Những góc nhìn Văn hoá

Xã hội học ở Trung Quốc trước 1949 [1]

Xã hội học hiện đại ở Trung Quốc trước 1949 đã từng là một nền xã hội học lớn trong bối cảnh xã hội học thế giới khi ấy. Bài viết giới thiệu sự hình thành và phát triển của xã hội học hiện đại ở Trung Quốc từ ban đầu đến trước khi có sự thay đổi chế độ xã hội năm 1949, về mặt định chế và nghiên cứu. Sau 20 năm hình thành chậm, chủ yếu dịch thuật và giới thiệu xã hội học Âu-Mỹ, sau Cách mạng Tân Hợi 1911 xã hội học ở Trung Quốc phát triển nhanh về định chế, đưa xã hội học vào dạy đại học, mở các khoa xã hội học, thành lập hội nghề nghiệp, ra tạp chí. Đồng thời, xuất hiện hàng loạt công trình nghiên cứu thực nghiệm, dẫn đến nhiều công bố đầy ấn tượng. Hợp tác giữa xã hội học Mỹ và Trung Quốc sớm diễn ra sâu sắc trong đào tạo, nghiên cứu, trao đổi học giả, và xuất bản. 

1. Mở đầu

Tìm hiểu lịch sử xã hội học ở Trung Quốc nửa đầu thế kỷ XX gây ngạc nhiên lớn, ít nhất với tôi. Có lẽ một số nhà xã hội học Việt Nam nghĩ giống tôi, thế kỷ XIX và nửa đầu thế kỷ XX, các nền xã hội học “lớn” (metropolitan sociologies) gồm xã hội học Pháp, Anh, Đức, và Mỹ, một số nước khác cũng phát triển bộ môn này, nhưng xã hội học của họ “nhỏ hơn”, và trong đó không có Trung Quốc.[2] Nhưng tôi đã đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác khi tìm hiểu những chặng đường của xã hội học Trung Quốc.

Một vài tác giả, như Richard P. Madsen hay Ambrose Yeo-Chi King, thường trích dẫn nhận xét của nhà nhân học xã hội Anh Maurice Freedman: “Có thể nói rằng, trước Thế Chiến Hai, ngoài Bắc Mỹ và Tây Âu, thì Trung Quốc là nơi mà xã hội học bừng nở nhất trên thế giới, ít nhất cũng về chất lượng tri thức” (Freedman, 1962:113. Trích lại: Madsen, 1985:1379; King, 1978:39).[3] Đây không phải là điều đáng ngạc nhiên sao.[4]

Bài viết bước đầu giới thiệu sự hình thành và phát triển của xã hội học hiện đại ở Trung Quốc từ ban đầu đến khi thay đổi chế độ xã hội năm 1949, về mặt định chế và nghiên cứu.

Phương pháp sử dụng ở bài viết là phân tích tài liệu đã có. Lượng tài liệu về xã hội học Trung Quốc thời kỳ đó tôi thu thập được còn ít, như bạn đọc thấy trong tài liệu tham khảo. Tác giả bài viết hạn chế lớn khi tìm hiểu chủ đề này. Tôi không biết tiếng Trung, chưa từng có dịp làm việc lâu ở một viện nghiên cứu hay trường đại học ở Trung Quốc. Vì vậy, xin bạn đọc ghi nhớ hạn chế của bài viết.[5]

 

2. Phân kỳ lịch sử

Tựa đề bài viết gợi phân kỳ lịch sử. Vậy xã hội học hiện đại ở Trung Quốc bắt đầu khi nào, trải mấy thời kỳ? Hầu hết tác giả đồng ý, xã hội học hiện đại Trung Quốc khởi đầu từ cuối thế kỷ XIX, nhưng chưa nhất trí về thời điểm cụ thể hơn.

Ming Yan cho rằng xã hội học hiện đại Trung Quốc trải năm giai đoạn: tiếp nhận (1895-1913), định chế hóa (1913-1930), mở rộng (1930-1949), đình chỉ (1949-1979), và tái xây dựng (từ 1979 trở đi).[6] Như vậy, thời kỳ xem xét ở đây (từ đầu đến 1949), theo Ming Yan có ba giai đoạn.

Trình bày lịch sử và đặc điểm xã hội học hiện đại Trung Quốc cho đến 1949, Sun Pen-Wen (Sun Benwen) cũng nói đến ba giai đoạn. Ông viết: “Trước hết, nó chậm chạp trải qua một giai đoạn dịch thuật và diễn giải xã hội học Âu-Mỹ. Tiếp theo, nó trải qua giai đoạn nghiên cứu và khảo sát mới, thoạt đầu do các giáo sư Mỹ thực hiện, sau đó các nhà xã hội học Trung Quốc tiến hành. Cuối cùng, nó đạt tới giai đoạn tổng hợp các lý thuyết xã hội học và ứng dụng các nguyên lý xã hội học vào công tác xã hội và quản lý xã hội. Nhưng xã hội học Trung Quốc cũng mới chỉ ở bước ban đầu của giai đoạn này thôi. Sự phát triển tiếp tục chủ yếu phụ thuộc vào lao động và nỗ lực của các giảng viên và sinh viên xã hội học” (Sun Pen-Wen, 1949:251).[7]

 

4. Thuở đầu trước sau Cách mạng Tân Hợi 1911

Cuối thế kỷ XIX, giới trí thức Trung Quốc bắt đầu biết đến xã hội học thông qua một số bài báo và sách dịch của sinh viên du học về. Theo Li Hanlin và cộng sự, sinh viên du học về tạo nên hai trường phái, “Trường phái phương Tây” những người du học châu Âu và Hoa Kỳ, “Trường phái phương Đông” những người du học Nhật. Họ tạo nên hai kênh dịch thuật và giới thiệu xã hội học song hành nhau (Li Hanlin et al., 1987:613). 

Theo Ming Yan, có thể xem 1895 là thời điểm mở đầu xã hội học Trung Quốc, khi Yan Fu đăng bài “Yuan qiang” (On strength) trên tờ Zhi bao ở thành phố Tianjin số ra ngày 4/3/1895, giới thiệu xã hội học Herbert Spencer (Ming Yan, 1989:4, 28). Là nhà yêu nước và cải cách tâm huyết, Yan Fu trăn trở tìm lời giải cho xã hội Trung Quốc đang cơn khủng hoảng. Ông chủ trương tìm giải pháp ở tư tưởng phương Tây. Sau những trích đoạn dịch, năm 1903 ông hoàn thành và xuất bản toàn bộ tác phẩm “The Study of Sociology” của Spencer. Sinh viên du học Nhật Bản (“Trường phái phương Đông”) đóng góp không nhỏ vào sự nghiệp dịch thuật và giới thiệu xã hội học. Trong chín tác phẩm quan trọng dịch và xuất bản hồi ấy, thì bảy dịch từ tiếng Nhật (Li Hanlin et al., 1987:613-614).   

Một số học giả đẩy thời điểm ra đời xã hội học hiện đại Trung Quốc xa hơn khi nhắc đến sự kiện năm 1891 Kang Youwei đã dạy môn “qun xue” (nghiên cứu các tập thể) ở trường Wanmu Caotang (một loại trường tư kiểu cũ) tỉnh Guangzhou. Kang Youwei cho rằng “Khi dạy một học thuyết hay một sự việc, ta phải lần trở lại lịch sử của nó, nghiên cứu tiến hóa của nó, và đánh giá nó bằng cách so sánh với châu Âu và Mỹ” (Trích theo Li Hanlin et al., 1987:616).[8]

Ngược lại, trong bài viết không xuất bản năm 1986 “Lịch sử xã hội học Trung Quốc”, Chen Dinghong cho rằng xã hội học Trung Quốc khởi đầu năm 1898, khi Yan Fu đăng trích đoạn dịch từ cuốn “The Study of Sociology” của Herbert Spencer trên tờ Guowen ở thành phố Tianjin (Ming Yan, 1989:27-28). Dẫn lại một số tác giả Trung Quốc, Bettina Gransow nói đến thời điểm xa nữa. Bà cho rằng năm 1881/1882 Yan Fu đã nghiên cứu Spencer và ông đã dạy xã hội học từ 1891. Đồng thời, trong thời gian ấy đã xuất hiện những bản dịch xã hội học đầu tiên từ tiếng Nhật (Gransow, 1985:140-141). Để so sánh, dịch xuất bản Spencer bắt đầu xuất hiện ở Nhật trong thập niên 1880 (Pelzel, 1948:59).

Ambrose Yeo-Chi King nêu việc xuất bản năm 1903 bản dịch của Ma Chuan-wu tác phẩm của Spencer “Principles of Sociology” và bản dịch của Wu Chien-Chang công trình của Franklin Henry Giddings “The Principles of Sociology” (King, 1978:37).[9] Theo King, xã hội học xuất hiện ở Trung Quốc là một phần trong phong trào tân học đầy tâm huyết của giới trí thức nổi lên trong những năm cuối triều đại nhà Qing (Thanh).

Yan Fu sử dụng thuật ngữ “Qun xue” (“nghiên cứu các tập thể”, hoặc “quần học”) để dịch thuật ngữ tiếng Anh xã hội học. Tan Sitong là người đầu tiên dùng thuật ngữ “shehui xue” trong cuốn sách “Ren xue” (“Nghiên cứu về từ thiện”). Ming Yan cho rằng “shehui xue” các dịch giả mượn từ tiếng Nhật (Ming Yan, 1989:4). Sun Pen-Wen (1949:247) nhắc đến sự kiện trong tác phẩm dịch một cuốn sách xã hội học Nhật năm 1902, Chang Ping-Ling sử dụng thuật ngữ “khoa học về xã hội” hay “xã hội học”. Trong bản dịch năm 1903 công trình của Spencer “Study of Sociology”, Yan Fu chọn tựa đề tiếng Trung “Qun Xue Yi Yan” (Tri thức về quần học) (Dai Kejing, 1993:91).[10]

Các học giả ý kiến khác nhau về sự kiện đưa môn xã hội học vào đại học trước Cách mạng Tân Hợi 1911. Theo Sun Pen-Wen (1949), trong thập niên 1900, hai đại học đã ghi xã hội học vào chương trình giảng dạy, và môn này lần đầu tiên xuất hiện trong chương trình giảng dạy đại học ở Trường Chính trị quốc gia Peking năm 1906. Nhưng Sun Pen-Wen cho rằng tuy đưa vào thiết kế chương trình giảng dạy ở hai đại học, song không có bằng chứng cho thấy đã thực sự dạy môn xã hội học ở đấy. Theo Dai Kejing (1993:91) và Li Hanlin và cộng sự (1987:613), môn xã hội học đưa vào đầu tiên ở Đại học St. John (Shanghai) năm 1906 do nhà xã hội học Mỹ Arthur Moun phụ trách. Năm 1908, xã hội học xuất hiện trong chương trình giảng dạy của Đại học Nanyang ở Shanghai và của Touetiao Xurtang ở Tianjing. Năm 1910, Đại học Tổng hợp quốc gia Peking dạy môn xã hội học trong một năm cho sinh viên năm thứ ba. Dù thực tế thế nào, ghi chép sử liệu trên cho thấy trước Cách mạng Tân Hợi 1911 giới trí thức đại học đã biết rõ về xã hội học quốc tế đương thời và có ý định (hoặc thực sự đã) đưa xã hội học vào giảng dạy cho giới trẻ. Ta thấy giảng dạy xã hội học ở Trung Quốc không chậm hơn các nước Âu-Mỹ là bao. William Graham Sumner là người đầu tiên ở Mỹ dạy môn xã hội học ở Yale năm 1876 (Koniordos and Kyrtsis, 2014:2). Còn giáo trình xã hội học đầu tiên do Albion Small đưa ra năm 1890 (Calhoun, 2007:20-21).

Kể từ đó, xã hội học ở Trung Quốc phát triển mạnh trên từng thập niên, lần lượt từ đưa vào giảng dạy, đến thành lập các khoa xã hội học, thành lập hội, xuất bản tạp chí, và nghiên cứu thực nghiệm.

Theo Sun Pen-Wen, chỉ trong thập niên 1910, thập niên đầu tiên sau Cách mạng Tân Hợi 1911, có khoảng nửa tá sách về xã hội học. Đây cũng là thập niên nở rộ những phong trào xã hội, trong đó có phong trào tân văn (khoảng năm 1915-1921) mà đỉnh điểm là phong trào Ngũ Tứ 1919 do Tsai Yuan-pei và Hu Shih khởi xướng. Phong trào có công lớn truyền vào Trung Quốc thành tựu triết học, nghệ thuật, công nghệ, khoa học tự nhiên và khoa học xã hội Âu-Mỹ. Giới trí thức quan tâm đến những truyền bá của phong trào này về tư tưởng xã hội, các vấn đề xã hội và xã hội học. Một loạt sách khoa học xã hội Âu-Mỹ dịch và xuất bản. Ambrose Yeo-Chi King đánh giá, “sau khi sinh thành nước Cộng hòa, nhất là thời phong trào tân văn hóa toàn quốc 1919, trong mắt người Trung Quốc, xã hội học là một trong những nét đặc sắc của văn hóa phương Tây và được các cơ sở giáo dục hiện đại thừa nhận và chấp nhận như một phần quan trọng của nền học thuật phương Tây” (King, 1978:37-38).[11]

Các đại học truyền đạo Thiên Chúa đi đầu đưa môn xã hội học vào chương trình đào tạo, thành lập các khoa xã hội học, và dẫn dắt những nghiên cứu thực địa đầu tiên ở Trung Quốc. Tại sao? Một số nhà nghiên cứu cho rằng các đại học Thiên Chúa giáo sớm đưa môn xã hội học vào chương trình để phục vụ mục tiêu tăng cường truyền đạo. Wong Siu-lin viết: “Bởi vì các giá trị và những sắp xếp xã hội Trung Quốc truyền thống gây trở ngại cho nỗ lực [của các thầy truyền đạo] cải người Trung Quốc sang đạo Thiên Chúa, nên họ không ngần ngại chấp nhận nhãn quan xã hội học nhằm mổ xẻ nền văn hóa Trung Hoa ‘một cách khách quan’ để gỡ bỏ nền văn hóa ấy khỏi dân chúng” (Wong Siu-lin, Sociology and Socialism in Contemporary China, Routledge and Kegan Paul, 1979:13. Dẫn theo: Qi Xiaoying, 2016:3).[12]

Đây là luận điểm khá phổ biến, mà tôi chia sẻ một phần. Nhưng theo tôi, cần những giải thích khác nữa. Theo Ritzer, khác với các nhà xã hội học Tây Âu xu hướng bảo thủ, các nhà xã hội học Mỹ ngay từ đầu gắn bó với chủ nghĩa tự do, với giải phóng xã hội. Họ xác tín xã hội học có thể góp phần đắc lực cải biến xã hội (Ritzer, 2011:190-193). Đọc trực tiếp ấn phẩm thời ấy, ta thấy nhiều tác giả gần như không tách biệt hiện đại hóa xã hội và truyền đạo Tin Lành (Chẳng hạn, xem: Gamble, 1921:vii-xvii). Nên giả thuyết của tôi là, giảng viên Mỹ trong các đại học truyền đạo ở Trung Quốc những năm trước sau Cách mạng Tân Hợi 1911, cảm nhận rõ nhu cầu nóng phải thay đổi trong xã hội Trung Quốc đang cơn khủng hoảng, họ tin rằng cũng như ở Mỹ, một nền xã hội học Trung Quốc có thể hỗ trợ hiệu quả cho thay đổi mang tính cách mạng ấy. Vì vậy, các đại học truyền đạo Mỹ ở Trung Quốc đã tích cực truyền bá không chỉ Tin Lành mà cả khoa học xã hội.

 

4. Hình thành định chế: Môn học, khoa, hội và tạp chí

Có sử liệu rõ ràng hơn về giảng dạy xã hội học sau Cách mạng 1911, khi môn xã hội học thực sự dạy ở nhiều đại học danh tiếng. Cao đẳng Shanghai dạy xã hội học từ 1913. Đây là trường của các nhà truyền đạo Mỹ. Đó có lẽ là lý do để Ming Yan phân kỳ lịch sử xã hội học, khi tác giả coi sự kiện bắt đầu giảng dạy môn xã hội học ở Cao đẳng Shanghai năm 1913 là dấu mốc chuyển sang giai đoạn thứ hai, giai đoạn định chế hóa ngành xã hội học. Lúc đầu, môn này đảm nhiệm bởi giảng viên Mỹ từ Đại học Brown.

Năm 1916, Đại học Quốc gia Peking đưa xã hội học vào chương trình, và Kang Poa-Chung (Kang Baozhong) là giảng viên bản địa đầu tiên dạy xã hội học ở đại học. Cao đẳng Tsing-Hua (Qinghua) có môn xã hội học vào năm 1917 giảng viên Mỹ đảm trách. Một làn sóng đại học Trung Quốc theo nhau mở môn xã hội học, thoạt đầu phần lớn do các nhà xã hội học Mỹ sang dạy. Đến 1925, tất cả đại học Thiên Chúa giáo ở Trung Quốc đều có môn xã hội học trong chương trình.

Nếu thập niên 1910 diễn ra làn sóng đưa môn xã hội học vào chương trình đại học, thì thập niên 1920 chứng kiến làn sóng thành lập khoa xã hội học trong đại học Trung Quốc. Hai trường Thiên Chúa giáo, Đại học Huajing của Shanghai và Đại học Yanjing, cùng thành lập khoa xã hội học vào năm 1913.[13] Năm 1921, Đại học Amoy thành lập Khoa Xã hội học và lịch sử. Cùng năm, Đại học Yenching (một trường Thiên Chúa giáo) thành lập Khoa Xã hội học và công tác xã hội, học giả Mỹ đồng tổ chức. Người ta cho rằng Đại học Yenching là trường có chương trình đào tạo xã hội học tốt nhất bấy giờ ở Trung Quốc. Đại học Trung ương Quốc gia (National Central University) thành lập Khoa Xã hội học năm 1927, nhưng dạy xã hội học từ 1920.

Đến 1930, 16 đại học có khoa xã hội học (riêng, hoặc chung với khoa học chính trị, lịch sử hay nhân học). Năm 1948, 21 trên tổng số 49 đại học cả nước có khoa xã hội học (riêng hoặc chung cùng ngành khác), với 140 giảng viên và khoảng 600 sinh viên. Năm 1949, sinh viên lên đến 975 người. Nhiều khoa khác cũng đưa xã hội học vào chương trình như là môn học bắt buộc (Sun Pen-Wen, 1949:248; Dai Kejing, 1993:91).

Li Hanlin và cộng sự (1987:617-618) cho rằng thời kỳ xã hội học Trung Quốc trưởng thành (thập niên 1920-1940) có những biến đổi quan trọng. Thứ nhất, cho đến 1916 đa số giảng viên xã hội học là người nước ngoài (phần lớn người Mỹ). Nhưng sau 1922, giảng viên người Trung Quốc từng bước thay thế, đảm nhiệm vai trò chính. Thứ hai, chuyển từ sử dụng giáo trình nước ngoài sang giáo trình do các nhà xã hội học bản dịa biên soạn, sử dụng dữ liệu Trung Quốc và thảo luận các vấn đề của xã hội Trung Quốc. Thứ ba, chương trình môn học không còn bó hẹp ở nhập môn mà cả các môn lý thuyết, phương pháp, và chuyên ngành. Thứ tư, chính quyền ngày càng quan tâm đến xã hội học.[14] Năm 1938, Bộ Giáo dục quy định xã hội học là môn bắt buộc của sinh viên ngành văn chương, luật, và giáo dục. Năm 1944, Bộ quy định những môn bắt buộc trong các khoa xã hội học.   

Năm 1922, Yu Tianxu, giáo sư Đại học Chuẩn mực quốc gia Peiping (Peiping National Normal University), sáng lập Hội Nghiên cứu xã hội học Trung Quốc, xuất bản “Tạp chí Xã hội học Trung Quốc” hai tháng một số (Chinese Journal of Sociology). Do ít hội viên nên giải tán sau vài năm. Năm 1927, Khoa Xã hội học Đại học Yianjing ra tạp chí “Sociological World” do giáo sư Xu Shilian tổng biên tập. Tạp chí ra được mười số trong giai đoạn từ 1927 đến 1936.

Sun Pen-wen cùng một số học giả ở Nanking và Shanghai lập Hội Xã hội học Đông Nam vào ngày 11/10/1928 (Southeastern Sociological Society), tập hợp các nhà xã hội học làm việc ở các tỉnh Đông Nam Trung Quốc. Năm sau, Hội xuất bản tờ Tạp chí Xã hội học bốn số năm do Sun Pen-wen tổng biên tập. Trong khi đó, ở Peking, Tao Menghe ở Đại học Peking và Xu Shilian ở Đại học Yianjing cũng sáng lập một hội xã hội học. Đến tháng 2/1930, hai hội hợp nhất thành Hội Xã hội học Trung Quốc (All-China Sociological Society) trong một đại hội ở Shanghai, với hơn hai trăm đại biểu và khách mời (Hsu, 1931:283).[15]

Từ khi thành lập đến trước bùng nổ chiến tranh Trung-Nhật 1937, Hội tổ chức sáu hội nghị thường niên ở Nanking, Peking, và Shanghai. Thậm chí trong thời chiến mà năm 1943 Hội cũng tổ chức được cuộc họp lần thứ bảy lần lượt ở Chungking, Kunming, và Chengdu. Vào thời điểm ấy, Hội có 132 hội viên. Chỉ hai năm sau khi kết thúc Thế Chiến Hai, Hội nghị lần thứ tám tổ chức tại Nanking, Peking, Canton, và Chengdu trong cùng ngày 1-2/10/1947. Đến lúc này, Hội có 160 thành viên. Hội nghị thường niên lần thứ chín và là cuối cùng trước Cách mạng 1949 nhóm họp năm 1948 ở Nanjing, Peking, và Chengdu với chủ đề “Xã hội học hai thập niên qua” (Li Hanlin et al., 1987:618-619).[16]

Những sự kiện trên cho thấy sự lớn mạnh và tính chuyên nghiệp của Hội cũng như nỗ lực của các nhà xã hội học Trung Quốc. Ming Yan (1989) đánh giá cao vai trò của Hội trong việc phát triển ngành xã hội học ở Trung Quốc trước 1949. Nhờ có Hội, xã hội học Trung Quốc trở thành thực thể hàn lâm thống nhất và bản sắc riêng. Hội là diễn đàn phổ biến tri thức chuyên ngành đến mọi khoa xã hội học trên cả nước.

Về mặt tạp chí và ấn phẩm, con số gây ngạc nhiên lớn. Tạp chí đầu tiên về nghiên cứu xã hội học mang tên “New Society” xuất hiện năm 1919 (Li Hanlin et al., 1987:616). Tạp chí của Hội Xã hội học vùng Đông Nam ra từ 1929. Đến 1947, cả nước 11 tạp chí khoa học xã hội, bốn trong số đó tiếng Anh, và hai trong số đó chuyên xã hội học. Cũng thời điểm này trên thị trường có tới hơn 1.000 đầu sách về xã hội học và các bộ môn gần. Nhiều công trình của các nhà xã hội học Trung Quốc giới thiệu ở Anh và Hoa Kỳ (King, 1978:38).

 

5. Nghiên cứu thực nghiệm

Song song với dịch thuật và xây dựng định chế, nghiên cứu thực nghiệm sớm xuất hiện. Li Hanlin và cộng sự cho rằng nghiên cứu xã hội học thực nghiệm ở Trung Quốc trước 1949 có ba giai đoạn. Đó là giai đoạn ban đầu 1919-1925, giai đoạn thứ hai 1926-1937 với những công trình đồ sộ, giai đoạn thứ ba 1937-1949 nổi lên với các nghiên cứu cộng đồng (Li Hanlin et al., 1987:622-624).

Theo tôi, giai đoạn đầu mà Li Hanlin và cộng sự đề cập nên đẩy sớm hơn vài năm. Chính là các nhà xã hội học Mỹ đi đầu trong việc dẫn dắt những nghiên cứu thực nghiệm đầu tiên ở Trung Quốc. John Stuart Burgess (1883-1949) là một trong những giảng viên Mỹ đầu tiên ở Đại học Tshing-hua. Ông giới thiệu và cổ vũ nghiên cứu thực nghiệm để làm rõ các vấn đề xã hội của Trung Quốc từ đó kiếm giải pháp hiện đại cho vấn đề. Ông dạy phương pháp định lượng cho sinh viên và cùng họ tiến hành một khảo sát vào năm 1914-1915 về những culi xe kéo (rickshaw coolie) ở Peking. Sử sách ghi nhận đó là khảo sát xã hội học thực nghiệm đầu tiên ở Trung Quốc.[17] Nhiều sinh viên tham gia khảo sát định lượng với các nhà xã hội học Mỹ sau đó du học rồi trở về, tạo nên “phong trào khảo sát xã hội” ở Trung Quốc thập niên 1920-1930 (Candela, 2015:367; Tong Lam, 2011:3).

Năm 1917, C. G. Dittmer dạy ở Cao đẳng Tsing-Hua tiến hành một khảo sát định lượng về thu nhập và chi tiêu của người dân ở vùng ven Peking. Mẫu khảo sát 195 hộ gia đình sống ở hơn mười làng được chọn ngẫu nhiên (Dittmer, 1918).  

Năm 1918-1919, Sidney D. Gamble và John Stuart Burgess làm một nghiên cứu 15 tháng ở Peking, sau đó trình bày kết quả trong cuốn sách “Peking A Social Survey”, Nhà xuất bản George H. Doran cho ra đời năm 1921. Công trình 538 trang, bao quát dải chủ đề rộng từ lịch sử, địa lý, dân số, định chế, đến y tế, giáo dục, tôn giáo, thương mại, giải trí, tệ nạn xã hội, nhà tù (Gamble, 1921). Từ nó, độc giả ngày nay biết được vô vàn sự kiện và số liệu thống kê thực chứng về đời sống xã hội Peking đầu thế kỷ XX.

Daniel Harrison Kulp II năm 1925 xuất bản sách “Country Life in South China: The Sociology of Familism. Volume I. Phenix Village, Kwangtung, China” dựa trên kết quả khảo sát trước đó khi ông dạy ở Shanghai College. Đây là một khảo sát toàn diện làng Phenix ở tỉnh Kwangtung, Nam Trung Quốc. Vào thời ấy, Kulp đã thấu hiểu ý nghĩa quan trọng của hiểu biết sâu về làng Trung Quốc. Ông viết: “nhu cầu về dữ liệu và giải thích về làng chưa bao giờ lớn như hiện nay. Tầm quan trọng chiến lược của làng trong đời sống quốc gia hiện nay đang ngày càng được thừa nhận. Các thầy giáo, nhà truyền đạo, chính trị gia và quan chức Nhà nước đã hiểu được rằng làng là xương sống của Trung Quốc” (Kulp, 1925:vi).[18] Thực tiễn chính trị-xã hội liên quan đến nông dân và kết quả nghiên cứu làng xã suốt thế kỷ XX sau này ở khắp các nước Đông Á và Đông Nam Á đã chứng tỏ nhận xét của Kulp sâu sắc đến mức nào.

Ứng phó với nạn đói lan rộng ở Bắc Trung Quốc năm 1920-1921, hàng loạt ủy ban cứu trợ ra đời. Họ cùng thành lập nên Ủy ban Cứu đói quốc tế Trung Quốc (China International Famine Relief Commission). Tổ chức từ thiện này yêu cầu J. B. Taylor (Đại học Yanjing) và Carroll B. Malone (Đại học Qing Hua) thực hiện một nghiên cứu. Hội đồng gửi yêu cầu đến 22 đại học, cuối cùng chọn được 61 sinh viên từ chín cơ sở đại học tham gia đội khảo sát. Nghiên cứu diễn ra năm 1922, khảo sát 240 làng ở năm tỉnh Chihli, Jiangsu, Shandong, Anhui, và Zhejiang. Báo cáo in lại năm 2012 ở Trung Quốc, in lại năm 2013 ở Mỹ.[19]

Năm 1923, John Lossing Buck (Đại học Nanking) khởi sự khảo sát gia đình nông dân, xuất bản thành sách “Chinese Farm Economy: A Study of 2866 Farms in Seventeen Localities and Seven Provinces in China” năm 1930.[20] Một khảo sát lớn, như tiêu đề cho thấy, bao gồm 2.866 hộ gia đình tại 17 khu vực trong bảy tỉnh Trung Quốc.

Năm 1924, trong khuôn khổ Chương trình hợp tác giữa Đại học Brown và Shanghai, Harold Stephen Bucklin giữ ghế giáo sư xã hội học ở Đại học Shanghai. Ông hướng dẫn sinh viên khảo sát làng Sung-Ka-Hong gần Shanghai.[21]

Năm 1923, Chen Ta chỉ đạo sinh viên Đại học Qinghua thực hiện một khảo sát 147 hộ sống ở làng Chenfu gần Peking và quận Xiuning tỉnh Anhui. Cuộc điều tra được xem là mở đầu cho những khảo sát thực nghiệm do các nhà xã hội học Trung Quốc độc lập tiến hành không có sự tham gia chủ chốt của học giả nước ngoài (Li Hanlin et al., 1987:622). Năm 1924-1925, Li Jinghan làm một nghiên cứu thực nghiệm về hoàn cảnh của culi xe kéo trẻ, chi tiêu của công nhân, và tình hình giá cả.

Giai đoạn thứ hai, theo phân kỳ của Li Hanlin và cộng sự, dài mười năm 1926-1936. Thế hệ đầu tiên đào tạo ở nước ngoài về, khi bắt tay nghiên cứu các vấn đề ở Trung Quốc thập niên 1920-1930, họ ngộ ra hạn chế của các khái niệm khoa học xã hội nước ngoài, thôi thúc họ dấy lên phong trào “làm cho xã hội học trở nên Trung Quốc” (Trung Quốc hóa, sinification) bằng cách phát triển các khái niệm và lý thuyết bản địa, cũng như đẩy mạnh nghiên cứu thực nghiệm (Candela, 2015:369; Sun Pen-Wen, 1949:249-250).

Giai đoạn này có mấy nét đáng chú ý. Thứ nhất, nổi lên phong trào “khảo sát xã hội” rộng lớn đáng ngạc nhiên. Trong thời gian 1927-1933 có 9.000 khảo sát xã hội ở Trung Quốc. Lưu ý, trong vài thập niên đầu thế kỷ XX mà các sử gia gọi là phong trào khảo sát xã hội ở Mỹ chỉ có 3.000 cuộc điều tra xã hội (Tong Lam, 2011:4; Li Hanlin et al., 1987:623).

Thứ hai, xuất hiện một số cơ sở nghiên cứu, ít giảng dạy hơn mà tập trung vào sản xuất tri thức thực nghiệm mới. Năm 1926, Quỹ Giáo dục và văn hóa Trung-Mỹ thành lập Viện Điều tra xã hội ở Peking (Institute of Social Investigation, ISI), ban lãnh đạo gồm Tao Menghe, Chen Ta, và Li Jinghan. Năm 1928, Viện Hàn lâm Trung Quốc (Academia Sinica) thành lập Viện Nghiên cứu xã hội (Institute of Social Research, ISR) ở Shanghai sau chuyển xuống Nanking. Đến 1934, ISI sáp nhập vào ISR. Chen Ta, nhà dân số học hàng đầu Trung Quốc, thành lập Viện Nghiên cứu điều tra dân số quốc gia ở Đại học Tsing-hua năm 1938. Trong thời gian tồn tại của ISI trước khi sáp nhập với ISR, Giám đốc Viện Tao Menghe chỉ đạo thực hiện vài khảo sát về chi tiêu sinh hoạt (cost of living) của công nhân ở Peking và Tien-tsin.[22] Hiện tượng thành lập các đơn vị tập trung vào nghiên cứu cho thấy xã hội học Trung Quốc thời ấy hoàn toàn đồng hành, không chậm hơn xã hội học ở các nước đi trước.

Thứ ba, giai đoạn này xuất hiện những khảo sát xã hội quy mô lớn. Năm 1927, Franklin Lee (Đại học Tsing-Hua) xuất bản công trình “Gia đình nông thôn vùng ven Peking”. Năm 1933, ông công bố sách “Khảo sát xã hội toàn diện Ting-Hsien tỉnh Hopei”. Theo Sun Pen-Wen (1949:249), đây là công trình về nông thôn Trung Quốc đồ sộ chưa từng có. Dựa trên số liệu khảo sát lớn ở Ting-Hsien, cỡ mẫu 5.255 hộ gia đình, 30.642 nhân khẩu, cuốn sách 17 chương, 828 trang, mô tả và phân tích bao quát đời sống nông thôn, như dân số, hôn nhân, giáo dục, sức khỏe, chi tiêu, giải trí, tín ngưỡng, phong tục, nhà ở, thuế, tài chính, công nghiệp, nông nghiệp, thương mại, tín dụng, và cả về nạn đói ở Ting-Hsien. Hai năm sau (1935), tác giả có bài trên tở Chinese Social and Political Review giới thiệu về dự án nghiên cứu này.[23] Năm 1954, sử dụng dữ liệu của dự án nghiên cứu Ting-Hsien, Sidney D. Gamble xuất bản một công trình ở Mỹ.[24]

Năm 1930, Khoa Xã hội học Đại học Yenching thực hiện khảo sát ở thị trấn Ching-Ho gần Peking, dựa trên đó công bố chuyên khảo “Ching-Ho: Một phân tích xã hội học”.[25] Đây là công trình sử dụng phương pháp nghiên cứu cộng đồng, mô tả và phân tích bao quát nhiều mặt, như lịch sử, địa lý, sinh thái, dân số, hôn nhân, gia đình, giáo dục, tôn giáo, sở hữu ruộng đất, tổ chức kinh tế, chính trị.

Từ 1929 đến 1933, trên cương vị Viện trưởng Viện Khoa học xã hội Viện Hàn lâm Trung Quốc (Academia Sinica), Chen Hansheng thực hiện một khảo sát nông thôn lớn ở tỉnh Hebei, Jiangsu và Guangdong. Khảo sát của ông bao gồm vấn đề phân phối ruộng đất, quan hệ giữa tư bản nước ngoài và bộ máy quan liêu. Từ dữ liệu thực nghiệm, Chen Hansheng xuất bản một số sách phân tích trên quan điểm Marxist, nhấn mạnh tính nửa phong kiến nửa thuộc địa của xã hội Trung Quốc và kết luận vấn đề cơ bản ở nông thôn là sở hữu đất (Li Hanlin et al., 1987:623; Porter and Ross, 2003:505).

Năm 1930, Li Jinghan thực hiện công trình nổi tiếng của ông về Dingxian bao quát tới 17 chủ đề của nông thôn. Công trình là một phần hữu cơ của phong trào xây dựng nông thôn ở tỉnh Hebei do Yan Yangchu chủ trì trong khuôn khổ của Hội Khuyến học nhân dân Trung Quốc nhằm thúc đẩy giáo dục cơ bản, chuyển giao tri thức khuyến nông, vệ sinh, và tự quản nông thôn (Li và cộng sự, 1987:623; Porter and Ross, 2003:505). Li Hanlin và cộng sự xem sự kết hợp chặt chẽ giữa cải cách xã hội với xã hội học thực nghiệm là nét đáng chú ý thứ tư của giai đoạn này.

Giai đoạn thứ ba của nghiên cứu xã hội học thực nghiệm, theo phân kỳ Li Hanlin và cộng sự, diễn ra từ 1937 đến 1949 là giai đoạn nghiên cứu cộng đồng. Dựa trên dữ liệu nghiên cứu một làng, năm 1939 Fei Xiaotong xuất bản sách “The Peasant Life in China” mà Bronislaw Malinowsky xem là một dấu ấn của phương pháp điền dã. Du học Anh về, Fei thành lập một đơn vị nghiên cứu chủ trương nghiên cứu cộng đồng một cách hệ thống. Li Hanlin và cộng sự còn đề cập những nghiên cứu điền dã về tộc người thiểu số trên miền núi. Đó là công trình của Lin Yaohua về người Yi (1943), của Wu Zheling và Chen Guoyun về người Miao, của He Xiangfeng về người Xikang, của Xin Yitang (1944) về người Luo, của Yu Xiangwen về các bộ lạc ở Tibet (Li Hanlin et al., 1987:624).

Ngay trong chiến tranh, từ 1943 đến 1945 Vụ Thống kê Bộ Xã hội cũng thực hiện một số khảo sát về nông thôn và công nhân (Sun Pen-Wen, 1949:249).

Ở Viện Nghiên cứu dân số quốc gia, từ năm 1939 Chen Ta điều tra dân số ở Cheng Kong Hsien, sau đó ở Kunmin City, rồi ở ba huyện (hsien) quanh hồ “Tien” thuộc tỉnh Yunnan. Ông sử dụng dữ liệu để viết cuốn “Population in Modern China”.[26] William F. Ogburn từng đánh giá đây là “sự khởi đầu của điều tra dân số hiện đại ở Trung Quốc”.[27] Năm 1947, tờ American Journal of Sociology dành toàn bộ Volume 52 như là một chuyên khảo bổ sung để đăng các bài nghiên cứu của Chen Ta về dân số Trung Quốc.[28]

Theo Ming Yan (1989), trước 1949 đã tồn tại xã hội học Marxist song song với xã hội học “hàn lâm”. Lucie Cheng và Alvin Y. So (1983) cung cấp một tổng quan sơ bộ về lịch sử xã hội học ở Trung Quốc trước 1949, nhìn theo lát cắt hai dòng xã hội học chính, xã hội học hàn lâm phương Tây và xã hội học Marxist, đặt trong bối cảnh chính trị-xã hội.

Khoa Xã hội học Đại học Shanghai thành lập năm 1923 chịu ảnh hưởng mạnh của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ra đời năm 1921). Li Da (Lidazhao) và Qu Qiubai là những nhà lãnh đạo tham gia sáng lập Đảng. Cả hai đều dạy xã hội học ở Peking và Shanghai, nỗ lực truyền bá xã hội học Marxist trong sinh viên đại học (Cheng and So, 1983:474). Năm 1927, Mao Zedong thực hiện công trình “Báo cáo khảo sát phong trào nông dân Hunan”.[29] Công trình của Chen Hansheng đề cập ở mục trên sử dụng quan điểm Marxist. Chen bị sa thải khỏi Viện Hàn lâm khoa học Trung Quốc do hoạt động cộng sản (Porter and Ross, 2003:505). Năm 1935, Li Da công bố ấn phẩm có khuynh hướng Marxist “Một phác họa xã hội học” (Ming Yan, 1989:6). Do bối cảnh chính trị, một số nhà xã hội học Marxist Trung Quốc tìm cách truyền bá và giảng dạy ý tưởng xã hội học Marxist dưới thuật ngữ “xã hội học mới”. Chẳng hạn, công trình của Ma Che-min “Shin she-hue-hsueh” (xã hội học mới) năm 1937 và của Li Ta “Shin she-hue-hsueh Ta-Kang” (Phác họa xã hội học mới) năm 1947 (King, 1978:45).

 

6. Giới thiệu xã hội học thế giới, phát triển lý thuyết và chuẩn hóa thuật ngữ ngành

Ở trên đề cập một số công trình giới thiệu xã hội học thế giới ở Trung Quốc trong thập niên 1900-1910. Ming Yan xếp giai đoạn đầu tiên của lịch sử xã hội học hiện đại ở Trung Quốc mang đặc tính “tiếp nhận”, kéo dài đến 1913. Sun Pen-Wen cũng xác định giai đoạn đầu mang đặc tính “dịch và diễn giải xã hội học Âu-Mỹ”. Thực ra, qua đến thập niên 1920 và sau đó, hướng hoạt động này vẫn tiếp tục mạnh. Sun Pen-Wen (1949:250) liệt kê một loạt bài báo hay sách, dịch hoặc giới thiệu, lý thuyết xã hội học ở nước ngoài vào Trung Quốc. Tác phẩm của Charles A. Ellwood “Sociology and Contemporary Social Problems” dịch ra tiếng Trung năm 1920. Công trình của Emile Durkheim “The Rules of Sociological Method” do Wang Li giới thiệu với công chúng Trung Quốc năm 1925.[30] Năm 1935, Huang Lishuang dịch công trình của Pitirim Sorokin “Contemporary Sociological Theories”. Sun Pen-Wen xuất bản cuốn “Các lý thuyết văn hóa trong xã hội học” năm 1927. Fei Xiaotong dịch “The Theory of Culture” của Bronislaw Malinowski và “Human Types” của Sir Raymond William Firth.[31]

Như đề cập trên cho thấy, thoạt đầu người Trung Quốc dịch và diễn giải các tác phẩm xã hội học của châu Âu, Hoa Kỳ và Nhật Bản. Khởi sự nghiên cứu thực nghiệm trên đất Trung Quốc là các nhà nghiên cứu Âu-Mỹ, cùng với sinh viên bản địa. Từ giữa thập niên 1920, sinh viên xã hội học Trung Quốc du học về hoặc học trong nước bắt đầu độc lập hoặc hợp tác quốc tế (chứ không còn đóng vai trò trợ giúp) triển khai nghiên cứu thực nghiệm. Trải nghiệm khảo sát thực địa thúc đẩy họ tiếp tục phát triển các khái niệm, lý thuyết và phương pháp xã hội học Âu-Mỹ. Đồng thời họ bắt đầu khái quát các dữ liệu thực nghiệm tích lũy ngày càng nhiều. Kết quả, một mặt ra đời những chuyên khảo thực nghiệm mang tính lý thuyết và hệ thống hơn, mặt khác, ra đời những công trình mang tính lý thuyết dựa trên phân tích dữ liệu thực nghiệm và thảo luận các vấn đề xã hội Trung Quốc.

Năm 1928, Shu Yisong công bố ấn phẩm “Các nguyên tắc của xã hội học”. Theo Li Hanlin và cộng sự, cuốn sách đánh dấu thời điểm các nhà xã hội học Trung Quốc không còn đơn giản sao chép xã hội học ngoại nữa mà bắt đầu xây dựng lý thuyết riêng.[32]

Năm 1929, Sun Pen-Wen tập hợp chín nhà xã hội học chủ chốt để ra series 15 cuốn về chùm các chủ đề và xã hội học chuyên ngành như cơ sở văn hóa, tâm lý học xã hội, tổ chức xã hội, biến đổi xã hội, kiểm soát xã hội, xã hội học nông thôn, xã hội học đô thị, lịch sử xã hội học, phương pháp nghiên cứu. Năm 1931, ông tập hợp chúng vào một bộ mang tên “Một phác thảo xã hội học”. Theo Li Hanlin và cộng sự, đây là công trình xã hội học đồ sộ nhất cho đến thời điểm ấy, chứa đựng một loạt chủ đề trong một hệ thống nhất quán, chú trọng thu thập dữ liệu và phân tích các vấn đề xã hội trong nước, được giới khoa học xã hội Trung Quốc đón nhận. Bộ sách khẳng định xã hội học Trung Quốc đã sải bước dài trên con đường dân tộc hóa các lý thuyết xã hội học (Li Hanlin et al., 1987:620). Năm 1935, Sun Pen-Wen xuất bản “Những nguyên lý của xã hội học” mà phần phụ lục là hàng trăm thuật ngữ. Năm 1940, Bộ Giáo dục sử dụng làm giáo trình cho các đại học (Li Hanlin et al., 1987:620-621). 

Năm 1924, Gu Fu xuất bản “Xã hội học nông thôn”, được xem là ấn phẩm đầu tiên về chuyên ngành này. Ông đề cập đến hoàn cảnh nông dân, các vấn đề nông thôn và con đường cải cách. Năm 1929, Wu Jingchao xuất bản “Xã hội học đô thị”, giới thiệu trường phái Chicago và phân tích các vấn đề đô thị Trung Quốc. Năm 1932, C. I. Yin xuất bản cuốn “Các nguyên tắc xã hội học”. Năm 1934, Chen Ta xuất bản “Các vấn đề dân số”. Năm 1946, Li An-Chih có sách giới thiệu về xã hội học tri thức. Sun Pen-Wen cho ra mắt cuốn “Xã hội học ở Trung Quốc đương đại” năm 1948. Bên cạnh sách, nhiều nhà xã hội học Trung Quốc cũng viết hàng loạt bài tạp chí giới thiệu xã hội học thế giới.

Trong dịch thuật và giới thiệu xã hội học thế giới, và rộng hơn trong sự nghiệp phát triển một bộ môn khoa học, có hoạt động quan trọng không thể thiếu là chuẩn hóa hệ thống thuật ngữ. Năm 1929, Sun Pen-Wen lựa 334 thuật ngữ xã hội học để dịch sang tiếng Trung. Sau đó, đến 1935, ông nâng lên 416 thuật ngữ và đưa vào phụ lục sách “Những nguyên tắc của xã hội học”. Cuốn này tái bản có sửa chữa năm 1945. Năm 1938, Văn phòng Quốc gia về thu thập và dịch thuật thành lập một ủy ban chuẩn hóa thuật ngữ xã hội học, bao gồm 25 nhà xã hội học từ nhiều tổ chức đào tạo trên cả nước. Kết quả, Ủy ban cho ra đời năm 1946 một cuốn sách 1.818 thuật ngữ xã hội học (Sun, 1949:250). Độ lớn cuốn sách chuẩn hóa thuật ngữ xã hội học thật đáng kinh ngạc, xét trong bối cảnh thế giới và Trung Quốc khi ấy.

 

7. Tạm kết

Tìm hiểu xã hội học Trung Quốc tự buổi đầu đến giữa thế kỷ XX gợi ngạc nhiên. Người ta thấy xã hội học ở Trung Quốc ra đời không quá chậm bao nhiêu so với Mỹ. Có hợp tác và hỗ trợ mật thiết ngay từ đầu với các nhà xã hội học Mỹ.[33] Xã hội học trải các giai đoạn, trước hết dịch giới thiệu tác phẩm nước ngoài có nền xã hội học đi trước. Tiếp theo, đưa vào chương trình đại học. Từ đó phát triển định chế, thành lập các khoa xã hội học, lập hội, ra tạp chí chuyên ngành. Các trường đại học theo nhau phát triển nhanh xã hội học. Song song là nghiên cứu thực địa, nhiều về số lượng, lớn về quy mô, ấn tượng về chất lượng, và ý nghĩa về tác động xã hội.

Qi Xiaoying (2016) cho rằng giai đoạn đầu xã hội học ở Trung Quốc tiếp nhận xã hội học Âu-Mỹ, nhưng từ thập niên 1930 ngày càng bản địa hóa (Trung Quốc hóa, sinification) do khát vọng vận dụng xã hội học để cải cách xã hội. Sun Pen-Wen, vào thời mình, cũng nói đến khuynh hướng mà ông gọi là tổng hợp các lý thuyết xã hội học diễn ra trong giai đoạn ba của xã hội học ở Trung Quốc (Sun Pen-Wen, 1949:250-251).

Ming Yan cho xã hội học hiện đại ở Trung Quốc trước 1949 có ba đặc điểm: cấy ghép, thực nghiệm, và định hướng cá nhân.[34] Thoạt đầu, gây trồng xã hội học Âu-Mỹ, sau đó “Trung Quốc hóa”. Các đặc điểm ấy thể hiện ở chỗ năm 1947 có 143 giảng viên đại học ngành xã hội học. Trong đó, 12 giảng viên người Mỹ và 71 giảng viên Trung Quốc đào tạo ở nước ngoài về, chiếm 83% tổng số giảng viên xã hội học. Nhìn chung, họ nhấn mạnh vào thực nghiệm, thực chứng, thu thập dữ liệu cấp một từ thực địa. Phần lớn nghiên cứu tiến hành cá nhân (hoặc có sinh viên tham gia), và phần lớn ấn phẩm đứng tên cá nhân (Ming Yan, 1989:6-7). Để tương phản, Ming Yan nêu bốn đặc điểm của xã hội học Trung Quốc sau 1979: tập trung vào Trung Quốc, thực dụng, tính tập thể, và tính mở.[35]

Tìm hiểu tiểu sử ngoạn mục của xã hội học ở Trung Quốc nửa đầu thế kỷ XX gợi mở vài câu trả lời nhưng còn gợi nên nhiều câu hỏi hơn. Vì sao chính là ở Trung Quốc trong bối cảnh cách mạng, chiến tranh, và loạn lạc đến thế suốt nửa đầu thế kỷ XX mà bộ môn xã hội học lại ra đời và phát triển nhanh chóng? Những người liên quan (chính trị gia, quan chức hành chính, trí thức, sinh viên, quản lý đại học và giảng viên người Mỹ) nhận thức thế nào, phối hợp nhau sao, để dẫn đến những nỗ lực dồn dập đến vậy? Nếu không đứt gãy ba mươi năm 1949-1979, phải chăng ta đã sớm được chứng kiến xã hội học Trung Quốc trở thành nền xã hội học lớn trên thế giới (sau Pháp, Anh, Đức, và Mỹ)?[36] Những mối tiếp xúc, hợp tác giữa các nhà xã hội học Mỹ, Nhật, Anh và Nga với các nhà xã hội học Trung Quốc trong thời kỳ này thế nào, dẫn đến những ảnh hưởng và kết quả gì? Tác động qua lại giữa xã hội học và những biến chuyển xã hội to lớn ở Trung Quốc nửa đầu thế kỷ XX: Xã hội học là con đẻ của bối cảnh xã hội như thế nào, và góp phần vào biến đổi xã hội ra sao? Những câu hỏi nghiên cứu trên và nhiều nữa mời gọi quan tâm nơi các nhà xã hội học, Trung Quốc học và sử học ở Việt Nam.

 

 

Tài liệu tham khảo

  1. Bian, Yanjie and Lei Zhang. 2008. Sociology in China. Contexts, Vol. 7, No. 3 (Summer 2008): 20-25.  
  2. Calhoun, Craig (ed.). 2007. Sociology in America: A History. University of Chicago Press.
  3. Candela, Anna Maria. 2015. Sociology in Times of Crisis: Chen Da, National Salvation and the Indigenization of Knowledge. Journal of World-Systems Research, Vol. #21, No. 2: 362-386. ISSN: 1076-156X.
  4. Cheng, Lucie and Alvin So. 1983. The Reestablishment of Sociology in the PRC: Toward the Sinification of Marxian Sociology. Annual Review of Sociology, Vol. 9: 471-498.
  5. Chiang Yung-chen. 2001. Social Engineering and the Social Sciences in China, 1919-1949. Cambridge University Press.
  6. Dai Kejing. 1993. The Vicissitudes of Sociology in China. (The Roundtable: Chinese Sociology and Sinicisation). International Sociology, Vol. 8, No. 1 (March 1993): 91-99.
  7. Dittmer, C. G. 1918. An Estimate of the Chinese Standard of Living. The Quarterly Journal of Economics, Vol. 33, Issue 1: 107-128.
  8. Dore, Ronald P. 1962. Sociology in Japan. The British Journal of Sociology, Vol. 13, No. 2 (June 1962): 116-123.
  9. Freedman, Maurice. 1962. Sociology in and of China. The British Journal of Sociology, Vol. 13, No. 2 (June, 1962): 106-116.
  10. Gamble, Sidney D. 1921. Peking: A Social Survey. New York: George H. Doran Company.
  11. Gransow, Bettina. 1985. Soziologie in China oder chinesische Soziologie? Einige Bemerkungen zum gegenwaertigen Entwicklungsstand der Soziologie in der VR China. Zeitschrift fuer Soziologie, Jg. 14, Heft 2 (April 1985): 140-151.
  12. Guo, Yuhua and Shen Yuan. 2010. A New Agenda for the Sociology of Transformation in China. Trong: Patel, Sujata (editor). 2010. The International Sociological Association Handbook of Diverse Sociological Traditions. Sage. 305-312.
  13. Hsu, Shih-lien Leonard. 1931. The Sociological Movement in China. Pacific Affairs, Vol. 4, No. 4 (April 1931): 283-307.
  14. Jiefangjun Bao. 1968. Notes on Mao Tse-Tung’s “Report on An Investigation of the Peasant Movement in Hunan”. Peking: Foreign Languages Press.
  15. King, Ambrose Yeo-Chi and Wang Tse-Sang. 1978. The Development and Death of Chinese Academic Sociology: A Chapter in the Sociology of Sociology. Modern Asian Studies, Vol. 12, No. 1: 37-58.
  16. Koniordos, Sokratis and Alexanderos-Andreas Kyrtsis (editors). 2014. Routledge Handbook of European Sociology. Routledge.
  17. Kulp II, Daniel Harrison. 1925. Country Life in South China: The Sociology of Familism. Volume I. Phenix Village, Kwangtung, China. New York City: Bureau of Publications, Teachers College, Columbia University.

https://babel.hathitrust.org/cgi/pt?id=inu.30000041702139;view=1up;seq=9.

  1. Lê Minh Tiến. 2012. Các giai đoạn phát triển của xã hội học tại Trung Quốc. Tạp chí Xã hội học. Số 1(117):124-130. Hà Nội: Viện Xã hội học.
  2. Li Hanlin, Fang Ming, Wang Ying, Sun Bingyao, Qi Wang. 1987. Chinese Sociology, 1898-1986. Social Forces, Vol. 65, No. 3: 612-640.
  3. Li, Peilin. 2017. “Chinese School” of Sociology in the First Half of the Twentieth Century. In: Li, Peilin. 2017. Social Transformation and Chinese Experience. Routledge and China Social Sciences Press.
  4. Madsen, Richard P. 1985. Social Science in China. Science, Vol. 229, (27 September 1985): 1378-1379.
  5. Ming Yan. 2014. Sociology in China: Its Past, Present, and Future. Chinese Sociology & Anthropology, Vol. 22, No. 1: 3-29.
  6. Nguyễn Hải Hoành. 2018. Văn học đương đại Trung Quốc là “rác rưởi”? Nghiên cứu quốc tế. nghiencuuquocte.net. http://nghiencuuquocte.org/2018/12/03/van-hoc-duong-dai-trung-quoc-la-rac-ruoi/#more-27915
  7. O’Hara, Albert. 1979. A Report on the Development of Sociology in China Since Its Political Division. Journal of History of Behavioral Sciences: Vol. 15 (1979): 340-345.
  8. Patel, Sujata (editor). 2010. The International Sociological Association Handbook of Diverse Sociological Traditions. Sage.
  9. Pelzel, C. John. 1948. Japanese Ethnological and Sociological Research. American Anthropologist. Vol. 50. Issue 1. 54-72.
  10. Porter, Theodore M. and Dorothy Ross. 2003. The Cambridge History of Science: Volume 7, The Modern Social Sciences. Cambridge University Press.
  11. Qi, Xiaoying. 2016. Sociology in China, Sociology of China: Editor’s Introduction. Journal of Sociology, Vol. 52(1): 3-8.
  12. Ritzer, George. 2011. Sociological Theory. Eighth edition. McGraw-Hill.
  13. Skinner, G. William. 1951. The New Sociology in China. The Far Eastern Quarterly, Vol. 10, No. 4 (August 1951): 365-371.
  14. So, Alvin Y. 2017. Chapter 5. Sociology in East Asia. Trong: Korgen, Kathleen (ed.). 2017. The Cambridge Handbook of Sociology. Cambridge University Press. Pp. 50-62.  
  15. Sun, Pen-Wen. 1949. Sociology in China. Social Forces, Vol. 27, No. 3 (March 1949): 247-251.
  16. The Gale Group Inc. 2001. Encyclopedia of Sociology. Entry “Japanese Sociology. https://www.encyclopedia.com/social-sciences/encyclopedias-almanacs-transcripts-and-maps/japanese-sociology
  17. Titarenko, Larissa and Elena Zdravomyslova. 2017. Sociology in Russia: A Brief History. Palgrave Macmillan.
  18. Tong Lam. 2011. A Passion for Facts: Social Surveys and the Construction of the Chinese Nation-State, 1900-1949. University of California Press. 
  19. Trần Lê Sáng. 1989. Tìm hiểu về xã hội học ở Trung Quốc. Tạp chí Xã hội học. Số 2/1989: 113-116.
  20. U.S. Bureau of the Census. 1958. The Population and Manpower of China: An Annotated Bibliography. International Population Statistics Reports. Series P-90. No. 8. Washington D.C.: U.S. Government Printing Office. 
  21. Wong, Siu-lun. 1979. Sociology and Socialism in Contemporary China. Routledge &Kegan Paul.
  22. Wu, Xiaogang. 2012. Editor’s Introduction. Chinese Sociological Review, Vol. 44, No. 3 (Spring 2012): 3-5.
  23. Wu, Xiaogang. 2015. Towards a Professional Sociology on China. Chinese Journal of Sociology, Vol. 1(1): 6-14.
  24. Zheng Hang-sheng. 2018. Epilogue Chinese Sociology into the 21st Century: Conclusion and Prospect. From: Zheng Hang-sheng. A History of Chinese Sociology (Newly-compiled). Truy cập 26/6/2018.

http://csen.cssn.cn/Sociology_in_China/Sociology_in_China_History/

 


[1] Bài đăng trên Tạp chí Xã hội học, số 3(143)/2018, trang 129-144 (Hà Nội: Viện Xã hội học). Phiên bản 14Jan19 này có một số bổ sung và sửa chữa.

[2] Khi viết và xuất bản bài này tôi không biết năm 2012 Lê Minh Tiến đã có bài trên Tạp chí Xã hội học giới thiệu về các giai đoạn phát triển của xã hội học tại Trung Quốc (Lê Minh Tiến, 2012). Nhưng tìm thêm tôi cũng phát hiện ra còn bài của Trần Lê Sáng, 1989.

[3] “It could be argued that before the Second World War, outside north America and western Europe, China was the seat of the most flourishing sociology in the world, at least in respect of its intellectual quality” (Freedman, 1962:113. Trích lại: Madsen, 1985:1379; King, 1978:39).

[4] Một nhận xét tương tự về văn học Trung Quốc hiện đại trước 1949. Nhà Trung Quốc học người Đức Wolfgang Kubin cho rằng, văn học Trung Quốc trước 1949 có thể sánh với văn học Pháp, Ý, Tây Ban Nha…, có một số nhà văn lớn và nhiều tác phẩm thượng hạng (Dẫn theo Nguyễn Hải Hoành, 2018).

[5] Xin ghi nhận ở đây giúp đỡ quý báu của TS. Stella R. Quah (National University of Singapore) và TS. Jack Barbalet (Australian Catholic University) đã gửi tài liệu cho tôi.

[6] “The history of Chinese sociology can be divided into five stages: adoption (1895-1913), institutionalization (1913-1930), expansion (1930-1949), suspension (1949-1979), and reconstruction (1979-)” (Ming Yan, 1989: 3). Bài viết Ming Yan năm 1989, nay gần trọn 30 năm, đủ phân kỳ vài giai đoạn. Có thể đã có nhiều tài liệu mới hơn đề cập việc này. Trong chừng mực tôi biết, 20 năm sau bài viết Ming Yan nói trên, Guo Yuhua và Shen Yuan (2010:305) phân giai đoạn sau 1979 thành hai thời kỳ: “Từ khi được phục hồi ở thập niên 1980, xã hội học Trung Quốc trải hai thời kỳ phát triển quan trọng. Từ thập niên 1980 đến đầu thập niên 1990, các nhà xã hội học Trung Quốc bận rộn với những vấn đề xã hội thực tế đương thời. Chủ đề khảo sát xã hội học phổ biến nhất là hiện đại hóa, gia đình và hôn nhân, doanh nghiệp hương trấn, lao động di cư, và quan hệ đô thị-nông thôn. Trong khi nỗ lực với hiện thực xã hội, xã hội học Trung Quốc lại thiếu hụt về lý thuyết và chuẩn mực học thuật. Trong thời kỳ này, ảnh hưởng quốc tế đáng kể nhất đến xã hội học Trung Quốc là xã hội học Mỹ. Từ thập niên 1990, đã có tiến bộ đầy ấn tượng về trao đổi quốc tế, phổ biến tri thức lý thuyết, và hình thành chuẩn mực nghề nghiệp trong nghiên cứu xã hội học” (“Since the rehabilitation of Chinese sociology in the 1980s, the discipline has gone through two important stages of development. From the 1980s to the early 1990s, Chinese sociologists were preoccupied with practical social problems of the day. The most popular topics for sociolgical investigation included modernization, family and marriage, township and village enterprises, labor migration and rural-urban relations. Notwithstanding the energetic engagement with social reality, Chinese sociology suffered from a poverty of theoretical resources and a lack of scholarly norms. During this period, the most significant international influence on Chinese sociology was American sociology. Since the 1990s, there has been impressive progress in terms of international exchanges, dissemination of theoretical ideas and establishment of professional norms for sociological research”) (Yuhua and Yuan, 2010:305).   

[7] “At first, it proceeded very slowly through a stage of translation and interpretation of European and American sociology. Next, it passed through a stage of original research and investigation, first led by American professors, later followed by Chinese sociologists. Finally, it reached a stage of synthetic formulation of sociological theories and the application of sociological principles to the field of social work and social administration. But it is still in the beginning of this stage. Its further development depends mainly upon the work and effort of college professors and students of sociology” (Sun Pen-Wen, 1949:251). Bài báo Sun Pen-Wen xuất bản ở Mỹ tháng 3/1949, có lẽ ông viết xong và gửi đăng từ cuối 1948. Trong khi đó, tháng 1/1949 Đảng Cộng sản Trung Quốc đã chiếm được Peking và ngày 1/10/1949 tuyên bố thành lập Nhà nước mới. Khi nói giai đoạn thứ ba mới chỉ đang bắt đầu, trông đợi vào nỗ lực của giảng viên và sinh viên thúc đẩy xã hội học nước nhà tiếp tục phát triển, ông không ngờ chỉ ngay sau đó, xã hội học ở Trung Quốc bước vào giai đoạn thứ tư, Ming Yan gọi là thời “đình chỉ”(suspension).

[8] “In teaching a doctrine or a thing, we must trace its history, study its evolution, and evaluate it by comparison it with Europe and America” (Trích theo Li Hanlin et al., 1987:616).

[9] Giáo trình Giddings do Mcmillan Company xuất bản lần đầu 1896. Cho đến 1914 tái bản 14 lần. Tên đầy đủ “The Principles of Sociology: An Analysis of the Phenomena of Association and of Social Organization”. Như vậy, các học giả Trung Quốc đã chọn đúng giáo trình đang nổi tiếng ở Mỹ, và dịch xuất bản không chậm là bao so với lần xuất hiện đầu tiên.

[10] Theo Tong Lam (2011:8-9), thập niên đầu thế kỷ XX ngày càng nhiều quan chức và sinh viên Trung Quốc du học Nhật, nên “shehui” (xã hội) dần thay thế “qun” trong chuẩn hóa dịch thuật ngữ “xã hội” từ ngôn ngữ Âu-Mỹ. Nhưng tác giả nói thêm, sử dụng “shehui” còn giúp học giả Trung Quốc dựng nên một khung khổ diễn ngôn gắn với những khái niệm khác như dân tộc, chủ quyền nhân dân, hiến pháp luận, vốn phổ biến trong thời đại Meiji (Minh Trị). Dịch thuật ngữ “xã hội” của Âu-Mỹ bằng từ “shehui” ở Nhật xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1876 (Pelzel, 1948:58). 

[11] “following the birth of the Republic, especially during the nation-wide New Cultural Movement of 1919, sociology became in Chinese eyes one of the salient features of Western culture and was recognized and accepted as a part of important Western scholarship by modern educational institutions” (King, 1978:37-38).

[12] “Since Chinese traditional values and social arrangements were major obstacles to [the missionary teacher’s] attempt to convert the Chinese to Christianity, they had no hesitation in adopting the sociological perspective to dissect Chinese culture “objectively” in order to loosen its hold on the population” (Wong Siu-lin, 1979:13. Dẫn theo: Qi Xiaoying, 2016:3).

[13] Ở Mỹ, Khoa mang tên xã hội học đầu tiên xuất hiện ở Đại học Kansas năm 1889 (Ritzer, 2011:189). Khoa xã hội học đầu tiên ở Nhật thành lập năm 1893 ở Đại học Đế quốc Tokyo, nay là Đại học Tokyo (So, 2017:56). Vậy có vẻ Trung Quốc chỉ chậm hơn Mỹ và Nhật khoảng một thế hệ thôi. Các tác giả nêu chi tiết khá khác nhau. Ambrose Yeu-Chi King cho rằng khoa xã hội học đầu tiên ra đời năm 1914 ở Đại học St. John ở Shanghai (King, 1978:38).

[14] Thực ra, quan hệ chính quyền và xã hội học không suôn sẻ mà thăng trầm. Cho đến giữa thập niên 1920, chính quyền liệt một số ấn phẩm và tạp chí xã hội học vào loại cấp tiến. Nhiều người xem “xã hội học” đồng nghĩa với “chủ nghĩa xã hội”, nhà xã hội học nghĩa là nhà tư tưởng cấp tiến. Một số nhà xã hội học bị bắt hoặc bị đe dọa bắt (Hsu, 1931:289).

Tương tự là tình hình ở Nhật cùng thời (The Gale Group Inc., 2001). “Hai hiện tượng đặc biệt cản trở sự phát triển của xã hội học Nhật trước Thế Chiến Hai. Một, xã hội học Nhật tập trung vào xã hội học Âu châu hơn là vào nghiên cứu chính xã hội mình. Hai, quan chức chính phủ và các học giả ủng hộ chủ nghĩa quân phiệt quốc gia tô vẽ cho công luận một hình ảnh méo mó rằng, xã hội học và các nhà xã hội học liên quan đến chủ nghĩa xã hội, lợi dụng tiếng Nhật hai từ na ná nhau (xã hội học shakaigaku, chủ nghĩa xã hội shakaishugi). Nhiều người tưởng rằng, xã hội học nghiên cứu chủ nghĩa xã hội hoặc cách mạng xã hội, rằng các nhà xã hội học là các phần tử xã hội chủ nghĩa, đe dọa ác độc đến an ninh quốc gia”, The Gale Group Inc., 2001. (“Two phenomena in particular worked against the development of Japanese sociology prior to World War II. First, Japanese sociology focused on European sociology rather than on studies of its own society. The second phenomenon, bolstered by government officials and scholars inclined toward nationalistic militarism, involved a distorted public image: that sociology and sociologists were associated with socialism because of the two words' similarity in the Japanese language ("sociology," shakaigaku; "socialism," shakaishugi). Many thought that sociology was the study of socialism or social revolution and that sociologists were socialists and, therefore, a sinister threat to national security”, The Gale Group Inc., 2001). Tuy vậy, thực tế có thể đa diện hơn bức tranh nêu trên (Pelzel, 1948).

Quan hệ giữa chính quyền Tsar Hoàng và xã hội học ở Nga từ sau Cách mạng 1848 ở Tây Âu cho đến cuối thập niên 1900 cũng tương tự (Titarenko, Larissa and Elena Zdravomyslova, 2017:16-20, 28).

Tuy vậy, nhìn chung quan hệ giữa chính quyền và xã hội học ở Trung Quốc từng bước cải thiện trong thập niên 1930-1940. Song le, một số nhà xã hội học “hàn lâm” hàng đầu ở Trung Quốc bấy giờ vẫn bất mãn với nhiều chính sách của nhà cầm quyền, mà họ cho rằng quá thiên hữu chứ không vì dân. Điều đó góp phần giải thích vì sao một số nhà xã hội học chủ chốt ở Trung Quốc vào thời điểm 1949 đã chọn ở lại lục địa, không theo chính quyền Quốc dân đảng ra Taiwan. 

[15] Hội Xã hội học Mỹ (American Sociological Society) thành lập trước đó 25 năm, 1905 (Ritzer, 2011:199). Hội Xã hội học Đức (Deutsche Gesellschaft fuer Soziologie) thành lập năm 1909 (https://www.soziologie.de/dgs/). Hội Xã hội học Nhật (Japan Sociological Society, JSS) ra đời năm 1914 (So, 2017:56). Hội Xã hội học Nga thành lập năm 1916, trước Trung Quốc gần 15 năm (Titarenko and Zdravomyslova, 2017:22). Còn Hội Xã hội học quốc gia ở Finland thành lập năm 1940, ở Norway năm 1949, ở Thụy Điển thì tận 1961 (Koniordos and Kyrtsis. 2014:308).

[16] Hội tái hoạt động ở Taiwan năm 1951. Năm 1979, Hội có 250 thành viên (O’Hara, 1979:344).

[17] Trong cuốn sách tham gia với Gamble, thì Burgess và Gamble còn nói đến một khảo sát thực nghiệm nữa về thợ phường hội (Gamble, 1921:xiv).

[18] “But the need for facts and interpretations on village life was never greater. To-day the strategic importance of the village in national life is coming to be recognized. Educators, missionaires, politicians ans statesmen realized that the village is the backbone of China” (Kulp, 1925:vi). 

[19] Carrol B. Malone and J. B. Taylor. 2012. The Study of Rural Chinese Economy. Peking: China International Famine Relief Commission. Carrol B. Malone and J. B. Taylor. 2013. “Study of Rural Chinese Economy”. Chinese Social and Political Review. VII-4: 88-102; VIII-1: 196-227; VIII-2: 230-263.

[20] John Lossing Buck. 1930. Chinese Farm Economy: A Study of 2866 Farms in Seventeen Localities and Seven Provinces in China. University of Nanking. https://www.amazon.com/Chinese-Farm-Economy-Seventeen-Localities/dp/B001LNQA7W

[21] Harold S. Bucklin. 1924. Sung-Ka-Hong A Social Survey. Shanghai College. (Dẫn theo Sun Pen-Wen, 1949).

[22] Tao Menghe. 1926. Livelihood in Peking: An Analysis of the Budgets of Sixty Families. Shanghai Commercial Press. (Dẫn theo Sun Pen-Wen, 1949).

[23] Lee, Franklin C. H. 1935. “An Analysing of Chinese Rural Population”. Chinese Social and Political Review. Vol. 19. No. 1. March 1935. 22-44 (Dẫn theo U.S. Bureau of the Census, 1958:98).

[24] Gamble, Sidney D. 1954. Ting-Hsien. New York: Institute of Pacific Relations (Dẫn theo U.S. Bureau of the Census, 1958:97).

[25] Young, Cato, Leonard Hsu, John Stuart Burgess, and et al. 1930. Ching-Ho: A Sociological Analysis. Peiping: Yenching University (Dẫn theo U.S. Bureau of the Census, 1958:98).

[26]Chen Ta. 1946. Population in Modern China. University of Chicago Press.

[27 ]“the beginning of modern census-taking in China”, dẫn theo Wu Xiaogang, 2012:3.

[28] https://www.journals.uchicago.edu/doi/abs/10.1086/219906.

[29]  Về một tuyên truyền cho công trình của Chủ tịch Mao Zedong, xin xem: Jiefangjun Bao, 1968.

[30] Công trình này ở Việt Nam mãi đến giữa thập niên 1990 mới dịch xuất bản lần đầu. Đinh Hồng Phúc dịch lại và Nhà xuất bản Tri thức cho ra mắt năm 2012 “Các quy tắc của phương pháp xã hội học”. Nhìn chung, dịch giới thiệu xã hội học kinh điển ở Việt Nam rất nghèo nàn, ngoại trừ tác phẩm của Marx, Engels và Lenin.

[31] Sun Pen-Wen liệt kê tới hơn 40 tác giả Âu-Mỹ được dịch ra tiếng Trung (Sun Pen-Wen, 1949:247-248).

[32] “This book marked a beginning from which Chinese sociologists stopped copying blindly from foreign sociology and started to construct their own theories” (Li Hanlin et al., 1987:620).

[33] Một số thanh niên Trung Quốc cũng du học ở Anh như Fei Xiaotong (1910-2005). Ngay sau khi có chính sách cải cách mở cửa của Deng Xiaoping 1978, một lần nữa lập tức có sự giao lưu mạnh mẽ giữa xã hội học Trung Quốc và Mỹ (Ming Yan, 1989:9; Guo Yuhua and Shen Yuan, 2010: 305).

[34] “Three main features can be identified in the development of sociology in China up to 1949: transplantion, empiricism, and individualism” (Ming Yan, 1989:6).

[35] “Four features of Chinese sociology after its reestablishment can be identified: China-centeredness, pragmatism, collectivism, and openess” (Ming Yan, 1989:17).

[36] Phải chăng sau nhóm bốn nước xã hội học hàng đầu, người ta có thể nói đến nhóm ba nước lớn tiếp theo là Nhật, Nga và Trung Quốc, mà xã hội học phát triển khá sớm? Xã hội học Nhật được xem khởi đầu từ 1880 với việc dịch và giới thiệu xã hội học phương Tây, xã hội học thực nghiệm xuất hiện từ 1920 (Dore, 1962). Xã hội học Nga được xem khởi đầu từ giữa thế kỷ XIX (Titarenko and Zdravomyslova, 2017: 15-31).

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114443643

Hôm nay

2201

Hôm qua

2333

Tuần này

21456

Tháng này

218817

Tháng qua

112676

Tất cả

114443643