Những góc nhìn Văn hoá

Góc nhìn về đời sống của văn nghệ sĩ qua lăng kính của nhân vật nhà văn

 1. Từ sau Đổi mới (1986), văn chương Việt Nam bắt đầu có một vận mệnh mới với một lộ trình phức tạp, đa dạng hơn. Hành trình đổi mới văn chương bắt đầu từ tư duy và hoàn thiện ở hệ thống thi pháp. Trong đó nhân vật là yếu tố đầu tiên thể hiện quan niệm nghệ thuật mới về con người, phản ánh hiện thực và “dẫn dắt người đọc vào một thế giới riêng trong một thời kỳ lịch sử nhất định”.

Điều đặc biệt trong văn xuôi Việt Nam đương đại là sự xuất hiện ngày càng nhiều những nhân vật nhà văn, như là một nguồn cảm hứng mới của văn học khi viết về chính nó. Sự xuất hiện của nhân vật nhà văn trong tác phẩm trở thành một “hiện tượng”, hé mở khoảng hậu trường văn học, “bếp núc” văn chương mà trước nay ít người nói đến. Nhân vật nhà văn còn cho thấy đời sống của một tầng lớp người còn ít được biết tường tận. Cùng với sự biến đổi trong quan niệm về văn học thì quan niệm về nhà văn cũng khác trước.

2.Nếu như trước đây văn học lĩnh một sứ mệnh cao cả, linh thiêng của những nhà cách mạng, nhà tiên tri, nhà dự báo, nhà đạo đức chính trị với nhiệm vụ "cải tạo hiện thực", "hàn gắn thế giới", văn học là "tấm gương soi chiếu thời đại", thì nhà văn cũng được kính cẩn tôn vinh với những mĩ từ, những danh xưng cao quý rằng: nhà văn là "người thư ký trung thành của thời đại", "người hướng dẫn tinh thần thời đại", là những "kỹ sư tâm hồn"… Trong trí tưởng tượng của mọi người, nhà văn hẳn là một con người lúc nào cũng nghiêm trang bút mực, cô đơn nhất đời, thích lãng mạn và suy tư, luôn xung phong sắt thép… Văn xuôi Việt Nam đương đại đã làm một cú "húych" ngược, "lôi nhà văn ra khỏi vùng đất thánh", xóa tan ảo tưởng của mọi người về nhà văn và của nhà văn về chính mình bằng cách để cho nhà văn tồn tại như nó vốn có, thậm chí còn đối lập với những cách nghĩ, cách nhìn nhận truyền thống về người trí thức.

Trong tiểu thuyết Khải huyền muộn của Nguyễn Việt Hà, độc giả được khám phá đời sống của các nhà văn một cách cụ thể chi tiết: từ cách sống, cách nghĩ của bản thân đến đời sống sinh hoạt của lớp nhà văn ở Hội Nhà văn Việt Nam hôm nay và chân dung biếm họa về giới mình bằng một giọng văn hài hước, châm biếm. Ngoài khuôn mặt "sâu sắc, nhầu nát cảm động", "trông luộm thuộm, chẳng có vẻ gì khác thường" các nhà văn hôm nay còn rất nhiều người đang nuôi ảo tưởng, tự huyễn hoặc về mình. “Giống hệt như mối tình đầu, tất cả các người viết thường khởi nguyên từ trong trắng. Rồi gần như tất cả bị tha hóa bởi sự ma mị quyến rũ từ cái gọi là danh hiệu nhà văn”(1). Và sự tha hóa, sự khốn cùng về đạo đức khi không tìm thấy lối ra của những chức danh hão hề phù phiếm nhiều khi biến những con người có danh xưng cao quý "nhà văn" rơi vào tình cảnh lố bịch, dị hợm: “Họ nghĩ là họ đặc biệt và họ luôn lo lắng bị lẫn vào những người bình thường khác. Họ nghiêm khắc hãi sợ người khác không biết là họ đang viết văn đang làm thơ. Những khái niệm có vẻ có giá trị bởi được nhiều người tử tế tôn trọng. Họ tất bật nhìn ngó xung quanh, họ không có khả năng đi một mình, đi âm thầm. Họ mất vẻ bình thường, xơ xác không làm nổi một cái nghề dung dị nào. Họ sợ cái đám đông bầy nhầy mà họ phải vất vả lắm, lươn lẹo lắm mới thoát ra được sẽ dễ dàng nuốt chửng lại họ. Mối mặc cảm bị nuốt lẫn vào đó thường trực ám ảnh đã đẩy họ tự tạo ra nhiều sự lố lăng khác biệt. Chính vì thế trông họ ở đâu cũng dễ nhận ra”(1).

Tiểu thuyết Khải huyền muộn của Nguyễn Việt Hà

Ngòi bút của tác giả còn có vẻ "không vừa" khi phanh phui tận gốc rễ những phương diện bi hài mang đầy tính hoạt kê của giới nhà văn. Cười cợt vào sự giả bộ nghiêm trang, giả bộ tri thức, sự hênh hoang sáo rỗng của một số người vẫn đang tiếp tục tự tâng bốc, tự ảo tưởng về mình.

Bằng những mặt cắt lắp ghép qua nhiều cuộc đối thoại, nhiều mối quan hệ song trùng như những góc nhìn đa chiều của điện ảnh, nhân vật nhà văn đã lần lượt đưa người đọc đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác khi khám phá thế giới bí ẩn của nhà văn, của đời sống văn học với vẻ bề ngoài tưởng như bình lặng nhưng ẩn chứa bên trong nhiều sự phức tạp, sự đan xen lẫn lộn giữa trong sáng và giả dối, giữa lao động nghệ thuật nghiêm túc và trạng thái trì trệ của hư danh đồng thời hé lộ những khám phá về công việc sáng tạo của nhà văn thông qua mối quan hệ giữa người sáng tạo và nguyên mẫu: “Chúng tôi thỏa thuận sẽ không tách lời của nhau. Tôi nghĩ thế nào tôi sẽ nói như vậy. Và anh, viết những cái ấy thành như thế nào, là chuyện của anh. Tôi chấp nhận sự hiện diện của tôi qua giọng kể của anh” (1). Xây dựng nhân vật chính cho tác phẩm của mình là nhà văn và để cho nhân vật này lại kể về việc viết văn cùng vô số những hệ lụy, những mặt trái, những thói hư tật xấu của những người trong nghề và công việc sáng tác văn chương với chủ đề văn học - đạo đức và sám hối, nhà văn Nguyễn Việt Hà đã đưa ra một cái nhìn nhiều chiều về nhà văn đồng thời thể hiện một thái độ tự phản tỉnh, tự nhận thức về mình một cách chân thành và thẳng thắn.

Đây cũng là điều dễ hiểu bởi trong xu thế dân chủ hóa văn chương, nhà văn được tự do trong tưởng tượng và trong sáng tạo. Nhà văn bây giờ không chỉ nhìn mình trong quan hệ với hiện thực, với công chúng mà còn phải đối diện với chính mình, khai vỡ những "vỉa quặng của cuộc đời đã kết tinh trong bản thân người cầm bút". Lúc này người ta có cơ hội sống thật với mình hơn. Những suy tư, chiêm nghiệm của mình được dịp trải nghiệm trên trang giấy. Nhu cầu hướng nội, tự phân tích, tự nhận thức về mình mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Khuynh hướng "nhận thức lại" mọi giá trị của hiện thực đời sống và thẩm mĩ được đặc biệt quan tâm. Nhân vật nhà văn lúc này không đóng vai trò là người soi đường chỉ lối cho độc giả như trước mà tham gia vào tác phẩm với tư cách là một nhân vật, cùng trao đổi, bàn luận, đối thoại sôi nổi với các nhân vật khác về tất cả những gì đang diễn ra trong cuộc sống hàng ngày. Ranh giới giữa tác giả - người kể chuyện và nhân vật nhập nhòa vào nhau tạo nên một bầu không khí thực sự dân chủ trong văn chương. Với nhân vật nhà văn "Tác giả đã xóa đi ấn tượng về sự xếp đặt kỹ thuật trong câu chuyện của mình và đem lại cái "ảo tưởng tuyệt đối" ở người đọc về những câu chuyện thực chứ không phải chuyện văn chương, hư cấu"(7). Bởi thế những chuyện đời, chuyện nghề, những suy tư thầm kín, những ý nghĩ táo bạo và những "ngón nghề" cứ được nói ra một cách thản nhiên, "như không" làm người đọc không ít lần băn khoăn không biết đâu là sự thực đâu là hư cấu, rằng liệu nhân vật có phải là chính bản thân tác giả hay không khi có các dữ kiện quá gần, các suy nghĩ quá thật như thế.

Nhân vật nhà văn xưng Tôi trong truyện ngắn Ngẫu sự của Ma Văn Kháng tâm sự chuyện nghề: “Công việc viết lách vốn đã chẳng nhẹ nhõm và hứa hẹn gì. Càng viết, vốn liếng càng cạn kiệt. Chữ nghĩa dùng mãi như đất bạc màu, xơ xác, hết cả nhung tuyết lẫn hồn cốt. Đầu óc lắm lúc như cái thùng rỗng… Đã vậy, xưa nay vốn quen với lối văn giáo huấn, hay lên mặt dạy đời, dùng văn từ như dùng xe bò tải đạo lý, hay quan trọng hóa công việc, thần thánh hóa vai trò mình, coi thiên hạ là rơm là rác cả, nay viết khác không được (4), mà không viết khác được, không "đổi tiếng hót" được cũng có nghĩa là phải bỏ nghề, phải chịu cảnh thất nghiệp vì bị độc giả chê, độc giả ngán…

Nhân vật nhà văn trong tác phẩm Nguyễn Khải lại luôn tự dằn vặt, xét nét, "làm khổ" mình một cách nghiêm nhặt, riết ráo như một hình thức tự kể, tự truyện. Vẫn biết rằng không nên đồng nhất nhân vật trong tác phẩm với tác giả thực ngoài đời một cách máy móc dẫu nhân vật đó có lúc mang nhiều đặc điểm tương đồng với tác giả tiểu sử của nó nhưng cũng phải thấy rằng qua những kiểu nhân vật này, nhà văn thường gián tiếp bộc lộ những quan điểm sống, cách ứng xử và thái độ của mình. Nhân vật nhà văn trong tác phẩm Nguyễn Khải thường đóng vai tác giả xuất hiện trong nhân vật Tôi thậm chí xưng tên là "chú Khải", "ông Khải" thường có một thái độ nghiêm khắc không khoan nhượng đối với bản thân khi nhìn lại chặng đường đã qua, những tư tưởng, quan niệm và ý thức nghề nghiệp trong mỗi thời kỳ theo hình thức tự phản tỉnh. “Văn tôi (…) người ra kẻ vào ồn ào, nói năng băm bổ, chõ vào mặt nhau mà nói, mà lý sự, đã lý sự thì người đọc không kịp thở, không kịp cãi, phải sau đó mới thấy còn nhiều chuyện phải bàn cãi” (3). Có lúc nhân vật nhà văn này còn thấy "ngượng ngùng", "xấu hổ" khi nhìn lại "cái thời lãng mạn" của mình với cái nghèo nàn trong lối viết, đơn giản trong suy tư, lại ngậm ngùi tự thú tất cả là "do cái tài mình kém", thậm chí do cái "hèn" cái "nhát" của mình tạo nên. Những dòng tự sự miên man của nhân vật nhà văn, những day dứt, dằn vặt về chuyện đời, chuyện nghề của nhân vật này tạo thành một dòng chảy triết lý sâu sắc thể hiện sự tự nhận thức của tác giả một cách tự nhiên chân thành. Như vậy để đạt tới sự chân thành của tác phẩm nghệ thuật, người cầm bút đã không ngần ngại khi "chường mặt" mình lên trên trang viết, "phơi bày ngay cả những thói xấu kín mật của chính bản thân" (7). Điều này lại tạo ra sự lấp lửng đầy lý thú, kích thích trí tò mò của độc giả khi được quan sát, "tọc mạch" vào chuyện đời tư của tác giả. Độc giả của văn học sau thời kỳ Đổi mới không có xu hướng tìm đến văn học để nhận những lời dạy bảo hay tiếp nhận những chân lý hiển nhiên mà tìm kiếm ở tác phẩm sự mời gọi đối thoại, kích thích suy nghĩ. Nhân vật nhà văn ở thời điểm này cũng không xuất hiện với tư cách của một quan tòa đưa ra những phán quyết cuối cùng buộc mọi người phải chấp hành, mà nhân vật này chủ yếu làm công việc kích thích, gợi mở những ý kiến khác nhau để bạn đọc cùng suy ngẫm, bàn bạc, tìm hướng giải quyết tốt nhất. Tác phẩm cũng được trình bày theo kiểu "nêu vấn đề" mời gọi đối thoại.

Trong Nỗi buồn chiến tranh người đọc được chứng kiến tiến độ hoàn thành bản thảo của Kiên - "nhà văn cấp phường" từ ý tưởng ban đầu, đến những biến thiên, kết thúc và cả số phận của nó qua dòng ý thức miên man của những kỷ niệm và hồi ức trong anh. Nỗi buồn chiến tranh rất giống với một tác phẩm viết theo hình thức tự truyện với ba đặc tính là ước muốn níu giữ thời gian, thích tìm hiểu mình và ý muốn nắm bắt những gì không có hình hài như kỷ niệm. Nhưng Nỗi buồn chiến tranh chỉ là một "tự truyện bất thành" do chính tác giả của nó còn chưa dám công khai trực diện trước công chúng và chịu đựng những búa rìu dư luận cũng như cơn thịnh nộ của giới cầm quyền khi viết một tác phẩm về chiến tranh không theo quan niệm chính thống. Hơn nữa, tự truyện thường gắn với sự chủ quan cá nhân do đó nó từng bị coi là thể loại văn học "tiểu tư sản" hay "phản động". Qua Nỗi buồn chiến tranh, tác giả muốn hé lộ cho người đọc xem hậu trường văn học của Kiên với mong muốn người đọc sẽ "hiểu được gánh nặng của kiểm duyệt mà không muốn bàn trực tiếp đến hiện tượng này, không nhắc đến danh từ kị húy đó" (5).

Chinatown (Phố Tàu)của Thuận lại làm người đọc thực sự hoang mang không biết liệu nhân vật nhà văn trong tác phẩm với tác giả ngoài đời có phải là một vì những lời tự bạch của nhân vật trong tác phẩm trùng khít với những nét tiểu sử của chính tác giả in ở bìa ngoài với lý lịch "17 năm chè đỗ đen óc lợn hấp nồi cơm Hà Nội. 5 năm bắp cải thịt cừu căng tin Đại học tổng hợp Lêningrad. 10 năm sáng mì ăn liền, trưa bánh mì, tối bánh mì hoặc mì ăn liền, Paris và các vùng lân cận…" (6) và một bức chân dung lạ lùng nhất về một nhà văn. Đó là một "cái mặt méo mó" khi nhìn mình trong gương, một "cái mặt vô cảm" trong mắt các học trò, một "cái mặt khó đăm đăm" trong mắt người bạn một "cái mặt làm người khác stress" như các đồng nghiệp nhận xét sau lưng, một cái mặt làm người thân "ái ngại", "thương hại", "thất vọng", "xấu hổ". Là một nhà văn nhưng cũng không có quyền gì với nhân vật của mình, thậm chí khi bị nhân vật hành hạ, cật vấn cũng "không mở miệng nói câu nào" chỉ chấp nhận làm một người bạn đồng hành dễ tính với nhân vật. Hậu trường văn học mở ra khiến người đọc có cảm giác như chính mình đang đọc cuộc đời tác giả phơi bày ra trên trang sách và đây chính là sự khẳng định thành công của tác giả bởi tác giả quan niệm "viết không phải để làm yên lòng độc giả" mà với Chinatown, Thuận có tham vọng "quầy rầy độc giả" với mục đích khiến người đọc nghi ngờ không biết Chinatown có phải là sản phẩm văn học hay chỉ là chuyện riêng của nhà văn. Chinatown đề nghị một bài toán còn đáp số thì độc giả mới là người phải tìm ra.

3. Ở một số tác phẩm khác thời kỳ này xu hướng phơi bày, "vạch mặt" chủ thể sáng tạo qua những suy nghĩ, cách sống và công việc viết lách rất được các nhà văn ưu tiên thể nghiệm.

Cát bụi chân ai (1993) của Tô Hoài, Ba phút sự thật (2006) của Phùng Quán hồi ức lại một số chuyện văn chương, dựng lại một số chân dung, khai thác kỹ hơn những chuyện bếp núc nghề nghiệp và một số mặt khuất tối còn ít được nghe, được biết với cách nhìn từng trải, ít nhiều châm biếm và tự trào về mình, về người, giúp nhìn lại một thời đã qua.

Qua những tác phẩm này, các nhà văn muốn chứng tỏ một điều rằng: văn học chỉ là một bộ phận của đời sống, “Mà đã là đời sống thì phải đối xử như đời thường. Huyễn hoặc chính mình, coi mình là thiên chức, nâng cái nghiệp lên thành thần bí thì ắt sinh ra chứng coi thường bạn đọc” (7). Mà điều này thực tâm họ không muốn chút nào, nhất là đối với những nhà văn có tư tưởng tiến bộ.

Tuy nhiên, trong văn xuôi Việt Nam sau Đổi mới, nhân vật nhà văn không chỉ xuất hiện ở "chiều thuận" trong tư cách là một con người luôn có ý thức về nghề, trăn trở trước sứ mệnh và thiên chức của người nghệ sĩ mà còn hiện diện ở "chiều nghịch" với những nét dị nghịch, những lỗi lầm và cả sự ngộ nhận về nghề nghiệp của mình nữa.

Nhân vật "văn sĩ" Thuấn ở truyện ngắn Trăng soi sân nhỏ của Ma Văn Kháng trong con mắt của một nhà văn khác trong tác phẩm được mô tả là một kẻ thất học, yểu nhược, một kẻ ôm ấp mộng văn chương đến bệnh hoạn lại thiếu sự chia sẻ, chỉ bảo thẳng thắn của những lớp nhà văn đàn anh, bị sự kích động của những "văn sĩ" sa đọa, biến chất đã viết những câu "văn bất thành cú" đầy rẫy những đại ngôn rỗng tuếch. Sống mãi trong ảo tưởng để gia đình nghèo nàn xơ xác, con cái ốm o, tài sản trong nhà có gì thì đem ra đãi "khách văn" để nhận những lời khen tặng giả dối, vô bổ về "tác phẩm" thực ra là bất thành văn của mình.

Nhà văn Phùng trong tiểu thuyết Thoạt kỳ thủy của Nguyễn Bình Phương sống ẩn dật ở một cái xã có lắm người điên lẽ ra phải là một nhân vật tượng trưng cho văn hóa trong một cái làng "vô văn hóa", sống bằng bản năng u tối, tâm hồn bị tàn phá, hủy diệt lại chỉ là "một anh già bất lực, không đem lại cứu rỗi được gì cho ai". Mục đích sống suốt đời của ông là viết văn và đoạt được giải thưởng văn chương nhưng thực ra chẳng ai biết ông viết gì, bản thảo duy nhất ông đọc cho Tính - một người điên loạn bệnh hoạn nghe và được tác giả in vào phần phụ lục cũng là một bản thảo "điên điên" tượng trưng cho sự tiếp nối ý thức sáng tạo nghệ thuật giữa mơ và điên của tác giả.

Ở Tầng trệt thiên đường, nhân vật nhà văn của Bùi Hoằng Vị lại làm người đọc chết ngột khi để cho "chữ nghĩa chảy lênh láng, ngập ngụa, ào ạt khắp", "ngập một tấc trên sàn, tràn cả ra cống rãnh" (8) và những "hữu thể có cánh" đã lao động sáng tạo một cách khổ ải, điên cuồng, phi lý, "tuyệt đối cô đơn" với "sứ mệnh làm chứng cho nỗi vô nghĩa bí ẩn và vĩnh cửu của tồn tại Thiên Đường". Đây chính là "thực tại của các nhà thơ xung phong, của những nhà thơ bội thực chữ, của những nhà thơ chết vì chữ" (8).

Xây dựng những kiểu loại nhân vật này, tác giả không chỉ "hạ bệ" vai trò của nhà văn trong thời đại ngày nay mà còn lên tiếng cảnh tỉnh đối với những ai đang nuôi những mộng ảo về văn chương một cách phi lý, không phù hợp với thực tại cuộc sống. Trong khi văn chương được coi là một nghệ thuật và nghệ thuật làm văn chính là nghệ thuật sống thì một số người lại tự tạo cho mình một lối sống khác thường. Họ không hiểu được rằng sự tương thích ở người này là hòa hợp nhưng ở người khác lại là a dua, sự đơn giản trở thành tinh tế đối với người này nhưng lại trở nên thô thiển với người khác… Chỉ có qua nhân vật làm nghề viết văn với những suy nghĩ liên đới với nghề, các tác giả mới thực sự giải toả được những ẩn ức của mình, đồng thời qua việc "nhìn người" mà tự điều chỉnh lối sống của mình cho phù hợp .

4. Như vậy, sự ra đời và phát triển của nhân vật nhà văn trong văn xuôi qua mỗi thời kỳ thể hiện sự biến đổi trong phương thức tư duy và hình thức thể hiện của nhà văn. Trong văn học hiện đại, nhân vật nhà văn - người trí thức hiện lên như những người bất lực trước thực tại cuộc sống nhưng luôn được nâng đỡ bởi lý tưởng sống cao đẹp và sự ý thức sâu sắc về phẩm giá làm người. Bởi thế người đọc trước nay luôn coi nhân vật người trí thức là một kiểu nhân vật chính diện. Thế nhưng trong văn xuôi thời kỳ sau Đổi mớiđã bắt đầu có sự xáo trộn đáng kể. Nhân vật nhà văn tuy vẫn cố gắng khẳng định phẩm chất của mình giữa hiện thực cuộc đời nhưng vẫn không thoát được vẻ tội nghiệp, một mặc cảm lạc loài, cô đơn, thậm chí còn “cho thấy sự hủy diệt của nhân vật người trí thức với tư cách một mẫu nhân vật chính diện” (2).

Cuộc sống hiện đại với nhịp sống gấp gáp, hối hả, con người sống trong xã hội đó cũng phải nhanh chóng bắt nhịp với nó thì mới mong tìm được tiếng nói chung giữa hiện thực cuộc đời. Trong khi mọi người vội vã, gấp gáp kiếm tìm tiền tài, danh vọng, bỏ qua một số giá trị tốt đẹp xưa kia, kể cả những mối tình cảm thân thuộc gắn bó giữa cha con, anh em, họ hàng, làng xóm... thì nhà văn lại cảm thấy sự chênh vênh yếu ớt trong tâm hồn. Anh ta không thể bước được vào quỹ đạo ấy, mạch sống ấy, lại là người cực kỳ tinh tế và nhạy cảm cho nên anh ta ý thức sâu sắc về mình và chỗ đứng của bản thân với một mặc cảm lạc loài, một nỗi buồn khắc khoải của kẻ đi bên lề cuộc sống. Nhưng anh ta cũng không thể tự “túm tóc” mình để kéo mình ra khỏi cái thực tại mà mình đang sống cho nên vẫn sống và viết như một sự giải thoát cho tâm hồn.Việc để cho nhân vật nhà văn xuất hiện trong tác phẩm vừa nằm trong ý đồ sáng tạo nghệ thuật của nhà văn, khơi dậy một nguồn cảm hứng nối dài của văn học khi viết về chính nó, đồng thời thể hiện nhu cầu muốn trao đổi về học thuật, về thế giới quan, nhân sinh quan, về những chiêm nghiệm suy tư mang tính chất triết lý của chính bản thân nhà văn, góp phần đưa văn chương tiến gần đến giai đoạn mới với chủ nghĩa hậu hiện đại.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nguyễn Việt Hà (2005), Khải huyền muộn, Nxb Hội Nhà văn.

2. Nguyễn Việt Hà (2006), Cơ hội của Chúa, Nxb Hội Nhà văn.

3. Nguyễn Khải (2003), Truyện ngắn 1, Nxb Hội Nhà văn.

4. Ma Văn Kháng (2002), Truyện ngắn chọn lọc, Nxb Hội Nhà văn.

5. Đoàn Cầm Thi, “Nỗi buồn chiến tranh - tự truyện bất thành”, http://tienve.org.

6. Thuận (2005), “Phố Tàu”, http://tienve.org.

7. Tập thể tác giả (2001), Những vấn đề lí thuyết lịch sử và ngôn ngữ, Nxb Giáo dục.

8. Bùi Hoằng Vị, “Tầng trệt thiên đường”,  http://www.hopluu.net.

 

 

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114440635

Hôm nay

2230

Hôm qua

2309

Tuần này

2539

Tháng này

215809

Tháng qua

112676

Tất cả

114440635