Những góc nhìn Văn hoá

Để hiểu thêm về văn thơ Phan Bội Châu

   

 Nhà cách mạng, nhà văn Phan Bội Châu (1867-1940)                        

Phan Bội Châu là nhà ái quốc vĩ đại, đồng thời cũng là nhà văn lớn, được người đương thời suy tôn là bậc hay chữ nhất nước Nam. Đã có nhiều công trình tìm hiểu cuộc đời và sự nghiệp của ông nói chung, thơ văn ông nói riêng. Từ góc độ một người nhiều năm nghiên cứu và giảng dạy lịch sử văn hóa Việt Nam & lịch sử văn hóa xứ Nghệ cho sinh viên trên quê hương ông, chúng tôi muốn đề cập một số điểm các bộ giáo trình chưa bàn đến và giới nghiên cứu lâu nay cũng còn ít chú ý:

1. Phan Bội Châu xuất thân trong một gia đình nhà Nho nghèo xứ Nghệ. Vào thời đại Phan Bội Châu, xứ Nghệ là đất học nổi tiếng, đứng đầu cả nước về thành tựu khoa bảng. Từ năm 1807, triều Nguyễn bắt đầu mở khoa thi Hương đến năm 1919 kết thúc thi cử chữ Hán, xứ Nghệ có 823 Cử nhân trong tổng số 5.226 Cử nhân của cả nước (tỷ lệ 15,7%); có 135 Tiến sĩ, Phó bảng trong tổng số 558 Tiến sĩ, Phó bảng của cả nước (tỷ lệ 24%); có 5 Tiến sĩ cập đệ trong tổng số 11 Tiến sĩ cập đệ của cả nước, (tỷ lệ 45%).(1)

Khi nghiên cứu sự nghiệp của Phan Bội Châu, các học giả đã chú ý đến tính cách người xứ Nghệ. Gs Trần Văn Giàu viết: “‘Nghệ Tĩnh là Yên Triệu của Việt Nam”, hồi ấy có người bảo như thế, với hàm ý rằng đất này sản sinh nhiều anh hùng, nhiều bậc kỳ tài về văn cũng như võ, về bầy tôi lương đống các triều đình, cũng như hào kiệt thảo dã ‘dọc ngang nào biết trên đầu có ai’”(8, tr.44). Gs Đặng Thai Mai nhận định: “Nghệ Tĩnh cũng là nơi sản xuất rất nhiều những anh hùng, liệt nữ, danh tướng, lương thần, những nhà Nho khảng khái, và bao nhiêu người anh hùng đã hy sinh anh dũng cho chính nghĩa...” (5, tr 38). Gs Trần Đình Hượu thì cho rằng: “Cái tiêu biểu của người Nghệ Tĩnh là chí khí, nghị lực, gan góc, chịu đựng, ngang tàng không chịu ràng buộc đến thành ngang bướng...” (4, tr.141)

Khi nghiên cứu Nguyễn Du, chúng tôi từng nghĩ: chính cốt cách người xứ Nghệ và nhất là hình ảnh vua Quang Trung - người anh hùng dân tộc vĩ đại có quê gốc xứ Nghệ giúp đại thi hào xây dựng thành công giấc mơ Từ Hải với khí phách của Từ:

                     Chọc trời, quấy nước mặc dầu

                 Dọc ngang nào biết trên đầu có ai.

Khí phách khảng khái, ngang tàng và chí lớn của người xứ Nghệ đã bộc lộ ở Phan từ nhỏ.

Thuở thanh niên 25 tuổi, nhân dẫn học trò lên chơi ngọn núi gần nhà, Phan đã viết bài: Du Đại Huệ sơn, cảm chiếm (Chơi núi Đại Huệ, cảm chiếm): Ngã vị đăng sơn thì/Chúng sơn dữ ngã tề/Ngã ký đăng sơn thì/Ngã thị chúng sơn đê. Chương Thâu dịch thơ: Khi ta lên đỉnh non xa/Non xanh trăm ngọn như ta khác nào!/Khi ta lên đỉnh non cao/Non xanh trăm ngọn, ngọn nào bằng ta! (3, tr.40).

Đi hát Phường vải, khẩu khí của Phan cũng bộc lộ rõ rệt. Chẳng hạn các câu:

                           Hai vai một gánh giang san

                       Làm cho nhi nữ biết gan anh hùng.

 hay:                

                           Tung hoành bể Sở sông Ngô

                         Rồi ra xây dựng cơ đồ một tay.

Nhưng hùng tâm tráng chí của Phan bộc lộ rõ nhất trong thơ văn ông sáng tác trong dịp hăm hở đi tìm bạn đồng chí hoạt động cứu nước:

         Tam sinh điền hải chi tư vị vong tướng bá/Nhất phiến bổ thiên chi lực hựu thị phùng quân. (Bái thạch vi huynh)

Huỳnh Thúc Kháng dịch:

     Quyết lòng lấp biển ba sinh không quên nhờ bác/Gắng sức vá trời một mảnh may lại gặp người (Lạy đá làm anh)

Chí vá trời lấp biển đó còn thể hiện trong bài ca trù Chơi xuân:

                       Khi ngâm nga xáo trộn cổ kim đi

                       Tùa tám cõi ném về trong một túi.

Đặc biệt là giờ phút lên đường thực hiện chí lớn:

                     Nguyện trục trường phong Đông hải khứ,

                    Thiên trùng bạch lãng nhất tề phi.

                                      (Xuất dương lưu biệt)

(Muốn đuổi theo ngọn gió đi qua biển Đông/Bay nhảy với ngàn trùng sóng bạc)

 

2. Có một đặc điểm tính cách Phan Bội Châu còn ít người để ý. Đó là sự nhẹ dạ cả tin. Trước đây nàng Kiều của Nguyễn Du: “...thật dạ tin người/Lễ nhiều, nói ngọt nghe lời dễ xiêu”. Nếu “máu tham” của Kiều là thói thường tình của phụ nữ thì tính “thật dạ, tin người” của nàng lại là bản tính của nhiều người xứ Nghệ tốt bụng chăng?

Từ thật thà tin người đến mất cảnh giác chính trị chỉ cách nhau gang tấc! Có ai ngờ Phan Bội Châu - người có cặp mắt xanh tuyệt vời phát hiện tài năng thơ của Hàn Mặc Tử từ ngày Hàn mới chập chững viết với bút danh Phong Trần; phát hiện tài năng khoa học của Đào Duy Anh ngày chàng thanh niên này mới biên soạn Hán Việt từ điển; phát hiện bậc thánh Nguyễn Ái Quốc khi Người còn lênh đênh chân trời, góc biển; lại có những lúc ngây thơ làm[TD1] thơ ca ngợi Châten Thống sứ Bắc Kỳ. Theo Trần Huy Liệu (1901 - 1969). Phan đã dễ dàng mắc lừa Phạm Tá: “Có điều là trong việc nhận xét người và việc, Cụ tỏ ra dễ dãi quá... Theo Cụ thì hầu hết ai cũng tốt, cũng yêu nước cả. Đến cả bọn Bùi Quang Chiêu ở trong Nam lúc ấy đã phản động ra mặt, Cụ cũng chưa thấy cái xấu xa của nó... Tôi cũng không lạ gì sau này Cụ nghe tên Phạm Tá viết bài ca ngợi thằng Châten, Thống sứ Bắc Kỳ. Tôi hỏi thì Cụ nói: “Tôi có biết gì đâu! Nghe Phạm Tá nói tốt thì tôi cũng tưởng nó tốt thật”” (8,tr.578, 580)                          

 

3. Phan Bội Châu thử ngòi bút của mình hầu như đủ mọi thể loại, sở trường là văn thơ chữ Hán. Tác phẩm chữ Hán đôi lúc được chính ông dịch ra chữ Nôm. Tác phẩm Việt Nam quốc sử khảo được ông dịch ra thơ thành Việt Nam quốc sử bình diễn ca, biến một tác phẩm văn xuôi thành một tác phẩm văn vần trên 4.000 câu thơ song thất lục bát. Tác phẩm Tự phán (tức cuốn Phan Bội Châu niên biểu) theo lời tựa của nhà chí sĩ Minh Viên Huỳnh Thúc Kháng (1876-1947): “Tập này Cụ (Phan Bội Châu - HSH thêm) viết nguyên văn chữ Hán và tự dịch ra Quốc văn, tinh thần Hán văn mười phần thì bản Quốc văn độ được năm phần (vì Cụ không sở trường Quốc văn và không thì giờ mà chữa), song chính ý thì không sai).” (2, tr.12-13). Theo Tạ Quang Đệ, Vương Đình Quang, hai người đã từng làm thư ký cho “ông già bến Ngự” thì Phan có biết chữ Quốc ngữ nhưng viết và xem rất khó khăn. Ông lại không khi nào dùng bút sắt, khi cần ký ông dùng bút lông và ký chữ Hán. Tác phẩm tiếng Việt ông chỉ đọc cho thư ký chép. Do vậy “tinh thần Hán văn mười phần thì bản Quốc văn độ được năm phần” như nhận xét của Huỳnh Thúc Kháng là điều dễ hiểu!

Hầu hết bạn đọc ngày nay thưởng thức thơ văn chữ Hán của Phan Bội Châu qua bản dịch nên không khỏi thiệt thòi! Ngay tác phẩm Xuất dương lưu biệt được đưa vào sách giáo khoa qua bản dịch thơ lưu loát quen thuộc của Tôn Quang Phiệt (1900 - 1973) cũng vậy! Người dịch dẫu rất cố gắng nhưng khó mà chuyển hết ý nguyên tác. Chẳng hạn ngay câu phá đề: Sinh vi nam tử yếu hy kỳ (Đã sinh làm trai thì phải thật khác thường), được dịch thơ: Làm trai phải lạ ở trên đời. Một chữ “lạ” không thể lột hết tinh thần chữ “kỳ” bởi kỳ vừa chỉ những việc lạ vừa chỉ những việc phi thường, kiệt xuất... Hay như hai câu kết: Nguyện trục trường phong Đông hải khứ/Thiên trùng bạch lãng nhất tề phi! (Muốn đuổi theo ngọn gió đi qua biển Đông/Bay nhảy với ngàn trùng sóng bạc!) được dịch thơ: Muốn vượt bể Đông theo cánh gió/Muôn trùng sóng bạc tiễn ra khơi tuy đã tài tình nhưng vẫn không thể chuyển tải hết khí phách của người tráng sĩ muốn “cưỡi cơn gió mạnh, đạp bằng sóng dữ, chém cá tràng kình ở Biển Đông” noi theo gương anh hùng Triệu Thị Trinh xưa!

 

4. Phan Bội Châu là người xuất khẩu thành chương. Ông thường dành rất ít thời gian cho sáng tác và cũng không hề chú ý trau chuốt văn chương của mình. Nhiều tác phẩm được ông viết rất nhanh. Nhà thơ, nhà khảo cứu Quách Tấn (1910 - 1992) đã từng chứng kiến giây phút ông sáng tác bài văn tế để truy điệu các anh hùng liệt sĩ Việt Nam Quốc Dân Đảng. Quách Tấn kể: “Sau khi người thanh niên trình xin, tiên sinh sai lấy giấy bút. Rồi tay chắp sau lưng, đi bách bộ trong phòng, vừa bước vừa đọc cho người thanh niên chép... Không đầy một tiếng đồng hồ là xong bài văn... Văn chương bi tráng, giọng tiên sinh trầm hùng. Nhiều đoạn tiên sinh vừa đọc vừa khóc. Giọng vừa lâm ly vừa khảng khái của tiên sinh hòa cùng tiếng ve mùa Hạ chung quanh vườn, khiến người nghe vừa bi thương vừa phẫn hận, dù cố gắng gượng cũng không thể cầm lòng...” (8, tr.635)

Quách Tấn có nhận xét chính xác: “Thơ văn của tiên sinh khí mạnh lời hùng, thường nặng về tư tưởng, nhẹ về kỹ thuật... Đối với tiên sinh, văn thơ chỉ là một lợi khí để truyền bá tư tưởng” (8, tr 638). Văn là người. Tư tưởng Phan là tư tưởng lớn, là tư tưởng của một “bậc anh hùng, vị thiên sứ, đấng xả thân vì độc lập, được 20 triệu người trong vòng nô lệ tôn sùng” (Nguyễn Ái Quốc); là tư tưởng của một người “hết lòng mong mỏi cho dân cho nước thoát khỏi vòng khổ ải lầm than... Cụ là người thuần khiết trong những người thuần khiết” (Lời Larre - luật sư bào chữa người Pháp tại phiên tòa xử Phan Bội Châu tháng 11/1925). Vì vậy, muốn hiểu đúng thơ văn Phan Bội Châu, người đọc phải biết nâng tầm nhân cách, tư tưởng của mình, chí ít cũng phải biết sống sao cho khỏi hổ thẹn với lương tâm mình!

 

5. Xưa nay nhiều học giả cho rằng giai đoạn từ 1925 - 1940 Phan Bội Châu không còn có đóng góp gì đáng kể. Đây là giai đoạn “Ông già Bến Ngự” bị giam lỏng ở Huế, cách ly với thực tế đấu tranh của dân tộc, thậm chí ông có bước thụt lùi so với tư tưởng trước đó. Chính Phan Bội Châu trong tác phẩm Tự phán cũng cho giai đoạn này là đời bỏ đi, không có gì đáng chép.

Thật ra vào giai đoạn này ông vẫn viết rất nhiều, vẫn tuyên truyền yêu nước không biết mệt mỏi. Ông đã để lại nhiều tác phẩm giá trị như: Nam quốc dân tu tri, Nữ quốc dân tu tri, Tự phán, Khổng học đăng, Thuốc chữa dân nghèo, Thuốc hoàn hồn, Lời hỏi thanh niên, Nhân sinh triết học... cùng non ngàn bài thơ, phú, văn tế, câu đối,... trong đó có những bài đặc sắc như Văn tế Phan Châu Trinh, Bài ca chúc tết thanh niên...

Nhà nghiên cứu Hoàng Kim Đính cho rằng: tác phẩm Khổng học đăng trên một phương diện nào đó đã giải quyết được nhiệm vụ “hướng dẫn mọi người theo con đường tu dưỡng tinh thần, cải tạo bản thân để trở thành những con người có đức, có tài, đáp ứng được yêu cầu và nhiệm vụ xây dựng một xã hội tốt đẹp. Mong muốn và khát vọng đó của Phan Bội Châu cũng chính là suy nghĩ của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi người nói: ‘Những người An Nam chúng ta hãy tự hoàn thiện mình về mặt tinh thần bằng cách đọc các tác phẩm của Khổng Tử’”. (8, tr.427)

 Tiến sĩ Ngữ văn Hoàng Đức Khoa thì xem Phan Bội Châu niên biểu (tức cuốnTự phán) “có một vị trí rất quan trọng trong toàn bộ sự nghiệp văn chương của Phan Bội Châu. Tài năng, trí tuệ, tình cảm, phong cách của nhà văn được thể hiện đầy đủ trong tập tự truyện này... Có thể nói Phan Bội Châu niên biểu không những gây được ấn tượng mạnh mẽ đối với người đọc lúc bấy giờ, mà còn ảnh hưởng đến sắc khí của văn học yêu nước ở giai đoạn sau, từ 1930 trở đi” (8, tr.395)

Mấy ngày trước lúc Phan Bội Châu qua đời, chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng viết bài Văn tế Phan Sào Nam và đọc cho ông Phan nghe trong lễ “sinh vãn” (lễ viếng sống):

        ...Miệng giọng cuốc vạch trời kêu giật một, giữa tầng không mù cuốn mây tan;

       Tay ngòi lông vỗ án múa chầu ba, đầy mặt giấy mưa tuôn sấm nổ.

       Núi cao reo bốn phía dội vang;

      Buồng kín tỉnh ngàn năm giấc ngủ...

Phan còn kịp viết bài Từ giã bạn bè lần cuối cùng phúc đáp. Từ giã bạn bè lần cuối cùngMấy lời vĩnh quyết Phan Bội Châu viết lúc sắp sửa đi vào cõi vĩnh hằng đến nay đọc vẫn xiết bao xúc động!

 

   CHÚ THÍCH

1. Chúng tôi thống kê dựa vào các sách: Các nhà khoa bảng Việt Nam (Nxb Văn học,1993); Những ông Nghè, ông Cống triều Nguyễn (Nxb Văn hóa Thông tin, 1995); Khoa bảng Nghệ An (Nxb Nghệ An,2000);Các nhà khoa bảng Hà Tĩnh (Hội Liên hiệp VHNT Hà Tĩnh, 2004).

 TÀI LIỆU THAM KHẢO CHÍNH

1. Phan Bội Châu - Toàn tập (2000),Nxb Thuận Hóa và Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây.

2. Phan Bội Châu (2000) Tự phán, Nxb Văn hóa Thông tin.

3. Phan Bội Châu(1985):Thơ văn Phan Bội Châu(Chương Thâu biên soạn và giới thiệu, In lần thứ 2, Nxb Văn học).

4. Trần Đình Hượu - Lê Chí Dũng(1988): Văn học Việt Nam giai đoạn giao thời 1900-1930. Nxb Đại học và Giáo dục chuyên nghiệp.

 5. Đặng Thai Mai (1960): Văn thơ Phan Bội Châu,Nxb Văn hóa.

 6. Nhiều tác giả (2001): Phan Bội Châu Về tác gia và tác phẩm, Nxb Giáo dục.

 7. Trần Đăng Suyền - Nguyễn Văn Long (đồng chủ biên) (2007): Giáo trình văn học Việt Nam hiện đại, Tập I (từ đầu thế kỷ XX đến 1945),Nxb Đại học Sư phạm.

 8. Chương Thâu (2007): Phan Bội Châu trong dòng thời đại (Bình luận và hồi ức), Nxb Nghệ An và Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây.                


 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114434919

Hôm nay

2190

Hôm qua

2349

Tuần này

21569

Tháng này

211967

Tháng qua

1114316576

Tất cả

114434919