Những góc nhìn Văn hoá

Dmitry Likhachyov: Quá khứ là kho tàng lớn nhất của văn hóa

Dmitry Sergeyevich Likhachyov (1906-1999) là viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô, giáo sư, nhà ngữ văn xuất sắc, nhà bác học nhân văn lớn của nước Nga thế kỷ XX. Ông được mệnh danh là “lương tâm dân tộc”. Ông là tác giả của hơn 40 cuốn sách về những vấn đề lý luận và lịch sử văn học Nga cổ đại, có đóng góp to lớn vào việc nghiên cứu văn học và nghệ thuật cổ đại Nga.

Tiếng nói nhiệt thành, say mê, đi vào lòng người của ông đã vang đến tận độc giả và thính giả đông đảo nhất. Chính đặc điểm này đã giúp ông khám phá cái đẹp, giá trị tinh thần, sự vĩ đại của những tác phẩm văn học Nga cổ đại. Sau đây chúng tôi xin trân trọng giới thiệu một trong những bài trả lời phỏng vấn cuối cùng của ông bàn về sự hình thành tư duy và ý thức lịch sử cho thanh niên: “Công việc của mỗi con người có văn hóa là rút ra từ quá khứ những cái gì cần thiết cho hiện tại và tương lai: không chỉ gìn giữ kí ức của quá khứ, mà còn tạo nên những dòng thời gian ngược chiều".

Dmitry Sergeyevich Likhachyov (1906-1999)

- Thưa Dmitry Sergeyevich Likhachyov, đôi khi chúng ta thường nghe sinh viên phát biểu rằng: “Điều này đã xưa lắm rồi và tôi không quan tâm... Đó là lịch sử và vì vậy trong đời tôi nó sẽ không có ý nghĩa...”. Ông có thể bình luận gì về những câu nói đó?

Kẻ nào không quan tâm tới lịch sử, quá khứ, kẻ ấy làm nghèo hiện tại, tương lai của mình; trong  ba chiều của thời, quan trọng nhất là hiện tại, hấp dẫn nhất là tương lai, phong phú nhất là quá khứ. Hiện tại liên tục trôi qua, đó là ranh giới mong manh giữa quá khứ và tương lai, nhưng ranh giới này hữu hiệu và sống động. Tương lai liên tục tiến gần, và chúng ta hướng tới nó. Còn quá khứ là kho tàng lớn nhất của văn hoá, vừa sức với mỗi người, những ai muốn làm giàu hiện tại của mình và bảo đảm cho tương lai.

Công việc của mỗi con người có văn hóalà rút ra từ quá khứ những cái gì cần thiết cho hiện tại và tương lai: không chỉ gìn giữ kí ức của quá khứ, mà còn tạo nên "những dòng thời gian ngược chiều".

Kiến thức lịch sử cho phép nhìn nhận theo cách mới, sâu sắc, thú vị những gì trước mắt chúng ta. Nếu như bạn chỉ đơn giản đi bộ trên đường phố và biết được ai đã từng sống trong những ngôi nhà này, những sự kiện nào đã xảy ra trên đường phố này, nó được phản ánh, in dấu ở đâu (trong hội họa, thơ ca, v.v…), thì bạn sẽ thấy thật thú vị, nhẹ nhàng (tôi nhấn mạnh - thậm chí nhẹ nhàng cả về thể xác) khi dạo bước trên đó. Những hồi ức thú vị sẽ biến bất cứ một cuộc đi bộ nào của bạn thành một cuộc dạo chơi, tạo ra trong tâm hồn bạn một kho ấn tượng phong phú, thôi thúc bạn suy nghĩ. Xuất hiện cả một chuỗi hồi ức, liên tưởng, và bạn bước đi như là trong tiếng nhạc, nhẹ nhàng, thoải mái.

Một quá khứ phong phú mà bạn hiểu biết là của riêng của bạn hay của thành phố, làng quê, đất nước bạn, nó làm cho con người trở nên thông thái, uyên thâm. Mà quá khứ thì bao giờ cũng phong phú, nếu như...bạn hiểu biết nó, nếu như bạn biết hiểu nó, và nếu như nó được quan tâm gìn giữ.

- Có hay không mâu thuẫn khách quan trong vấn đề "cha và con", đặc biệt về phương diện lịch sử? Rõ ràng, mâu thuẫn đó có thể chứng minh về một khoảng cách nhất định trong kinh nghiệm của các thế hệ, trong sự tích lũyvà chuyển giao nó cho hậu thế.

- Giữa các thế hệ cha và con bao giờ cũng đã và đang tồn tại một khoảng cách biệt nào đó. Đó là quy luật muôn đời và chúng ta cần có thái độ bình tĩnh đối với nó. Nhưng cần phải giảm bớt sự cách biệt đó từ hai phía. Cả cha lẫn con đều có lỗi...Những người cha nhiều kinh nghiệm hơn, và họ trước hết cần phải biết truyền đạt kinh nghiệm của mình, còn những người con phải chăm chú lắng nghe...

- Nhưng làm thế nào để thanh niên có thể cảm thấy mình là người trực tiếp kế thừa những truyền thống của cha ông mình, tiếp thu trách nhiệm lịch sử về số phận của đất nước, về hiện tại và tương lai của nó?

 - Không thể bắt thanh niên quan tâm tới lịch sử bằng con đường khuyên nhủ, dỗ dành và giáo huấn. Trước hết cần phải làm sao để không một tượng đài quá khứ nào bị bỏ mặc và gây ra cảm giác về sự vô dụng của nó. Còn sau đó cần phải viết về lịch sử như là V. Kluchevsky, S. Solovyov, E. Tarle và các ''ông già" khác đã từng viết. Nhà sử học phải là nghệ sĩ của ngôn từ. Hiện nay những nhà sử học như vậy còn ít, cần phải xuất bản, tái bản những tác phẩm cũ trọn bộ hoặc ít ra là trích đoạn. Nhưng cũng cần phải xuất bản cả những công trình mới, ở một trình độ mới mà khoa học lịch sử của chúng ta đã đạt tới, nhưng độc giả vẫn chưa được tiếp cận.

- Theo ông, bản thân khái niệm "ý thức lịch sử" có hợp lý không?

 - Vâng, khái niệm "ý thức lịch sử" hoàn toàn hợp lý. Một trong những đặc điểm của các khoa học nhân văn hiện đại là tính lịch sử về nguyên tắc của nó. Tính lịch sử cho phép nhận thức về mặt thẩm mỹ nhiều cái mà bằng cách khác bạn không hiểu hoặc thậm chí cảm thấy ngây ngô. Khi chúng ta tiếp cận một tác phẩm nghệ thuật hay đơn giản là tượng đài quá khứ và nắm được những đặc điểm của thời đại đã tạo ra các tác phẩm đó, chúng ta hiểu biết, đánh giá chúng tốt hơn, và kết quả là chúng ta gìn giữ, bảo vệ cho tương lai (gìn giữ quá khứ trước hết là quan tâm tới tương lai). Đồng thời tính lịch sử là sự nhận thức về bản thân trong lịch sử, về chỗ đứng và nhiệm vụ của mình. Nhìn nhận bản thân và lao động của mình trên quan điểm của tương lai là điều rất quan trọng. Đồng thời, hiểu được quá khứ, chúng ta nhận thức được ý nghĩa của tương lai. Cũng như khi hiểu được một cách chính xác cái của người khác, chúng ta bắt đầu đánh giá sâu sắc hơn cái riêng của mình. Trong cái "riêng" xuất hiện những biên giới rộng hơn cả về thời gian lẫn không gian.

Quá khứ và tương lai phải cân xứng. Càng bao quát quá khứ rộng hơn và nhiều thế kỷ hơn, chúng ta càng nhìn xa thấy rộng hơn trong tương lai, càng bước đi một cách vững vàng và chắc chắn hơn trong hiện tại. Mà hiện tại, như tôi đã nói, không phải đứng yên: đó là một điểm động, do chính chúng ta định hướng từ quá khứ mà chúng ta cần phải biết, tới tương lai mà chúng ta cần phải tiên đoán.

- Nhưng có lẽ, ở đây ông muốn nói không chỉ về việc gìn giữ các tượng đài quá khứ, mà trước hết là về sự khám phá các di sản văn hóa, sự tiếp tục và phát triển những truyền thống dân tộc?

-  Không còn nghi ngờ gì nữa! Và trước hết tôi muốn nhấn mạnh vấn đề truyền thống dân tộc. Chúng rất quan trọng. Công tước Vladimir Monomakh (thời nước Nga cổ Kiev) trong "Lời khuyên nhủ các con" sáng suốt của mình đã thán phục sự đa dạng của gương mặt con người. Có biết bao gương mặt con người trên thế gian, nhưng không có hai gương mặt giống hệt nhau. Không chỉ con người cần phải có gương mặt độc đáo của mình, mà các làng mạc, thành phố, đất nước và dân tộc cũng cần phải có gương mặt. Thật kỳ lạ, nhưng chính sự khác biệt xích lại gần nhau. Sự giống nhau, như nhau, sự chuẩn mực làm cho chúng ta thờ ơ, lãnh đạm. Còn sự độc đáo lại vẫy gọi, "chọc tức", lưu tâm, bắt buộc chúng ta thâm nhập vào bản chất, và trong quan hệ con người nó khơi dậy tình yêu. Có thể yêu một gương mặt không đẹp, nhưng không thể yêu một gương mặt rập khuôn-gương mặt sản xuất "hàng loạt", gương mặt manơcanh. Để yêu mến búp bê, đứa trẻ lấy tên mình đặt cho nó, coi nó là "duy nhất" và của mình.

 Vì vậy con người phải tìm hiểu mình, những năng khiếu của mình, và nếu chúng lành mạnh thì cần tìm cách phát triển. Những truyền thống dân tộc cũng cần được nghiên cứu và gìn giữ. Sự độc đáo dân tộc xích các dân tộc gần nhau, chứ không phải chia cắt họ. Chúng ta đến với những dân tộc khác để thấy được cá tính của họ, sự "khác biệt", và trong sự "khác biệt" đó khám phá vẻ đẹp vĩnh cửu.

-Tiếc thay, hiện nay chúng ta nhận thấy nhiều truyền thống tốt đẹp đã bị bỏ rơi. Mọi người không biết hát nữa... Các lễ hội dân gian đánh mất sự hấp dẫn của mình. Ông có thể giải thích điều này không?

- Vâng, mọi người không hát nữa...Hồi tôi còn bé, các gia đình đều hát - hát lúc hoàng hôn xuống, khi họ không làm việc nữa, nhưng còn sớm để thắp đèn và cần phải tiết kiệm dầu hỏa và nến. Người ta hát khi có khách đến nhà. Bây giờ người ta thích nghe nhạc gián tiếp dưới dạng "đồ hộp" (băng ghi âm, đĩa hát) hay qua radio.

Cả ở nông thôn người ta cũng không còn hát nữa. Có một cái gì đấy không ổn trong việc tổ chức những dàn đồng ca dân gian nghiệp dư. Xuất hiện một dàn đồng ca dân gian và hai-ba năm sau nó không còn là dân gian nữa và tiếp nhận các tiết mục biểu diễn từ bên ngoài. Nhưng ngay cả cách hát cũng thay đổi. Đã biến mất bài hát chậm rãi Nga tuyệt vời - một thể loại dân ca rất hay của chúng ta. Tại sao lại như vậy? Nó quá buồn ư? Nhưng phải chăng nỗi buồn đang và sẽ mất? Con người vẫn qua đời, ốm đau, bệnh tật, chia lìa và đau khổ, đôi khi họ buộc phải rời bỏ quê hương thân thuộc, họ không chỉ nhớ lại những năm tháng hạnh phúc, mà cả những năm tháng bất hạnh, u buồn. Trong những cảnh ngộ đó, con người cần đến bài ca buồn để chia sẻ, an ủi  nỗi đau của mình.  Những hát hát lạc quan chỉ hát trong những dịp vui. Vì vậy cần một tập hợp đầy đủ những bài dân ca Nga khác nhau.

- Với tư cách là một con người và công dân hiện nay điều gì khiến ông lo lắng nhất?

- Rất nhiều điều làm tôi lo lắng, ví dụ, một mặt, đó là sự thiếu vắng lòng yêu nước ở một bộ phận thanh niên chúng ta, và mặt khác, là sự thay thế lòng yêu nước bằng chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi. Chủ nghĩa yêu nước kết hợp với  sự quan tâm và tình yêu đối với tất cả các dân tộc là điều kiện bắt buộc của một khối óc và trái tim lành mạnh. Vì rằng đối với con người tình yêu gia đình, làng xóm và thành phố, đất nước và nhân dân mình, cũng như những người hàng xóm, các dân tộc khác và cả quả địa cầu - Tổ quốc lớn của chúng ta- là một lẽ tự nhiên.

(Theo Litrossia.ru)


 

 

 

 

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114443696

Hôm nay

2254

Hôm qua

2333

Tuần này

21509

Tháng này

218870

Tháng qua

112676

Tất cả

114443696