Những góc nhìn Văn hoá

Từ Xô viết Nghệ Tĩnh đến Tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở Nghệ An, Hà Tĩnh tháng 8/1945

Phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh là một sự kiện lịch sử trọng đại của cách mạng Việt Nam ngay sau khi Đảng ta vừa mới ra đời. Đó là kết quả tất yếu của cao trào đấu tranh cách mạng của công nhân và nông dân cả nước trong những năm 1930-1931. Từ cuộc đấu tranh mở đầu của công - nông Vinh Bến Thủy, phong trào đã lan rộng ra nhiều địa phương ở hai tỉnh Nghệ Tĩnh và phát triển lên đến đỉnh cao với sự ra đời của chính quyền Xô viết Nghệ Tĩnh. Mặc dù chỉ tồn tại với hình thức sơ khai, nhưng Xô viết Nghệ Tĩnh đã để lại những dấu ấn tốt đẹp về một nhà nước công – nông, đáp ứng khát vọng độc lập, tự do cháy bỏng của nhân dân ta, đồng thời để lại nhiều bài học quý cho cách mạng Việt Nam.

Tranh sơn mài Xô Viết Nghệ Tĩnh do họa sỹ Nguyễn Đức Nùng phác thảo,

trưng bày tại Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh.

Xô viết Nghệ Tĩnh đã khẳng định trong thực tế quyền lãnh đạo và năng lực lãnh đạo của giai cấp công nhân và Đảng tiền phong của nó. Đồng thời, đây là cuộc tổng diễn tập đầu tiên của cách mạng dân tộc dân chủ ở Việt Nam. Gọi là cuộc tổng diễn tập bởi vì qua phong trào này, một loạt vấn đề cơ bản về đường lối chiến lược và phương pháp cách mạng được thử thách và đã đem lại những kinh nghiệm bổ ích cho tiến trình cách mạng tiếp sau, đặc biệt trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Thắng lợi nhất của Đảng ta trong phong trào cách mạng 1930 - 1931 mà đỉnh cao là Xô Viết Nghệ Tĩnh là đã xây dựng được khối liên minh công nông vững chắc. Xô Viết Nghệ Tĩnh cổ vũ mạnh mẽ nhân dân ta chủ yếu là công nhân và nông dân, làm cho họ thấy có đủ khả năng lật đổ ách thống trị của đế quốc và phong kiến, xây dựng xã hội mới. Xô viết Nghệ Tĩnh là hiện tượng độc đáo trong phong trào giải phóng dân tộc toàn thế giới, gây tiếng vang trong toàn quốc và làm chấn động dư luận quốc tế, thể hiện ý chí kiên cường và tinh thần bất khuất của một dân tộc thuộc địa, khiến cho những dân tộc cùng chung số phận thấy được vai trò lịch sử của mình, càng tin tưởng ở khả năng sáng tạo lịch sử của những người cách mạng. Lần đầu tiên ở nước ta, vấn đề nông dân trở thành một nội dung quan trọng trong quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc và cũng là lần đầu tiên vấn đề phản phong được đề cập đến. Phong trào cách mạng 1930 - 1931 đã đào tạo cho cách mạng nước ta một đội ngũ cán bộ rất lớn, vững vàng qua thử thách ác liệt trong cuộc chiến sống mái với kẻ thù của giai cấp và của dân tộc.

Xô viết Nghệ Tĩnh đã để lại cho chúng ta nhiều bài học kinh nghiệm quý báu, ngày càng có tác dụng sâu xa vào tiến trình phát triển của lịch sử cách mạng Việt Nam. Đó là bài học về kế thừa và phát huy truyền thống yêu nước, bất khuất, quật cường của dân tộc, quyết không chịu làm nô lệ; về đảm bảo vai trò lãnh đạo cách mạng của Đảng, thường xuyên đấu tranh chống “tả khuynh” và “hữu khuynh” để đảm bảo tính chất giai cấp công nhân của Đảng, làm cho Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Bài học to lớn về sức lôi cuốn, tập hợp đông đảo các tầng lớp nhân dân thông qua đường lối, chủ trương, khẩu hiệu đúng đắn của Đảng, đáp ứng được khát vọng cháy bỏng của nhân dân. Bài học về nghệ thuật sử dụng những hình thức và phương pháp cách mạng thích hợp với từng hoàn cảnh lịch sử cụ thể để giành, giữ chính quyền.v.v… Từ một lực lượng cách mạng đã được tôi rèn qua gian nan, thử thách và những bài học kinh nghiệm quý báu đó, là cơ sở để Đảng ta đã vận dụng, bổ sung và phát triển đường lối cách mạng giải phóng dân tộc do Đảng đề ra năm 1930 và góp phần vào thắng lợi của Tổng khởi nghĩa trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Thanh niên tham gia biểu tỉnh tại thành phố Vinh tháng 8 năm 1945 ( ảnh tư liệu)

Tại hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, chớp thời cơ thuận lợi khi “Chính phủ Nhật đã đầu hàng vô điều kiện”1, Ủy ban khởi nghĩa Nghệ - Tĩnh đã phát lệnh khởi nghĩa và rải truyền đơn khắp mọi vùng kêu gọi: “Toàn thể đồng bào hãy đoàn kết dưới ngọn cờ đỏ sao vàng của Việt Minh, đứng đầu đánh đổ Chính phủ Việt gian, lập chính quyền nhân dân cách mạng, sẵn sàng lực lượng đối phó với tất cả mọi sức phản động…”2 .. Lệnh khởi nghĩa và truyền đơn của Việt Minh Nghệ Tĩnh đã thổi vào phong trào quần chúng một luồng sinh khí mới. Không khí khởi nghĩa sục sôi, trào dâng. Khắp các địa phương, Ủy ban khởi nghĩa, Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời được thành lập cấp tốc. Truyền đơn, biểu ngữ, khẩu hiệu xuất hiện khắp nơi. Cờ đỏ sao vàng rực rỡ tung bay trên nóc các đình làng, trên các cây cao. Nhiều cuộc mít tinh, diễn thuyết, biểu tình, tuần hành, thị uy… nổ ra liên tiếp, tạo ra khí thế tấn công của cách mạng. Cuộc khởi nghĩa tại thành phố Vinh kết thúc thắng lợi nhanh gọn trong ngày 21/8/1945 mà không hề có đổ máu. Còn ở các huyện đồng bằng và trung du cũng như vùng thượng du cũng lần lượt giành chính quyền từ ngày 18 đến ngày 26/8/1945. Cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8/1945 trong cả tỉnh Nghệ An rộng lớn đã giành thắng lợi chỉ trong vòng 9 ngày.

 Còn tại Hà Tĩnh, sau khi nhận được lệnh khởi nghĩa của Việt Minh liên tỉnh, công tác chuẩn bị được thực hiện hết sức khẩn trương. Các Ủy ban khởi nghĩa huyện được thành lập và họp bàn kế hoạch giành chính quyền ở huyện. Các đội tuyên truyền xung phong làm việc tích cực. Các cuộc mít tinh, tuần hành thị uy lôi cuốn hàng vạn người tham gia. Làng quê ngõ xóm rộn ràng tiếng tù và, tiếng chiêng trống. Sáng ngày 18/8/1945, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở tỉnh lỵ Hà Tĩnh đã giành thắng lợi nhanh gọn, chính quyền cách mạng lâm thời tỉnh Hà Tĩnh được thành lập trong sự vui mừng khôn xiết của nhân dân. Đến ngày 21/8/1945, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền huyện Hương Khê thắng lợi đã kết thúc trọn vẹn cuộc khởi nghĩa giành chính quyền trên toàn tỉnh Hà Tĩnh. Như vậy cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8/1945 trong cả tỉnh Hà Tĩnh đã diễn ra khẩn trương, giành thắng lợi chỉ trong 5 ngày (từ ngày 16 đến ngày 21/8/1945), toàn bộ chính quyền đã về tay nhân dân.

Những thắng lợi trên là kết quả của cả một quá trình đấu tranh lâu dài đầy gian khổ, hi sinh và phức tạp của các tầng lớp nhân dân, kể từ lúc thực dân Pháp đặt chân lên đất Nghệ Tĩnh. Đó cũng là kết quả tất yếu của những cuộc diễn tập đã tốn nhiều xương máu của Đảng bộ và nhân dân trong hai tỉnh từ phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh 1930-1931. Đó còn là kết quả của khối đại đoàn kết toàn dân vì lợi ích tối cao của dân tộc. Khi cơ hội ngàn năm có một đã tới, Việt Minh liên tỉnh Nghệ - Tĩnh mà nòng cốt là các đảng viên cộng sản kỳ cựu đã vận dụng đúng đắn chủ trương của Mặt trận Việt Minh vào hoàn cảnh địa phương một cách linh hoạt và rất sáng tạo. Việt Minh liên tỉnh đã tổ chức, tập hợp được mọi tầng lớp nhân dân, phân hóa được hàng ngũ kẻ thù, ngăn chặn được sự chống đối có thể có của quân Nhật và tay sai, sử dụng hình thức và phương pháp thích hợp, tùy hoàn cảnh của từng địa phương.

Thắng lợi của cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Nghệ An, Hà Tĩnh đã góp phần xứng đáng vào thắng lợi chung của cả nước, phá tan xiềng xích nô lệ của chế độ phát xít, thực dân, phong kiến trên đất nước ta; mở ra một kỷ nguyên mới cho lịch sử dân tộc Việt Nam. Và để có được thắng lợi rực rỡ đó, chúng ta càng thấy được ý nghĩa to lớn của phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Tuy đế quốc Pháp đã dập tắt phong trào đó trong một biển máu, nhưng Xô viết Nghệ - Tĩnh đã chứng tỏ tinh thần oanh liệt và năng lực cách mạng của nhân dân lao động Việt Nam. Phong trào tuy thất bại, nhưng nó rèn luyện lực lượng cho cuộc Cách mạng Tháng Tám thắng lợi sau này”3.

Chú thích:

1 Phát xít Nhật đầu hàng Đồng minh vô điều kiện ngày 13/8/1945, nhưng đến ngày 15/8/1945 Đài Phát thanh các nước Đồng minh mới đưa tin chính thức.

2Tài liệu lưu trữ tại Văn phòng Tỉnh ủy Nghệ An

3Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 2011, tập 12, tr.407-408

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114443641

Hôm nay

2199

Hôm qua

2333

Tuần này

21454

Tháng này

218815

Tháng qua

112676

Tất cả

114443641