cập ngày 05-3-2015).

Treiman, Donald. 1977. Occupational Prestige in Comparative Perspective. Academic Press. New York.

Treiman, Donald J. 1970. “Industrialization and Social Stratification”.Social Stratification: Research and Theory for the 1970s (Edited by Edward O. Laumann). Bobbs-Merrill Company, Inc.New York.

Trịnh Duy Luân – Bùi Thế Cường.2001.“Vềphân tầng xã hội và công bằng xã hội ở nước ta hiện nay”. Tạp chí Xã hội học. Số 2 (74): 3-11.

Trịnh Duy Luân.1992.“Sự phân tầng xã hội theo mức sống tại thủ đô Hà Nội trong những năm đầu thực hiện đổi mới”. Tạp chí Xã hội học. Số 4:16-28.

Rôdentan M. (chủ biên). 1986. Từ điển triết học. Nhà xuất bảnTiến bộ Mát-xcơ-va (Bản dịch ra tiếng Việt có sửa chữa và bổ sung của Nhà xuất bản Tiến bộ và Nhà xuất bảnSự thật). Mát-xcơ-va.

Văn Tạo.2008.Giai cấp công nhân Việt Nam với nền kinh tế tri thức. Nhà xuất bản Lý luận chính trị. Hà Nội.

Văn Tạo.2002.Sử học và hiện thực (Tập III): Đổi mới tư duy về công nhân và giai cấp công nhân – Kinh tế trí thức và công nhân trí thức. Nhà xuất bảnKhoa học xã hội.Hà Nội.

Viện Chủ nghĩa xã hội khoa học.1992.Cơ cấu xã hội – giai cấp ở nước ta (lý luận và thực tiễn). Nhà xuất bản Thông tin lý luận. Hà Nội.

Vũ Tiến Lộc (Chủ tịch Phòng TM & CN Việt Nam). 2014. (Truy cập ngày 05-3-2015)http://www.thesaigontimes.vn/118226/Hay-quen-GDP-nho-chi-tieu-tao-viec-lam.html

Yasuda, Saburo.1964."A Methodological Inquiry intoSocial Mobility." American Sociological Review. Volume29 Number 1:16-23.

Yasuda, Saburo.1971.SHAKAI IDO NO KENKYU (A Study of Social Mobility).Tokyo University Press.

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114441883

Hôm nay

2283

Hôm qua

2317

Tuần này

21787

Tháng này

217057

Tháng qua

112676

Tất cả

114441883