Những góc nhìn Văn hoá

Đừng làm nản lòng người tử tế!

Ngày nay, bất cứ hành động nào dù hay hay dở đều nhanh chóng được lan tỏa trên mạng. Việc làm không hay bị lên án đã đành, nhiều việc tốt cũng bị đưa ra bình luận, khen chê đủ kiểu. Không dừng lại ở đó, “cư dân mạng” thậm chí còn đào bới đời tư của những người làm việc tốt, buông lời lẽ xúc phạm khiến không chỉ người trong cuộc mệt mỏi mà cả những người ngoài cuộc, chỉ chứng kiến thôi cũng thấy thật khó chấp nhận.

Gần đây là việc làm từ thiện của nữ ca sỹ Thủy Tiên, ông Đoàn Ngọc Hải và một số nhân vật nổi tiếng khác. Bên cạnh rất nhiều người ủng hộ, ngợi ca thì cũng có một “lực lượng” cho rằng đó là những hành động đánh bóng tên tuổi, giả tạo, thậm chí còn tự gán cho họ những động cơ ghê gớm như cố tình kích động, chia rẽ,…Người thì buông lời lẽ bình phẩm cay nghiệt, người thì viết những bài phân tích có vẻ sâu sắc hơn,… nhưng thực chất đều là tấn công cá nhân, là để dư luận xét lại những việc làm đáng lẽ cần ngợi ca. Không dừng lại ở đó, họ còn lập cả nhóm chống đối hay như trong trường hợp ca sỹ Thủy Tiên, họ còn liên hệ với các nhãn hàng nữ ca sỹ này quảng cáo đề nghị không mời cô hay tuyên bố tẩy chay các sản phẩm cô làm đại diện. Đây không phải là lần đầu các hoạt động thiện nguyện và những người làm thiện nguyện tự phát bị cộng đồng mạng chỉ trích. Từ nhiều năm nay, việc này đã trở nên phổ biến, tiêu biểu có thể kể đến trường hợp của MC Phan Anh hay người sáng chế ra “ATM gạo” giúp dân nghèo trong dịch Covid -19,…

Ông Đoàn Ngọc Hải và chiếc xe cứu thương của mình chở miễn phí bệnh nhân nghèo có nhu cầu về quê. nguồn ảnh plo.vn

Bên cạnh hoạt động từ thiện vốn thu hút nhiều tranh luận, thời gian qua sức nóng từ nghị trường cũng khiến ta phải chú ý. Nữ đại biểu Ksor H’Bơ Khăp gây ấn tượng mạnh với cộng đồng bởi những màn chất vấn thẳng thắn trước Quốc hội. Ngoài nhiều người tán dương thì một bộ phận lại mỉa mai cho rằng những phát biểu đó là cảm tính, thiếu kiến thức chuyên sâu,… Từ đó, nhiều thông tin liên quan của nữ đại biểu này cũng được người ta không ngừng tìm kiếm. Đây không phải là trường hợp duy nhất mà từ lâu, các đại biểu thẳng thắn chất vấn tại Quốc hội cũng đã phải sống chung với đủ kiểu khen chê trên mạng như ông Dương Trung Quốc, ông Lưu Bình Nhưỡng,…

Đó chỉ là một số ít trong rất nhiều trường hợp cố gắng làm việc tử tế song lại luôn phải đối mặt với đủ điều tiếng từ dư luận. Họ có thể là những nhà báo tích cực phản biện, vạch rõ các vụ việc sai trái; là những luật sư luôn đấu tranh cho lẽ phải, công lý; là những cán bộ, công chức, viên chức không ngại lên tiếng đấu tranh chống tiêu cực hay là những người dân bình thường, cố gắng làm những việc nhỏ giúp đời, giúp người,…Dư luận khiến họ mệt mỏi, ảnh hưởng đến cuộc sống cá nhân, sự nghiệp. Ngoài ra, thực trạng người không ngại đấu tranh chống tiêu cực thường chịu thua thiệt, không được lòng cấp trên hay đấu tranh cũng không thay đổi được gì,…cũng dần khiến họ nản lòng. Tại sao vậy? Tại sao chúng ta luôn kêu gọi lan tỏa điều tốt, nhân rộng điển hình, tích cực nêu gương nhưng cuối cùng, kỳ lạ và nực cười thay, những tấm gương hết lòng vì người khác, vì xây dựng một xã hội trong sạch, nhân văn, văn minh lại luôn bị điều tiếng? Tại sao chúng ta lại phải khắt khe với những việc tốt, những hành động đẹp?

Không chỉ những người trong cuộc, người phải gánh chịu thiệt thòi chỉ vì làm việc họ cho là có ích với người khác, cảm thấy chán nản mà những người chứng kiến cũng sẽ thấy nhụt chí, mất dần niềm tin và động lực. Bởi thế, người ta thường nhắc nhau “Làm phúc phải tội”, “Làm ơn mắc oán”,… để rồi trước những việc thiện họ cũng trở nên cân nhắc, do dự.

Thiết nghĩ, bất cứ nghĩa cử nào vì người khác không trái với đạo đức và pháp luật, bất cứ việc làm thiện lương nào cũng đáng được trân trọng. Bất cứ ai sẵn sàng dang tay giúp đỡ người bần cùng thì luôn đáng được tôn vinh bởi bản chất của một con người, một xã hội phải được đánh giá qua cách cư xử với người nghèo khổ, người yếu thế,…chứ không phải với những thành phần giàu sang, có địa vị. Đừng vì toan tính nào đó mà khiến những cá nhân ấy bị nhìn nhận sai, bị xúc phạm. Sức mạnh dân tộc Việt Nam có được bao đời nay là sức mạnh của đoàn kết, của tình thương và lòng nhân ái. Trong thời đại mà đạo đức xuống cấp, những giá trị gốc rễ bị lung lay như hiện nay thì điều cần nhất là phải khơi dậy tinh thần ấy, lan tỏa nó chứ không phải là cách ta đang làm hiện nay. Đừng để những người tử tế nản lòng thêm! Hãy cho họ niềm tin và động lực để tiếp tục làm những điều tốt đẹp cho xã hội. Hãy tin rằng dù có cố gắng bôi đen hay tô hồng điều gì thì thời gian cũng sẽ bóc mòn mọi lớp sơn để cho thấy bản chất của sự việc. Đến một lúc nào đó, chân giá trị và những điều tốt đẹp sẽ chiến thắng!  

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114441805

Hôm nay

2205

Hôm qua

2317

Tuần này

21709

Tháng này

216979

Tháng qua

112676

Tất cả

114441805