Những góc nhìn Văn hoá

Phê phán lý tính thuần túy [kỳ 2- tập 2]

LÔ GÍC HỌC SIÊU NGHIỆM

B

BIỆN CHỨNG PHÁP SIÊU NGHIỆM

DẪN NHẬP

1

VỀ ẢO TƯỢNG SIÊU NGHIỆM

Trước đây, ta đã gọi phép biện chứng nói chung là một môn Lôgíc học về ảo tượng (Schein). Điều đó không có nghĩa rằng nó là một học thuyết về tính xác suất (Wahr-scheinlichkeit), vì học thuyết xác suất cũng là chân lý, nhưng được nhận thức từ những cơ sở chưa đầy đủ, nên tuy nhận thức của nó còn thiếu sót nhưng không vì thế mà là lừa phỉnh, do đó không được tách rời nó ra khỏi Phần phân tích pháp của môn Lôgíc học. Càng không được xem Hiện tượng Ảo tượng là đồng nhất với nhau. Bởi vì, chân lý hay ảo tượng không nằm trong bản thân đối tượng trong chừng mực nó được trực quan, mà nằm trong phán đoán về đối tượng khi nó được suy tưởng. Cho nên, tuy người ta có thể nói đúng rằng, các giác quan không sai lầm, song không phải vì lúc nào chúng cũng phán đoán đúng, nhưng vì chúng không hề phán đoán gì cả. Chân lý cũng như sai lầm, và do đó cả ảo tượng như là sự dẫn dắt sai lạc đến chỗ sai lầm chỉ được tìm thấy ở trong phán đoán, tức là chỉ trong mối quan hệ giữa đối tượng với giác tính của ta. Trong một nhận thức hoàn toàn trùng hợp với các quy luật của giác tính, thì không có sai lầm. Trong một biểu tượng của giác quan - (vì không chứa đựng phán đoán nào) - cũng không có sai lầm. Không một sức mạnh tự nhiên nào có thể tự mình đi lệch khỏi những quy luật của chính mình. Cho nên, không phải tự riêng bản thân giác tính (nếu không bị ảnh hưởng bởi nguyên nhân khác), cũng không phải tự riêng bản thân giác quan có thể mắc sai lầm. Giác tính không thể mắc sai lầm vì nếu nó chỉ hành động tuân theo đúng những quy luật của chính nó, kết quả (phán đoán) tất yếu phải trùng hợp với những quy luật này. Trong sự trùng hợp với những quy luật của giác tính, đã có được cái mô thức (das Formale) của mọi chân lý. Còn trong giác quan thì không chứa đựng phán đoán nào - dù đúng hay sai. Nhưng vì ta không có nguồn nhận thức nào khác ngồi hai nguồn trên đây, vậy sai lầm chỉ là do ảnh hưởng không kiểm sốt được của cảm năng trên giác tính. Điều này xảy ra khi các cơ sở [nguyên nhân] chủ quan của phán đoán bị nhập chung vào với các cơ sở khách quan làm cho phán đoán đi lệch khỏi tính quy định [định hướng] của nó(1), tỉ như một vật thể được đưa vào vận động bao giờ cũng giữ đúng một phương hướng theo đường thẳng nhưng nếu một lực khác từ một hướng khác đồng thời tác động vào nó, sẽ làm nó chuyển sang vận động theo đường cong. Vậy để phân biệt hoạt động riêng của giác tính với "lực" khác trộn lẫn với nó, cần thiết phải xem một phán đoán sai lầm giống như giao điểm của hai lực, hầu như hình thành một góc nhọn xác định phán đoán theo hai hướng khác nhau, do đó phải tháo rời cái kết quả hỗn hợp này ra thành hai thành tố đơn giản [riêng biệt] là giác tính và cảm năng như điều phải xảy ra trong các phán đoán thuần túy tiên nghiệm, thông qua sự phản tư siêu nghiệm [xem: B316...] để làm cho mỗi biểu tượng giữ đúng vị trí của nó tương ứng với từng quan năng nhận thức, và do đó, ảnh hưởng của quan năng này trên quan năng kia cũng được phân biệt rõ ràng (như đã trình bày ở các trang trước).

{(1)Cảm năng chịu phục tùng giác tính, được giác tính xem như đối tượng để áp dụng các chức năng của mình, đó là nguồn gốc của các nhận thức thực sự (reale). Còn trong chừng mực chính cảm năng này lại thâm nhập vào bản thân hoạt động của giác tính và quy định giác tính trong việc phán đoán, cảm năng là nguồn gốc của sai lầm.}

Công việc của ta ở đây không phải là bàn về các ảo tượng thường nghiệm (ví dụ các ảo giác quang học) xảy ra do sử dụng giác tính một cách đúng đắn nhưng năng lực phán đoán bị lệch lạc bởi ảnh hưởng của trí tưởng tượng. Mục đích của ta chỉ là bàn về ảo tượng siêu nghiệm thâm nhập vào các nguyên tắc khi chúng không được áp dụng vào kinh nghiệm - vì trong trường hợp này ít ra ta có một viên đá thử về sự đúng đắn của chúng -, trái lại, đi ngược lại mọi cảnh cáo của sự Phê phán [siêu nghiệm], ảo tượng ấy đã dẫn dắt chính ta hoàn toàn vượt ra khỏi việc sử dụng thường nghiệm đối với các phạm trù và lừa dối ta về một sự mở rộng của giác tính thuần túy. Ta gọi các nguyên tắc được sử dụng [đúng đắn] hoàn toàn trong các ranh giới của kinh nghiệm khả hữu là các nguyên tắc nội tại (immanent) và ngược lại, vượt ra khỏi các ranh giới này là các nguyên tắc siêu việt (transzendent). Tôi hiểu các nguyên tắc siêu việt này không theo nghĩa sự sử dụng hay lạm dụng các phạm trù một cách siêu nghiệm, vì dù sao đây chỉ là một sai lầm đơn thuần của năng lực phán đoán không chịu tuân theo các giới hạn của sự phê phán, không lưu ý đầy đủ đến phạm vi mà giác tính thuần túy được phép hoạt động. Trái lại các nguyên tắc siêu việt là những nguyên tắc có thật yêu cầu ta kéo đổ hết các cột mốc ranh giới ấy để vươn đến mảnh đất hoàn toàn mới mẻ, không thừa nhận một đường giới tuyến nào. Do đó, SIÊU NGHIỆM (transzendental) và SIÊU VIỆT (transzendent) không phải là một. Các nguyên tắc của giác tính thuần túy mà ta đã trình bày trước đây chỉ được phép sử dụng một cách thường nghiệm chứ không được siêu nghiệm, nghĩa là không có sự sử dụng nào bên ngồi ranh giới của kinh nghiệm. Còn một nguyên tắc muốn xóa bỏ các giới hạn này và thậm chí buộc phải vượt ra khỏi chúng thì gọi là siêu việt. Nếu sự phê phán của ta có thể đạt đến chỗ phát hiện ảo tượng của các nguyên tắc siêu việt này thì những nguyên tắc của việc sử dụng đơn thuần thường nghiệm - trái với các nguyên tắc này - có thể được gọi là các nguyên tắc nội tại (immanent) của giác tính thuần túy.

Còn ảo tượng lôgíc chỉ là sự bắt chước đơn thuần mô thức của lý tính (ảo tượng của các ngụy luận* (Trug-schlüsse)) nảy sinh hoàn toàn do việc thiếu lưu ý đến quy luật lôgíc. Do đó, nếu sự lưu ý được mài sắc trong từng trường hợp cụ thể, ảo tượng [lôgíc] sẽ biến mất hoàn toàn. Nhưng ảo tượng siêu nghiệm, ngược lại, vẫn tồn tại dù đã được môn phê phán siêu nghiệm phát hiện và vạch rõ tính vô hiệu của nó, (chẳng hạn ảo tượng trong mệnh đề sau: "Thế giới phải có một khởi đầu về mặt thời gian").

{*Trugschlsse: các ngụy luận: các suy luận ngụy biện: các võng luận (Fehl-schluß, Paralogismus) tức các suy luận sai lầm, bất thành, vi phạm các quy luật lôgíc sẽ được gọi là các Ngụy luận (Trugschlsse, Sophismata, Fangschlsse) khi chúng cố tình có vẻ hợp lôgíc, Vd: “Trời ấm lên nên tôi cũng phải mặc ấm hơn”; “Nếu trời mưa, đất sẽ ướt. Nếu trời không mưa, đất sẽ không ướt”. Thông thường có 4 dạng “ngụy luận”:

- quaternio terminorum (bốn hạn từ): suy luận (diễn dịch) dựa trên sự so sánh hai hạn từ với cùng một hạn từ trung giới thứ ba. Nếu hạn từ trung giới có hai ý nghĩa khác nhau (quivokation), ta có 4 hạn từ và suy luận là ngụy biện. Vd: ngụy luận: “1) Biểu tượng chỉ tồn tại trong ý thức; 2) Thế giới bên ngoài là một biểu tượng; 3) Vậy (kết luận) thế giới chỉ tồn tại trong ý thức”. Hạn từ thứ ba (“biểu tượng”) trước được hiểu theo nghĩa “ý thức về đối tượng”, sau lại hiểu theo nghĩa “đối tượng của ý thức”.

- petitio principii (tiền giả định của cái phải chứng minh): cái phải chứng minh được tiền-giả định như là khởi điểm hay phương tiện để chứng minh.

- circulus vitiosus (suy luận lòng vòng, lẩn quẩn) (Diallele): suy ra cái này từ cái kia và lại suy ra cái kia từ cái này.

- ignoratio elenchi (sai vấn đề, lạc đề): lạc đề khi tranh biện/chứng minh một mệnh đề không đồng nhất (hay không phải là hệ luận tất yếu) với mệnh đề phải chứng minh.

Thông thường, ta gọi “ngụy luận” là suy luận sai một cách cố ý; còn không cố ý thì gọi là “võng luận” (Fehlschuß, Paralogismus) hay suy luận sai lầm, bất thành (“võng”: sai lầm. “Học nhi bất tư, tắc võng”: học mà không suy xét ắt sẽsai lầm (Luận ngữ)). (Các dạng ngụy luận hay ngụy biện trên đây chỉ được xét về mặt lôgíc hình thức. Chúng có thể có ý nghĩa khác trong môn Lôgíc học phi hình thức, tức trong việc sử dụng trên thực tế). (N.D).}

Lý do như sau: Trong lý tính (Vernunft) của ta (được xem về mặt chủ quan như là một quan năng nhận thức của con người) luôn có mặt những nguyên tắc nền tảng và các châm ngôn (Maximen) sử dụng hoàn toàn có quyền uy [Ansehen/thế giá] củanhững nguyên tắc khách quan, vì vậy, xảy ra tình hình là: sự tất yếu chủ quan của một sự nối kết nào đó các khái niệm của ta cho giác tính lại được xem là một sự tất yếu khách quan cho việc quy định những vật - tự thân. Đây là một ảo tưởng (Illusion) không thể tránh khỏi cũng giống như ta không thể tránh khỏi ảo giác rằng mặt biển ở ngồi khơi có vẻ không cao hơn mặt biển gần sát bờ vì ta nhìn cái trước với các tia sáng cao hơn cái sau hoặc rõ ràng hơn nữa, khi nhà thiên văn cũng không khỏi thấy mặt trăng khi mới mọc lớn hơn khi trăng lên cao dù ông không bị ảo tượng ấy lừa gạt.

Vì thế, Biện chứng pháp siêu nghiệm tự hài lòng với việc khám phá ảo tượng của các phán đoán siêu việt và đồng thời ngăn ngừa ảo tượng ấy lừa bịp, chứ không thể - như trong trường hợp ảo tượng lôgíc - làm cho nó hoàn toàn biết mất và không còn là ảo tượng nữa; đó là điều Biện chứng pháp siêu nghiệm không bao giờ có thể làm được. Bởi vì ta đang gặp phải loại ảo tưởng (Illusion) tự nhiên, không thể tránh khỏi, và bản thân nó đặt nền tảng trên các nguyên tắc chủ quan và đánh tráo thành các nguyên tắc khách quan. Trong khi đó, Biện chứng pháp lôgíc - trong việc giải quyết các võng luận - chỉ liên quan đến một sai lầm lôgíc trong khi tuân theo các nguyên tắc hoặc với ảo tượng được hình thành một cách giả tạo, do bắt chước các nguyên tắc ấy. Vậy là có một phép biện chứng tự nhiên và không tránh khỏi của lý tính thuần túy, một phép biện chứng không phải là do ai đó cẩu thả, thiếu kiến thức phạm phải, cũng không phải do một tay ngụy biện bịa đặt ra một cách giả tạo để làm rối các người có đầu óc tỉnh táo, trái lại, là phép biện chứng không thể tách rời của lý tính con người. Phép biện chứng ấy, dù đã bị vạch rõ sự lừa dối của nó, vẫn cứ tiếp tục lừa phỉnh, xô đẩy lý tính vào những lầm lạc nhất thời, do đó cần phải được liên tục khắc phục.

2

VỀ LÝ TÍNH THUẦN TÚY, XỨ SỞ CỦA ẢO TƯỢNG SIÊU NGHIỆM

A

VỀ LÝ TÍNH NÓI CHUNG

Tất cả nhận thức của ta khởi đầu từ các giác quan, rồi tiến lên giác tính và kết thúc ở lý tính. Ngồi lý tính không còn cái gì cao hơn nữa trong tinh thần con người để xử lý chất liệu của trực quan và đưa chúng vào sự thống nhất tối cao của tư duy. Vì nhiệm vụ của tôi bây giờ là giải thích về lý tính, quan năng nhận thức cao nhất này, nên tôi gặp một số lúng túng. Lý tính, cũng giống như giác tính trước đây, vừa có một sự sử dụng đơn thuần mô thức, tức là sự sử dụng lôgíc (logischer Gebrauch), trong đó lý tính trừu tượng hóa khỏi mọi nội dung của nhận thức; lại vừa có sự sử dụng hiện thực (realer Gebrauch) [có nội dung], vì bản thân lý tính cũng chứa đựng nguồn gốc của một số khái niệm và nguyên tắc không vay mượn từ giác quan lẫn từ giác tính. Quan năng trước [cách sử dụng trước] thực ra đã được các nhà lôgíc học định nghĩa từ lâu là quan năng suy luận gián tiếp của lý tính để phân biệt với các loại suy luận trực tiếp (La tinh: consequentiae immediatae)*, nhưng quan năng sau [cách sử dụng sau] tức là lý tính tự mình sản sinh ra các khái niệm thì định nghĩa trên chưa nhận ra. Vì bây giờ ta chia lý tính ra làm hai quan năng: lôgíc và siêu nghiệm như vừa nói, cho nên cần phải tìm một khái niệm [định nghĩa] chung cao hơn về nguồn nhận thức này bao hàm được cả hai khái niệm [tức hai cách sử dụng] trên. Ta hy vọng rằng - dựa theo sự tương tự (Analogie) với các khái niệm thuần túy của giác tính trước đây [các phạm trù] - khái niệm lôgíc một lần nữa sẽ cho ta chìa khóa để phát hiện khái niệm siêu nghiệm và bảng danh mục các chức năng của khái niệm lôgíc sẽ đồng thời giúp ta bí quyết để tìm ra [bảng danh mục] các khái niệm của lý tính.

{*suy luận gián tiếp” và “suy luận trực tiếp” sẽ được Kant giải thích rõ ngay sau đây (Xem B360...). (N.D).}

Trong phần trước của môn lôgíc học siêu nghiệm, ta đã định nghĩa giác tính là quan năng của các quy luật [hay quy tắc: Vermögen der Regeln), vậy để phân biệt với giác tính, ta có thể gọi lý tính là quan năng của các Nguyên tắc (Vermögen der Prinzipien).

Thuật ngữ "Nguyên tắc" khá hàm hồ. Thông thường một nhận thức nào đó được sử dụng như một nguyên tắc mặc dù bản thân cũng như nguồn gốc phát sinh của nó không phải là một Nguyên tắc (Principium). Trong một suy luận [với dạng tam đoạn luận], bất cứ một mệnh đề phổ biến nào, dù thậm chí được rút ra từ kinh nghiệm (bằng quá trình quy nạp) cũng có thể giữ vai trò của một chính đề (Major), nhưng không vì thế mà bản thân nó là một nguyên tắc. Các tiên đề toán học (chẳng hạn: “giữa hai điểm chỉ có thể có một đường thẳng”) đúng là các nhận thức tiên nghiệm và phổ biến, vì thế cũng có lý khi được gọi là các nguyên tắc xét tương đối với các trường hợp có thể được thâu gồm trong chúng. Nhưng không vì thế mà tôi có thể bảo rằng tôi nhận thức được đặc tính này của các đường thẳng - nói chung và tự thân - từ các nguyên tắc, trái lại, chỉ là từ trong trực quan thuần túy mà thôi.

Vì thế, [theo nghĩa chặt chẽ] tôi gọi nhận thức từ các Nguyên tắc là sự nhận thức cái đặc thù (das Besondre) trong cái phổ biến nhờ dựa vào các khái niệm. Cho nên bất kỳ suy luận nào cũng là một hình thức của việc dẫn xuất [rút ra] (Ableitung) một nhận thức từ một nguyên tắc. Bởi vì chính đề (Major) luôn cho ta một khái niệm, nhờ đó tất cả những gì được thâu gồm trong điều kiện của khái niệm ấy được nhận thức từ chính đề theo một nguyên tắc. Vì mọi nhận thức phổ biến đều có thể được dùng làm chính đề trong một suy luận [tam đoạn luận] và vì giác tính mang lại cho ta những mệnh đề tiên nghiệm phổ biến như thế nên chúng cũng có thể được gọi là các nguyên tắc chỉ trong quan hệ với sự sử dụng khả hữu [thường nghiệm] của giác tính.

Nhưng nếu ta xem xét kỹ hơn các nguyên tắc này của giác tính thuần túy nơi tự thân chúng xét về nguồn gốc phát sinh, ta thấy chúng là cái gì khác chứ không phải thực sự là các nhận thức được rút ra từ các khái niệm. Vì chúng không hề có thể có được một cách tiên nghiệm nếu chúng ta không dựa vào sự giúp đỡ của trực quan thuần túy (trong các môn toán học) hay dựa vào các điều kiện của một kinh nghiệm khả hữu nói chung. Bảo rằng mọi việc diễn ra đều có một nguyên nhân, điều này không thể được suy luận từ khái niệm về "cái gì xảy ra nói chung", ngược lại, chính nguyên tắc tính nhân quả chỉ bảo cho ta phương cách làm thế nào để từ cái gì đang diễn ra có được một khái niệm thường nghiệm nhất định.

Vậy, giác tính không thể mang lại các nhận thức tổng hợp từ các khái niệm, trong khi chỉ có các nhận thức tổng hợp từ bản thân khái niệm mới xứng đáng được gọi là các Nguyên tắc. Cũng thế, mọi mệnh đề phổ biến nói chung [của giác tính] cũng chỉ có thể được gọi là những nguyên tắc so sánh, [tương đối] thôi.

Một ao ước tha thiết từ bao đời nay và ai biết lúc nào mới thực hiện được, đó là: thay vì sự đa tạp vô tận của những điều luật dân sự, một lúc nào đó người ta tìm ra các Nguyên tắc của chúng, vì chỉ nhờ đó mới có được bí quyết để - như người ta thường nói - giản dị hóa việc ban hành pháp luật. Nhưng [ngay cả khi đề ra được các nguyên tắc này] những điều luật [cụ thể] cũng vẫn chỉ là những quy định hạn chế sự tự do của ta, theo các điều kiện để tự do [của riêng ta] hòa hợp với chính nó [tự do nói chung], vì thế, những điều luật cũng hoàn toàn phải lấy công việc làm của chính chúng ta làm đối tượng, và chính chúng ta mới có thể là nguyên nhân tạo ra luật pháp thông qua các khái niệm ấy. Nhưng làm thế nào để những đối tượng như là vật - tự thân và để bản tính tự nhiên của chúng cũng phải phục tùng các nguyên tắc và có thể được quy định chỉ dựa theo các khái niệm đơn thuần là một đòihỏi nếu không vô lý thì ít ra cũng rất vô nghĩa. Tuy chưa biết sẽ như thế nào - (vì công việc nghiên cứu còn ở phía trước) - nhưng ít ra ta cũng nhận thấy ngay: sự nhận thức từ các Nguyên tắc [của lý tính] (tự nó) sẽ là cái gì hoàn toàn khác với nhận thức giác tính đơn thuần, vì rằng nhận thức giác tính tuy có thể đi trước những nhận thức khác trong hình thức của một nguyên tắc, nhưng tự bản thân nó - trong chừng mực là một nhận thức tổng hợp - không dựa vào tư duy đơn thuần, cũng không chứa đựng trong nó một cái phổ biến (ein Allgemeines) theo các khái niệm*.

{*Nhận thức giác tính cũng xuất phát từ các Nguyên tắc (của giác tính), nhưng cần có nội dung kinh nghiệm mới thành phán đoán tổng hợp và không chứa đựng trong nó mệnh đề phổ biến chỉ được rút ra từ các khái niệm đơn thuần. (N.D).}

Nếu giác tính là một quan năng tạo ra sự thống nhất cho những hiện tượng nhờ các quy luật, thì lý tính là quan năng tạo ra sự thống nhất CHO NHỮNG QUY LUẬT CỦA GIÁC TÍNH vào dưới các Nguyên tắc. Tuy nhiên, lý tính không bao giờ áp dụng trực tiếp vào kinh nghiệm hay vào một đối tượng [cảm tính] nào, trái lại, đối tượng của nó là giác tính, nhằm mang lại sự thống nhất tiên nghiệm cho những nhận thức đa tạp của giác tính thông qua các khái niệm - một sự thống nhất có thể mệnh danh là sự thống nhất thuần lý của lý tính (Vernunfteinheit)bằng một phương cách hoàn toàn khác với phương cách đã có thể được thực hiện bởi giác tính.

Trên đây chỉ là khái niệm khái quát về quan năng lý tính, có thể tạm cho ta hiểu về nó nhưng hoàn toàn còn thiếu các ví dụ để minh họa (như sẽ được trình bày lần lượt sau đây).

B

VỀ VIỆC SỬ DỤNG LÝ TÍNH MỘT CÁCH LÔGÍC

Người ta thường phân biệt giữa cái được nhận thức trực tiếp và cái chỉ được nhận thức thông qua suy luận. Một hình vẽ được giới hạn bởi ba đường thẳng sẽ có ba góc, đó là một nhận thức trực tiếp; còn tổng của ba góc bằng hai góc vuông là nhận thức chỉ do suy luận. Vì ta luôn cần sự suy luận và rút cục đã quá quen thuộc với nó, nên thường ít chú ý đến sự phân biệt trên, hoặc giống như cái gọi là sự lừa phỉnh của giác quan, ta tưởng là tri giác cái gì đấy một cách trực tiếp nhưng thực ra là ta đã chỉ suy luận. Trong một lập luận, trước hết phải có một mệnh đề làm nền tảng một mệnh đề khác, đó là hệ luận được rút ra từ mệnh đề trên sau cùng là kết luận (kết quả), trong đó chân lý của mệnh đề thứ hai được nối kết một cách nhất thiết với chân lý của mệnh đề thứ nhất. Nếu phán đoán được đưa ra trong kết luận đã có chứa sẵn trong mệnh đề thứ nhất và có thể được rút ra ngay từ đó mà không cần sự trung giới của một biểu tượng thứ ba, kết luận đó được gọi là trực tiếp (La tinh: consequentia immediata), nhưng tôi thích gọi đó là kết luận của giác tính hơn. Nhưng nếu ngồi nhận thức được đặt làm nền tảng trong mệnh đề thứ nhất, còn cần phải có một phán đoán khác mới tạo ra được kết luận, thì suy luận ấy gọi là một suy luận của lý tính. Vd: trong mệnh đề "Mọi người đều phải chết" đã chứa đựng sẵn các mệnh đề: "Một số người là phải chết", "Một số sinh vật phải chết là người", và "không có gì không phải chết mà là người", và như thế các mệnh đề sau này là các kết luận trực tiếp từ mệnh đề đầu tiên. Nhưng ngược lại, mệnh đề: "mọi người có học đều phải chết" không chứa đựng sẵn trong mệnh đề chính được đặt làm nền tảng (vì khái niệm về "người có học" không xuất hiện trong đó), do đó nó chỉ có thể rút ra từ mệnh đề chính nhờ vào một phán đoán trung gian.

Trong bất kỳ suy luận nào của lý tính, trước hết tôi suy tưởng một quy luật (chính đề, Major)* nhờ vào giác tính. Bước thứ hai, tôi thâu gồm một nhận thức vào trong điều kiện của quy luật này (đó là thứ đề, Minor)* nhờ vào năng lực phán đoán. Sau cùng, tôi xác định nhận thức của tôi nhờ vào một thuộc tính của quy luật (đó là kết luận (conclu-sio)), tức là tôi xác định nó một cách tiên nghiệm thông qua lý tính. Chính đề, như là quy luật, hình dung mối quan hệ giữa một nhận thức với điều kiện của nó, tạo nên các phương cách khác nhau của suy luận. Có ba phương cách suy luận - giống như mọi phán đoán nói chung - trong chừng mực chúng khác nhau trong phương cách diễn tả quan hệ của một nhận thức trong giác tính - đó là: các suy luận nhất thiết, giả thiếtphân đôi. (kategorisch - hypothetisch - disjunktiv).

{*“Major - Minor”: còn có thể dịch là “đại tiền đề” - “tiểu tiền đề”. (N.D).}

Thông thường, nếu kết luận được đưa ra như là một phán đoán để xem phải chăng nó có thể rút ra từ các phán đoán khác đã cho, qua đó một đối tượng hoàn toàn khác được suy tưởng, tôi phải cố phát hiện trong giác tính xem sự khẳng định (die Assertion) của kết luận này có nằm trong các điều kiện phù hợp với một quy luật phổ biến [chính đề] hay không. Nếu tôi tìm ra được một điều kiện như thế và nếu đối tượng trong kết luận có thể được thâu gồm trong điều kiện đã cho, thì kết luận này được rút ra từ một quy luật cũng có giá trị cho các đối tượng khác của nhận thức. Từ đó ta thấy rằng: lý tính - trong suy luận - đã tìm cách đưa sự đa tạp rất lớn của nhận thức giác tính vào trong một số lượng tối thiểu của các Nguyên tắc (các điều kiện phổ biến) và qua đó tìm cách tạo ra sự thống nhất tối cao cho các Nguyên tắc ấy.

C

VỀ VIỆC SỬ DỤNG LÝ TÍNHMỘT CÁCH THUẦN TÚY

Người ta có thể cô lập riêng lý tính hay không, và trong trường hợp đó, nó là một nguồn suối riêng biệt cho các khái niệm và phán đoán nảy sinh từ bản thân lý tính thôi, qua đó lý tính quan hệ với những đối tượng? Hay lý tính chỉ là một quan năng [phụ thuộc], thứ cấp (subaltern) mà nhiệm vụ chỉ là mang lại một mô thức nhất định cho những nhận thức đã có - gọi là mô thức lôgíc -, qua đó những nhận thức của giác tính chỉ được xếp đặt vào mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau, và các quy luật cấp thấp phụ thuộc vào các quy luật cao hơn (tức là các quy luật bao hàm trong lãnh vực của chúng điều kiện cho các quy luật thấp hơn), và như vậy chỉ được tiến hành bằng cách so sánh các nhận thức và các quy luật ấy thôi? Đó là vấn đề bây giờ ta chỉ có thể nghiên cứu sơ bộ.

Trong thực tế, sự đa tạp của những quy luật và sự thống nhất của các nguyên tắc là một đòi hỏi của lý tính, nhằm mang giác tính vào trong sự nối kết trọn vẹn với chính nó [với chính giác tính] cũng giống như giác tính đã đưa cái đa tạp của trực quan vào dưới các phạm trù để qua đó mang lại sự nối kết cho những trực quan. Nhưng, một nguyên tắc như vậy [của lý tính] lại không đề ra quy luật cho [bản thân] những đối tượng và không chứa đựng cơ sở nào cho khả thể của sự nhận thức hay xác định bản thân những đối tượng như là những đối tượng mà chỉ đơn thuần là một quy luật chủ quan để tự sắp xếp nội dung của giác tính chúng ta, để - bằng sự so sánh những khái niệm của giác tính - quy giảm sự sử dụng chúng thành một số lượng tối thiểu, mặc dù sự quy giảm này không cho phép ta đòi hỏi bản thân đối tượng cũng đồng thời có sự thuần nhất như thế hoặc hy vọng sư quy giảm sẽ giúp tiện dụng và mở rộng phạm vi của giác tính và đồng thời mang lại giá trị khách quan cho châm ngôn này (Maxime) của lý tính. Nói gọn lại, câu hỏi ở đây là: "Lý tính tự-thân, tức là lý tính thuần túy có chứa đựng các nguyên tắc và quy luật tổng hợp tiên nghiệm nào không và các nguyên tắc ấy là gì?"

Phương cách mô thức và lôgíc của lý tính trong các suy luận sẽ cho ta sự hướng dẫn đầy đủ để biết nguyên tắc siêu nghiệm của lý tính trong nhận thức tổng hợp bằng lý tính thuần túy được đặt trên cơ sở nào:

- 1: - Suy luận của lý tính, không liên hệ đến những trực quan nhằm bắt chúng phải phục tùng các quy luật, (- giống như giác tính với các phạm trù của nó). Trái lại, lý tính chỉ áp dụng vào những khái niệm và những phán đoán thôi. Vậy, nếu lý tính thuần túy có quan hệ với những đối tượng thì cũng không có quan hệ trực tiếp với đối tượng và với trực quan về chúng mà là gián tiếp qua trung giới của giác tính và những phán đoán của giác tính, là những cái trước tiên phải hướng đến giác quan và trực quan nhằm xác định đối tượng của giác quan và trực quan. Do vậy, sự thống nhất của lý tính không phải là sự thống nhất của một kinh nghiệm khả hữu và khác về căn bản với sự thống nhất của giác tính. Chẳng hạn, mệnh đề: "Tất cả những gì diễn ra phải có một nguyên nhân" không phải là nguyên tắc do lý tính nhận thức và đề ra. Nguyên tắc này chỉ làm cho sự thống nhất của kinh nghiệm có thể có được và không vay mượn gì từ lý tính cả, nên lý tính - không có mối quan hệ với kinh nghiệm khả hữu - không bao giờ tạo ra được sự thống nhất tổng hợp ấy từ các khái niệm đơn thuần.

- 2: - Lý tính, - trong sự sử dụng lôgíc của nó -, tìm kiếm điều kiện phổ biến cho phán đoán của nó (cho mệnh đề kết luận), và bản thân suy luận không gì khác hơn là một phán đoán nhờ thâu gồm điều kiện của nó vào một quy luật phổ biến (chính đề, Major). Nhưng vì bản thân quy luật này cũng lại phục tùng quá trình suy luận liên tục của lý tính, tức lý tính phải tiếp tục đi tìm điều kiện của điều kiện (bằng phương pháp đi tìm điều kiện có trước - Prosyllogismus)* bao lâu quá trình suy luận này còn có thể tiếp tục, do đó rõ ràng là: Nguyên tắc riêng có của lý tính nói chung (khi nó được sử dụng một cách lôgíc) là: tìm cho được CÁI VÔ ĐIỀU KIỆN (DAS UNBEDINGTE) cho nhận thức luôn có điều kiện của giác tính để cho sự thống nhất của nhận thức giác tính được hoàn tất.

{*Prosyllogismus: (Pro: đi trước, cái đi trước; Syllogismus: suy luận): Suy luận của lý tính đi từ điều kiện được cho đi trở ngược lại đến điều kiện có trước (điều kiện của điều kiện) cho tới cái vô-điều kiện. Còn gọi là cách suy luận “lùi”, “đi lên”, “quy thoái” (Regressus). Ngược lại, “Episyllogismus” là suy luận từ cái có - điều kiện tới các hậu quả vô tận của nó theo chiều “đi xuống”, “quy tiến” (Progressus). Lý tính chỉ thực sự quan tâm đến cách quy thoái để tìm đến cái vô - điều kiện (còn gọi là “cái tuyệt đối”. B380 - 381) làm cơ sở cho “tổng hợp siêu nghiệm” của Siêu hình học. (Kant sẽ lý giải đầy đủ điều quan trọng này từ B388, B526). Cả hai cách suy luận này được gọi chung là “Polysyllogismus” (chuỗi các suy luận, trong đó kết luận của suy luận trước làm tiền đề cho suy luận sau). (N.D).}

Nhưng châm ngôn (Maxime) lôgíc này là không thể trở thành một nguyên tắc của lý tính thuần túy bằng cách nào khác hơn là khi ta giả định rằng: nếu cái có - điều kiện đã được mang lại, thì toàn bộ chuỗi các điều kiện phụ thuộc vào nhau - do đó bản thân là vô điều kiện - cũng được mang lại (gegeben) [tồn tại thực], tức là: cái vô - điều kiện được chứa đựng trong đối tượng và trong sự nối kết của nó).

Rõ ràng một nguyên tắc như thế của lý tính thuần túy là có tính tổng hợp, vì cái có điều kiện tuy có quan hệ một cách phân tích với một điều kiện [cụ thể nào đó] nhưng không phải là với cái vô - điều kiện. Từ nguyên tắc này sẽ phải nảy sinh nhiều mệnh đề tổng hợp khác nhau mà giác tính thuần túy hoàn toàn không biết đến, vì nó chỉ làm việc với những đối tượng của kinh nghiệm khả hữu; và nhận thức [thường nghiệm] và sự tổng hợp của nó bao giờ cũng là có điều kiện. Vậy cái vô - điều kiện, nếu quả thật tồn tại, phải được xem xét một cách đặc biệt về mọi đặc điểm làm cho nó phân biệt hẳn với bất cứ cái gì có điều kiện và qua đó phải mang lại chất liệu cho nhiều mệnh đề tổng hợp tiên nghiệm.

 

Tuy nhiên, những nguyên tắc được rút ra từ Nguyên tắc tối cao này của lý tính thuần túy lại là siêu việt (trans-zendent) hẳn trong quan hệ với mọi hiện tượng, nghĩa là không bao giờ có thể có được sự sử dụng thường nghiệm về nguyên tắc này một cách trọn vẹn (adäquat) được. Do đó, nó hoàn toàn khác biệt với mọi nguyên tắc của giác tính (sự sử dụng các nguyên tắc của giác tính hoàn toàn có tính nội tại (immanent), vì chúng chỉ lấy khả thể của kinh nghiệm làm đề tài. [Vậy, nhiệm vụ của Biện chứng pháp siêu nghiệm là:]

[ - ] Phát hiện xem phải chăng nguyên tắc cho rằng chuỗi các điều kiện (trong sự tổng hợp của các hiện tượng hay của tư duy về các sự vật nói chung) mở rộng đến cái vô - điều kiện có đúng một cách khách quan hay không? Từ đó, đâu là các hệ luận được rút ra cho việc sử dụng giác tính một cách thường nghiệm?

[ - ] Hay là, phải chăng không hề có mệnh đề nào của lý tính là có giá trị khách quan mà trái lại, chỉ là một quy tắc lôgíc đơn thuần hướng dẫn ta không ngừng đi lên tới các điều kiện cao hơn để ngày càng tiếp cận sự hoàn chỉnh của chuỗi các điều kiện và qua đó đưa sự thống nhất tối cao có thể có của lý tính vào trong nhận thức của ta?

[ - ] Tôi cho rằng, ta phải xác minh xem phải chăng nhu cầu (Bedürfnis) này của lý tính đã do một ngộ nhận mà được xem là một nguyên tắc siêu nghiệm của lý tính thuần túy, và nguyên tắc này đã định đề hóa (postu-liert) một cách vội vã về một sự hoàn chỉnh trọn vẹn không có giới hạn của chuỗi các điều kiện trong bản thân những đối tượng?

[ - ] Do đó, trong trường hợp này, ta phải vạch rõ những ngộ nhận và ảo tưởng lừa bịp (Verblendungen) được lén lút đưa vào các suy luận của lý tính, mà chính đề (Major) của nó là do lý tính thuần túy mang lại - chính đề loại ấy chỉ mang tính chất một thỉnh nguyện (Petition) hơn là một định đề - và những ngộ nhận, ảo tưởng này đi từ kinh nghiệm tiến lên tới các điều kiện của nó.

Đó là các công việc của chúng ta trong phần Biện chứng pháp siêu nghiệm và ta phải tìm lời giải đáp từ trong nguồn suối ẩn mật sâu thẳm của lý tính con người. Chúng ta sẽ chia Biện pháp siêu nghiệm làm hai phần: phần đầu bàn về các khái niệm siêu việt của lý tính thuần túy; phần sau bàn về các lối suy luận siêu việt và biện chứng của nó.

(còn nữa)

Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải

 

 

 


 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114441874

Hôm nay

2274

Hôm qua

2317

Tuần này

21778

Tháng này

217048

Tháng qua

112676

Tất cả

114441874