Những góc nhìn Văn hoá

Vàng tháp Hời - những thông điệp sống mãi với thời gian của nhà văn Vũ Hạnh

1. Giữa những ngày cả nước đang căng mình chống đại dịch Covid-19, nhất là ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, nhận tin nhà văn Vũ Hạnh qua đời ngày 15/8/2021 do tuổi cao sức yếu, hưởng thọ 96 tuổi, tôi xin viết đôi điều để tưởng nhớ một trong những nhà văn, chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng, văn hóa ở đô thị miền Nam giai đoạn 1954-1975. Vũ Hạnh tên thật là Nguyễn Đức Dũng, sinh ngày 15/7/1926 (năm Bính Dần) tại xã Bình Nguyên, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Năm 2007, ông được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật.

Nhà văn Vũ Hạnh

Tài năng ông thể hiện trên lĩnh vực sáng tác với hơn 40 truyện ngắn và tiểu thuyết; trên lĩnh vực nghiên cứu, phê bình với hơn 60 công trình. Nhiều tác phẩm giá trị, có sức sống lâu bền với thời gian như Vượt thác, Bút máu, Vàng tháp Hời, Chất ngọc, Lửa rừng, Cô gái Xà Niêng, Đọc lại Truyện Kiều, Người Việt cao quý, Tìm hiểu văn nghệ… Bút danh Vũ Hạnh là tên của người bạn Võ Hạnh từ thời niên thiếu và sau này cùng là đồng chí trong hoạt động cách mạng, cùng bị bắt giam ở quê hương Quảng Nam dưới chế độ Mỹ - Ngụy. Ông còn dùng nhiều bút danh khác như Hoàng Thanh Kỳ, Minh Hữu, Nguyên Phủ, Cô Phương Thảo, A.Pazzi…

Vũ Hạnh sinh trong một gia đình Nho học xứ Quảng, tham gia hoạt động cách mạng từ tháng 3/1945, từng giữ vai trò là thành viên Ủy ban Tổng khởi nghĩa huyện Thăng Bình trong Cách mạng Tháng Tám. Sau khi Hiệp định Genève ký kết, ông ở lại quê hương tiếp tục hoạt động, năm 1955 bị bắt giam. Được trả tự do năm 1956, ông vào Sài Gòn tích cực hoạt động trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ. Trong thời gian hoạt động dưới chế độ Mỹ - Ngụy Sài Gòn, Vũ Hạnh từng 5 lần bị bắt giam, song trước sau như nhất, ông vẫn kiên định con đường, mục tiêu đã lựa chọn. Tác phẩm của ông thể hiện tinh thần đấu tranh chống văn hóa nô dịch, gìn giữ hồn cốt văn hóa dân tộc, tập hợp lực lượng các nhà văn yêu nước. Sau Đại thắng mùa Xuân năm 1975, đất nước thống nhất, ông được bầu làm Tổng Thư ký Hội Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 1975 - 1985.

Truyện ngắn “Vàng tháp Hời” trên Tạp chí Bách Khoa

2. Vũ Hạnh có nhiều tác phẩm hay, có giá trị lâu dài, với tôi, Vàng tháp Hời[1]là một truyện ngắn đặc sắc như thế. Qua những hình tượng nhân vật sinh động, trong không khí huyền ảo của truyền thuyết dân gian đầy ám ảnh, nhà văn đã gửi gắm nhiều thông điệp sống mãi với thời gian. Cũng tương tự như nhiều tác phẩm khác, câu chuyện được nhà văn kéo lùi về thời xa xưa không xác định, chỉ biết rằng khi ấy “còn nguyên hai ngọn Tháp Mẹ, Tháp Con”. Không gian diễn ra trên khu đền tháp Chăm cổ tại làng Đồng Dương, xã Bình Định Bắc, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Đó là bối cảnh để tác giả phục dựng bằng nghệ thuật quá trình thời gian, thiên nhiên và con người (mà chủ yếu do con người) tàn phá một di sản vô cùng giá trị, quan trọng của người Chăm xưa. Dù chỉ là truyện ngắn nhưng lại mang dung lượng như một tiểu thuyết với nhiều câu truyện, nhiều số phận đan xen. Mỗi lớp truyện như vậy đã chuyển tải những thông điệp ý nghĩa nhằm làm rõ hơn cảm hứng chủ đạo.

3. Truyện ngắn có nhiều nhân vật hám lợi, tàn nhẫn, lắm dục vọng, tiêu biểu là ông Cửu Dật (nhân vật chính) và Ta-Khốt. Người dân gần khu vực đền tháp Đồng Dương thường truyền tụng nhiều câu chuyện về vua Chăm và kho vàng được cất giấu ở khu đền tháp cổ. Điều đó khiến cho “sự khát thèm những của quí vẫn nung nấu bao đời” đối với một số người dân quanh vùng. Dù biết vậy nhưng không nhiều người dám mạo hiểm tính mạng mà xúc phạm đến thần linh, bởi có nhiều “chuyện ma quái hoang đường” tại đây. Thế nhưng ông Cửu Dật - nhân vật chính - lại không xem trọng sự linh thiêng, ông đã dành trọn cuộc đời để tìm tòi, đào bới, đập phá di tích để săn tìm báu vật. Nhưng bao công sức của ông từ thời trai trẻ cho đến khi đã già, sức lực cạn kiệt vẫn không có kết quả gì.

Khao khát tìm vàng ấy lại bùng lên dữ dội khi ông Cửu Dật ngỡ hai kẻ ăn mày đã tìm ra kho báu. Trong đêm tối tăm, ông đã ra tay giết kẻ ăn mày để đoạt lấy hòn đá từ đỉnh tháp rơi xuống mà họ nghĩ rằng có vàng giấu bên trong. Nhưng chẳng thấy vàng đâu mà ông đã phải trả giá bằng một con mắt bị mù do khi đập hòn đá ấy, mảnh vỡ văng vào. Từ đó, ông thường xuyên bị “ác mộng hãi hùng đầy những xác chết, những bàn tay máu, những cái sọ dừa lủng lẳng”.Cuối cùng, trong đêm mưa bão định mệnh làm đổ ngọn tháp do mất hòn đá trên đỉnh, ông Cửu Dật vật vã bởi cơn mê sảng về những “oan hồn trỗi dậy gọi mình”, rồi ông chết trong đớn đau, thất vọng.

Cùng với ông Cửu Dật, chúng ta còn phải kể đến hai lão ăn mày, là anh em ruột Ta-Khốt và Kha-Lai. Cuộc đời của Ta-Khốt bị lòng tham và nhiều thứ cám dỗ như rượu chè, cờ bạc, phụ nữ tàn phá, nợ nần chồng chất đến mức phải bỏ nhà đi trốn nợ. Ta-Khốt nghĩ ra cách làm giàu nhanh chóng là đi tìm kho báu trong các tháp cổ, nên đã thuyết phục người em đi cùng. Vì được ăn học nên Ta-Khốt biết chữ của cha ông, khi đến khu đền tháp Đồng Dương, họ đọc được các mảnh vỡ của văn bia, có nội dung ghi rằng: những gì quý giá nhất nằm dưới giếng sâu và trên đỉnh tháp, nên họ ngỡ kho báu ở đó. Kha-Lai đã lặn xuống giếng cổ để tìm kho báu nhưng không thấy, còn Ta-Khốt lại nghĩ người em giấu để hưởng riêng, nên y dìm Kha-Lai chết dưới giếng. Ta-Khốt leo lên tháp, tìm cách lấy hòn đá to trên đỉnh, khi hòn đá rơi xuống thì y cũng ngã theo, nằm thoi thóp trên vũng máu. Cuối cùng, Ta-Khốt tàn ác cũng chết trong tay kẻ cùng đang săn lùng kho báu, y bị ông Cửu Dật giết để chiếm hòn đá.

Như vậy, số phận của những kẻ tham vàng, hám lợi mà bất chấp tình anh em máu mủ, bất chấp đạo lý, coi thường thần linh đều chịu bi kịch, quả báo với những cái chết đớn đau, nặng nề, khiếp đảm. Cảm hứng phê phán cái xấu, cái ác được tác giả khắc họa đậm nét trong suốt truyện ngắn. Đây là lời cảnh tỉnh cho những kẻ táng tận lương tâm vì ham muốn tiền bạc, phú quý mà bán lương tâm cho ác quỷ. Thông điệp này đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh xã hội xô bồ, hưởng thụ ở miền Nam dưới chế độ Mỹ-Ngụy giai đoạn 1954-1975. Bởi khi ấy, Đế quốc Mỹ và tay sai âm mưu chia cắt đất nước lâu dài, chủ trương phổ biến lối sống nô dịch, tiêu thụ, đề cao vật chất, tiền bạc, hưởng lạc, dâm ô… để lôi kéo một bộ phận không ít quần chúng nhân dân học đòi theo.

Năm 1902, H.Parmentier đã khai quật Di tích Đồng Dương(nguồn: http://thegioidisan.vn/)

4. Ngày nay, chúng ta đều biết, di tích có giá trị vô cùng quan trọng, đó là những nguồn sử liệu mang giá trị văn hóa, kiến trúc, tâm linh… của cha ông kết tinh, xây dựng nên. Đó là cơ sở, tiền đề để khẳng định nguồn gốc tổ tiên, bề dày văn hóa, bản sắc dân tộc. Như GS. Hà Văn Tấn đã cảnh báo “một dân tộc mất đi di tích lịch sử - văn hóa là một dân tộc đánh mất trí nhớ. Mà mất trí nhớ thì cũng gần như mất trí”[2].

Tiếc thay, ý thức gìn giữ giá trị văn hóa bị che mờ bởi cái nhìn trục lợi, khiến cho nhiều di sản trở thành phế tích, bị hủy hoại bởi những bàn tay tham lam. Điều này trở thành nỗi ám ảnh khôn nguôi, được nhà văn tổng kết trong một đoạn văn đầy xót xa: “bao nhiêu công trình trong các tháp xưa đã bị phá hủy bằng những bàn tay đói vàng. Ở đâu người ta cũng chỉ nhìn thấy tấm lòng trục lợi của mình. Hết cả nghệ thuật, hết cả sinh hoạt tinh thần, hết cả ý nghĩa lịch sử, mà chỉ toàn là lòng tham, toàn là thèm muốn, chỉ là giày xéo cho đổ vỡ, phá hoại cho tiêu điều”.

Thông điệp này được Vũ Hạnh gửi gắm từ năm 1961, vậy nhưng ngày nay vẫn mang tính thời sự, đây vẫn là một thực tế nan giải. Rất nhiều di sản, di tích ở Việt Nam trong tình trạng xuống cấp, hư hại, thành phế tích do thiên nhiên, do chiến tranh và chính yếu vẫn là do con người. Nhiều nhà khảo cổ học ở Việt Nam hiện nay xót xa khi thấy nhiều di tích, nhất là những tháp Chăm cổ khi khai quật thì phần lớn đều đã bị đào xới trước đó.

5. Khi nói đến tuyên ngôn nghệ thuật của Vũ Hạnh, hẳn chúng ta không thể không đề cập truyện Bút máu. Bên cạnh đó, theo tôi, Vàng tháp Hời cũng được nhà văn gửi gắm nhiều thông điệp hết sức ý nghĩa về phẩm chất người nghệ sĩ. Đây là một nội dung tương đối độc lập trong tác phẩm, là truyền thuyết dân gian do vị giáo sư khảo cổ kể cho ông Cửu Dật nghe. Nội dung truyền thuyết nói về A-Doan, người nghệ sĩ đã thiết kế và chỉ đạo thi công xây dựng hai tòa tháp Mẹ và tháp Con kỳ vĩ ở Đồng Dương.

A-Doan vốn là họa sĩ tài năng của nước Chiêm Thành xưa, đang trong thời kỳ tuổi trẻ sung sức, có nhiều bức vẽ đẹp thì cuộc sống bình yên, hạnh phúc bị đảo lộn bởi khói lửa chiến tranh ngùn ngụt “bốc lên ngoài cõi biên thùy”. Người yêu chàng (nàng Phô Mai) lo lắng khuyên “chàng phải giữ tài hoa của nét bút chàng. Chiến đấu là phần kẻ khác”. Nhưng với A-Doan, ngoài tư cách là người nghệ sĩ, chàng cũng là con em người dân Chiêm Thành, nên cũng có trách nhiệm với quê hương, Tổ quốc mình. Vì vậy, A-Doan quyết định sẽ ra chiến trường như các thanh niên trai tráng khác chứ không “sống lẩn lút như loài sâu bọ”.

Trong quá trình chinh chiến, cùng hòa nhịp sống với nhân dân, người nghệ sĩ A-Doan đã nhận thức ra rằng: “Chiến địa là chỗ đứng chung của tất cả người yêu nước… Ta muốn nét vẽ của ta thuộc về đông đảo cuộc đời và mang sức mạnh giống nòi bất khuất. Ta đi chiến đấu là để bảo toàn nét vẽ của ta”. Như vậy, người nghệ sĩ sẵn sàng đứng trên chiến tuyến để chống giặc, phải hòa mình vào nhân dân mới thấu hiểu được đời sống cần lao, mới có đóng góp cho xã hội, cho đất nước. Nếu không như vậy, tác phẩm của người nghệ sĩ chỉ làm vui lòng người đẹp, hay xếp trong “xó đền đài” nào đó mà thôi.

Chiến tranh đã gây nên hậu quả tàn khốc, tang thương, người họa sĩ A-Doan sống sót trở về nhưng đã mất đi cánh tay tài hoa, trở thành kẻ tàn tật. Nhưng với nghị lực, niềm tin sắt đá, chàng A-Doan khẳng định: “Chiến tranh không sao thắng nổi sức người, ta sẽ luyện lấy tay ta và đổi nghề ta thành nghề xây dựng sau những điêu tàn”. Với tài năng và óc nghệ thuật sẵn có, với nỗ lực không ngừng, A-Doan trở thành nhà kiến trúc tài hoa của đất nước. Khi được nhà vua lựa chọn là người thiết kết xây dựng “Hai tháp thờ phụng thần linh che chở cho ta và nói những gì mà ta khát vọng trọn đời”. A-Doan đã đem hết tài năng, sức lực của mình để thiết kế và chỉ đạo thi công xây dựng hai ngọn tháp một cách hoàn hảo, toàn vẹn nhất.

Nhưng bất hạnh thay, sau khi công trình kỹ vĩ hoàn thành, nhà vua không hiểu dụng ý nghệ thuật, không bằng lòng với công trình nên đã giận dữ nhục mạ A-Doan. Với chí khí “của kẻ suốt đời chỉ biết chiến đấu bênh vực lẽ phải, bảo toàn sự thực”, chàng đã thẳng thắn phê phán nhà vua sai lầm, đã nói lên ý tưởng nghệ thuật của mình, nói về sự phù hợp của công trình “với hai sự thực”. Hậu quả là chàng trở thành kẻ có tội với vua. Người nghệ sĩ A-Doan đã phải trả giá bằng sinh mạng mình: “Máu chàng thắm tươi chảy xuống chan hòa mặt đất khiến kẻ qua đường ôm mặt nghẹn ngào”. Niềm an ủi của chàng là nàng Phô Mai (người yêu và cũng là tri âm, tri kỷ) đã đến bên, lấy thanh gươm của chàng đưa lên cổ, để “máu nàng hòa lẫn máu chàng như một niềm son thắm thiết muôn đời…”.

Qua cuộc đời của A-Doan, nhà văn đã gửi gắm nhiều thông điệp, rằng người nghệ sĩ cũng như những người dân khác, họ phải có trách nhiệm với quê hương, với đất nước. Khi Tổ quốc bị xâm lăng, họ phải đồng hành cùng dân tộc, đem tài năng, sức lực và thậm chí cả xương máu, tính mạng để đánh giặc giữ nước. Họ cũng phải hòa mình, nếm trải và “thấm nhuần đau khổ lớn lao trăm họ”, phải dùng tài năng phục vụ cho cuộc đời rộng lớn, đem lại lợi ích cho nhân dân. Chứ không phải người nghệ sĩ chỉ đem niềm vui và vẻ đẹp cho một vài cá nhân nào đó. Người nghệ sĩ phải đề cao chân lý, dám nói lên sự thực và bảo vệ lẽ phải dù tính mạng có bị đe dọa. Những thông điệp này càng có ý nghĩa lớn lao, sâu sắc hơn trong bối cảnh văn hóa văn nghệ miền Nam giai đoạn 1954-1975 có sự phân hóa sâu sắc với nhiều khuynh hướng phức tạp. Không ít nhà văn trở thành bồi bút cho chính quyền Việt Nam Cộng hòa, cổ súy lối sống thực dụng, hưởng lạc, bất cần, đồi trụy… Đây cũng là lời cảnh tỉnh của Vũ Hạnh đối với những nhà văn dùng ngòi bút vì danh lợi, vì lạc thú mà quên đi thiên chức.

6. Nói chung, cảm hứng chủ đạo của truyện ngắn Vàng tháp Hời là sự đổ vỡ. Từ hình tượng đổ vỡ của ngôi tháp cổ khiến cho người đọc liên tưởng đến sự đổ vỡ của nhân phẩm, của tình người, của giá trị và di sản văn hóa truyền thống. Dù đọc tác phẩm đã nhiều lần, nhưng mỗi khi đọc xong, cảm xúc trong tôi lại nghẹn ngào, bởi căm phẫn sự tàn nhẫn của lòng người, bởi xót xa, nuối tiếc những di sản quý báu của cha ông. Toàn bộ tác phẩm là chuỗi những bi kịch với đầy máu và nước mắt, nhưng qua đó sẽ giúp thanh lọc tâm hồn người đọc. Nhà văn Vũ Hạnh đã gửi gắm nhiều thông điệp ý nghĩa về gìn giữ nhân phẩm và di sản văn hóa dân tộc, về trách nhiệm và bản lĩnh của người nghệ sĩ cho các thế hệ độc giả hôm qua, hôm nay và mãi mai sau./.

Đà Nẵng, 8/2021



[1]Truyện ngắn và các trích dẫn trong tác phẩm từ nguồn: Vũ Hạnh (1961), “Vàng tháp Hời”, Tạp chí Bách Khoa, số 97, ngày 15/01/1961, tr.187-216.

[2]Hà Văn Tấn (2003), Bảo vệ di tích lịch sử - văn hóa trong bối cảnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, Tạp chí Di sản Văn hóa, số 2 (quí I - năm 2003), tr.4.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114440684

Hôm nay

2279

Hôm qua

2309

Tuần này

2588

Tháng này

215858

Tháng qua

112676

Tất cả

114440684